Tóm tắt: Trong kinh sách Phật giáo, đạo hiếu được bàn luận, giảng giải nhằm chuyển hóa nhân tâm. Theo đó, đạo hiếu trong Phật giáo cũng ảnh hưởng và lưu dấu trong tâm thức văn hóa dân gian. Ca dao dân ca Nam Bộ về đạo hiếu chính là biểu hiện dấu ấn văn hóa Phật giáo trong đời sống người lao động bình dân. Qua việc tìm hiểu đạo hiếu trong Phật giáo và ca dao dân ca Nam Bộ, ta có thể nhìn thấy sâu sắc hơn nữa giá trị, ý nghĩa của đạo hiếu trong luân lý gia đình và luân lý xã hội Nam Bộ; cũng như sức ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo đến cuộc sống đại chúng trong phạm vi tinh thần lẫn thực hành đạo đức thực tiễn.
Từ khóa: Ca dao dân ca; đạo hiếu; đạo Phật; văn hóa Nam Bộ.
1. Kinh Pháp cú có câu: “Phúc thay, hiếu kính Mẹ/ Phúc thay, hiếu kính Cha!”.
Nhiều kinh sách Phật giáo cũng đề cập đạo hiếu [6;11-12]. Chẳng hạn: Kinh Vu lan bồn, Kinh Báo ân Cha Mẹ, Kinh Thai cốt, Kinh Huyết bồn, Kinh Hiếu tử, Kinh Tâm Địa Quán, Kinh Đại phương tiện Phật báo ân, Kinh Địa Tạng, Mục Liên sám pháp, Kinh Thiện Sinh, Kinh Tăng Chi, … Lời dạy của Đức Phật về đạo hiếu là bộ phận đáng kể trong hệ thống Phật lý! Lời dạy về đạo hiếu của Đức Phật có ý nghĩa phổ biến rộng rãi, có vai trò quan trọng thiết thực đối với việc chuyển hóa nhân tâm. Đặc biệt, đạo hiếu trong Phật lý có ý nghĩa rất lớn đối với luân lý gia đình và luân lý xã hội. Nhất là xây dựng rèn luyện hành vi văn hóa đạo đức cá nhân. Từ mỗi cá nhân, đạo hiếu góp phần tạo nên hành vi văn hóa đạo đức cộng đồng. Văn hóa dân tộc Việt với truyền thống thờ gia tiên/đạo nhà và văn hóa Phật giáo cùng đạo hiếu đã kết hợp với nhau tạo thành chỉnh thể văn hóa truyền thống Việt Nam hàng thiên niên kỷ.
Luận bàn đạo hiếu, Phật lý trước hết chỉ ra công lao to lớn của cha mẹ. Công lao tác tạo, nuôi dưỡng, dạy dỗ không gì sánh bằng, khó có thể nói hết. Mục Liên sám pháp có đoạn: “Hiện tiền đại chúng hãy nên biết rằng, ân đức cha mẹ không bến không bờ, thực khó đáp đền. Dù trăm nghìn đời nghiền thân làm vị đề hồ dâng cúng cho cha mẹ cũng không báo đáp hết công ơn cha mẹ. Nếu lại có người dâng các thức ăn, trăm vị ngon ngọt, dâng các áo mặc, thuốc thang đầy đủ, suốt ngày lễ lạy, cúng dường cha mẹ cũng không báo đáp được công ơn dưỡng dục” [5;141].
Đạo hiếu có thể hiểu một cách dung dị như là: “Hiếu là hiếu kính, hiếu thuận, hiếu dưỡng. Đạo là lẽ tất nhiên, hoặc là con đường nhất định phải đi qua. Hợp cả hai lại: Hiếu đạo là chánh đạo mà người con, người đệ tử đối với cha mẹ, sư trưởng phải cung kính, thuận theo, cúng dường và phụng dưỡng” [3;66].
Về biểu hiện, đạo hiếu trong quan niệm Phật giáo trước hết là tôn kính, thương yêu, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ cả về vật chất lẫn tinh thần. “Này Mahanam, người con hiếu với những tài sản mà mình đã nỗ lực thâu hoạch được, do sức mạnh của đôi tay, bằng những giọt mồ hôi đổ ra một cách hợp pháp, cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường cha mẹ với thiện ý thì sẽ được cha mẹ hoan hỷ, thương tưởng và hằng cầu mong cho con được sống lâu, mạnh giỏi” [2;69].
Bên cạnh đó, phàm những người còn cha mẹ nên hiểu rằng: Đạo hiếu trong Phật lý còn biểu hiện qua việc giúp đỡ đấng sinh thành đến với ánh sáng từ bi của đạo pháp Phật đà [5;142]. Dù rơi vào hoàn cảnh thế nào, ta cũng không thể chối rằng: cha mẹ đã trao cho ta cơ hội quý báu và nhiệm mầu đến với cuộc diễn hiện sinh khởi này. Người cho ta có dịp may thị hiện trong kiếp người giữa cõi người với tất cả ba đào duyên do tao loạn. Chính trong cuộc ba đào ấy, bạn có cơ hội vô cùng quý giá để tìm đến nẻo đạo thực hành tiến vượt tâm linh. Và khi nhìn lại, bạn trở thành cơ hội trợ duyên cho cha mẹ đến với chánh đạo, thoát khỏi buồn khổ nhân gian. Như vậy, lẽ báo đáp lớn lao nhất mà người con có thể dâng lên cha mẹ chính là cơ hội tiếp nhập vào con đường bước tới an vui lạc phước. “Nếu cha mẹ ương ngạnh, si mê tà kiến, không tin Tam Bảo, hung hiểm bạo ngược, tàn ác bất nhân, gây nhiều nghiệp dữ, người con có hiếu phải biết khuyên can cha mẹ, khiến sinh tín tâm, quay về chính đạo, gần gũi bạn lành, mở lòng bồ đề, tu thiền niệm Phật, làm cho cha mẹ thường được an ổn” [5;142].
“Khuyên mẹ niệm Phật cho chuyên
Thì hoa sen đợi ở bên Liên Trì”.
Với vai trò to lớn đối với luân lý gia đình và luân lý xã hội, đạo hiếu được bàn đến trong nhiều kinh sách Phật giáo. Nhưng tựu trung, đạo hiếu trong Phật lý đồng thời biểu thị ít nhất ba nội dung: (a) công lao đấng sinh thành to lớn khó có thể báo đáp; (b) đạo hiếu là lẽ phải cố nhiên của con người trong cõi nhân sinh; (c) làm con/người đệ tử phải ý thức sâu sắc bổn phận hiếu thảo với ông bà cha mẹ/sư trưởng bằng suy nghĩ và hành động cụ thể. Trên nền tảng này, Phật lý giúp đại chúng nâng cao nhận thức về đạo hiếu để xây dựng hành động báo hiếu dành cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Từ nhận thức đến hành động, đạo hiếu góp phần hình thành nền nếp văn hóa Phật giáo; và cũng là biểu hiện song hành, tương hỗ, tương hợp giữa đạo và đời đối với tu sĩ cũng như Phật tử và đại chúng nói chung.
2. Trong văn hóa người Việt ở Nam Bộ, đạo hiếu giữ vị trí quan trọng trong hệ thống quan niệm đạo đức.
Đạo hiếu là bộ phận hiệp thành nền tảng nhận thức và lối sống thiết thực của người lao động bình dân. Thậm chí, đạo hiếu là “đệ nhứt luân lý” trong quan niệm đạo đức của người bình dân Nam Bộ; nên nó cũng gắn liền nhân sinh quan, thẩm mỹ quan và thực hành tâm linh-tín ngưỡng xã hội. Cho nên nói, đạo hiếu-đạo nhà-tục thờ gia tiên cùng cấu thành chỉnh thể văn hóa vậy! Từ đó, đạo hiếu biểu hiện thành nếp sống thấm nhuần khắp chốn dân gian sông nước. Đức tính hiếu thảo, do đó, mang vẻ đẹp dung dị mà thấm thía trong hồn người Nam bộ được lưu giữ trong kho tàng văn học dân gian. Nhất là ca dao dân ca. Có câu, “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” (Nói thơ Vân Tiên). Hay: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ” (Đồ Chiểu). Cơ hồ, đạo nhà [4;125-134] trong quan niệm Hối Trai tiên sinh hài hòa cũng “đạo thờ ông bà” của người bình dân; và ở tâm thức hiếu đạo của người bình dân, bạn cũng dễ dàng nhận thấy dấu ấn ảnh hưởng của đạo hiếu trong văn hóa Phật giáo.
“Nhớ ngày xá tội vong nhơn/ Lên chùa lạy Phật đền ơn sinh thành”;
“Lên chùa lễ Phật cầu kinh/ Cầu cho cha mẹ thác sanh Liên đài”;
“Vai mang hai chữ Di Đà/ Công lao dưỡng dục mẹ cha khấn nguyền”;
“Nguyện cho tới được tâm không/ Độ cho cha mẹ thoát vòng tử sanh”;
“Lên chùa dự lễ vu lan/ Cầu cho cha mẹ thoát đàng tử sanh”; …
Điều này biểu thị mối quan hệ cộng hưởng nhuần nhị giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc Việt. Trong lời dạy Đức Phật cũng như quan niệm bình dân Nam Bộ, hiếu đạo dựa trên nhận thức về công lao to lớn của đấng sinh thành. “Cơm cha cơm mẹ đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người khổ lắm ai ơi/ Chả như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”. Hay: “Đêm khuya trăng rụng xuống cầu/ Cảm thương cha mẹ dãi dầu nắng mưa”. Hay: “Cha chài, mẹ lưới dưới sông/ Đứa con thi đậu làm ông trên bờ”. Đây là điểm tương đồng cơ bản với hiếu đạo trong Phật lý. Lẽ nhân tính dường như đều dung dị và sáng rõ như vậy!
Chính vì đạo hiếu rất cơ yếu trong nhân tính cho nên chuyện báo hiếu cha mẹ không riêng ai mà trở thành đạo lý phổ quát xã hội. Điều này càng khẳng định mối quan hệ giữa đạo hiếu và hệ thống quan niệm đạo đức xã hội (thậm chí trở thành quy phạm xã hội) trong đời sống lao động bình dân. Đạo hiếu là nền tảng căn bản cho việc xây dựng nhận thức luân lý xã hội, giềng mối nhân tính, lối sống nhân đạo, nền tảng nhân bản của kiếp người. Nhờ đạo hiếu mới có đạo nhà, giữ đạo nhà sau mới trọn đạo với giống nòi đất nước.
Từ thuở ấu thơ với hiểu biết sơ sài của trẻ nhỏ trong mái gia đình, hiếu đạo đã dần bồi tụ trong tầng sâu vô thức. Đạo hiếu thống nhất với đạo nhà là nền tảng căn bản của văn hóa giáo dục gia đình Nam Bộ; thậm chí trở nên bộ phận của triết lý giáo dục gia đình trong đời sống dân gian [7;387-407]. “Chữ hiếu nặn cho tròn một tiết/ Thì suy ra trăm nết đều nên”. Cho nên, bạn có thể thấy vì sao một khi lỗi đạo hiếu thì xem như lỗi đạo làm người. “Con cút cụt đuôi, chớ ai nuôi cút lớn/ Cha mẹ cút già cút bỏ cút đi”. Người lỗi đạo hiếu vì vậy chịu sự lên án rất lớn của dư luận xã hội. Ngược lại, người con trọn đạo hiếu được mọi người trân quý tôn vinh. Hiếu đạo cũng là nhân đạo vậy!
Dưới ảnh hưởng Phật giáo, dân gian có câu: “Mang thân vào cõi Ta Bà/ Ơn Cha nghĩa Mẹ bao la ngút ngàn”. Ca dao Bến Tre cũng có câu: “Chiều chiều ông Lữ đi đăng/ Sấu ăn ông Lữ biết đâu mà tìm/ Tìm vàng tìm bạc dễ tìm/ Tìm cha với mẹ khó tìm em ơi”. Tất thảy đều nhấn mạnh giá trị hiếu ơn, tạo tiền đề thực hiện hành vi báo hiếu. Bên cạnh đó, ca dao dân ca nói riêng và tâm thức dân gian Nam Bộ nói chung còn cho thấy đạo hiếu gắn liền với quan niệm trọng nhân nghĩa của người dân quê chân lấm tay bùn. Hiếu đạo thống nhất với quan niệm “trọng nghĩa khinh tài”, cũng là đặc trưng văn hóa đạo đức xã hội Nam Bộ. Với người dân châu thổ Cửu Long, “tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa tợ thiên kim”. Bởi vậy, “chớ tham đồng bạc con cò/ Bỏ cha bỏ mẹ đi phò Lang Sa”. Đạo hiếu nói riêng, tình người nói chung mới đáng quý, sá gì của cải vàng bạc.
Được bồi tụ trong gia đình, chỉnh thể bản sắc văn hóa đạo đức “hiếu đạo-đạo nhà” đã trở thành nhân đạo trong cuộc làm người giữa kiếp người. Hiếu thảo với cha mẹ trở nên thành tình yêu quê nhà và nghĩa “trung hiếu” với đất nước. Từ “Năm thương tấp nập ghe thuyền/ Đôi bờ quê mẹ diệu hiền tiếng ru”, đã phát triển thành tình yêu thương chung thủy dành cho quê nhà thân thuộc. “Tám thương một mái nhà tranh/ Cho con sớm tối viếng thăm mẹ già/ Chín thương khói bếp là đà/ Vừng đông giục giã tiếng gà gọi nhau/ Mười thương không biết để đâu/ Dáng em đứng vịn dáng cầu ngày xưa/ Mười lần thương chỉ mười thương/ Nhớ bông bí rợ dưa hường nấu canh/ Nhớ thương nhớ trọn quê mình/ Thương nhau trọn nghĩa trọn tình bấy nhiêu”. Cơ hồ, đạo hiếu can hệ tới cả hệ thống giá trị văn hóa đạo đức xã hội. Thậm chí, đạo hiếu là nền tảng tạo lập hệ giá trị văn hóa đạo đức Nam bộ!
Trong quá trình “truyền khẩu”, đạo hiếu cũng như nhiều giá trị nhân văn tốt đẹp trong ca dao dân ca được lưu truyền từ nơi này sang nơi khác, từ thế hệ trước tới thế hệ sau. Việc này góp phần giữ gìn truyền thống gia đình để con cháu biết noi theo tổ tiên ông bà cha mẹ, lấy đó làm gương giữ nền nếp trong mái gia đình. Mà gia đình là tế bào xã hội, do đó, hiếu đạo còn giúp cho việc trao truyền giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. “Con khôn đẹp mặt mẹ cha/ Con hư đành chịu người ta chê cười”. Sống tốt đẹp, khôn ngoan để ông bà cha mẹ an tâm và hãnh diện cũng là cách báo hiếu. Để rồi:
“Con hiền cha mẹ yên tâm
Một nhà khen ngợi nghìn năm bia truyền”.
Theo đó, truyền thống văn hóa dân tộc cũng được giữ gìn tiếp nối thông qua “tế bào” gia đình. Đây là thành trì kiên cố và bền vững cho truyền thống văn hóa dân tộc tồn tại phát triển theo thời gian. Bởi vậy, giữ gìn văn hóa dân tộc nên lấy việc củng cố văn hóa đạo đức gia đình làm tiền đề. Trong đó, đạo hiếu là trọng tâm cất nhắc phát huy đạo nhà, giúp bồi đắp hưng thịnh văn hóa dân tộc!
3. Từ quan niệm đến lối sống, đạo hiếu biểu hiện trong phong tục tập quán, thúc đẩy thực hiện hành vi văn hóa.
Biểu hiện dễ nhìn thấy nhất của lòng hiếu thảo chính là nhu thuận, vâng lời ông bà cha mẹ trong mái gia đình. “Bảo vâng gọi dạ con ơi/ Vâng lời sau trước con thời chớ quên/ Công cha nghĩa mẹ không đền/ Vào thưa ra gửi mới nên con người”. Hành động này biểu thị nhận thức con người về công ơn hoạn dưỡng. Ông bà cha mẹ luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho con cháu. Đó là công ơn vô lượng. Vâng lời là hành động thực hiện ý muốn làm cho ông bà cha mẹ vui lòng để báo đáp công ơn. Nhưng không nên quy kết nhu thuận vâng lời ông bà cha mẹ với sự áp đặt từ “bề trên” theo lối “áo mặc sao qua khỏi đầu”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Phải thấy rằng, thưa gửi, vâng lời, nhu thuận là khía cạnh “Lễ” của “Đạo Hiếu”.
Từ Lễ thành Nghi rồi thành Tục. Qua ca dao dân ca, chắc bạn cũng thấy người bình dân miền sông nước Cửu Long rất coi trọng tục thờ gia tiên – nét đẹp phong tục tập quán truyền thống của gia đình Việt [1]. “Anh đi ghe cá cao cờ/ Ai nuôi cha mẹ ai thờ tổ tiên”. Từ quan niệm đến thực hành văn hóa nhất quán với nhau, hiếu đạo và việc thờ cúng ông bà tổ tiên trở thành bổn phận cố nhiên. Thậm chí, khi con cháu làm ăn thất bát, gặp điều chẳng lành, lắm người lại nghĩ do con cháu nhà đó thiếu quan tâm săn sóc, thờ cúng tổ tiên. Đạo hiếu gắn liền tục thờ gia tiên dẫn tới tới niềm tin-tín ngưỡng dân gian trong nhiều phương diện cuộc sống.
Thứ nữa, hành động báo hiếu thể hiện qua mong muốn chăm lo hoạn dưỡng song thân. Có lẽ đây cũng là mối ưu tư lớn nhất của con cái. Đôi khi, hoàn cảnh khó khăn không thể phụng dưỡng báo đáp song thân gây ra mối thương tâm ray rứt khôn nguôi. “Tám thương một mái nhà tranh/ Cho con sớm tối viếng thăm mẹ già”. “Mẹ già ở túp lều tranh/ Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con”. Vấn đề phụng dưỡng ông bà cha mẹ lúc nào cũng canh cánh trong lòng. “Chị em đông có chồng tản lạc/ Cha mẹ già đầu bạc tuổi cao/ Mai sau cha yếu mẹ già/ Chén cơm đôi đũa, bộ kỷ trà ai dâng”. Ý thức trách nhiệm biểu hiện thành hành vi cụ thể. Việc phụng dưỡng ông bà cha mẹ trở thành trách nhiệm trong bổn phận (quy phạm xã hội) đối với con cái. “Đói lòng ăn trái ổi non/ Nhịn cơm nuôi mẹ cho tròn nghĩa nhân”. Ý thức và hành vi này giúp kết nối, trao truyền và giữ gìn ổn định thiết chế đạo đức gia đình qua thế hệ. Lẽ đó, cũng góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình Nam bộ, một nét đẹp trong đời sống con người miền châu thổ Cửu Long.
Không chỉ sự vâng lời, phụng dưỡng, chăm sóc mà đạo hiếu còn biểu hiện qua lòng thương nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Vì hoàn cảnh lấy chồng xa xứ: “Một thương tiếng vịt kêu chiều/ Bâng khuâng nhớ mẹ chín chiều ruột đau”. Hay vì chén cơm manh áo phải bỏ nhà xa xứ: “Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi/ Ngó không thấy mẹ bùi ngùi nhớ thương”. Hoặc giả ông bà tổ tiên quá vãng: “Ngó lên nuộc lạt mái nhà/ Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu”. Cơ hồ, hình bóng tổ tiên ông bà cha mẹ là nền tảng/chỗ dựa tinh thần con người. Tổ tiên cũng là biểu tượng sống động của cố thổ quê nhà, làm điểm tựa cho ý thức gốc gác nguyên quán. Ngó về, cũng tức là vọng hướng về chỗ nguyên ủy của kiếp người trong cõi nhân sinh. Nói vậy, nếu đánh mất hiếu đạo, dễ dẫn đến vong thân, mất gốc, lạc loài trong đời sống xã hội; bơ vơ không sao định vị được mình trong cuộc làm người.
“Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ như đờn đứt dây
Đờn đứt dây còn thay, còn nối
Cha mẹ mất rồi, con biết tìm đâu”.
4. Tựu trung, đạo hiếu có ý nghĩa rất lớn đối với đạo nhà, hay đạo đức gia đình và đạo đức xã hội Nam bộ; đồng thời khả dĩ tích hợp đạo hiếu trong lời dạy của Đức Phật và văn hóa Nam bộ để xây dựng nếp sống gia đình và sinh hoạt xã hội thời nay. Hẳn nhiên có nhiều phương diện, nhiều tác động với quá trình vận động văn hóa Nam bộ nói riêng, văn hóa Việt nói chung, tạo điều kiện cho sự thấm nhuần Phật lý trong đời sống dân gian miền sông nước Cửu Long. Nhưng rõ ràng, đạo hiếu chính là một trong số điểm tương giao cộng hưởng giữa Phật lý và quan niệm nhân sinh bình dân Nam bộ. Đạo hiếu trong văn hóa Phật giáo vừa lý giải sức sống bền bỉ của đạo Phật trong văn hóa Việt, vừa cho thấy sức mạnh chuyển hóa nhân tâm to lớn trong đời sống bình dân xưa nay.
Từ mối quan hệ này, bạn có thể nhận ra tác động tích cực của đạo hiếu trong văn hóa Phật giáo đến việc củng cố văn hóa đạo đức gia đình và văn hóa đạo đức xã hội con người Nam Bộ. Đến nay, đạo Phật cùng với đạo hiếu-đạo nhà trong hệ thống giá trị văn hóa đạo đức xã hội Nam bộ đã tích hợp thành thiết chế văn hóa bền vững, thấm nhuần trong đời sống thường ngày của con người ở mọi giai tầng, thời kỳ khác nhau. Do đó, việc làm cần thiết hiện nay chính là tiếp tục củng cố đạo hiếu-đạo nhà trong văn hóa gia đình Nam bộ bằng việc thấu hiểu sâu sắc hơn đạo hiếu trong quan niệm Phật giáo. Theo đó, xã hội nên phát triển thêm thực hành hoạt động báo hiếu trong sinh hoạt thường ngày.
“Vu Lan tháng bảy ngày rằm
Lòng con hiếu thảo ghi lòng chẳng quên”.
Tài liệu tham khảo
1. Toan Ánh (2001). Phong tục thờ cúng tổ tiên trong gia đình Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Văn hóa Dân tộc.
2. Thích Minh Châu (1996). Kinh Tăng Chi Bộ III. Nxb. Hải Phòng.
3. Thích Nhuận Đạt (2012). Tư tưởng Hiếu đạo trong Phật giáo. TP HCM: Nxb. Tổng hợp.
4. Nguyễn Văn Hiệu (2022). Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) và đạo nhà: tiếp cận ý thức về bản sắc từ góc nhìn quy chiếu. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.125-134.
5. Phúc Tuệ (1998). Mục Liên Sám Pháp. Nxb. TP. Hồ Chí Minh.
6. Thích Nhật Từ (2013). Chữ hiếu trong đạo Phật. Tủ sách Đạo Phật ngày nay. Hà Nội: Nxb. Hồng Đức.
7. Võ Quốc Việt (2022). Triết lý giáo dục dân gian trong Nói thơ Lục Vân Tiên. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu trong thời đại ngày nay. Hà Nội: Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tr.387-407.