Tính thời gian và hướng bảo tồn di sản văn hoá Kinh lá Buông trong xu thế toàn cầu hoá (ĐĐ.TS Thích Thanh Tâm)

Tóm tắt: Di sản văn hóa tôn giáo là một loại di sản khơi nguồn từ quá khứ, nhưng có tính hiện tại; là một thực thể tồn tại từ trong quá khứ được chuyển di tới hôm nay và hướng đến tương lai như một giá trị đích thực. Kinh lá Buông là loại thư tịch cổ được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali trên lá Buông xuất hiện từ khoảng thế kỷ 19; là tài sản vô giá chứa đựng giá trị về văn hóa, mỹ thuật, nghệ thuật, kỹ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer, được trao truyền từ đời này sang đời khác. Do đó, khi nhìn nhận từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể, có thể nhận chân giá trị của di sản văn hóa Kinh lá buông từ khía cạnh tính thời gian để thấy sự tồn tại và giữ gìn Kinh lá buông trong quá khứ kéo dài mãi tới hôm nay và hướng tới tương lai. Như vậy có thể thấy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Kinh lá buông có quan hệ gắn bó giữa tính chung và tính riêng, giữa chủ thể và khách thể, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bộ phận và chỉnh thể hệ thống. Do đó, tham luận này đề cập đến tính thời gian và định hướng bảo tồn Kinh lá buông thời hội nhập để làm sáng tỏ giá trị và tầm quan trọng, cũng như hướng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong xu thế toàn cầu hóa.