Bài viết này giới thiệu khái quát cách nhìn nhận của Đạo Phật về các vấn đề môi trường. Mặc dù chủ đề quá rộng lớn và phức tạp, nhưng người viết sẽ giới hạn bản thân trong một lời giải thích đơn giản về ba khía cạnh cơ bản của nó.
CÁCH HIỂU VỀ TỰ NHIÊN TRONG ĐẠO PHẬT
Tất cả sự sống đều tương quan và phụ thuộc lẫn nhau. Thiên nhiên hay môi trường tự nhiên của chúng ta vẫn còn sống và ít nhất có ý thức một phần. Nó không thiêng liêng, hoàn hảo cũng không xấu xa và để bị chinh phục. Thực tại thâm sâu của tự nhiên không tách rời khỏi bản chất giác ngộ hoàn toàn của chúng ta (Phật tánh).
Những người theo Đạo Phật hiểu “tự nhiên” như một cách gọi thông thường hữu ích mà không có bất kỳ nội tại, độc nhất nào để phân biệt tuyệt đối nó với những gì “không phải tự nhiên”. Theo nghĩa ít kỹ thuật hơn, đó là thế giới có điều kiện trước khi con người bóp méo cực độ các mô hình tương quan giữa con người và phần còn lại của các sinh vật sống trên hành tinh. Nó cũng có thể được hiểu là “mạng lưới sống” kết nối các cá nhân, cả hữu tình và vô tình, trong sự phụ thuộc lẫn nhau. Điều cuối cùng thực sự về mạng lưới đó là Phật tánh của nó. Thực tại thâm sâu đó của tự nhiên không tách rời khỏi bản chất hoàn toàn giác ngộ của chính chúng ta. Khi thanh lọc tâm trí, chúng ta trải nghiệm bản chất thực sự của tự nhiên. Và sau đó thấy rằng chúng ta đang thực sự sống trong một cõi Tịnh độ hay cõi Phật. Cõi Phật đó không phải ở đâu khác mà ở ngay đây. Lục Tổ Huệ Năng đã trích dẫn lời Đức Phật nói: “Tâm thanh tịnh, Phật quốc thanh tịnh.”[3].
Theo quan điểm của Phật giáo, con người không thuộc một phạm trù khác biệt và tách biệt với những chúng sinh khác. Bản chất của họ cũng không phải cao siêu. Tất cả chúng sinh đều được coi có Phật tánh, tức có tiềm năng giác ngộ viên mãn. Phật tử không tin vào việc đối xử với chúng sinh không phải con người như đồ vật cho con người tiêu thụ. Các bậc giác ngộ không làm tổn hại đến cuộc sống của chúng sinh. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ không phải là những bậc giác ngộ. Họ có lòng trắc ẩn đối với những chúng sinh chưa giác ngộ, những người bị ràng buộc vào thế giới ô nhiễm của chúng ta, đầy đau khổ và chịu đựng và những người không trải nghiệm bản thân như đang sống trong một cõi Phật thanh tịnh.
Bằng cách nhìn vào bên trong, bên trong thân tâm của chính mình, người ta dần dần nhận ra rằng không có sự phân chia cuối cùng giữa bên trong và bên ngoài. Các mô hình của môi trường tự nhiên không tách rời khỏi các mô hình cơ thể và tâm trí chính chúng ta. Kinh nghiệm về những khuôn mẫu đó không được coi là chân lý tối hậu hay mục tiêu của sự thực hành Phật giáo, nhưng nhận thức về chúng là một khía cạnh quan trọng của con đường dẫn đến giác ngộ.
THIÊN NHIÊN VÀ CON ĐƯỜNG GIÁC NGỘ CỦA PHẬT GIÁO
Thiên nhiên hoang dã rất quan trọng đối với những người theo Đạo Phật vì nó cung cấp một nơi có thể đạt được sự tiến bộ nhanh chóng trong thực hành Phật giáo, hay sự tự trau dồi bản thân. Thiên nhiên tạo nền tảng và có thể xoa dịu chúng ta. Những địa điểm tự nhiên hoang sơ, thường là những nơi hoang dã, nơi năng lượng tự nhiên yên bình, là những nơi lý tưởng để thực hành Phật giáo. Đây là điều mà một số nguồn Phật giáo truyền thống cho chúng ta biết về những lợi ích của môi trường tự nhiên như một nơi để thực hành Phật giáo.
Pháp tu khổ hạnh thứ tám (trong số mười hai hoặc mười ba) được Đức Phật khuyến cáo là trú trong rừng. Đức Phật nói: Ta hài lòng với vị Tỳ kheo [tu sĩ] “ở trong rừng” (A. iii 343). Và khi vị ấy sống ở một nơi xa, tâm vị ấy không bị phân tâm bởi những đối tượng thị giác không thích hợp,… Anh ấy không còn lo lắng; anh ta từ bỏ những chấp trước vào cuộc sống; anh ấy tận hưởng hương vị của niềm hạnh phúc của sự ẩn dật….[4]
Ajahn Mun (1870-1949), một bậc thầy vĩ đại của Phật giáo Thái Lan hiện đại đạt được thành tựu từ truyền thống thiền định trong rừng đã nói điều này về việc “ở lại nơi hoang dã”: “…Nơi nào càng hoang vắng và xa nơi ở của con người, với những con thú hoang dã tự do đi lại, thì tâm càng sẵn sàng để bay lên khỏi vực thẳm phiền não, lúc nào cũng giống như một con chim sắp bay. Phiền não vẫn còn đó trong sâu thẳm tâm trí, nhưng trong một môi trường như vậy, sức mạnh của tâm trí được phát triển rất nhiều và dường như đã loại bỏ được hàng trăm phiền não, chỉ còn lại một số ít. Đây là ảnh hưởng của môi trường luôn khuyến khích người tầm đạo” [5].
Thiền sư Trung Quốc là Hàn Sơn (thế kỷ thứ VII) đã viết những câu thơ sau về việc sống và thiền định trên núi:
Nơi thiên nhiên hoang vắng
Xuất hiện một Thiền sư
Uống trọn áng mây hồng
Sống cuộc đời chánh hạnh
Rời xa chốn hồng trần.
Ở chốn tiên cảnh này
Thời tiết đẹp bốn mùa
Êm đềm và mát mẻ
Thu hạ đều như thế
Nơi thâm sâu hẻo lánh
Tiếng suối chảy róc rách
Tiếng gió thổi rì rào
Bên những rặng thông cao
Thiên nhiên êm ả thế;
Người ngồi đây nửa ngày
Như lạc vào tiên cảnh
Quên đi những muộn phiền
Tồn tại một trăm năm.
Thiên nhiên như tuyệt tác
Với trùng trùng núi cao
Uy nghiêm và hùng vĩ
Hòa với suối trắng muốt
Đẹp như một bức tranh.
Dọc sườn đồi xanh mướt
Được bọc bởi sương mù
Cùng những áng mây hồng
Ôi! thiên nhiên tuyệt diệu.
Sương sớm lướt qua nhau
Như những cơn mưa phùn
Làm ướt đẫm khăn bông
Cả áo mưa bằng rơm
Được khoác trên người tôi.
Trên đôi chân của tôi
Là đôi dép huyền thoại;
Trên tay phải của tôi
Là một cành mía già
Và lại một lần nữa
Tôi nhìn về xa xăm
Cõi mộng ôi tuyệt thế
Sao phải bận chuyện đời. [6]
Tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều đã có những trải nghiệm cho phép bản thân đánh giá cao những tình cảm thể hiện trong bài thơ đó.
BẢN CHẤT, NGHIỆP BÁO VÀ ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
Cốt lõi của đạo Đức Phật giáo dựa trên cơ sở nghiệp là tôn trọng sự sống, đặc biệt là sự sống hữu tình. Ở mức độ hiểu biết trong đời sống hàng ngày, thiên nhiên thay đổi theo nghiệp (các mô hình hoạt động nhân quả có chủ ý và hậu quả của chúng) của tất cả chúng sinh. Ô nhiễm tinh thần gây ra ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường thúc đẩy ô nhiễm tinh thần.
Nơi bắt đầu để hiểu bất cứ điều gì về Phật giáo là nghiệp. Nghiệp là mạng lưới nhân quả của những hành động cố ý, cả về tinh thần và thể chất, đó là nền tảng của sự hiểu biết đạo đức Phật giáo. Nguyên tắc quan trọng nhất của đạo đức dựa trên nghiệp của Đạo Phật là Ahimsa, nguyên tắc không làm hại và tôn trọng sự sống. Điều này không chỉ đề cập đến sự tôn trọng đối với con người, mà còn đối với mọi biểu hiện của sự sống trên hành tinh, đặc biệt là sự sống có tri giác.
Khi tâm của con người được thanh lọc, hành động của con người được thanh lọc. Kết quả là, không chỉ thái độ tinh thần bất hòa hoặc có hại cho thiên nhiên biến mất, mà trạng thái tinh thần mới của con người trực tiếp dẫn đến những hành động giác ngộ hơn trong mối quan hệ với thiên nhiên và ảnh hưởng giác ngộ hơn đối với những người khác về thiên nhiên. Ngoài ra còn có sự ảnh hưởng từ hành động đến tâm trí. Khi chúng ta hành động có trách nhiệm hơn đối với cuộc sống trong tự nhiên hoặc cuộc sống với tư cách là tự nhiên, hành động của chúng ta sẽ càng thanh lọc và làm sáng tỏ tâm trí. Việc xem xét các hành động và hậu quả của chúng sẽ dẫn chúng ta đến hành vi đạo đức có trách nhiệm hơn với môi trường.
Chư Tăng Ni, cư sĩ Phật tử nguyện tuân theo giới luật nghiêm cấm làm hại môi trường, có lời thề bảo vệ sự tinh khiết của nước; vì không giết hại chúng sinh sống trên trái đất; không sát hại sâu bọ, chim chóc, thú vật; để không gây cháy rừng; và tôn trọng sự sống của cây cối, đặc biệt là những cây cổ thụ. Trong thế giới đương đại, các cộng đồng tu viện Phật giáo đang phát triển một cách mới để áp dụng các nguyên tắc Phật giáo cổ xưa vào môi trường của chính họ. Ví dụ, trong Tổng hội Phật giáo Pháp giới, chư Tăng Ni và cư sĩ tham gia vào việc tái chế; trong việc dạy các cư dân trong chùa và những người ủng hộ chùa không làm ô nhiễm không khí, đất và nước của họ; và trong việc trồng lại tài sản của ngôi đền.
Trong khi thực hiện nghi thức Phật giáo cổ xưa là giải cứu các loài chim và động vật ban đầu bị giết và giải thoát chúng, họ đang phát triển một mối quan tâm sinh thái mới để đảm bảo những chúng sinh đó được thả vào môi trường sống phù hợp với môi trường. Các nguyên tắc của hệ sinh thái từ bi cũng đang được giảng dạy trong các trường Phật giáo của hiệp hội.
Tóm lại, một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn thế giới tự nhiên trong sạch như một nơi để thực hành trên con đường giác ngộ. Đức Phật đã nói điều này về những gì chính Ngài đã trải qua: Ở đó, tôi nhìn thấy một dải đất thú vị và một khu rừng xinh đẹp, một dòng sông chảy trong vắt với một khu rừng thú vị nên tôi ngồi xuống đó suy nghĩ. Thật vậy, đây là một nơi thích hợp để phấn đấu cho sự chứng ngộ rốt ráo về sự an ổn tối cao bất sinh từ trói buộc, Niết bàn [7].
Chú thích:
* Tác giả: Ron Epstein, đăng tải tại Vajra Bodhi Sea: A Monthly Journal of Orthodox Buddhism, vol 35, series 83, March 2005, pp. 28-31, Thích Nữ Diệu Hạnh (dịch). Dịch giả hiện là Nghiên cứu sinh tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
[1] Based on a talk given at the ‘Thinking Green, Celebrating Green’ Forum, City of Ten Thousand Buddhas, Talmage, California, December 18, 2004.
[2] Ron Epstein is a Research Professor at the Institute for World Religions in Berkeley, California. He has taught at Dharma Realm Buddhist University, University of California at Davis, and San Francisco State University, and has written extensively on both Buddhism and environmental ethics.
[3] The Sixth Patriarch’s Dharma Jewel Platform Sutra , 3rd edition, p . 184.
[4] Buddhaghosa (ca. 5 th cent. CE). The Path of Purification , II, 54, 55.
[5] The Venerable Phra Acharn Mun Bhuridatta Thera, Meditation Master , p. 41.
[6] Translations by Robert G. Hendricks, The Poetry of Han-Shan : A Complete, Annotated Translation of Cold Mountain.
[7] Ariyapariyesanaa Sutta, Majjhima Nikaaya, 26; quoted in Donald K. Swearer, ‘”Rights” Because of Intrinsic Nature or“Responsibilities Because of Mutual Interdependence,’ p. 90 IN Buddhist Perspectives on the Earth Charter, 1997.