Mùa Vu lan báo hiếu – Suy nghĩ về đấng sinh thành (Ngộ Tự Chung)

Dẫn nhập

Tại Việt Nam, rằm tháng bảy hàng năm là một trong những ngày lễ lớn. Nếu như tín ngưỡng dân gian quan niệm, đây là ngày Xá tội vong nhân, hay bên Đạo giáo cho rằng, tháng bảy là tháng Cô hồn (kéo dài từ ngày mùng hai đến hết ngày mười bốn), thì Phật giáo xem đây là ngày lễ Vu Lan – một truyền thống đẹp, một biểu tượng ý nghĩa khi tôn vinh và đề cao đạo Hiếu của người Việt. Tháng bảy nói chung và ngày rằm tháng bảy nói riêng là dịp để con cháu bày tỏ tình cảm yêu thương, lòng biết ơn sâu dày đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ,… bằng nhận thức, suy nghĩ, lời nói cùng những hành động cụ thể, thiết thực và có ý nghĩa.

ĐẠO PHẬT ĐỀ CAO CHỮ HIẾU

Báo hiếu là bổn phận, trách nhiệm cao quý và thiêng liêng của mỗi người con trong gia đình. Báo hiếu là thể hiện những tình cảm, việc làm cụ thể để đền đáp công ơn sinh thành và dưỡng dục của mẹ cha. Điều đó đồng nghĩa là việc báo hiếu phải được bày tỏ hàng ngày trong đời sống, trong từng phút hiện tại – bây giờ và tại đây, khi cha mẹ vẫn còn ở bên cạnh ta. Báo hiếu không phải là đợi một ngày kia cha mẹ rời xa ta để rồi mới nghĩ đến chuyện báo ơn, đáp đền. Lúc này đã quá muộn rồi! Báo hiếu cha mẹ không phải ngày một ngày hai, hay một tháng, một năm; mà báo hiếu phải mất cả đời, chúng ta vẫn không bao giờ trả hết công ơn biển trời của mẹ và cha.   

Đạo Phật xưa nay luôn đề cao chữ Hiếu. Trong Kinh Đại Thừa Bản Sanh Tâm Địa Quán, Đức Phật dạy về Tứ trọng ân, thì ơn cha mẹ là một trong bốn ơn lớn. Bởi không có cha mẹ, ta không có mặt trên cuộc đời này. Từ lúc còn nằm trong bụng mẹ, chín tháng cưu mang đến khi lọt lòng chào đời, cha mẹ đã dành trọn tình cảm cho chúng ta. Những tiếng khóc “oa…oa…” cất lên của người con là niềm hạnh phúc khôn tả của cha mẹ, niềm vui ấy không gì có thể sánh bằng. Sự chào đời của con khiến cha mẹ rơi nước mắt, ấy là những dòng nước mắt hạnh phúc sau chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, trông đợi từng ngày, từng phút, từng giây. Khi ta bắt đầu bập bẹ tập nói, mẹ dạy ta cách gọi cha; khi ta chập chững với những bước đi đầu tiên, cha là người cầm tay dẫn dắt. Cha mẹ là người đầu tiên đã đưa ta đến với cuộc đời, biết cảm nhận những thanh âm trong trẻo của cuộc sống. Cha mẹ là những vòng tay yêu thương luôn dang rộng để chở che, vỗ về và nâng đỡ mỗi khi ta vấp ngã trong cuộc đời. Chúng ta – những người con – được sinh ra và trưởng thành bằng tất cả niềm hạnh phúc lẫn nỗi buồn của đấng sinh thành. Vì vậy, phận làm con phải lấy đạo Hiếu làm đầu – ghi nhớ và đáp đền công ơn của mẹ cha. Tình cha cao vời vợi, hơn cả núi Thái Sơn; nghĩa mẹ bao la, rộng lớn hơn cả biển Đông,… Tình nghĩa mẹ cha không gì có thế sánh bằng… Đức Phật đã tóm lược mười ân đức của cha mẹ, gồm: 1. Gìn giữ con khi mang thai, 2. Khổ đau trong sinh nở, 3. Lo lắng trăm bề đến lúc sinh, 4. Nuốt đắng nhả ngọt, 5. Nhường khô nằm ướt, 6. Bú mớm nuôi nấng, 7. Tắm rửa săn sóc, 8. Thương nhớ không nguôi, 9. Quá vì con, thậm chí làm ác, 10. Thương con trọn đời. Từ đó, phận làm con phải khắc sâu và đền đáp.  

THỰC HÀNH HẠNH HIẾU

Có thể nói, không gì hạnh phúc khi cha mẹ thấy được sự lớn khôn và thành đạt của con cái. Sự trưởng thành của người con, đầu tiên đó sự lễ phép, kính trên nhường dưới, biết yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người – biết gìn giữ nề nếp gia phong, những truyền thống tốt đẹp của gia đình dòng tộc. Khi trưởng thành, bước chân ra ngoài xã hội, phải biết làm chủ chính mình, không đánh mất bản thân và không bị cám dỗ trước những cái xấu. Đó cũng là cách báo hiếu không hề xa vời, rất thiết thực trong cuộc sống. Khi ta có được công việc, sự nghiệp ổn định, thì người làm cha mẹ sẽ rất vui và tự hào về các con. Sau bao năm đèn sách qua nhiều cấp học, khi may mắn có được một vị trí việc làm, dù bước đầu sẽ có nhiều khó khăn và thử thách, nhưng điều đó là niềm hạnh phúc và tự hào lớn của cha mẹ về các con. Cho nên, các bạn trẻ cố gắng học tập thật tốt, ổn định việc làm là một trong những biểu hiện để bày tỏ sự biết ơn đối với mẹ cha. 

Và một điều rất quan trọng, là con cái phải báo đáp, phụng dưỡng cha mẹ hàng ngày, phải săn sóc, luôn cận kề bên cha mẹ những lúc cần, những khi ốm đau, bệnh tật, là một trong những biểu hiện rõ nhất về đạo hiếu làm con. Bổn phận làm con mà không làm được điều này, thậm chí đôi khi còn cãi lại lời dạy dỗ, khuyên răn của mẹ cha, bỏ mặc, đùn đẩy trách nhiệm, hắt hủi mẹ cha khi ốm đau, những lúc mà họ cần ta thì quả thật rất đáng trách, sẽ bị cả xã hội lên án vì vô tình hoặc hữu ý mà ta đã giẫm lên đạo hiếu, trái với luân lý đạo đức ngàn đời xưa nay của con người, nhất là đối với người Việt Nam vốn coi trọng tình nghĩa. Xã hội với công nghệ hiện đại ngày càng phát triển, kéo theo đó hệ lụy là vấn đề đạo đức, tình cảm trở nên xuống cấp. Đó là một thực tế báo động. 

Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu đóa hoa thơm ngát về đức hiếu hạnh mà chúng ta vẫn thấy và cảm nhận được. Thật đáng trân quý khi ngày nay, có rất nhiều người, trong đó có các bạn trẻ tham gia lễ hội bông hồng cài áo nhân mùa Vu Lan hiếu hạnh – dịp để những người  con cài lên ngực mình những bông hoa tươi thắm, dù hồng hay trắng, cũng phải tự nhắc nhở mình rằng luôn nghĩ về mẹ cha, dù hiện tiền hay quá vãng. Để từ đó, phận làm con phải sống tốt, xứng đáng với bao hy sinh, vất vả, nhọc nhằn, tình yêu thương vô bờ bến mà mẹ cha đã dành trọn cho ta. Lời Phật dạy trong bài Kinh Thiện Sinh, đã chỉ rõ người con hiếu thảo phải kính cha mẹ với năm đạo đức, nhờ đó an ổn, không lo sợ gì: Một là phụng dưỡng, không để thiếu thốn; hai là trình báo và xin lời khuyên; ba là không chống điều cha mẹ dạy; bốn là không trái điều cha mẹ làm; năm là không cản tất cả chánh nghiệp của cha mẹ làm (Trích “Kinh Thiện Sinh”, quyển Kinh Phật cho người tại gia, Thích Nhật Từ soạn dịch).

Thật vui khi ngày nay có nhiều tấm gương đẹp, những đóa hoa tỏa ngát hương thơm về chữ Hiếu, trong việc hiếu kính, phụng dưỡng, chăm sóc mẹ cha, ông bà. Không phải đợi đến ngày Vu Lan, mà quanh năm, những người con, người cháu luôn bày tỏ sự tri ân và báo đáp ơn sinh thành, dưỡng dục của mẹ cha, ông bà, qua nhiều biểu hiện hình thức vào những dịp khác nhau, như ngày sinh nhật, ngày mừng thọ hay đơn giản là ngày gặp mặt hội tụ đông đủ các thành viên trong gia đình, với những lời dâng tặng, việc làm cụ thể, thiết thực mang đến sự chân thành, đượm tình, tôn vinh và ấm áp. 

Nhân mùa Đại lễ Vu Lan báo hiếu PL.2567 – DL.2023, là một người con, chúng ta hãy thể hiện, bày tỏ những lời nói, những tình cảm chân thành nhất, để ngày lễ này thực sự có ý nghĩa cao quý và thiêng liêng. Nguyện chúc cho ông bà, cha mẹ hiện tiền của chúng ta luôn được khỏe mạnh, bình an, được yêu thương bên con cháu. Dịp này cũng là ngày để ta vọng tưởng đến ông bà, tổ tiên, cửu huyền thất tổ – những người đã quá vãng, cầu cho họ được siêu sanh tịnh độ. 

Ân cha hơn núi lớn

Nghĩa mẹ hơn đất dày

Hy sinh lòng chẳng quản

Mà vẫn không nguôi ngoai.

Mẹ già hơn trăm tuổi

Vẫn thương con tám mươi.

Tình thương nào ngơi nghỉ,

Đến hơi thở cuối đời!

(Ân đức thứ 10, Thích Nhật Từ trích dịch từ Kinh Báo Ân Cha Mẹ)

 

Kính chúc một mùa Vu Lan đầm ấm, đượm tình, thật ý nghĩa và trọn vẹn trong tình yêu thương và đức hiếu hạnh!