DUYÊN KHỞI LÀ CHÂN LÝ VỐN HIỆN HỮU
Duyên khởi là giáo lý căn bản của Phật giáo, linh hồn của hệ thống Triết học Phật giáo. Nếu không có giáo lý Duyên khởi, chắc chắn không có sự xuất hiện của chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Duyên khởi là một chân lý vốn hiện hữu và Đức Phật dạy rằng: “Dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, an trú là giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy. Như Lai hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt định lý ấy. Sau khi hoàn toàn chứng ngộ, hoàn toàn chứng đạt, Như Lai tuyên bố, tuyên thuyết, tường thuyết, khai hiển, khai thị, phân biệt, minh hiển, minh thị”. [1]
Cụm từ: “giới tánh ấy, pháp trú tánh ấy, pháp quyết định tánh ấy, y duyên tánh ấy” chính là chỉ cho lý Duyên khởi và ai thấy được Duyên khởi là người giác ngộ, là Phật. Đoạn kinh trên, Đức Phật đã xác nhận Ngài không phải là nhà phát minh ra Duyên khởi. Ngài chỉ phát hiện ra sự tồn tại lẫn tác động của nó lên toàn bộ đời sống tâm lý của con người, từ đó chỉ ra, giảng giải và hướng dẫn mọi người phương pháp để có được đời sống hạnh phúc ngay trong hiện tại và tương lai.
DUYÊN KHỞI VÀ THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Công thức tổng quát của Duyên khởi được Đức Phật chứng ngộ dưới cội bồ đề: “Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt, do cái này diệt, cái kia diệt”. [2]. Đây là nguyên lý tồn tại chung của vũ trụ vạn hữu. Từ nguyên lý chung này, Đức Phật đã vận dụng tìm hiểu về những khổ đau bất tận của kiếp nhân sinh và trình bày điều thấy biết của mình qua một lý giải chi tiết hơn qua 12 yếu tố tuần tự, mô tả diễn biến tâm lý của con người: “Này các Tỳ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi”. [3]
Trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy, vấn đề chú trọng là giải thoát tự thân. Do đó, 12 liên kết được Đức Phật chỉ dạy cho các đệ tử bấy giờ như một chiếc chìa khóa mở ra cách cửa giải thoát mà trước đó chưa từng xuất hiện. Có lẽ, vì lý do này, 12 nhân duyên trở nên thông dụng. Mỗi khi nhắc đến Duyên khởi, chúng ta thường nhắc đến chuỗi liên kết nhân quả gồm 12 nhân duyên: Vô minh, Hành, Thức, Danh Sắc, Sáu xứ, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh và già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Đối tượng đề cập trong chuỗi 12 nhân duyên là con người, trạng thái tâm lý của một con người, do vô minh là nhân ban đầu đưa đến kết quả là sự khổ đau, luân hồi sinh tử bất tận. Chúng ta cũng nên lưu ý, thập nhị nhân duyên là kết quả của sự tìm kiếm nguồn gốc khổ đau, luân hồi mà Đức Phật đã chứng biết từ việc ứng dụng Duyên khởi. Nó giống như cách người học trò ứng dụng một định lý có sẵn, để tìm ra các bước giải một bài toán. Chúng ta không thể nói đáp án vừa tìm được là định lý. Cũng vậy, không nên nghĩ rằng Duyên khởi chỉ gồm thập nhị nhân duyên.
CHUỖI DUYÊN KHỞI ƯU VIỆT
Nếu như chuỗi 12 nhân duyên, mở đầu bằng nhân vô minh và kết thúc với hệ quả “già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não”, là con đường đưa chúng sanh vào vòng xoáy khổ đau của luân hồi bất tận thì chúng ta sẽ bắt gặp một lộ trình Duyên khởi ưu việt hơn, khi các liên kết trong mà ngược lại đưa đến sự hướng thượng, giải thoát. Chuỗi Duyên khởi ưu việt được trình bày trong Upanisasutta (S.II.29), Tương Ưng bộ kinh như sau: “Như vậy này các Tỳ kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên khổ; khổ duyên tín; tín duyên hân hoan; hân hoan duyên hỷ; hỷ duyên khinh an; khinh an duyên lạc; lạc duyên định; định duyên tri kiến chơn như; tri kiến chơn như duyên yểm ly; yểm ly duyên ly tham; ly tham duyên giải thoát; giải thoát duyên trí về đoạn diệt”. [4]
Ở đây, chuỗi nhân duyên gồm 23 yếu tố: vô minh, hành; thức; danh sắc; sáu xứ; xúc; thọ; ái; thủ; hữu; sanh; khổ; tín; hân hoan; hỷ; khinh an; lạc; định; tri kiến chơn như; yểm ly; ly tham; giải thoát; trí về đoạn diệt. Chúng ta nhận thấy, kết quả của chuỗi Duyên khởi đầu tiên là “già, chết” đã được thay thế bởi “khổ”. Ở đây, khổ đau không hoàn toàn mang ý nghĩa là một hậu quả tiêu cực phải chấp nhận, phải trả giá cho sự vô minh. Nó trở thành động lực, yếu tố tích cực thúc đẩy sự tìm kiếm hạnh phúc, tự do, giải thoát của con người.
Mối nối “khổ duyên tín”, khổ làm mắt xích liên kết giữa chuỗi Duyên khởi ban đầu với 11 yếu tố sau đó tạo thành một chuỗi Duyên khởi ưu việt và hoàn hảo. Tiến trình tâm của con người bấy giờ không rơi vào ngõ cụt của phiền não, khổ đau mà chuyển hóa, thăng hoa về hướng trí tuệ, giải thoát thông qua con đường thực hành thiền định. Mối liên kết giữa các nhân duyên trong vòng Duyên khởi đặc biệt này đã một lần nữa chứng minh cho tính thống nhất và xuyên suốt trong sự thuyết pháp của Đức Phật: “Chư Tỳ kheo, xưa cũng như nay, Ta chỉ nói lên sự khổ và sự diệt khổ”. [5]
Con đường tu tập theo Duyên khởi ưu việt đã được minh chứng qua cuộc đời Đức Phật Thích Ca. Khi còn là thái tử, Ngài đã từ bỏ mọi vinh hoa phú quý, địa vị, vợ con, quyết tâm xuất gia, tìm kiếm con đường chân lý. Điều duy nhất thái tử mang theo bấy giờ là niềm tin kiến cố vào một con đường thoát khỏi khổ đau của sinh, già, bệnh, chết, vòng luẩn quẩn của kiếp nhân sinh. Đó là động lực lớn nhất trong suốt hành trình cầu đạo của Ngài. Niềm tin dẫn đường cho lý trí, để cuối cùng hành trình tầm đạo của Ngài đã thành tựu viên mãn.
Bài kinh Upanisa cung cấp một phương pháp tu tập ngay ở đời sống hiện tại. Ngay giây phút chúng ta cảm nhận, ý thức được khổ đau và mong muốn ra khỏi nó, ngay khi ấy, niềm tin sẽ được phát khởi. Từ đó, chúng ta bắt đầu bước đi trên hành trình tìm kiếm chân lý. Khi con đường đưa đến hạnh phúc được tìm thấy, niềm hân hoan, vui sướng sẽ phát sinh trong tâm, chúng ta bước vào thực hành, trải nghiệm các giai đoạn của tu tập thiền định.
Sự thăng tiến tâm linh sẽ tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào, nuôi dưỡng thân tâm bằng sự hỷ lạc theo từng giai đoạn thiền định. Khi định đã đủ chín muồi, minh sát tuệ được thực hành để thấy rõ bản chất hiện hữu của vạn pháp là vô thường, bất toại, vô ngã, từ đó yểm ly, đoạn trừ tham ái. Kết quả của hành trình tìm kiếm chân lý là cởi bỏ mọi ràng buộc, phiền não, khổ đau, thành tựu được tâm và tuệ giải thoát. Đây cũng chính là điểm tích cực ưu việt của chuỗi Duyên khởi được đề cập trong Upanisasutta.
Tài liệu tham khảo và chú thích:
[1] Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tương Ưng Bộ, S.II.25, Nxb. Hồng Đức, tr.307.
[2] Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tương Ưng Bộ, S.II.27, Nxb. Hồng Đức, tr.309.
[3] Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tương Ưng Bộ, S.II.2, Nxb. Hồng Đức, tr.289.
[4] Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Tương Ưng Bộ, Nxb. Hồng Đức, tr.313-314.
[5] ] Thích Minh Châu dịch (2020), Kinh Trung Bộ số 22, Nxb. Tôn giáo, tr.167.