Giáo dục trung cấp Phật học hiện nay – Một số vấn đề và giải pháp (TT.TS Thích Minh Nhẫn)

Đặt vấn đề

Từ rất sớm trong lịch sử, khi Phật giáo truyền vào nước ta đã hình thành nên một số trường lớp để phiên dịch kinh điển đào tạo tầng lớp tu sĩ bản địa và thâu nhận đồ chúng tu học. Trung tâm Phật giáo Luy Lâu những thế kỷ đầu Công nguyên có thể xem là khởi thủy của giáo dục Phật giáo Việt Nam. Trải suốt các triều đại, Phật giáo đào tạo nhân tài cho đạo thông qua nhiều kênh, từ giáo dục trực tiếp giữa thầy và trò, giáo dục tinh anh, giáo dục dịch trường đến giáo dục Tòng lâm (T.V. Lợi, 2019). 

Do tình hình đất nước bị thực dân Pháp xâm lược nửa sau thế kỷ XIX, Phật giáo đối diện với nguy cơ suy vi lớn lao. Chư Tổ đứng ra nhận lãnh trách nhiệm chấn hưng Phật giáo mà cốt lõi là chấn chỉnh nền giáo dục, đào tạo Tăng tài. Từ nửa đầu thế kỷ XX, Tổ Khánh Hòa đã đặt vấn đề phải mở trường đào tạo Tăng Ni và xem đó là một trong bốn nội dung căn bản để chấn hưng Phật giáo ở nước ta. Nhiều tổ chức, trường, lớp học Phật giáo đã ra đời, như Thích học đường, Phật học thư xã, Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học,… báo chí Phật giáo ra đời như tạp chí Pháp âm, Phật hóa tân thanh niên, Từ bi âm, Duy tâm Phật học, Bát nhã âm, Pháp âm Phật học, Phật pháp chỉ Niết bàn… góp phần truyền bá tư tưởng Phật giáo trong xã hội và chiêu tập đồ chúng. Hệ thống giáo dục Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975 có thể nói là vừa kế thừa tinh thần của chư Tổ thời kỳ đầu chấn hưng Phật giáo, vừa sáng tạo ra hình thức mới mẻ, đưa đào tạo Phật học vào lộ trình quy củ. Các trường tiểu học Bồ Đề, trung học Bồ Đề, các Phật học viện trải rộng từ miền Trung đến miền Nam, đặc biệt là Viện Đại học Vạn Hạnh, đã kiến lập hệ thống giáo dục Phật giáo hoàn chỉnh từ cấp Sơ đẳng đến Đại học, Cao học.

Sau khi giải phóng miền Nam năm 1975, nhất là từ khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981, giáo dục Phật giáo toàn quốc lại được thống nhất. Thừa kế kinh nghiệm và ý chí của chư Tôn đức tiền bối, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã từng bước xây dựng hệ thống giáo dục đào tạo với Sơ cấp, Trung cấp, cao cấp Phật học, sau này là học viện cấp Đại học, Cao học và Tiến sĩ Phật học ngày càng hoàn bị, đáp ứng nhu cầu học tập của chư Tăng Ni và cư sĩ Phật tử. Bước vào thế kỷ XXI, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển của đời sống luôn đặt ra những “bài toán” mới, đòi hỏi “lời giải” mới mẻ hơn, phù hợp hơn. Theo thống kê của Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương năm 2022, hệ thống giáo dục cơ sở của Giáo hội hiện gồm 50 lớp Sơ cấp và 36 trường Trung cấp Phật học trên toàn quốc, đào tạo hơn 3700 Tăng Ni sinh. Hệ Trung cấp Phật học đã đào tạo hơn 9000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, cung cấp nguồn học viên dồi dào cho bậc học Cử nhân trong hệ thống giáo dục Phật giáo. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy oai nghi, tế hạnh của người tu học chưa được quan tâm đúng mức; sự bùng nổ lan tràn của các trang mạng xã hội làm thay đổi cuộc sống của một bộ phận Tăng, Ni trẻ theo chiều hướng tiêu cực, cán cân quân bình giữa việc tu và học mất cân bằng (T.H. Thông, 2022). Tình hình này khiến cho chất lượng đào tạo chuyên môn và đạo đức trong tổng thể giáo dục Phật giáo nói chung, giáo dục Trung cấp Phật học nói riêng là rất đáng quan tâm. Đội ngũ giáo thọ thiếu hụt các giảng sư có tuổi đời, tuổi nghề, thâm niên kinh nghiệm đào tạo khiến các trường Trung cấp Phật học gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng và triển khai các nội dung đào tạo (P.V. Dũng, 2022). Chương trình đào tạo ở các trường Trung cấp chưa đồng bộ, còn nặng tính từ chương, cơ sở vật chất, phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng tiêu chí giáo dục, nguồn học viên thiếu ổn định, quy chuẩn tuyển sinh chưa thống nhất,… Tất cả đặt ra cho Giáo hội, tu sĩ, cư sĩ và những người mến mộ Đạo Phật suy tư: Nhìn nhận và thực hiện những biện pháp gì để khắc phục khó khăn trong hệ thống giáo dục Trung cấp Phật học hiện nay? 

Bài viết này xin đóng góp một số ý kiến về vấn đề trên.

KHÁI QUÁT VỀ TỔ CHỨC GIÁO DỤC PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Giáo dục Phật giáo là một cụm từ chuyển tải thông điệp “cứu khổ độ sanh” – thông điệp vốn tỏ rõ nguyên nhân chư Phật thị hiện trên thế gian. Như trong phẩm Phương tiện của Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói: Chư Phật chỉ vì một việc trọng đại lớn duy nhất mà thị hiện ra nơi đời, đó là “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến”. Trong chúng ta ai cũng có Phật tánh, chủng tử Bồ đề, song vì dục vọng che mờ tâm trí nên con người nhận lầm vọng thành chân, rơi vào khổ não, đi đến lục đạo luân hồi. Giáo dục Phật giáo trao truyền Chánh pháp Như Lai cho chúng sinh khiến con người chuyển mê thành giác, nhận lại bản tâm, giải thoát khỏi khổ đau sanh tử. Đó là mục đích tối hậu của nền giáo dục trong thiền môn. 

Chư Tăng từ Ấn Độ và Trung Hoa đã truyền vào nước ta nền giáo dục đặc sắc của Phật giáo. Trong thời trung đại, việc đào tạo Tăng tài diễn ra ở các tự viện với mô hình chủ đạo là giáo dục trực tiếp giữa thầy và trò. Khảo cứu Thiền Uyển Tập Anh, Tam Tổ Thực Lục hay các ngữ lục chư Tổ còn lưu truyền, cho thấy phong thái giáo dục theo Thiền tông khá thịnh hành trong Phật giáo nước ta nhất là ở thời trung đại. Người học trò theo học với thầy suốt thời gian dài hoặc tham học một vài vị thầy. Họ trình sở học lên thầy và nếu đạt thì được thầy ấn chứng, hay khảo hạch thêm. Quá trình tu trì của sư Thiệt Diệu-Liễu Quán có thể xem là tiêu biểu cho phong thái giáo dục này. Ngài thọ cụ túc giới với thiền sư Từ Lâm, sau đó theo học với thiền sư Minh Hoằng Tử Dung. Thiền sư Tử Dung dạy Ngài tham cứu công án Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?. Suốt mấy năm khởi nghi mà chưa giải, Ngài vẫn bền chí tự trau dồi kinh điển Phật học. Một hôm khi đọc Truyền Đăng Lục đến câu Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ, Ngài hốt nhiên tỏ ngộ. Sau đó Ngài ba lần trình pháp đến thiền sư Tử Dung và được thầy ấn chứng (P. Đăng, 2012). 

Vào nửa sau thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Chúng thiết lập nền thống trị tàn bạo, thi hành chính sách ngu dân, chia để trị, xóa bỏ văn hóa truyền thống của dân tộc, thay vào đó là văn hóa phương Tây bị bóp méo theo hướng đào tạo ra con người làm công cụ cho chế độ thực dân. Phật giáo là bộ phận quan trọng trong văn hóa truyền thống Việt Nam cũng gặp vô vàn khó khăn, trắc trở. Cố nhiên cách thức giáo dục truyền thống đã tạo ra nhiều thế hệ Tăng Ni duy trì mạng mạch Phật pháp đến thời cận đại. Song tình hình thời đại đặt ra nhu cầu phải thay đổi cách giáo dục và từ đó hệ thống giáo dục mới đã ra đời. 

Trước tiên là các trường gia giáo xuất hiện ở Nam kỳ, có thể kể đến Phật học đường Sông Tra tại chùa Linh Nguyên (Đức Hòa) do tổ Minh Phương – Chơn Hương và tổ Minh Hòa – Hoan Hỷ giảng dạy. Sau này từ lớp học Tăng của Phật học đường Sông Tra, một loạt các trường gia giáo ra đời khắp Tự viện miền Nam trong những năm 1920 như trường gia giáo của thiền sư Như Nhãn – Từ Phòng (chùa Giác Hải, Chợ Lớn), trường gia giáo của tổ Như Hiển – Chí Thiền (chùa Phi Lai, Châu Đốc), trường gia giáo của tổ Như Trí – Khánh Hòa (chùa Tiên Linh, Bến Tre; chùa Giác Hoa, Bạc Liêu)… (T.N. Lạc, 2019, p. 48). Các trường gia giáo chưa có hệ thống giáo dục thống nhất nhưng nhìn chung đều dạy Kinh Kim Cang, Tam Bảo, Pháp Bảo Đàn, Sa Di Luật giải, Quy Sơn Cảnh Sách, Tỳ Ni Nhật Dụng, Khuyến Phát Bồ Đề Tâm, Di Đà Sớ Sao,… 

Từ nền tảng giáo dục của trường gia giáo đã hình thành nên nhiều Phật học đường như Thích Học Đường của hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học (chùa Linh Sơn, Cầu Muối) đến Liên Đoàn Học Xã (lưu động khắp các tỉnh Nam kỳ) và Phật học đường Lưỡng Xuyên. Ở Huế có Phật học đường Báo Quốc. Sau năm 1945, nhiều Phật học đường phục Hoạt như Phật học đường Phật Quang (Trà Ôn) do Hòa thượng Thiện Hoa chủ trì, Phật học đường Liên Hải (Chợ Lớn) do Hòa thượng Nhật Bình – Trí Tịnh làm giáo thọ sư chính, Phật học đường Mai Sơn (Sài Gòn) do Hòa thượng Huyền Dung thành lập, Phật học đường Ứng Quang (Vườn Lài), Phật học đường Tăng Già (Vĩnh Hội)… Đến năm 1950, Phật học đường Mai Sơn, Liên Hải và Ứng Quang sát nhập lại hình thành Phật học đường Nam Việt do Hòa thượng Thiện Hòa làm Giám đốc, về sau có thêm sự hỗ trợ của Hòa thượng Thiện Hoa sau khi Phật học đường Phật Quang cũng gia nhập vào Phật học đường Nam Việt. Với một hệ thống giáo thọ sư là các bậc Tăng tài lúc bấy giờ, Phật học đường Nam Việt đã hoàn thành sứ mạng giáo dục khi đào tạo được một thế hệ học Tăng phục vụ cho Phật giáo Việt Nam đắc lực sau này (T.N. Lạc, 2019, p. 49).

Năm 1964, hệ thống giáo dục đại học của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam ra đời với Viện Đại học Vạn Hạnh gồm 5 phân khoa là Phật học, Văn học & Khoa học nhân văn, Khoa học xã hội, Khoa học ứng dụng & Giáo dục. Quan điểm về giáo dục Phật học thời bấy giờ tại Viện là: Giáo dục là để thể nhập với đời sống phong phú, giáo dục không phải chỉ giới hạn ở nhà trường, cũng không phải chỉ kết thúc ở trường thi. Giáo dục phải tự siêu hóa giáo dục để trở thành hơi thở dinh dưỡng của đời sống trọn vẹn (T.M. Thành, 2019, p. 114). Năm 1967, Viện Đại học Phương Nam ra đời với quy mô nhỏ hơn. Tổng vụ văn hóa- giáo dục của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất lúc bấy giờ tổ chức hệ thống các trường Bồ Đề và Lục Hòa, vừa dạy kiến thức Phật học vừa dạy kiến thức theo chương trình giáo dục phổ thông (T.N. Lạc, 2019, pp. 50-51). 

Từ năm 1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là pháp nhân duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam, cũng là tổ chức có đủ thẩm quyền quản lý và lãnh đạo nền giáo dục Phật học, phụng sự nhu cầu của đạo pháp và dân tộc. Dựa trên căn bản Hiến chương của Giáo hội, hiện nay hệ thống giáo dục Phật học từ cơ bản đến cao cấp được hình thành và phát triển, gồm các cấp học sau:

– Giáo dục Sơ cấp Phật học: Trung bình 2 năm, chủ yếu áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ.

– Giáo dục Trung cấp Phật học: Trung bình 4 năm, áp dụng bắt buộc trên toàn quốc. Hiện gồm có 35 trường Trung cấp Phật học và trường Trung cấp Pali Nam Bộ có giảng dạy chương trình Trung cấp Phật học. Học viên được dạy về ngũ giới, thập thiện giới, bát quan trai giới, Sa-di & Sa-di-Ni giới, Tỳ ni nhật dụng thiết yếu, thực tập tọa thiền, các kinh văn căn bản như Cảnh sách văn, Kinh Thập Thiện, Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Kinh Di Giáo, Kinh Pháp Cú, tư tưởng của Phật giáo về tam pháp ấn, nhân quả, nghiệp, luân hồi, tứ nhiếp pháp, 37 phẩm trợ đạo, thiền công án, Bồ tát hạnh, Ba-la-mật, lịch sử Đức Phật, Phật giáo Việt Nam…

– Giáo dục Cao đẳng, Đại học: 

o Đối với Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học, họ có thể thi tuyển vào chương trình Cao đẳng Phật học và học hai năm tại đây. 

o Đối với Tăng Ni sinh có bằng tốt nghiệp Trung học Phổ thông và Trung cấp Phật học thì có thể theo học Cử nhân Phật học (chương trình học kéo dài từ 3-4 năm); Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp Cao đẳng Phật học thì liên thông Cử nhân Phật học.

Ở bậc học Cao đẳng và Đại học, sinh viên được dạy sâu hơn về giáo lý Phật giáo Đại thừa, các bộ luận như Đại Trí Độ Luận, Câu Xá Luận, Nhân Minh Luận… bên cạnh lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Từ năm 2012, Chính phủ cho phép Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Thạc sĩ Phật học. Chương trình dài 2 năm với học viên có bằng Cử nhân Phật học. 

Từ năm 2019, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bắt đầu tuyển Nghiên cứu sinh Phật học theo chương trình đào tạo Tiến sĩ, thời gian học từ 3-3,5 năm với người đã tốt nghiệp Thạc sĩ Phật học hoặc tương đương.

Chương trình đào tạo của bậc Cao đẳng Phật học trở lên đều tuân thủ chương trình khung do Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương ban hành (T.N. Từ, 2019, pp. 14-15).

GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRONG CHỈNH THỂ HỆ THỐNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO

Giáo dục trong Phật giáo phân bổ theo chỉnh thể cấu trúc gồm chân lý thường nghiệp (tục đế) và chân lý siêu nghiệm (chân đế), nghĩa là đi từ hiện thực đời sống con người, từ kinh nghiệm ước lệ qua những điều mắt thấy tai nghe, tiến đến những điều vượt trên tầm mức tư duy vật lý của đời sống. Đối với những ai suy lý thực tiễn, Phật học giảng về chân lý thường nghiệm, để họ thoả mãn nhu cầu hiểu biết, khát vọng tri kiến, sống an lạc trong kiếp phù sinh. Đối với những ai muốn vượt lên cái thường nghiệm, Phật học lại giảng về những chân lý siêu nghiệm, thoát ly mọi cố thủ và khát ái, đạt đến giải thoát giác ngộ chân thật (T.P. Nguyên, 2019). Cũng vậy, bất kể là ở cấp đào tạo nào thì chương trình Phật học đều hướng người học đến chân giá trị an lạc, giải thoát khỏi khổ đau. Đứng từ góc độ thế gian mà nói, điểm khác biệt giữa các cấp học là mức độ nông, sâu, liễu nghĩa của học vấn. Đứng từ góc độ nội điển, trình độ tu chứng và học vấn có sự tương quan nhất định. Chư Tổ có người vì một câu kinh đã ngộ lý Phật, có người không biết chữ cũng đạt đạo (như Lục Tổ Huệ Năng), cũng có người nghe Phật dạy một lời tâm tư liền thoát khỏi lậu loặc (như ông Bahiya, Tiểu Bộ Kinh I). Nhưng đó là các bậc thượng thừa căn lành vun trồng nhiều kiếp hoặc được diện kiến kim thân Đức Phật, hoặc gặp Tổ truyền pháp, đại chúng không thể nào so sánh cùng được. Với số đông Phật tử cư sĩ, tu sĩ, để thể nghiệm pháp vị cần thực hành đúng pháp, để thực hành đúng pháp cần học hành nghiêm túc mới mong dự vào hàng tùy tín hành (saddhānusārı̄), tùy pháp hành (dhammānusārı̄). 

Từ kinh nghiệm lịch sử cho thấy trong đào tạo Tăng tài, hệ giáo dục trung cấp/phổ thông là rất quan trọng. Chương trình Phật học căn bản ở các lớp Trung cấp có nhiệm vụ trao truyền kiến thức Phật học căn bản cho học viên sơ cơ. Hệ thống Trung cấp Phật học hiện nay kế thừa vai trò của các Phật học đường và hệ thống trường Bồ Đề, Lục Hòa do đó cũng kế thừa tâm huyết của chư Tổ tiền nhân. Hệ Trung cấp vừa là sự nâng cao so với Sơ cấp nhưng đồng thời cũng là sự chuẩn bị hành trang và những tri thức căn bản nhất có tính nền tảng cho các hệ đào tạo tiếp theo ở bậc Cao đẳng, Đại học và Sau đại học (T.T. Như, 2021). Có thể ví von hệ Trung cấp như trụ đá để nâng đỡ các bậc học cao hơn trong hệ thống giáo dục Phật học của Giáo hội, chúng ta không nên và không thể sát nhập hệ Trung cấp vào các bậc học cao hơn. Bởi nếu từ bỏ hệ Trung cấp, giai đoạn giáo dục phổ thông Phật giáo sẽ chuyển về đâu? Chương trình đào tạo của bậc Trung cấp đưa về bậc Sơ cấp lại quá nặng, đưa lên bậc Cao đẳng lại không phù hợp vì Cao đẳng Phật học phải học chương trình cao hơn, sâu hơn kiến thức Phật giáo phổ thông. 

Ưu điểm của mô hình giáo dục này là dựa vào thời điểm xuất gia, bất kể tuổi tác, Tăng Ni sinh được đào tạo Phật học nên nắm vững Phật pháp hơn để thực tập chuyển hóa và hành đạo ở mức độ căn bản. Tuy vậy, do quy định kế thừa giữa các cấp học, các vị xuất gia ở tuổi thiếu niên sẽ không thể học song song hai chương trình giáo dục phổ thông quốc dân và giáo dục Phật học cùng một lúc. Điều này dẫn đến tình trạng Tăng Ni nước ta xuất gia từ nhỏ phải học bổ túc văn hóa thay vì theo học hệ thống trường phổ thông để có chất lượng kiến thức cao hơn. Các lớp bổ túc văn hóa hoặc học tập tại Trung tâm giáo dục thường xuyên nên chư Tăng Ni sinh không thể thụ đắc kiến thức thế học vững như học sinh hệ chính quy, từ đó ảnh hưởng năng lực tiếp thu Phật học bên hệ Trung cấp. Đó là chưa kể vì yếu kiến thức phổ thông nên Tăng Ni sinh theo học hệ Cử nhân Phật học sau khi có bằng Trung học Phổ thông (hệ bổ túc văn hóa, Giáo dục Thường xuyên) gặp nhiều vất vả hơn các Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông (hệ chính quy) và xuất gia muộn hơn. 

Bên cạnh hạn chế về thời gian học, phương pháp giáo dục Trung cấp Phật học cũng cần bàn thêm. Việc giảng dạy tại các trường Trung cấp hiện nay chủ yếu sử dụng phương pháp truyền thống, nghĩa là giáo thọ sư chủ yếu giảng bài theo giáo án, lịch trình định sẵn. Phương pháp này có thể chia thành ba nhóm: phương pháp dùng lời (giảng bài), phương pháp trực quan (minh họa, trình diễn), phương pháp thực hành (luyện tập, thí nghiệm). Việc giảng dạy theo phương pháp truyền thống lấy người thầy làm trung tâm vì thầy gần như là nguồn tri thức duy nhất. Người học chỉ cần dựa vào kiến thức mà thầy giảng dạy là coi như đã đủ đảm bảo hoàn thành việc học. Phương pháp truyền thống có ưu điểm là truyền tải thông tin đến người nghe một cách logic vì thầy dạy đã hệ thống hóa sẵn kiến thức. Nhược điểm của phương pháp này là không tạo được sự hứng khởi sáng tạo vì học viên thụ động trong quá trình tiếp thu kiến thức. Do đặc thù các môn học tại trường Trung cấp Phật học phần lớn thuộc về Kinh, Luật, Luận, sử Phật giáo nên việc sử dụng phương pháp truyền thống có thế mạnh nhất định. Song, việc chỉ áp dụng mỗi phương pháp giảng bài dễ gây nên tâm lý nhàm chán của người học. Tăng Ni sinh đối diện hình thức thi cử chú trọng “học thuộc lòng” lâu dần sinh ra tâm lý học để phục vụ các kỳ thi hơn là vận dụng vào đời sống hành trì tự thân, từ đó thiếu sinh khí học thuật, thiếu môi trường đào luyện khả năng tư duy phản biện. Về phía người dạy, khi quá dựa vào giáo trình, sách biên soạn của người đi trước mà không tự tạo giáo án, kết hợp phông nền kiến thức không vững của giáo thọ sư dễ đưa đến tình trạng họ không mạnh dạn thoát ly giáo trình (T.V. Tâm, 2019, p. 539). 

Quy chuẩn đầu vào của các trường Trung cấp Phật học lại không đồng nhất với nhau. Nhiều trường Trung cấp Phật học yêu cầu thí sinh tốt nghệp Trung học Cơ sở. Lại cũng có trường Trung cấp Phật học không nêu rõ ràng yêu cầu trình độ thế học thí sinh hoặc nêu mức rất thấp. Lại có trường Trung cấp Phật học yêu cầu trình độ thí sinh tốt nghiệp Trung học Phổ thông như ở Khánh Hòa. Độ tuổi của thí sinh cũng không tương đồng giữa các trường: có nơi yêu cầu từ 17 – 40 tuổi. có nơi yêu cầu 12 – 45 tuổi, 18 – 35 tuổi và có nơi dưới 60 tuổi… Tuổi tác người học rõ ràng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của họ. 

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Đối với những vấn đề nêu trên trong bậc Trung cấp Phật học, để khắc phục cần biện pháp đồng bộ, mang tính hệ thống và căn cơ, nghĩa là giải quyết được từ nguyên lý giáo dục chứ không chỉ là các biện pháp tạm thời. Chúng tôi đề xuất một số kiến nghị sau:

Một là, tiếp tục duy trì và phát triển nguyên lý giáo dục Phật giáo. Nguyên lý giáo dục của Trung cấp Phật học vẫn nằm trong chỉnh thể thống nhất của giáo dục Phật giáo, tức là giảng dạy để người học thực hành đúng Chánh pháp của Đức Phật trên đạo lộ an lạc, giải thoát. Đây là luận đề lớn của giáo dục Phật giáo. Về mặt cụ thể, khi thiết kế chương trình giáo dục, chúng ta nên hướng đến nguyên lý xem giáo dục là quá trình xã hội, giáo dục là sự phát triển như một nhà giáo dục Hoa Kỳ nổi tiếng là J.Dewey nói, giáo dục không phải là một sự chuẩn bị cho đời sống mà giáo dục chính là cuộc sống. Nhà trường không chỉ là nơi người học đến tiếp thu tri thức mà nhà trường chính là một môi trường sống thực sự. Ở đó, sản phẩm cao quý nhất của nhà trường là ở chỗ nhà trường tạo ra khuynh hướng học hỏi từ bản thân đời sống và nó cung cấp điều kiện sống nào đó để tất cả mọi người sẽ học trong quá trình học đang sống (Dewey, 2008, p. 74). Nguyên lý thứ hai, là học bằng cách làm. Cơ sở hình thành nguyên lý này là từ quan điểm triết học cho rằng kinh nghiệm và tự nhiên là liên tục, là một loại tác dụng thông suốt không thể chia cắt. Với tư cách là một thể hữu cơ, con người có phản ứng và thích ứng khác nhau đối với các hoàn cảnh. Vì thế thực hành và thực nghiệm phải là cốt lõi của giáo dục và giáo dục không chỉ trang bị kiến thức mà còn phải xây dựng, bồi dưỡng và hoàn thiện kỹ năng cho người học (Ngân, 4/2019). Từ hai nguyên lý này chúng ta nên tiếp tục đổi mới chương trình học theo hướng nhấn mạnh giáo dục tinh thần tự học, tự học suốt đời và giáo dục kỹ năng cho người học. Đây là nền tảng hết sức cần thiết cho mỗi Tăng Ni sinh để họ theo học bậc cao hơn hoặc về lại Tự viện tu học. Mặt khác, kể cả môi trường Phật học khác với thế gian, các kỹ năng cần thiết như thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian… luôn cần thiết, đặc biệt để triển khai thành công Phật sự.

Hai là, Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương và các bên hữu quan nên phát triển bộ sách giáo khoa cho bậc Trung cấp Phật học, đặt trong tổng thể khung chương trình Phật học Việt Nam. Trong đó Trung cấp Phật học cung cấp kiến thức nền tảng cho bậc học cao hơn. Song cũng cần đảm bảo khối lượng kiến thức vừa đủ, mang tính kế thừa. 

Ba là, thiết kế chương trình Trung cấp Phật học có thể phiên ngang sang Trung học quốc dân, người tốt nghiệp Trung cấp Phật học được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương người tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Như vậy, ngoài các hiểu biết phổ thông về cuộc đời Đức Phật, tinh hoa triết lý Phật giáo, trường phái, tông phái Đạo Phật, hành trì cơ bản giới-định-tuệ, người học còn nắm bắt kiến thức khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, pháp luật, tin học, ngoại ngữ như học sinh Phổ thông. Chỉ khi tích hợp chương trình phổ thông quốc dân vào lớp Phật học mới có thể khắc phục hạn chế về bổ túc văn hóa như đã nêu. Quy định thống nhất về độ tuổi thí sinh dự tuyển cũng nên xem là một phần trong chương trình Trung cấp Phật học thống nhất toàn quốc.

Bốn là, đổi mới phương pháp giảng dạy ở các lớp Trung cấp theo hướng tích hợp các phương pháp hiện đại vào lớp học. Ngoài phương pháp truyền thống trong đó giáo thọ sư giảng bài, lớp học nên có phương pháp thực địa, điền dã. Phương pháp này khuyến khích người học liên hệ thực tế, mở rộng kinh nghiệm xã hội. Ví dụ khi học môn lịch sử Phật giáo Việt Nam, học viên được khuyến khích tìm hiểu chùa tháp mang dấu ấn Phật giáo tại địa bàn mình sinh sống, tu học. Giáo thọ sư nên khuyến khích người học làm bài tập nhóm và tổ chức thuyết trình, từ đó học viên chủ động hơn trong tiếp thu kiến thức và rèn luyện khả năng phân tích vấn đề, tư duy phản biện. Một phương pháp khác là vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, theo đó giáo thọ sư đề ra tình huống chứa đựng mâu thuẫn nhận thức, thông qua giải quyết vấn đề mà người học chủ động lĩnh hội tri thức mới. Các tình huống có thể mang tính chuyên môn hoặc thực tiễn. 

Năm là, đa dạng hóa nguồn học viên của hệ Trung cấp Phật học. Ngoài Tăng Ni sinh theo học, các lớp Trung cấp nên mở rộng cho cư sĩ Phật tử và người ngoài đạo theo học để tìm hiểu về Phật giáo với nhiều hình thức đào tạo khác nhau. Đó có thể là đào tạo từ xa, đào tạo chứng chỉ, hay đào tạo chính quy. Nguồn thu từ các nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội. Quan trọng hơn cả cư sĩ Phật tử nên được xem là nhóm cần đào tạo Phật học vì họ giữ vai trò là cầu nối giữa Đạo và đời, họ tạo ra cơ sở xã hội rộng rãi nhất của Phật giáo. 

Sáu là, nên đào tạo ngoại ngữ đối với đội ngũ giáo thọ sư để nâng cao khả năng tiếp thu kiến thức Phật giáo quốc tế vào giảng dạy ở trường, lớp. Hiện tại, hạn chế lớn nhất trong năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng sư là khả năng tiếp cận tri thức mới của Phật học quốc tế (P.V. Dũng, 2022, p. 37). Thêm nữa, cần nghiên cứu sâu hơn về quy hoạch đội ngũ giảng sư ở các trường Trung cấp Phật học để đảm bảo tương thích nhu cầu nguồn nhân lực.

Bảy là, để hòa nhịp cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra như vũ bão trên thế giới, đồng thời cũng thực hiện mục tiêu chung mà Chính phủ đề ra về tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, chương trình ở trường Trung cấp Phật học nên bổ sung thêm phần đào tạo về công nghệ thông tin cho Tăng Ni sinh. Mặt khác, cũng cần đào tạo bài bản về truyền thông báo chí cơ bản cho học viên, giảng dạy về nguyên tắc hoạt động của báo chí, các tư duy, kỹ năng nghiệp vụ báo chí cơ bản. Việc này có thể liên kết đào tạo từ xa với một số trường đại học lớn ở trong nước. Hai giải pháp này được kỳ vọng khắc phục sự thiếu hụt nguồn nhân lực, từng bước kiến lập đội ngũ chuyên môn có chất lượng, mang tính định hướng lâu dài đóng góp cho Giáo hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông báo chí.

KẾT LUẬN

Hệ thống trường Trung cấp Phật học của Giáo hội đã và đang đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực cho Phật giáo Việt Nam. Trước sự biến chuyển của xã hội hiện đại, giáo dục Trung cấp Phật họ cũng đứng trước một số thách thức về nhân sự, chương trình và phương pháp giảng dạy. Chúng tôi kiến nghị cập nhật thêm về nguyên lý giáo dục Phật giáo theo hướng mở rộng đào tạo triết lý học tập suốt đời, tăng cường rèn luyện các kỹ năng mềm, chuẩn hóa và đồng bộ khung chương trình giáo dục Phật học Trung cấp, mở rộng đào tạo Trung cấp Phật học cho cư sĩ Phật tử, đào tạo ngoại ngữ với đội ngũ giảng sư. Bằng việc xác định đúng vấn đề, mục đích, cải cách từng bước, theo lộ trình, chúng ta tin tưởng rằng giáo dục Trung cấp Phật học sẽ ngày càng hoàn thiện và làm tròn vai trò Giáo hội trông cậy. 

 

 

 

* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.

 

Tài liệu tham khảo:

1) Phan Đăng. (2012). Thiền sư Liễu Quán và Phật giáo Việt Nam thế kỷ XVIII. Tạp chí Khoa học, 72A(3), 71-78. 

2) Dewey, J., Phạm Anh Tuấn (dịch) (2008). Dân chủ và giáo dục. Nhà xuất bản Tri thức. 

3) Phạm Văn Dũng. (2022). Thực trạng phát triển đội ngũ giảng sư ở các trường Trung cấp Phật học hiện nay theo hướng chuẩn hóa. Tạp chí Giáo dục, 7(22). 

4) Thích Nhuận Lạc. (2019). Giáo dục Phật giáo Việt Nam: Từ lịch sử đến hiện đại. Hội thảo Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh. 

5) Thích Vạn Lợi. (2019). Năm hệ thống giáo dục Phật giáo. Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục Phật giáo: bản chất, phương pháp và giá trị, 

6) Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (2022). Hướng phát triển giáo dục Phật giáo Việt Nam thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển. Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, 

7) Phạm Thị Hồng Ngân. (2019). Triết lý giáo dục của John Dewey – Quá trình hình thành và một số nội dung cơ bản. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam (16), 115-120. 

8) Thích Phước Nguyên. (2019). Nguyên lý giáo dục trong Phật giáo. Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục Phật giáo: Bản chất, phương pháp và giá trị, Thành phố Hồ Chí Minh. 

9) Thích Trí Như. (2021). Giáo dục và đào tạo tăng ni sinh hệ trung cấp Phật học: Thách thức và Giải pháp. Cổng Thông tin điện tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam. https://phatgiao.org.vn/giao-duc-va-dao-tao-tang-ni-sinh-he-trung-cap-phat-hoc-thach-thuc-va-giai-phap-d43917.html, truy cập 23/7/2023.

10) Thích Viên Tâm. (2019). Đổi mới phương pháp giảng dạy: Yêu cầu cấp thiết với các trường Trung cấp Phật học ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội thảo Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh. 

11) Thích Minh Thành. (2019). Mười năm của Viện Đại học Vạn Hạnh. Kỷ yếu Hội thảo Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh. 

12) Thích Huệ Thông. (2022). Giáo dục là nền tảng quy hoạch nhân sự cho Giáo hội. Văn kiện Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027, 

13) Thích Nhật Tử. (2019). Giáo dục Phật học tại Việt Nam: Nhu cầu cải cách toàn diện. Kỷ yếu Hội thảo Chương trình Phật học tại Việt Nam và trên thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh.