Bảo tồn và phát huy giá trị kỹ thuật chế tác – viết chữ trên thủ bản Kinh Phật của người Khmer ở vùng Bảy Núi – An Giang (ThS. Đạo Thanh Quyến)

Tóm tắt: Thủ bản Kinh Phật viết trên lá buông là di sản vô giá, lưu truyền ký ức trong quá khứ mà không phải quốc gia nào, khu vực nào, dân tộc nào cũng có được. Qua các thủ bản Kinh Phật viết trên lá buông, chúng ta có thể thấy rõ những tư tưởng, giáo lý của Phật giáo Nam tông. Đặc biệt là những câu chuyện về thân thế của Đức Phật Thích Ca, về vô lượng kiếp của Đức Phật, hay những sáng tác về truyện cổ dân gian được xây dựng trên tín lý nhà Phật. Chính những nội dung của thủ bản Kinh Phật viết trên lá buông đã góp phần hình thành nên tính cách, định hướng cho một lối sống nhân ái, hiền hòa, mà mỗi người có thể tìm về những giá trị căn tính bản ngã cá nhân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đa văn hóa hiện nay, việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị thủ bản Kinh Phật viết trên lá buông của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và An Giang nói riêng đóng một vai trò quan trọng. Việc này không chỉ giáo dục ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn giúp cho cộng đồng các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á, châu Á bảo tồn nét văn hóa phương Đông trong quá trình hội nhập và phát triển. Với ý nghĩa đó, bài viết này đưa ra các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị kỹ thuật chế tác – viết chữ trên thủ bản Kinh Phật của người Khmer ở vùng Bảy núi – An Giang. Chính những giá trị nhân bản của thủ bản đã trở thành một phần quan trọng trong ký ức của cộng đồng Phật tử Khmer, và được trao truyền cho đến ngày nay.