Đối với nhiều địa phương trên đất nước Việt Nam, đặc biệt là vùng nông thôn cũng như các gia đình theo Phật giáo, Rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm là ngày lễ đặc biệt quan trọng, được chú tâm nhiều nhất so với các ngày Rằm khác trong năm. Dân gian có câu “Lễ cả năm không bằng Rằm tháng Bảy, lễ cả thảy không bằng rằm tháng Giêng” chính là để thể hiện điều đó. Rằm tháng Bảy bao hàm hai lễ lớn: lễ Vu Lan và lễ Xá tội vong nhân. Xuất phát từ những điển tích Phật giáo ngàn xưa, hai lễ này dần dần đi vào đời sống, trở thành phổ biến, thường niên đối với mỗi gia đình người Việt. Cùng với ý nghĩa tâm linh của ngày Rằm tháng Bảy, ở những miền quê lại háo hức phiên chợ ngày Rằm trong những gánh hàng tần tảo của mẹ, của chị ngày xưa.
Chợ quê xưa như tấm gương để soi lên bộ mặt của làng quê. Chợ xưa dẫu chỉ vài dãy hàng quán tranh tre đơn sơ quây quanh một cái đình lớn nhưng lại mang cả hồn cốt quê mình, là nét văn hóa độc đáo chẳng nơi nào giống nơi nào. Nếu người xa lạ muốn tìm hiểu thói quen và tập tục một làng quê thì hãy ra chợ.
Chợ quê xưa dẫu chỉ toàn bán thứ nhà quê như gánh lúa, củ khoai, mớ rau,… với mấy cô hàng xén từ những vùng nào xa lắm lên tụ họp, vậy mà vẫn ăm ắp kỷ niệm trong lòng kẻ tha hương. Hàng hóa đơn sơ, bán mua chân chất, không nói thách, mặc cả bởi đơn giản là sự trao đổi sản vật của người làng với nhau. Chợ quê xưa chính là điển hình cho phương thức sản xuất tự cung tự cấp khi cuộc sống còn bó buộc, quanh quẩn sau lũy tre làng.
Nhớ và thương lắm góc chợ quê xưa. Ngày ấy, chợ huyện thường một tháng họp ba phiên và đông nghịt người tứ xứ đổ về với đầy ắp hàng hóa thì chợ quê mình lại họp cách nhật theo ngày chẵn âm lịch. Hàng hóa ít, người mua bán không nhiều nên cũng chẳng cần họp thường xuyên. Góc chợ quê giống như một bức tranh đầy màu sắc, thu nhỏ cuộc sống thôn quê. Người đi chợ đâu chỉ trao đổi, buôn bán hàng hóa mà còn sẻ chia những ân tình, nỗi niềm với nhau. Nhớ và thương lắm góc chợ quê xưa. Ta nhớ thương vời vợi tuổi thơ, thuở nhà còn nghèo lắm. Mỗi sáng mai nào, bắt gặp hình ảnh mẹ kẽo kẹt đòn gánh hay cắp chiếc mủng đi chợ là lại khấp khởi mừng thầm. Suốt buổi lòng nôn nao “trông như trông mẹ đi chợ về”; bởi ta biết kiểu gì mẹ cũng bớt xén chi tiêu để mua cho con khi chiếc bánh đa, lúc thì kẹo cau; bởi ta biết kiểu gì bữa cơm hôm ấy có thêm chút thức ăn tươm tất. Ôi, ước mơ tuổi thơ thật đơn giản mà tròn vạnh như chiếc bánh đa, chân chất những niềm vui no đủ.
Đã bao lần ta được mẹ dẫn đi chợ Tết. Phiên chợ ngày ba mươi Tết thành phiên chợ con nít. Ta phải đi từ sáng tinh mơ, la cà bao nhiêu gian hàng. Nào gian hàng trống lùng tùng âm thanh rộn rã, nào gian hàng tò he rực rỡ sắc màu, nào gian hàng câu đố, tranh Đông Hồ nhộn nhịp người mua. Chợ ngày Tết ồn ào tấp nập, nhưng lòng ta lại khắc khoải nhớ thương phiên chợ ngày Rằm tháng Bảy quê xưa.
Tháng Bảy, chợ quê xưa dường như cũng đông người bán hơn thường lệ. Ta còn mường tượng ngỡ như cả khu vườn cổ tích tuổi thơ hiện hữu trên những mẹt hàng bày bán la liệt khắp mọi góc chợ quê. Tháng Bảy âm, cây trái vườn quê bắt đầu vào mùa vụ. Những loài hoa trái quê mùa đậm giàu sắc hương mà ít giá trị kinh tế đôi khi bán rẻ như cho. Những thức quà hoài niệm ấy ăm ắp nỗi niềm trong kỷ niệm của kẻ tha hương. Những trái thị cau, thị bần vàng hươm, thơm nức để cho ta nằm mơ cổ tích. Những rổ sim trâu tím rịm mọng căng, những bó sa nhân vừa hăng vừa đắng, những trái na mở mắt tròn xoe, những quả bưởi tép đã đầy mọng nước… Đặc biệt nhất của vườn quê xưa, của chợ quê xưa là hàng ổi. Mỗi khi đọc hai câu thơ của Hữu Thỉnh “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se” là ta lại nghĩ đến phiên chợ tháng Bảy. Hương ổi sánh lại, phả khắp ngõ quê, đánh thức cả không gian và làm xôn xao hoài niệm. Nào những ổi sẻ, ổi cơm, ổi đào,… chỉ biết ăn no mà chẳng bao giờ ngán. Hương ổi thơm lựng còn quyết rũ bao nhiêu loài chim ríu rít bay về…
Ngày lễ Vu Lan hay lễ Xá tội vong nhân trong Rằm tháng Bảy, với dân quê mình cũng chỉ là một. Với những thức quà của quê hương không thể thiếu mâm ngũ quả, với mâm cỗ đơn sơ; trước thờ cũng ông bà Tổ tiên, sau hiếu kính với cha mẹ, cũng là dịp để con cháu sum vầy trong tình nghĩa gia đình. Chợ quê tháng Bảy, những bó rau mồng tơi, rau ngót, những rổ hoa thiên lý ngát hương, cái bắp chuối ứa nhựa, những củ măng còn vương đất, những mớ tép, quả trứng hay cả con gà trống thiến đều hiện hữu nơi chợ quê. Sự dè sẻn tiêu pha, cái bóp mồm bóp miệng ấy chỉ đơn giản là bởi đã sắp đến mùa tựu trường; bao nhiêu thứ phải lo cho đàn con được bằng bạn bằng bè trong năm học mới.
Chợ quê tháng Bảy, những ngọn gió man mác, bâng khuâng thổi xác xơ trên mái tranh rạ lơ xơ. Chợ quê tháng Bảy lăng lắc mờ xa trong kí ức. Chợ vẫn còn đó mà hồn cốt ngày xưa chẳng thấy lại bao giờ. Những dãy quán hàng được thay bằng dãy ki-ốt chủ thầu làm kiên cố. Những thức quà dân dã bây giờ thứ đã thành đặc sản, thứ đã vĩnh viễn biến mất trong đời sống làng quê. Mặt hàng đã phong phú những thượng vàng hạ cám, nếu người băn khoăn chọn lựa đã có siêu thị kề bên. Cuộc sống thời 4.0 với những vội vã gấp gáp, còn mấy ai dành thời gian để lắng nghe nhau. Cái chân chất tình quê dường như cũng đã xa rồi. Những cửa hàng tạp hóa, những đại lý kinh doanh, thậm chí cả chợ online cũng mọc lên dành cho người bận rộn. Người lớn chẳng thấy niềm vui, linh hồn làng quê trong hồn chợ; trẻ con cũng đâu còn biết đến sự háo hức khi đợi mẹ đi chợ về…
Lại sắp Rằm tháng Bảy theo vòng quay tuần hoàn của vũ trụ. Bâng khuâng trong cơn gió buổi chớm thu, ta biết ngóng tìm nơi đâu hồn cốt chợ quê xưa với những thức quà giản dị. Đang giữa mùa thu mà lòng ta vẫn tự hỏi “Bao giờ cho đến mùa thu/ Trái hồng, trái bưởi đánh đu giữa Rằm…”