Hiểu đơn giản nhất, “tu” có nghĩa là “sửa đổi”. “Tu” là sửa đổi thân, khẩu, ý của mình cho tốt hơn, chuyển đổi những suy nghĩ tiêu cực sang tích cực, từ chưa lương thiện sang lương thiện, biết kiềm chế lại hành vi sai trái của mình mà hành động theo đúng chánh pháp, đúng chân lý. Theo giáo lý Phật, tu là hành động tu sửa bản thân (thân và tâm) thông qua việc “sửa đổi” ba hành vi tạo nghiệp là hành động, ý nghĩ, lời nói.
Khi nói đến chữ “tu”, người ta thường nghĩ đến việc tách mình khỏi cuộc sống đời thường để sống theo những ý tưởng, quy định chặt chẽ của một tôn giáo nào đó, gắn khái niệm đó với tôn giáo. Hiểu theo nghĩa rộng, “tu” là sửa, là hành vi nhận biết đúng, sai để tự sửa mình cho phù hợp với đạo đức và các nguyên tắc do con người đặt ra. Xét theo nguyên nghĩa, “tu” không đơn thuần là đi theo một tôn giáo mà còn có nghĩa là việc con người tự học hỏi để sửa chữa sai lầm từ “bản ngã” để trở thành người có ích cho xã hội. Do vậy, bất kỳ ai cũng cần phải “tu” mà trước tiên bắt đầu bằng tu thân, tức là học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân mình.
Khi trả lời câu hỏi: Tu để làm gì? Nhiều tôn giáo cho rằng, muốn trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu trong mỗi người chúng ta có hai con người: Con người phàm phu, nhem nhuốc với bao tham muốn ở cõi đời và con người lý tưởng hoàn thiện. Phật giáo gọi con người lý tưởng gọi là Bản Lai diện mục (tức bản thể của ta, là Phật tính trong mỗi người); “Trời” – “Phật” và “Thánh” đều trong con người nên cần phải tu hành để lột bỏ con người phàm phu, sống hòa hợp cùng bản thể. Với chủ trương “tu” là phải lánh xa trần thế, Phật giáo khẳng định: “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”, không xuất gia vẫn có thể đi trên con đường giác ngộ nếu biết tu hành theo Chính đạo:
“Phật mong toàn thể thế gian
Tu về Chính đạo giải oan cho đời”.
Hiểu “tu” theo những quan điểm đó thì cần kiên tâm, nỗ lực tu hành theo giáo pháp mà chúng ta tin tưởng là sẽ đạt tới mục đích tối thượng. Theo Phật giáo, “tu” không đơn thuần là cầu phúc đức mà để đạt tới trạng thái an nhiên tĩnh lặng, niềm an lạc nội tâm, là sự biểu lộ trạng thái rời bỏ hoàn toàn trói buộc, giải thoát con người khỏi mọi đau khổ. Tu giúp con người làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên. Do vậy, đạt “cõi phúc” hay không phải tùy thuộc vào mức độ “tu” và “hành”. “Tu” mà không “hành” thì hạnh phúc chỉ là ảo tưởng.
Để tu hành, theo giáo lý Phật, Phật tử phải giữ gìn nghiêm “Ngũ giới” [1], theo Nho giáo, người bình thường cũng phải giữ gìn “Ngũ thường” [2], thì dù chưa trở thành người tu hành cũng sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội:“Tu đức giữ đạo làm người/Ta trồng cây đức cho đời thanh cao/Tu đức ta phải vượt bao/Gian nan vất vả mới cao trí tài”. Theo thuyết “Chính danh” của Khổng Tử, việc “tu thân” không chỉ về mặt tinh thần mà còn bao hàm cả ý nghĩa lấy đó làm nền tảng để “bình được thiên hạ”. “Tu thân” nhằm đạt được hai mục đích, là giúp cho tâm hồn được bình yên, an lạc trong cuộc sống hiện tại và tích lũy phúc đức cho thế hệ sau này:
“Muốn sang sông phải qua đò
Muốn đời hạnh phúc phải lo tu hành
Tâm thành sẽ đạt được nhanh
Chung xây nền móng để dành hậu lai”.
Qua nghiên cứu cho thấy, các đạo, giáo trên thế giới đều có một quan điểm chung khi bàn về chữ “tu” là: Không chỉ người xuất gia, bất kỳ người nào dù sống trong xã hội nào cũng cần phải tu “Đạo Nhân” để trở thành một con người hoàn thiện, có ích cho xã hội.
Trong tự điển Hán Việt, chữ “hành” có thể được đọc là “hạnh”, theo Phật giáo, “tu hành” nghĩa là phải tu tập những đức hạnh cần thiết trong việc tìm được giải thoát. “Tu hành” cũng được hiểu là đã “tu” là phải “hành”, tức là phải biểu lộ, phải thực thi sự tu tập bằng hành động thực tiễn. Chính pháp là một “khoa học nội tâm” và đối tượng của khoa học đó là “tâm thức”; nỗ lực thực hiện kinh nghiệm do khoa học ấy đem đến là tu tập. Để đạt được mục đích giải thoát, cần phải trải qua thời gian tu tập lâu dài mới dần dần đánh bạt được những tham luyến vốn có trong mỗi người. Có thể tổng kết tu hành thành hai công hạnh là tu phúc và tu tuệ. Tu tập nhằm hóa giải phiền não được gọi là tu tuệ như tụng kinh, lễ Phật, ngồi thiền. Tu phúc là giúp đỡ người xung quanh, đồng nghiệp, bạn bè về trí tuệ, tài sản, công việc… là phương pháp tu tập để tạo phúc báo, gieo nhân lành, tích góp công đức giúp cho người khác thoát khỏi nghèo nàn, khổ đau. Tu hành cũng giống như người trồng cây, tâm người là mảnh đất hoang sơ, nhiều loài cây dại; tu tập là khai phá mảnh đất ấy, đánh bạt mầm độc, cây dại; lựa chọn hạt giống tốt rồi chuyên cần chăm bón, phát triển mầm giống tốt đó thành cây. Tu hành là để hóa giải nghiệp xấu, tích lũy những nghiệp thiện cho mai sau bằng những đức hạnh như: Buông xả, trì giới… để đạt được bồ đề tâm, phát huy hạnh Từ và Bi có sẵn trong mỗi người chúng ta. Tu tập giống như tu học, phải từng bước một, chậm mà chắc chắn từ hạnh thấp nhất rồi dần dần đến các hạnh cao, tâm bồ đề mới có cơ hội phát triển vững chắc được. Tu là phải từ tu thân đến tu tâm lý, tư duy làm cho tâm đại bi, tình thương con người được mở ra, trí óc luôn sáng tạo, phát triển rộng mở về vũ trụ quan. Như vậy, tu đòi hỏi sự bền chí, kiên trì và sự quyết tâm, thành ý dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào hay bất kỳ tôn giáo, tín ngưỡng nào:
“Giữ được tu cũng khó
Nhưng cũng rất nhẹ nhàng
Tâm đức thật vững vàng
Phật, Trời cho toại nguyện”.
Khi đã đi đúng đường, chúng ta phải chuyên cần tu và bảo vệ chính pháp bằng kiên định chính kiến, đồng thời giúp đỡ, hướng dẫn người khác cùng tu hành theo chính đạo. Đó cũng chính là con đường đúng đắn nhất dẫn tới cõi Niết bàn.
Theo Phật giáo, nền tảng căn bản của việc tu hành phải dựa trên giới định tuệ. Phật giáo chọn pháp chính yếu là tu Thiền và tu niệm Phật, tức tu Tịnh độ. Có 4 phương pháp tu Tịnh Độ: Thuần tịnh độ: Chuyên tâm niệm Phật, làm lành lánh dữ, gieo trồng câu niệm Phật. Giáo Tịnh song tu là đem kinh điển Tịnh Độ để tụng niệm hành trì, vừa niệm Phật, vừa tụng kinh, vừa nghiên cứu kinh điển, vừa vận dụng kiến thức học được áp dụng vào cuộc sống. Thiền Tịnh song tu là vừa tu Tịnh độ niệm Phật trồng căn lành để hồi hướng vãng sanh, đồng thời tạo cho mình có niệm lực để tu hành Niệm Phật. Nhiều vị cao tăng áp dụng phương pháp này. Mật Tịnh song tu là vừa trì chú vừa tu tịnh theo đúng với sự hướng dẫn bài bản.
Tu là sự lựa chọn khó khăn giữa bản chất tham luyến và sự từ bỏ nó, phải kiên trì trừ diệt cho đến khi nào không còn “cái tôi” nữa mới có thể giúp cho tâm hòa vào với chân như. Không còn ta, không còn người, cũng chẳng còn pháp mới là cõi an lạc thực thụ. Một khi tâm chúng ta đã hòa cùng tự nhiên, nội tâm được an lạc, không bị trói buộc bởi vô minh…thì ở đâu cũng có thể là cõi phúc chứ không phải cứ đến chùa chiền, am, tự. Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã khẳng định: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, nghĩa là Phật tức tâm, ai có tâm đều có Phật, không phân biệt nam nữ, trẻ già, người trong đạo hay ngoài đạo, có tâm thì có Phật, thành Phật là thành ngay trong tâm mình, không phải ở trên núi cao hay cõi trời xa xôi. Nếu tu hành đúng với Chính đạo thì hạnh phúc xuất hiện tự nhiên, không cần phải mong cầu:
“Mặc cho bão táp phong ba
Trong tâm có Phật vượt qua nhẹ nhàng”.
Như vậy, tu là sự nhận thức đạo lý để sửa chữa, rèn luyện tâm tính, sống thuận với lẽ tự nhiên để có cuộc sống thong dong, thanh thản; biết chăm lo, phụng dưỡng cha mẹ già, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, góp sức phát triển xã hội, làm tròn bổn phận và trách nhiệm với quốc gia. Như thế là ta đã đạt cõi phúc, không nhất thiết phải theo tôn giáo nào mới có được:
“Luyện tòng chỉ một không hai
Sống báo hiếu, chết ít sai điều gì
Nhất lòng vâng lệnh Tiên chi
Bao nhiêu giả dối ta thì tránh xa”.
Dân gian cũng có câu: “Tu đâu cho bằng tu nhà, thờ cha kính mẹ mới là chân tu”, Phật giáo khẳng định, khi tu hành,“hiếu thảo là đức hạnh đứng đầu trăm đức hạnh” [3].
Trong việc tu hành, theo đạo Phật, dù là người bình thường hay đã xuất gia, tất cả đều phải “khéo tu” mới mong vượt qua những sóng gió và đạt được an lạc cho tâm. Muốn được như vậy, Phật tử trước tiên phải giữ giới luật nghiêm cẩn, còn người đã xuất gia nếu biết “khéo tu” thì mau vượt qua mê mờ, trí tuệ được sáng suốt để thấu hiểu phép nhiệm mầu của lời Phật chỉ giáo. Trong quá trình tu hành, hạnh “buông xả” là rất cần thiết; đó là việc nhận thức được lẽ vô thường, là liều thuốc giúp tâm ta thoát khỏi ý nghĩ tham cầu, nô lệ cho luyến ái, quét sạch tâm hồn để cho trí tuệ không bị bụi bẩn bao phủ, sẽ phát ra ánh sáng giúp cho tu hành ngày càng được tinh tấn. Tu hành cũng chính là dùng tâm trí để tiêu diệt ác niệm, làm cho thiện niệm phát triển; đó là cơ sở để gây dựng thiện nghiệp cho mỗi người tu hành. Tóm lại, tu hành chỉ cầu chuyên nhất, cần nắm chắc những điểm quan trọng rồi nỗ lực thực hành thì nhất định đạt được lợi ích chân thật của Phật pháp. Tâm bình thường, không lo âu, không vui vẻ thái quá, không chấp nhất bất kỳ việc gì thì tức là ta đã đi đúng với chính đạo.
Có thể khẳng định, đối với người xuất gia, đã tu hành thì không thể có liên hệ đến bất kỳ tiền bạc hay vật chất gì, nếu vẫn chấp thủ vật chất thì làm sao đạt đến chính quả? Nói tu hành không ích lợi cho xã hội thì không đúng, nhưng nếu nói tu hành để đem lại lợi ích vật chất thì càng sai lạc. Mục đích của tu hành là đạt được cõi phúc, đồng thời giúp con người được hưởng niềm an lạc. Người tu hành chỉ cần giữ gìn giới cấm nghiêm cẩn thì đã đem lại lợi ích lớn cho xã hội rồi. Đức Phật trải qua hàng chục năm tu hành và truyền bá chính pháp, đem lại lợi ích về tâm thân cho bao nhiêu thế hệ nhân loại đến ngày nay mà đâu cần tới một ngôi chùa riêng, khi viên tịch ngài đã để lại cho chúng ta một kho tàng vô giá về đạo nghĩa, một giáo pháp chân chính, biết bao người nhờ tới giáo pháp đó, đạo nghĩa đó để đạt được cõi phúc, có một cuộc sống hạnh phúc, vinh quang. Đó mới là lợi ích thực sự của việc tu hành. Chúng ta là “người trần mắt thịt”, chưa thể có đạo hạnh như Đức Phật và chư Tổ nhưng nếu đã chọn đường tu thì nên nhận thức được đầy đủ việc “tu”, dù là cư sỹ tại gia, hay đã xuất gia, biết giữ gìn giới luật, tu tập đức hạnh thì đã là tu hành thực sự rồi:
“Luyện trí rèn tâm
Đi đúng một đường
Giữ đúng kỷ cương
Tu theo chính đạo”.
Làm người ngoài đời đã khó, làm người tu hành càng khó hơn gấp bội. Bởi họ phải tự thân học tập, tu hành để chuyển hóa thân tâm, giác ngộ được chân lý đạo pháp, vừa phải sống sao cho xứng đáng với sắc áo hoàng y đã chọn để không thẹn với lòng người, với cuộc đời.
Nhận thức đầy đủ bản chất, vai trò của “tu hành” đối với con người và xã hội sẽ giúp chúng ta vận dụng nó một cách đúng đắn trong cuộc sống để đạt được ước nguyện tâm linh và lợi ích xã hội thiết thực cho con người, góp phần xây dựng, thúc đẩy tiến bộ xã hội, như Bác Hồ đã nói: “Muốn cải tạo thế giới và cải tạo xã hội thì trước hết con người phải cải tạo bản thân”. Đó cũng là mục tiêu, phương cách để mỗi con người chúng ta chọn đường tu trong thời đại mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Theo Phật giáo, ngũ giới là 5 điều không được làm, đó là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
2. Theo Khổng Tử, “Ngũ thường là: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”.
3. Huyền Cơ (2012), Ngộ về chữ tu, Nxb. Thời đại, tr.57.