Dẫn nhập
Thơ ca phát triển đến đời Đường đã trở nên hoàn mỹ, đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc, trải qua mấy trăm năm phát triển, đến đời Đường cũng đã đạt đến độ cực thịnh. Từ thời Đông Phổ đã xuất hiện không ít thi tăng giỏi về thơ văn. Đến đời Đường, những thi tăng như thế ra đời ngày một nhiều hơn và cũng nổi bật hơn. Đây là lực lượng mới xuất hiện trên thi đàn có một vị trí đáng kể trong lịch sử thơ ca Trung Hoa. Thi tăng là hàm chỉ những bài thơ do các Tăng nhân Phật giáo sáng tác hay những bài thơ của giới tu hành chịu ảnh hưởng triết lý Thiền tông Phật giáo, chúng tôi gọi chung đó là thơ thiền. Thể loại thơ này có thể nói là một hiện tượng văn hóa độc đáo trong thời nhà Đường. Và Tề Kỷ là một trong ba thi tăng [1] nổi tiếng như thế ở thời kì này. Thơ của ông có thể quy thành năm loại, gồm thơ tả cảnh vịnh vật, thơ ký sự, thơ Phật lý, thơ cảm hoài và thơ giao du, trong đó chủ yếu là dùng hình ảnh thiên nhiên với lời thơ nhã nhặn ôn hòa, phóng khoáng vững chãi, tươi mát tự nhiên và cả triết lí nhân sinh; nhưng tựu trung, tất cả ấy lại mang đến cho người đọc một mỹ cảm đặc biệt tràn đầy hương thiền.
ĐÔI NÉT VỀ TỀ KỶ
Tề Kỷ (864-938?) [2] là một thi tăng tiêu biểu về thơ ca trong chúng tăng sống vào thời kỳ Ngũ đại, cuối đời Đường. Thi phẩm hiện có Bạch liên tập 10 quyển, tổng 815 bài. Với số lượng sáng tác này, ông được xếp vào vị trí hàng đầu thi tăng thời nhà Đường. Tác phẩm lý luận thi học có Phong tao chỉ cách 1 quyển. Về cuộc đời của Tề Kỷ thì có nhiều sử liệu cổ Trung Hoa ghi chép. Theo Tống cao tăng truyện quyển 30: “Thích Tề Kỷ, họ Hồ, là người Ích Dương. Bản tính cao thượng ngay thẳng, tướng mạo nhỏ bé xấu xí. Còn nhỏ mà phải vào sống trong chùa Đại Quy Sơn, thông minh lanh lợi hơn hẳn bạn cùng trang lứa, tiếp nhận đầy đủ phẩm pháp, học tập luật nghi. Và tính thích ngâm vịnh, giọng điệu nhẹ nhàng” [3]. Phần tiểu truyện trong Toàn Đường thi chép: “Tên Đắc Sinh, họ Hồ, người Ích Dương Đàm Châu, (hồi nhỏ) xuất gia ở chùa Đồng Khánh Đại Quy Sơn, lại ở chùa Đông Lâm Hoành Nhạc, sau muốn vào đất Thục, qua Giang Lăng, đến thời Cao Tùng Hối (891-948) giữ làm Tăng chính, tự hiệu Sa môn Hoành Nhạc. Bạch liên tập 10 quyển, ngoại biên (phần bổ sung ngoài sách chính) 1 quyển” [4]. Còn trong Đường tài tử truyện hiệu tiên thì chép: “Tề Kỷ, người Trường Sa… Họ Hồ, cha mẹ mất sớm. Bẩm tính thông minh lanh lợi, năm 7 tuổi khi chăn trâu ở chùa Đại Quy Sơn (chùa viện lúc bấy giờ thường có điền sản), thường lộ vẻ suy tư, hay dùng nhành trúc vẽ làm những bài thơ ngắn trên lưng trâu. Vì thế được chúng tăng đánh giá là đứa bé khác người, và không lâu sau đó đã được đưa vào cửa chùa thọ giới… Phong độ ngày một thay đổi, tiếng tăm ngày một vang xa” [5].
Bên cạnh sử liệu, từ những áng thơ ca như: Đạo lâm ngụ cư, Đề Đông lâm thập bát hiền trinh đường, Chử cung mạc vấn thi thập ngũ thủ…, còn khẳng định thêm những nơi mà Tề Kỷ từng tu hành chủ yếu là chùa Đồng Khánh Quy Sơn, chùa Đạo Lâm Trường Sa, chùa Đông Lâm Lô Sơn và chùa Long An (Long Hưng) Kinh Chử (Giang Lăng). Ông xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ, từ nhỏ đã mất cha mẹ, sớm nương nhờ cửa thiền, sau đó chăm chỉ học hành, không chỉ học hành hệ thống kinh điển luật nghi Phật giáo, mà còn yêu thích ngâm vịnh. Sống lâu trong cửa thiền, dần dà cũng trở thành nơi nảy sinh thơ thiền của ông. Xưa kia, chốn cửa thiền còn có truyền thống du phương, cho nên ông cũng được vân du khắp nơi, thưởng ngoạn cảnh vật non sông, tham vấn học hỏi rộng khắp, cùng xướng họa thơ ca với các tăng nhân đồng môn và các văn nhân đời Đường, như: Trịnh Cốc, Tào Tùng, Lý Động, Phương Can, Cao Liên, Quán Hưu, Hư Trung… Tề Kỷ mặc dù truyền nhân của Quy Ngưỡng tông, nhưng ông đi khắp cùng thiền lâm học hỏi, đến nhiều tự viện các nơi như: Thiểm Tây, Sơn Tây, Tương Tây, Hà Nam, Hồ Nam, Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô… gặp gỡ các cao tăng đại đức tham vấn và giao lưu, từ đó nhận được trí tuệ thiền pháp, nâng cao cảnh giới tu chứng của chính mình. Đây chính là cội nguồn kiến thức dào dạt để ông có thể sáng tác thơ sơn thủy và thơ giao du. Ngoài ra, lúc cuối đời ông ấy trên đường đến đất Thục, ngang qua Kinh Chử, được Nam Bình vương Cao Quý Hưng ngưỡng mộ, lưu ở chùa Long Hưng Giang Lăng, đồng thời bố trí chức Tăng chính. Cuộc sống cơm ăn áo mặc không cần phải ưu tư vốn không phải là ước nguyện của Tề Kỷ. Trạng thái cuộc sống này với khát khao cuộc sống ẩn cư sơn lâm và thanh tịnh vô nhiễm trước đây chắc rằng có những sai biệt lớn lao, tâm lý này với đời sống chính trị không rời thế tục đã nảy sinh những trăn trở ưu tư, và đó cũng chính là sự ra đời của những bài thơ trữ tình mang gam màu trần thế.
Như vậy, có thể thấy rằng Tề Kỷ là người có bẩm tính thông minh – nhạy bén, không chỉ lĩnh ngộ được yếu chỉ Thiền tông, về phương diện nghệ thuật thơ ca cũng tạo nên sự khác biệt. Trong con người ông tồn tại hai trạng thái tâm lý – hai tâm hồn trong một trái tim: vừa là tăng nhân vừa là thi nhân; vừa có tu dưỡng thiền học thâm hậu, vừa có trình độ nghệ thuật thi học. Tức là làm thơ dưới con mắt thiền lý, do đó xét cho cùng thì tác phẩm thơ ca của ông dù là đứng ở thân phận nào, cũng không thể tách khỏi tư tưởng thiền học – nơi đã cưu mang ông từ thuở nhỏ cơ nhỡ mồ côi đến hết cuộc đời. Với những gì được thể hiện trong tập thơ và tập lý luận thi học, cho biết rằng ông có cả hệ thống quan niệm về thơ và thiền.
MỐI QUAN HỆ GIỮA THƠ VÀ THIỀN
Sau triều đại Đông Tấn (317-420), giới văn nhân bắt đầu tiếp thu Phật giáo một cách khá phổ biến, thế là thơ và thiền dần dần đã “kết duyên” khăng khít, không thể tách rời, đặc biệt là vào đời Đường. Với sự hưng thịnh của Thiền tông, việc dùng thơ để giải thích thiền hay dùng thiền đưa vào thơ, trở thành một xu hướng lúc bấy giờ. Như thế có thể thấy, mối quan hệ giữa thơ và thiền đã xuất hiện từ trước đó khá sớm, đến Tề Kỷ lại được vạch rõ toàn diện hơn về mối quan hệ này, tìm kiếm nguyên nhân từ thuyết nhân quả nghiệp báo của nhà Phật, lấy thiền ngự thơ, lấy thơ trợ thiền, cố gắng tìm ra sự tương thông giữa thơ và thiền trong sự mâu thuẫn giữa chúng, từ đó loại bỏ sự đối lập và để trở về với cảnh giới tĩnh lặng của thiền.
Trong bài thơ Tĩnh tọa (《靜坐》), Tề Kỷ nói: “Nằm – ngồi – đi – đứng, đi vào thiền định vẫn ngâm thơ. Theo thời gian dài, dần mất tâm tư sầu muộn. Ít trò chuyện với Tương Như, Núi Hoàng Mai căn dặn lời sâu xa. Dãy tùng xưa trước cửa, có lúc vẳng tiếng bước dừng bóng râm” (坐臥與行住,入禪還出吟。也應長日月,消得個身心。默論相如少,黃梅付囑深。門前古松徑,時起步清陰). Một bức tranh mô tả cuộc sống thường nhật của thi tăng, có bàn thiền luận giáo, có ngâm thơ vẩy mực. Hoặc có liên quan đến thiền hoặc có liên quan đến thơ.
Trong bài thơ Kí Trịnh Cốc lang trung (《寄鄭谷郎中》), viết: “Vẫn tự cười mình kiềm tâm bên ngoài, dùng sức hấp dẫn của thơ hỗ trợ sức hấp dẫn của thiền Phật”(還應笑我降心外,惹得詩魔助佛魔). Điều này càng thể hiện rõ thơ của ông là vận dụng thiền, với quan niệm thiền là xương cốt của thơ. Đồng thời ông cũng chú ý đến mối quan hệ đối lập thống nhất giữa thơ và thiền.
Trong bài thơ Tự đề (《自題》), viết: “Tìm sự vi diệu của thơ trong thiền, năm tháng mái tóc đã điểm bạc”(禪外求詩妙, 年來鬢已秋). Tức là nói tính hai mặt của sự vi diệu về mối quan hệ giữa thơ và thiền. Nói thơ ở ngoài thiền, đây là điều đối lập; nói tăng nhân trong lúc tham thiền có thể làm thơ hay, đây là điều dung hợp. Ở đây cũng có thể nói là nội cảm ngoại ứng của thiền đối với thơ. Hình thức của thơ là dùng để biểu đạt hình thức biểu hiện tốt nhất của thiền ý. Trong bài thơ Miễn thi tăng (《勉詩僧》) có thể hiện rõ: “Tình đạo (thiền) kết như nước, tình thơ hợp như băng” (莫把毛生刺,低佪謁李膺。須防知佛者,解笑愛名僧。道性宜如水,詩情合似冰。還同蓮社客,聯唱繞香燈), cho thấy quan niệm của nhà thơ lấy thơ hỗ trợ cho thiền.
CHẤT THIỀN TRONG THƠ
Mặc dù đã quy y cửa Phật, nhưng Tề Kỷ rất thích ngâm thơ. Thơ ông tao nhã, cách điệu hài hòa, nhiều nhà văn nhà thơ không ngớt lời khen ngợi. Nhà văn học Kỷ Vân đời nhà Thanh (1724-1805) từng đưa ra nhận định là “thi Tăng thời Đường đứng đầu là Tề Kỷ”. Tề Kỷ dùng đôi mắt của nhà Phật để soi xét thế giới nhân sinh hiện thực, cho nên thơ ca mà ông sáng tác đa số thể hiện cảnh giới Thiền tông, cũng là phong cách tao nhã. Ông ấy lấy thiền ngự thơ, tận dụng sự tương tác qua lại giữa thơ và thiền mà tạo ra một cảnh giới đặc thù của Thiền tông, có nhẹ nhàng, có mạnh mẽ. Nhưng đọc thơ ông, nó mang lại cho con người cảm giác tổng thể là thiền ý dào dạt. Đồng thời với sự lĩnh hội những vần thơ tao nhã đẹp đẽ cũng cảm nhận được hơi thở đậm chất Thiền tông. Nhiều câu thơ được gọt giũa cô đọng, sâu sắc như: “Chỉ cần tâm đạo hiện hữu, tới lui tự do khoáng đãng/唯君道心在,來往寂寥間” (Thành trung thị hữu nhân/《城中示友人》), “Thân gầy như xương hạc, nghĩ suy như tâm thiền/瘦應成鶴骨,閒想似禪心 (Mậu thìn tuế tương trung ký Trịnh Cốc Lang trung/《戊辰歲湘中寄鄭谷郎中》), “Bóng cây nghìn thu giữa trời đất, giống như phủ khắp cõi thiền/千秋空樹影,猶似覆長禪” (Đề Ngọc Tuyền tự Đại sư ảnh đường/《題玉泉寺大師影堂》)… Tề Kỷ là cao tăng tu hành theo Nam tông, cụ thể là Quy Ngưỡng tông. Có những lời nói như: “Hoàng đế điều tâm kéo dài đến nội thành Trường An phía Bắc, chư hầu cúi lạy hỏi Nam tông”, “Tổ Nam tông y bát từng bái kiến, trăng suối đi qua rừng trúc phía Đông”, đây là độc thoại tâm lí tông pháp Nam tông của ông ấy. “Vô tâm là đạo, nhật dụng là đạo” với “tự tâm thành Phật”, “vô niệm là tông” do ngài Huệ Năng đề xướng là sự kế thừa nguồn mách ấy. Đặt tọa thiền vào tự nhiên vô vi. Một trong những trọng tâm về sự cảm ngộ thơ thiền của Quy Ngưỡng tông là “vô tâm là đạo”. “Vô tâm” là thể nghiệm cơ bản nhất của Thiền tông, chủ yếu chỉ chân tâm xa rời vọng niệm. Vô tâm hoàn toàn không phải không có tâm thức, mà là vượt ra ý thức phân biệt thánh – phàm, thiện – ác, đẹp – xấu, to – nhỏ, thuộc cảnh giới tự do không chấp trước, không chướng ngại. Tề Kỷ tu hành thâm sâu, đối với lý giải Thiền tông này thì ngài tự có sự lĩnh hội riêng của mình. Trình độ Phật học cũng có thể tìm thấy trong phần chú bài kệ tụng thứ 2 của ông ở Quyển 20 Ngũ đăng hội nguyên: “Tức là cột chẳng thấy cột, chẳng phải cột chẳng thấy cột. Thị phi đã bỏ hết, trong thị phi tiến thủ.”
Ngoài ra, thơ của Tề Kỷ đặc sắc nhất là cảnh giới Thiền tông, đã đạt đến một trạng thái tương đối đồng nhất giữa cảnh thơ và tâm thiền. Nhà Phật chú trọng thiền. Tại sao phải thiền? Mục đích đầu tiên là giúp cho tâm khí của chúng ta bình lặng, tâm cảnh thuần chất. Làm cho trong tâm không chút bụi trần, tâm như đài gương sáng. Năm pháp môn lớn của thiền là: Điều hòa hơi thở, bất tịnh, từ bi, nhân duyên, niệm Phật. Sau khi trải qua những động tác này, trạng thái tâm lí đã đạt đến một dạng lắng đọng và chuyển hóa, từ trạng thái nóng nảy trở về trạng thái tĩnh lặng. Quan niệm nghệ thuật nhẹ nhàng trong thơ ca của Tề Kỷ chính là sự thể hiện tác dụng hữu ích của pháp thiền này. Có những câu thơ không một tiếng thở than, tâm bình lặng như nước: “Suối núi không người qua, gió mưa kèm hoa bay/溪山無伴過,風雨又花飛” (Tống Ích Công quy cựu cư/《送益公歸舊居》), “Đường dài không chướng ngại, chiến tranh dần vắng bặt/道路長無阻, 干戈漸不聞” (Tống Bí thượng nhân/《送秘上人》), “Muôn thuở ngàn năm, núi vẫn xanh trăng vẫn sáng/萬古千秋里, 青山明月中” (Quá Lộc môn tác/《過鹿門作》)… Có thể thấy trong thơ cho ta cảm nhận được một nét thanh nhã, tĩnh lặng; lại thể hiện tâm cảnh nhẹ nhàng, không chút gợn sóng.
THƠ VÀ THIỀN “SONG TU”
Trong bài thơ Vũ Lăng Biệt Văn doanh thượng nhân (bài 1)/《武陵別文瑩上人 其一》, ông Trương Sư Chánh đời Tống có nói: “Tề Kỷ đời Đường thiền bá Chử cung (Giang Lăng), Tống Huệ Sùng hào kiệt thơ Hoài Điện”. Dùng từ “thiền bá” để tôn xưng Tề Kỷ, đủ thấy ông là cao tăng không tầm thường. Trong Tống cao tăng truyện cũng có bình về Tề Kỷ: Là một người “xem danh lợi như mây trôi.” Có thể thấy mức độ tu thiền của Tề Kỷ đã tiếp cận tới cảnh giới cao nhất của nhà Phật. “Đá đẹp và thiền định, mây trôi cùng hạc về/怪石和僧定, 閒雲共鶴回” (Đăng Đại lâm tự quán bạch Thái phó đề bản/《登大林寺觀白太傅題版》), “Chỉ cần tâm đạo hiện hữu, tới lui tự do khoáng đãng” (Thành trung thị hữu nhân) là những vần thơ miêu tả cụ thể về cảnh giới này. Thơ của Tề Kỷ có cái đẹp của sự thanh tịnh, phong cách thơ nhẹ nhàng, tươi đẹp. Thơ ông có thể nói là “vật hóa” và “ngoại hóa” của tâm thanh tịnh này. Thơ chính là tiếng lòng. Trong quá trình tu hành tinh tấn, người tu hành lĩnh hội Thiền tông, đem tâm nhiễm ô, bụi trần nguyên sơ của mình gột rửa, tịnh hóa dưới ánh sáng Thiền tông, đạt đến cảnh giới cao nhất tự chứng. Trong cuốn Văn học và Phật giáo đời Đường, tác giả Tôn Xương Vũ nói: “Thiền tông chủ trương đạt được tâm thanh tịnh trong sự quán chiếu tự nhiên. Hơn nữa, đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng thiền lý của trực giác, ám thị, liên tưởng, giác ngộ bên trong. Điều này có những điểm tương đồng với nghệ thuật thơ ca, vì vậy mà thi nhân thích vận dụng (thiền vào thơ).” Điểm tương đồng giữa thơ và thiền đều là có trải nghiệm nội tâm một cách nhạy bén khó tả được bằng lời. Tham thiền giúp tịnh hóa tâm hồn, làm thơ giúp ngoại hóa tâm hồn. Tề Kỷ trong khi học pháp thiền của Thiền tông, đã dùng hình thức thơ để thể hiện ra ngoài những trải nghiệm và cảm ngộ của nội tâm, có thể thể hiện thái độ cởi mở hết sức tự nhiên phóng khoáng trong tu hành của Thiền tông, đem những hiểu biết về vũ trụ nhân sinh đặt trong sinh mệnh tìm kiếm sự giác ngộ. Những sự hiểu biết này tích lũy đến một mức nhất định, đến khi phải biểu đạt, thì hình thức nghệ thuật thơ này sẽ thành hình thức thể hiện tốt nhất của sự biểu đạt mà tâm cảnh thể ngộ, bằng hình thức thơ đem những cảm ngộ thiền trong nội tâm ngoại hóa thành những vần thơ.
LỜI KẾT
Những trình bày trên đây có thể thấy thơ ca của Tề Kỷ bàng bạc chất Thiền tông. Thơ ông là thể hiện sự thực hành thiền trong thơ, dùng hình thức thơ ca để biểu đạt thiền, giải thích thiền. Khi thiền và thơ hòa vào nhau, thì dù là lý luận thiền hay là lý luận thơ ca của ông đều là điều khiến người ta phải ngưỡng mộ, có thể nói là đã tạo dựng nên một phong cách riêng, độc đáo. Trong vườn hoa nghệ thuật đời Đường, ông đã dày công vun trồng một đóa hoa thơm ngát hương thiền; trong kho tàng văn học Phật giáo, ông đã để lại một viên ngọc quý giá. Năm tháng qua đi, nhưng những vần thơ mà ông đã mang đến cho đời, mãi mãi thường trụ.
Chú thích:
* Trường Đại học Trà Vinh.
[1] Gồm Tề Kỷ, Giảo Nhiên (730-799?) và Quán Hưu (832-912). Bên cạnh có một khối lượng thơ từ phong phú, Giảo Nhiên còn có tác phẩm Thi thức (hình thức của thơ) được coi là một tập thi luận xuất hiện đầu tiên vào đời Đường.
[2] Về năm sinh năm mất, các nhà nghiên cứu chủ yếu dựa vào các tư liệu như Bạch liên tập tự, Tống cao tăng truyện quyển 30, Đường tài tử truyện quyển 9, Đường thi kỷ sự quyển 75, Thập quốc Xuân thu quyển 103…, kết hợp với nội dung sáng tác thơ ca rồi suy luận. Năm sinh năm mất của ông hiện có nơi chép là 861-937, có nơi chép là 864-937, cũng có nơi chép là 864-943.
[3] Tán Ninh soạn, Phạm Tường Ung ngắt câu hiệu đính (1987), Tống Cao tăng truyện, Nxb. Trung Hoa thư cực, Bắc Kinh, tr.751.
[4] Bành Định Cầu và các cộng sự (1960), Toàn Đường thi, Nxb Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, tr.9441.
[5] Phó Toàn Tông chủ biên (1990), Đường tài tử truyện hiệu tiên (quyển 4), Nxb. Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh, tr.173-175.
Tài liệu tham khảo:
1. Tán Ninh soạn, Phạm Tường Ung ngắt câu, hiệu đính (1987), Tống Cao tăng truyện, Nxb. Trung Hoa thư cực, Bắc Kinh.
2. Bành Định Cầu và các cộng sự (1960), Toàn Đường thi, Nxb. Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh.
3. Phó Toàn Tông chủ biên (1990), Đường tài tử truyện hiệu tiên (quyển 4), Nxb Trung Hoa thư cục, Bắc Kinh.
4. Tôn Xướng Vũ (1985), Đường đại văn học dữ Phật giáo, Nxb. Nhân dân Thiểm Tây.