Nhà hóa học Paul Jozef Crutzen phân kỷ địa chất bằng sự xuất hiện của con người để lập thành khái niệm “Kỷ nhân sinh/Anthropocene” [1]. Vấn đề thuật ngữ còn nhiều tranh luận nhưng quả thực dấu vết tác động của con người đến môi trường trái đất là điều không thể chối cãi. Càng văn minh, khả năng – mức độ – phạm vi tác động của con người đến môi trường càng sâu rộng. Khoa học kỹ nghệ càng phát triển, quan niệm con người trung tâm (human-centered) hay duy nhân luận (Anthropocentrism/homocentricism) hoặc thậm chí cực đoan hơn là tư tưởng thượng tôn nhân loại (ideology of human supremacy/ human supremacism) càng khiến mặt đất trần gian thương tật, kiệt quệ. Vì đâu phát sinh cực đoan tư tưởng như vậy? Có phải vì chấp ngã ngày một nặng nề khiến loài người khủng bố tự nhiên?
NHÂN TÍNH
Trí khôn con người dường như không có giới hạn. Nhưng trí khôn ấy chưa phải trí huệ! Trí khôn ấy chỉ biểu hiện sự không cân bằng giữa tiến hóa vật chất và tiến hóa tâm linh. Ngay nội tại, con người đã mất cân bằng, huống hồ ngoại giới bị tác động. Nhất là từ giai đoạn hình thành phát triển chủ nghĩa đế quốc, đói khát tài nguyên (khởi từ ái dục – vô minh trong nhân tâm) khiến vấn nạn môi trường càng phức tạp, khó kiểm soát. Sinh thái học trong đó có sinh thái học nhân văn đã manh nha từ cuối thế kỷ XIX, hình thành ở nửa đầu thế kỷ XX, phát triển ở cuối thế kỷ XX và rầm rộ hơn ở đầu thiên niên kỷ thứ III. Ấy vậy, nhân loại vẫn tỏ ra bất lực trong việc cứu vãn môi trường sinh thái. Bao nhiêu bài báo khoa học, công trình nghiên cứu; bao nhiêu hội thảo, tọa đàm; bao nhiêu cuộc nghị sự và văn bản đã được ký kết nhưng mỗi năm một tăng thêm báo động vấn nạn môi sinh. Liệu con người đã nhận thức triệt để nguồn gốc vấn nạn môi trường sinh thái hay chưa? Khủng hoảng môi sinh, hay đúng hơn, khủng hoảng nhân tính!
Con người là vấn nạn của môi sinh. Thế nên không thể thay đổi bất cứ gì nếu bản thân con người không thay đổi. Nhưng con người này không phải một nhà khoa học, một chính trị gia, một nhà luân lý, một nhà giáo dục,… mà phải là con người thường nhật phổ biến đang thực hiện việc sống trải trong giây phút hiện tại. Chính vậy, Đạo Phật có thể mở ra lối thoát. Bởi đây là con đường đưa tới trí huệ sáng suốt về bản chất vạn pháp. Minh triết Phật lấy trí huệ làm căn cơ mở đường giải thoát – giác ngộ. Thế nên, đây là một trong số giải pháp đúng đắn và triệt để cho khủng hoảng nhân tính – nguồn cơn vấn nạn môi sinh hiện nay. Công trình nghiên cứu, bài báo khoa học, hội thảo, tọa đàm, nghị sự ký kết,… sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu không thực sự tác động đến tính người của loài người!
Trong Đạo Phật, đại chúng có thể dễ dàng tìm thấy giáo lý liên hệ vấn đề môi sinh. Không những chỉ ra bản chất vạn pháp trong đó có vấn đề môi sinh mà Phật lý còn hướng con người đến phương tiện, giải pháp cho vấn nạn này. Đạo Phật còn nêu ra đạo đức sinh thái có hệ thống và rất thiết thực.
Trong lý Duyên khởi, đại chúng có thể nhận thấy bản chất vận động dịch chuyển môi sinh và thuyết nhân quả xem như biểu hiện tuần hoàn sinh thái (ecological circle). “Pratītya samutpāda”/Duyên khởi, trong đó pratītya tức gặp gỡ, nương tựa, phụ thuộc; samutpāda tức là sinh khởi [2]. Ngay hiểu biết đơn sơ nhất về lý Duyên khởi đã cho thấy dòng vận động hiện hữu, bao hàm tương liên tương ứng giữa cá vị với hệ sinh khởi. Con người hay bất kỳ hiện thể nào đều không thể tách rời hệ sinh khởi định vị nó. Phá vỡ tương liên tương ứng của hệ sinh khởi cũng tức là tự triệt tiêu định vị tồn tại cá thể. Đặt mình lên trên hệ sinh khởi, con người chỉ đang tạo ra nền văn minh hủy diệt. Môi sinh là nạn nhân của nền văn minh đó. Và con người khó thoát khỏi quả báo của nền văn minh do mình tạo ra.
Trong Tứ diệu đế, đại chúng cũng có thể nhận ra nghĩa lý sinh thái sâu xa. Chẳng hạn Diệt đế (Nirodha Ariyasacca). Lòng ái dục là gốc gác nguồn cơn khổ não. Diệt khổ tức tận diệt lòng ái dục. Giả như đoạn trừ lòng tham muốn của ngon vật lạ, đoạn trừ tham vọng bá quyền, đoạn trừ danh vị tiếng tăm, đoạn trừ sạch hết ngay cả ý muốn đoạn trừ; vậy thì tất thảy đều không còn duyên do khởi sự khổ não ưu phiền. Diệt đế vốn ẩn chứa nghĩa lý sâu xa, nhưng nghĩa lý sinh thái đơn giản nhất chính là đoạn trừ lòng tham và ý chiếm đoạt tự nhiên. Cùng với ái dục trong cảnh trời dục giới bởi tham luyến ngũ dục. Đã không còn tham luyến ngũ dục, không còn khát muốn ăn ngon, nghe hay, ngửi thơm, chạm êm, nghĩ tưởng dễ chịu, thì cũng không còn tàn sát động thực vật, bắt các loài chim mua vui tiếng hót, tìm trân châu dị bảo thỏa niềm thống khoái; không còn giết động vật lấy da lông làm áo quần phục sức lộng lẫy; nhằm mục đích diệt khổ nhưng song song đó còn có thể đập tan bao nguy cơ tàn phá môi sinh. Nhất là không còn khát muốn ái tình, tiền tài, tiện nghi, quyền lực, danh tiếng (sinh ra tà tâm ác niệm ám hại lẫn nhau), tức là không bị đẩy vào cuộc “chạy đua nhân sinh” khiến môi sinh trở thành nạn nhân.
Lẽ bởi ái dục thúc đẩy, xui khiến lục căn – lục trần tương tác không thôi, tạo ra hằng hà biểu hiện của tâm trong cảnh đời. Nguy hại hơn cả: sợ hãi, tham lam, bất tín. Kẻ tham đắm bá quyền kỳ thực sợ hãi ngập lòng. Bởi khát muốn quyền bính khởi sinh sợ hãi mất quyền bính. Bởi sợ hãi – tham lam – bất tín, cuộc sinh tồn trở thành cuộc đấu tranh sinh tồn, tàn hại tha nhân, tàn phá môi sinh, không ngừng khai thác thiên nhiên để phát triển quy mô nền kinh tế kỹ nghệ, hòng giữ ngôi bá chủ. Chỉ với sợ hãi – tham lam – bất tín đủ khiến cho sinh giới tổn thương tan tành. Diệt đế dạy cách đoạn trừ khổ não, tiêu trừ ma chướng tính người, chẳng phải là phương thuốc cho cơn khủng hoảng “hệ sinh thái nhân tâm” hiện nay sao? Nhất ở thời vẫn còn dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng nhân tâm sẽ kéo theo hệ lụy môi sinh nên việc nghĩ bàn và áp dụng đạo đức sinh thái Phật giáo càng có ý nghĩa hơn nữa!
GIÁ TRỊ CỦA ĐẠO PHẬT
Jean-François Lyotard nói về hoàn cảnh hậu hiện đại với bất ổn, hỗn loạn [3]. Văn minh tự phụ của con người đang giẫy chết vì niềm tin cạn kiệt, biến dạng; hệ giá trị sụp đổ và trống rỗng. Vô minh (Avijjà) như cơn bão nhiệt đới bao phủ chân trời; quần thảo giẫm nát mặt đất. Con người vô minh với khí cụ khoa học kỹ nghệ, càng gia cố tự phụ kiêu ngạo, lao mình về phía văn minh “nhân tạo – tiêu thụ”. Đến mức, con người nhắm đến khai thác tài nguyên vũ trụ. Thang đo nền văn minh dựa trên khả năng khai thác năng lượng [4] chỉ bộc lộ cơn đói khát của ái dục – vô minh trong thân tâm con người, cho thấy tham vọng “thực dân hóa không gian” của nhân loại. Điều này chỉ vỗ béo lòng tham và nỗi sợ hãi. Vì sợ hãi nên càng vị kỷ, chấp níu quyền lực, khiến mê cung vô minh mở rộng thêm. Tuy nhiên, không thể chối bỏ phát triển văn minh vật chất và khoa học kỹ nghệ; vấn đề đặt ra làm sao cân bằng đà tiến hóa văn minh vật chất và tiến hóa tâm thức.
Kỳ thực, Phật lý sẵn có giải luận cho sinh thái học nhân văn Tây phương. Từ những thuyết lý rất cơ bản của Đạo Phật, đại chúng có thể nghiệm chứng nguyên do khủng hoảng sinh thái. Ví như, “ba pháp ấn” vốn xuất hiện từ phẩm Tứ Đoạn Ý, Kinh Tăng Nhất A-hàm: “Các hành vô thường, các hành đều khổ, các pháp vô ngã, niết bàn ngưng nghỉ: thành bốn pháp ấn. Về sau, các Luận sư đem “các hành đều khổ” sáp nhập vào “các hành vô thường” thành ba pháp ấn” [5]. Lý vô thường – vô ngã lột tả căn nguyên chấp níu đói khát của văn minh vật chất – tiêu thụ. Cũng như, Vô trụ xứ Niết bàn theo Luận Thành duy thức: “Vô trụ xứ Niết bàn nghĩa là chân như ra khỏi sở tri chướng, thường hỗ trợ bởi đại bi, bát nhã, do đó không trụ sanh tử, Niết bàn, làm lợi lạc hữu tình tận đến đời vị lai, dụng mà thường tịch, cho nên gọi là Niết bàn” [6]. Trên phương diện xã hội, Niết bàn (hiểu như trạng thái tâm linh) mở ra đời sống thái bình. Đạt tới trình độ phát triển cao của tâm linh, con người vượt ra khỏi “sở tri chướng”, không còn bị trói buộc bởi những chấp trước vô minh.
Vấn nạn môi sinh thực chất là vấn nạn con người. Vấn nạn con người thực chất là vấn nạn tính người. Nền văn minh có lẽ nào chỉ là sự tiến hóa phương tiện, tiến hóa vật chất. Sự mất cân bằng tiến hóa giữa năng lực khai thác ngoại giới và tính người sẽ gây ra thảm họa cho môi sinh. Nhưng khi con người đạt tới cân bằng quan hệ giữa người và phi nhân giới, không chỉ lợi lạc bản thân mà còn lợi cho giới phi nhân. Khai ngộ tâm thức giúp con người vượt qua sức trì kéo của văn minh vật chất (mà khoa học ứng dụng là một trong số “sở tri chướng” nặng nề nhất của nhân sinh). Tiến hóa tâm thức, vượt qua vướng mắc văn minh vật chất, người đời như bừng tỉnh, không điên cuồng lao mình tìm tiện nghi vật chất. Tâm an trú vô trụ, không chướng ngại ngã sở lẫn vô ngã sở. Đó chính là vượt qua giới hạn cá nhân, sống như “liên cá nhân/phi cá nhân”. Do đó không bị trói buộc trong ý chiếm hữu và vụ lợi bản thân. Không chỉ có thể thiện lành với tha nhân mà còn có thể chan hòa với sinh giới. Mục tiêu tiến hóa nên chăng là đạt tới trạng thái cân bằng toàn mãn tâm linh, hay khoa học nhân văn Tây phương gọi là nền nhân tính mới.
Quả thực Đạo Phật từ giáo pháp dung dị nhất đã khai tỏ vấn đề nhân tính mới, cần thiết cho đời sống con người, cũng như giải pháp khủng hoảng môi trường hiện nay. Với nền nhân tính mới hay đạo đức sinh thái Phật giáo, con người không còn những mối bận tâm thường ngày về ngoại giới và tha thể để quay lại với bận tâm nội tại cho đến khi lậu tận an nhiên thanh tịnh, sẵn sàng tiến đến giác ngộ. Bấy giờ mối quan hệ nhân giới – phi nhân giới sẽ thay đổi triệt để. Và mấu chốt nền nhân tính mới hay đạo đức sinh thái không đâu khác mà chính là “tuệ giác”.
Trước khủng hoảng sinh thái, Phật giáo thực chất đóng góp nhiều giải pháp khả dĩ. Tựu trung đều xoay quanh cải hóa tính người, giáo dục đạo đức Phật giáo. Đạo Phật còn mang lại nguyên tắc nền tảng xây dựng chuẩn mực ứng xử sinh thái (nguyên tắc bình đẳng – phá hủy quan niệm nhân chủ cực đoan; nguyên tắc tôn trọng và cân bằng sinh thái; nguyên tắc biết ơn; nguyên tắc chỉnh thể phổ biến). Đạo đức sinh thái Phật giáo có khả năng trị liệu và bảo tồn môi sinh (nhất là từ bi thương yêu vạn vật, hỷ xả buông bỏ thèm khát vật chất). Tứ diệu đế và Bát chánh đạo còn gợi mở phương pháp xây dựng, cách thức thực hành đạo đức sinh thái (thực hành thanh lọc cấu uế trong thân tâm tiêu trừ tam độc, buông bỏ ái dục, tẩy trừ vô minh, nhận diện đúng đắn mối quan hệ con người – sinh cảnh; thực hành bố thí (Dāna) vô lượng chúng sanh để bồi đắp bảo tồn sinh cảnh; thực hành trì giới (Sīla) hạn chế can thiệp, kiêng cử hành vi xấu với môi sinh; thực hành thiền định (Bhāvanā) – thúc đẩy sự phát triển tâm linh phá bỏ mê lầm vật chất).

Ngoài ra, việc kết hợp quản lý nhà nước về môi sinh và hoằng dương Phật pháp có thể thúc đẩy quảng truyền giáo pháp đồng thời nâng cao đạo đức sinh thái trong hàng Phật tử. Thiết nghĩ, việc này có thể bồi đắp thêm nhân tính và thay đổi hành vi ứng xử với sinh cảnh. Như Tiến sĩ Bhimrao Ambedkar từng phát biểu trên Đài truyền thanh xứ Ấn ngày 03/10/1954 rằng luật pháp thuộc về biểu hiện thế tục mà ai cũng có thể vi phạm trong khi tình người thiêng liêng trong tôn giáo thì ai cũng tôn trọng [7]. Sức chuyển hóa của đạo pháp thiết nghĩ có thể thay đổi sâu sắc nhận thức và đạo đức sinh thái cho đại chúng.
KẾT LUẬN
Với hạn chế nhất định, bài viết không thể bàn kỹ từng nghĩa lý sinh thái trong hệ thống Phật lý. Chỉ có thể khẳng định, Phật lý bao hàm nhiều ý nghĩa môi sinh rất gần gũi, thiết thực. Từ nhận thức đến kiến tạo hành vi, Đạo Phật sẵn có hệ thống đạo đức sinh thái, khả dĩ cứu vãn khủng hoảng môi sinh đương thời.
Quả thực, khó có thể tìm thấy hệ thống giáo thuyết nào bao quát, chặt chẽ, sâu xa về vấn đề môi sinh như Đạo Phật. Không chỉ nhận thức mà còn những bài học hành động, ứng xử rất cụ thể cho lối sống con người trong tương quan sinh cảnh. Đạo đức sinh thái Phật giáo nên được áp dụng vào thực tiễn đời sống hôm nay. Thiết nghĩ, việc đó sẽ mang lại ích lợi rất lớn không chỉ với môi sinh mà còn lợi lạc cho con đường đi tới chứng ngộ của mỗi người!
Chú thích và tài liệu tham khảo
* Thạc sĩ Võ Quốc Việt, tỉnh Long An.
[1] Paul J. Crutzen (2006). The “Anthropocene”. In Eckart Ehlers and Thomas Krafft (ed., 2006). Earth System Science in the Anthropocene (Emerging Issues and Problems). Netherlands: Springer, pp.13-18.
[2] Đức Đạt-lai Lạt-ma XIV (2016). Nguyên lý duyên khởi (Nguyễn Minh Tiến dịch và chú giải). Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.
[3] Jean-François Lyotard (2007). Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính và giới thiệu). Hà Nội: Nxb. Tri thức.
[4] Nikolai Semenovich Kardashev (1985). “On the Inevitability and the Possible Structures of Supercivilizations”. in The search for extraterrestrial life: Recent developments; Proceedings of the Symposium, Boston, MA, June 18–21, 1984 / A86-38126 17-88). Dordrecht, D. Reidel Publishing Co., pp. 497–504.
[5] Trần Binh (PL-2543). Ba pháp ấn (Định Huệ trích dịch từ Phật giáo Thiền học dữ Đông Phương Văn minh). Tạp chí Suối Nguồn bộ cũ số 5, Tu viện Huệ Quang, tr.32.
[6] Trần Binh (PL-2543). Ba pháp ấn (Định Huệ trích dịch từ Phật giáo Thiền học dữ Đông Phương Văn minh). Tạp chí Suối Nguồn bộ cũ số 5, Tu viện Huệ Quang, tr.42.
[7] Bhimrao Ambedkar (2020). Dr. Babasaheb Ambedkar: Writings and Speeches (Volume No.17-Part Three, Third Re-Printed) (ed. by Hari Narake, N.G. Kamble, M.L. Kasare, Ashok Godghate). New Delhi: Ministry of Social Justice & Empowerment-Govt. of India, p.503.