CHÙA BẢO ÂN TRONG GIAI ĐOẠN CHỐNG PHÁP
Chùa Bảo Ân (Bảo Ân cổ tự) thuộc xã Long Phước, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, được Hoà thượng Thích Huệ Đăng cùng nhân dân địa phương xây dựng từ những năm 1930. Chùa Bảo Ân được dựng để giáo dục tinh thần Phật giáo yêu nước, thực hiện tâm từ bi nhằm giúp đỡ dân nghèo. Từ sự vận động của Hòa thượng Thích Huệ Đăng và hoạt động bí mật cùng những người đồng chí tại đây, chùa trở thành địa điểm hoạt động cách mạng của những người yêu nước chống Pháp.
Sau khi Hoà thượng Huệ Đăng viên tịch, kế nhiệm vai trò trụ trì là Hoà thượng Thích Pháp Trí, là đệ tử đồng thời là thành viên của tổ chức Thiên Địa Hội chống Pháp nên hoạt động cách mạng chống giặc trong chùa lúc bấy giờ càng mạnh hơn. Để che mắt giặc, sư trụ trì đã cho đào hầm bí mật làm căn cứ, nuôi giấu cán bộ trong chùa. Năm 1946-1947, Hoà thượng Pháp Trí đã xin Phật, xin Tổ và nhân dân Phật tử hiến hai đại hồng chung bằng đồng cho công binh xưởng đúc súng đạn đánh Pháp, nghĩa cử cao cả đó được nhân dân trong vùng ca ngợi và tới nay còn lưu truyền hai câu thơ:
“Nhà chùa vắng tiếng chuông ngân.
Hiến đúc súng đạn, đánh tan quân thù”.
Sau khi Hoà thượng Thích Pháp Trí viên tịch, bà Phạm Bửu Nguyệt (tự Mười Diệu) là Phật tử xuất gia kế tục quản lý chùa. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà Bửu Nguyệt thoát ly tham gia cách mạng, chùa vắng bóng trụ trì từ đó nhưng vẫn là cơ sở hoạt động của các chiến sĩ cách mạng. Hầm ngầm trong chùa được đào dài thêm trở thành căn cứ bí mật của lực lượng điệp báo Bà Rịa – Chợ Lớn.
Trước năm 1975, phát hiện ra khu vực hoạt động bí mật của cách mạng, quân giặc đã dùng bom phá huỷ hoàn toàn ngôi chùa. Do cán bộ hoạt động bí mật và cả một địa đạo bị phá huỷ nên không thể biết bao nhiêu người đã hy sinh sau khi chùa cùng địa đạo bị bom đạn đánh phá. Do chiến tranh nên ngôi chùa trở thành phế tích, là ngôi mồ không nấm của bao liệt sĩ không tên.
CHÙA BẢO ÂN TỪ SAU NĂM 1975
Sau giải phóng năm 1975, đất chùa Bảo Ân cũ là khu vực hoang hoá. Năm 1993, UBND huyện Châu Thành giao 0,7 ha khu đất chùa cho UBND xã Long Phước quản lý và sử dụng vào mục đích văn hoá làm khu di tích lịch sử. Năm 1994, xã Long Phước được nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các hoạt động cách mạng trong chùa Bảo Ân đã góp phần không nhỏ vào chiến công chung cho danh hiệu cao quý ấy của địa phương.
Chiến tranh kết thúc từ 30/4/1975, song do hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn nên ngôi chùa Bảo Ân phế tích, lùi dần vào dĩ vãng. Năm 2000, khi các cựu chiến binh thuộc “Hội cựu chiến binh kháng chiến Bà Rịa – Chợ Lớn” ôn lại những kỷ niệm chiến tranh, nhắc nhau về căn cứ bí mật chùa Bảo Ân, mọi người đều ngậm ngùi vì hòa bình đã khá lâu mà ngôi chùa chưa được xây dựng lại. Những người đã sống và hoạt động cách mạng ở nơi đây thấy như thiếu đi điều gì đó rất hệ trọng với nơi đã nuôi dưỡng bao nhiêu cán bộ chiến sĩ cách mạng, nơi gắn bó biết bao nhiêu người trong cuộc chiến tranh, nơi nấm mồ chung của bao đồng đội đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, một ngôi chùa phế tích sau chiến tranh, đang mai một dần theo năm tháng.
Từ sự nhắc nhở đó, Ban liên lạc Hội cựu chiến binh Bà Rịa – Chợ Lớn quyết định cùng nhau phát tâm xin xây dựng trùng hưng lại ngôi Bảo Ân Cổ tự. Trưởng ban liên lạc là bác Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) – Đại tá anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên là cụm trưởng đội tình báo chiến lược H63 (cụm có thành viên là thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn), lữ đoàn trưởng lữ đoàn 316, quyết định đứng đơn cùng các cựu chiến binh là các chiến sĩ quân báo năm xưa xin lại đất chùa cũ để trùng hưng ngôi cổ tự nhằm tri ân tiền nhân và làm nơi lưu giữ, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Tâm nguyện chí thành, việc làm cũng sốt sắng vì các cựu chiến binh phần lớn tuổi đã cao, sức khỏe không được tốt. Song từ khi đặt vấn đề tới khi được giải quyết là quãng thời gian không hề ngắn, với nhiều thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc làm mà những cựu chiến binh quân báo, đánh giặc luôn dũng cảm, sáng tạo và luôn biết kết thúc hoàn thành nhiệm vụ đúng thời điểm, nhưng để hoàn thành thủ tục xin phép có được khu đất chùa cũ và quyết định trùng tu lại ngôi chùa cũng không ít thử thách lòng kiên trì. Song niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và giải quyết thấu đáo của các cấp chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã được khẳng định bằng quyết định cho phép trùng tu ngôi Bảo Ân cổ tự của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vào năm 2018.
Sáng ngày 18/12/2018, lễ đặt đá ngôi Bảo Ân cổ tự được tổ chức long trọng với sự chủ trì, chứng giám của đông đảo Tôn đức lãnh đạo Phật giáo các cấp, đại diện chính quyền và các cơ quan từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là rất đông các cựu chiến binh quân báo quốc phòng trong trang phục quân nhân cùng bà con nhân dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt (em út của ông Tư Cang – Anh hùng lực lượng vũ trang), cô y tá quân báo năm xưa, người theo anh trai đi kháng chiến và làm y tá, đã từng nâng trên tay bao liệt sĩ trong các trận đánh ác liệt với kẻ thù, sau hoà bình về công tác trong lực lượng an ninh, là trung tá công an nhân dân. Nặng lòng với tình đồng đội, bà Nguyệt và con cháu phát tâm bán ngôi nhà được làm nên từ sự chắt chiu và công sức lao động để lấy tiền trùng hưng ngôi Bảo Ân cổ tự.
Trong quá trình trùng hưng xây dựng lại ngôi chùa Bảo Ân chưa có sư trụ trì, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định thành lập cơ sở Phật giáo và thành lập Ban trùng tu Bảo Ân cổ tự do ông Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) Anh hùng lực lượng vũ trang làm cố vấn. Ông Trần Văn Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm Trưởng ban. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt làm Phó rưởng ban thường trực cùng 6 cựu chiến binh quân báo tham gia Ban vận động xây dựng chùa với sự giúp đỡ của Ban Trị sự Phật giáo, các vị sư cùng các Hội viên Cựu chiến binh. Ngôi Bảo Ân cổ tự được trùng tu bằng kinh phí xã hội hoá.
Ngày đặt đá trùng tu ngôi Bảo Ân cổ tự, trong mừng vui của bà con nhân dân địa phương, đặc biệt là niềm vui của các cựu binh ngành quân báo quốc phòng, như bác Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) 92 tuổi, bác Trịnh Ngọc Khuê 82 tuổi, bác Phan Văn Kề 80 tuổi, bác Nguyễn Thị Minh Nguyệt 74 tuổi, bác Hồ Văn Năm 74 tuổi, bác Nguyễn Thanh Điềm 73 tuổi, và bao nhiêu cô bác khác,… sau nhiều năm xa cách, gặp lại nhau nơi cơ sở hoạt động cách mạng xưa, những kỷ niệm chiến tranh ùa về, nước mắt lăn dài trên những gò má nhăn nheo dưới những đôi mắt đã mờ vì thời gian năm tháng. Ai được biết những đôi mắt ấy gò má ấy từng đối mặt hiên ngang trước kẻ thù không hề run sợ, thế mà trong lễ đặt đá ngôi chùa cũ, nơi đã gắn bó cưu mang bao người chiến sĩ cách mạng, trước ngôi mộ chung của bao đồng chí, đồng đội đã hy sinh, trước tâm nguyện của bao năm nay đã và đang hình thành thì nước mắt đâu cứ chảy dài không sao kìm được, những dòng nước mắt từ những những con người trung kiên ấy đã làm tất cả mọi người trong cuộc lễ cảm kích xúc động, thật là:
Kỳ lạ thay tình người và Tổ quốc
Nước mắt tuổi già giữ đất nước bình yên.
Và đặc biệt nữa là bà Năm, đã 76 tuổi, con của mẹ Việt Nam anh hùng, em và chị của hai liệt sĩ, từ sau giải phóng bà dựng nhà cạnh chùa để gần anh và em của bà đã hy sinh với cầu mong chùa được dựng lại để anh, em có chỗ mà về. Với bà nước mắt đã cạn, ngày lễ đặt đá trùng tu chùa bà vui lắm, gặp ai bà cũng vui, gặp tôi ở gian thờ Phật nhỏ mới được dựng tạm để mọi người về chùa có chỗ lễ Phật, bà rất vui và nói: “Tết này tui vui nhất vì anh em tôi đã có chỗ để về, tôi chỉ cầu mong có vậy, giờ thì có rồi”.
Đúng như thế, giờ chùa đã có rồi. Ngày 01/6/2023, ngôi chùa Bảo Ân được khánh thành giai đoạn một. Từ một phế tích, trước khi chùa được xây dựng, ai có đến đây chỉ nhìn thấy vườn chuối hoang, một miệng giếng cạn được đậy bằng khung thép để đề phòng tai nạn cho người và gia súc, hai miệng hố sâu hoắm vốn xưa là địa đạo bị bom đạn của giặc đánh sập mà thời gian trôi qua khá lâu nhưng chưa đủ đất và lá cây lấp kín. Sau 5 năm với bao vất vả, khởi công 18/12/2018, chưa được bao lâu thì đại dịch Covid-19, công việc vì dịch bệnh phải chậm tiến độ, kinh tế khó khăn. Khó nhất là kinh phí xây dựng chùa, chùa được trùng hưng với chủ trương xã hội hoá, nhưng vùng đất quê hương nhân dân còn nghèo, đồng đội, đồng chí ở khắp nơi nhưng kinh tế của đa số anh em cũng eo hẹp nên gọi là xã hội hoá việc xây chùa nhưng quyên góp kinh phí vật chất không được bao nhiêu so với tổng chi phí cho công trình. Trong khó khăn đó chủ yếu bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cùng con cháu của bà phát tâm công đức xây dựng với số tiền không nhỏ, trong gần 5 năm xây chùa, dù tuổi đã gần 80 nhưng vì tình nghĩa với đồng đội, đồng chí đã ngã xuống, bà Nguyệt không quản vất vả, ngược xuôi để tự chọn mua vật liệu từ gỗ, gạch,… sao cho chất lượng phù hợp, giá cả tiết kiệm để công trình hiệu quả.
Sau gần 5 năm, tới nay ngôi chùa Bảo Ân đã được trùng tu xây dựng khang trang, to đẹp trên diện tích hơn 3.000m2, một ngôi chùa mới với chính điện hai tầng; Tháp Phật cao 7 tầng nổi bật từ xa đã nhận ra. Trong khuôn viên chùa còn có đền thờ các Vua Hùng, thờ Bác Hồ, Bác Giáp và các anh hùng liệt sĩ; Điện thờ Mẫu; Giả sơn động thờ vong linh người chết trong chiến tranh và tượng Quán Thế Âm trên nóc sơn động; phòng trưng bày hiện vật bảo vật về chùa cũ; Nhà Tăng; nhà bếp; khôi phục giếng cũ,…; Đặc biệt dưới nền chùa thiết kế lại mô hình địa đạo, tái hiện lại hình ảnh hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng trước khi bom đạn giặc tàn phá.
Nói với tôi về lễ khánh thành giai đoạn một chùa Bảo Ân sẽ được tiến hành vào ngày 01/6/2023, bà Nguyệt cười trong nước mắt: Như thế là tâm nguyện của chị đã sắp hoàn thành, ngôi chùa đã được dựng lại trên nền chùa cũ. Phật đã có nơi để thờ, đồng chí đồng đội đã hy sinh có nơi để về bên nhau, những vong hồn người chết trong chiến tranh nơi đây đã có nơi để nương tựa. Phật từ bi sẽ chở che và rộng vòng tay với tất cả để từ đây phù hộ cho người chết được siêu thoát, người sống được an vui, phù hộ cho đất nước được thái bình. Chùa đã xây xong chị vui lắm.
Chị cười trong nước mắt và mắt tôi cũng nhoà khi nhìn vào mắt chị. Khâm phục và cảm động về một người phụ nữ cười trong nước mắt khi xây xong ngôi chùa và cũng là ngôi đền thờ đồng đội, đồng chí đã hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân, vì độc lập tự do của Tổ quốc./.
Chú thích:
* Tiến sĩ Bùi Hữu Dược, Nguyên Vụ Trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ.
Tư liệu:
– Căn cứ tài liệu lịch sử Bà Rịa từ 1930- 2000.
– Hồ sơ xin xây dựng trùng tu chùa Bảo Ân.
– Bài phát biểu của Đại tá Nguyễn Văn Tàu, Anh hùng lực lượng vũ trang tại buổi lễ đặt đá chùa Bảo Ân 18/12/2018.