Bối cảnh ra đời và giá trị của Sas-Tra Slâc Rit – “Sách Lá Buông” (HT.TS. Danh Lung)

Sas-tra Slâc Rit hay thường gọi là Kinh Lá Buông là loại sách cổ, sách quý hiếm người Khmer chế tác nhằm để ghi chép phục vụ mọi sinh hoạt trong đời sống thế tục và tín ngưỡng-tôn giáo. Trải qua nhiều thế kỷ, nhưng sách Lá Buông vẫn còn tồn tại với thời gian và không gian. (Ảnh: baodantoc.vn)

LTS: Tòa soạn Tạp chí Văn Hóa Phật giáo trân trọng giới thiệu bài viết Bối cảnh ra đời và giá trị của Sas-Tra Slâc Rit – “Sách Lá Buông” của Hòa thượng Tiến sĩ Danh Lung. Bài viết là tham luận trích từ Hội thảo Khoa học bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông, do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp cùng Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang, Sở Nội vụ – Ban Tôn giáo tỉnh An Giang và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức vào ngày 11/5/2023 tại tỉnh An Giang. 

Tóm tắt: 

Sas-tra Slâc Rit hay thường gọi là Kinh Lá Buông là loại sách cổ, sách quý hiếm người Khmer chế tác nhằm để ghi chép phục vụ mọi sinh hoạt trong đời sống thế tục và tín ngưỡng-tôn giáo. Trải qua nhiều thế kỷ, nhưng sách Lá Buông vẫn còn tồn tại với thời gian và không gian. Đây là loại sách mà người Khmer xem là báu vật, là vật linh thiêng lưu giữ tại các chùa Khmer, các nhà của các vị Achar; sách ghi chép những nội dung có giá trị thiết thực trong đời sống tinh thần lẫn giáo dục, cần được nghiên cứu sâu hơn để bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có.

Từ khóa: sách cổ, giá trị, báu vật, linh thiêng, văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo.

Những loại sách Lá Buông đã đề cập có nội dung có giá trị giáo dục rất cao. Những giá trị giáo dục đó không chỉ dừng lại ở phương pháp dạy học như: ngữ pháp, ngữ căn hay cách viết văn vần văn xuôi, mà giá trị giáo dục ở đây là qua các loại sách Phật giáo, sách kinh thánh Bà la môn hay sách văn học dân gian, sách giáo huấn,… mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, đối nhân xử thế, vun trồng đạo đức lối sống, hình thành tư duy kiểm soát hành vi như ăn hiền ở lành, sống hòa nhã, hay hình thành tinh thần trách nhiệm tình yêu thương đối với bản thân, gia đình, dân tộc và cộng đồng xã hội…

DẪN NHẬP

Sách Lá Buông là loại sách cổ quý hiếm, đã hình thành từ lâu tại các nước Nam Á và Đông Nam Á, để ghi chép kinh điển của Đức Phật, kinh thánh của Bà la môn giáo và ghi chép những điều quan trọng trong cuộc sống. Đây là loại sách có giá trị rất đặc biệt. Những giá trị đó không chỉ là công cụ đơn thuần ghi chép nội dung kinh điển của Đức Phật hay thường gọi là Kinh Lá Buông, mà thực tế giá trị của nó còn thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau, từ đạo đến đời, từ lịch sử đến văn hóa, kỹ thuật đến thẩm mỹ, từ văn phong đến tâm hồn ẩn chứa trong đó. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin làm rõ thêm về nguồn gốc và một vài giá trị của sách Lá Buông.

NGUỒN GỐC

Tiếng Khmer gọi loại hình văn bản này là Sas-Tra Slâc Rít. Theo từ điển tiếng Khmer của nhà xuất bản Viện Phật học: Sas-Tra có từ gốc là Sas-(stra) nghĩa là quy tắc, nguyên tắc, quy ước, lời chỉ dạy, lời hướng dẫn,… rồi biến thành Sas-Tra hay SaTra (dùng cho bộ kinh hay luật tục ghi bằng Lá Buông). Theo Từ điển Khmer-Việt của nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật thì Sas-(stra) nghĩa là sách, sách kinh, sách về luật lệ, sách văn học… còn Slâc Rit thì từ S’lâc nghĩa là lá và từ Rit nghĩa là ép; Slâc Rit nghĩa là lá ép. Theo Từ điển tiếng Khmer đó là lá cây Trăng cùng họ với thốt nốt hay cọ ta, kè ta, cọ lùn (Livistonarotundifolia) (tên khoa học: Corypha lecomtei), tiếng Việt gọi là Lá Buông. Nhưng vì quá trình chế tác phải qua công đoạn Rit nghĩa là ép Lá Buông, nên người Khmer gọi tên sách gắn liền với cách chế tác thành: Sas-Tra Slâc Rit, tiếng Việt thường gọi Kinh Lá Buông. Vì là loại sách nên sách Lá Buông cũng có chức năng như bao nhiêu loại sách giấy khác, nó không chỉ đơn thuần ghi chép kinh điển Đức Phật, thường gọi là kinh Lá Buông hay ghi chép kinh thánh Bà la môn giáo dẫn đến ngộ nhận, làm cho ý nghĩa và giá trị thực tế vốn có của nó hạn hẹp. Thực tế sách Lá Buông còn ghi chép nhiều nội dung từ tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa lễ hội đến truyện dân gian, lời giáo huấn cũng như các sự kiện diễn ra trong đời sống hằng ngày. Ngày xưa cũng như ngày nay, người Khmer xem sách Lá Buông là báu vật linh thiêng, là tài sản trí tuệ của các bậc tiền nhân để lại. 

Người Khmer Nam Bộ và người Khmer Campuchia có cùng dân tộc, văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo và tiếng nói chữ viết. Ngoài văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo bản địa từ xa xưa thì người Khmer còn tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo của các nước như Ấn Độ từ những thế kỷ trước Công nguyên. Đối với chữ viết, nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đa số thừa nhận người Khmer có tiếp biến ký tự, mẫu chữ Brahmi miền Nam Ấn Độ thời Pallava, kết hợp với sự sáng kiến của mình đã chuyển thành ký tự mẫu chữ Khmer để ghi chép văn hóa, kinh thánh Bà la môn, kinh điển của Phật giáo và những sự kiện khác diễn ra trong đời sống thường ngày của người Khmer. 

Bước đầu người Khmer khắc ghi trên bia đá vào khoảng thế kỉ thứ I-II [1]; tiếp theo là ghi chép trên da động vật, trên Lá Buông hay vỏ cây Tràm. Sách/kinh Lá Buông ra đời là một dấu mốc một bước ngoặt lịch sử của sự phát triển người Khmer xưa; dấu mốc và bước ngoặt lịch sử đó không chỉ là sự kế thừa, phát triển ghi chép ký tự mẫu chữ theo bia đá mà còn là sự sáng tạo, là tư duy thẩm mỹ, chắc bền, thông dụng và linh hoạt. Sự sáng tạo và chắc bền là biết vận dụng những loại lá thiên nhiên vô tri vô giác mọc hoang dã trên núi hay trong rừng, qua khối óc sáng tạo chế tác biến thành của có giá trị và chắc bền để đi theo người Khmer cùng thời gian và không gian. 

Sự sáng tạo còn ở chỗ biết chọn lọc cải biến các ký tự, mẫu chữ vay mượn kết hợp với những gì đã có, biến thành ký tự mẫu chữ mềm mại uyển chuyển hoàn toàn của người Khmer. Tính thẩm mỹ bởi sách Lá Buông không phải hoàn toàn ghi chép theo ký tự mẫu chữ trên bia đá của thời Phù Nam hay thời tiền Angkor hoặc thời Angkor, nhưng nó đã cải cách dần dần mẫu chữ ký tự thành thẩm mỹ dễ đọc, đều đặn uyển chuyển mềm mại; cải cách văn phong để dễ hiểu dễ nhớ thu hút sự chăm chú người học. Nó thông dụng và linh hoạt là bởi khi ghi chép trên bia đá nó chỉ thông dụng cho giới vua chúa quan thần trong thành học tập, nhưng khi chuyển sang ghi chép trên sách Lá Buông nó thông dụng cho các tầng lớp trong xã hội nghiên cứu học tập, dễ cất giữ, dễ di chuyển khi cần thiết. Sách Lá Buông là dụng cụ ghi chép, chuyển tải hai văn hóa du nhập từ Ấn Độ và những tín ngưỡng tôn giáo bản địa, những sự kiện diễn ra trong xã hội người Khmer. 

Tính thẩm mỹ bởi sách Lá Buông không phải hoàn toàn ghi chép theo ký tự mẫu chữ trên bia đá của thời Phù Nam hay thời tiền Angkor hoặc thời Angkor, nhưng nó đã cải cách dần dần mẫu chữ ký tự thành thẩm mỹ dễ đọc, đều đặn uyển chuyển mềm mại; cải cách văn phong để dễ hiểu dễ nhớ thu hút sự chăm chú người học. (Ảnh: Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể Kinh Lá Buông” – phunuonline.com.vn)

Mặc dù bước đầu ghi chép bằng ngôn ngữ Sankrit hay ngôn ngữ Pali hoặc ngôn ngữ Khmer xưa, nhưng sách Lá Buông đã được xã hội người Khmer đón nhận và phổ biến từ rất sớm. Bởi người Khmer là tộc người có khối óc sáng tạo, có tư duy thẩm mỹ, có ý chí vươn lên đã từng kiến tạo nhiều công trình vĩ đại có tuổi đời hàng ngàn năm để lại cho con cháu tới ngày hôm nay và mai sau, thì chắc chắn rằng qua tiếp biến văn hóa phi vật thể của hai tôn giáo lớn người Khmer sẽ nghiên cứu học hỏi biết cách chế tác Lá Buông, biết cách viết chữ/khắc chữ trên Lá Buông từ thời mới nhập hoặc chỉ muộn hơn chút ít. Như vậy, mặc dù sách Lá Buông từ thời mới du nhập, mới biết chế tác biết sử dụng không còn, đồng thời ngoài sách Lá Buông hiện không có sách nào khác có niên đại sớm hơn bởi nhiều lý do khách quan và chủ quan, như nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước khi nghiên cứu về văn hóa Khmer đã nhận định. Nhưng chúng ta có thể nói rằng: Sách Lá Buông đã hình thành trong xã hội Khmer chỉ muộn hơn không lâu so với hai dòng văn hóa tôn giáo truyền bá vào đây, hoặc không muộn hơn nhiều so với khi người Khmer vay mượn kí tự, mẫu chữ Brahmi của miền nam Ấn Độ chuyển sang ký tự mẫu chữ của người Khmer, để sử dụng rộng rãi từ đó đến nay.

Mặc khác, lịch sử cho thấy sách Lá Buông ra đời và lưu truyền trong bối cảnh đất nước đang diễn ra chiến tranh và chuyển đổi tín ngưỡng tôn giáo liên miên. Theo nhiều nhà nghiên cứu như: GS. Miseltrane, GS. Georges Coedès hay GS.TS. Tỳ kheo Pang Khắt, xã hội người Khmer xưa khi vua chúa theo Bà la môn giáo thì quan thần và người dân theo Phật giáo theo tín ngưỡng dân gian hoặc ngược lại,… rồi qua nhiều đời vua đã có những vị mặc dù theo tôn giáo hoặc theo hệ phái khác của Phật giáo nhưng vẫn tôn trọng tôn giáo tín ngưỡng hay hệ của quan thần cũng như của người dân đang theo. Có những vị vua thì ngược lại, bản thân theo tôn giáo nào thì muốn các quan thần và người dân cùng theo tôn giáo hệ phái đó, có khi không tôn trọng những tín ngưỡng tôn giáo hoặc hệ phái mà quan thần cũng như người dân đang theo, dẫn đến sự xung đột tín ngưỡng tôn giáo, xung đột trong hệ phái Phật giáo. Cho nên, mỗi khi chiến tranh, mỗi khi xung đột diễn ra là mỗi khi văn hóa vật thể, phi vật thể bị phá hủy hay bị lấy đi nơi khác, kể cả tượng thờ trong đền hay trên vách đền cũng bị phá hủy bị lấy đi, không muốn để lại dấu tích gì trong xã hội người Khmer.

Một việc cụ thể khác, chỉ riêng các chùa Khmer các nhà người Khmer ở Nam bộ có sách Lá Buông đều rơi vào tình trạng đó. Vận mệnh sách Lá Buông cũng không ngoại lệ mỗi khi có chiến tranh xảy ra, ngoại trừ một số chùa còn lưu giữ lại. Đến khi đất nước thanh bình, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa lễ hội được trân trọng, ý thức trách nhiệm nâng cao thì một số nước đã gửi trả tài sản văn hóa cho người Khmer, trong đó có sách Lá Buông được các viện, các chùa Khmer cất giữ thận trọng để nghiên cứu học tập. Theo GS. Miseltrane trong quyển “Văn hóa Văn minh – Nền tảng Văn minh Khmer” trong mục nói về nguyên nhân suy đồi ngôn ngữ Sankrit có đề cập: “Sách được viết bằng ngôn ngữ Sanskrit trên Lá Buông và da động vật sau thời vua Jayavaraman VII (PL 1724-DL 1181) đã bị hư và bị phá hoại, nguyên nhân do Phật giáo Theravada không dùng ngôn ngữ Sanskrit, chuyển sang dùng ngôn ngữ Pali nên ít được lưu tâm. Mặc khác, ngôn ngữ Sanskrit lúc bấy giờ được xem là ngôn ngữ quí chỉ dùng trong thành, dành cho vua chúa hay các đại thần hoặc các đạo sĩ Bà la môn, không thông dụng trong quần chúng nhân dân” [2]. Như vậy, học giả này cũng ghi nhận sách Lá Buông đã có từ khi người Khmer tiếp biến văn hóa của hai tôn giáo lớn từ Ấn Độ. 

Theo GS. Côm-pha Sết trong bài giảng về chữ Khmer cổ và GS. Trâng Nghea trong Văn minh Khmer, xuất bản năm 1974, tr.106 cũng khẳng định như GS. Miseltrane: “Sách Lá Buông đã có từ xưa nhưng bị phá hủy bởi chiến tranh, bởi xung đột tôn giáo”. Và trong Lịch sử Chữ Khmer của GS ngôn ngữ Khmer Leang Hắp An cũng khẳng định chỉ riêng lĩnh vực sáng tác văn học: “Sau thời Ăng Kor 1336 đến ngày nay, các nhà sáng tác, các nhà thơ vẫn tiếp tục sáng tác ghi chép trên bia đá và Lá Buông. Chỉ tiếc do chiến tranh diễn ra liên miên, nên sách Lá Buông hoặc bị đốt hoặc bị lấy đi nơi khác, hiện nay chỉ còn một số sách cổ được lưu giữ ở Viện Phật giáo, trong số sách này có sách truyện Sas-Tra Jiyatot của tác giả Cô có nội dung ghi về niên đại Ekaāsappanā mà cho đến nay các nhà nghiên cứu chưa thống nhất”. Theo GS. Nhóc Them phân tích câu từ trong sách truyện Jiyatot thì “ghi  là Ekaāsappanā câu hai không vần với câu đầu, nên ghi là Ekabāsapṭacha hay Ekadvāsapṭacha nghĩa là 1276 và DL 1354 và nếu như vậy thì có niên đại hơi lâu”. Như vậy, GS. Leang Hắp An cũng thừa nhận sau thời Angkor thì người Khmer vẫn tiếp tục thực hiện việc ghi chép trên bia đá và trên Lá Buông như những thời trước Angkor, khẳng định những sách Lá Buông có trước đó do chiến tranh bị phá hủy hay bị lấy đi nơi khác [3]. Đặc biệt, theo báo cáo của ông Chiêu-Tà-Cuôn sứ thần Trung Hoa đã đến MahāNokor đất nước Khmer xưa hồi PL. 1839 – DL. 1296 có ghi rằng: “Thấy có Tỳ kheo cạo tóc, có tam y màu vàng, mặc y hở vai phải kín vai trái, đi chân không, chánh điện lợp ngói, trong chánh điện có Pô Lai: Phật là tượng Phật Sakyamuni, tượng Phật trong chánh điện làm bằng đồng đen; không có chuông trống, ăn thịt cá, không uống rượu, ăn một ngày một bữa; trong chùa không có nhà bếp, Tỳ kheo hay Sa di đi khất thực, tụng kinh, kinh điển khắc trên Lá Buông; vua trao đổi các việc lớn với Tỳ kheo, không có Tỳ kheo Ni” [4]. 

Mặt khác, ngoài nguồn thư tịch ghi nhận bối cảnh ra đời của sách Lá Buông được đề cập và không đề cập ở đây, nếu so sánh về phương diện văn phong, ký tự, mẫu chữ khắc trong sách Lá Buông còn lưu giữ đến nay, cụ thể như trong sách Ṭikājinālaṅkāra xuất bản năm PL. 2359 – DL. 1816 lưu giữ ở chùa Candaraṅsī (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh), thì thấy gần giống như ký tự và văn phong khắc trên bia đá của thời Angkor và trước đó. Ví dụ như từ đáng thương, hài lòng hay từ vậy, cũng vậy,… 

Như vậy, dù sách Lá Buông cổ bị phá hủy hay thất lạc do chiến tranh hoặc vì nguyên nhân khác và đến nay chưa khảo sát đầy đủ các loại sách Lá Buông hiện có trong các chùa Khmer nói chung và trong các chùa Khmer ở Nam Bộ nói riêng, có sách Lá Buông nào có niên đại sớm hơn sách Ṭikājinālaṅkāra hay không hoặc sớm hơn bao lâu, nhưng những gì chúng ta được biết qua thư tịch và qua cách so sánh văn phong, kí tự mẫu chữ thì những dữ liệu giúp chúng ta tự tin nói rằng: Sách Lá Buông ra đời là một dấu mốc lịch sử của sự phát triển, kế thừa và phát huy cách khắc ghi trên bia đá của những thời tiền Angkor. Sách Lá Buông không chỉ có giá trị về bối cảnh hình thành mà còn có giá trị về học thuật về giáo dục cộng đồng – xã hội của người Khmer xưa, là báu vật quý hiếm, là vật thể linh thiêng, là trí tuệ sáng tạo và kinh nghiệm mà các bậc tiền nhân để lại cho hậu thế hôm nay và mai sau. Vì vậy, chúng ta cần có trách nhiệm bảo tồn và phát huy những giá trị vốn có của nó.     

NHỮNG GIÁ TRỊ TIÊU BIỂU

Giá trị nghệ thuật khắc chữ

Từ lá của loài cây vô tri vô giác như đã trình bày, nhưng khi qua kĩ thuật điêu luyện, tư duy thẩm mỹ và sự tinh túy toàn tâm toàn ý thì người Khmer xưa đã thổi hồn vào từng ký tự, từng nét chữ, từng ngôn từ văn phong in đậm trên trang sách Lá Buông. Lật lên từng trang sách, chúng ta thấy từng dòng chữ ngay ngắn, từng nét chữ đều đặn mềm mại sống động như linh hồn dân tộc hiện lên trên từng trang sách một cách gần gũi, thân thiện và không hề có chút gì xung khắc, mâu thuẫn và xa cách. Đây là nghệ thuật, là tư duy thẩm mỹ của người Khmer xưa bắt nguồn từ tinh thần yêu dân tộc, yêu cuộc sống thanh bình, yêu sự tiến bộ và ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng. Những nét chữ đều đặn, mềm mại, sống động đó bắt nguồn từ đam mê, sự kiên trì và tỉ mỉ, là sự say mê tập trung toàn tâm toàn ý hay đúng hơn đó là chánh niệm lắng lòng khi thực hiện khắc lên từng nét chữ không để sai sót chút nào, lắng lòng chọn từng văn phong khắc lên thành câu vừa có ý nghĩa sâu sắc, vừa dễ đọc dễ hiểu. Nghệ thuật khắc chữ trong sách Lá Buông không khác gì trong nghệ thuật hội họa, được các nghệ nhân trau chuốt từng đường nét, phối màu và hài hòa giữa nhân vật với phong cảnh. Văn phong hiện lên trên trang sách rất chuẩn mực, phản ảnh trung thực theo kinh điển Đức Phật và trung thực môi trường sống, ý chí và nghị lực vươn lên. Đấy thật sự là hồn cốt của dân tộc người Khmer xưa vẫn theo từng bước chân đi của thế hệ hôm nay và mai sau. Mặt khác, qua nghệ thuật khắc chữ trên Lá Buông của mỗi loại sách, mỗi thời điểm khắc chữ khác nhau nó không chỉ giúp chúng ta biết được niên đại, mà còn cho thấy hoàn cảnh đời sống của ngày xưa, sống đúng theo chuẩn mực và sự ươm mầm tình yêu dân tộc mà các bậc tiền nhân truyền dạy. Theo Hòa thượng Phó Pháp chủ Chau Ty là nghệ nhân khắc chữ tiêu biểu hiện nay: “Muốn khắc chữ trên Lá Buông trước hết phải có tinh thần yêu dân tộc, yêu văn hóa, phải là người có mắt sáng, vì khi khắc chưa hiện lên thành chữ; tiếp đến là công đoạn chế tác Lá Buông cho tốt, chọn kim (đec char) cho vừa để dễ cằm; phải tập viết chữ cho đẹp cho đều và khi khắc phải ngồi đúng thế, tâm hồn phải thoải mái và tập trung không để phân tâm. Khắc xong bôi lọ pha dầu thực vật trên mặt Lá Buông rồi lao cho sạch thì mới hiện chữ; sau cùng là biết cách đóng thành bộ sách Lá Buông”.

Ngoài ra, những gì Hòa thượng kể lại không chỉ giúp chúng ta thấy được giá trị mỹ thuật khắc chữ trên sách Lá Buông, mà còn cho thấy những giá trị phương pháp giáo dục của người Khmer xưa, những giá trị đó sẽ chuyển hóa người học hình thành nhân cách, đạo hạnh lối sống và ý chí kiên trì; hình thành tư duy thẩm mỹ và tinh thần yêu văn hóa yêu dân tộc. Từ nghệ thuật khắc chữ người học sẽ có nghị lực vượt khó trong cuộc sống, kiên trì tu luyện theo chuẩn mực chuẩn tắc, kiến tạo đời sống của mình tốt đẹp và có giá trị, chọn cách sống hòa nhã tràn đầy tình yêu thương trong gia đình và cộng đồng xã hội. 

Giá trị vật chất

Mặc dù cây Lá Buông (cây Trăng) là loại cây mọc hoang dã trong rừng núi, nhưng nó là loại cây cứng và bền chắc, hóa thành sản phẩm để phục vụ đời sống như lấy thân cây để làm xuồng, làm bàn ghế sử dụng thì chịu đựng nắng mưa lâu dài. Lá Buông rất bền chắc và dẻo, có nhiều công dụng trong đời sống, người Khmer xưa lấy lá Buông dùng để làm vách nhà, để lợp mái nhà, mái chuồng trâu, bò hay làm tổ cho dơi đậu lấy phân trồng trọt,… Đặc biệt, khi người Khmer sáng kiến chế tạo lá Buông thành công cụ để ghi chép trong học thuật cũng như ghi chép các sự kiện trong cuộc sống thường ngày, thì ý nghĩa và giá trị của nó càng được nâng lên gấp trăm ngàn lần. Đó là ý nghĩa và giá trị của một vật chất được chế tạo từ lá cây mọc hoang dã trong rừng núi trở thành một vật thể văn hóa, ghi chép các loại văn học, lời giáo huấn hay lời cầu khấn phục vụ giáo dục hoặc nghi lễ lễ hội tín ngưỡng tôn giáo. Nó còn là vật thể linh thiêng, là báu vật quý hiếm được người Khmer nói chung, người Khmer Nam bộ nói riêng và một số tộc người ở Nam – Đông Nam Á trân trọng, dùng ghi chép kinh điển Đức Phật. Họ quý trọng bởi nhờ lá Buông mà người sau được biết lịch sử, văn hóa văn học, phong tục tập quán hay những kinh nghiệm sống, sự kiện diễn ra trong đời sống thường ngày của bậc tiền nhân. Họ xem lá Buông là báu vật, là vật thể linh thiêng bởi trong sách Lá Buông còn ghi chép những kinh thánh của Bà la môn giáo, những bùa ngải, những nghi thức cúng kiếng và đặc biệt là kinh điển Đức Phật,… nhờ báu vật, nhờ vật thể linh thiêng đó đã giúp họ sống đúng theo chuẩn mực, dù là người thành thị hay giới nông dân thấp kép đều có đạo đức tốt, biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, cuộc sống an lạc, hạnh phúc và được cộng đồng xã hội quý trọng.

Giá trị tinh thần

Như đã nói, Kinh Lá Buông gọi cho đúng là sách Lá Buông mới phản ảnh đầy đủ ý nghĩa, giá trị và chức năng vốn có. Đây còn là một loại thư tịch cổ, là văn hóa phẩm người Khmer nói chung và người Khmer Nam bộ nói riêng. Vì là sách, là thư tịch và là văn hóa phẩm ghi chép nhiều nội dung có giá trị, nên sách Lá Buông ngoài có ý nghĩa và giá trị về vật chất, còn có ý nghĩa và giá trị học thuật, kinh nghiệm sống, giá trị đời sống tinh thần về tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên và động vật. Những giá trị đó được phản ảnh qua từng loại sách là:

Sas-tra Phật giáo

a/ Sas-Tra Trey-bey-đok (Kinh Tam tạng) là lời dạy của Đức Phật gồm 84.000 pháp môn chia thành 3 tạng là: Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng.

b/ Sas-tra Thom-ma-bot-tât-thă-ka-tha (Kinh Pháp Cú) gồm 8 tập xếp theo mẫu chuyện của Đức Phật giáo huấn đến các Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, các bậc đế vương đến dân chúng người nô tỳ trong xã hội Ấn Độ xưa.

c/ Sas-tra Thom-ma-cớt-Thom-ma-tras (Kinh đản sanh-thành đạo) là những kinh nói về cuộc đời và sự nghiệp, đạo hạnh của Đức Phật, từ khi đản sanh, thành đạo đến nhập Niết bàn.

d/ Sas-tra Chea-Đok (Phật tích) nói về tiền kiếp của Đức Phật khi còn là vị Bồ tát.

Sas-tra Pa-vê-ney (sách truyện dân gian)

Là những mẩu truyện dân gian, truyện cười, truyện ngụ ngôn hay lời giáo huấn viết theo thể loại tục ngữ, truyện ngắn,… mang ý nghĩa giáo dục và kinh nghiệm trong đời sống thường ngày.

a/ Sas-tra Rương (sách truyện): là những truyện kể, truyền thuyết trong dân gian của người Khmer xưa.

b/ Sas-tra Ch’bắp (sách giáo huấn): là những lời giáo huấn về chuẩn mực chuẩn tắc được viết dưới dạng thể thơ hay câu tục ngữ, nhằm răn dạy cách sống, cách làm người và giáo dục lòng yêu thương giữa người với người,…

c/ Sas-tra Ka-tế-lôk (sách truyện đối nhân xử thế): là loài truyện ngắn, hài hước, nhưng cũng mang tính giáo dục cao.

d/ Sas-tra L’bơk (sách truyện kể về sai lầm): là những truyện thường mượn con vật thay thế nhân vật chính, một con vật thì khôn ngoan một con vật thì ngu dốt, như truyện Phê nưng Cho-chot: con Rái cá với Chó sói,…

e/ Sas-tra L’beng (sách trò chơi vui đùa): là những truyện ngắn hay những trò chơi vui đùa nhằm để thư giãn, giải trí. 

f/ Sas-tra Ch’môs-th’năm (sách tên thuốc chữa bệnh): là những tên thuốc dân gian qua kinh nghiệm trong cuộc sống.

g/ Sas-tra Yon Ka-tha (sách lá bùa): là những sách về hình thức niềm tin như các lá bùa, bùa ngải của người Khmer đã có từ lâu đời. 

k/ Sas-tra Ch’môs sắt (sách tên động vật): là những sách viết về các loài động vật như: Ton-sai: Thọ, Kon-đôr: Chuột, Ch’ke: Chó,…

Sas-tra Sâk sa (sách dạy học) 

Là các bộ sách thuộc nhóm dành nghiên cứu học tập về lĩnh vực tôn giáo học và thế học như: Vey-dia-kor Pali (ngữ pháp Pali), Thea-tu-song-k’rôs (ngữ căn Pali),… Nhìn chung, những loại sách kể trên và những sách khác thuộc Lá Buông chưa đề cập đầy đủ thì đều được người Khmer xem là báu vật, có giá trị bằng hoặc hơn các loại báu vật khác trong đời sống của họ. Những chùa, những nhà có sách Lá Buông không chỉ là tài sản vật chất mà nó còn là tài sản ảnh hưởng đến tinh thần của người Khmer nói chung và người Khmer Nam Bộ nói riêng; bởi những nội dung trong sách Lá Buông còn là tài sản trí tuệ, tài sản về kinh nghiệm sống được các bậc tiền nhân của họ đúc kết từ hàng trăm hàng ngàn năm trước để lại. Những tài sản đó đã giúp cho họ có nghị lực, có trí lực có đầy đủ niềm tin đối phó với những khó khăn, thách thức trong cuộc sống, những tài sản đó còn là động lực để họ vững bước kiến tạo đời sống an lành, gia đình hạnh phúc, xã hội được bình yên.

Song song, người Khmer còn xem sách Lá Buông là vật linh thiêng vật độ trì mạng sống của họ, giúp họ vững chắc niềm tin sống có trách nhiệm với bản thân, tránh xa các điều ác, các điều rủi ro phiền não; giúp họ không chỉ sống tốt ở đời này mà còn sống tốt ở đời sau. Bởi trong sách Lá Buông ghi chép những kinh điển Đức Phật, lời dạy của bậc toàn giác, những lời dạy đó là pháp tu để giải thoát để chuyển hóa từ u mê đến với giác ngộ, chuyển hóa từ khổ não đến an lạc, chuyển hóa từ bệnh tật bởi tham, sân, si, danh, lợi và tà pháp đến với từ, bi, hỷ, xả đến với chánh pháp, đến với đời sống không vì tham, sân, si, không vì danh vì lợi mà tranh giành mà xung đột, ảnh hưởng đến tình đoàn trong gia đình trong dòng tộc và cộng đồng-xã hội. Hay đời sống không vì tham, sân, si không vì danh vì lợi mà trở thành người bất hiếu, người có cuộc sống không giá trị không ý nghĩa. Cho nên, ngày xưa mỗi khi có các lễ hội như tết Chol Chnam Thmay, lễ Vesak (Rằm tháng 4), lễ tang hay lễ báo hiếu,… người Khmer luôn thỉnh chư Tăng thuyết giảng kinh trong sách Lá Buông. Trước khi thuyết giảng, họ còn đội sách Lá Buông trên đầu và phát tâm cầu nguyện trước bàn thờ Phật, ông bà tổ tiên. Họ nguyện hồi hướng phước này đến tổ tiên, chia phước này đến thân nhân và chúng sinh còn hiện tiền đều được an lạc và cầu nguyện cho bản thân và gia đình hạnh phúc, tai qua nạn khỏi. 

Ngoài sách kinh điển Đức Phật thì sách Lá Buông còn chép kinh thánh Bà la môn giáo, đó là những kinh và những nghi thức thờ cúng các vị thần như thần Shiva mà người Khmer gửi gắm niềm tin trong đó. Bên cạnh kinh thánh, sách Lá Buông còn ghi chép những bùa ngải và những niềm tin, nghi thức dân gian khác như: nghi thức và những bài cầu nguyện cúng A rắc Neak ta, cúng K’rông Pea-li,… Những niềm tin đó luôn in đậm trong tâm thức của họ. Họ tin rằng những sách Lá Buông luôn hiện hữu linh nghiệm của bùa ngải hay hiện hữu linh nghiệm của A rắc Neak ta. Những linh nghiệm đó sẽ theo hộ trì giúp họ vượt qua khó khăn và được hưởng sự an lành trong cuộc sống. Cho nên, gia đình người Khmer và các chùa Khmer luôn cất giữ sách Lá Buông nơi trang nghiêm và không dám mang sách vào nơi dơ bẩn ô uế.  

Giá trị giáo dục

Những loại sách Lá Buông đã đề cập có nội dung có giá trị giáo dục rất cao. Những giá trị giáo dục đó không chỉ dừng lại ở phương pháp dạy học như: ngữ pháp, ngữ căn hay cách viết văn vần văn xuôi, mà giá trị giáo dục ở đây là qua các loại sách Phật giáo, sách kinh thánh Bà la môn hay sách văn học dân gian, sách giáo huấn,… mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách, đối nhân xử thế, vun trồng đạo đức lối sống, hình thành tư duy kiểm soát hành vi như ăn hiền ở lành, sống hòa nhã, hay hình thành tinh thần trách nhiệm tình yêu thương đối với bản thân, gia đình, dân tộc và cộng đồng xã hội…

Qua những ảnh hưởng đó sẽ làm cho người học trở thành người tốt, người có ích trong xã hội. Ngoài ra, sách Lá Buông còn có giá trị giáo dục kinh nghiệm sống, giáo dục cách làm ăn làm giàu chính đáng, cách sống chân thật hiền hậu, không tham lam dối trá; giáo dục hình thành tinh thần trân trọng và cách bảo vệ môi trường, biết sống gần gũi với thiên nhiên yêu thương các động vật. Song song, sách Lá Buông còn giáo dục người Khmer cách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và xã hội, biết tận dụng dược liệu sẵn có để chữa trị các bệnh tật. Đây là kho tàng giá trị giáo dục được các bậc tiền nhân đúc kết từ thực tế trong cuộc sống có tính nhân văn cao, có khả năng ảnh hưởng và chuyển hóa người ác thành lương thiện, người xấu thành tốt, người lạ thành thân thiện và người tốt càng tốt càng có giá trị cao đẹp hơn.  

Thực tế, những giá trị giáo dục này đã ảnh hưởng đến người Khmer khi xã hội Khmer còn phổ biến rộng rãi các loại sách Lá Buông. Trong các lễ hội hay lễ tang, tinh thần của người Khmer trong sáng niềm tin vững vàng, hành vi lành mạnh hòa nhã, gia đình đoàn kết, cộng đồng gắn chặt, xã hội yên bình. Ngày nay vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, một số chùa và phum sóc người Khmer ít hoặc không còn phổ biến sách Lá Buông rộng rãi như xưa. Tầm giá trị sách Lá Buông không phát huy như trước. Đây là một hạn chế cần được khắc phục, để phát huy giá trị vốn có của sách Lá Buông trở thành văn hóa linh thiêng, là tài sản trí tuệ quý báu của các bậc tiền nhân để lại. 

KẾT LUẬN

Sách Lá Buông hay gọi là kinh Lá Buông đã hình thành trong xã hội người Khmer từ lâu, nó luôn đi cùng người Khmer từ không gian và thời gian này sang không gian và thời gian khác. Sách Lá Buông là báu vật quý hiếm, là văn hóa phi vật thể chứa đựng nhiều nội dung có giá trị trong nhiều lĩnh vực: văn hóa-giáo dục, tín ngưỡng-tôn giáo và những kinh nghiệm trong cuộc sống người Khmer xưa. Mặc dù hiện nay chúng ta thường gọi là kinh Lá Buông có dẫn đến ngộ nhận sách Lá Buông chỉ ghi chép kinh điển Phật giáo hay không. Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu sâu và nêu cao tinh thần trách nhiệm, có giải pháp bảo tồn và phát huy rộng rãi trong cộng đồng thì sách Lá Buông không có nghĩa hẹp, không mất đi giá trị vốn có, tiếp tục phát huy tác dụng, góp phần kiến tạo cuộc sống cá nhân và xã hội được bình yên hạnh phúc.

 

 

 

Chú thích và tài liệu tham khảo

* Hòa thượng Tiến sĩ Danh Lung – Ủy viên Thư ký HĐTS GHPGVN, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer.

[1] GS. Ngôn ngữ Khmer Leang Hắp An (1967), Lịch sử chữ Khmer, Nxb. Kim Êng, tr.5-26.

[2] GS. Miseltrane (2013), Văn hóa văn minh – Nền tảng văn minh Khmer, Nxb. Phnom Pênh, tr.266-267. 

[3] GS. Leang Hắp An nhà ngôn ngữ Khmer (1967), Lịch sử chữ Khmer, Nxb. Kim Êng, tr.233-236. 

[4] Dẫn nguồn từ ngài Tỳ kheo Pang Khắt, Lịch sử Phật giáo Campuchia, tr.109, xuất bản năm PL 2504-DL 1961.