Sự liên hệ giữa nhận thức và đạo đức trong con người ngũ uẩn (Tỳ kheo Thích Đức Kiên)

Tóm tắt: Đức Phật đã nhận thấy rằng chỉ có con đường thực tập đạo đức và thiền định mới là con đường giải phóng con người ra khỏi mọi khổ đau phiền não. Con đường mà ngài khám phá chính là con đường của Bát Chánh đạo hay nói cách khác chính là con đường của Giới – Định – Tuệ. Con người phải có một sự nhận thức đúng đắn về bản chất của vạn pháp là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Sự nhận thức đúng đắn còn là hiểu thấu đáo về luật Nhân quả Nghiệp báo: chính mình phải nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, chịu trách nhiệm với cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Để thoát khỏi sự trói buộc của Nghiệp chúng ta phải thường xuyên chánh niệm, tỉnh giác, thu thúc sáu căn và luôn có Chánh kiến trong mọi ý nghĩ, hành động, lời nói dù là nhỏ nhất và phù hợp với Chánh đạo. 

Từ khóa: con người, ngũ uẩn, sắc thân, tâm lý.

DẪN NHẬP

Đạo đức là một trong những lĩnh vực mà các triết gia thuộc các tôn giáo luôn dành cho nó một mối quan tâm đặc biệt trong nghiên cứu. Bởi quá trình nghiên cứu về đạo đức đã giúp con người mở ra cánh cửa tâm thức, phơi bày ra ánh sáng những mầm mống bất thiện đang ẩn sâu trong tâm khảm mỗi cá nhân và hưng khởi những phẩm chất tốt đẹp, hiền thiện; góp phần xây dựng nền tảng đạo đức cho cá nhân và xã hội. Đặc biệt, khi xã hội ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khủng hoảng trong nội tâm cũng như sự nguy cơ xuống cấp của những giá trị nhân bản, việc quay về với lối sống hiền thiện, đạo đức được xem là một giải pháp tối ưu để giải quyết những vấn nạn đó của con người. Con người, với tư cách là một chủ thể của nhận thức, phải là người chịu trách nhiệm cho đời sống đạo đức của chính mình. Để làm được điều này, không gì khác hơn là mỗi người phải hiểu rõ về chính con người của mình, phải tìm ra cho được mối liên hệ mật thiết giữa Nhận thức và Đạo đức, và những vận hành trong tâm thức của mình ra sao. 

CON NGƯỜI NGŨ UẨN

Vậy theo Phật giáo, cái gì tạo thành con người? Để trả lời câu hỏi đó, Đức Phật đã dạy trong Kinh Tương Ưng Bộ như sau: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là Danh – Sắc? Thọ, Tưởng, Tư, Xúc, Tác ý, đấy gọi là Danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra, đấy gọi là Sắc. Như vậy đây là Danh, đây là Sắc, Đây gọi là Danh – Sắc” [1]. Thọ, Tưởng, Tư, Xúc, Tác ý là các hoạt động tâm lý của con người. Bốn đại chủng và các Sắc do bốn đại chủng tạo ra gọi là Sắc, là thế giới hiện tượng (hay nói cách khác là đối tượng nhận thức của con người). Đây cũng chính là phần Vật chất, là Sắc uẩn hay Sắc thân (Rūpa) trong Ngũ uẩn; còn Thọ, Tưởng, Tư, Xúc, Tác ý chính là nội dung của Bốn uẩn: Thọ (Vedanā), Tưởng (Sañña), Hành (Saṅkhāra), Thức uẩn (Viññāṇa) trong Ngũ uẩn, là phần tâm lý của con người. Hợp lại ta có Danh – Sắc, là toàn thể con người có nhận thức đầy đủ, là một chúng sinh hữu tình ở đời này.   

Sắc thân (Rūpa) là nhóm đầu tiên trong Ngũ uẩn. Sắc thân được bốn Đại (Mahābhūta) là Đất (Paṭhavi), Nước (Āpo), Gió (Vāyu) và Lửa (Tejo) tạo thành. Đất tượng trưng cho những gì là chất cứng, nhám,… trong cơ thể; như là xương, thịt, da, lông,… Nước tiêu biểu cho chất lỏng như máu, mủ, dịch… Lửa tiêu biểu cho thân nhiệt. Gió tiêu biểu cho hơi thở ra vào trong cơ thể con người. 

Cảm thọ (Vedanā) là nói đến cảm xúc của kinh nghiệm con người, mang ý nghĩa trạng thái và thái độ tâm lý. Cảm thọ hay cảm giác có ba loại; đó là thích thú (Manāpasukha), không thích thú (Amanāpasukha) và xả (Adukkhaamasukha). Trong hình thức thô sơ, nó chỉ là cảm giác đối với đối tượng, nhưng nếu ở mức độ sâu hơn nó dần trở thành lòng khát ái hay sân hận. 

Tưởng (Saññā) tiêu biểu cho chức năng nhận thức (Sañjānāti). Như trong trường hợp của Cảm thọ, các Tưởng liên quan đến tất cả các thành phần cấu tạo của cá thể con người. Mỗi Tưởng là một sự hoà trộn của các ký ức, khái niệm, thói quen của tâm và các yếu tố vật chất. 

Hành (Saṅkhāra) là một yếu tố góp phần vào tiến trình cá nhân hoá của một người và của nhận thức. Nó không những chỉ cách chúng ta chuẩn bị hình thành con người vật lý mà còn phần nào xác định bản chất tính cách con người mới của chúng ta ở tương lai. Về mặt nhận thức luận, Hành hay còn biết đến là tính khí của con người, là một phương tiện cực kỳ có giá trị, nhờ đó con người có thể đối diện với thế giới kinh nghiệm. 

Thức (Viññāṇa) nhằm giải thích tính tương tục trong con người được cá nhân hoá bằng khuynh hướng thói quen (Saṅkhāra). Thức không phải là một thực thể thường tồn bất tử. Nó sẽ không hoạt động được nếu bị tách ra khỏi các Uẩn khác nhất là Sắc thân (Rūpa), mà phải kết hợp với các Uẩn khác nếu các ý nghĩ xảy ra. 

SỰ NHẬN THỨC CỦA CON NGƯỜI THEO QUAN ĐIỂM ĐẠO PHẬT

Con người với sự cấu thành của Danh và Sắc như vậy, thì vấn đề nhận thức thế giới hiện tượng diễn ra như thế nào? Trong Kinh Bó lau, Đức Phật đã chỉ ra mối liên hệ mật thiết giữa con người Danh Sắc với Thức là một mối quan hệ khắn khít và cộng sinh : “Ví như hai bó lau dựa vào nhau mà đứng. Cũng vậy, này Hiền giả, do duyên Danh Sắc, Thức sanh khởi. Do duyên Thức, Danh Sắc sanh khởi” [2]. Nghĩa là Thức và Danh Sắc không thể tách rời nhau mà tồn tại độc lập, nhờ Danh sắc mà Thức có nơi để hiện hữu và ngược lại, từ nơi Thức mà Danh Sắc có mặt. Đức Phật bằng tuệ quán của mình đã nói rằng : “Do duyên Mắt và Sắc, này các Tỳ kheo khởi lên Nhãn thức, sự gặp gỡ của ba điều kiện này là Xúc; do duyên Xúc nên có Cảm thọ. Những gì vị ấy Cảm thọ, vị ấy Tưởng về; những gì vị ấy Tưởng, những gì vị ấy Tầm cầu; những gì vị ấy Tầm cầu, vị ấy vọng tưởng mê chấp. Do những gì vị ấy mê chấp, các vọng tưởng ám ảnh như thế chi phối tấn công một người về các đối tượng Nhãn căn được tận mắt nhận thức thuộc về quá khứ, tương lai, hiện tại” [3].

Như vậy, sự gặp gỡ giữa Căn, Trần và Thức do Duyên được gọi là Xúc (Phassa). Ở đây, chúng ta nên hiểu phạm trù “Xúc” không chỉ đơn thuần là sự xúc chạm về mặt vật lý, mà nó còn bao hàm cả sự tiếp xúc ngoài mặt vật lý, nghĩa là cả trong tư tưởng. Xúc ở đây diễn đạt ý niệm về kinh nghiệm. Và kết quả của nó chính là nảy sinh Cảm thọ theo chiều hướng là thích thú, không thích thú hay thờ ơ với đối tượng; là nền tảng để quyết định Đạo đức trong thế giới thực nghiệm. Từ Cảm thọ sẽ sinh ra Tưởng, hay nói cách khác các Tưởng thường được quyết định bởi đời sống Cảm xúc của chúng ta. Nó cho ta thấy rằng sự quan tâm của chúng ta tới đối tượng, dù nhiều hay ít, đều được dung nạp và đóng vai trò quan trọng thành nhận thức của mỗi cá nhân. Bước tiếp theo sẽ là Tầm cầu (Vitakka) dẫn dắt theo hai cách. Thông qua Tầm cầu mà các kết quả của Tưởng được đánh giá, dù nó đưa đến Đau khổ hay là Hạnh phúc. Nếu Tầm cầu tiếp tục chứng minh được sự tồn tại của một bản ngã là đúng, một thực thể tự tồn và độc lập (Ātman) thì nó sẽ đưa đến ám ảnh hay vọng tưởng (Papañca). Việc vọng tưởng sinh ra chính là do sự sinh khởi về quan niệm của bản ngã hay một thực thể tự tồn; là kết quả của một cảm xúc thái quá. 

Trong Kinh Sīvaka, có đề cập đến quan điểm một vị Bà-la-môn cho rằng: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ ấy đều do nhân đã làm trong quá khứ” [4]. Quan điểm này là một quan điểm về Định nghiệp. Chính nhận thức sai lầm này đã dẫn đến việc cho rằng tu tập khổ hạnh mới là phương pháp chấm dứt đi các Nghiệp cũ và không còn tạo ra Nghiệp mới. Với quan điểm này, Đức Phật đã nói rằng: “Này các Thi-bà, Sa-môn, Bà – la – môn nào nói rằng : ‘Tất cả những gì người ta giác tri được đều là nhân đã tạo từ trước, đó là bỏ việc thực tế ở thế gian mà nói theo sự nhận thấy hư vọng của chính mình’”. 

Qua đó, ta thấy rằng, tiến trình nhận thức giác quan của một người bắt đầu bằng tính Duyên khởi (Paṭiccasamuppāda), do duyên giữa Căn – Trần – Thức mà con người nhận thức được sự vật hiện tượng khách quan. Và khi phân tích con người thành năm uẩn thì cũng có nghĩa là đã phủ nhận sự có mặt của một cái ngã siêu hình (Ātman) cũng như cho thấy được sự hiện diện của một cái ngã thực nghiệm. 

MỖI LIÊN HỆ GIỮA NHẬN THỨC VÀ ĐẠO ĐỨC

Đạo Phật, với sứ mệnh giải thoát con người khỏi những khổ đau, phiền não; đem lại hạnh phúc chân thật cho con người, thì hơn bao giờ hết, những phẩm chất hướng thượng luôn được Đức Phật chỉ dạy và khuyến khích những người đệ tử của Ngài thực tập theo để đạt được sự giải thoát và hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại. 

Một con người sẽ bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như cha mẹ, bạn bè, môi trường xung quanh, v.v…; nhưng Đức Phật cho rằng trong các yếu tố khác nhau đó, thì thì Thức là nổi trội hơn cả. Chính quan điểm này, Ngài đã nhấn mạnh năng lực cá nhân trong việc phát triển phẩm chất của riêng mình về mặt Đạo đức cũng như Tâm linh dù cho có những áp lực ràng buộc từ bên ngoài. 

Hành và Thức khi kết hợp với nhau sẽ hình thành nên tính cách cá nhân của một con người. Và hễ một con người có tâm vật lý tồn tại và các giác quan hoạt động thì sẽ có sự Tiếp xúc và Cảm thọ phản ứng với thế giới đó. Nhưng khi Vô minh (Avijjā) có mặt, một người phàm có thể sẽ phát sinh tâm Tham ái (Taṇhā) hoặc tâm Ghét bỏ đối với đối tượng. Sự Tham ái sẽ dẫn đến Chấp thủ (Upādāna) đối với cả đối tượng thích thú lẫn ý tưởng. Từ Chấp thủ sẽ dẫn đến Hữu (Bhava). Hữu là sự có mặt, sở hữu, hiện hữu, sự sinh tồn; là tất cả những gì biểu hiện sự sinh tồn, hiện hữu (thuộc vật chất, hình tướng, ý tưởng,…). Hữu còn có nghĩa là nơi chốn, cảnh giới, cõi, thế giới. Trong mười hai chi phần nhân duyên, Hữu có ý nghĩa là cõi giới có chúng sinh hiện hữu. 

Trong vòng tròn của mười hai duyên khởi đấy, ta sẽ thấy rằng một hiện hữu vừa là Nhân vừa là Quả cho các hiện hữu khác. Bất kể hành động nào xuất phát từ thân thể, lời nói hay suy nghĩ; nếu bị điều động bởi Vô minh (chấp thủ nơi ngã tướng của các hiện hữu) thì sẽ tạo nên Nghiệp thức dẫn tới khổ đau nơi Tam giới. Nếu hành động bị điều động bởi lòng khát ái, bởi dục vọng đều sẽ đưa đến sầu, bi, khổ, ưu, não ngay trong đời này và đời sau. Và bất cứ hành động nào gây khổ đau cho chính mình và người khác đều được xem là bất thiện, phi đạo đức. Ngược lại, những hành động nào đem lại hạnh phúc, bình an cho mình và người trong hiện tại và tương lai thì nó là thiện. 

Từ việc phân tích đến tận cùng bản chất con người Danh – Sắc và nhận thức đúng đắn về nó, ta sẽ thấy rằng không có một cái gì gọi là một cái “Tôi” thường tồn. Mục đích cuối cùng của một người học Phật là phải nhận thức ra được mọi sự hiện hữu đều là duyên sinh và giả tạm, nhằm từ bỏ suy nghĩ sai lầm về một cái ngã thường tồn. Bất kỳ một nhận thức nào về một thực thể trường tồn, độc lập, tuyệt đối đều cần phải được từ bỏ; bởi vì ý tưởng về một Tự ngã tách rời đều dẫn đến tính tự kỷ (Selfishness) và ích kỷ, không những sai lầm mà còn dẫn tới nhiều hậu quả tai hại. Nó là gốc rễ (Mūla) cho mọi đau khổ trong hiện hữu và các vấn đề suy đồi về giá trị đạo đức, vấn đề về xã hội (như trộm cướp, nghèo đói và bạo lực…) đều có nguồn gốc từ việc nhận thức về một cái ngã trong sự cạnh tranh giữa cái này và cái khác. Khi diệt trừ cái ngã riêng rẽ đó thì sẽ đưa tới một trạng thái sống tử tế, vô ngã, đầy yêu thương và nhân ái đối với kẻ khác. Đây chính là giá trị dạo đức mà Phật giáo đã cống hiến cho Xã hội. Do vậy, những giáo lý của Đạo Phật, đều giúp chúng ta có được một nhận thức đúng đắn về chính con người chúng ta, để từ đó bào mòn, trử khử đi ý tưởng về một cái ngã thường tồn trong chính con người của mình [5].

Ý NGHIỆP LÀ NGHIỆP QUAN TRỌNG NHẤT VÀ XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC

Trong Kinh Ưu-ba-ly, khi ngoại đạo Nigaṇtha hỏi Đức Phật loại nghiệp nào tối trọng để tác thành và diễn tiến ác nghiệp, thì Đức Phật đã trả lời rằng : “… Ta chủ trương ý nghiệp là tối trọng, để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, thân nghiệp không bằng được, khẩu nghiệp không bằng được”. Lại nữa : “… ta bảo rằng tác ý đấy là nghiệp. Với ý muốn người ta hành động bằng thân xác, bằng ngôn từ và bằng cơ quan tâm thần của mình” [6]. Ở một đoạn kinh khác trong Tăng Chi Bộ, Đức Phật đã nói rằng: “Này các Tỳ kheo, Ta tuyên bố rằng suy tư là Nghiệp: “Sau khi suy tư, tạo Nghiệp về thân, về lời, về ý” [7].

Trong đoạn kinh ấy, Đức Phật giảng rằng yếu tố chính tạo nên Nghiệp của chúng ta chính là Ý chí hay Ý định (Cetanā). Một hành động hay suy nghĩ chỉ khi có Tác ý (tư tâm sở) mới hình thành Nghiệp, có giá trị chi phối đời sống con người. Nó là một sự chủ tâm, một ý định (Intention), một tác động tâm thần mang tính cách duy ý hay còn gọi là Tác ý (Volition), là một ý muốn trong tâm thức. Tác ý (Manasikāra) hay sự chủ tâm (Cetanā) là một trong sáu khả năng căn bản của tâm thức gọi là tri thức tâm thần (Manovijñāna), năm tri thức kia là năm tri thức giác cảm (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức). Tất cả sáu thức đều có sự hoạt động của tác ý. Cao hơn nữa, nó là chủ thể của các hoạt động cảm giác, xúc cảm, tư duy, ý chí phán đoán và quyết định, bao gồm các chức năng của Thọ, Tưởng và Tư hay Ý chí (Cetanā), Các đối tượng vừa kể khi được cảm nhận bởi tri thức sẽ làm nảy sinh ra xúc cảm. Xúc cảm sẽ hiển lộ dưới dạng một hành vi tâm thần, tức một sự duy ý hay tác ý và đấy chính là nghiệp. Từ đó, nghiệp tác ý này mới sinh ra trên hành động, gọi là thân nghiệp (Kayākarma), ở ngôn từ gọi là khẩu nghiệp (Vakkhakarma) và ở tâm ý gọi là ý nghiệp (Manokarma). Trong ba nghiệp này, chỉ có thân, khẩu là có sự biểu hiện ra bên ngoài và có thể quan sát được. Vì vậy ý chí tự do, trong liên hệ với nghiệp phải được hiểu là quyết định lựa chọn một cách tự do và ý thức trách nhiệm về điều mình sẽ làm. Nó sẽ là tiền đề của đạo đức theo nghĩa rộng nhất và cũng là động lực của mọi hành vi thiện ác.

SỰ LIÊN QUAN GIỮA TÁC Ý VỚI CĂN BẢN THIỆN VÀ BẤT THIỆN

Đạo đức xuất phát từ nhận thức của con người. Nếu như ở phần trên, đã nói rằng chính Ý nghiệp hay là sự nhận thức là yếu tố quan trọng nhất để từ đó hình nên nên Nghiệp của mỗi cá nhân; vậy thì làm phải làm thế nào để từ Ý nghiệp mới dẫn đến được những nghiệp thiện lành và rời xa những ác nghiệp? Điều đó phụ thuộc vào sự nhận thức đúng đắn của chính chúng ta. Khi mỗi cá nhân có được sự nhận thức đúng đắn thì hiển nhiên sẽ hình thành nên sự chuẩn mực trong đời sống đạo đức. Trong phạm trù “nhận thức đúng đắn” này, chúng ta có thể hiểu nó chính là khái niệm “Như lý tác ý” (Yoniso manasikāra). Ở bài Kinh Tất cả các lậu hoặc (Sabbhāsava Sutta), Đức Phật dạy rõ vai trò của “như lý tác ý” trong việc diệt trừ các lậu hoặc như sau : “Này các Tỳ kheo, thế nào là sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy : có như lý tác ý và không như lý tác ý. Này các Tỳ kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi, và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng. Này các Tỳ kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc đã sanh được trừ diệt” [8].

Đây là một Nghiệp xuất phát từ Ý với một sự đúng đắn, không sai lầm trong quá trình nhận thức, là một khả năng suy xét hay chú tâm một vấn đề đến tận nguồn gốc, tức triệt để, thấu đáo đối tượng hay hiện tượng. Trong Đại phẩm (Mahāvagga) Đức Phật từng tuyên bố rằng chính nhờ “Như lý tác ý” và “Như lý tinh tấn” mà Ngài đạt được sự giải thoát tối thượng, chứng ngộ sự giải thoát tối thượng và khuyến khích đệ tử của mình rằng: “Hãy đạt đến sự giải thoát tối thượng, hãy chứng ngộ sự giải thoát tối thượng nhờ Như lý tác ý và Như lý tinh tấn” [9]. Phụ chú giải giảng thêm rằng Như lý tác ý là sự chú ý, để trong tâm về tính chất vô thường,… và Như lý tinh tấn có nghĩa là nỗ lực để các bất thiện chưa sinh không sinh khởi. Và chính nhờ Như lý tác ý mà các thiện pháp được sinh khởi, làm tiêu trừ đi các bất thiện pháp của mỗi con người, như lời Đức Phật đã nói: “Do nhân như lý tác ý, do duyên như lý tác ý… do nhân tâm chánh hướng, do duyên tâm chánh hướng, thiện nghiệp được làm, thiện nghiệp được tiếp tục làm” [10].

Trong Kinh Trung bộ với tựa đề Samaṇamaṇdikā, Đức Phật cũng đã trình bày thế nào là Giới bất thiện (Ākusala sīla), đó chính là Thân hành bất thiện, Miệng và Ý hành bất thiện. Tiếp đến, Đức Phật cũng chỉ ra rằng: “Và này thợ mộc, những bất thiện giới này sanh khởi như thế nào? Sự sanh khởi của chúng cũng được nói đến. Cần phải trả lời là từ tâm sanh khởi. Thế nào là tâm? Tâm có nhiều loại, đa chủng, sai biệt: tâm có tham, có sân, có si, từ đây những bất thiện giới sanh khởi” [11]. Như vậy, qua đoạn kinh trên, ta thấy rằng, căn bản của mọi bất thiện pháp, lưu xuất nơi ba nghiệp nơi thân – khẩu – ý đều bắt nguồn từ Tâm, hay nói chính xác hơn là từ Ý. 

Trong Kinh Chánh tri kiến (Sammādiṭṭhi sutta) thuộc Kinh Trung bộ, Đức Phật đã nói như sau: “Và chư Hiền, thế nào là căn bản bất thiện? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bản bất thiện” và ngược lại “chư Hiền, thế nào là căn bản thiện? Không tham là căn bản thiện, không sân là căn bản thiện, không si là căn bản thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bản thiện”. Như vậy, chính từ ba yếu tố Tham (Lobha), Sân (Dosa), Si (Moha) đã cấu thành nên gốc rễ của những điều Bất thiện (Akusalā), và khi đoạn trừ được ba yếu tố này thì được gọi là Thiện (Kusalā). Triển khai rộng ra thì từ 3 căn bản bất thiện Tham, Sân, Si ta có tất cả 10 bất thiện lưu xuất nơi thân – miệng – ý như sau : “Và này chư Hiền, thế nào là thiện, Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chánh tri kiến là thiện” [12]. Trong mười thiện này, thì ba thân thiện nghiệp là không sát sinh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong dục lạc do Tư Tâm Sở (Cetanā) điều sử, dựa trên tác ý đúng. Bốn ngữ thiện nghiệp là không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời thô ác, không nói nhảm nhí cũng là do Tư Tâm Sở điều khiển và sai sử dựa trên Tác ý đúng. Chỉ riêng ba thiện nghiệp nơi ý là không tham lam, không sân và có trí là Tư Tâm Sở điều kiển và sai sử các tâm sở phối hợp với nó dựa trên Tác ý đúng.

GIỚI LÀ CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN SỰ TOÀN HẢO VỀ ĐẠO ĐỨC

Vậy làm cách nào để từ bỏ đi những pháp Bất thiện và làm lớn mạnh lên những pháp Thiện trong mỗi con người của chúng ta? Từ điển Graw Hill Book đã định nghĩa rằng: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, lời nói, ý và được thực hiện bởi lý trí, tình cảm và ý chí” [13]. Vì vậy, để xây dựng một con người đạo đức với những phẩm chất thiện lành thì phải có những chuẩn tắc về hành vi thiện hay bất thiện xuất phát từ ba khía cạnh là thân, miệng và ý. Một hành vi phải đem lại hạnh phúc cho mình, cho người, cho xã hội là chuẩn tắc để đánh giá là thiện pháp hay bất thiện pháp. Đối với Phật giáo, chuẩn tắc hành vi đó phải dựa vào Giới hay chuẩn tắc ấy chính là Giới. 

Giới (Sīla) là những điều được nêu ra, giúp cho chúng ta làm mô phạm ứng xử nhằm nâng cao nhân phẩm của con người bằng cách không vi phạm những điều phi Đạo đức. Trong giáo lý nhà Phật, tuỳ theo căn cơ của hàng ngũ xuất gia và tại gia mà phân thành nhiều loại giới, như 248 giới của Tỳ kheo, 350 giới của Tỳ kheo Ni, 10 giới của Sa-di và Sa-di-ni, 5 giới của Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di,…Tuy đa dạng như vậy, nhưng tựu trung lại vẫn dựa trên nền tảng của Ngũ giới (Pañcasilā) là không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói dối và không uống rượu (Không sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khoẻ). Đây được xem là nền tảng căn bản nhất để làm một con người có đạo đức; là bậc thang để bước lên những cấp bậc cao hơn của Thánh nhân và tiến tới quả vị Phật. Khi một người giữ gìn năm giới này một cách thanh tịnh, thì tâm được an ổn, tự tại; vì khi đó ta biết rằng mình đang trú trong đạo đức, từ đó cảm nhận được hạnh phúc và an lạc ngay trong hiện tại và chính cuộc sống của mình ngay tại đây. Vì lẽ đó, có thể nói Ngũ giới là điều kiện cần và đủ để làm một con người. 

Bản chất của con người là không thích kẻ khác gây ra bất cứ sự tổn thương nào đến cho mình như tổn hại đến tính mạng, mất mát tài sản, rối loạn hạnh phúc gia đình,… Chính vì lẽ đó, ta cũng không nên gây hại cho những người khác bằng những điều mà mình không thích như trên. Đấy cũng chính là giữ gìn hạnh phúc của chính mình. Bên cạnh đó, nếu tất cả những những giới điều trên bị vi phạm và phá bỏ thì xã hội sẽ rơi vào một hoàn cảnh rối ren, đau khổ. Chỉ từ sự đánh mất hạnh phúc qua việc phá giới thì đã tạo ra đau khổ cho gia đình, xã hội, thậm chí là dẫn đến chiến tranh, xung đột nếu vị ấy là người có chức có quyền. Vì vậy năm giới là điều kiện tất yếu cần phải được tuân thủ [14].

Như đã trình bày ở trên, Nghiệp là hành động cố ý. Hành động cố ý là Hành uẩn. Sự vận hành của Hành uẩn cũng chính là sự vận hành của Ngũ uẩn. Nên Nghiệp chính là sự vận hành của Năm thủ uẩn. Cứu cánh của Đạo Phật chính là giải phóng con người khỏi sự trói buộc của Nghiệp, cũng có nghĩa là giải thoát khỏi sự trói buộc của Năm thủ uẩn. Làm được việc này có nghĩa là loại bỏ đi tư duy sai lệch khi cho rằng các hiện hữu có một cái ngã thường hằng, từ đó dục vọng dấy khởi; đồng thời phát triển cái nhìn thấy rằng vạn vật đều là vô ngã nên không còn tâm lý ham muốn. Đức Phật đã chỉ cho những đệ tử của mình rằng: “Và này các Tỳ kheo, thế nào là Nghiệp đoạn diệt? Xúc đoạn diệt, này các Tỳ kheo, là nghiệp đoạn diệt. Ðây là Thánh đạo tám ngành, con đường đưa đến các nghiệp đoạn diệt. Ðó là chánh tri kiến… chánh định” [15].

Như vậy, Thánh đạo tám ngành (Ariya aṭṭhaṅgika magga) hay Bát chánh đạo chính là con đường giúp cho chúng sinh thoát khỏi vòng trói buộc của Nghiệp, là con đường thăng hoa giá trị Đạo đức, Phẩm hạnh và nó phải được bắt đầu bằng Chánh kiến tức là cái thấy đúng đắn từ nơi mỗi cá nhân. Điều này, đã được Đức Phật cắt nghĩa trong kinh Đại Niệm Xứ rằng: “Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh tri kiến? Này các Tỳ kheo, tri kiến về Khổ, tri kiến về Khổ tập, tri kiến về Khổ diệt, tri kiến về Khổ diệt đạo. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh tri kiến. Này các Tỳ kheo, thế nào là Chánh tư duy? Tư duy về ly dục, tư duy về vô sân, tư duy về bất hại. Này các Tỳ kheo, như vậy gọi là Chánh tư duy” [16]. Nhờ có Chánh kiến (Sammādiṭṭhi), chúng ta nhận rõ ra được những phiền não, khổ đau trong chính con người của ta, biết được nguồn gốc của nó và biết cần phải làm những gì để loại trừ đi nó. Và Chánh tư duy (Sammā saṅkappa) hay sự tư duy về sự xả ly, về vô sân, vô hại, là động cơ để con người đạt đến được chỗ an tịnh cho tâm hồn. Tiếp đến, Đức Phật còn nói rõ thêm rằng Chánh ngữ (Sammā vācā) chính là không nói dối, không nói hai lưỡi, không nói lời thô ác, không nói lời phù phiếm. Chánh nghiệp (Sammā kammanta) chính là giữ gìn không sát sinh, không trộm cắp, không làm việc sai lầm vì các lạc thú. Chánh mạng (Sammā ājīva) chính là loại bỏ đi tà mạng. Tất cả những hành động ấy đều chính là nghiệp thiện, giúp cho người hành trì chế ngự được những căn bản phiền não khởi lên trong tâm. Nhưng để duy trì được những thiện pháp ấy một cách liên tục thì Hành giả cần phải cần đến yếu tố Chánh tinh tấn (Sammā vāyāma): “với chánh tinh tấn, một vị Tỳ kheo khởi lên ý muốn, nỗ lực, quyết tâm, trì chí để làm cho không khởi lên các bất thiện tâm chưa khởi lên… để loại bỏ các bất thiện tâm đã khởi lên…, để khởi lên các thiện tâm chưa khởi…, để làm cho các thiện tâm đã khởi được duy trì, được giữ gìn, được tăng trưởng, được thuần thục, được phát triển đến viên mãn”. 

Qua đó, ta thấy rằng nhờ Tinh tấn mà các nguyên nhân của phiền não được loại trừ, và các tâm thiện được khơi dậy. Và nếu không có Tinh tấn thì Thiền định khó thành tựu; vì nhờ có Tinh tấn mà hành giả đi vào thực hành Chánh niệm (Sammā sati) thông qua Tứ niệm xứ, từ đó tẩy trừ đi hết các cấu uế nhiễm ô nơi tâm và có cái nhìn như thật về sự vật, an trú vào tâm giải thoát và cảm thọ hạnh phúc. Tại đây, Thiền quán được phát triển mạnh, cái nhìn Trí tuệ về năm thủ uẩn có thể đoạn diệt hết các lậu hoặc để Trí tuệ giải thoát được thành tựu. 

Tóm lại, các nhân tố có mối quan hệ mật thiết với nhau, mà ở đó, “Chánh kiến” là nhân tố quan trọng nhất, được xem là khởi điểm và đích đến của lộ trình giác ngộ, như lời Đức Phật đã nói: “Đây, này các Tỳ kheo, Chánh kiến đi hàng đầu. Và thế nào, này Tỳ kheo, là Chánh kiến đi hàng đầu? Chánh tư duy, này các Tỳ kheo, do chánh kiến được khởi lên. Chánh ngữ do Chánh tư duy được khởi lên. Chánh nghiệp do Chánh ngữ được khởi lên. Chánh mạng do Chánh nghiệp được khởi lên. Chánh tinh tấn do Chánh mạng được khởi lên. Chánh niệm do Chánh tinh tấn được khởi lên. Chánh định do Chánh niệm được khởi lên. Chánh trí do Chánh định được khởi lên. Chánh giải thoát do chánh trí được khởi lên. Như vậy, này các Tỳ kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần và đạo lộ của vị A-la-hán gồm có mười chi phần [17].

Sắc thân (Rūpa) là nhóm đầu tiên trong Ngũ uẩn. Sắc thân được bốn Đại (Mahābhūta) là Đất (Paṭhavi), Nước (Āpo), Gió (Vāyu) và Lửa (Tejo) tạo thành. Đất tượng trưng cho những gì là chất cứng, nhám,… trong cơ thể; như là xương, thịt, da, lông,… Nước tiêu biểu cho chất lỏng như máu, mủ, dịch… Lửa tiêu biểu cho thân nhiệt. Gió tiêu biểu cho hơi thở ra vào trong cơ thể con người.

Với hình thức thu gọn, Bát Chánh đạo như trên chính là Tam vô lậu học (Tisso Sikkhā), với Giới (Sīla) chính là Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng; Định (Samādhi) gồm Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; Tuệ (Paññā) gồm Chánh kiến và Chánh tư duy. Tầm quan trọng của Giới – Định – Tuệ đã được Đức Phật khẳng định như sau : “Đây là Giới, đây là Định, đây là Tuệ, Định cùng đi với Giới đem lại kết quả lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng đi với Định đem lại kết quả lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng đi với Tuệ sẽ trở nên giải thoát, hoàn toàn thoát khỏi mọi lậu hoặc : Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu” [18]. Qua đó, ta thấy mục đích rốt ráo mà Đức Phật chỉ dạy cho người đệ tử Phật cũng chỉ là khơi dậy các đặc tính Đạo đức tích cực như từ bỏ, không hận, không làm hại, trừ bỏ đi các quan điểm đạo đức tiêu cực là quan điểm liên quan đến dục lạc, hận và hại. Thực tập Định sẽ thành tựu năm Thiền chi (Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc, Nhất tâm) để đối trừ lại năm Triền cái (Tham, Sân, Trạo Hối, Hôn Thuỵ và Hoài nghi), hành trì Giới để mở rộng lòng Từ bi để xoá tan đi sân hận, khai phóng trí tuệ giải thoát để xua tan đi màn hắc ám si mê về giải thoát ngã mạn khi cho rằng có một cái tôi thường còn [19].

Như vậy, quá trình tu tập để gia tăng đạo đức thông qua Tam vô lậu học, mà nền tảng nhất chình là hành trì Ngũ giới là một hành trình mang tính chất cá nhân, nghĩa là mỗi người phải tự thực hiện bằng chính sự nỗ lực của mình, thông qua Tư tâm sở (Cetanā) trong việc tự do lựa chọn với ý thức trách nhiệm về những điều mà mình sẽ làm.

KẾT LUẬN

Đức Phật, bằng Tuệ giác của mình, đã nhận thấy rằng chỉ có con đường thực tập đạo đức và thiền định mới là con đường giải phóng con người ra khỏi mọi khổ đau phiền não, đưa mỗi cá nhân từ cấp độ phàm phu trở thành bậc Thánh một cách trọn vẹn nhất. Con đường mà Ngài khám phá chính là con đường của Bát Chánh đạo hay nói cách khác chính là con đường của Giới – Định – Tuệ. Trong đó Giới là nền tảng đầu tiên của con đường thực tập. Nhờ Giới mà mỗi con người chúng ta hoàn bị được những giá trị cá nhân, nâng cao được đạo đức, phẩm hạnh; từ đó có được một cuộc sống hạnh phúc, góp phần kiến tạo nên một xã hội hoà bình, thịnh vượng. 

Nhưng muốn làm được việc đó, đòi hỏi mỗi một con người phải có một sự nhận thức đúng đắn về bản chất của vạn pháp là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Ở đó, không có một cái gì là vĩnh cửu thường còn, không cái gì có một thực thể cố định nào cả. Tất cả đều là giả tạm, luôn chịu sự thay đổi, chuyển biến theo dòng chảy của thời gian. Sự nhận thức đúng đắn còn phải nằm ở việc hiểu thấu đáo về luật Nhân quả Nghiệp báo; đó là định luật chi phối cho mọi hành vi Thiện – Ác của mỗi cá nhân trong lộ trình sinh tử. Đức Phật đã xác định rằng con người là chủ nhân của Nghiệp và cũng là thừa tự của Nghiệp, Nghiệp do chính mình dụng tâm tạo ra, thời nghiệp quả ấy do mình nhận lãnh không thể trốn chạy. Nói cách khác, chính mình phải nhận thức đúng đắn về hành vi của mình, chịu trách nhiệm với cuộc sống hiện tại và tương lai của mình. Và chúng ta không thể quy trách nhiệm, phó thác cuộc đời của ta cho một đấng thần linh hay thế lực siêu nhiên nào cả như quan điểm của các tôn giáo khác đã quan niệm. Để thoát khỏi sự trói buộc của Nghiệp, chúng ta phải thường xuyên chánh niệm, tỉnh giác, thu thúc sáu căn và luôn có Chánh kiến trong mọi ý nghĩ, hành động, lời nói dù là nhỏ nhất và phù hợp với Chánh đạo. Chúng ta không những không nói lời bất thiện, không làm điều bất thiện, mà còn phải cẩn trọng trong từng suy nghĩ của mình, phải “như lý tác ý” với mọi nhân duyên. Có như vậy, tâm ta mới dần trở nên thuần thiện, không có ác cấu nhiễm ô, tứ đó tâm thể định tĩnh, sáng suốt thấy rõ chân tướng sự vật và hướng tới giác ngộ, như lời Đức Phật đã dạy: 

“Người tâm ý an tịnh,

Lời an, nghiệp cũng an,

Chánh trí, chơn giải thoát,

Tịnh lạc là vị ấy” [20].

 

 

 

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu (2013, dịch), Kinh Tương Ưng Bộ – Tập I, Tập II: Thiên Nhân Duyên, Chương I: Tương Ưng Nhân Duyên, I. Phẩm Phật Đà, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.373.

[2] Thích Minh Châu (2013, dịch), Kinh Tương Ưng Bộ  – Tập I, VII: Đại Phẩm Thứ Bảy, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.471.

[3] Thích Minh Châu (2012, dịch), Kinh Trung Bộ I, 18. Kinh Mật Hoàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.147.

[4] Thích Minh Châu (2013, dịch), Kinh Tương Ưng Bộ – Tập II, Phần Ba: Phẩm Một Trăm Lẻ Tám Pháp Môn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.295.

[5] Leslie Stevenson (2021), Mười hai học thuyết về bản tính con người, Lưu Hồng Khanh dịch, NXB. Khoa học xã hội, TP HCM, tr.124-125.

[6] Thích Minh Châu (2012, dịch), Kinh Trung Bộ 1, 56. Kinh Ưu-Ba-Ly, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.456.

[7] Thích Minh Châu (2015, dịch), Kinh Tăng Chi Bộ – Tập II, VI. Đại Phẩm, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.141.

[8] Thích Minh Châu (2012, dịch), Kinh Trung Bộ 1, 2. Kinh Tất Cả Lậu Hoặc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.25.

[9] Indacanda (2014, dịch), Đại Phẩm Tập 1, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.40. 

[10] Thích Minh Châu (2015, dịch), Kinh Tăng Chi Bộ – Tập II, V. Phẩm Mắng Nhiếc, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.591.

[11] Thích Minh Châu (2012, dịch), Kinh Trung Bộ 2, 78. Kinh Samaṇamaṇḍikā, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.52.

[12] Thích Minh Châu (2012, dịch), Kinh Trung Bộ 1, 9. Kinh Chánh Tri Kiến, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.75.

[13] Will Durant (1971), Câu chuyện triết học, Trí Hải và Bửu đích dịch, Tu thư Vạn Hạnh.

[14] Viên Trí (2019), Ý nghĩa Giới Luật, Nxb. Hồng Đức, TP HCM, tr.107-111. 

[15] Sđd 7, tr.141.

[16] Thích Minh Châu (2013, dịch), Kinh Trường Bộ, 22. Kinh Đại Niệm Xứ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.457.

[17] Thích Minh Châu (2012, dịch), Kinh Trung Bộ 2, 117. Đại Kinh Bốn Mươi, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.405.

[18] Thích Minh Châu (2013, dịch), Kinh Trường Bộ, 16. Kinh Đại Bát-Niết-Bàn, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.284.

[19] Thích Chơn Thiện (2009), Lý thuyết Nhân tính qua kinh tạng Pāḷi, Nxb. Phương Đông, TP HCM, tr.232 – 238. 

[20] Thích Minh Châu (2015, dịch), Kinh Tiểu Bộ – Tập I, Pháp Cú, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.55.