Đối trị sân hận trong đời sống hiện đại (Võ Quốc Việt)

Tóm tắt: Cuộc sống hiện đại phân hóa với tốc độ diễn tiến ngày càng nhanh. Sinh hoạt thường ngày tiềm tàng những đốm lửa chực chờ bùng cháy mọi lúc mọi nơi. Liên hệ người ngày càng mật thiết thì ngọn lửa sân hận càng dễ có cơ hội thiêu trụi cả khu rừng đời sống. Quan hệ tương tác giữa người với người ngày càng phức tạp, đa chiều, chồng chéo. Điều này làm gia tăng “kích ứng” khởi sinh lòng sân hận. Việc quán chiếu và đối trị sân hận trở nên một kỹ năng sống thiết yếu của con người hiện đại.

Từ khóa: chuyển hóa sân hận; phong tỏa sân hận; tâm làm ngơ; tâm từ bi; tâm xả.

“Sân hận không thấy Pháp
Sân hận không hiểu Đạo
Sân hận ai khéo trừ
Phước lạc thường tùy thân”.
(Kinh Pháp Cú –
Quyển Hạ, Phẩm 25)

THẾ NÀO LÀ SÂN HẬN?

Sân hận tức trạng thái tâm bị kích động bởi nguyên nhân nội tại hoặc ngoại tại, biểu hiện thành suy nghĩ-hành động thịnh nộ, phẫn uất, bất bình, thù ghét. Nó là kết quả đưa lại bởi tác nhân bên ngoài hoặc bên trong, nên về cơ bản cũng có hai loại sân hận: sân hận ngoại tại và sân hận nội tại. Sân hận (căm giận, thù ghét) được khoa học tâm lý nghiên cứu chuyên sâu, phát hiện cơ chế, thực chứng các biến đổi trong não bộ và tác động thể trạng. Nhận thức và quản trị nóng nảy, tức giận, thù ghét như khía cạnh cảm xúc trở thành phân môn được giảng dạy có bài bản trong khoa tâm lý học Tây phương hiện đại [1]. Trong giáo dục thời nay, sân hận cũng như nhiều khía cạnh cảm xúc khác được xác định như đối tượng của việc xây dựng kỹ năng quản trị cảm xúc. William DeFoore ví von sân hận như nồi áp suất [2]. Quá trình tích lũy áp suất cơ hồ có ba giai đoạn: (1) nhận thức nguồn cơn kích ứng sân hận; (2) phản ứng sân hận trong tư niệm và (3) phản ứng sân hận bằng hành vi. Như thế cũng có nghĩa, sân hận ở mỗi người có giới hạn/ngưỡng phản ứng khác nhau. Việc này khiến chúng ta nhớ lại lời Đức Phật từng dạy về ba hạng người: người như khắc trên đá, người như khắc trên cát và người như khắc trên nước. 

“Cũng vậy, có người thường tức giận, và cơn giận của người này vẫn tồn tại trong một thời gian dài. Như vậy gọi là hạng người như đường kẻ vạch trên đá. […] Cũng vậy, có người thường tức giận, và cơn giận của người này không tồn tại trong một thời gian dài. Như vậy gọi là hạng người như đường kẻ vạch trên đất. […] Cũng vậy, có người khi bị kẻ khác nói lời thô bạo và độc ác, bằng những cách thật khó chịu, người này vẫn giữ thái độ thân thiện với đối phương, vẫn hòa đồng và chào hỏi kẻ ấy. Như vậy gọi là hạng người như đường kẻ vạch lên nước” [3]. 

Về tác hại của lòng sân hận, nó thường được nói tới với sức nóng Hỏa Diệm sơn, có thể nung đốt thiêu cháy tâm can, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và thể chất. Khoa học vốn đã thực chứng về biến đổi sinh lý khi lòng sân hận khởi sinh. Dễ thấy đó là những biến đổi về thân nhiệt, người nóng lên, đổ mồ hôi, nhịp tim, huyết áp và tiết ra nội tiết tố (như adrenaline, noradrenaline). Thế nên, sân hận có thể thiêu đốt tinh thần và thể xác theo đúng nghĩa đen. Hơn thế, Đức Phật chỉ rõ tác hại của lòng sân hận: “Kẻ này bị nhiều người không ưa thích và ghét bỏ; kẻ này hung bạo; bị hối hận dày vò; khi chết tâm mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, kẻ này sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục. Đây là năm mối nguy hại cho người không nhẫn nhục” [4]. 

Xã hội hiện đại với các tác động thường trực, tức thì, nhanh chóng, … con người liên tục phải đối diện với nguồn cơn kích ứng sân hận. Ở gia đình, trường học, trong xí nghiệp, văn phòng, hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng, và đặc biệt là “không gian ảo” trên các kênh thông tin xã hội. Với chức năng kết nối gần như vô biên, mạng xã hội chứa nguy cơ cho tâm sân hận khởi sinh và phát tán. Nếu người dùng phẫn nộ, tức giận, chửi rủa, công kích người khác trên mạng xã hội, sẽ biến không gian ảo trở thành môi trường ô nhiễm đầy năng lượng tối/năng lượng đen/ năng lượng tiêu cực. Ngọn lửa sân hận không bị giới hạn trong phạm vi không gian ảo, mà ngọn lửa ấy có thể cháy lan vào trong tâm hồn mỗi người, gây ra tác hại lâu dài, sâu sắc. Tinh thần, thể trạng của ta bị thiêu đốt, bị tiêm nhiễm nọc độc sân hận, như Đức Phật từng ví von với bốn loại rắn. Những con rắn có độc, phun ra nhanh và gây hại trên “không gian ảo” thậm chí còn nguy hại hơn trong đời sống thực. 

Đức Phật chỉ rõ tác hại của lòng sân hận: “Kẻ này bị nhiều người không ưa thích và ghét bỏ; kẻ này hung bạo; bị hối hận dày vò; khi chết tâm mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, kẻ này sẽ tái sanh vào cõi khốn khổ, cảnh giới bất hạnh, đọa xứ, địa ngục. Đây là năm mối nguy hại cho người không nhẫn nhục”.

NGUYÊN DO KHỞI SINH TÂM SÂN HẬN?

Đức Phật chỉ rõ mười nguyên do của sự khởi dậy tâm sân hận: “(1) Nghĩ rằng: Chúng nó đã hành động để làm hại ta”, người ấy sinh lòng oán hận. (2) Nghĩ rằng: “Chúng nó sẽ hành động để làm hại ta”, người ấy sinh lòng oán hận. (3) Nghĩ rằng: “Chúng nó đang hành động để làm hại ta”, người ấy sinh lòng oán hận. (4) Nghĩ rằng: “Chúng nó đã hành động để làm hại người ta yêu mến”, người ấy sinh lòng oán hận. (5) Nghĩ rằng: “Chúng nó đang hành động để làm hại người ta yêu mến”, người ấy sinh lòng oán hận. (6) Nghĩ rằng: “Chúng nó sẽ hành động để làm hại người ta yêu mến”, người ấy sinh lòng oán hận. (7) Nghĩ rằng: “Chúng nó đã hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta”, người ấy sinh lòng oán hận. (8) Nghĩ rằng: “Chúng nó đang hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta”, người ấy sinh lòng oán hận. (9) Nghĩ rằng: “Chúng nó đã hành động để làm lợi cho kẻ dễ ghét và đối nghịch với ta”, người ấy sinh lòng oán hận. (10) Và có người tức giận mà không có lý do nào cả” [5]. 

Niệm hại ta, hại người ta yêu mến, làm lợi cho kẻ thù của ta, hay tức giận vô cớ tựu trung ở vọng tưởng ngã. Ngã thức này có “biệt tính”, nên tạo ra cách ngăn chủ thể-khách thể. Thấy có cái ngã của ta, bởi cái sự thấy có ngã của ta biến ta trở thành tấm bia cho nguồn cơn kích ứng phóng tên. Chấp ngã và duy ngã bởi mê muội/vô minh khiến cho sự “chấp” sự “duy” càng nhạy cảm và dễ bị kích ứng hơn nữa. Giá như có ai đó ghi hình lại lúc ta tức giận. Bấy giờ ta sẽ thấy chính ta như mũi tên trên dây cung kéo căng, đến giới hạn kiềm giữ khiến cho dây cung sinh phản lực đẩy mũi tên lao về phía trước. Mũi tên không thể cưỡng lại sức đẩy của phản lực. Đến khi mũi tên cắm sâu vào đối tượng kích ứng thì chuyện đã rồi! Ta mới hay: ta vừa là mũi tên vừa là tấm bia bị trúng tên. Thế nên, lòng sân hận biến ta trở thành vừa là kẻ gây hại vừa là kẻ bị hại.

NHƯ VẬY LÀM SAO ĐỐI TRỊ SÂN HẬN?

Đức Phật dạy: “(1) Nghĩ rằng: “Chúng nó đã hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận”. (2) Nghĩ rằng: “Chúng nó đang hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận”. (3) Nghĩ rằng: “Chúng nó sẽ hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này? Người ấy loại trừ sân hận” […] (10) Và người ta không thể nào tức giận mà không có lý do” [6]. 

Lòng sân hận là kết quả phản ứng nguyên do nội tại hoặc/và ngoại tại. Tức sân hận sinh ra trong mối quan hệ tương liên, tương tác. Nếu không có dây cung, mũi tên không bị dồn nén đến mức bị phóng đi. Nếu không có hồi ứng/phản ứng thì không thể tạo ra phản lực thịnh nộ. Biết rằng “ta đâu có làm gì được về chuyện này” cũng bằng như dứt khoát vung dao cắt đứt tương liên-tương tác. Lập tức: dây cung không tích tụ phản lực, nồi hơi không dồn nén, như sân hận không còn nguyên động lực nảy sinh. Lập tức: dây cung biến mất, mũi tên cũng tiêu tan. Lời Phật dạy cũng nhắc ta: sân hận là kết quả tạo ra từ tác nhân “phi ngã”, tức là cái niệm sân hận đó không phải ta. Đó là vọng tưởng do cái nghĩ chấp ở ta mà sinh ra. Biết rằng sân hận là niệm chấp, là vọng tưởng, liền buông tay không cầm đến cung tên nữa. Cơ hồ, ấy như phép quán thông và đoạn trừ! Lấy trí tuệ để đối trị, sân hận tức thì tan biến.

Ngoài cách thức “án binh bất động”, Đức Phật còn dạy năm phương pháp để đối trị sân hận. Nếu như mười cách trên thuộc về “bất động” thì năm phương pháp sau thuộc về “chế tác”. Chế tác tâm từ, tâm bi, tâm xả, tâm làm ngơ và chế tác ý niệm “chủ nhân của nghiệp”[7]. Bởi vì sao ngoài bất động còn phải chế tác? Phật dạy: “Sân hận không bao giờ dập tắt được sân hận, chỉ có lòng khoan từ mới thắng được tâm sân”. Cũng như không thể lấy lửa để dập lửa. Muốn dập lửa phải có nước. Ấy là “nước cam lồ” của tâm từ, tâm bi, tâm xả, tâm làm ngơ. Chế tác tâm làm ngơ: “Chúng nó đã hành động để làm hại ta, nhưng ta đâu có làm gì được về chuyện này?”. Và ta cũng biết rằng: lửa ấy từ tâm, nước ấy cũng từ tâm. Tâm làm mồi cho ngọn lửa mà tâm cũng có thể nảy sinh mưa móc dập tắt lửa sân. Qua lời Đức Phật dạy, cơ hồ, ta nhận ra hai bước đối trị sân hận: (1) nhẫn nại, án binh bất động, thản nhiên để phong tỏa sân hận; (2) chế tác chuyển hóa sân hận/làm mất đi nguồn nguyên liệu và hiệu lực của lửa sân hận. Nhẫn nại cũng tức là để tâm thông suốt tự chế ngự, giữ trạng thái trầm tĩnh, thản nhiên. Bấy giờ, sự phong tỏa ấy giúp tạo tiền đề cho sự chế tác và chuyển hóa tâm sân.

Về chế tác ý niệm “chủ nhân của nghiệp”, việc này có thể giúp chuyển hóa tự thân và nhận thức về nguyên do kích ứng sân hận. Bởi đó là sự quán chiếu hành động sân hận tự thân lẫn nguyên do kích ứng, trên nguyên tắc kẻ nào thực hiện hành vi thì kế thừa-gánh chịu-nương tựa-vướng mắc vào nguồn cơn hành vi đó. Nguyên do gây ra kích ứng sân hận cho ta sẽ tự gánh chịu “nghiệp” bởi hành vi của nó; tương tự, ta cũng phải tự gánh chịu “nghiệp” do hành vi phản ứng lại kích động thù ghét mà ta thực hiện. Quán chiếu ý niệm này, ta liền không tương tác/phản ứng hay bị dính mắc, lôi cuốn vào nguyên do kích ứng xảy đến. Tâm liền không khởi sinh lòng sân hận.  

Về thiền nội quán Vipassana, đây là phương pháp khiến tâm không hướng ra ngoài mà quay vào bên trong. Muốn loại trừ sân hận nội tại hay tâm sân vi tế cần thực hành thiền định để gột rửa, gội nhuần tâm thô lậu. Sâu xa hơn, tâm sân vi tế cần dùng pháp nội quán để diệt trừ (sân hận dẫu vi tế, như đốm lửa nhỏ nhưng có thể thiêu trụi cả khu rừng). Hơn thế, Vipassana không chỉ hướng tâm vào bên trong, tức tâm quay vào bên trong để nhận biết, tỉnh thức về sự hiện diện của chính nó; mà còn buộc tâm vào nhất niệm, dùng trí tuệ/minh sát tuệ soi xét hướng đến liễu ngộ chân lý. Việc này đưa tới sự tỉnh thức sâu từ bên trong.

VÀI LỜI KẾT

Với sự nhận thức đầy đủ, triệt để sân hận, con người hiện đại có hành trang cần thiết cho quá trình sống trải giữa thế giới nhiều kích động. Dù khi mình sống với mình hay mình sống với người, hễ con người hiểu được bản chất ngọn lửa sân hận thì có thể chế ngự và tránh được sự thiêu đốt của nó. Trong thực tiễn đời sống đương đại, nhất là ở các thành phố lớn với nhịp sống công nghiệp, đối trị sân hận nên được xem như kỹ năng cơ bản cần thiết cho mỗi người. Nhất là người trẻ! Bởi tính chất Rajas trong tâm trí quá dồi dào ưu thịnh, người trẻ là nguyên liệu dễ bắt cháy bởi ngọn lửa sân hận và để lại hậu quả khôn lường. 

Lẽ đó, những người trẻ hôm nay, nhất là những người đang sống giữa các nguồn cơn kích ứng bao vây ở các siêu đô thị, nên tìm học Phật pháp. Với những lời dạy của Đức Phật, các bạn có thể tìm thấy phương hướng và cách thức rèn luyện kỹ năng sống cần thiết cho xã hội đương đại. Trong đó, kỹ năng đối trị sân hận, bao gồm: (1) phong tỏa sân hận; (2) chế tác chuyển hóa sân hận. 

         “Sân hận không thấy Pháp

        Sân hận không hiểu Đạo

Sân hận ai khéo trừ

               Phước lạc thường tùy thân”.

(Kinh Pháp Cú – Quyển Hạ, Phẩm 25)

 

 

 

Chú thích

[1] Sternberg, R. J. (ed., 2005). The psychology of Hate. Washington, DC: American Psychological Association.

Mishra, P. (2017). Age of anger. New York, NY: Farrar, Straus and Giroux.

[2] Suman (2016), Anger Expression: A Study on Gender Differences, International Journal of Indian Psychology, Volume 3, Issue 4, No. 65, pp.54-64.

[3] Bhikkhu Bodhi (biên soạn, 2019). Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội (Hợp tuyển từ kinh tạng Pali) (Người dịch Nguyên Nhật Trần Như Mai). Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.86-87.

[4] Bhikkhu Bodhi (biên soạn, 2019). Sđd, tr.89.

[5] Bhikkhu Bodhi (biên soạn, 2019). Sđd. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.88-89.

[6] Bhikkhu Bodhi (biên soạn, 2019). Sđd. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.92-93.

[7] Bhikkhu Bodhi (biên soạn, 2019). Sđd. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức, tr.93-94.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Bhikkhu Bodhi (biên soạn, 2019). Lời Phật dạy về sự hòa hợp trong cộng đồng và xã hội (Hợp tuyển từ kinh tạng Pali) (Người dịch Nguyên Nhật Trần Như Mai). Hà Nội: Nxb. Hồng Đức.

2. Mishra, P. (2017). Age of anger. New York, NY: Farrar, Straus and Giroux.

3. Sternberg, R. J. (ed., 2005). The psychology of Hate. Washington, DC: American Psychological Association.

4. Suman (2016). Anger Expression: A Study on Gender Differences. International Journal of Indian Psychology (Volume 3, Issue 4, No. 65), pp.54-64.