Tóm tắt: Sự phát triển văn hóa là nguyên nhân thôi thúc viết lách và dẫn đến tìm kiếm những tư liệu mới, đóng vai trò sống còn trong lĩnh vực giáo dục và phát triển Thư viện. Nhiều loại vật liệu khác nhau như đá, đất sét, kim loại, gỗ, giấy cói, lá cọ, vỏ cây, vải, da, giấy,… được sử dụng để viết. Viết bằng tay bằng các tài liệu trên được gọi là bản viết tay. Bản viết tay là dạng thông tin được ghi lại, là phương tiện để lưu giữ và phổ biến kiến thức cho thế hệ mai sau về nhiều chủ đề như tôn giáo, triết học, lịch sử, văn học, y học,…. Đây thực sự là những sản phẩm có giá trị, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Căn cứ vào chất liệu có thể được phân loại khác nhau, theo đó có những sản phẩm viết tay trên những chất liệu quý hiếm, chứa đựng nhiều thông điệp lịch sử, văn hoá.
Khi chưa có giấy viết, người Khmer vùng Bảy Núi đã ghi chép kinh Phật, truyện cổ, trò chơi, bài giáo huấn dân gian trên lá cây buông phơi khô, rồi dùng nước than gỗ hoặc nước trái cau non để lau sạch và cất giữ. Kinh Phật được người Khmer viết trên lá của cây buông, gọi là Kinh lá Buông (Xatra Slấkrít). Đây là loại thư tịch cổ quý hiếm, viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Bali. Mỗi bộ kinh có từ 4-10 cuốn (quyển), mỗi cuốn có 20 – 60 lá kinh, mỗi mặt lá có 5 dòng, với khoảng 150 chữ. Kinh lá buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer.
Di sản văn hóa phi vật thể Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017. Với đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030”, UBND tỉnh An Giang và Nhà nước đã có những quan tâm rất thiết thực nhằm có phương án bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer.
Ở An Giang, kinh lá buông theo số liệu từ các học giả nghiên cứu hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, với trên 100 bộ kinh Phật. Tuy nhiên, nhiều năm qua, kinh lá buông không còn được viết phổ biến bởi nghệ nhân biết được kỹ thuật viết kinh lá buông ngày một ít đi. Đồng thời, do khâu bảo quản gặp khó khăn, không đảm bảo trước tác động của môi trường nên kinh lá buông bị hư hỏng theo thời gian, có nguy cơ bị mai một. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số các phương thức về bảo tồn bản viết tay bằng lá cọ của người Ấn Độ và trên kinh nghiệm đó, đề xuất một số điểm cần lưu ý để có thể giữ gìn, bảo quản được lâu dài kinh lá buông của cộng đồng người Khmer tại An Giang.