Bảo tồn di sản văn hoá nghệ thuật Kinh lá Buông (Mai Hồng Xuân – Thích Nữ Diệu Hương)

Tóm tắt: Phật giáo phát triển và lưu truyền đến các quốc gia trên thế giới dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có những hình thức lưu trữ riêng, tạo nên dấu ấn Phật giáo đặc thù của từng quốc gia, dân tôc đó. Ở các nước Đông Nam Á, có hình thức lưu trữ độc đáo nổi bật của người Khmer vùng biên giới An Giang, đó là kỹ thuật khắc chữ trên lá Buông. Họ đã tiếp thu Phật giáo nguyên thủy, lưu trữ kinh kệ cũng như các thư tịch quan trọng từ những cách điêu khắc thường thấy trên các pho gỗ, đá, sau đó phát triển lên kỹ thuật vẽ trên các lá buông, nhờ vào kỹ thuật điêu khắc bản địa của người Khmer vùng An Giang. Hình thức này đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông của người Khmer” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cũng là một trong những tài liệu hiếm có, là báu vật vô giá của người khmer Nam bộ. Tuy nhiên trải qua sự hao mòn của thời gian, thay đổi của thời đại, ảnh hưởng của thời tiết, mối mọt,v.v… số lượng kinh bị giảm đi một cách trầm trọng và khiến cho việc chế tác bị hạn chế. Vì vậy, để phát huy và bảo tồn giá trị này là vấn đề cần được trú trọng và quan tâm.

Việc chế tác kinh lá Buông nghe qua tưởng chừng đơn giản, nhưng trên thực tế, từ khâu chọn nguyên liệu cho đến các bước sơ chế và tiến hành viết chữ là cả một quá trình lâu dài và tỉ mỉ. Sau khi các công doạn hoàn thành, công đoạn cuối cùng là đóng vào thành từng quyển, lưu trữ lại tại các tủ gỗ hoặc tủ kính.

Điểm đáng khâm phục là người nghệ nhân đã rất tỉ mỉ cho từng nét chữ, kỹ thuật viết điêu luyện, phải trải qua các giai đoạn tập tành gian khổ, và đòi hỏi ở sự kiên nhẫn và sự tập trung cao độ mới có thể chế tác ra những tác phẩm đẹp và có giá trị về mặt nghệ thuật.

Một phần quan trọng trong các tập Kinh lá Buông là phương thức Thuyết pháp và hướng dẫn tu Thiền (Thiếp) của Phật giáo Nam tông Khmer.