DẪN NHẬP
Sứ mệnh hoằng pháp rất quan trọng đối với Phật giáo vì đây là tiền đề để Phật pháp lưu truyền trong xã hội. Trong thời đại nào, với tông môn nào, việc hoằng pháp đều giữ vai trò trọng yếu. Tứ chúng đệ tử của Đức Phật đã gìn giữ sự chuyển vận của bánh xe pháp luân không ngơi nghỉ suốt 26 thế kỷ qua. Nhờ đó Phật giáo tồn tại đến ngày chúng ta học tập, hành trì trên con đường giác ngộ. Phật giáo đi đến đâu là mang ánh sáng từ bi trí tuệ chiếu soi đến đó và tạo dựng hòa bình an lạc cho cộng đồng, xã hội và quốc độ ấy. Mỗi thời đại, quốc độ, xứ sở khác nhau thì người con Phật lại có cách thức hoằng pháp phù hợp, đem đạo vào đời một cách hợp lý, thành công. Ngày nay, thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vì thế, Phật giáo nói chung và công tác hoằng pháp nói riêng cũng không thể đứng ngoài những quá trình chuyển đổi số của cuộc cách mạng ấy, tức là chuyển đổi số trong công tác hoằng pháp.
HOẰNG PHÁP TRONG CÔNG CUỘC CHUYỂN ĐỔI SỐ
Hoằng pháp là một phương cách truyền đạt giáo pháp đến xã hội, đòi hỏi nhiều về tính năng truyền đạt, kiến thức tổng quát và chuyên môn thông qua thân, khẩu và ý. Trong Tăng Chi Bộ Kinh, tập II, chương 5, phẩm Diệu Pháp, Đức Phật dạy về phẩm chất nội tâm của một người thuyết pháp – giảng sư: “Này Ananda, thật không dễ gì thuyết pháp cho người khác. Để thuyết pháp cho người khác này Ananda, sau khi nội tâm an trú được năm pháp, mới nên thuyết pháp cho người khác. Thế nào là năm? Ta sẽ thuyết pháp tuần tự; ta sẽ thuyết pháp với mắt nhìn vào pháp môn; ta thuyết pháp với lòng từ mẫn; ta sẽ thuyết pháp không phải vì tài vật; ta sẽ thuyết pháp không làm tổn thương cho mình cho người. Này Ananda, khi thuyết pháp cho người khác cần phải suy nghĩ như vậy”.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số là sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào tất cả các lĩnh vực của một tổ chức, tận dụng các công nghệ để thay đổi căn bản cách thức vận hành, mô hình hoạt động và cung cấp các giá trị mới cho đối tác, khách hàng của tổ chức đó cũng như tăng tốc các hoạt động. Chuyển đổi số là một sự thay đổi về văn hóa của tổ chức, đặt ra nhu cầu các tổ chức phải liên tục thay đổi và thử nghiệm cái mới. Tại nước ta, theo Bộ Thông tin và Truyền thông định nghĩa, khái niệm chuyển đổi số được hiểu là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp (tổ chức truyền thống sang doanh nghiệp số), tổ chức số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa tổ chức. Chuyển đổi số đang trở nên quan trọng đặc biệt với tổ chức tôn giáo như Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mục tiêu chính của chuyển đổi số trong công tác hoằng pháp, theo chúng tôi là giúp gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm, tạo được độ phủ không giới hạn về phạm vi.
Chuyển đổi số chính là việc khởi đầu, đi từ những bước nhỏ như số hoá tài liệu, bài viết, sách Phật giáo trong các tự viện, thư viện, đến các kênh hoằng pháp qua mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo…), để đạt được những lợi ích lớn trong tương lai. Vai trò trụ cột của công tác hoằng pháp lúc nào cũng nằm nơi vị giảng sư, bởi vì cư sĩ và xã hội trông nơi giới đức, biện tài và thân hành của giảng sư sẽ phát tâm tin tưởng, gieo hạt bồ đề, trưởng dưỡng đạo tâm. Như vậy, hoằng pháp chính là trau dồi đội ngũ giảng sư chất lượng, có pháp hành mới hoằng pháp được. Ở góc độ khác, hoằng pháp có thể xem là hoạt động gồm ba bộ phận:
Trí tuệ hoằng pháp: Là sự hoằng pháp của người có trí tuệ, thượng căn, thậm thâm đạo lộ Phật pháp, giáo hóa quần sinh.
Tịnh tài hoằng pháp: Là sự đóng góp về vật chất, của cải để giúp sức cho Tam bảo hoằng truyền Phật pháp.
Công phu hoằng pháp: Người con Phật tin sâu vào lý nhân quả, miệt mài hành trì một pháp môn nào đó (ví dụ như niệm Phật, thiền định, trì chú …), dùng bản hạnh của cá nhân để khuyến tấn đồng tu, mọi người xung quanh bỏ ác làm lành, hành thiện tích đức, tu tập theo lời Phật dạy.
MỘT SỐ Ý KIẾN GỢI MỞ
Như vậy, có thể thấy hoằng pháp không chỉ dựa vào mỗi vai trò của vị giảng sư là chư Tăng, Ni mà còn nhờ sự ủng hộ của cư sĩ. Tứ chúng của Đức Thế Tôn tạo thành hình thể vững chắc cho hoạt động hoằng pháp, lưu truyền Phật pháp mãi ở thế gian. Và muốn đạt được ích lợi lớn lao ấy, trong thời đại chuyển đổi số, chúng tôi suy nghĩ về một số gợi mở sau.
Thứ nhất, vị giảng sư cần có tầm nhìn, nghĩa là họ cần một cái nhìn thấu suốt về giáo lý của Đạo Phật. Một giảng sư phải là người phải hiểu biết một cách rõ ràng tầm quan trọng về phương diện lịch sử và tư tưởng của Phật giáo từ khởi nguyên đến hiện tại. Giảng sư cần có khả năng vận dụng, hay nói cách khác họ là minh chứng của một nghệ thuật sống Phật giáo: ngôn hành hiệp nhất, nghĩ đạo, nói đạo và sống đạo. Họ có thể ứng dụng những phương thức thiện xảo để đưa đạo vào đời, bảo tồn tính văn hóa dân tộc trong đạo, nhưng cũng thấm nhuần triết lý Phật giáo trong đời sống. Vị giảng sư còn cần tinh thông nội điển (tri thức Phật học) và ngoại điển (kiến thức về khoa học, văn hóa, xã hội, triết học của thế gian) để so sánh, đối chiếu và hướng dẫn Phật tử tu học. Nhờ vào các thành tựu của kỹ nghệ số, như tài liệu học tập, giảng dạy cho giảng sư trở nên vô cùng dồi dào. Đồng thời, qua truyền thông xã hội, giảng sư có đủ phương tiện truyền bá giáo lý đến cộng đồng Phật tử khắp nơi trên thế giới, chỉ là hội đủ túc duyên hay chưa mà thôi.
Thứ hai, đào tạo kỹ năng hoằng pháp cho giảng sư, nhất là kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin có khả năng tạo ra thay đổi, cải cách lớn lao trong đời sống. Máy vi tính, smartphone và mạng internet mở ra vô số tiềm năng cho con người, trong đó dễ nhận thấy nhất là tiết giảm chi phí học tập, xóa nhòa khoảng cách địa lý và truyền tải thông điệp nhanh tức thì. Giảng sư trong thời đại chuyển đổi số nên chủ động chọn phương pháp và công cụ giảng dạy, hoằng pháp phù hợp với thực tiễn. Những kiến thức cần biết có thể là: phần mềm soạn thảo văn bản, chỉnh sửa ảnh, video, kỹ năng tìm kiếm thông tin và tài liệu trên Internet, khai thác chatbot GPT, phần mềm quản lý công việc (như Notion), phần mềm trình chiếu như PowerPoint… Nếu học tập công nghệ thông tin bài bản, các bài giảng trực tuyến có thể trở nên sâu sắc và bắt mắt hơn, truyền tải được đầy đủ và sinh động nội dung giảng dạy, nhờ đó thu hút cộng đồng, thậm chí có thể thành hiện tượng “viral” trên mạng xã hội. Đây đó một số ý kiến e ngại việc chư Tăng Ni quá “chiếm sóng” trên phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi nghĩ rằng: cùng một hiện tượng là nổi tiếng, lan truyền nhanh chóng (viral), khi nội dung là những câu chuyện vô bổ thì lợi bất cập hại, song nếu nội dung lan tỏa là những câu chuyện có ích, tốt đời, đẹp đạo, khuyến khích mọi người tin sâu giáo lý Phật giáo thì rất tốt, đó là điểm sáng trong hoạt động hoằng pháp.
Thứ ba, ứng dụng các thành tựu công nghệ số vào hoằng pháp để trở thành phương thức hoằng pháp mới. Hiện nay, giáo trình, bài giảng, khóa học, khóa tu trực tuyến đều có thể truy cập 24/7. Phật sự thuyết giảng khi chuyển sang hình thức trực tuyến cũng không cần thiết phải có tất cả thính chúng và giảng sư tại cùng một địa điểm không gian cố định. Các công cụ như công nghệ phòng họp, hội nghị, tọa đàm từ xa, cho phép việc nghe giảng, tụng kinh ở những địa điểm khác. Các khóa tu cũng được triển khai, tổ chức các khóa trì tụng trực tuyến để quý Phật tử có thể tham gia thông qua Zoom, Google Meet cũng như một số chương trình riêng, tham gia trực tiếp trên website để tham dự các khóa lễ.
Thứ tư, là truyền thông về hình ảnh của chư Tăng, Ni trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhờ sự tiến bộ của truyền hình và Internet, xã hội ngày càng hiểu rõ về vị trí, vai trò của người tu sĩ với sứ mạng tu tập giải thoát và nhập thế hành đạo. Cho nên, trong hoạt động tương tác với truyền thông, chư Tăng Ni cần phải thể hiện sự trang nghiêm, oai nghi tế hạnh của người xuất gia, tránh đưa những hình ảnh vô tình làm phản cảm hoặc bị những người chưa hiểu biết Phật pháp phát tán, gây ảnh hưởng đến Tăng đoàn nói riêng và Giáo hội nói chung.
Thứ năm, tập huấn và đào tạo về ý thức sử dụng không gian mạng. Từ năm 2020, Trung ương Giáo hội đã tổ chức hội nghị toàn quốc để thảo luận, nghiên cứu bảo đảm về an toàn, an ninh thông tin, phòng chống các thông tin xấu, độc hại cho chư Tăng Ni. Trung ương Giáo hội đã ban hành Thông tư số 206/2020/TT-HĐTS quy định việc Tăng, Ni sử dụng không gian mạng và quy tắc thuyết giảng do Ban Hoằng pháp trung ương GHPGVN phát hành. Từ đó, giúp Tăng Ni không bị lôi cuốn, tin vào những thông tin xấu, độc hại làm ảnh hưởng đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như các nội dung hoạt động của Giáo hội, nỗ lực tuyên truyền thuyết giảng những giá trị về tư tưởng đạo đức, hoằng pháp lợi sanh phát huy được tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần tốt đời đẹp đạo ở trên không gian mạng thường hay sử dụng và sử dụng không gian mạng theo tinh thần chánh niệm. Khi tham gia vào hoạt động không gian mạng, Tăng Ni Giảng sư cần nghiên cứu và học tập các luật định có liên quan như luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội để luôn đảm bảo sống và việc theo pháp luật là tấm gương sáng sống tốt đời đẹp đạo.
Thứ sáu, khuyến khích cư sĩ sử dụng internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong các công việc Phật sự, số hóa các đầu sách, tài liệu, nhất là đối với công tác lưu trữ các tài liệu, tư liệu cổ về Phật pháp, đặc biệt là tư liệu Hán Nôm. Vì kinh, sách được phổ biến rộng rãi, tín đồ Phật giáo mới có thể gia tăng nguồn tư liệu tu học. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý tới đặc điểm của Phật tử tại Việt Nam đa phần là những người lớn tuổi. Việc số hóa các tài liệu, tư liệu, sách cổ… thành tư liệu điện tử thì nhóm Phật tử này sẽ khó có thể tiếp cận. Do đó cần cân đối giữa giải pháp số hóa và truyền thống, xem cả hai là phương pháp sóng đôi bổ trợ nhau, để không một Phật tử nào bị bỏ rơi trong công cuộc chuyển đổi số hoằng pháp.
Thứ bảy, xem hoằng pháp trực tuyến là một bộ phận của Phật sự hoằng pháp chứ không thay thế hoàn toàn phương thức hoằng pháp truyền thống. Đặc thù của Phật giáo là có nhiều hoạt động mang tính chất nghi lễ mà Tăng Ni, Phật tử phải tham dự trực tiếp mới đạt được mức độ nghiêm trang, tịnh hóa tam nghiệp. Ví dụ lễ Quy y Tam bảo hay các thời khóa công phu. Những khóa tu học, giảng pháp trực tuyến không thể thay thế các hoạt động trên mà chỉ mang tính bổ trợ, giúp cư sĩ, người dân trau dồi Phật học và gia tăng tín tâm vào Tam bảo. Hơn hết, việc cư sĩ, người mến mộ Đạo Phật đến chùa là hành động rất nên khuyến khích bởi lễ Phật, làm công quả tại chùa, học pháp từ chư Tăng Ni là cách vun trồng phước điền tốt nhất, giúp tăng cường mối liên hệ khắng khít giữa tứ chúng trong Tăng đoàn Đức Thế Tôn.
KẾT LUẬN
Trong phẩm Kimbila thuộc Tăng Chi Bộ Kinh I (HT. Thích Minh Châu dịch), Đức Phật dạy rằng: “Ở đây, sau khi Như Lai nhập diệt, các Tỳ kheo, các Tỳ kheo Ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và quy thuận bậc Đạo Sư, sống tôn trọng và quy thuận giáo pháp, sống tôn trọng và quy thuận Tăng chúng, sống tôn trọng và quy thuận học giới, sống tôn trọng và quy thuận lẫn nhau. Đây là nguyên nhân chánh pháp được tồn tại lâu dài sau khi Như Lai viên tịch”. Có thể thấy, muốn lưu truyền chánh pháp trong đời, người con Phật phải nỗ lực hành trì giáo pháp của Đức Thế Tôn. Chỉ khi tứ chúng của Đức Thế Tôn hằng tu tập và giữ gìn ngôi Tam bảo thì Phật pháp sẽ vẫn hưng thịnh trong đời sống. Cổ đức cũng nói: “Phật pháp xương minh do Tăng Ni hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh do Đàn việt phát tâm”. Nghĩa là trách nhiệm hoằng hóa giáo pháp đặt trên vai chư Tăng Ni. Còn cư sĩ nhận lãnh vai trò hỗ trợ Tam bảo để thiền môn được hưng thịnh. Để công cuộc hoằng pháp thành tựu, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số cách mạng công nghiệp 4.0, rất cần sự chung sức và đồng lòng của những người con Phật.
Tự thân cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số mang tính chất trung tính, nghĩa là nó không xấu cũng không tốt mà cách vận dụng của con người sẽ quyết định đúng sai, mang đến hạnh phúc hay khổ đau. Trong trường hợp này, theo chúng tôi, các cấp Giáo hội cần vận động tín đồ, khuyến khích họ trở thành thành viên truyền thông của Giáo hội, là cánh tay nối dài của sứ mệnh hoằng pháp trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.