Trăng thu – Quay về với vầng trăng tâm mỗi người (Ngộ Tự Chung)

Dẫn nhập
Trung Thu, vầng trăng như biểu hiện tâm hồn của tuổi thơ, trong sáng mà mờ ảo, đầy đặn mà khiếm khuyết, hồn nhiên mà soi rõ. Hình ảnh vầng trăng có một ý nghĩa rất lớn đối với một đất nước có nền văn minh lúa nước. Ngày Rằm tháng Tám là lúc cảnh trời đất đẹp nhất, vầng trăng tròn nhất và sáng nhất, khí hậu mát mẻ, ánh trăng sáng soi rõ từng cảnh vật khi về đêm, tựa như người soi lại chính lòng mình.

Cứ mỗi lần ngắm trăng, ta có cảm giác tâm như lắng đọng và thanh lọc, lòng cảm thấy vô ưu, vô sầu, cũng chẳng nghĩ suy, bận lòng hơn thua với thế gian. Nhân mùa trăng tròn tháng Tám về, mỗi người chúng ta hãy cùng nhau sum vầy bên người thân, gia đình để ngắm vầng trăng đẹp nhất. Và đây cũng là dịp để mỗi người quán chiếu, soi lại nội tâm, giúp lòng mình an yên trong từng khoảnh khắc, sống không chấp, không dính mắc, không phiền não, không chạy theo vọng tưởng, mà hãy sống ở thực tại cùng với sự an lạc trong từng phút giây.

Vầng trăng tâm
Trong kí ức của hầu hết chúng ta – những người đã lớn và trưởng thành, hẳn ai cũng có những lần mày mò làm lồng đèn, nghe kể chuyện và tưởng tượng, hình dung về chị Hằng, chú Cuội, gốc đa trên cung trăng… Rằm tháng Tám mang đến ký ức về những chiếc bánh trung thu, bánh dẻo, xem múa lân, múa rồng, rước đèn đi khắp các con đường xóm làng, vừa đi vừa hát “Tết Trung thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường…”. Xưa nay, Tết Trung thu thường được biết đến là tết dành cho thiếu nhi. Và hơn hết, Trung thu còn được xem là tết đoàn viên, sum vầy, là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau, cùng ngồi lại và thưởng thức miếng bánh, nhâm nhi tách trà, ôn lại kỷ niệm, gắn kết tình thân. Guồng quay của thời gian trôi qua với những bộn bề và ngổn ngang của cuộc sống, đâu đó, chúng ta vô tình bắt gặp được những nụ cười trẻ thơ. Những nụ cười trong veo đến lạ. Không lạ làm sao khi chúng ta – những người lớn – đang sống một thế giới quay cuồng, khi mà giá trị vật chất lên ngôi, đồng tiền khẳng định về con người, về cách sống… mà vô tình đã làm mất đi sự tươi tắn của nụ cười, của ánh mắt, của sự hồn nhiên, vô tư, bỏ quên đi tình nghĩa người thân, gia đình, bạn bè, xã hội…

Khi chúng ta dừng lại vài giây để ngắm nhìn vầng trăng, tạm gác lại những nặng trĩu đè trên đôi vai bấy lâu nay; bây giờ tâm của ta cần được lắng đọng, lòng được an yên. Đó cũng là lúc, chúng ta đang quay trở về tuổi thơ với một tâm hồn vô tư, hồn nhiên như vốn có, mà bất cứ ai trong chúng ta cũng đã từng là một trẻ thơ như vậy.

 

“Chúng ta chỉ chạy. Khi thức cũng như khi ngủ chúng ta luôn luôn chạy đuổi theo những dục vọng ước mơ, có tiền muốn thêm tiền, có danh muốn thêm danh… bởi vì hiện tại đã bị ta bỏ quên để theo đuổi những ảo tưởng của ngày mai tháng sau năm tới… Lối sống xem hiện tại chỉ là cây cầu nối tương lai và quá khứ trong khi cả hai đều là ảo tưởng – lối sống ấy chính là nguồn gốc của mọi khổ đau bất hạnh trên đời” (Ni sư Trí Hải). Quả thật, trong cuộc sống hiện nay, nhiều người mang trong mình sự khổ đau khi mãi ôm giữ quá khứ, chấp mắc, không chịu buông bỏ. Lại có người vọng tưởng về tương lai khi chạy theo những giá trị vật chất, danh lợi xa vời, viển vông. Trong khi đó, Đức Phật dạy rằng, không truy tìm quá khứ vì đã qua rồi, cũng không vọng tưởng tương lai vì chưa đến, giá trị hạnh phúc thật sự của cuộc sống này, chính là ở giây phút hiện tại, bây giờ và tại đây.

Trong Kinh Đại bát Niết bàn, ở phẩm Anh nhi hạnh, Đức Phật mượn cái nết vô tư, ngây thơ, hồn nhiên, không tính toán, mưu cầu hơn thua, thân sơ, thương ghét dùng để ví cái hạnh từ, bi, hỷ, xả, bình đẳng: “Lại, anh nhi thì chẳng biết khổ, lạc, ngày đêm, cha, mẹ… Ðại Bồ tát cũng lại như vậy vì chúng sinh nên chẳng thấy khổ, lạc, không có tướng ngày đêm. Ðối với các chúng sinh lòng Bồ tát ấy bình đẳng nên không có tướng cha mẹ, thân sơ…”. Anh nhi có đủ lục căn (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc và biết) tiếp xúc với lục cảnh, nhưng bất động. Tâm bất động, không chấp thủ, lòng không dính vào sáu trần cảnh thì ở đó không có sự tham lam vật chất, danh lợi, cũng không có sự sân hận hay say mê, chấp thủ,… và đó chính là cái nhìn của trẻ thơ. Thực tế, sâu thẳm trong tâm mỗi người chúng ta, ai cũng muốn có một cuộc sống hạnh phúc, an lạc, vui tươi, đủ đầy và không rơi vào tăm tối, hố sâu vực thẳm. Nhưng đôi khi vì cuộc sống, dần theo năm tháng, với các mối quan hệ gia đình, bạn bè và xã hội mà ta đánh mất chính bản thân mình.

Vì thế, mỗi người cần soi lại “vầng trăng tuổi thơ” của mình, nghĩa là thấy được sự thánh thiện sâu thẳm bên trong bản thân, vì “nhân chi sơ, tính bổn thiện” đều có ở mỗi người, chẳng qua vì cám dỗ, vì những tam độc “tham”, “sân”, “si” nó lấn át hoặc che đi. Mỗi người hãy soi “vầng trăng tâm” của riêng mình, tự vén màn mây đen che lắp bấy lâu nay. Vầng trăng rằm là biểu tượng cho chân tâm vốn có ở mỗi người, lúc nào cũng sáng, trong, tròn và thanh tịnh. Chẳng qua vì ngoại duyên, vọng tưởng che mờ nên chúng ta không thấy một cách trọn vẹn, chứ thật ra, vầng trăng Rằm ấy không bao giờ mất đi, chỉ cần vén màn mây đen xám kia thì vầng trăng lại xuất hiện, ánh sáng Rằm lại tỏa khắp muôn nơi. Cũng như muốn cuộc sống an lạc và hạnh phúc, chúng ta hãy thực tập buông bỏ, khép lại quá khứ khổ đau; không chấp vào thân tứ đại, ngũ uẩn, có như vậy thì cuộc sống mới an nhiên, tự tại, có sự yêu thương, biết hi sinh vì người khác; không dính mắc, cũng không chạy theo trần cảnh.

Cuộc sống này vốn là vô thường và giả tạm. Điều quan trọng nhất ở một kiếp người hiện tại, hãy sống hết mình cùng với sự yêu thương, từ bi hỷ xả dành cho người khác một cách vô tư, không ích kỉ; sống phải biết vì cộng đồng, vì số đông, bằng những hành động giúp đỡ chân thành, không vụ lợi. Và đừng đánh mất sự lương thiện vốn có. Giây phút này đây, chúng ta cần được quán chiếu và soi thấu, để nhận thấy trong thâm tâm là sâu thẳm của sự yêu thương, vô ưu, không phiền não, hồn nhiên, là khoảnh khắc trở về với tuổi thơ và chính mình.

Song song với việc thường xuyên quán chiếu nội tâm, ngăn ngừa tà niệm, để được an lạc ngay hiện tại, Phật tử tại gia cần tự nhắc nhở mình luôn thực tập tốt năm điều đạo đức (ngũ giới) đã được thọ nhận. Nhờ giữ giới, đời sống của chúng ta chắc chắn sẽ có những trải nghiệm và hành trì đúng đắn với nhiều giá trị lợi lạc như là lời dạy của Đức Phật trong các bài kinh. Bên cạnh đó, chúng ta dù có hay không theo Đạo Phật đều cùng nhau thực hành thiền. Đây được xem là một phương pháp hữu hiệu trong việc quán tâm và trị liệu những nỗi khổ niềm đau của con người. Nhận thấy được giá trị thiết thực, phương pháp này đã và đang áp dụng cho mọi đối tượng, tầng lớp, tôn giáo ở nhiều tổ chức và quốc gia trên toàn cầu.

Cuộc sống của con người chúng ta hiện nay được ví như là cuộc chạy đua hối hả, gấp gáp với thời gian cùng những mong cầu về danh lợi, tiền tài và vật chất. Chúng ta mải lo kiếm tiền, làm giàu, chỉ biết chú trọng về thân, mà vô tình bỏ rơi, quên đi phần tâm của mình cũng đang cần được chăm sóc. Để làm điều đó, không cách nào khác, mỗi người hãy tự chiêm nghiệm, soi chiếu lại lòng mình, để thấy được sự vô ưu, hồn nhiên, trong sáng, thiện lành của tâm mình giống như vầng trăng Rằm ngoài kia.

KẾT LUẬN
Guồng quay của thời gian cứ mãi trôi, sẽ xóa nhòa tất cả. Nhưng có những hồi tưởng, kỉ niệm và ký ức mãi lưu dấu không phai trong mỗi chúng ta. Dù đã là những người lớn trưởng thành nhưng ẩn sâu bên trong tâm hồn chúng ta luôn có sự hồn nhiên, vô tư của một đứa trẻ thơ ngày nào. Và trong cuộc sống dù có lo toan, hối hả, xô bồ – khi xã hội ngày nay có phần coi trọng hơn về giá trị vật chất, tiền tài, danh lợi – nhưng ở một thời điểm, một không gian hữu ý hay vô tình, mỗi người cần dừng lại, để nhìn nhận và suy ngẫm về chính mình. Và khi Trung thu về, ngắm trăng sáng cũng giống như thấy được lòng mình an yên tự tại, tâm thanh tịnh vẹn tròn với sự thiện lành trong mỗi người. Trăng Rằm sáng soi, trăng tâm rõ thấu. Có lẽ, chúng ta hãy luôn nhìn lại vầng trăng tâm ở chính mình để cuộc sống có nhiều giá trị an lạc, hạnh phúc và viên mãn hơn!