DẪN NHẬP
Trên con đường hoằng hóa, Thế Tôn độ được vô số đệ tử có duyên với Ngài. Trong đó có những Đại đệ tử với những phẩm hạnh cao quý như: Sāriputta, Moggallāna, Mahākassapa, Anuruddha, Upāli, Rāhula, Ānanda,… Nói đến các Đại đệ tử của Đức Phật, người xuất hiện ở các kinh điển được khắc họa nổi bật với hạnh đầu đà đệ nhất, không ai khác là Mahākassapa. Mahākassapa còn là một trong những đệ tử của Đức Phật tượng trưng cho giới luật tròn đủ và là tấm gương sáng cho đại chúng noi theo. Mahākassapa đóng vai trò quan trọng trong Giáo đoàn trước và sau khi Đức Phật nhập diệt, là bậc mô phạm với sức mạnh nội tại cùng khả năng lãnh đạo sáng suốt đầy uy kính. Đặc biệt, trong Đại hội kết tập kinh điển lần thứ nhất, Mahākassapa là người đứng ra sắp đặt, triệu tập và chủ trì tổ chức. Với lòng từ bi rộng lớn, luôn hướng tâm về những chúng sanh bất hạnh kém phước đức, Mahākassapa được biết đến với phẩm hạnh khất thực cao thượng.
SỰ XUẤT GIA CỦA NGÀI Mahākassapa
Theo Tiểu Bộ Kinh: “Mahākassapa ra đời tên Pippali-mànava, con bà vợ chính của Bà-la-môn Kapila. Pippali-mànava không chịu lập gia đình, xin ở nhà để hầu hạ cha mẹ, sau khi cha mẹ chết, sẽ xuất gia. Ðể làm cho bà mẹ bằng lòng, Pippali-mànava cho làm tượng một thiếu nữ trẻ đẹp, mặc áo đỏ và đeo đồng trang sức, nói với bà mẹ rằng nếu bà tìm cho được một thiếu nữ như vậy, Pippali-mànava sẽ chịu lập gia đình” [1]. Bà mẹ sai các người Bà-la-môn đem theo tượng ấy và tìm cho được một thiếu nữ giống như vậy. Họ đến Sàgala và tìm được Bhaddà – người giống hệt bức tượng vàng. Nhưng cả Pippali-mànava và Bhaddà đều không muốn lập gia đình, nên viết thư cho nhau nói rõ quyết định của mình, nhưng thư bị đánh tráo, do vậy đám cưới được cử hành. Pippali-mànava và Bhaddà giữ cho nhau sự thanh tịnh nên dù chung phòng, hai người luôn nằm cách nhau với một giấy hoa. Khi cha mẹ mệnh chung, cả hai quyết định cùng nhau xuất gia. Những tưởng hai người sẽ cùng đi tìm con đường giác ngộ nhưng họ đã tách ra mỗi người một hướng để tránh những lời bàn tán về sau. Từ đây, nhân duyên vợ chồng của cả hai chấm dứt. Mahākassapa rẽ hướng một mình đi tìm bậc đạo sư.
Mahākassapa xuất gia, trong Tương Ưng Kinh Mahākassapa tự thuật lại: “Ta lấy vải cắt làm áo Tăng-già-lê và theo thông lệ các vị Ứng Cúng ở đời, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình” [2]. Và trong Tiểu Bộ Kinh kể lại: “Trước giới đức của Mahākassapa, quả đất rung động và Thế Tôn biết được nguyên nhân nên ra ngồi giữa đường từ Nalandà đến Ràjagaha. Gặp Thế Tôn, Mahà Kassapa đảnh lễ Thế Tôn, tôn Đức Thế Tôn là bậc Thầy, tự nhận mình làm đệ tử” [3] Trong Đại Phật sử nói đến sự xuất gia của Ngài bắt đầu chính thức là lúc Thế Tôn cho Mahākassapa ba lời khuyên. Ba đoạn giáo pháp này đồng nghĩa với sự xuất gia bậc thấp và bậc cao của Mahākasspa. Mahākasspa là người duy nhất nhận loại xuất gia này trong giáo pháp của Đức Phật. Loại xuất gia ấy được gọi là “ovāda-paṭiggahana upasampadā – chỉ giáo tín thọ Cụ túc giới, sự thọ Cụ túc giới qua sự chấp nhận lời chỉ giáo của Đức Phật” [4]. Ba đoạn giáo pháp nêu trong Kinh Tương Ưng: “Một tâm quý thật sắc sảo sẽ phải được thiết lập giữa các vị Trưởng lão, niên thiếu và trung niên”; “Phàm pháp gì tôi nghe, liên hệ đến thiện, sau khi đặc biệt chú ý, tác ý, tập trung tất cả tâm (lực), tất cả pháp ấy tôi đều lóng tai nghe”; “Phàm niệm gì thuộc về thân hành, câu hữu với hỷ, ta sẽ không bỏ niệm ấy” [5].
Sau khi xuất gia, Mahākassapa lên đường du hành cùng Đức Phật. Từ đây, có sự kiện trao đổi y giữa Đức Phật và Mahākassapa. Nhân khi Đức Phật muốn ngồi dưới một cội cây, Mahākassapa xếp chiếc y vai trái rất mềm của mình gọn lại và trải nó ra cho Ngài ngồi. Sau đó, Đức Phật khen tấm y của Mahākassapa thật êm dịu. Mahākassapa đáp rằng: “Bạch Thế Tôn, mong rằng Thế Tôn nhận lấy tấm y làm bằng vải cắt này từ nơi con, vì lòng từ mẫn đối với con”; “Con sẽ dùng, bạch Thế Tôn, tấm y phấn tảo làm bằng vải gai thô, đáng được quăng bỏ của Thế Tôn” [6]. Có thuyết cho rằng sự kiện trao đổi y này là vì Thế Tôn muốn trao y cho Mahākassapa và ngầm xác nhận mai sau Mahākassapa sẽ thay Thế Tôn thống lãnh Giáo đoàn. Người mà Thế Tôn biết trước được sẽ tổ chức Hội đồng Thánh tăng và mở Đại hội kết tập Dhamma và Vinaya, giúp Giáo đoàn trường tồn ngàn năm sau khi Thế Tôn nhập Parinibbāna. Bên cạnh đó, chiếc y bằng vải thô đáng được quăng bỏ mà Thế Tôn muốn Mahākassapa nhận như hàm ý chỉ rõ đạo hạnh của Mahākassapa là hạnh đầu đà. Từ đó, Mahākassapa duy trì một đời sống khổ hạnh nghiêm khắc.
Mahākassapa chứng ngộ pháp theo Tương Ưng Kinh: “Trong bảy ngày, này Hiền giả, đang còn phiền não, ta ăn món ăn của quốc độ, đến ngày thứ tám, chánh trí khởi lên” [7] Trong Tiểu Bộ Kinh có nói: “Mahà Kassapa tu tập mười ba hạnh đầu đà” [8]. Vì nhiều nỗ lực tinh tấn trong việc tu tập hạnh đầu đà, Mahākassapa làm phàm phu chỉ trong bảy ngày và vào ngày thứ tám chứng đắc quả Arahant, giải thoát hoàn toàn tâm khỏi các phiền não nhiễm ô.
HẠNH ĐẦU ĐÀ ĐỆ NHẤT
Thế Tôn khi ở tại Jetavana, đã từng xác chứng ngài Mahākassapa là vị Tỳ kheo đệ nhất về hạnh đầu đà trong Kinh Tăng Chi: “Trong các đệ tử Tỳ kheo của Ta thuyết về hạnh đầu đà tối thắng là Mahākassapa”[9]. Sự miên mật tu tập hạnh đầu đà của Mahākassapa được nêu lên trong Tương Ưng Kinh khi Thế Tôn khuyên Mahākassapa quăng bỏ y vải gai thô phấn tảo cũ nát và mang những y áo do gia chủ cúng, trở về thọ dụng các món ăn được mời và ở gần Thế Tôn. Mahākassapa: “Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng; con là người đi khất thực và tán thán hạnh khất thực;…mang y phấn tảo…;…mang ba y;…thiểu dục…;…tri túc;…sống viễn ly…; …sống không giao thiệp…; con là người tinh cần và tán thán hạnh tinh cần”[10]. Ngài Mahākassapa trọn giữ hạnh đầu đà, lúc nào cũng ở trong rừng già, kinh hành hoặc tọa thiền dưới gốc cây,… Mãi đến lúc tuổi già, thân thể gầy guộc, Mahākassapa vẫn không chểnh mảng. Mahākassapa nêu hai lợi ích khi thực hành những hạnh trên: “Con thấy tự mình được hiện tại an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước” [11]. Sau đó, Mahākassapa được Thế Tôn tán thán và ủng hộ.
Phẩm hạnh của ngài Mahākassapa còn thể hiện qua cuộc sống phạm hạnh, thiểu dục tri túc. Đó cũng là cách gián tiếp truyền bá giáo lý của Đức Phật. Theo Tương Ưng Kinh, Thế Tôn đã tán dương: “Mahākassapa là người có hạnh tri túc đối với tất cả các loại y, đồ ăn, sàng tòa và thuốc men trị bệnh không vì đó mà dao động làm điều bất chánh, bất xứng. Và nếu được những loại ấy, không tham lam, không say đắm, không phạm tội, thấy nguy hại, quán xuất ly với trí tuệ” [12]. Bàn về biện tài của Mahākassapa, Đức Phật ví Mahākassapa có khả năng thuyết pháp ngang hàng với Ngài qua ba lần Thế Tôn yêu cầu Mahākassapa giáo giới thuyết pháp cho các Tỳ kheo: “Này Kassapa, hãy giáo giới Tỳ kheo! Này Kassapa, hãy nói pháp thoại cho các Tỳ kheo! Này Kassapa, Ta hoặc Ông phải giáo giới các Tỳ kheo! Ông hoặc Ta phải nói pháp thoại cho các Tỳ kheo!” [13]. Không những thế, Thế Tôn còn thường xuyên khuyến khích các Tỳ kheo hãy sống và tu tập theo tấm gương nhiệt thành nhẫn nại lớn lao của Mahākassapa.
Với khả năng nhiếp phục quần chúng bằng công hạnh, ngài Mahākassapa còn được Thế Tôn so sánh như mặt trăng bởi lòng từ bi rộng lớn không bị ràng buộc khi đến với mọi người: “Này các Tỳ kheo, Kassapa khi đi đến các gia đình, tâm không bị dính vào, không bị nắm lấy, không bị trói buộc, nghĩ rằng: “Những ai muốn được lợi hãy được lợi! Những ai muốn công đức hãy làm các công đức!” [14]; “Này các Tỳ kheo, Kassapa với tâm như vậy đi đến các gia đình, nếu không được cho, họ cho ít, không cho nhiều, họ cho đồ xấu, không cho đồ tốt, họ cho chậm, không cho mau, họ cho bất kính, không cho có kính trọng, Kassapa không vì vậy mà bị bực phiền, không do nhân duyên ấy mà cảm thọ khổ ưu” [15].
Với hạnh khất thực bình đẳng đó, Thế Tôn đã ví Mahākassapa như vầng trăng rằm, chiếu sáng xuống tất cả muôn loài vạn vật. Tuy nhiên, một số trích dẫn từ kinh cho rằng ngài Mahākassapa với pháp khất thực lại thiên về những người nghèo khổ đáng thương hơn là những người đang có phước đức. Trong Tiểu Bộ Kinh có ghi lại: “Sau khi nhập định bảy ngày Mahakassapa xuất định ấy. Năm trăm chư Thiên đang cố gắng lo cho Tôn giả Mahakassapa được đồ ăn khất thực. Rồi Tôn giả Mahakassapa sau khi khước từ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực” [16]. Mahākassapa từ chối những phần cúng dường tốt đẹp đó vì muốn gieo một phần nghiệp lành cho những người nghèo khổ, bất hạnh. Ngài Mahākassapa nghĩ rằng họ chịu khổ sở là vì không có cơ duyên tạo thiện nghiệp. Vì vậy, Mahākassapa sẵn sàng thọ nhận sự cúng dường một cách hoan hỷ từ bà lão nghèo mắc bệnh để làm viên mãn sự cúng dường cho bà. Trưởng Lão Tăng Kệ, ngài Mahākassapa tự thuật:
1055. Từ trú xứ bước xuống, /Ta vào thành khất thực, /Ta cẩn thận đến gần, /Một người cùi đang ăn.
1056. Với bàn tay lở loét, /Nó bỏ vào một muỗng, /Khi bỏ vào muỗng ấy, / Ngón tay rời rơi vào.
1057. Dựa vào một chân tường, /Ta ăn miếng ăn ấy, /Đang ăn và ăn xong, / Ta không cảm ghê tởm.
1058. Miếng ăn đứng nhận được, /Xem như thuốc tiêu thôi, /Chỗ nằm dưới gốc cây, /Và y từ đống rác, /Ai thọ dụng chúng được, /Được gọi người bốn phương. [17]
Bài kệ tái hiện cảnh ngài Mahākassapa thọ dụng phần thức ăn ôi thiu cùng phần ngón tay lở loét rơi vào mà không cảm thấy ghê tởm. Sau đó về lại chỗ nằm dưới gốc cây với tấm vải y từ đống rác, thiền định. Đó là hạnh đầu đà đệ nhất khó ai có thể làm được.
Điều làm ngài Mahākassapa khác biệt với các vị Đại đệ tử của Đức Phật là sự giáo dục nghiêm khắc, được thể hiện qua một dịp ngài Ananda thỉnh ngài Mahākassapa đến trú xứ Ni để giảng pháp. Mahākassapa đã đồng ý sau hai lần từ chối. Sau khi Mahākassapa nói pháp thoại, Tỳ kheo Ni Thullatissà nói lên những lời không hoan hỷ: “Làm sao Tôn giả Mahākassapa trước mặt Vedehamuni Ananda, lại nghĩ đến thuyết pháp; ví như một người bán kim lại nghĩ, có thể bán kim cho người làm kim” [18]. Sau đó, Mahākassapa đã hỏi Ananda: “Hãy đến, Hiền giả Ananda, chớ để cho chúng Tăng truy cứu thêm về Hiền giả. Hiền giả Ananda, Hiền giả nghĩ thế nào?” [19].
Thullatissà muốn nói lên cung cách nói pháp của Ananda trái ngược với những lời giáo huấn thẳng thắn có sự nghiêm khắc của Mahākassapa. Điều đó vô tình chạm phải những lỗi lầm yếu kém của Thullatissà. Như vậy, Mahākassapa nhận ra lòng ưu ái của Thullatissà đối với Ananda, vì Ananda là người luôn đồng hành ủng hộ việc thành lập Ni đoàn. Bằng những từ ngữ thể hiện sự không hài lòng, Mahākassapa muốn cảnh báo Ananda hãy tránh trở nên quá liên quan đến Ni giới và tránh sự nghi ngờ về sau. Ngài Mahākassapa đôi khi quở trách các Tỳ kheo bằng sự nghiêm khắc nhưng tất cả vì mục đích giáo dục răng đe giúp ích cho họ. Một lần khác, Mahākassapa khiển trách Ānanda về việc dẫn quá ba Tỳ kheo đến nhà Phật tử thọ trai: “Hội chúng của Hiền giả, này Hiền giả Ananda, đang sụp đổ. Ðồ chúng niên thiếu của Hiền giả, này Hiền giả, đang tiêu diệt. Ðứa trẻ này không biết lượng sức mình” [20]. Tất cả những lời đóng góp khiển trách dành cho Ānanda đều vì lòng thương tưởng của Mahākassapa đối với chánh pháp, vì lo lắng hàng tín thí sẽ mất niềm tin đối với chánh pháp.
Mahākassapa luôn hướng về sự tự thắng nên Ngài là bậc gương mẫu trong Giáo đoàn, người có phẩm hạnh ảnh hưởng lan rộng. Và đối với Giáo đoàn, Mahākassapa luôn để tâm quan sát biết được những lỗi các Tỳ kheo, để Thế Tôn kịp thời răn dạy. Theo Kinh Tương Ưng, Mahākassapa bạch với Thế Tôn: “Chúng Tỳ kheo hiện tại. Họ ở trong tình trạng khó nói với họ. Họ không kham nhẫn. Họ không kính trọng lời giáo giới. Ở đây, con thấy Tỳ kheo Bhanda, đệ tử của Ananda, và Tỳ kheo Abhinjika, đệ tử của Anuruddha, nói với nhau: “Hãy đến, này Tỳ kheo, ai sẽ nói nhiều hơn? Ai sẽ nói tốt đẹp hơn? Ai sẽ nói dài hơn?”. Một hoàn cảnh khác, Mahākassapa biết được các một số Tỳ kheo tự ý vào làng xin vật liệu xây dựng cốc liêu khiến người dân tránh né hàng xuất gia, nên Mahākassapa đã gặp Thế Tôn để trình bày sự việc. Mahākassapa luôn lấy cái họa của Giáo đoàn làm cái họa của mình, hoàn thành việc đáng làm, không mong cầu cho mình, chỉ làm việc vì Phật pháp. Cứ như vậy, Mahākassapa duy trì sự khổ hạnh ở chốn rừng già, hàng ngày ôm bình bát đến xóm làng khất thực tìm đến những con người cùng khổ, rồi lại quay về thiền định dưới gốc cây. Đồng thời, tâm tư của Mahākassapa cũng để tâm về Giáo đoàn, Ngài sẵn sàng đóng góp để Tăng đoàn được hòa hợp và thanh tịnh.
TỔ CHỨC KẾT TẬP GIÁO PHÁP CỦA ĐỨC PHẬT
Thuận theo quy luật vô thường, Thế Tôn diệt độ tại Upavattana ở Kusinnārā. Thời điểm đó, Mahākassapa đang du hành cùng năm trăm Tỳ kheo từ Pàvà đến Kusinàrà. Mahākassapa thấy tà mạng ngoại đạo đi từ xa đến trên tay cầm hoa Mandàrava hướng đi từ Kusinàrà đến Pàvà. Sau khi hỏi thăm, Mahākassapa biết được Thế Tôn đã diệt độ bảy ngày. Lúc bấy giờ, Subhadda – một Tỳ kheo lớn tuổi nói: “Chúng ta đã được thoát khỏi hoàn toàn vị Ðại Sa môn ấy, chúng ta đã bị phiền nhiễu quấy rầy với những lời: “Làm như thế này không hợp với các ngươi. Làm như thế này hợp với các ngươi”. Nay những gì chúng ta muốn, chúng ta làm, những gì chúng ta không muốn, chúng ta không làm”[21]
Theo truyền tụng, Mahākassapa dùng thần thông chặn âm thanh lời nói đó lại và nói với các vị Tỳ kheo buồn khóc: “Thôi các Hiền giả, chớ có sầu não, chớ có khóc than. Này các Hiền giả, phải chăng Thế Tôn đã tuyên bố ngay từ ban đầu rằng mọi vật ưu ái thân tình đều phải bị sanh biệt, tử biệt và dị biệt. Này các Hiền giả, làm sao có thể được như vầy: Những gì sanh, tồn tại, hữu vi, chịu sự biến hoại mà lại mong khỏi có sự biến dịch? Thật không có sự trạng ấy” [22]. Khi đó ở Kusinàrà, giàn hỏa thiêu nhục thân của Thế Tôn không cháy bởi ý định của chư Thiên là chờ Mahākassapa cùng các Tỳ kheo về cúi đầu đảnh lễ Thế Tôn. Đến khi Mahākassapa về, Ngài chắp tay, đi nhiễu phía tay phải xung quanh giàn hỏa ba lần, cởi mở chân ra và cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn thì giàn hỏa tự cháy.
Sau ba tháng từ khi Thế Tôn diệt độ, vì luôn trăn trở về lời nói vô ý thức của Subhadda, lo sợ có sự suy đồi về kỷ luật trong Giáo đoàn sau này nên Mahàkassapa mở Đại hội Thánh tăng đúc kết Pháp và Luật. Mahākassapa nói: “Này các sư đệ, vậy chúng ta hãy trùng tụng Pháp và Luật trước khi điều Phi Pháp phát triển và Pháp bị bỏ quên, trước khi điều Phi Luật phát triển và Luật bị bỏ quên, trước khi những kẻ nói về Phi Pháp trở nên mạnh và những người nói về Pháp yếu đi, trước khi những kẻ nói về Phi Luật trở nên mạnh và những người nói về Luật yếu đi” [23]. Đại hội mang lại ý nghĩa vô cùng to lớn, giới luật đưa lên vị trí hàng đầu để nhiếp phục những Tỳ kheo nào phạm giới. Kinh tạng trùng tuyên truyền bá làm nền tảng để mọi người nương tựa, thực hành nhằm chuyển hóa thân tâm được thanh tịnh giác ngộ, góp phần làm cho chánh pháp được trường tồn. Qua sự kiện này, Mahākassapa thể hiện vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Tăng đoàn và sự trường tồn của Phật pháp mai sau.
Sau khi Đại hội kết thúc, Mahākassapa được kính trọng với vai trò Trưởng lão trong Giáo đoàn và được xem như người đứng đầu Giáo đoàn đầu tiên sau Thế Tôn. Một số dữ kiện ghi lại rằng, Mahākassapa viên tịch năm 120 tuổi. The Birth-Stories of the Ten Bodhisattas and the Dasabodhisattuppattikatha đã đề cập về sự kiện tịch diệt của Mahākassapa. Ngài đến cung điện của vua Ajatasatru để thông báo về việc nhập diệt. Khi đó, Ajatasatru đang ngủ say nên Mahākassapa một mình ra đi lên núi Kukkutapada và ngồi kiết già trong hang núi. Mahākassapa tuyên bố rằng thân thể của Mahākassapa, trong tấm y do Đức Phật trao truyền, sẽ ở đó đợi đến khi Đức Phật Metteyya xuất hiện, Mahākassapa sẽ trao lại chiếc y và nhập Nirvara. Sau đó, tảng đá cửa hang khép lại, giấu kín nhục thân của Mahākassapa. Vua Ajatasatru hay tin liền cùng với Ananda đến núi Kukkutapada. Đứng trước hang núi, tảng đá mở ra, hiện ra dáng vẻ của Mahākassapa ngồi ngay ngắn trong tư thế thiền định. Ajatasatru và Ananda lễ bái và rời đi và tảng đá khép lại. [24]
KẾT LUẬN
Mahākassapa từ nguồn kinh điển được khắc họa là bậc Khất sĩ với chiếc y vải thô phấn tảo cùng dáng vẻ nghiêm trang tĩnh lặng trong bước đi vững vàng, du hành khắp các nẻo từ rừng ra xóm làng tìm đến những mảnh đời bất hạnh, dùng phương tiện giúp họ được an lạc.
Hình ảnh của Mahākassapa thật sự vẫn hiện lên vô cùng rõ nét. Từ những đức tính, công hạnh của mình, Mahākassapa nổi bật lên giữa hàng Thánh đệ tử của Thế Tôn một vẻ đẹp riêng biệt. Với danh hiệu đầu đà đệ nhất trong hàng đệ tử Phật, Mahākassapa có sức mạnh nội tâm mãnh liệt, quyết lòng giữ gìn phạm hạnh trọn vẹn, định lực vững vàng vượt qua những mọi chướng ngại tu tập. Hơn thế nữa, Mahākassapa đóng vai trò quan trọng trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất, là người góp phần làm cho Phật pháp trường tồn để chúng ta ngày nay được thấm nhuần pháp lạc. Học theo hạnh của Tôn giả Mahākassapa, chúng ta ngày nay sẽ nỗ lực bảo hộ tâm ý ngăn ngừa tham đắm trước ngũ dục thế gian, sống biết tiết độ, đồng thời giữ gìn giới hạnh trọn vẹn, noi theo tấm gương sáng rực sáng của Mahākassapa, thực hành lời Phật dạy để nếm được vị ngọt của chánh pháp.
Chú thích:
[1] Trưởng Lão Tăng Kệ, chương XVIII, phẩm 40 kệ, Kinh Tiểu Bộ, tập III, tr.466.
[2] Chương V, Thiên Nhân Duyên, Kinh Tương Ưng, tập II, tr.378.
[3] Trưởng Lão Tăng Kệ, Kinh Tiểu Bộ, tập III, chương XVIII, phẩm 40 kệ , tr.466-467.
[4] Đại Phật Sử, tập 6.A, tr.92.
[5] Chương V, Thiên Nhân Duyên, Kinh Tương Ưng, tập II, tr.379-380.
[6] Chương V, Thiên Nhân Duyên, Kinh Tương Ưng, tập II , tr.380-381.
[7] Sđd, tr.380.
[8] Trưởng Lão Tăng Kệ, chương XVIII, phẩm 40 kệ, Kinh Tiểu Bộ, tập III , tr.467.
[9] Chương I, Phẩm Người Tối Thắng, Kinh Tăng Chi Bộ, tập I, tr.49.
[10] Chương V, Thiên Nhân Duyên, Kinh Tương Ưng, tập II, tr.349.
[11] Chương V, Thiên Nhân Duyên, Kinh Tương Ưng, tập II, tr.350.
[12] Sđd, tr.336-337.
[13] Sđd, tr.355.
[14] Sđd, tr.343.
[15] Sđd, tr.348.
[16] Kinh Phật Tự Thuyết, chương III, phẩm Nanda, Kinh Tiểu Bộ, tập I, tr.139.
[17] Trưởng Lão Tăng Kệ, chương XVIII, phẩm 40 kệ, Kinh Tiểu Bộ, tập III, tr.469.
[18] Chương V, Thiên Nhân Duyên, Kinh Tương Ưng, tập II, tr.371-372.
[19] Sđd, tr.372.
[20] Chương V, Thiên Nhân Duyên, Kinh Tương Ưng, tập II , tr.376.
[21] Sđd, tr.344-345.
[22] Kinh Trường Bộ, Đại Bát Niết Bàn, tập I, tr.345.
[23] Tiểu Phẩm, chương XI, Tạng Luật, tập II, tr.398.
[24] The Birth-Stories of the Ten Bodhisattas and the Dasabodhisattuppattikath, tr.45.
Tài liệu tham khảo:
1. Thích Minh Châu dịch (2015), Kinh Tiểu Bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
2. Thích Minh Châu dịch (2001), Kinh Tiểu Bộ, tập III, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
3. Thích Minh Châu dịch (2003), Kinh Trường Bộ, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
4. Thích Minh Châu dịch (1991), Kinh Tương Ưng, tập II, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
5. Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi, tập I, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
6. Indacanda dịch (2014), Tiểu Phẩm, tập II, Vinaya Pitaka, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
7. Mingun Sayadaw nguyên tác, Tỳ-khưu Minh Huệ dịch (2019), Đại Phật Sử, (Maha Buddhavamsa), tập II, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
8. H. Saddhatissa, M.A., PH.D. (dịch), (1975), The Birth-Stories of the Ten Bodhisattas and the Dasabodhisattuppattikatha, The pali text society, London, London, United Kingdom.