Tư tưởng thiền học chủ yếu của các Thiền sư Phật giáo thời Hậu Lê (thế kỷ XVI-XVII) (SC. Thích Nữ Nhuận Mỹ)

DẪN NHẬP

Phật giáo thời Hậu Lê tuy không phát triển mạnh như thời Lý-Trần, nhưng thể hiện nên nét đặc sắc về nhiều mặt của Phật giáo trong bối cảnh đất nước bị chia đôi Đàng Trong – Đàng Ngoài. Các dòng thiền Phật giáo thời Hậu Lê đã hưng khởi và truyền thừa rộng khắp trên lãnh thổ nước ta, nhất là thời các chúa Nguyễn trong quá trình đi về phương Nam để mở mang bờ cõi. Tư tưởng thiền của các thiền sư một phần kế thừa từ tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm thời Trần, một phần chịu ảnh hưởng từ các dòng thiền truyền từ bên ngoài vào, đã duy trì và truyền thừa mạng mạch Phật giáo thời Hậu Lê, tạo nên nét đặc sắc của Phật giáo Đại Việt, phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng của dân tộc ta thời bấy giờ.  

SƠ LƯỢC VỀ LỊCH SỬ THIỀN TÔNG

Thiền tông Phật giáo là tinh hoa của đạo Phật. Thiền tông Phật giáo cho rằng trong pháp hội Linh Sơn, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đương thuyết pháp, Ngài chợt đưa cành sen lên, trong hội thánh chúng ai cũng ngơ ngác, chỉ có ngài Ma Ha Ca Diếp lãnh hội được ý của Đức Phật nên mỉm cười. Đức Phật liền phó chúc Ca Diếp có được chánh pháp nhãn tạng của Như Lai. Ngài Ma Ha Ca Diếp được xem là sơ tổ của Thiền tông Ấn Độ. Thiền tông từ Tổ Ca Diếp truyền cho ngài A Nan, rồi truyền thừa đến đời thứ 28 là tổ Bồ Đề Đạt Ma. Ngài Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Quốc làm sơ tổ của Thiền tông Trung Quốc. Truyền đến đời thứ 6 là lục tổ Huệ Năng. Như vậy, kể từ tổ thứ nhất Ma Ha Ca Diếp truyền đến Huệ Năng tất cả 33 vị đều được tâm ấn và có y bát làm chứng. Từ Huệ Năng về sau, theo lời dạy của ngũ tổ Hoằng Nhẫn thì không truyền y bát nữa mà chỉ truyền tâm ấn và ấn chứng cho đệ tử [1]. 

Thiền tông Phật giáo vốn dĩ chủ trương “kiến tánh thành Phật”, “dĩ tâm truyền tâm”, kế thừa chánh pháp, là truyền đăng tục diệm; hay “bất lập văn tự – giáo ngoại biệt truyền”. Tâm không chạy theo cảnh, đối cảnh tâm không khởi niệm, nên gọi là “giáo ngoại biệt truyền”. Tuy nhiên có nghi vấn là có văn tự, ở đây nói “bất lập văn tự” để giản trạch lối đọc tụng kinh sách làm sở tu. Tâm không chạy theo cảnh hay đối cảnh tâm không khởi niệm, nói là “giáo ngoại biệt truyền”, kỳ thật đây là trọng tâm giáo lý. Bao nhiêu kinh điển chủ yếu dạy người tu, tâm không dính với cảnh, tâm đừng chấp cảnh, đối cảnh tâm được an định [2]. Chúng ta có thể nghi vấn về câu “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” trong kinh, cái gì là Phật tánh? Và dõi theo mãi cho đến ngày giác ngộ thì có khác gì với Phật ngày xưa. Bởi vậy nên lối tu này gọi là “Phật tâm tông”. Tuy nói “bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền” mà lại là trọng tâm của Phật giáo, là truyền Phật tâm tông, là kế thừa chánh pháp, là truyền đăng tục diệm của Phật pháp [3]. 

Thiền: dịch nghĩa là tư duy tu, tịnh lự. Tư duy nghĩa là đối cảnh mà suy nghĩ, xét nét, nghiên cứu, tu tập cho chí cùng. Tịnh lự là tâm thể tịch tĩnh (yên lặng), như vậy mới có thể thẩm xét. “Định” tức chữ Phạn Tam-muội dịch nghĩa: Tâm định chỉ vào một cảnh, bèn rời khỏi các sự phân tán, lay động. Tóm lại, một lòng khảo cứu sự lý, kêu là “thiền”; Tĩnh niệm vào một cảnh, gọi là “định” (Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển, quyển III, Nxb. TP HCM, tr.457). “Thiền” cũng thể hiện qua hành động và lời nói, các cử chỉ hàng ngày cũng đều là thiền, nếu áp dụng được “thiền” trong cả khi đi, đứng, nằm, ngồi và công việc hàng ngày, đó đều là những cơ hội cho hành giả chứng ngộ. Thiền là phát minh, cũng gọi là giác ngộ. Sự giác ngộ này tùy vấn đề lớn nhỏ mình đang theo đuổi, nên kết quả có sai biệt [4]. Tu thiền là phải quyết tâm, gan dạ và bền bỉ, có dám chết mới được sống. Thiền đào tạo những con người hùng dũng, phát minh và sáng tạo, chính là cốt lõi của đạo giác ngộ giải thoát [5].

THIỀN HỌC PHẬT GIÁO THỜI HẬU LÊ

“Tư tưởng là sự phản ánh hiện thực trong ý thức, là biểu hiện của con người với thế giới xung quanh” [6]. Tư tưởng thiền học của các tông phái Phật giáo thời Hậu Lê cũng một phần chịu tác động của bối cảnh lịch sử nước ta thời bấy giờ. Kế thừa tư tưởng thiền Trúc Lâm Yên Tử từ thời Trần do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, các thiền sư thời Hậu Lê đã đặc biệt chú trọng đến tư tưởng “Phật tại tâm”, “Cư trần lạc đạo”, “tùy duyên bất biến” trong việc gây dựng và phát triển truyền thống thiền Đại Việt. Việc trước tác và trùng khắc các tác phẩm văn học Phật giáo đã thể hiện rõ tinh thần này. Trong đó, hai ngọn đuốc sáng của Phật giáo Đàng Ngoài tích cực xiển dương, truyền thừa dòng thiền Đại Việt là thiền sư Minh Châu Hương Hải và thiền sư Chân Nguyên. 

Thiền sư Minh Châu Hương Hải

Ngài là ngọn đèn sáng của Phật giáo Đàng Trong với Thiền Tĩnh Viện (Quảng Nam) và Phật giáo Đàng Ngoài với Đạo tràng Nguyệt Đường (Hưng Yên) [7]. Tư tưởng thiền của ngài Minh Châu Hương Hải trong rất nhiều tác phẩm văn học Phật giáo có tính nhất quán vì chủ trương của thiền sư là “sự giữ tiệm tu” và “hằng rèn Giới hạnh công phu”. Những người tu thiền theo quan điểm của ngài Minh Châu Hương Hải cũng nhất quán ở chỗ xuất phát từ truyền thống thiền tông Việt Nam, có một bề dày lịch sử, đã hình thành một số quan điểm và phương pháp tu hành không hoàn toàn rập khuôn theo quan điểm phương pháp tu thiền của Trung Quốc. Chính trong xu hướng ấy, ngài Minh Châu Hương Hải đã phát biểu ý kiến của mình bằng thơ và văn Nôm [8]. Ngoài những sách chú giải về kinh, thì kệ thơ và Thiền ngữ đã thể hiện rõ tư tưởng thiền Phật của ngài. Sư thường nêu lên mối quan hệ giữa Phật và chúng sanh cùng thể tính, nếu giác ngộ thì chứng nhập thể tính ấy, mối quan hệ giữa mê và ngộ, giữa tâm và cảnh… Vì thế, thiền sư chủ trương phương pháp tu tập: Không chạy trốn sự vật, Giới luật cao nhất là sự vô tâm, thành Phật ngay trong giờ phút này trong tác phẩm Sự lý dung thông [9].

“Vô tâm” là danh từ và phương châm rất đắc ý của thiền sư Hương Hải. Hình ảnh đẹp nhất về vô tâm là hình ảnh mà ngài đã trình bày cho vua Dụ Tông nghe, khi nhà vua hỏi về thâm ý của đạo Phật: “Nhạn quá trường không/ Ảnh trầm hàn thủy/Nhạn vô di tích chi ý/ Thủy vô lưu ảnh chi tâm) [10]. “Vô tâm” tức tâm không, tư tưởng “Tâm không” cốt tủy của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đóng vai trò chủ đạo trong Phật giáo thời Trần. “Không” theo tinh thần Phật giáo nói chung, Thiền tông nói riêng không có nghĩa là không có gì cả, mà vừa hữu vừa vô, vừa không hữu vừa không vô,… nghĩa là luôn ở trong trạng thái không đối lập, không mâu thuẫn; tức ở trạng thái vô sở trụ, vô chấp. “Tâm” là cái bao trùm, là cái chất của vạn pháp. Vì vậy, Phật và chúng sinh đều cùng một bản thể là tâm, tức cùng một bộ mặt (Phật dữ chúng sinh tô nhất diện)[11]. 

“Vô tâm” trong Kinh Kim Cang, Đức Phật dạy: “Tu-bồ-đề, tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được [12]. Nếu chúng ta hằng biết được như vậy thì chúng ta vượt hơn phàm tình, phàm tình chỉ biết tâm vọng tưởng của người, như đang vọng tưởng một điều gì, vọng tưởng thương người này, vọng tưởng ghét người kia… rồi chấp vào đó để phiền não, như vậy thì biết làm chi, trái lại phải biết tâm của họ là hư giả không thật, phải biết rõ như vậy [13]”. Thông qua đoạn kinh, người tu tập hành trì và quán niệm chơn chánh đối với các pháp không còn dính mắc, chấp trước vì “tâm của họ là hư giả không thật, phải biết rõ như vậy”, nên sống với tâm không của mình, tức “vô tâm”. Từ đó phát tâm Bồ đề thực hiện những hành động, việc làm có ý nghĩa tốt cho đạo, lợi ích cho cuộc đời, góp phần tích cực hoằng dương Phật pháp lợi ích chúng sanh. 

Thiền sư Chân Nguyên

Các thiền sư thời Lý-Trần mang quan điểm “nhập thế” tích cực, “hòa quang đồng trần”, tích cực giúp đời, có người từng làm vua, làm quan, làm tướng. Quan điểm “Phật tại tâm”, “nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” của Phật giáo nói chung và Thiền tông thời Lý-Trần nói riêng với chủ trương tự thắp đuốc, tự quay về với chính mình, không tìm cầu vật chất bên ngoài đã tạo nên cho con người thời đại bấy giờ một bản lĩnh tự tin đặc biệt. Bản lĩnh này là đỉnh cao của tinh thần nhân văn thời đại. Con người được nâng lên ngang tầm với Phật [14]. Sự kế thừa và phát triển của nó ta có thể nhận thấy rất rõ trong quan niệm, tư tưởng thiền của thiền sư Chân Nguyên, đó là quan niệm “Phật tại tâm”, thiền sư Chân Nguyên cũng đã đề cập, đó là Phật tánh sáng suốt, nhiệm mầu mà trong mỗi chúng sinh ai cũng sẵn có. Cho nên không còn chạy đi tìm cầu, rong ruổi ở bên ngoài nữa. Khi hành giả ngộ được bản tâm ấy, đó cũng là sự thể nhập được với tự tánh của các pháp, cũng như đóa sen nở trong lò lửa [15]. 

Thiền sư Chân Nguyên khẳng định giá trị tinh thần “Phật tại tâm” thông qua tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh. Tác giả nhấn mạnh “散羅泣歇乾坤 Tán ra khắp hết càn khôn /㝵些別孛仙於𢚸  Người ta biết được Bụt tiên ở lòng”. Thiền sư Chân Nguyên nhắc lại tinh thần này trong sự tích cực vận dụng, đem giáo lý, tư tưởng Phật pháp truyền bá rộng rãi ra dân chúng. 

Tác phẩm Thiền Tịch phú của thiền sư Chân Nguyên thể hiện tư tưởng của thiền Phật giáo Đại thừa. Nội dung trình bày về thiền tịch, miêu tả cảnh chùa nơi thiền sư trụ trì, cùng chí hướng và cuộc sống thường nhật thú vị nơi cảnh già lam; cuối cùng là lời kêu gọi mọi người cùng gia nhập để thưởng thức cái thú vui thanh tịnh ấy. Bài phú là lời tụng ca, thi vị hóa cuộc sống tu hành của các nhà sư [16]. Tác giả đề cập “chốn chùa chiền cổ tích” ý nói ngôi chùa rất cổ, lâu đời và đã qua nhiều đời Tổ sư trao truyền cho nhau cho nên “dòng phúc đức trang nghiêm” và “tu công Thiền tịnh” công phu tu tập. Ngài Chân Nguyên khuyên mọi người nên ý thức tu tập chứ không nên thuận theo sự việc ở đời, bởi lẽ các pháp vốn dĩ là “vô thường, khổ, vô ngã”, nếu không sẽ phải hối tiếc. Vì thế, người tu có ý chí thì phải học theo ý chí của các bậc thánh, Tổ sư. Gieo cái nhân tu cho tốt thì quả tu mới tốt, về sau mới được thảnh thơi mỉm cười, đạt đến Niết bàn an lạc.

Thiền sư Liễu Quán

Tư tưởng của thiền sư Liễu Quán qua đoạn cuối của bài kệ truyền thừa có nhấn mạnh như sau: “Thật tế đại đạo”…“Truyền trì diệu lý/ Diễn xướng chánh tông./Hạnh giải tương ưng/Đạt ngộ chân không”. Người thành tựu như thế có thể giữ gìn và hoằng dương đạo lý thâm diệu, phát huy tông phong chân truyền, khiến cho người học đạo có sự nhất trí giữa lý thuyết và thực hành, đưa đến thể nhập lý thể chân như [17]. Từ chữ “hành siêu minh thật tế” trong bài kệ truyền thừa của thiền sư Minh Hoằng Tử Dung, thiền sư Liễu Quán biệt xuất kệ cũng bắt đầu từ chữ “thật tế”. Tư tưởng chủ đạo như thế nên sự hành hóa của ngài đã mang một phong cách mới, một phong cách Việt như Nguyễn Lang đã nhận xét: “Thiền sư Liễu Quán đã làm cho thiền phái Lâm Tế, trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Trước Ông, Phật giáo Đàng Trong mang nặng màu sắc Quảng Đông. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế, và làm cho thiền phái này trở thành thiền phái của đa số Phật tử Đàng Trong [18].

Thiền sư Nguyên Thiều

Ngài chú trọng cảnh tỉnh người xuất gia tu hành chốn thiền môn với bài “Tổ sư huấn hối yếu tắc” (Tổ sư dạy bảo những quy tắc cần yếu). Thiền sư nói người tu tập muốn giác ngộ thành thánh, thành Phật, trước tiên lo việc chánh niệm, tin sâu nơi 3 tạng Kinh-Luật-Luận, kính trọng tôn thờ sư trưởng, chuyên trì giới luật thanh tịnh đạo hạnh, hiểu rõ quy luật nhân – quả, lo trừ bỏ tập khí xấu ác và chuyên cần công phu niệm Phật, tham thiền, (Người xuất gia phải chân thật tham thiền, tham cứu đến chỗ chưa sanh về trước cho đến ngày nay, một ngày nào xả bỏ xác phàm, ánh linh quang bao trùm cả vũ trụ (pháp giới)) [19]. Trong đạo Phật, sự bắt đầu bằng chánh niệm rất nhỏ, trầm trầy trầm trật. Nhưng một ngày nào đó, nó sẽ trở thành một hạt giống tốt. Và chánh niệm đó sẽ cho mình không gian, từ từ lớn lên. Chánh niệm trong đạo Bụt là Phật sẽ thành, là Phật. Nếu tiếp xúc được với chánh niệm trong bản thân thì ta có thể tiếp xúc với Bụt trong mình. Đó là một giác duyên, một điều kiện của sự tỉnh thức [20]. Trong Kinh Đại Bảo Tích, Đức Phật dạy cho Bồ tát quán niệm về chánh hạnh như sau: “Chư Bồ tát cầu pháp không chán đủ do vì tâm cung kính, thường cầu nơi chánh pháp gọi là tướng Bồ tát. Nghe rồi thường nhớ ghi lại tu hành đúng pháp. Này thiện nam tử! Thế nào là Bồ Tát quán chánh pháp hạnh? Này thiện nam tử! Đại Bồ tát quán như vầy: Tất cả pháp như huyễn phỉnh gạt phàm phu vì họ ngu si không có chánh huệ. Tất cả pháp hư vọng như giấc mộng vì chỉ là niệm tưởng. Tất cả pháp như trăng trong nước vì chẳng phải là sự thiệt có. Tất cả pháp như tượng trong gương vì không chúng sanh. Tất cả pháp như vang vì hư không và âm thanh sanh ra. Tất cả pháp sanh diệt vì nhơn duyên tạo thành. Tất cả pháp bất sanh vì tánh chơn như. Tất cả pháp bất diệt vì là vô sanh. Tất cả pháp vô tác vì không có tác giả…” [21]. Như vậy, hành giả cầu pháp, sanh tâm cung kính, học rồi nhớ rõ và thực hành đúng với những gì đã được Đức Phật dạy, chân thật tham thiền là sống đúng chánh pháp không còn dính mắc với các pháp, tâm tự tại và an lạc trong thực tại cuộc sống. 

Những quan niệm và tư tưởng như: đa dạng pháp môn, ứng dụng, “Thiền tịnh song tu”, “Thiền-Tịnh-Mật”, quan niệm “tùy duyên bất biến” hài hòa tiếp ứng với hoàn cảnh thực tại, quan niệm “Tam giáo đồng nguyên Phật-Đạo-Nho” cũng được các thiền sư ứng dụng trong nếp sống tu tập hàng ngày và còn là phương tiện quan trọng trong việc hoằng dương Phật pháp. Trong bản Thích giải Kinh A Di Đà, ngài Minh Châu Hương Hải, đặc biệt nhấn mạnh đến pháp trì danh niệm Phật, nên đã viết rằng: “Chuyên trì danh hiệu thắng hơn trì chú, thắng hơn hết thảy chư dư công đức”. Và trì tụng Kinh A Di Đà, ta thấy trong kinh chuyển tải đầy đủ cả Thiền Tịnh song tu, mười phương hỗ dụng, tự tha đều có, nên ngài Minh Châu Hương Hải đã chọn bản kinh này để giải thích, nhằm đáp ứng nhu cầu tu học cho thời đại của ông [22]. Đối với ngài Chân Nguyên Tuệ Đăng, Thiền tông và Tịnh độ là hai mặt của một thực thể giác ngộ, nên ngay trong Thiền tông bản hạnh, ông viết:“Thánh phàm vô nhiễm vô dư/ Bất sanh bất diệt như như Di Đà” [23].

Thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh chủ trương thống nhất về vấn đề Tam giáo đồng nguyên “Phật-Đạo-Nho”, “Dĩ Nho giải Phật” về cùng một mối. Thiền sư mở đầu tác phẩm là chương “Không thanh”. “Không thanh” không phải phủ nhận sự tồn tại của âm thanh, mà là cảnh giới tịch tĩnh của chân tâm thanh tịnh, không còn âm tạp, tạp niệm như ánh sáng của mặt trời không bị mây đen che khuất, chiếu soi tất cả mọi chỗ. Khi nội tâm con người thông suốt, sáng rõ thì tự nhiên sẽ nhận chân được bản chất vạn vật, chân tướng của vạn pháp, thoát ra ngoài mọi định kiến, chấp trước được an nhiên tự tại. Liễu ngộ được cái “Không thanh” trong muôn vàn âm thanh tạp loạn của cuộc sống chính là giải thoát, là Niết Bàn theo ngôn ngữ nhà Phật [24]. 

Kế thừa tư tưởng bình đẳng của thiền phái Trúc Lâm, Ngô Thì Nhậm triển khai nó qua tinh thần yêu thương con người và vạn vật không phân biệt trên nền tảng triết lý tính không ở chương đầu tiên, quán triệt, thể nghiệm sâu sắc, có cơ sở hơn khi thể hội vào Phật tính bình đẳng trong mọi chúng sanh ở chương “Kiến thanh”. Không những vậy, ông còn thực tiễn hóa tinh thần bình đẳng của nhà Phật qua việc dung hòa nghĩa đại đồng trong tinh thần Nho gia vào tư tưởng bình đẳng Phật gia [25]. Với tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm, tư tưởng Đại thừa Thiền tông Phật giáo được thể hiện mới mẻ, thực tế, gần gũi và sáng rõ bằng nghệ thuật ngôn từ dưới nhãn quan của nhà Nho chân chính. Tư tưởng triết lý Phật giáo Đại thừa thể hiện trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh như: Nhân quả, luân hồi, thiện ác, nghiệp báo, sắc không, tính không, lục căn, lục thức, lục trần, chơn không diệu hữu, nhân ngã, sinh diệt, bình đẳng, Như Lai, Phật tính… [26].

Có thể nói, Phật giáo Việt Nam luôn gắn liền với vận mạng thịnh suy của dân tộc, những vị thiền sư Việt Nam đã cống hiến rất nhiều cho dân tộc. Và như vậy, các quan điểm, tư tưởng thiền của các thiền sư Phật giáo thời Hậu Lê đóng vai trò quan trọng trong phục hưng và phát triển, phổ cập giáo lý Phật giáo đến khắp mọi vùng miền nước ta thời bấy giờ. Từ đó, Phật giáo thời Hậu Lê đã đạt được những thành tựu lớn lao về nhiều mặt, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh của quần chúng nhân dân, góp phần phát huy và duy trì nét đẹp trong văn hóa dân tộc, tiếp nối truyền thống “hộ quốc an dân”, phát triển đất nước ngày càng phồn thịnh, đạo pháp trường tồn.

 

 

 

Chú thích: 

[1] TS. Thích Hạnh Tuệ (2018), Nghiên cứu về Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.129-130; [24] tr.134; [25] tr.140; [26] tr.142.

[2] Thích Thanh Từ (1998), Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20, Nxb. TP HCM, tr.29; [3] tr.30; [4] tr.27; [5] tr.29.

[6] Dẫn theo Viện nghiên cứu Phật học (2014), Phật giáo thời Hậu Lê, tập 4, Nxb. Tôn giáo, tr.7.

[8] Lê Mạnh Thát (2005), Toàn tập Toàn Minh Châu Hương Hải, Nxb. TP HCM, tr.78-79.

[7] Viện Trần Nhân Tông (2018), Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb. ĐHQG Hà Nội, tr.396; [9] tr.397; [16] tr.396.

[10] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, tr.440.

[11] Trần Thuận, Trần Nhân Tông với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ tư, Hà Nội, 28/11/2012, tr.1361.

[12] Thích Thanh Từ (2017), Kinh Kim Cang giảng giải, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.64; [13] tr.65.

[14] Đặc san chuyên ngành Phật giáo Việt Nam khóa VI, Phật giáo đời Lý, Phật giáo & Dân tộc, tr.81.

[15] Thích Nữ Nhuận Mỹ (2021), Nghiên cứu Tác phẩm Nam Hải Quán Âm bản hạnh của thiền sư Chân Nguyên, Luận văn Thạc sĩ Phật học, chuyên ngành Lịch sử Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam, TP HCM, tr. 89.

[17] Viện nghiên cứu Phật học (2014), Phật giáo thời Hậu Lê, tập 4, Nxb. Tôn giáo, tr.18; [18] tr.18

[19] Thích Nữ Hạnh Hiếu (2020), Quá trình hình thành và phát triển Tổ đình Quốc Ân Kim Cang Vĩnh Cửu – Đồng Nai, Luận văn Thạc sĩ Phật học, TP HCM, tr.76-77.

[20]  Thích Nhất Hạnh (2000), Thả một bè lau, Nxb. Lá Bối, Pháp, tr.303.

[21] HT Thích Trí Tịnh (dịch, 2004), Kinh Đại Bảo Tích, tập 2, Nxb. Tôn giáo. Hà Nội, tr.380.

[22] Thích Thái Hòa (2013), Đi vào bản nguyện Tịnh độ, Nxb Văn hóa-Văn nghệ, TP HCM, tr.73; [23] tr.73.