Tóm tắt:
Rabindranath Tagore (1861-1941) là người châu Á đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (1913). Ông sinh ra trong gia đình quý tộc tài danh và uyên bác khi xứ Bengal trở mình phục hưng. Không chỉ là văn sĩ, Tagore còn là nhạc sĩ, triết gia, nhà hoạt động xã hội. Trong văn chương, Tagore viết truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, soạn kịch, … nhưng người đời nhớ đến ông hơn cả trong hình tượng thi sĩ của đất nước Ấn Độ. Cùng với Gitanjali: Song Offerings (1912), Woman in Sorrow (1914), The Gardener (1916), Stray Birds (1916), Fruit-Gathering (1916), The Crescent Moon (Trăng Non, 1913) là tập thơ độc đáo viết cho thiếu nhi, cũng là tập thơ giúp thi hào tự chữa lành nỗi đau đớn mất mát hai đứa con yêu quý. “Sự thanh khiết trong đó, thi hào lập tâm để qua những nỗi sầu đau cho được bình tĩnh, rồi đưa thi hào đến chân lý này: sự chết không phải là một điều khổ, mà là một sứ mạng của vô cùng!” [1;193]. Với Trăng Non, Tagore quy nguyên hạnh nết anh nhi hồn nhiên để chạy chữa tâm can và hướng đến chân lý.
Từ khóa: Hạnh Anh nhi; Rabindranath Tagore; Trăng Non.
1. Về tập thơ Trăng Non (The Crescent Moon)
Tập thơ Trăng Non vốn viết bằng tiếng Bengali, sau được chính tác giả dịch sang Anh ngữ và ấn hành năm 1913. Phiên bản Anh ngữ ấn hành năm 1913 có 40 bài thơ cùng với nhiều bức vẽ minh họa có màu sắc tươi sáng. Qua các bức vẽ, độc giả phần nào mường tượng nội dung: Đó là vương quốc trăng non của bé thơ, vừa trong sáng hồn nhiên vừa suy tư uyên áo.
Trăng Non khai mở thiên đường tuổi nhỏ, nơi không có khổ đau muộn phiền mà chỉ toàn những khám phá vi diệu về cuộc sống thường ngày gần gũi. Trẻ thơ không có quá khứ, chẳng màng tương lai. Đứa bé trong vương quốc Trăng Non chỉ ở hiện tại. Bé an nhiên vui chơi với niềm hỷ lạc sẵn có đương thời. Bé thích thú với tất cả những hoạt tướng xảy đến. Bằng sự trong sáng thuần khiết và an trú ở hiện tại, bé tận hưởng trọn vẹn mầu nhiệm của sự sống và phát hiện ra thực tính thế giới một cách giản dị. Tâm hồn bé đơn sơ đến mức suy lý của người lớn không thể hiểu nổi.
Có học giả cho rằng: “Bí mật nhận thức của Rabindranath Tagore về trẻ thơ rất gần gũi với bí mật về toàn bộ nghệ thuật thi ca của ông. Bằng thi ca, ông mang đến [cho đời] vẻ hồn nhiên trong tâm trí trẻ thơ chơi rỡn cùng đời sống, yêu thương, cái chết và các hiện tượng tự nhiên. Ông ấy biết rằng niềm vui tươi tắn của trẻ thơ phơi bày cách thức biểu thị lẽ mầu nhiệm của hồng trần mà triết học khó bề giản lược cho rạch ròi” [2;72]. Qua Trăng Non, Tagore cho thấy phong cách nghệ thuật tinh khiết phi thường; đồng thời gợi ra những cảm nghiệm riêng cho độc giả về “hạnh Anh nhi” trong lời dạy của Đức Phật.
2. Vương quốc Trăng Non: hạnh anh nhi và những mầu nhiệm của đời sống
Bằng đôi mắt chồng chất phiền não, người lớn chỉ nhìn thấy trẻ thơ với nét non nớt cạn cợt. Nhưng người lớn không thể chối niềm khao khát thường trực: muốn quay về tuổi dại khờ. Dường như thế giới ấu thơ nghìn trùng ngăn cách mà người lớn không thể nào lui tới. Qua những bài thơ như: Thế giới của bé (Baby’s World), Đồ chơi (Playthings), Nhà thiên văn (The Astronomer), Mây và Sóng (Clouds and Waves), Xứ thần tiên (Fairyland), Rabindranath Tagore đưa bạn đọc trở về tuổi thơ ấu trong thi ca. Nơi ấy, chẳng phải chốn thiên cung hay cõi trời chín tầng mây phủ, mà chính là vườn trần đang diễn ra nhịp sống bình dị thường ngày.
“Nếu có ai biết được vương cung của con nơi đâu, nó liền sẽ tan biến vào không trung.
Những bức tường màu trắng bạc và mái nhà vàng tơi sáng lóa.
Nữ vương sống trong cung điện có bảy khoảng sân, và bà đeo viên ngọc quý đáng giá bằng tất cả của cải bảy vương quốc.
Nhưng để con nói khẽ với mẹ, mẹ ơi, vương cung ấy nơi đâu.
Nó ở ngay góc sân thượng nhà ta nơi đặt những chậu cây tulsi” [3;31].
Thế giới trẻ thơ mang những phép màu non nớt và trí tưởng tượng tinh khôi. Bằng trí tưởng tượng ấy, bé phát hiện những điều kỳ lạ mà người lớn không thể ngờ đến. Hóa ra, người lớn đã bỏ lỡ biết bao nhiệm mầu tươi đẹp của cuộc sống. Trí tưởng tưởng non nớt của anh nhi hóa ra lại là cách thức cảm nghiệm sâu sắc phần ngon ngọt, ý nhị nhất của hồng trần. Vậy hạnh Anh nhi là hạnh nết thế nào? Đó là hạnh nết của trẻ hài nhi. “Lúc bấy giờ Phật bảo Ca Diếp Bồ tát: Này thiện nam tử! Như Lai muốn cho các Bồ tát nghe về Anh nhi hạnh. Anh nhi hạnh là hạnh nết của trẻ hài nhi miệng còn thơm sữa” [5;242]. Nết của trẻ hài nhi ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng, chẳng khác gì tự tánh thuần khiết như nhiên, chẳng hề vướng bận, chẳng hề dính chấp mọi sự. Hạnh nết trẻ thơ – ấy là hạnh nết của “người vô sự”. Có thể nói, trẻ thơ là người an nhiên, tự tại nhất trên đời. Nụ cười trẻ thơ là đóa hoa đẹp nhất trần gian. Tagore có những dòng thơ đặc tả nụ cười bé trong sáng vô ngần.
“Nụ cười khẽ rung trên môi bé khi bé tròn giấc ngủ, có ai biết nụ cười ấy sinh ra từ đâu? À, có lời đồn ấy là tia sáng trăng non thơ dại chạm vào rìa đám mây mùa thu đang tan biến, và ở đó nụ cười nguyên sơ khởi sinh trong giấc mộng của buổi ban mai đẫm sương, ấy là nụ cười khẽ rung trên môi bé khi bé tròn giấc ngủ” [3;5].
Cũng như ánh trăng non, bé thơ thanh khiết không tạp nhiễm trần cấu; như vầng trăng dẫu có lúc mây mờ che khuất nhưng hằng luôn thanh tịnh, rạng ngời. “Con đã làm bẩn ngón tay và khuôn mặt mình bởi vết mực khi viết, ấy lý do tại sao người ta nói con lấm lem?/Ôi, quái lạ! Liệu người ta có dám nói mặt trăng Rằm nhơ bẩn bởi vì nó bị vết mực vầng mây che mờ” [3;20]. Hơn hai ngàn năm trước, Đức Cồ Đàm cũng mượn hình tượng vầng trăng để khai thị chân lý tối thượng thanh tịnh, sáng ngời. “Tỳ kheo tuy nhỏ tuổi mà siêng tu giáo pháp Phật Đà, thì họ là ánh sáng chiếu soi thế gian như mặt trăng ra khỏi đám mây mù” [4;227]. Ánh trăng của Đức Phật chiếu diệu khiến cho đêm tối tiêu tan, Phật tánh bừng sáng.
“Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật;
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che” [4;115].
Rõ ràng, Phật tánh nguyên sơ trong tâm hồn trẻ nhỏ. Tagore cũng gợi tả những áng mây đời sống. Có thể trong phút chốc, áng mây che lấp vầng trăng, nhưng vầng trăng vẫn ở đó thong dong tự tại. Ấy vậy, người lớn không thể nhận ra mà trí ấu trĩ của trẻ con nhìn thấy bóng trăng sáng đẹp vô ngần. Nhà thơ tạo ra thế tương phản giữa đời sống người lớn (với những tam độc, những triền cái chẳng khác gì áng mây che phủ) và tâm hồn trong trẻo ngây thơ của đứa bé như vầng trăng non xinh xắn. Tagore sử dụng thủ pháp đối lập giữa những hoài nghi, tuyệt vọng, ghen tỵ, tham lam của nhân thế với hạnh nết tinh khôi, hiền từ, an nhiên của tâm hồn thơ ấu.
“Thiên hạ kêu la và tranh giật, họ hoài nghi và tuyệt vọng, họ không biết chấm dứt những tranh cãi của mình.
Này con ơi, con hãy mang đời con đến giữa bọn họ như ánh lửa sáng ngời, trong trẻo, thuần khiết, và ban cho họ niềm hỷ lạc vui thích trong tịch nhiên.
Họ độc ác vì tham lam và đố kỵ, lời lẽ họ cũng giống như những lưỡi dao khát máu che đậy.
Này con ơi, con hãy đến và đứng giữa trái tim sưng sỉa cáu giận của họ, và hãy đặt ánh mắt dịu dàng trìu mến của con nhìn vào họ thể như lòng từ ái bình yên của buổi tối bao phủ những xung đột thường ngày.
Và hãy để họ nhìn thấy khuôn mặt con, hỡi con yêu, để nhờ đó họ biết được nghĩa lý [màu nhiệm] của vạn hữu; khiến họ yêu thương con và nhờ đó họ biết yêu thương lẫn nhau.
Hỡi con ơi, hãy đến và ngồi vào cõi lòng vô hạn. Khi hừng đông, hãy mở rộng tâm hồn con như bông hoa đang nở rộ, và lúc tà dương, cúi đầu xuống trong tĩnh lặng, con trọn lòng ca tụng thường ngày” [3;79-80].
Với tâm hồn trong sáng, hạnh nết anh nhi như tấm gương phản chiếu những vấn nạn cuộc đời của người lớn. Tagore đã khéo léo đặt những tam độc, triền cái trước đôi mắt trong veo của trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, nhà thơ Tagore vẫn hay dùng những thủ pháp so sánh, nhân hóa để xây dựng thế giới tuổi thơ, để thổi hồn vào các sự vật hiện tượng. Đó cũng là cách thi hào xứ Ấn khám phá thế giới diệu kỳ của bé. Và qua góc nhìn hồn nhiên của bé, ông chuyển tải nghĩa lý sâu xa về sự ẩn tàng và hiển lộ của các hiện tượng đời sống. Giọt nước thấm nhanh xuống mặt đất khô cằn người lớn, nhưng giọt nước đó trượt lăn vui thích trên lá khoai xanh mướt trẻ con. Bé không để tâm phóng dật vào diễn hoạt ẩn hiện trần cảnh. Bé đùa giỡn, vui chơi với các biến tướng thế sự thể như điều gì đó hết sức đơn sơ.
“Khi những đám mây giông ầm ầm kéo đến bầu trời và những cơn mưa rào tháng sáu trút xuống,
Ngọn gió đông ẩm ướt tràn qua bãi thạch nam như thổi kèn giữa những lùm tre.
Thế rồi, những cụm hoa đột nhiên xuất hiện, từ nơi nào chẳng ai biết và nhảy múa trên bãi cỏ trong niềm vui thích nguyên sơ” [3;45].
Vì sao như vậy? Bởi vì hạnh Anh nhi tức hạnh nết chẳng chấp thủ, chẳng khởi các pháp tướng. Đức Thế Tôn dạy rằng: “Hài nhi này không thể đứng dậy đi tới đi lui nói chuyện. Như Lai cũng vậy, Như Lai không thể khởi dậy, vì Như Lai trọn vẹn chẳng khởi các pháp tướng. Như Lai cũng không thể đứng dừng, vì Như Lai chẳng chấp thủ tất cả pháp” [5;242]. Diễn hoạt của hạnh Anh nhi hay người có tính trẻ thơ, dù có đến có đi nhưng chẳng có đi có đến, vì chẳng dính mắc vào sự đến sự đi. Hệt như tính Như Lai đã đến đại Niết bàn rồi, người có hạnh Anh nhi dù cho nói nhưng kỳ thực chẳng nói, bởi vì không dính mắc vào sự nói, tức chẳng dính mắc vào các pháp hữu vi. Người có hạnh Anh nhi cũng nghĩ nhưng kỳ thực chẳng nghĩ, bởi vì không dính mắc vào sự nghĩ, chẳng lấy sự nghĩ ấy làm thật hay làm giả. Ngôn ngữ và nghĩ suy của người có hạnh Anh nhi cũng như trẻ thơ. Đó là diệu ngôn của chư Phật.
“Như Lai không thể nói, vì Như Lai dù nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra chẳng nói gì. Bởi vì pháp có cái để nói thì đó là pháp hữu vi. Như Lai không ngôn ngữ, như anh nhi ngôn ngữ chưa rõ, dù có ngôn ngữ, thật ra không ngôn ngữ. Ngôn ngữ chưa rõ chính là bí mật của chư Phật. Dù chư Phật có nói nhưng chúng sanh cũng chẳng hiểu, nên gọi là không ngôn ngữ” [5;242-243].
Bởi lắm khi người lớn chẳng hiểu lời của bé nên cho rằng lời bé hàm hồ. Nào biết bé thơ có được diệu ngôn của chư Phật – ngôn ngữ “bất khả đắc”. Trong tập thơ Trăng Non, bạn sẽ thấy những bài thơ như: Người hùng (The Hero), Những bông nhài đầu tiên (The First Jasmines), Cây Banyan (The Banyan Tree), Món quà (The Gift), Anh nhi thiên thần (The Child-Angel), Hoa Champa (The Champa Flower),… làm rõ thêm cách thế ngữ ngôn “bất khả đắc” như vậy. Cơ hồ, những bé thơ xinh xắn trong thế giới Trăng Non nói bằng diệu ngữ của chư Phật. Chẳng hạn đứa bé trong bài thơ Khi nào và tại sao (When and why), dù chẳng nói gì mà đã nói đủ thứ, nói những ý thường tình, nói những lẽ huyền vi, khiến cho mẹ nhận ra biết bao điều mầu nhiệm.
“Khi mẹ mang cho con đồ chơi đủ sắc màu, này con yêu, thì mẹ hiểu tại sao có cuộc chơi nhiều màu như thế trên mây trời, trong sóng nước và tại sao những bông hoa phô bày nhường ấy màu sắc – ấy là khi mẹ mang cho con những đồ chơi đủ sắc màu, hỡi con yêu.
Khi mẹ hát cho con nhảy múa, thì mẹ thực sự biết tại sao có tiếng nhạc trong lá cành, và tại sao muôn đợt sóng gửi trao điệp khúc âm thanh đến trái tim quả đất đang lắng nghe – ấy là khi mẹ hát cho con nhảy múa.
Khi mẹ trao những món ăn ngọt ngào vào đôi bàn tay háu ăn của con thì mẹ biết tại sao trong búp hoa có nhựa mật, và tại sao trái cây thầm chín mọng nước ngọt đầy – ấy là khi mẹ trao những món ăn ngọt ngào vào đôi bàn tay háu ăn của con.
Khi mẹ thơm má con làm con nhoẻn miệng cười, hỡi con yêu, thì mẹ hiểu chắc rằng niềm vui dâng trào từ bầu trời trong ánh ban mai, và hiểu được niềm hỷ lạc mà làn gió mùa hè thổi mát châu thân – ấy là khi mẹ thơm má con làm con nhoẻn miệng cười” [3;18-19].
Với ngữ ngôn “bất khả đắc”, trẻ thơ không vướng mắc vào danh tướng, hình tướng, dụng tướng của sự vật hiện tượng. Người mẹ phát hiện ra chính diễn hoạt của con yêu mới thành ra pháp hữu vi như là danh tướng, hình tướng, dụng tướng trong nghĩ tưởng của mẹ (chứ tự tánh con chẳng phải pháp hữu vi). Ấy là diệu ngôn của bé thơ, chẳng nói nhưng đã nói tất cả. Đức Phật từng dạy: “Như anh nhi gọi tên những đồ vật chẳng duy nhất, vì chưa biết rõ tên nhưng không phải chẳng nhân nơi đây mà được biết đồ vật. Cũng như vậy, tất cả chúng sanh chủng loại địa phương, ngôn ngữ chẳng đồng, Như Lai phương tiện thuận theo ngôn ngữ của họ, cũng làm cho các chủng loại nhân đó mà được hiểu biết” [5;243]. Biết mà chẳng bị cái biết đó trói buộc. Nhận diện nhưng không bị sự nhận diện đó trói buộc. Tính trẻ thơ chính là diệu dụng phương tiện Như Lai. Thấy vật như là chính nó, biết vật như là chính nó, không phải vì nó thật nên tin vào sự thật của nó, không phải vì nó giả mà tin vào sự giả của nó. Dù cho cha mẹ có đưa cho món đồ chơi này đồ chơi nọ, dù cha mẹ gọi vật này bằng danh gì đi nữa, thì trẻ thơ cũng biết thấy vật ấy như là vật ấy. Đó là giác tánh tao ngộ của trẻ thơ!
Cách thế tao ngộ của trẻ thơ không vướng mắc vào hoàn cảnh. Sở dĩ được như vậy, vì anh nhi không biết hay không phân biệt hoàn cảnh này với hoàn cảnh nọ. Con nít không bị rơi vào tình thế hay hoàn cảnh gây tạo “vấn đề” cho cảm thọ. Sự cảm thọ gây tạo bởi hoàn cảnh ở trong tâm hồn trẻ thơ rất đơn giản – chỉ là biết thấy thuần túy!
“Anh nhi hạnh cũng chẳng biết khổ vui, ngày đêm, cha mẹ, thân sơ, thương ghét, ân oán … Cũng vậy, Đại Bồ tát vì chúng sanh nên chẳng nghĩ đến khổ vui, không câu nệ ngày đêm, không phân biệt thân sơ cha mẹ. Cũng như vậy, đại Bồ tát vì chúng sanh nên chẳng để ý khổ vui, không phân biệt ngày đêm, tâm bình đẳng lợi ích chúng sanh không có tưởng thân sơ sai khác” [5;243-244].
Người có hạnh nết anh nhi gần với Đại Bồ tát! Người giữ nết anh nhi chẳng dính mắc vào các xúc cảm xảy đến. Xúc cảm dầu có xảy đến cũng chỉ như phối ứng tức thì của ngoại cảnh và một khi ngoại cảnh tan biến thì xúc cảm ấy cũng biến tan theo. Đó là “cơn mưa rào tháng sáu” của bé thơ trong vương quốc Trăng Non. Từ Thông pháp sư bàn về tính lý này như sau:
“Anh nhi có thấy, có nghe, có ngửi, có nếm, có xúc và có biết, nghĩa là anh nhi vẫn có đủ lục căn. / Lục căn của anh nhi xúc đối với lục cảnh, nhưng tâm cảnh như như bất động. Thấy mà như chẳng thấy gì, nghe rồi nói … mà chẳng nói gì và chẳng có gì nói được: “bất khả đắc”. “Bất khả đắc” là một ngôn từ thuộc loại ngôn từ vi diệu trong kho tàng bí mật của Như Lai!” [5;247].
Bí mật nhưng chẳng phải vì lời dạy của Đức Phật là mật pháp, mà bởi vì người cầu hữu thường mà Đức Thế Tôn nói vô thường nên thành ra bí mật, người cầu hư vọng mà Đức Thế Tôn nói phá bỏ hư vọng nên thành ra bí mật. “Bất khả đắc” ấy chẳng phải “bất khả đắc” của pháp ngôn mà tình trạng “bất khả đắc” của tâm thế tiếp nhận. Có lục căn nhưng không kết dính vào lục cảnh, hạnh nết anh nhi không dính mắc vào các hoàn cảnh ngoại tại đưa lại giống như cơn mưa kéo đi rồi kéo đi mà bầu trời thiên thanh vẫn bát ngát muôn đời.
“Nếu bé muốn, bé có thể bay lên cung trời ngay tức thì.
Chẳng phải vô cớ mà bé lại không rời xa chúng ta.
Bé thích tựa đầu vào lòng mẹ, mất hơi mẹ bé đâu có chịu được.
Bé thơ biết mọi lời lẽ khôn ngoan, dù ít người trong thiên hạ có thể hiểu nổi nghĩa lý lời ấy.
Chẳng phải vô cớ mà bé chẳng muốn nói.
Điều duy nhất bé thích chỉ là học tiếng mẹ từ đôi môi mẫu thân. Đó là lý do tại sao bé trông quá ngây thơ.
Bé có muôn vàn ngọc ngà châu báu nhưng lại đến hồng trần như một kẻ ăn xin.
Chẳng phải vô cớ bé cải trang như thế.
Người khất thực trần truồng đáng yêu này vờ như hoàn toàn chẳng tự lo được thân để có thể cầu xin tình mẹ dạt dào.
Và bé tự do khỏi mọi ràng buộc trong xứ sở trăng non nhỏ xíu” [3;7-8].
Đó cũng là lý do vì sao “Mẹ ước ao mình có thể đi trên con đường gặp gỡ tâm trí con, và vượt qua tất cả mọi ràng buộc” [3;17]. Người lớn luôn khát khao trở về tuổi ngây thơ, chẳng phải vì muốn thoát khỏi những ràng buộc đó sao! Không vướng mắc vào tình thế, hoàn cảnh, đó là phép màu nhiệm của hạnh nết anh nhi.
3. Lời kết
Tựu trung, “Anh nhi hạnh có nghĩa là nết hạnh của hài nhi. Ở phẩm hai mươi mốt này, Như Lai mượn cái nết hồn nhiên ngây thơ không biết đắn đo, không có ý tham cầu lấy bỏ, thân sơ thương ghét dùng để ví cái hạnh từ, bi, hỉ, xả ba la mật, bình đẳng tế độ chúng sanh qua nguồn giáo lý “Ưng vô sở trụ” của Đạo Phật” [5;246-247]. Theo lời dạy của Đức Thế Tôn, Tuệ Trung Thượng sĩ cũng từng có thơ: “Yếu đắc nhất cao siêu bỉ ngạn/ Hiếu tham đồng tử diện tiền nhân” (Thị chúng I); tạm dịch: “Nếu muốn vượt lên cao sang bờ bên kia/ Hãy hỏi đứa trẻ thơ ở ngay trước mặt”. Ấy vì đứa trẻ con sẵn có tự tánh thuần phác nguyên sơ, tự tánh biết thấy thuần túy cùng với diệu ngôn của chư Phật.
Qua tập thơ Trăng Non, Tagore đưa bạn đọc vào một thế giới diệu kỳ – xứ sở thần tiên, nơi tiếp chạm với những mầu nhiệm của sự sống. Nơi ấy, bạn sẽ trào dâng niềm xúc động bởi nhận ra cuộc đời hỷ lạc mênh mông bằng lòng yêu thương trong sáng và thuần khiết của trẻ thơ – lòng từ ái mà người lớn chúng ta tưởng đã cạn kiệt, có ngờ đâu hãy còn dạt dào. Bấy giờ, bạn sẽ phát hiện ra đứa trẻ nguyên thủy trong hồn mình, đứa bé muôn đời trong sáng như vầng trăng thiên thu chiếu diệu. Sau bao nhiêu chìm nổi thế sự, bạn tưởng rằng tâm hồn chai sạn già nua, nhưng phút chốc hồi sinh hạnh nết anh nhi, bạn liền thấy ánh trăng soi rọi và đứa trẻ vĩnh cửu hài nhi bỗng tu oa sẵn đó tự bao giờ. Chẳng cần xin “một vé đi tuổi thơ” như Nguyễn Nhật Ánh, bởi vì chỉ trong khoảnh khắc, bằng lời dạy của Đức Thế Tôn về hạnh nết anh nhi, bạn đã cầm trên tay tấm vé mầu nhiệm đó.
“Mẹ ơi, giờ con muốn ngưng học bài. Con đã ở bên quyển sách của mình cả buổi sáng.
Mẹ nói mới có giữa trưa thôi. Giả sử sớm hơn, liệu mẹ có thể tưởng bây giờ đang chiều khi chỉ mới đúng ngọ?
Con có thể dễ dàng mường tượng bây giờ mặt trời đã lặn xuống cuối cánh đồng lúa, và lão bà đánh cá đang hái rau cho bữa tối bên bờ ao.
Con chỉ cần nhắm mắt lại và nghĩ tưởng bóng đêm ngày càng dày đặc dưới tán cây madar, và mặt nước ao chiều dày thêm sắc tối.
Nếu giờ ngọ có thể đến trong đêm, sao đêm lại không thể đến khi trời trưa đúng ngọ?” [3;57]
Bước vào vương quốc Trăng Non, bỗng thấy mình nhỏ xíu và bạn trở về tuổi dại khờ để thưởng ngoạn cuộc đời qua đôi mắt trong veo của trẻ thơ.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyen Van Hai (1943). Thi hào Tagore (in lần thứ nhất). Tủ sách Danh Nhân. Hanoi: Tân Việt xuất bản.
2. Ernest Rhys (1915). Rabindranath Tagore – A Biographical Study. New York: The Macmillan Company.
3. Rabindranath Tagore (1913). The Crescent Moon (translated from the original Bengali by the author). London: Macmillan and Co., Limited.
4. Nārada Mahā Thera (dịch Pāli – Anh, 2004). Kinh Pháp Cú – Lời Phật dạy (Pāli-Anh-Việt-Hán đối chiếu) (HT. Thích Thiện Siêu dịch từ bản Hán ngữ, HT. Thích Minh Châu dịch từ bản Pāli ngữ). Hà Nội: Nxb. Hồng Đức.
5. Thích Từ Thông (2010). Đại Bát Niết Bàn Kinh trực chỉ đề cương – Tập II. Hà Nội: Nxb. Tôn giáo.