Phủ Phú Bình Quận Vương (TS. Trần Văn Dũng)

Gia Hội – Chợ Dinh là vùng đất nằm về phía Đông Nam của Kinh thành Huế, vốn là một khu thương mại sầm uất dưới triều Nguyễn sau khi phố cảng Thanh Hà – Bao Vinh rơi vào cảnh suy tàn. Với những yếu tố thuận lợi “cận kinh, cận thị, cận giang”, mảnh đất cát tường này quy tụ ngày càng nhiều các tầng lớp hoàng thân quốc thích, quan lại, thương nhân (người Việt, Hoa, Ấn) đến sinh cơ lập nghiệp khiến nơi đây trở thành một nơi đô hội, dân cư tập trung đông đúc. Vì vậy, Gia Hội – Chợ Dinh là nơi tọa lạc của nhiều phủ đệ, tư thất, đình, chùa, miếu, hội quán… để làm không gian sinh sống, thực hành tâm linh và nơi kết nối văn hóa truyền thống giữa các thế hệ.

Đi vào con ngõ trên đường Tô Hiến Thành thuộc phố cổ Gia Hội – Chợ Dinh, chúng ta sẽ bắt gặp một xóm nhỏ mang tên “xóm Phú Bình”. Địa danh này chính là dấu ấn còn sót lại để nhắc nhớ và hoài niệm về một biệt phủ Phú Bình Quận vương vang bóng một thời. Đó cũng chính là một phần của ký ức đô thị di sản Huế. Thông qua bài viết này, chúng tôi hy vọng sẽ cung cấp những nguồn tư liệu điền dã và thư tịch quý, góp phần phác thảo về chân dung ông hoàng Phú Bình Quận vương cũng như ngôi vương phủ nổi tiếng của ngài.

VỊ HOÀNG TỬ UYÊN THÂM NHO HỌC

Đức ông Phú Bình Quận vương Miên Áo [1] 富平郡王綿𡪿 (1817-1865) là con trai thứ 6 của vua Minh Mạng, mẹ là Hiền phi Ngô Thị Chính [2]. Ông hoàng Miên Áo sinh ngày 27 tháng 11 năm Gia Long thứ 5 (tức ngày 4/1/1817), khi vua Minh Mạng vẫn còn mang danh phận hoàng tử dưới triều vua Gia Long. Lúc còn nhỏ, hoàng tử Miên Áo đã có tiếng am hiểu kinh sử [3]. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), ông hoàng Miên Áo cùng 4 hoàng tử Miên Tông, Miên Định, Miên Nghi, Miên Hoành được vua cha ban thưởng mỗi người 1 lạng vàng, 20 lạng bạc [4]. Tháng Giêng năm sau (1824), cả 5 hoàng tử lớn này đều được triều đình định lương bổng mỗi năm 800 quan tiền và 600 phương gạo [5] để chi dùng cho cuộc sống. 

Niên hiệu Minh Mạng năm thứ 11 (1830), hoàng tử Miên Áo được vua Minh Mạng phong làm Phú Bình Công 富平公, cùng 4 hoàng tử Miên Tông, Miên Định, Miên Nghi, Miên Hoành đều được phong tước Công. Sách Đại Nam thực lục có đoạn chép: “Phong hoàng trưởng tử làm Trường Khánh Công, hoàng tử Miên Định làm Thọ Xuân Công, Miên Nghi làm Đức Thọ Công, Miên Hoành làm Vĩnh Tường Công, Miên An làm Phú Bình Công, cho sách ấn và ấn quan phòng (sách ấn đều làm bằng bạc mạ vàng, ấn quan phòng dùng bạc), chi tuế bổng hằng năm mỗi người 1.000 quan tiền, 1.000 phương gạo” [6]. Năm Minh Mạng thứ 15 (1834), nhân dịp Kiến An Công lên thọ 40 tuổi, vua sai Phú Bình Công cùng Quản thị vệ Vũ Văn Giải mang đồ quý báu và nhiễu hoa đến thưởng để tỏ lòng ưu ái người thân [7].

Năm 1836, với tài năng và đức độ của mình, ông hoàng Phú Bình được vua Minh Mạng tín nhiệm giao trọng trách làm Hữu Tôn nhân ở Tôn Nhân Phủ [8]. Đến năm Minh Mạng thứ 21 (1840), vua cho đúc các con thú bằng vàng để ban thưởng cho các hoàng thân, hoàng tử. Phú Bình Công Miên Áo được vua Minh Mạng ban cho một con sư tử bằng vàng nặng 14 lạng 8 đồng cân [9].

Niên hiệu Thiệu Trị năm thứ 6 (1846), nhà vua sai Hữu Tôn chánh Thọ Xuân Công, Tả Tôn nhân Ninh Thuận Công, Hữu Tôn nhân Phú Bình Công sung chức Tổng lý Giám tu để biên soạn bộ Đại Nam sự lệ hội điển. Đây là bộ Hội điển ghi chép lại khá đầy đủ, chính xác các hoạt động của triều Nguyễn vào nửa đầu thế kỷ XIX. Bản sắc dụ của Hoàng đế Thiệu Trị có đoạn viết: “Hoàng đế sắc dụ cho Kiêm nhiếp Tôn Nhân phủ Hữu Tôn nhân Phú Bình Công Miên An. Năm trước lệnh cho Phủ Tôn Nhân, các nha môn thuộc Lục bộ phái các thuộc viên tìm tất cả dụ, chỉ, điều lệ và nghị bàn của bộ cùng tấu chương trong Kinh ngoài tỉnh đã vâng chỉ chuẩn cho thi hành từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840). Phàm việc có quan hệ tới chính thể thì chiếu theo năm, tháng, phân môn, định loại, biên tập thành sách, đợi bản thảo xong tấu xin chọn phái sửa chữa, đính chính, đặt nhan đề là Đại Nam sự lệ hội điển. Đã giáng dụ thi hành. Nhân nghĩ bậc đế vương trị nước gốc ở đạo, mà đạo ẩn ở việc làm. Đời xưa đặt quan làm việc, tất có phép tắc để lại, để tỏ bảo người ở ngôi Vua biết tin dùng, sửa trị các quan, mong muốn công nghiệp rộng lớn nên lệnh cho kính làm sách này, cốt muốn phân chia cương, mục, đầu mối rõ ràng. Phàm đặt ra thể lệ để bảo các ti, mong về sau thực hiện đều có được để noi theo mà làm khuôn phép, là pháp điển rất lớn. Vì vậy phải chọn phái để có chuyên trách mà cốt cho được thành tựu. Nay chuẩn cho ngươi sung chức Tổng lý Giám tu theo chức phận làm việc cho hợp nghi, lần lượt theo dụ chỉ lo liệu sửa sang, đính chính cho xong việc mà việc đều được chu toàn để hoàn thành tập điển chương lớn, lưu truyền pháp chế của đời thịnh trị, xứng với sự ủy nhiệm, lòng mong mỏi của trẫm. Khâm tai!” [10].

Dưới triều vua Tự Đức, trong mấy kỳ lễ tế Đông hưởng (1849) và Xuân hưởng (1850), Hợp hưởng (1851), Đông hưởng (1858), Xuân hưởng (1859)… vì nhà vua đều không đảm bảo sức khỏe hành lễ nên đã cử Phú Bình Công thay mặt làm lễ tế thay. Những lần đảm đương chức phận này, hoàng thân Phú Bình đều hoàn thành nhiệm vụ một cách chu toàn. Đặc biệt, vào năm 1862, Phú Bình Công được làm nhiếp hiến (đứng hầu) vua Tự Đức làm lễ Tế Giao. Đây là nghi lễ tế trời, đất và các vị thần linh được đặt lên hàng Đại tự (lễ lớn). Bởi dưới chế độ quân chủ, nghi lễ này được tiến hành trang trọng bậc nhất và chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ Tế Giao.

NỖI THĂNG TRẦM DANH PHẬN

Tháng 8/1864, con thứ của ông hoàng Phú Bình là công tử Hường [Hồng] Tập vì bất bình với bản Hòa ước Nhâm Tuất (1862) với Pháp đã mưu giết Chánh sứ Phan Thanh Giản, Phó sứ Trần Tiễn Thành… Âm mưu chưa thực hiện thì sự việc bị bại lộ. Công tử Hường Tập bị xử tử, cha là Phú Bình Công Miên Áo cũng bị liên lụy. Đức ông Phú Bình bị vua Tự Đức thu hồi tước Công. Vài tháng sau (1/2/1865), hoàng tử Miên Áo lo buồn mà qua đời, hưởng thọ 50 tuổi. Viên tẩm của ông hoàng Miên Áo được xây dựng tại làng Dương Xuân Thượng (nay thuộc phường Thủy Xuân, Tp Huế). Sau khi hoàng thân Miên Áo mất, vua Tự Đức thương tình, ân chuẩn khai phục tước vị Phú Bình Quận công nhưng không được ban thụy, con trai và con gái được trở lại hàng Công tử, Công nữ. Cuốn đồng sách khôi phục tước vị Phú Bình Quận công do vua Tự Đức ban có nội dung như sau:

“Ngày 6 tháng Giêng năm Ất Sửu, Tự Đức thứ 18 (01/02/1865)

Thừa thiên hưng vận, Hoàng đế ban rằng:

Trẫm nghe: Đế vương thương yêu người thân, vì tình mà đặt lễ; nước nhà xót thương kẻ chết, phá lệ để ban ơn: Lòng dạ như nhau, cành lá cũng cùng gốc rễ; thân ái làm gốc, ơn đức tiếp nối răn đe, là theo luân thường mà tỏ tình nghĩa vậy. Nghĩ Phú Bình Công bị cách đã quá cố: Con vua cùng họ; lá ngọc cành liền, noi phép nhà rèn lòng nhân hậu; vâng lời hay giữ dạ khiêm cung. Tiên triều để lại tử tôn, đồng tính phong cho tước lộc. Vốn có đức cả, vẫn lo làm rạng tiếng nhà; đâu ngờ trẻ ngu lại nỡ kết cùng giặc dữ. Tuy lấy trung mà dạy con cháu, khanh vốn chẳng có lòng nào; nhưng trị tội không chừa họ hàng, trẫm cũng đâu tha riêng được. Nên phải truất tước phong từ trước; để tỏ sự trừng phạt qua loa. Nay đã biết lỗi nghĩ tự sửa mình; há lại để đau lòng mà nhắm mắt. Dõi hồng bay không trở lại, pháp luật nhớ việc nghị thân; than hạc ruổi biết năm nào, ân điển thương người Tôn thất. Nay đặc biệt khai phục làm Phú Bình Quận công, ban cho sách mệnh. Than ôi, người thân từ không tức giận, chuyện qua nhớ lại đau lòng; chốn tuyền đài có khôn thiêng, ơn lớn nghĩ càng nên khắc cốt. Dưới cõi u minh, hãy vâng sách mệnh!” [12]. 

CUỐN ĐỒNG SÁCH KHÔI PHỤC TƯỚC VỊ PHÚ BÌNH QUẬN CÔNG

Ngày 15 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 31 (1878), nhân dịp Ngũ tuần đại khánh của vua Tự Đức, nhà vua ban dụ miễn tội cho hoàng tử Miên Áo và khai phục tước Phú Bình Công. Dụ rằng: “Nguyên Phú Bình công Miên Áo là người hiền hòa, điềm đạm, cũng là bậc phiên hàn rất tốt, chỉ vì quá ư nhu nhược nên không dạy được con, đến nỗi bị liên lụy phải giáng làm Quận công, nay nghĩ cũng truy phục cho nguyên tước Công” [13].

Đến năm Bảo Đại thứ 12 (1937), Đức ông Miên Áo được nhà vua ban ân huệ truy phong tước Phú Bình Quận vương. Năm 1941, vua Bảo Đại tiếp tục truy phong Đức bà Nguyên cơ Võ Thị Trinh (1814-1907) tước vị Phú Bình Quận vương phi. Đức bà là con gái của Khinh xa Đô úy Võ Khánh, cháu nội Hoài Quốc công Võ Tánh (1768-1801). Như vậy, có thể thấy rằng sở dĩ Đức ông Phú Bình và Đức bà Võ Thị Trinh được vua Bảo Đại ưu ái, ban đặc ân truy phong tước vị như trên, bởi vì ngoài địa vị và danh phận hoàng thân quốc thích cao quý thì phòng Phú Bình Quận vương có nhiều con cháu làm quan lớn trong triều đình Huế lúc bấy giờ. Đặc biệt là Hiệp tá Đại học sĩ, Thượng thư Bộ Lễ Ưng Đồng nổi danh là vị quan đại thần đức độ, yêu nước, thương dân, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước.

NHỮNG HẬU DUỆ DANH TIẾNG

Đức ông Phú Bình Quận vương Miên Áo và các thế hệ hậu duệ khai mở Phòng 6, Đệ Nhị chánh hệ và được ngự chế ban bộ chữ Mộc 木 để đặt tên cho các con cháu trong phủ – phòng. Ông hoàng Miên Áo có 10 con trai [14] và 7 con gái. 

Công tử Hường Quế 洪桂 (?-?) là con trưởng của Phú Bình Quận vương. Năm Tự Đức thứ 5 (1852), ông được ân phong làm Hoài Ân Đình hầu, đến năm Tự Đức thứ 21 (1868) tập phong tước Kỳ Ngoại hầu. Niên hiệu Tự Đức năm thứ 17 (1864), Hường Tập bị buộc tội mưu phản nên Hường Quế cũng phải chịu trách nhiệm liên đới vì không biết can ngăn em trai, sau đó bị triều đình cách bỏ tước Hầu, trở lại làm Công tử.

Công tử Hường Tập 洪槢 (?-1964) là con trai thứ 3 của Phú Bình Quận vương. Ông là một trong số những người cầm đầu cuộc nổi dậy tại Kinh thành Huế vào năm 1864.

Công tử Hường Vinh 洪榮 (1845-1918) là con trai thứ 7 của Phú Bình Quận vương. Năm Kiến Phúc nguyên niên (1884), ông được tập phong làm Phú Bình Huyện hầu, đến năm Khải Định thứ 2 (1917) được cải tập phong làm Phú Bình Huyện công.

Công tôn Ưng Đồng 膺桐 (1872-1952), hiệu Y Viên 椅園, tự Châu Khuê 周圭 là con trai trưởng của Huyện công Hường Vinh, cháu nội Đức ông Phú Bình Quận vương. Năm Thành Thái thứ 4 (1892), ông học Trường Quốc Tử Giám. Cụ Ưng Đồng từng giữ các chức vụ như Hàn lâm viện kiểm thảo (1898), Biên tu (1900), Bố chánh tỉnh Bình Thuận (1920), Thị lang Bộ Lễ (1/1922), Bố chánh tỉnh Phú Yên (7/1922), Tham tri Bộ Công kiêm Tả Tôn khanh Tôn Nhân Phủ (1925), Tham tri Bộ Binh kiêm Tả Tôn khanh Tôn Nhân Phủ (1926), Phủ doãn Phủ Thừa Thiên (10/1926 -1/1928). Sau khi về hưu vào tháng 2/1928, công tử Ưng Đồng được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ trí sự. Đến tháng 7/1928 được tập phong tước Phú Bình Huyện hầu. Ngày 20 tháng 3 năm Bảo Đại thứ 8 (1933) được vua thăng hàm Hiệp tá Đại học sĩ. Sau này, công tôn Ưng Đồng được cải tập phong Phú Bình Hương công [16]. 

Công Tôn Nữ Thị Thân (1866-1923) là trưởng nữ của Huyện công Hường Vinh, chính là người đã sáng lập ra chùa Thiên Minh (nay thuộc phường Trường An, thành phố Huế). Bà có hiệu Hướng Thiện, pháp danh Trừng Giáp, phát nguyện ăn chay trường và phát tâm thọ giới Sa di ni. Năm 1916, bà Công Tôn Nữ Thị Thân xuất tiền mua một sở đất ở ấp Trường Giang, bên trái đường Nam Giao Tân Lộ (nay là đường Điện Biên Phủ), gần các Tổ đình Báo Quốc, Từ Đàm, Thiền Lâm để lập chùa thờ Phật, phụng thờ cha mẹ và tu tập. Sau đó, Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Đồng cúng dường cho chùa 1 bức hoành phi đề 3 chữ “Thiên Minh Tự 天明寺”, 1 câu đối và 750 đồng để mua 1 mẫu 3 sào ruộng tại làng Bàn Môn (huyện Phú Lộc) làm tam bảo tự điền. Bà Công Tôn Nữ Thị Thân sống và tu tập tại chùa Thiên Minh đến lúc qua đời vào năm 1923. Đến năm 1930, con cháu thừa kế đất đai hương hỏa của bà đã cung thỉnh Hòa thượng Thích Quảng Huệ (1903-1950) thuộc dòng thiền Lâm Tế đời thứ 43 về làm trú trì đầu tiên của chùa và ngài cũng được tôn là Tổ khai sơn chùa Thiên Minh [17].

Công tằng tôn Bửu Thức 寶栻 (1900-1931), tự Ấu Trương 幼張 là con trai thứ 2 của Hiệp tá Ưng Đồng. Năm Khải Định thứ 5 (1920), ông được tập phong tước Tá Quốc khanh. Tháng 8 năm Bảo Đại thứ 2 (1927) được bổ chức Miếu lang, đến năm Bảo Đại thứ 5 (1930) thì cải thọ Thị giảng học sĩ. Năm Bảo Đại thứ 6 (1931), ông bị bệnh qua đời và được truy tặng hàm Hồng lô tự khanh. 

Công tằng tôn Bửu Đệ 寶棣 (1902-1942), tự Ấu Đường 幼棠 là con trai thứ 3 của Hiệp tá Ưng Đồng. Năm Bảo Đại thứ 3 (1928), ông được tập ấm hàm Hàn lâm viện biên tu, sau này được tập phong tước vị Kỳ Ngoại hầu.

Công Tằng Tôn Nữ Thị Diệu 氏妙 (1897-1970), tự Lệ Khanh 䴡卿 là con gái thứ 2 của Hiệp tá Ưng Đồng và là nữ sĩ nổi tiếng trên văn đàn ở Kinh đô Huế vào đầu thế kỷ XX.

TỪ BIỆT THỰ CHÂU KHUÊ ĐẾN PHỦ THỜ PHÚ BÌNH QUẬN VƯƠNG

Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), ông hoàng Miên Áo được vua cha phong tước Phú Bình Công, đồng thời cũng được ban cấp phủ đệ ở làng Xuân Dương, huyện Hương Trà. Sau khi hoàng tử Miên Áo qua đời vào năm 1865 thì phủ đệ chuyển đổi thành phủ thờ để thờ phụng vị hoàng tử và gia quyến quá vãng. Đến năm Tự Đức thứ 23 (1870), được sự đồng ý của Phủ Tôn Nhân, con cháu ngài đã chuyển phủ thờ Đức ông Phú Bình đến xây dựng tại ấp Dinh Thị Thượng [18] (nay tại số 33/2 Tô Hiến Thành, phường Gia Hội, Tp Huế). Lúc bấy giờ, phủ thờ quay về hướng Đông Nam, bao gồm các hạng mục kiến trúc chính như cổng phủ, bình phong, la thành và nhà chính theo kiểu nhà rường 3 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt. Đây cũng là nơi diễn ra nghi lễ truy phong tước Phú Bình Quận vương vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937). Tòa soạn báo Tràng An (số 258, ra ngày 24/9/1937) ở Huế đã đăng bản tin tường thuật sinh động về khung cảnh lễ tuyên phong tước vị Phú Bình Quận vương theo nghi thức hoàng gia như sau: “Ngày 22 tháng năm (30 Juin 1937), phụng Dụ đức Kim thượng đặt chuẩn truy phong ngài Phú Bình Công lên tước Quận vương. Con thứ 6 đức Minh Mạng. Ngài là một nhà Nho học uyên thâm. Hai mươi tám năm trời, kiêm nhiếp chức Hữu Tôn Nhơn là chức rất lớn ở triều đình. Sanh thời ngài ưa chơi cờ vây. Lúc bấy giờ không những người trong nước không ai sánh nỗi mà đến người Tàu cũng phải khuất phục. Cháu ngài là cụ Hiệp tá trí sự Ưng Đồng và cháu Tằng tôn Ngài là Lệ Khanh, một nữ thi sĩ có tiếng ở đất Thần kinh mà các bạn đã từng được thưởng thức thi văn trên báo chí. Ngày 16 tháng 8 Annam vừa rồi, lễ tuyên phong đã cử hành tại phủ thờ Ngài ở phường Phú Cát Huế, do quan Tả Tôn Khanh Bửu Thỏa làm khâm mạng. Hôm ấy tuy trời lấm tấm mưa nhưng không làm giảm được vẻ long trọng. Những chiếc ô tô nối đuôi nhau đỗ ở trước đường quan, những lá cờ lộ tất khoe màu cùng xác pháo đỏ, những vị đại thần mặc áo gấm xanh, huy chương, bài vàng chói lọi, những tiếng nhã nhạc du dương xen lẫn vào tiếng reo hò của đám trẻ con thỏa thích vì xem được một đám rước lạ mắt” [19].

Trải qua thời gian và khí hậu khắc nghiệt, kiến trúc phủ Phú Bình Quận vương bị xuống cấp nghiêm trọng vào những năm 40 của thế kỉ XX. Vì vậy, không gian thờ tự Đức ông Phú Bình không còn được tôn nghiêm. Trước thực trạng này, vào khoảng năm 1944 [20], Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Đồng và Chủ tự Bửu Dung đã bàn bạc với các thành viên trong phòng Phú Bình Quận vương đồng thuận chuyển khám thờ, thần chủ Đức ông Phú Bình và các tự khí đến thờ phụng tại biệt thự Châu Khuê (ở làng Vĩ Dạ) để được trang nghiêm, thanh tịnh. Từ đây, biệt thự Châu Khuê của Hiệp tá Ưng Đồng được chuyển đổi thành phủ thờ ông hoàng Phú Bình Quận vương; còn ngôi nhà rường (trước là phủ thờ) trở thành nhà thờ phái của công tử Hường Mai 洪枚 [21], con trai thứ 8 của Phú Bình Quận vương.

Hiện nay, phủ thờ Phú Bình Quận vương [22] tọa lạc tại địa chỉ số 2/305 Nguyễn Sinh Cung (thuộc phường Vỹ Dạ, TP. Huế). Ngôi phủ thờ này vừa mang dấu ấn kiến trúc hoàng gia triều Nguyễn, lại vừa có màu sắc văn hóa dân gian truyền thống. Từ ngoài vào, phủ thờ có các công trình được xây dựng theo thứ tự như cổng ngõ, la thành, bình phong, bể cạn, nhà thờ chính, sân vườn và bến nước. 

TOÀN CẢNH BIỆT THỰ CHÂU KHUÊ, NAY LÀ PHỦ THỜ PHÚ BÌNH QUẬN VƯƠNG

Lối vào phủ thờ là một cổng nhỏ, đi tiếp một đoạn ngắn sẽ thấy bức bình phong che chắn trước nhà thờ chính. Sau bình phong là bể cạn nuôi cá cảnh. Bình phong xây bằng gạch, dạng cuốn thư cách điệu, với chức năng nhằm ngăn chặn tà khí từ các hướng xấu xâm nhập vào trung tâm, và cũng để cầu mong điềm lành, an toàn và trường thọ. Ngoài những ứng dụng về mặt phong thủy, bình phong còn hàm chứa giá trị nghệ thuật độc đáo, là nơi nghệ nhân thể hiện cái tài tạo tác và gửi gắm tâm ý qua việc lựa chọn những đồ án trang trí như bát bửu, tứ quý, song lân hý cầu, hoa lá… Đây là bức bình phong có hình dáng trang trọng, quý phái, được đánh giá là một tác phẩm có giá trị nghệ thuật đích thực.

BỨC BÌNH PHONG CÓ CHẤT LƯỢNG NGHỆ THUẬT CAO

Nhà thờ chính thể hiện sự pha trộn độc đáo giữa kiến trúc Đông – Tây và giao thoa văn hóa Việt – Pháp. Nếu như bên trong ngôi nhà được thiết kế theo kiến trúc nhà rường truyền thống Huế, thì bên ngoài mặt tiền lại ảnh hưởng phong cách cổ điển Pháp với các hoa văn trang trí đắp nổi bằng vôi vữa thật cầu kỳ, tạo ra sự sống động, mềm mại và hài hòa với tổng thể trang trí khác. Đặc biệt, chính giữa mặt tiền phủ thờ có tạo hình bức hoành phi bằng vôi vữa đắp nổi dòng chữ Hán: “Châu Khuê biệt thự 周圭別墅”, lạc khoản viết: “Bảo Đại tứ niên xuân 保大四年春, 1929”, sử dụng chất liệu nề đắp nổi, khảm sành sứ. Những thông tin này cho người đời sau biết phủ thờ Phú Bình Quận vương nguyên là biệt thự Châu Khuê, xây dựng hoàn thành vào mùa Xuân năm Bảo Đại thứ 4 (1929).

Nối với mặt tiền nhà thờ là một nhà vỏ cua dẫn đến công trình kiến trúc chính là ngôi nhà rường 3 gian 2 chái có hàng cột hiên bằng gạch trát vữa, quét vôi màu vàng, với những chi tiết trang trí theo kiểu nhà Pháp, vốn rất thịnh hành ở Huế vào hồi đầu thế kỷ XX. Bộ khung sườn bằng gỗ với những rui, xà, kèo, cù đều có các đồ án trang trí điêu khắc chạm trổ khéo léo, tinh tế và mái lợp ngói liệt. Nền phủ thờ được lát gạch hoa hình vuông loại nhỏ kích thước 20cm x 20cm được nhập về từ Pháp. Ngay giữa chính đường là gian thờ trung tâm, được bài trí theo nguyên tắc “tiền Phật hậu linh”, phía trước thờ Phật, phía sau thờ phụng vong linh các vị: Đức ông Phú Bình Quận vương, Đức bà Nguyên cơ Võ Thị Trinh, Hương công Hường Vinh, Hiệp tá Ưng Đồng cùng với các thế hệ hậu duệ đã khuất của phủ – phòng. Đáng chú ý nhất ở không gian thờ này là bức tranh vẽ chân dung Hương công Hường Vinh do công tử Hường Cao [23] vẽ vào năm 1911.

NỘI THẤT PHỦ THỜ PHÚ BÌNH QUẬN VƯƠNG

Phía trên liên ba gian giữa treo bức hoành phi đề chữ: “Phú Bình Quận vương từ 富平郡王祠” (phủ thờ Phú Bình Quận vương), với dòng lạc khoản “Bảo Đại nguyên niên thu cát nhật tạo 保大元年秋吉日造” (Tạo dựng xong vào mùa thu năm Bảo Đại thứ 1 [1926]) [24]. Ở hai bên tả hữu gian chính đường cũng treo hai bức hoành phi đề chữ: “Tôn tử duy thành 尊子維城” (Con cháu hoàng tộc giữ gìn giềng mối [cương lãnh] quốc gia), với lạc khoản “Bảo Đại nguyên niên đông 保大元年冬”, Công bộ thuộc đồng bái 工部屬仝拜” (Mùa thu năm Bảo Đại thứ 1 (1926), Bộ Công cùng kính bái); “Hoàng gia vũ lộ 皇家雨露” (Ơn mưa móc của hoàng gia), với dòng lạc khoản “Bảo Đại Bính Tý xuân 保大丙子春 (Mùa xuân năm Bính Tý triều vua Bảo Đại [1936]), “Vị nê tấn thủ Nguyễn Đình Nhu, Tổng dụng Phạm Thuần, Phó tổng Võ Truy trang phụng 渭泥汛守阮廷濡總用范純副總武追莊奉” (Tấn thủ Vị Nê Nguyễn Đình Nhu, Tổng dụng Phạm Thuần, Phó tổng Võ Truy kính dâng). Các bức hoành phi này đều có hoa văn trang trí tinh xảo, mang dấu ấn đặc trưng mỹ thuật thời Nguyễn, đồng thời nó không chỉ có giá trị về văn hóa lịch sử, nghệ thuật tạo hình mà còn là một di sản tư liệu gốc gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của các thành viên trong phủ Phú Bình Quận vương. 

Người tuy đã khuất, song trí tuệ, đức hạnh của ông hoàng Phú Bình Quận vương vẫn còn hiện hữu trường tồn, được các thế hệ con cháu hậu duệ noi gương và tiếp nối truyền thống gia phong lễ giáo của ông cha. Bởi thế sau này, nhiều con cháu của Đức ông Phú Bình đã nổi danh ở chốn quan trường, đặc biệt là Hiệp tá Đại học sĩ Ưng Đồng luôn giữ tiết tháo, được triều đình trọng thị, nhân dân ở những nơi ông từng sống, từng làm quan ngưỡng mộ và kính trọng. 

Nhìn chung, mặc dù phủ đệ Phú Bình Quận vương đã trải qua những biến thiên của lịch sử và những lần thay đổi về vị trí nhưng nó vẫn thực sự là một di sản văn hóa sống động, độc đáo ở đất Cố đô Huế. Bởi vì, ngôi phủ đệ này vẫn lưu giữ trong mình những nét đẹp riêng, có giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc và mang đậm nét dấu ấn văn hóa cung đình triều Nguyễn.

 

 

 

Chú thích

* Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế.

[1] Ban đầu, Phú Bình Quận vương có tên húy là Miên An, sau này đổi tên thành Miên Áo.

[2] Đức bà Hiền phi Ngô Thị Chính (1792-1843) có nguyên quán tại thôn Thuận Nghĩa, huyện Tân Hòa, tỉnh Gia Định, là con gái của Chưởng cơ Ngô Văn Sở. Bà sinh được 5 con trai và 6 con gái. Trong đó có các hoàng tử, hoàng nữ được ban phong tước vị: Vĩnh Tường Quận vương Miên Hoành (1811-1835), An Phú Công chúa Khuê Gia (1813-1865), Lộc Thành Công chúa Uyển Diễm (1815-1836), Phú Bình Quận vương Miên Áo (1817-1865), Hòa Quốc công Miên Quân (1828-1863), Quảng Hóa Quận công Miên Uyển (1833-1893).

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập 3, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.116.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.282.

[5] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 2, Sđd, tr.331.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 3, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.13.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr.336.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.1004.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Sđd, tr.695.

[10] Trung tâm lưu trữ quốc gia I (2019), Quốc sử quán qua Châu bản triều Nguyễn (1802-1945), Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, tr.128-129.

[11] Cuốn đồng sách này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh.

[12] Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh (2020), 365 bước chân dạo quanh Bảo tàng, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, tr.98-99.

[13] Tự Đức Thánh chế văn tam tập (1971), bản dịch của Tây Hồ Bùi Tấn Niên, Ủy ban dịch thuật Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, tr.157.

[14] Gồm các công tử Hường Quế, Hường Du, Hường Tập, Hường Trì, Hường Sử, Hường Phiêu, Hường Vinh, Hường Mai, Hường Dịch, Hường Dinh.

[15] Công tử Hường Quế có tên cũ là Hường Hiệu.

[16] Souverains et Notabilités d’ Indochine [Các đấng quân vương và các nhà quyền quý của Đông Dương] (1943), Editions du Gouvernement Général de l’Indochine [Phủ Toàn quyền Đông Dương xuất bản], Nhà in Trường Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O), Hà Nội, tr.21.

[17] Hiện nay, chùa Thiên Minh do Hòa thượng Thích Khế Chơn trú trì.

[18] Vào năm Thành Thái 11 (1899), đất đai của ấp Dinh Thị Thượng được chuyển đổi thành phường Đệ Ngũ thuộc TP. Huế, đến năm Bảo Đại thứ 10 (1935) cắt thêm đất đai phường Đệ Lục sáp nhập vào và đổi thành tên thành phường Phú Cát; đến ngày 1/7/2021 trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số phường Phú Cát và Phú Hiệp để thành lập phường Gia Hội.

[19] Tràng An báo (1937), “Lễ tuyên phong”, Số 258, phát hành ngày 24/9/1937, Huế, tr.1.

[20] Căn cứ vào cuốn “Hoàng tộc lược biên” do Kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ đại thần Tôn Thất Cổn biên soạn vào năm 1943 cho biết phủ thờ Phú Bình Quận vương tọa lạc tại phường Phú Cát. Vì vậy, chúng tôi cho rằng khám thờ và thần chủ của Đức ông Phú Bình Quận vương được chuyển đến thờ phụng tại biệt thự Châu Khuê vào khoảng năm 1944.

[21] Hiện nay, nhà thờ này do bà Công Huyền Tôn Nữ Thị Mộng Hoa (sinh năm 1946), con gái của cụ Bửu Dung (1920-1995), cháu nội của công tôn Ưng Hàng quản lý và thờ phụng. 

[22] Hiện nay, phủ thờ Phú Bình Quận vương do ông Bảo Tuấn (sinh năm 1970), con cụ Vĩnh Cường (1928 – 2008), cháu của Kỳ Ngoại hầu Bửu Đệ quản lý và chăm lo hương khói thờ tự.

[23] Công tử Hường Cao (1867-?), tự Sĩ Chánh là con trai thứ 19 của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870). Ông có biệt tài về hội họa.

[24] Hoàng tử Miên Áo được truy phong tước Phú Bình Quận vương vào năm Bảo Đại thứ 12 (1937) nhưng bức hoành phi này lại đề dòng lạc khoản tạo dựng vào năm Bảo Đại thứ 1 (1926). Về vấn đề này, chúng tôi cho rằng bức hoành phi nguyên gốc được chế tác vào năm 1926 với dòng chữ đại tự: “Phú Bình Công từ 富平公祠” (phủ thờ Phú Bình Công), đến năm 1937 thì được các nghệ nhân thay đổi dòng chữ đại tự: “富平郡王祠 Phú Bình Quận vương từ” (phủ thờ Phú Bình Quận vương) cho phù hợp với tước vị được vua Bảo Đại truy phong nhưng dòng lạc khoản vẫn giữ nguyên không thay đổi.