Thư tòa soạn 410

Quý độc giả thân mến!

Sen là loài hoa thuần khiết, có vị trí tôn quý trong văn hóa Phật giáo, thể hiện rất uyển chuyển với nhiều màu sắc và dáng vẻ khác nhau. Sen ẩn sâu dưới bùn, xa lìa trần thế u vi, giống như cuộc đời người tu hành luôn tránh xa những điều trần tục. Cuộc đời ấy là sự dâng hiến âm thầm, nỗ lực vươn đến sự giải thoát. Sen ẩn vi, khiêm tốn không khoe tài đua sắc với các loài hoa khác trên đồng nội, thể hiện sự khiêm nhường như cuộc đời người Phật tử.

“Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ bên cạnh đầm,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch đẹp lòng người.”
(Kinh Pháp Cú 58)

Đức Phật dùng hoa sen để nhắc nhở đệ tử Ngài phải sống đúng như tinh thần của hoa sen, từ chỗ nhiễm nhơ phàm tục phải dùng trí tuệ sáng ngời đi đến giác ngộ. Hoa sen mọc lên từ bùn lầy, nếu không có bùn lầy nuôi dưỡng sen sẽ không sống được. Cũng vậy, người tu hành không thể rời bỏ cuộc sống này để tìm đạo giác ngộ giải thoát. Ngay chính nơi với đủ thứ tốt xấu, đúng sai, ta phải cố gắng chuyển hóa những nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Đó mới là tinh thần tích cực của những người biết buông xả tâm xấu ác.

Có thể nói, sen là loài hoa biểu trưng của Phật giáo, mang ý nghĩa tốt đẹp về đạo đức, trí tuệ của những người tu Phật. Đây cũng là hình ảnh mà con người nhìn vào để cảm nhận sự thanh thản, bình yên giữa những xô bồ cuộc sống. Để cùng bàn luận sâu hơn về điều này, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo xin trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 410 với chủ đề “Hoa sen giữa đời”.

Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo