DẪN NHẬP
Dưới gốc cây vô ưu, đấng tối tôn đản sanh trong loài người. Giữa thế gian uế trược, thị hiện bậc thanh tịnh cõi trần ai. Sự ra đời của Đức Thế Tôn giữa cuộc đời là điều hạnh phúc nhất cho toàn nhân loại. Ngài đến cuộc đời, sống trong cuộc đời, tìm ra phương cách làm cuộc đời trong sạch, tìm ra con đường giải thoát loài người khỏi sự giam cầm của bản ngã, đưa đến giải thoát sanh tử luân hồi. Đã có rất nhiều nghiên cứu nói về cuộc đời Đức Phật. Nhân ngày lễ Phật đản, người viết nhắc lại một vài yếu tố liên quan đến sự ra đời của Ngài trong Kinh tạng Nikāya – bộ kinh được xem như gần gũi với thời giáo đoàn nguyên thủy nhất. Bằng phương pháp tổng hợp, phân tích, bài viết sẽ liệt kê các vấn đề liên quan nhằm khẳng định lại một lần nữa yếu tố lịch sử, tạo niềm tin cho những ai chưa tin, củng cố niềm tin cho những ai đã tin, khuyến khích thực hành lời dạy tuyệt diệu của một con người tự mình tìm ra con đường chuyển hóa.
NGUYÊN NHÂN THỊ HIỆN
Để nói về nguyên nhân thị hiện của một bậc Đại giác, thật khó để diễn tả trọn vẹn dưới nhãn quan phàm trần thiển cận. Bởi lẽ sự ra đời của bậc thánh luôn tồn tại nhiều nguyên nhân mà người bình thường khó suy xét tới. Thế nhưng, trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật có dạy về nguyên nhân một bậc chánh đẳng giác xuất hiện ở đời rằng: “Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính một người này, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người”[1].
Qua đoạn kinh vừa trích dẫn, có thể thấy sự ra đời của Đức Phật là bởi lòng từ bi đối với cuộc đời, muốn giải quyết nỗi khổ đau của chúng sanh. Hay nói cách khác, chính vì chúng sanh còn khổ đau, còn sanh tử thì Đức Phật mới xuất hiện. Trong chính cuộc đời của mình, Thái tử Tất-đạt-đa cũng vì nhận thấy sự mong manh của mạng sống và nỗi khổ của bản thân cùng chúng sanh nên đã tìm đường giải thoát rồi thành Phật. Sự thương tưởng của Phật không chỉ hạn hẹp ở cõi người, mà còn rộng mở đối với vô lượng chúng sanh, từ địa ngục cho đến chư Thiên.
Quả thật, sự ra đời của Ngài đã thực hiện được lý tưởng vĩ đại kể trên. Trước khi Phật ra đời và trong thời Phật tại thế, ở Ấn Độ tồn tại rất nhiều các tôn giáo và triết thuyết. Chúng được nhắc đến rất nhiều trong các bản Kinh Nikaya. Ở đó, Phật đã trình bày những điểm thiếu sót, sai trái, không đưa đến chân hạnh phúc của các tôn giáo đó. Một minh chứng rõ ràng hơn nữa cho điều này chính là việc Phật đã theo học các vị tôn sư nổi tiếng ở Ấn Độ thời bấy giờ. Tuy nhiên, sự chứng nghiệm trong các tôn giáo đó đã không thỏa mãn lý tưởng vĩ đại của Ngài. Chỉ có con đường mà Đức Phật tìm ra, chứng nghiệm, giảng dạy mới đem lại chân phúc, giải thoát thực sự.
Như vậy, nguyên nhân Đức Phật ra đời được chính Ngài dạy trong đoạn kinh kể trên. Cũng trong bản kinh đó, phần tiếp theo Ngài dạy về hy hữu để một vị Phật xuất hiện. Đó chúng chính là yếu tố cho thấy sự Đản Sanh của Đức Thế Tôn là một việc khó gặp, vi diệu trên đời: “Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỳ kheo, khó gặp được ở đời. 3. Một người, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người vi diệu. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Chính một người này, này các Tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời là xuất hiện một người vi diệu”[2].
Việc ra đời của một vị Phật là điều hy hữu trên cuộc đời, không có hạnh phúc nào hơn, không có may mắn nào hơn khi ở thế gian đón nhận sự thị hiện của bậc đại giác. Rõ ràng, một vị Phật đem lại an vui giải thoát cho khắp nhân thiên, sự hiện diện cao cả như vậy không có gì để xem ra so sánh. Cũng chính vì vậy mà khi Đức Phật đản sanh, có những điềm lành xuất hiện được mô tả trong bản kinh Hy hữu Vị tằng hữu pháp.
ĐIỀM LÀNH HY HỮU
Kinh vị Tằng hữu thuộc Trung Bộ Kinh diễn tả: “Khi Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, này Ānanda, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên, hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người; cho đến các cảnh giới giữa các thế giới, tối tăm, u ám, không có nền tảng, những cảnh giới mà mặt trăng mặt trời với đại thần lực, đại oai lực như vậy cũng không thể chiếu thấu. Trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực chư Thiên hiện ra, và các chúng sanh sống tại các chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: “Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây.” Và mười ngàn thế giới này chuyển động, rung động, chuyển động mạnh, và hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới” [3].
Khi Phật đản sanh, hào quang chiếu sáng vô lượng thế giới, ánh hào quang này tối tôn bậc nhất trong các ánh hào quang. Ngài thị hiện trên cuộc đời, tìm ra ánh sáng của trí tuệ, ánh sáng này tỏa rạng khắp muôn phương cho đến ngày nay là hơn 2.600 năm và sẽ còn sáng mãi, sáng mãi. Ánh sáng trí tuệ mà Ngài truyền trao là con đường độc nhất hướng tới giải thoát, Niết-bàn. Sự thị hiện của Ngài đã làm rung động khắp nơi, đánh hồi chuông cảnh tỉnh, làm rung động vô lượng tâm hồn bị màn vô minh hắc ám che lấp, một sự kiện hy hữu đã làm chấn động tất cả. Những điềm lành xuất hiện dựa trên phước báu vô lượng, công đức vô lượng của bậc đại giác ngộ ngay giữa cuộc đời, là nguồn an lành vô lượng cho những ai có niềm tin, học Phật và thực hành giáo pháp của Ngài. Sự hy hữu, kỳ diệu, cao thượng không nằm hoàn toàn ở những điềm lành được diễn tả mà nằm ở cuộc đời của Phật, giáo lý mà Ngài đã dạy là những gì kỳ diệu, quý báu và tối thượng trên cuộc đời.
SỰ ĐẢN SANH KỲ DIỆU
Mặc dù Đức Phật cũng là con người, cũng từ mẹ sinh ra. Thế nhưng cách ra đời của Ngài kỳ diệu hơn hết thảy mọi chúng sanh trong cuộc đời. Kinh Đại Bổn thuộc Trung Bộ kinh diễn tả sự kỳ diệu ấy như sau: “Này các Tỳ kheo, như viên ngọc ma-ni bảo châu đặt trên một tấm vải Ba-la-nại. Hòn ngọc không làm nhiễm ô tấm vải Ba-la-nại, tấm vải Ba-la-nại cũng không làm nhiễm ô hòn ngọc. Vì sao vậy? Vì cả hai đều thanh tịnh. Cũng vậy, này các Tỳ kheo. Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch”[4].
Khác với mọi chúng sanh được sinh ra từ bụng mẹ đều phải dính những chất nhiễm ô. Khi đản sanh, Thái tử không hề bị một chất nào làm cho ô nhiễm. Cũng giống như con đường thanh tịnh mà Ngài giảng dạy sau đó, con đường giúp cho tâm không bị nhiễm ô bởi bất kỳ pháp nào, đạt đến sự giải thoát bậc nhất. Ngoài ra, khi Ngài đản sanh còn có sự kiện kỳ diệu khác như: “hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ”.
Còn nữa, con người sinh ra ai cũng phải có thời gian tập bò, tập đứng rồi tập đi, tập nói. Thế nhưng khi sinh ra, Ngài đã có thể tự bước đi và cất tiếng nói: “Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau: “Ta là bậc tối thượng ở trên đời! Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, không còn phải tái sanh ở đời này nữa” [5]. Sự ra đời của Phật không phải là một sự kiện bình thường, những điều phi thường xảy ra dự đoán một bậc vĩ nhân xuất hiện. Thông thường, một người tự xưng mình là bậc tối thượng ở trên đời có lẽ sẽ bị gọi là ảo tưởng, là ngã mạn. Tuy nhiên, câu tuyên bố của Đức Phật đã xác định một sự thật về Ngài, một bậc pháp vương tối thượng, một người tuyên bố con đường tối thượng chấm dứt sanh tử. Chính nhờ tuyên ngôn đó cùng với cuộc đời giải thoát của Đức Phật mà niềm tin đối với sự giải thoát của con người được củng cố. Đó quả thật là một điều may mắn hy hữu khi mà ở xứ Ấn Độ thời bấy giờ chưa hề có tôn giáo nào hướng con người tới con đường tự mình giải thoát một cách chân thật.
DỰ BÁO ĐIỀU LÀNH
Trong Kinh Nàlaka thuộc Kinh Tiểu Bộ 1, khi vị ẩn sĩ Asita nhìn thấy chư Thiên hoan hỷ một cách lạ thường, ông đã thưa hỏi nguyên do và được trả lời rằng:
“Tại xứ Lumbini
Trong làng các Thích-ca,
Có sanh vị Bồ Tát,
Báu tối thắng, vô tỷ,
Ngài sanh, đem an lạc,
Hạnh phúc cho loài Người,
Do vậy chúng tôi mừng,
Tâm vô cùng hoan hỷ”[6].
Khi nghe như vậy, ông đã đến nơi, diện kiến vua Tịnh Phạn và xem tướng cho Thái tử. Khi được thấy Thái tử với dung sắc tốt đẹp lạ thường, ánh sáng tỏa rạng muôn phương, ông tiên đoán về bậc vĩ nhân rằng:
“Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ đề,
Sẽ chuyển bánh xe pháp,
Thấy thanh tịnh tối thắng,
Vì lòng tử thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống Phạm hạnh,
Ðược truyền bá rộng rãi”[7].
Khi dự đoán như vậy rồi, ông liền rơi lệ vì cảm thán mình không đủ phước đức để sống tới ngày Thái tử thành chánh giác và học được giáo lý của Ngài. Chúng ta, những người con Phật thời đại ngày nay có lẽ cũng phải biết bản thân thiếu phước, không được sanh ra nhằm thời Phật tại thế. Cũng chính vì vậy mà có lời cảm thán rằng: “Phật tại thế thời ngã trầm luân, kim đắc nhân thân Phật diệt độ, ảo não tự thân đa nghiệp chướng, bất kiến Như Lai kim sắc thân”. (Phật còn tại thế thì con ở trong đang trầm luân nơi nào, khi con được thân người thì Phật đã diệt độ, buồn thay thân con nhiều nghiệp chướng, không thể thấy thân tướng tốt đẹp của Như Lai). Không thấy được Phật, không được sự hướng dẫn trực tiếp của Phật thì đúng là một điều rất đáng buồn. Thế nhưng chúng ta may mắn hơn tiên nhân Asita một điểm, chúng ta sanh sau thời Phật, những giáo pháp cao thượng mà Ngài thuyết dạy vẫn còn nguyên vẹn, hình ảnh xuất trần vĩ đại của Ngài vẫn còn khắc họa cho bề dày lịch sử. Những gì còn lại cho chúng ta ngày nay vẫn quá quý giá, nếu phải rơi lệ buồn rầu, hãy rơi lệ buồn cho bản thân không biết học và thực hành giáo pháp của Phật để tự mình chiêm nghiệm giá trị của giải thoát, của hạnh phúc chân thực.
KẾT LUẬN
Hầu hết các tôn giáo đều cố gắng chứng minh sự thật lịch sử về vị giáo chủ của mình nhằm xác định sự có mặt và củng cố niềm tin vào tôn giáo. Đối với Phật giáo, Đức Phật lịch sử đã được nghiên cứu và chứng minh một cách rõ ràng. Chúng ta không nên quá chú trọng vào những truyền thuyết, những câu chuyện, những tài liệu không chính thống nói về cuộc đời của Đức Phật. Điều chúng ta cần lưu tâm là những yếu tố lịch sử, những bản kinh nguyên thủy nói về cuộc đời của Ngài. Có như vậy, lịch sử của Đức Phật mới được lưu truyền một cách chính xác.
Thông qua bài viết, người viết đã tổng hợp một số chi tiết trong các bản Kinh Nikāya nói về sự đản sanh của Đức Thế Tôn. Tuy không xác nhận các yếu tố niên đại hay các sự kiện lịch sử một cách chính xác. Nhưng thông qua uy tín và sự chính thống của nguồn tài liệu Nikaya có thẩm quyền nhất đối với Phật giáo, những chi tiết kể trên xác chứng những điềm lành tốt đẹp và nguyên nhân thị hiện cao cả của bậc đại giác. Bài viết mang tính chất tổng hợp và nhắc lại những yếu tố kể trên để người đọc có thể cùng ôn lại nhân kỷ niệm tháng đản sanh đầy hân hoan và hỷ lạc của người con Phật. Mong rằng phần nào củng cố niềm tin và khát khao thực hành chánh pháp của đồng đạo nếu có dịp xem qua.
Chú thích và tài liệu tham khảo
[1] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương I Một Pháp XIII. Phẩm Một Người, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.46.
[2] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh Tăng Chi Bộ 1, Chương I Một Pháp XIII. Phẩm Một Người, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.47.
[3] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 2012), Kinh Trung Bộ 2, 123. Kinh Hy Hữu Vị Tằng Hữu Pháp, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.454.
[4] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 14. Kinh Đại Bổn, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.452.
[5] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Trường Bộ 1, 14. Kinh Đại Bổn, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.453.
[6] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập – Chương Ba: Đại Phẩm, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.667.
[7] Hòa thượng Thích Minh Châu (dịch, 1999), Kinh Tiểu Bộ 1, Kinh Tập – Chương Ba: Đại Phẩm, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh, tr.671.