Quan niệm sống đạo đức của Tổ sư trong thời kỳ hội nhập và phát triển (Đinh Thị Hồng)

Dẫn nhập

Từ xưa đến nay giới nghiên cứu không ngừng bàn luận về mục đích sống của con người. Bất kể là triết gia phương Tây, phương Đông, giới học thuật, các nhà đạo đức học, cho đến Phật giáo… Tuy mỗi giới nghiên cứu đều đưa ra triết thuyết của riêng mình, nhưng điểm trọng yếu họ đều đề cập đến những tư tưởng liên quan đến mục tiêu sống. Chúng ta biết, tuy hiện nay con người đang sống trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển cao độ, vật chất ngày một phong phú. Thế nhưng dục vọng con người ngày càng tăng trưởng. Phần tâm linh hãy còn bị vô minh tham vọng bao phủ. Chính vì thế đã đưa đến tham đắm, mê say, để rồi sống trong lường gạt, tranh chấp, xung đột. Có thể nói, sự sống của con người luôn bị giam hãm, trói buộc trong sự đua tranh giàu nghèo, được mất, hơn thua… Vì vậy, tuy sống trong thế giới hòa bình nhưng nạn tai, khủng hoảng vẫn không ngừng xảy ra, đôi bên bài xích, đố kỵ, ganh ghét, tàn hại đưa đến đời sống bất an, phiền não. Vậy nên, Tổ sư Minh Đăng Quang đã đưa ra một tư tưởng hết sức độc đáo: “Trong các sự bất hòa của thân tâm, gia đình xã hội, thì chỉ có đạo đức gián ngăn, cứu vớt đưa lên hết thảy mới được. Chính hơi thở của chúng sanh kéo dài từng hơi một là do ảnh hưởng của đạo đức vậy. Không có đạo đức thì cõi trần thế cháy bừng một cái một, chúng sanh đã tắt thở từ lâu, và không bao giờ sanh sản có ai được cả” [1].

Quan điểm trên lý giải cho chúng ta thấy, ngày nay nhân loại đã và đang thành tựu vượt bậc về khoa học tiên tiến, mọi phương diện đều cải cách để phù hợp với thời đại hội nhập và phát triển. Song vì sao thế giới loài người vẫn luôn sống trong nỗi bất an, sợ hãi, lo âu và thống khổ? Tất cả không ngoài mầm mống đạo đức suy thoái đã thúc đẩy đời sống con người ngày càng khổ đau hơn. Do đây mà xuất hiện biết bao công trình nghiên cứu về đạo đức. Các đề tài đều nhắm đến mục tiêu: “Kiến lập một xã hội tươi đẹp, một đời sống lý tưởng thông qua nếp sống đạo đức”. Vậy nên, theo cách nhìn của Tổ sư Minh Đăng Quang, trong các sự bất hòa của thân tâm, gia đình, xã hội… chỉ có đạo đức mới ngăn dứt, cứu vớt và nâng cao đời sống con người.

Để xây dựng nếp sống đạo đức tốt đẹp trên, đặc biệt hiện nay trước xu thế đạo đức đang xuống cấp trầm trọng, điểm cốt yếu chính là điều chỉnh sự giác biết và hành vi con người thông qua lời dạy của chư Phật, chư Tổ, các bậc hiền triết… Từ đó giúp loài người nhận biết tầm quan trọng của đạo đức đối với sự sống và lý tưởng. Do vậy, trong bài viết này, người viết muốn mượn những lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn lý để trình bày khái niệm về “sống đạo đức”. Thứ đến là làm sáng tỏ vai trò đạo đức theo Tổ sư nhằm nâng cao đời sống con người và xã hội. Cuối cùng là khẳng định sống đời đạo đức giúp nhân loại cải thiện thân tâm trở về bản giác, góp phần hóa giải khổ đau, chuyển hóa xã hội tiến đến an vui, hướng thiện phù hợp với giá trị chuẩn mực của đạo đức. 

KHÁI NIỆM VỀ ĐẠO ĐỨC

Nói đến đạo đức, một triết gia đã định nghĩa như sau: “Đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm ta, mà những khuynh hướng đó tạo nên những lời nói và hành vi bên ngoài khiến cho mọi người chung quanh ta được chuyển hóa, an vui, lợi ích” [2]. Còn từ điển định nghĩa: “Đạo đức là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội”. Aristotle- một triết gia nổi tiếng của phương Tây cũng từng phát biểu: “Mục đích trực tiếp của con người không phải là cái hay cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển các đức tính thật tốt của một con người…Hạnh phúc ấy đồng nghĩa với đạo đức” [3]. 

Đồng quan niệm trên, Hồ Chủ tịch cũng cho rằng, giáo dục đạo đức là nhằm hình thành những phẩm chất đạo đức ổn định, đặc biệt là đạo đức ấy phải phù hợp với các chuẩn mực xã hội làm cho con người tự điều chỉnh hành vi của mình. Tiêu biểu và rõ nét hơn, Tổ sư Minh Đăng Quang cho rằng: “Chính đạo là đức lớn bao trùm, thương yêu, nuôi nấng, chở che, dạy dỗ, sanh ra cõi đời, muôn loại được sống được nên. Thế nên kêu đạo đức là chủ, căn bổn, hay chúa tể, cha lành, thầy chung đó vậy. Đạo đức là đường cái, hay bờ đập để ngăn nước sông to, như núi cao để che gió bão, như bức tường hàng rào bao bọc chúng sanh, hoặc như miếng đất trong sạch trên cao hơn hết, mà quỉ ma ác thú không tìm lên tới, nên người hiền mới sống” [4].

Dựa vào những quan điểm nêu trên cho thấy, người sống có đạo đức sẽ gặt hái những kết quả tốt đẹp, an lành và hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, không những thế còn phát huy được giá trị tâm linh rất cao. Như quan niệm của các triết gia cho rằng đạo đức là những khuynh hướng tốt trong tâm mỗi người, chính nhờ khuynh hướng này mà con người mới chuyển hóa được những hành vi, lời nói bất thiện bên ngoài lẫn ý nghĩ xấu ác trong nội tâm. Từ đó khiến cho môi trường sống của con người ngày một an vui, hạnh phúc hơn. Lại nữa, theo nhận định của Aristotle, muốn tìm cầu hạnh phúc cần phát triển tốt các đức tính của một con người. Hoặc như lời dạy của Tổ sư cũng nêu rõ, trong cõi đời, muôn loại được sống yên chính nhờ sự bao trùm, lòng thương yêu, nuôi nấng, chở che, dạy dỗ lẫn nhau, vì các đức hạnh ấy được hình thành trong con người là do nếp sống đạo đức. Nếp sống này không những nâng cao phẩm chất con người, còn tạo kết nên một nếp sống trong sạch, lành mạnh, không hàm chứa các pháp ác, thành tựu các pháp lành, khiến cho người người được lợi ích. Hòa thượng Thích Minh Châu đã nói: “Đạo đức Phật giáo là một nếp sống đem lại hạnh phúc cho con người, đề cao giá trị con người; một nếp sống trong sạch, thanh tịnh lành mạnh, loại bỏ các pháp bất thiện, thành tựu các thiện pháp; một nếp sống đi đôi với lạc, không đi đôi với khổ, giải thoát các triền phược, các dục trưởng dưỡng; một nếp sống trong ấy trí tuệ đóng vai trò then chốt, sống hài hòa với thiên nhiên, với con người; một nếp sống vô ngã vị tha” [5].

Do ý nghĩa này, Tổ sư đã khẳng khái tuyên bố rằng, chính đạo đức là chủ, là căn bổn, là chúa tể hay cha lành. Đạo đức ấy ví như đường cái, hay bờ đập để ngăn chặn nước sông nhiễm ô từ vọng niệm bên trong và trần cảnh bên ngoài, làm cuốn trôi muôn pháp lành vốn sẵn trong con người. Hoặc như núi cao của định lực có năng lực chở che gió mưa, bão táp của phiền não, lại như bức tường rào giới luật có thể bao bọc chúng sanh, nhờ đó mà quỉ ma, ác thú không thể hãm hại. Thế nên người hiền mới sống đời an ổn, vui tươi và hạnh phúc. Cụ thể hơn, hạnh phúc theo quan niệm nhà Phật, đó là nếp sống được trang bị bởi Giới đức, Hạnh đức và Trí đức. Bởi lẽ người giữ gìn giới sẽ ngăn ngừa, tránh né được những hành vi bất thiện, xây dựng cho mình một thân khẩu ý trong sạch, đưa dẫn con người hướng về đời sống tích cực. Như đức Tổ sư đã từng tán thán: 

Thân trong sạch ấy là xứ Phật

Miệng trong sạch ấy là pháp Phật

Ý trong sạch ấy là con Phật

Tâm trong sạch tức là Đức Phật [6].

Tổ sư đã khẳng khái tuyên bố rằng, chính đạo đức là chủ, là căn bổn, là chúa tể hay cha lành. Đạo đức ấy ví như đường cái, hay bờ đập để ngăn chặn nước sông nhiễm ô từ vọng niệm bên trong và trần cảnh bên ngoài, làm cuốn trôi muôn pháp lành vốn sẵn trong con người. (Ảnh: daophatkhatsi.vn)

Vậy nên, mỗi người con Phật cần chọn cho mình một cách sống, trong đó bao hàm sự sống hướng thượng, thiện lành, hạnh phúc, có hiểu biết, gọi là đời sống đạo đức, ngược lại kẻ nào sống đời đọa lạc, xấu ác, khổ đau, mê mờ, đó là đời sống vô đạo đức. Đây chính là trách nhiệm cấp bách mà bậc sứ giả Như Lai cần phải trang bị cho mình và hướng dẫn cho người như lời kêu gọi của Tổ sư: “Hãy nên dùng tài thí pháp thí dung hòa nuôi đạo, đó là phận sự của tất cả, vì đó là là đạo của chư Phật ba đời”. Ở một góc độ khác, Tổ sư còn động viên mọi người: “Hãy thâu hẹp các giáo lý mênh mông cuồng quẩn mà đi ngay thẳng đến một đường thiện tránh ác, lánh khổ tìm vui, để giữ gìn giới luật, đua chen giới luật, nâng cao đạo đức tinh thần.Có thế mới đem lại cho chúng ta sự kết quả yên vui được” [7].

Thông qua nhận định và đánh giá trên cho thấy, trong đời sống chúng ta, mặc dù là thời đại hội nhập và phát triển, thế nhưng con người và xã hội đang đối mặt trước nguy cơ đạo đức bị suy giảm. Mỗi người muốn có hạnh phúc, an vui cần ý thức rằng, chỉ có đời sống đạo đức mới nâng cao giá trị tinh thần và sự sống của con người. Tiếp đến để nêu bật tính sống động và thiết thực về đạo đức, sau đây chúng ta thử tìm hiểu sâu hơn về vai trò đạo đức trong đời sống con người và xã hội.

VAI TRÒ ĐẠO ĐỨC ĐỐI VỚI ĐỜI SỐNG CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI

Nói đến vai trò đạo đức, đây là một phạm trù to lớn, vì nhìn tổng quan không ai không thừa nhận rằng, tất cả giáo pháp Đức Phật, chư Tổ, chư Hiền thánh tăng chỉ dạy đều mang tính giáo hóa về đạo đức. Vì tính chất của giáo pháp đều đem lại sự ích lợi cho tự thân và tha nhân, không những thế còn giúp hành giả cải thiện, chuyển hóa từ mê sang ngộ, từ phàm đến thánh. 

Thật vậy, nhờ chất liệu đặc sắc của đạo đức mà thân tâm con người ngày càng giàu mạnh, an vui, tỏ sáng. Bởi vì đạo đức chính là nhân tố làm nâng cao nhân cách, phẩm chất cho đến trí tuệ con người. Sự lợi ích này không chỉ giới hạn ở cá nhân, ngay cả tha nhân cũng đồng được lợi lạc. Thế nên đối với sự sống, Tổ sư luôn đề cao và chỉ ra nguyên tố tạo nên sự xấu ác, hung bạo giữa người với người vì thiếu đạo đức: “Con người bởi vô đạo, không lành mới giết nhau mà giành ăn, nếu chỉ biết làm ăn cho có, rồi giành nhau giết chết, phá hoại, không không mất hết, thì có ích gì” [8].

Do yếu tố quan trọng ấy, Đức Phật luôn tuyên bố mục đích ra đời của Ngài chính là đem lại niềm an lạc và hạnh phúc cho con người, như trong kinh Nikaya đã từng khẳng định: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” [9]. Hoặc lời tuyên bố nhằm nói lên bi nguyện, hoài bảo cứu khổ độ sanh của Đức Phật như sau: “Này các Tỳ kheo, xưa cũng như nay Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ” [10]. 

Đồng quan điểm trên, Tổ sư cũng dạy: “Người ở đời mà biết tôn kính cái thiện và nâng lên cao, hạ dìm các ác xuống thấp, thì cuộc đời làm sao mà không tấn hóa lên cao hạnh phúc” [11]. Còn những ai muốn tiến đến cảnh giới Niết bàn yên tịnh thì học pháp chúng sanh chung của Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác. Đúng vậy, mỗi người được hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc cách sống khôn ngoan sáng suốt khi đối mặt với cuộc đời, nếu mọi người biết sống đúng theo lẽ tấn hóa như Tổ sư đã dạy: “Sự tấn hóa hay hơn hết về lẽ sống là lòng nhơn thanh thiện, biết thương yêu nhau,… Lắm kẻ lại nhắm mắt đánh liều, sống chết tới đâu hay đó, lại đi làm việc hung ác ngang bạo, phá rối sự sống chung của số đông người, mà phải bị lập ra pháp luật, để xử hình răn phạt” [12]. Bởi vì sự sống của chúng ta là một chuỗi dài nhân duyên, luôn gắn bó mật thiết với nhau, không ai có thể tách riêng sống tư lập một mình. Thế nên, để bảo vệ cho sự sống chung được tấn hóa, cho xã hội được lợi ích an vui, người học Phật phải có bổn phận và trách nhiệm đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. 

Nói cách khác, muốn đời sống phát triển, con người cần phải kiến tạo đời sống đạo đức bằng ba pháp học giới định huệ theo lời dạy của Tổ sư: “Chính tham sân si là ác độc, là khổ hại. Đối trị nó chỉ có đạo đức của giới định huệ mà thôi” [13]. Nói đến giới tức sống theo phương châm chỉ ác tác thiện, nghĩa là dứt bặt các điều ác, hằng làm mọi điều thiện như lời Phật dạy. Tổ sư cũng cho rằng: “Giới luật quý giá hơn vàng bạc mà người ta hằng tìm tòi chẳng biết mệt nhọc” [14]. Hoặc trong bài kệ giới còn đề cao tính chất sống động hơn về ý nghĩa của giới: “Giới ví như bức tường để ngăn các nẻo phóng tâm, chẳng cho lục trần thâm nhập. Có giới mới có thể phân biệt được nẻo chánh đường tà. Có giới mới có sự an vui hòa hảo. Giới là cái nhơn sanh của giống người và trời, nghĩa là nhờ giới mới có thể bảo giữ cho con người được hoàn toàn tấn hóa” [15]. Từ ý nghĩa và tính chất của giới luật nhằm dẫn dắt con người thoát khỏi nếp sống trầm luân, đọa lạc, mê lầm, khổ não tiến đến đời sống tịnh lạc giải thoát. Trình bày chi tiết hơn, sống theo giới luật không chỉ trưởng dưỡng được đạo tâm, các căn được phòng hộ, làm cho thân tâm ngày càng trong sạch, tươi mát, thiện lành. Điều quan trọng nữa, giới được xây dựng trên nền tảng tự lợi, lợi tha, tức không những lợi mình còn lợi cho người, nhờ có giới mà chuyển hóa tâm ý con người từ mê lầm, loạn lạc tiến dần đến định tĩnh, biết rõ chánh tà, làm chủ thân tâm, nên nói nhờ có giới làm ngăn ngừa các nẻo phóng tâm, lục trần không xâm nhập. Thật vậy, chính giới luật làm thềm thang cho hành giả tu tập bước vào cõi thánh. Từ giới mới sanh được định, nhân định mà phát huệ.

Nói chung, muốn trang bị cho mình một đời sống với nhân cách đạo đức tốt, cần phải tu tập Giới – Định – Tuệ, nên trong Chơn lý Phật tánh, Tổ đã khuyến nhắc: “Chúng ta ai ai cũng có thể thật hành giác ngộ được hết, mà điều cần nhứt là phải giải thoát, vì chỉ có giới định huệ cụ túc mới nuôi chơn như cụ túc ấy đặng”. Thật vậy, chư Phật, chư Tổ đều dạy, muốn thật hành giác ngộ chỉ có con đường duy nhất đó là hành trì giới, định, tuệ. Cũng có thể nói, tiến trình giới, định, tuệ được ví như ngọn đuốc sáng giúp nhân loại chiếu soi không đi trong mê lầm, tăm tối, làm thành trì ngăn chặn sự nguy hiểm, sai lạc, tránh khỏi rơi vào hầm hố tội lỗi, ngăn dứt phiền não để tiến đến Niết bàn. Vì đây là cách thức đoạn dục, dứt tuyệt vọng tưởng, phá bỏ ngã chấp, diệt trừ vô minh, chứng ngộ Niết bàn. 

NHẬN ĐỊNH CỦA TỔ SƯ VỀ GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG

Trước bối cảnh đạo đức con người đối diện nhiều nguy cơ suy thoái, như trên đã trình bày nguyên nhân chủ yếu chính do sức cám dỗ từ đời sống vật chất hưng thịnh do khoa học kỹ thuật tiến bộ mang lại. Song, về bản chất, tất cả vạn vật trong vũ trụ không một thứ gì là bền chắc, cố định, tồn tại mãi mãi, điều đó trong thiên kinh vạn quyển, suốt từ mấy ngàn năm nay, Đức Phật đã nói rất rõ ràng. 

Trong bài viết này, người viết muốn mượn những lời dạy của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn lý để trình bày khái niệm về “sống đạo đức”. (Ảnh: phatgiao.org.vn)

Tích cực hơn nữa, Đức Phật đã từng tuyên bố, mọi sự khổ đau hay hạnh phúc đều do chính con người tạo ra, chẳng phải do ai ban bố hay nương tựa một ai khác. Chỉ dùng chánh pháp làm hòn đảo, làm nơi nương tựa cho tự thân mình, đây chính là nhấn mạnh vai trò quyết định trong tiến trình sống của con người. Nói rõ hơn, Đức Phật đã tuyên bố “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” cũng hàm ý muốn khẳng định với mọi người về tinh thần tự chủ của chính mình. Chúng ta nên biết rõ, lẽ sống của đời người là tiến nếu chúng ta biết dùng ngọn đèn chánh pháp soi sáng cho chính mình, hằng ngày lo tu sửa thân tâm, chuyển hóa phiền não, tích tạo phước lành, luôn sẵn lòng yêu thương giúp đỡ cho nhau để mọi người cùng chung hưởng một đời sống hạnh phúc, tiến đến mục tiêu tối hậu, vĩnh cửu là Niết bàn. Thật đúng như Tổ sư đã nói: “Trong đời ai mà không muốn mình cao, mà cái quý cao, là đạo đức. Tài trí thì dễ tìm, nhưng đức hạnh thì khó kiếm. Đức thắng tài vi quân tử, tài thắng đức vi tiểu nhơn, là nhờ vậy. Trong đời chỉ có đạo đức là quý báu hơn hết, đạo đức phải là con đường cái to lớn chứa gồm tất cả, quan trọng hơn hết, con đường nào ngánh nào, cũng do đạo đức vĩ đại mà ra, và khi nếu ai lạc lìa đạo đức, là phải bị bơ vơ tai hại” [16].

Lời dạy này rõ ràng đúng như lời Phật dạy, mỗi người nếu không sống với đời sống tư riêng dục lợi sẽ tránh được thảm trạng người với người xung đột với nhau. Đó chính là đời sống đạo đức, muốn được vậy phải cố gắng trau tâm để vượt lên sự cám dỗ vật chất, biết hướng đến lý tưởng sống vì mọi người bằng tâm thiện lành, tốt đẹp, vô ngã, vị tha. Hơn nữa, mục đích của chúng sanh tu tâm dưỡng tánh là để bước đến sự sống chung, vui chung theo lẽ tạm thôi. Thế nên, nếu ai xa lìa đạo đức thì kết quả chỉ đem đến sự khổ não, phải bị bơ vơ tai hại, thất vọng mà thôi. Điều này được nêu rõ qua lời dạy như sau: “Đạo đức là Trung đạo Chánh đẳng chánh giác, là sự sống bình an như thường, không thái quá bất cập, là cái sống hiền lành trong sạch. Vậy nên chúng sanh bố thí pháp cho nhau, xin tài vật của nhau, sống chung trao đổi giúp nhau, cung kỉnh lẫn nhau, cái dư cái thiếu chan hòa chung hiệp” [17].

Tóm lại, thông qua nét đặc thù từ những lời dạy của chư Phật, chư Tổ…, tất cả đúc kết nên một mô hình đạo đức rất thiết thực bằng sự chuyển hóa, cải tạo và kiến lập ngay trên tự thân con người. Đồng thời hàm chứa tính giáo dục về đạo đức con người, giúp con người cảnh tỉnh và ý thức đời sống này những gì là giá trị thiết thực, thế nào là lợi ích tích cực… bằng sự thực hành lời dạy trên và nhận chân tính như thật của vạn pháp với giáo lý vô thường, vô ngã, nhân duyên, nhân quả và nghiệp lực quả báo. Từ đó giúp loài người biết sống yêu thương, bao dung, vì người và hằng tỉnh giác bằng pháp môn Giới – Định – Tuệ hoặc thể hội từng ý nghĩa sâu xa những lời dạy trên. Đó chính là vai trò đạo đức mà mỗi người đều có thể đóng góp xây dựng bằng tự thân của chính mình, hầu đem lại lợi lạc cho mình, người, cho tất cả. Ngoài ra, tìm hiểu những lập luận và ứng dụng những lời dạy trên sẽ giúp người người biết rõ phương pháp sống tiến, sống chan hòa. Nói khác hơn, tất cả sự sống của người con Phật đều cùng một mục đích duy nhất đó là chuyển hóa thân tâm bằng sự kiểm thúc thân khẩu ý làm cho trong sạch, chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí, chuyển ác thành thiện… Mỗi chúng ta luôn sống tỉnh thức như vậy để vun bồi cho mình một nếp sống đạo đức. Đó cũng là cách thức kiến tạo cho mình, người và tất cả một đời sống hạnh phúc, an vui, lợi lạc ngay trong đời sống hiện tại và tương lai. 

 

 

 

Chú thích:

[1] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác – Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[2] Câu chuyện Triết học, Will Durant, Dịch giả: Bửu Đích, Tu thư Đại Học Vạn Hạnh, 1971, tr.17.

[3] Câu chuyện Triết học, Will Durant, Dịch giả: Bửu Đích, Tu thư Đại Học Vạn Hạnh, 1971, tr.92.

[4] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác – Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[5] Trích dẫn từ cuốn Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, do Hòa thượng Minh Châu trước tác.

[6] Chơn lý Tu và nghiệp, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[7] Chơn lý Nam và nữ Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[8] Chơn lý Chánh đẳng chánh giác, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[9] Kinh Tương ưng I, Hòa thượng Minh Châu dịch, tr.128.

[10] Trung Bộ I, HT Minh Châu dịch, tr.140.

[11] Chơn lý Lễ giáo, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[12] Chơn lý Nam và nữ, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[13] Chơn lý Cư sĩ, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác. 

[14] Luật nghi Khất sĩ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, năm 2004, tr.221.

[15] Luật nghi Khất sĩ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, năm 2004, tr.100.

[16] Chơn lý Vị hung thần, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.

[17] Chơn lý Chư Phật, Tổ sư Minh Đăng Quang trước tác.