Quý độc giả thân mến!
Từ lâu, Phật giáo luôn trân trọng và lấy hạnh hiếu làm đầu. “Báo hiếu” là sự đền đáp công đức sinh thành dưỡng dục của người con đối với cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Lễ Vu Lan của Phật giáo phát xuất từ thời Đức Phật. Bằng đại bi tâm, Đức Phật đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Ngài từng dặn:
“Này các Tỳ kheo, có hai hạng người, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Đó là mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, một bên vai cõng cha, làm như vậy suốt một trăm năm cho đến khi cha mẹ trăm tuổi. Như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ để trả ơn cho mẹ và cha…”
(Kinh Tăng Chi I, 75)
Lễ Vu Lan mang ý nghĩa thiêng liêng cao cả, giúp con cái nhớ đến công ơn cha mẹ, khơi dậy trong lòng tinh thần báo hiếu đáng trân trọng. Khi mỗi người con Phật nhận thức sâu sắc lời Phật, mỗi mùa Vu Lan về càng nỗ lực tinh tấn thực hành hạnh hiếu để báo đáp thâm ân của cha mẹ. Nét đẹp của Vu Lan không chỉ là sự thể hiện của người con hiếu, mong báo đáp ân đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, mà còn là sự thành tâm cầu nguyện cho cha mẹ luôn sức khỏe và an lành. Đồng thời, qua lời kinh tiếng kệ, người con thêm thấm nhuần giáo lý tỉnh thức để thoát khổ trong cuộc sống hiện tại.
Trên một ý nghĩa rộng hơn, Vu Lan không những dành cho chữ hiếu, mà còn là ngày “xá tội vong nhân”. Xưa kia cha ông quan niệm sống ở trên đời không phải ai ai mất đi cũng có người thân cúng giỗ. Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành “lễ hội văn hóa tình người” với bất cứ ai đang hiện hữu trên cõi đời này. Hiếu kính mẹ cha, phụng thờ tổ tiên ông bà, nối kết ân tình nghĩa cảm giữa người còn kẻ mất là truyền thống cao đẹp trong dòng chảy văn hóa tình người của dân tộc.
Cùng bàn về ý nghĩa của lễ Vu Lan, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 412 với chủ đề: “Vu Lan thắng hội”. Qua đây, hy vọng mỗi người con Phật hiếu thấu hơn truyền thống tri ân – báo hiếu, một nét đẹp nổi bật trong Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt Nam.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo