Tín đồ Phật tử tham gia bảo vệ, giữ gìn môi trường xanh-sạch-đẹp (TT. Thích Hạnh Chơn)

Con người sống, tồn tại nhờ nhiều điều kiện trợ duyên, trong đó, môi trường góp phần rất quan trọng trong việc ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Vì vậy, Phật giáo do Đức Phật sáng lập nhấn mạnh đến vấn đề môi trường qua chính cuộc đời của đức Phật và những lời dạy thiết thực của Ngài. Trải qua hơn 2.500 năm, những lời dạy ấy vẫn còn nguyên giá trị, góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp nếu con người chịu học và ứng dụng. Với tín đồ Phật giáo, lời dạy của Đức Thế Tôn luôn soi sáng và dẫn đường cho các thế hệ noi theo. Chính nhờ hiểu và thực hành những lời dạy vàng ngọc ấy, tín đồ Phật tử đã và đang tích cực tham gia bảo vệ và giữ gìn môi trường sạch đẹp trong mọi thời đại. 

Bài viết sẽ trình bày một số lời dạy của Đức Phật được trích từ kinh điển Phật giáo. Từ đó, bài viết đưa ra một số đề xuất Phật giáo cần thực hiện nhằm đóng góp thiết thực trong việc bảo vệ môi trường. 

LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT VỀ MÔI TRƯỜNG

Có thể nói, cả cuộc đời của Đức Phật đều gắn bó mật thiết với môi trường thiên nhiên. Đó là Ngài sinh ra tại vườn Lâm-tỳ-ni, thành Phật tại Bồ đề đạo tràng, thuyết pháp tại vườn nai và Niết bàn tịch diệt tại rừng Sala. Cả cuộc đời gắn bó với thiên nhiên nên Đức Phật ý thức rất rõ cần phải bảo vệ môi trường và sống hòa mình vào thiên nhiên. Có rất nhiều bài pháp được Đức Phật thuyết giảng về vấn đề này. Bài viết đưa ra ba giáo lý phổ biến dễ hiểu và ứng dụng được trong cuộc sống để bảo vệ môi trường. 

Thứ nhất, giáo lý Duyên khởi qua bài kệ trong kinh Tạp A hàm “cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”. Bài kệ giáo lý Duyên khởi mang tính phổ quát rằng không có cái gì trên cõi đời này tồn tại độc lập, ngược lại chúng luôn có sự hỗ tương, ảnh hưởng lẫn nhau. Một xã hội bất ổn như chiến tranh, trộm cướp, lừa gạt… thì con người không thể nào sống yên ổn làm ăn sinh sống. Một môi trường xã hội bị ô nhiễm bởi suy thoái đạo đức như tham nhũng, giết người, trộm cắp, nói láo… thì đời sống nhân dân khó có được an vui hạnh phúc. Một môi trường thiên nhiên bị ô nhiễm bởi không khí dơ bẩn, nguồn nước đầy hóa chất độc, tiếng ồn inh ỏi điếc tai… thì sức khỏe người dân khó bảo đảm. Ngược lại, nếu xã hội bình yên, lãnh đạo có trách nhiệm, người dân có đạo đức, không khí trong lành… thì đời sống con người dù không giàu vẫn có hạnh phúc, an lạc như người dân nước Bhutan. Giáo lý rất thực tế không mang màu sắc tôn giáo mà ngược lại mang tính khoa học, bất cứ ai chú tâm đều có thể nhận ra và trải nghiệm ngay hiện tại. Mỗi cá nhân, tập thể sống có trách nhiệm với bản thân, xã hội, môi trường xung quanh, tất nhiên môi trường xã hội và thiên nhiên sẽ lành mạnh, trong lành theo quy luật nói trên.

Thứ hai, lời dạy của Đức Phật về chánh báo, y báo hay nhân quả rất thiết thực cho việc bảo vệ môi trường. Chánh báo tức là đời sống của mỗi người. Con người tạo ra hoặc thiện lành hay tội ác sẽ đưa đến hậu quả là an vui hạnh phúc hay khổ đau bất hạnh. Mỗi người bớt đi tham lam, thù hận và si mê sẽ đóng góp rất lớn cho xã hội bình yên và bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. 

Bởi nhờ bớt những thứ đó, con người không tham lam quá độ dẫn đến giết hại lẫn nhau nhất là gây chiến tranh chết chóc; không khai thác cạn kiệt tài nguyên bất chấp hậu quả xấu; không tàn hại sinh vật, động vật một cách bất chấp vì lợi dưỡng cá nhân… thì việc bảo vệ môi trường là điều có thể thực hiện được trong tầm tay. Nói cụ thể, một cộng đồng người sống có ý thức không xả rác bừa bãi, bán hàng hóa không lừa gạt bằng tẩm thuốc hay tráo hàng giả, giúp đỡ thương yêu nhau trong cuộc sống… thì môi trường xã hội và thiên nhiên nơi cộng đồng ấy sinh sống sẽ bình yên, lành mạnh. Mọi người đều có chánh báo tốt tức sống thiện, đạo đức thì y báo tức xã hội, môi trường sẽ tốt đẹp, lành mạnh, và trong sạch. Cõi Đức Phật A Di Đà là một cõi lý tưởng theo niềm tin.

Thứ ba, những lời dạy căn bản cho tín đồ Phật tử là năm giới hay năm điều đạo đức. Bằng việc không giết người hay các loài động vật lớn nhỏ và bảo vệ mạng sống muôn loài; không sử dụng rượu bia say sưa hay chất kích thích, ma túy; không khai thác sử dụng gỗ quý, tài nguyên hiếm… thì mỗi tín đồ Phật tử đã đóng góp vào việc bảo vệ môi trường một cách tích cực. Giữ các giới hay các điều đạo đức là tín đồ Phật tử đang ý thức bảo vệ môi trường.

Tóm lại, môi trường bị tàn phá dẫn đến thiên tai bão lũ, động đất sóng thần…phần lớn cũng do con người gây nên. Do đó, việc áp dụng lời Phật dạy để giáo dục con người hướng thiện, giảm 

PHẬT GIÁO CẦN THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Cuộc đời và lời dạy của Đức Phật minh chứng cho phương pháp và tinh thần sống bảo vệ môi trường. Người đệ tử Phật học và hành theo lời dạy của Thế Tôn là đã và đang tham gia bảo vệ môi trường. Do đó, bài viết nêu lên một số điều mà tổ chức Phật giáo, các tự viện và cá nhân Phật tử cần có để tích cực tham gia vào chương trình ý nghĩa này. Năm 2022, hưởng ứng chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026, do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tài nguyên – Môi trường phát động, Phật giáo đã tham gia hội nghị ký kết và triển khai chương trình trong cộng đồng Phật giáo. Do đó, các tổ chức Phật giáo trực thuộc mà đại diện là Ban Trị sự các cấp cần tuyên truyền đến chư tôn đức Tăng Ni trụ trì các tự viện về các hoạt động có thể tham gia. Các hình thức tuyên truyền tham gia gồm:

Thứ nhất, các tự viện thuyết giảng lời dạy của Đức Phật đến tín đồ và áp dụng trong đời sống như tam quy, năm giới hay năm điều đạo đức, mười điều thiện…

Thứ hai, mỗi tự viện tùy theo điều kiện trồng nhiều cây xanh, tạo các hồ nước và luôn giữ sạch sẽ nơi khuôn viên chùa, đường xá quanh chùa.

Thứ ba, các tự viện tiên phong trong việc thu gom các vật dụng nhựa, khó tiêu hủy để xử lý, và không vứt rác bừa bãi.

Thứ tư, các tự viện vận động Phật tử tham gia dọn vệ sinh, thu gom rác tại các tuyến đường, bãi biển, công viên…

Thứ năm, các tự viện vận động tín đồ không giết hại các loài động vật nhất là động vật quý hiếm và phóng sanh các loài động vật tùy theo khả năng và theo sự hướng dẫn để động vật thả có thể sống sót sau khi được thả.

Thứ sáu, các tự viện có chương trình thả hoa đăng vào các dịp lễ hội phải sử dụng vật liệu thích hợp, có thể gom dọn được để không gây ô nhiễm nước.

Thành viên Ban Trị sự thường xuyên trao đổi để đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện bảo vệ môi trường như hỗ trợ các thanh niên tham gia vệ sinh công ích; hỗ trợ các nhân viên vệ sinh như một cách động viên tinh thần quý báu; nhắc nhở những người vô tình hay cố ý xả rác bừa bãi…

Công tác bảo vệ môi trường cũng rất cần triển khai ở cấp độ tự viện và cá nhân Tăng Ni, Phật tử. Tự viện là nơi sinh hoạt của đông đảo quần chúng tín đồ Phật tử. Do đó, việc giữ gìn bảo vệ môi trường tự viện xanh, sạch, đẹp là rất quan trọng. Qua quá trình đào tạo tại các trường lớp về lời dạy của đức Phật, tất cả Tăng Ni một cách lý tưởng đều có ý thức về giá trị đạo đức nên luôn sống đời sống thanh cao góp phần vào sự bình yên của xã hội. Sự giảm thiểu tiêu thụ cũng như giữ gìn giới luật Phật là một sự đóng góp vào việc bảo vệ môi trường bởi đó là cách góp phần làm cho xã hội bình yên, lành mạnh.

Một số tôn đức trụ trì các tự viện đã tổ chức các hoạt động góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Cụ thể, chùa Minh Tịnh vận động chúng thanh niên Phật tử mỗi tháng nhặt rác các khu phố gần chùa, nhặt rác tại bãi biển Quy Nhơn. Khi nhặt rác, các bạn trẻ mang theo biểu ngữ kêu gọi không xả rác, giữ môi trường sạch đẹp bằng những vần thơ như: “thấy rác xin hãy nhặt lên, từng điều nhỏ nhặt xây nền văn minh.” Hay “nhặt rác trên đường, trời thương Phật độ”. Niệm Phật đường Quy Hòa thường tổ chức kêu gọi các bạn trẻ nhặt rác ngoài cồn biển, trên các kênh rạch trong thành phố và các huyện lân cận. Tịnh xá Ngọc Hòa vận động mạnh thường quân và dân địa phương tạo các tuyến đường hẻm nội bộ trong thôn xóm với cách trang trí sạch đẹp, văn minh góp phần làm đẹp làng xóm. Qua các việc làm dù nhỏ, các chùa góp phần tạo cho người dân có ý thức bảo vệ cộng đồng, bảo vệ môi trường sạch đẹp.

Tóm lại, Phật giáo đã và đang tiếp tục đồng hành cùng các đoàn thể thực hiện chương trình bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Tuy nhiên, để chương trình được lan tỏa, Giáo hội các cấp cần vận động các tự viện, Phật tử tham gia chương trình và có những hình thức đánh giá, khuyến khích, động viên khích lệ một cách cụ thể.

 

 

 

Chú thích:

* Thượng tọa Thích Hạnh Chơn, chùa Minh Tịnh, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.