Sống đạm bạc biết đâu là đủ
Sẽ giống như tinh tú trên trời
Bềnh bồng tợ gió thảnh thơi
Lòng vui trí thản tâm ngời dạ yên.
Người ít muốn biết đủ sẽ luôn hài lòng với cuộc sống hiện tại dẫu có gian nan hay thiếu thốn vật chất. Từ ngàn xưa, người xuất gia tu theo Đức Phật luôn hiểu và biết những gì một tu sĩ Phật giáo phải làm. Như ông bà xưa có câu: “Ăn theo thuở, ở theo thời”. Thuở Đức Phật còn tại thế, Tăng đoàn chỉ đi khất thực để nuôi sống xác phàm chứ không tự nấu ăn. Ai cúng dường thức ăn chi thì dùng thức ăn nấy. Về thọ dụng vật mặn, Đức Phật dạy phép tam tịnh nhục.
Thời nay, do có một số đối tượng bất hảo, lợi dụng sự tín tâm của Phật tử, nên đã giả mạo nhà tu để thực hiện hành vi lừa gạt làm ảnh hương uy tín của Tăng đoàn. Vì lý do vấn nạn đó nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra quyết định Tăng, Ni không được đi khất thực nữa, thường là các chùa có Phật tử phát tâm nấu ăn.
Thuở Đức Phật còn tại thế, chư Tăng đều đi bộ vì thời đó không có phương tiện giao thông hiện đại như bây giờ. Ngày nay chúng ta đang học đạo nhưng vẫn sống ở đời, cái nào tiện lợi, không ảnh hưởng đến việc tu hành, không trái giới luật, tuân thủ pháp luật thì tu sĩ được phép dùng. Chẳng hạn như việc tự lái xe, đi tàu điện, taxi hay máy bay để di chuyển khi có Phật sự và duyên sự. Đó không phải là lối sống xa xỉ, sai lời Phật dạy của pháp môn hạnh đầu đà mà chỉ là phương tiện. Nếu chấp nhặt vào nó ta sẽ rất mệt mỏi tâm trí, làm tốn thời gian và mất đi những giây phút bình yên trong lòng. Cho nên:
Người thoát tục tâm thanh hoan hỷ
Luôn giữ gìn thân ý sạch trong
Tình thương tràn ngập nơi lòng
Não phiền chẳng vướng thong dong cả đời.
Thời xưa vải vóc cũng hiếm hoi, mỗi hành giả chỉ được đôi bộ đồ thay đổi. Một phần vì hành theo giới luật, một phần vì đa số Phật tử cũng còn nghèo. Nhưng ngày nay, việc học giáo lý để trở thành Phật tử thuần thành để cuộc sống an vui thì chiếm đa số. Nên việc cúng dường y phục cho Tăng, Ni để cầu phước và làm tròn trách nhiệm của cư sĩ tại gia là nhu cầu lớn của Phật tử. Người xuất gia không ngăn cảm tâm Bồ đề của bất cứ ai. Dù nghèo hay giàu, dù lành lặn hay tật nguyền cũng đều được hướng dẫn tạo phước và tu tập. Việc phát tâm trong sạch cúng dường y phục, vật thực, nhu yếu phẩm cho Tăng đoàn có công đức bao nhiêu thì mỗi người cũng có thể cảm nhận được khi chính mình thực hiện.
Đối với tu sĩ, việc nhận sự cúng dường của đàn na tín thí là phải chí tâm tu, cách duy nhất để đền đáp ân đó là phải tu tinh tấn, không nên giãi đãi để khỏi nợ nần nhau ở kiếp vị lai. Nếu kiếp hiện tại ta đền ơn thí chủ bằng việc tu hành thì duyên lành được kết nối giữ người nhận và người cho. Nếu ngược lại thì là nợ, mà nợ để lâu ví von như bị tăng lãi, lãi chồng lãi sẽ thêm nhiều. Vì vậy, tu sĩ rất thận trọng sau khi nhận tứ sự cúng dường.
Luôn tinh tấn vun gầy đức hạnh
Chấp nệ rời sống cảnh an nhiên
Thiền tu giũ bỏ ưu phiền
Giữ lòng hiếu đạo bình yên mãi dành.
Trong Đạo Phật, hiếu thảo là một phẩm hạnh và trách nhiệm không thể thiếu ở mỗi người. Cha mẹ cho ta hình hài và nuôi ta khôn lớn, nếu không có cha mẹ, ta không thể có mặt trên cuộc đời này để mà học Phật hay làm việc thiện gieo phước. Sách có câu: “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng. Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”. Nếu không có thầy tổ hướng dẫn, dìu dắt ta sẽ không thể trưởng thành trong ánh đạo. Sẽ không thể tự mình hanh thông mọi việc trong những ngày đầu mới tầm thầy học đạo, chập chững đi trên con đường lý tưởng an lạc giải thoát.
Mỗi thời quả đường thọ thực của đại chúng đều quán tưởng ân đàn na tín thí, sau khi thọ quả đường đều phục nguyện: “Chúng Tăng cơm ngày hai bữa, thường nhớ công khó khổ của người nông phu. Thân mặc ba y hằng xét nghĩ sự nhọc nhằn của người thợ dệt, thuốc thang giường chỏng bởi sự nhịn ăn bớt mặc của đàn na, học đạo tiến tu nhờ lòng từ dạy răn của Thầy tổ. Nguyện chư tín chủ đạo tâm thêm lớn, ruộng phước thêm nhiều, cùng pháp giới chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo”.
Ân Tổ quốc cũng lớn vô cùng. Để có cuộc sống bình yên và yên tâm tu hành thì đâu thể không biết ơn Tổ quốc mình. Và cũng thầm biết ơn những người làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, giữ bình yên, trật tự xã hội cho chúng ta được an tâm sống. Có một câu nói: “Tổ quốc ghi công”, dù chỉ bốn chữ vỏn vẹn nhưng đầy đủ ý nghĩa cao cả và thiêng liêng mà bất cứ ai nhìn thấy cũng nghiêng mình kính cẩn. Và bất kỳ người nào mỗi khi có dịp đứng trước bảng danh sách tên liệt sĩ, sẽ vẫn luôn thấy chạnh lòng bùi ngùi xúc động với tâm niệm nhớ ơn. Để có ngày hoà bình như hôm nay thì biết bao người đã ngã xuống, hy sinh để bảo vệ Tổ quốc mình. Đáng để ta đời đời ghi nhớ và khắc sâu vào lòng.
Một xã hội mà sống trong sự biết ơn sẽ không có sự buồn lòng, một đạo tràng có nhận thức chánh tà, đúng sai biết yêu thương, nuôi dưỡng tâm từ thì phiền não không đến, tham sân si cũng không có cơ hội tung hoành.
Người luôn biết nương về cửa Phật
Nơi an lành phảng phất mùi hương
Nghe kinh nhắc dạ phải tường
Tâm bình tinh tấn ngừng vương muộn phiền.
Mỗi ngày đều có rất nhiều cảm xúc đi qua con người chúng ta. Vui buồn, thương ghét, giận hờn đều do mình quyết định chào đón nó. Chấp nhận cảm xúc nào ta sẽ bị nó múa men trước mặt và vây quanh mình suốt thời gian đó trừ khi ta quyết buông bỏ, chánh niệm để trở lại trạng thái bình yên và thanh tịnh. Giữa những cay đắng thăng trầm, chọn lương thiện, tử tế, bao dung hỷ xả, tha thứ, buông bỏ hay chọn thù hận, tức giận, chấp nhặt, tiểu nhân, căm phẫn đều do mình cả. Bởi:
Đời chỉ khổ nếu như chấp nhặt
Cứ hồn nhiên ai bắt ta buồn
Đâu người ép lệ phải tuôn
Tại mình không chịu ngưng buồn đó thôi.
Trong cuộc sống, không có gì là vĩnh cửu cũng như không có ai hoàn hảo. Ít nhiều ai cũng từng phạm lỗi sai hoặc gặp phiền muộn từ người khác mang đến. Nếu như có thực tập thiền định, sẽ dễ dàng chuyển hoá từ phiền phức thành duyên lành. Ví dụ nếu một vị tu sĩ tu tinh tấn mà bị ai đó đặt điều nói xấu, đàm tiếu sau lưng với mục đích hạ bệ uy tín và thanh danh mà cả một đời tu gầy dựng, vị đó sẽ tự biết sẽ làm gì để phiền phức đó không khiến tâm mệt mỏi hơn mà cảm thấy thong dong, nhẹ nhàng thư thái giữa cái gọi là phiền muộn ấy.
Mỗi người đều có trách nhiệm với cuộc đời mình nên mọi chuyện đều do mình quyết định. Cũng như khi có khách đến thăm, ta đón tiếp hay không là quyền của ta. Phiền não đến, chướng duyên, oan ức hay điều bất như ý, con ma tham sân si có khiêu chiến hay mời gọi thì cũng đâu làm ta phiền lòng nếu thật sự đã làm chủ được tâm mình.
Khi mê muội xác phàm nhận quả
Hãy sửa thân hoà nhã tu trì
Đúng đường chánh thiện mà đi
Hướng theo ngõ Phật việc gì cũng an.
Tâm mê là phàm và tâm ngộ là Phật. Giác ngộ hay đọa bàng sanh đều do ta quyết định qua ý khởi và thân hành động.
Khi nóng giận ngăn liền cơn tức
Giữ tâm can hết mực nhân từ
Hướng về thiện tánh chân như
Thảnh thơi nhàn trí dẹp trừ chấp nê.
Trong thực tế, việc nói lý thuyết thì dễ nhưng thực hành cũng khá là khó, bởi đâu đó cũng còn có người nghiệp rất dày còn phước thì rất mỏng. Những chuyện bất bình vẫn thường xảy ra với tu sĩ Phật giáo, sự nhẫn nhịn và chịu đựng sẽ giúp hành giả ngày càng hoàn thiện bản thân và thanh tịnh thân tâm hơn. Có đối diện với chướng duyên mới trưởng thành được trong giác ngộ. Có đối đầu với muôn trùng giông tố thì mới dễ dàng tôi luyện cái tôi. Thành công hay bất bại, thanh tịnh hay ô uế, bình yên hay sầu đau trên con đường tu tập là đều lệ thuộc và liên quan đến phẩm hạnh của một nhà tu hành.