Trong những năm trở lại đây, các khóa tu mùa hè luôn được xã hội yêu thương đón nhận. Làm thế nào để nâng cao chất lượng truyền thông về hoạt động này? Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo có cuộc trao đổi ngắn cùng ThS. Trần Xuân Tiến – Phó Trưởng Bộ môn Truyền thông, Trường Đại học Văn Hiến.
Trước hết, xin ông có thể giới thiệu đôi nét về hoạt động khóa tu mùa hè?
Khóa tu mùa hè, giờ đây, có lẽ, đã không còn xa lạ với quảng đại công chúng. Đây là một trong những hoạt động nhập thế cho thấy sự tham gia tích cực của Phật giáo vào các hoạt động xã hội, góp phần hướng con người tới những giá trị chân thiện mỹ. Khóa tu mùa hè lần đầu tiên được chùa Hoằng Pháp (TP HCM) tổ chức vào năm 2005 dành cho thanh thiếu niên từ 14 – 23 tuổi.
Khóa tu sinh hoạt hè dành cho thanh thiếu niên năm đó đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo Phật tử nói riêng và xã hội nói chung. Xem đây là “một sân chơi bổ ích và lành mạnh, kết hợp giữa việc giải trí và định hướng nhân cách giáo dục”, Ban tổ chức chùa Hoằng Pháp đánh giá khóa tu mùa hè “đã thực sự thu hút rất nhiều giới trẻ năng động và ưa khám phá học hỏi trong thời hiện đại”. Từ đó, lối sống vội vã và buông thả ở một bộ phận giới trẻ có nhiều thay đổi tích cực sau mỗi lần tham dự khóa tu. Dần theo thời gian, với những giá trị thiết thực, các khóa tu mùa hè đã được nhân rộng, tổ chức tại nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước.
Thưa ông, vì sao chúng ta phải truyền thông về khóa tu mùa hè?
Các khóa tu mùa hè không chỉ giúp người tham gia thực hành môi trường kỷ luật ngắt kết nối với điện thoại, xa rời internet, mạng xã hội, để từ đó hiểu về chính mình trong sự chiêm nghiệm; mà còn mang đến những câu chuyện thiện lành về lối sống hướng đến chân thiện mỹ. Cụ thể, người tham gia được nâng cao nhận thức và thực hành về kỹ năng giao tiếp ứng xử, biết yêu thương và quan tâm đến người khác, giảm thiểu áp lực buồn lo, hóa giải tâm hồn, xây dựng lối sống tích cực lạc quan, làm thiện tránh ác, xa rời các tệ nạn tiêu cực.
Với những ích lợi đó, rất cần truyền thông để lan rộng thông tin về các khóa tu mùa hè đến quảng đại công chúng, đặc biệt là giới trẻ, vào những dịp hè, khi các bạn kết thúc năm học, có điều kiện thời gian tham gia. Cũng như các hoạt động hoằng pháp khác, khóa tu mùa hè cần được quan tâm truyền thông. Thực tiễn cho thấy, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong quá trình quảng bá, triển khai các khóa tu mùa hè đối với người trẻ. Truyền thông góp phần tăng cường sự quan tâm và hứng thú của người trẻ về các khóa tu mùa hè.
Là một người vừa hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, vừa có dịp gần gũi với đối tượng người trẻ tại giảng đường đại học, theo ông, những hiểu lầm thường thấy về khóa tu mùa hè là gì?
Mục đích cốt yếu, cũng là giá trị nổi bật của các khóa tu mùa hè là nhằm mang đến cơ hội trải nghiệm tìm về chính mình, hiểu về chính mình cho những người tham gia. Tuy vậy, đây kỳ thực là hành trình dài, đòi hỏi mỗi chúng ta phải có sự lắng nghe bản thân, chiêm nghiệm sâu sắc, không phải ngày một ngày hai là đạt được. Nhiều trường hợp nghĩ rằng, chỉ sau khóa tu mùa hè ngắn ngủi, sẽ có sự thay đổi đột quá trong tâm lý, nhận thức và hành vi. Kỳ vọng này, nếu không hiển hiện liền ngay sau đó, sẽ dẫn đến phần nào thất vọng. Ngược lại, có quan điểm cho rằng khóa tu mùa hè chỉ là khoảng thời gian giúp người trẻ vui chơi, không đáng tin cậy như những gì thường được giới thiệu. Với những hiểu lầm trên về khóa tu mùa hè, càng cho thấy tầm quan trọng của công tác truyền thông đối với hoạt động này.
Vậy khi truyền thông về khóa tu mùa hè, chúng ta cần lưu ý những gì, thưa ông?
Công tác truyền thông phải luôn đảm bảo tính chính xác, chuẩn mực. Truyền thông về khóa tu mùa hè lại càng phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu này. Ngoài việc phải chính xác, đầy đủ về các thông tin hoạt động của khóa tu mùa hè như thời gian, địa điểm, đối tượng tham dự, kế hoạch tổ chức, cách thức tham gia; thì truyền thông phải khách quan, không quảng bá sai lệch, gian dối, khoa trương.

Truyền thông trước, trong và sau mỗi khóa tu mùa hè để hiệu ứng truyền thông được lan rộng. Chúng ta cũng cần lưu ý, đối tượng truyền thông ở đây là các bạn trẻ, giới trẻ nói chung, để có các hình thức truyền thông, kênh truyền thông, cách tiếp cận phù hợp. Các nội dung truyền thông, ngoài việc sử dụng ngôn ngữ đại chúng dễ hiểu, thân thiện, thì cũng phải đa dạng về hình thức, nhằm tăng tính hấp dẫn. Chúng ta cần tận dụng đa phương tiện trong quá trình truyền thông.
Theo ông, đâu là biện pháp quan trọng nhất của công tác truyền thông về khóa tu mùa hè?
Để thực hiện tốt những lưu ý như chúng ta vừa kể ở trên, mỗi chương trình khóa tu mùa hè, cần thành lập Ban truyền thông để phụ trách một cách chuyên nghiệp. Đội ngũ này cần có hiểu biết chuyên môn cao về khóa tu mùa hè lẫn nghiệp vụ truyền thông. Với sự chuyên nghiệp, Ban truyền thông sẽ thực hành một chiến lược truyền thông có hiệu quả, theo năm bước thường thấy: xác định mục tiêu truyền thông; xác định đối tượng truyền thông; xây dựng thông điệp; lựa chọn phương tiện truyền thông; đo lường, đánh giá và điều chỉnh. Hiểu được nhu cầu của công chúng người trẻ, tiếp cận đúng với những thông điệp, kênh thông tin phù hợp, chúng ta mới có thể đẩy mạnh công tác quảng bá, xiển dương tinh thần của khóa tu mùa hè. Tóm lại, chỉ khi chúng ta xem công tác truyền thông về khóa tu mùa hè là một nhiệm vụ mang tính đặc thù, được chuyên nghiệp hóa thì khóa tu mùa hè mới đạt được hiệu quả một cách trọn vẹn.
Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hữu duyên này.