Hồ Biểu Chánh (1884-1958) là một gương mặt đặc sắc trong văn chương tiểu thuyết Nam bộ. Bằng phong cách có định hướng rất riêng và rõ ràng, tác giả đã để lại một thành tựu lớn trong lĩnh vực tiểu thuyết với 64 tác phẩm nói riêng, các thể loại khác nói chung. Với tinh thần lao động bền bỉ, tác giả đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học để đời. Những tiểu thuyết với nội dung đạo lý nhân văn làm chủ đạo mang đậm hương vị Phật giáo lẫn Nho giáo là những sáng tác đặc thù của nhà văn miền quê Nam bộ. Nói như vậy để thấy những tiểu thuyết phóng tác mang đậm chất giáo dục nhân văn là món ăn tinh thần không thể chối bỏ của giai đoạn này mà nhà văn kịp thời nhận thức rõ. Như thế thật sự việc tìm hiểu giá trị nội dung mang đậm dấu ấn của Phật giáo thông qua những nhân vật trong các tiểu thuyết như Ngọn cỏ gió đùa, Một đời tài sắc và Một đóa hoa rừng là việc làm rất đáng quan tâm. Do đó, người viết chọn đề tài: “Tư tưởng Phật giáo trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh” dựa trên sự khảo sát ba tiểu thuyết vừa nêu để làm sáng tỏ những giá trị Phật giáo đã thể hiện trong đó.
TINH THẦN TỪU BI – THIỆN LƯƠNG CỦA PHẬT GIÁO
Suốt chiều dài lịch sử dân tộc, Phật giáo như cái áo choàng văn hóa khoác lên khắp các vùng miền của Việt Nam, tất nhiên tùy vào mỗi vùng miền mà chiếc áo choàng đó sẽ mang lại sự ấm áp khác nhau. Phật giáo đã thâm nhập vào đời sống và góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Có lẽ văn hóa đặc trưng nhất của Phật giáo làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam đó là Từ bi – Vô ngã – Vị tha, giàu lòng nhân ái và thiện lương.
Khái niệm Từ bi của Phật giáo mang ý nghĩa phổ độ lòng yêu thương bao gồm cả con người và mọi hệ động thực vật khác, chứ không chỉ giới hạn tình yêu thương đối với con người và vài động vật yêu quý khác gần gũi với con người. Vậy nên có người đã khẳng định rằng: “Từ bi của Phật giáo là lòng thương xót bao trùm lên cả chúng sinh, tức bao gồm con người, động vật và thực vật” [1]. Nhờ vậy, khi nước ta trong suốt ngàn năm Bắc thuộc, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đem giáo lý từ bi, hỷ xả làm chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp họ vượt qua bể khổ, để một ngày sớm cởi ách nô lệ. Tư tưởng từ bi đã đi từ thực tiễn đến những ca dao tục ngữ của Việt Nam và trở nên phổ biến trong đời sống. Khi muốn khuyến thiện, ông bà ta thường có những câu như: “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”, “Ác giả ác báo, thiện giả thiện lai”. Khi quê hương đất nước gặp thiên tai địch họa, ông cha ta thường khuyên con cháu hãy ra tay tương trợ và cứu giúp đồng bào như: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”,… Điều ấy càng minh chứng rằng tư tưởng từ bi của Phật giáo và truyền thống rộng mở bao dung của bản địa Việt Nam hòa vào nhau như nước với sữa. Tinh thần này còn biểu hiện qua nhiều lời giáo huấn của các bậc Thiền sư yêu nước trong suốt chiều dài lịch như: Thiền sư Khuông Việt, Thiền sư Vạn Hạnh, sư Đỗ Pháp Thuận, vua Trần Thái Tông, Phật hoàng Trần Nhân Tông, Tổ Pháp Loa, Tổ Huyền Quang,… đọc lại bài Quốc tộ của Thiền sư Đỗ Pháp Thuận để cảm nhận rõ hơn:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh.
Đoàn Thăng dịch:
Ngôi nước như mây quấn
Trời Nam mở thái bình
Vô vi trên điện gác
Chốn chốn tắt đao binh.
Tinh thần từ bi, thiện lương của Phật giáo đã xuyên thấm trong lòng nhân dân từ quá khứ đến hiện đại, bất kể ở dù ngoài Bắc hay trong Nam, hễ là con dân Việt đều có tấm lòng yêu thương đồng loại, dân tộc, giống nòi. Trong kho tàng văn học Việt Nam nói chung và tiểu thuyết Nam bộ nói riêng, tinh thần từ bi, hỷ xả đã được thể hiện rất rõ. Qua các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, ta thấy rõ tâm từ bi, lòng thiện lương là một đặc điểm đạo lý nổi bật mang tính chủ đạo và xuyên suốt sự nghiệp cầm bút của ông. Khảo sát qua ba tác phẩm Ngọn cỏ gió đùa, Một đời tài sắc, Một đóa hoa rừng của Hồ Biểu Chánh đều cho thấy chất liệu từ bi yêu người thương vật được thể hiện ở 3 hình thức: ý nghĩ, lời nói, việc làm.
Thứ nhất, ý nghĩ thiện lành là một điểm chung có thể nhận thấy rõ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh. Tùy vào nhân vật, bối cảnh, hoàn cảnh cốt truyện thì nhân vật sẽ có những ý nghĩ tự sự diễn ngôn độc thoại hay đối thoại để thể hiện cái tâm từ bi, thiện lành của mình. Ý nghĩ thiện lương, giàu nghĩa tình đều xuất phát từ đối tượng là những bậc thầy tâm linh, những người Phật tử, hay đáng chú ý hơn phần lớn xuất phát từ những con người có số phận nghèo nàn, có điểm xuất phát thấp, mặc dù họ đã từng chịu nhiều đối xử oan trái bất công, hay chịu những đàn áp cay nghiệt của tầng lớp thống trị trong xã hội cũ.
Đến với Ngọn cỏ gió đùa, Lê Văn Đó đã tự sự với ngôn ngữ giàu lòng trắc ẩn: “Sao ngày trước mình nghèo đói, người ta không giúp đỡ, mình biết oán trách giận hờn người ta, rồi bây giờ mình gặp người nghèo đói mình đã không thương, mà lại còn giựt cơm của người ta mà ăn nữa?”. Còn đây là lời cầu nguyện đầy lòng yêu thương của Hòa thượng Chánh Tâm đối với Lê Văn Đó: “Ngài cầu khẩn Phật đặng cho lòng oán thù hung ác của Lê Văn Ðó hóa ra lòng từ bi thanh tịnh như của Ngài vậy”. Hay ở một đoạn khác là ý nghĩ rất tích cực và thiện lương của Lê Văn Đó khi hắn hồi tưởng về lời dạy của Hoà thượng Chánh Tâm: “Anh ta lại nhớ những lời của Hòa Thượng Chánh Tâm giảng dụ, biểu đừng có trách trời, đừng có oán người, từ nhỏ chí lớn mình bị hoạn nạn ấy là tại phần nghiệp của mình phải như vậy, chớ không phải thiên hạ họ riêng ghét mình. Phật thuở xưa còn phải chịu khốn khổ, còn phải bị khinh bỉ thay. Nhờ có kham nhẫn trước khốn khổ sỉ nhục, Đức Thích Ca mới thành Phật được. Vậy mình phải ráng mà chịu khốn khổ kiếp này, đặng kiếp sau mình an hưởng thanh nhàn”. Trong Một đời tài sắc, trước khi Xuân Hương chấp nhận gả cho gia đình cường phú Trương Hoàn Kiết để giải cứu cho gia đình mình và gia đình của Thiện Ý (người hứa hôn với nàng), nàng đã độc thoại những lời tự sự nghĩa tình đầy tâm trạng: “Vui phận mình mà buồn nhiều người, vui làm sao cho đặng? Rõ ràng bên hiếu nặng hơn bên tình nhiều lắm. Thí một đời mình trả thảo cho cha mẹ, lại trả thảo luôn cho bên chồng nữa, thì còn dụ dự nỗi gì… Cái đời mình hữu dụng là nhờ có dịp này, chẳng nên bỏ qua cái dịp tốt ấy. Mình coi kinh Phật thường thấy câu: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, tan tức là hiệp, hiệp tức là tan”. Còn trong Một đoá hoa rừng, ở xứ Đường Long, cậu Sáu được mọi người kính phục và Quế cũng có tâm ý như vậy: “Cả thảy người ta đều kính phục cậu Sáu, Quế ở trong nhà có lẽ nào nó lại bơ khờ. Quế cũng kính phục cậu lắm, tận tâm lo phụng sự cậu, cậu cần việc gì thì Quế cũng làm cho cậu vui lòng”.
Thứ hai, những lời nói ái ngữ, dễ thương đầy tình người của các nhân vật cũng được nhà văn gửi gắm để lan tỏa thông điệp bi từ và nghĩa tình của con người Việt Nam ở vùng cực Nam của Tổ quốc. Chẳng hạn lời của Hòa thượng Chánh Tâm: “Cửa Phật phải mở rộng cho mọi người, dầu người hung dữ đến đây cũng phải chứa, chẳng luận là kẻ đói lạnh. Ðạo chẳng nên nghi quấy cho người ta mà tổn công đức”. Hay ở một đoạn khác, khi Lê Văn Đó bị bắt vì trộm đồ trong chùa, nhưng Hòa thượng Chánh Tâm vẫn có những lời lẽ hết sức từ bi để nói đỡ cho Lê Văn Đó: “Hòa thượng bước lại đứng trước mặt Lê Văn Ðó rồi hỏi rằng: “Hồi hôm bần đạo có tính để sáng bần đạo cho bạc thêm nữa, sao chú em nó không chờ, lại từ mà đi sớm dữ vậy?” Hòa thượng bèn day qua nói với Lý trưởng Thân rằng: “Người này không phải là người gian. Ðồ nầy là đồ của bần đạo cho. Chớ không phải là đồ ăn trộm đâu. Làng xóm bắt dắt trở lại đây thất công, thiệt tội nghiệp quá.”. Đến với Một đời tài sắc độc giả ắt hẳn sẽ cảm phục và tán dương cho những lời lẽ hiếu đễ của Xuân Hương khi biết chia sớt hiểm nạn, mối nguy hại của gia đình cùng ba của mình, nên cô thưa rằng: “Thưa ba việc ba tỏ với con hôm qua đó, con đã suy nghĩ kĩ rồi, con đành làm dâu ông huyện Trương Hà,… con xin ba vững lòng tĩnh trí mà lo việc nhà, nhất là sắp đặt thế nào đặng cho má đừng buồn rầu. Người đời có chịu khổ nhiều mới mong gỡ khổ được, chịu khổ là giải thoát, ba nên mừng chớ đừng có buồn”.
Trong Một đoá hoa rừng, qua lời kể của Quế cũng thấy được sự thiện lương của những con người nơi xứ Đường Long: “Ở đây người ta thiệt thà, ai cũng lo làm ăn, không chịu gian xảo. Bởi vậy ban đêm không cần đóng cửa, cậu không thấy sao nhà nào cũng không có làm cửa”. Rồi qua đoạn đối đáp với cô Quế hỏi về tiếng chuông chùa, phải chăng cậu Sáu thấy trong lòng đã thật sự được đánh thức bởi sự thiện lương, từ ái và đây là những lời phản tỉnh của cậu Sáu: “Nghe tiếng chuông sao lòng tôi ngậm ngùi, khó chịu dữ. Để mai cô làm ơn chỉ cho tôi biết coi chùa ở chỗ nào, đặng tôi đi cúng Phật”.
Thứ ba, đó là những hành động dễ thương cụ thể là kết quả tốt đẹp từ ý nghĩ và lời nói dễ thương, mộc mạc và lương thiện. Trong Một đoá hoa rừng, hành động thiện lành đáng chú ý được thể hiện qua việc cậu Sáu trả lại tiền cho ông ba Lung: “Xong nghe ông là người lương thiện mà bị hoạ thì tôi thương,… Ông già cả thôi để tôi thường đủ số 130 đồng bạc cho ông, ông đừng buồn rầu nghe hôn. Quân gian giựt của ông; tôi ngay mà thường cho ông…. Cậu lấy bạc ra mà đếm 130 đồng mà đưa cho ông Ba Lung”. Hay mọi người xứ Đường Long đều có những hành động cư xử trọng hậu với cậu Sáu: “Già trẻ gặp cậu thảy đều cung kính chào mừng, ai có dịp đi chợ cũng ghé hỏi bà Ba coi cậu Sáu có muốn gửi mua thứ gì đặng họ mua giùm cho cậu. Ai có trái cây hoặc khoai củ ngon cũng đem dâng cho cậu ăn chơi, cậu nài trả tiền không ai chịu lấy”. Đọc Một đời tài sắc làm người ta không khỏi chạnh lòng cho hoàn cảnh của nhân vật nữ chính – Xuân Hương. Dầu cho chồng nàng phản bội, nhưng nàng vẫn một dạ một lòng thuỷ chung sắc son. Trương Hoàn Kiết bỏ vợ con lên Sài gòn theo người tình và bị chết đột ngột vì trụy tim, nhưng nàng không oán đã đành, lại quyết xin ba chồng lên tới nơi để lo hậu sự: “Cha của Hoàng Hải dầu không thương con đi nữa cũng là chồng của con. Lúc còn sống mà con chưa dám phiền trách thay, nay rủi mất rồi, dầu quấy dầu phải con cũng phải quên hết chuyện cũ. Để lòng lo đáp nghĩa cho chồng con. Vậy cúi xin ba rộng lòng cho phép con đem Hoàng Hải lên Sài Gòn đặng mẹ con con cử tang và lo chôn cất chồng con cho trọn niềm chồng vợ”.
Riêng tiểu thuyết Ngọn cỏ gió đùa có nhiều hành động nhân nghĩa của nhiều nhân vật, kể ra đây có hai hành động khá ấn tượng người đọc. Thứ nhất là hành động từ bi của Hòa thượng Chánh Tâm khi bênh vực và nói đỡ khi Lê Văn Đó bị bắt và bị tố ăn trộm bộ chén với cái bình của chùa, hơn thế Ngài còn cho Lê Văn Đó thêm bạc làm lộ phí: “Hòa Thượng lột mão hiệp chưởng, mở nút áo cà-sa, rồi đi thẳng vào hậu trai. Cách chẳng bao lâu, Ngài trở ra, mình mặc áo quần lụa trắng, vai vắt một cái khăn trắng, tay cầm 5 nén bạc đưa cho Lê Văn Ðó mà nói rằng: “Ðây, chú em nó lấy ít nén bạc đây mà làm phí lộ. Bần đạo tu hành, nên không có tiền bạc nhiều, vậy chú em nó lấy đỡ bao nhiêu đó mà đi về xứ; như đi dọc đường có hụt tiền thì kiếm nhà giàu mà bán bộ chén với cái bình đó, có lẽ cũng đủ mà về tới nhà được”. Thứ hai là hành động Lê Văn Đó cư xử rất nhân đạo với Phạm Kỳ – một quan lại đương thời khi thả người này đi mà không giết: “Lê Văn Ðó bước lại mở trói cho anh ta rồi nói rằng: “Tuy ta là quân trộm cướp, song ta có nhơn, chớ không phải độc ác như các quan của mi vậy đâu. Ta tha mi đa, mi muốn đi đâu thì đi đi”. Phạm Kỳ riu ríu bước vào rừng”.
Các nhân vật trong ba tiểu thuyết đều có xuất thân là những người nông dân nghèo khổ chân thật, bình dị. Thông qua hình ảnh của họ đã phản ánh đời sống hiện thực lam lũ cực khổ của nông dân Nam bộ thời bấy giờ dưới sự thống trị hà khắc của thực dân Pháp. Qua những câu thoại hằng ngày cũng cho thấy người nông dân Nam bộ chịu ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo sâu sắc như dấu ấn Từ bi, Hỷ xả, niềm tin nhân quả báo ứng, trọng nghĩa khinh tài. Cuối cùng hơn hết trong cuộc sống thường ngày là biết quay trở về với đời sống tâm linh thể hiện lòng từ bi, biết yêu mình, thương người, quý vật. Có thể khẳng định đó là niềm tin vững mạnh nhất của nhân dân Nam bộ trong đời sống.
TIN SÂU LỜI PHẬT, NHÂN QUẢ, TỘI PHƯỚC
Ông cha ta có truyền thống kính tin Trời, Phật, điều này thấy rõ qua các câu ca dao như “Trời cao có mắt”, “Người tính không bằng trời tính”, “Số trời đã định”,… Tín ngưỡng tâm linh thờ cúng Trời, Phật là một văn hóa đẹp của người Việt Nam xa xưa, mà “hễ có bất cứ khúc mắc trở ngại hay dịp may, vận phúc họ đều hướng đến đến Trời, Phật, Thánh thần” [3]. Người Việt dù ở đâu đi chăng nữa thì đều tin rằng Trời, Phật như những đấng siêu nhiên luôn quan sát và suốt biết mọi sinh hoạt trong cuộc sống của con người: “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Trời, Phật đã trở thành lời nói cửa miệng hết sức quen thuộc của người dân Việt từ xưa đến nay. Rõ ràng, “tín ngưỡng kính Trời thờ Phật hòa quyện vào nhau, mang tính dân gian bình dị, thể hiện rõ nét niềm tin “ở hiền gặp lành”, “gieo phúc được phúc”.
Tin rằng Trời là một chủ thể có sức quyết định đối với việc trồng trọt của nông dân đã thể hiện rõ trong Ngọn cỏ gió đùa: “Tại Giồng Tre có nhà bà Trần Thị bần cùng đói rách, thuở nay trời cho trúng mùa mà nhà bà cũng không được vui, huống chi năm nay mất mùa, thiên hạ nhịn đói, thì nhà bà càng thảm khổ hơn nữa”. Trong Một đời tài sắc, đoạn thoại của cha chồng cô Xuân Hương khi an ủi cô lại cho thấy Trời là nơi nắm giữ quyền năng định đoạt sự duyên của con người: “Thôi, việc đã qua rồi, còn tiếc làm chi. Bây giờ phải lo cho vợ con nó. Con Ba nè, trời đất khiến như vậy, con cũng chẳng nên buồn làm chi. Con còn nhỏ quá, cha mẹ không lẽ ép con phải thủ tiết với chồng”. Xuân Hương bộc bạch tỏ tường ý nguyện của nàng trước hai bên cha mẹ cho thấy niềm tin vào Phật Trời là niềm tin sâu sắc, điều này thường thấy trong lời nói của người dân Nam bộ: “Con lấy chồng, con vẫn tưởng tơ tóc bền chặt, cầm sắc hài hòa, trước đẹp dạ mẹ cha, sau vui niềm gia thất. Nào dè cái mạng của con, bước chân vào đường đời, vừa mới đi được một khúc thì gãy gánh cang thường. Phật, Trời đã khiến cái mạng con như vậy, thì con vưng chịu chớ con không phiền trách chi hết”. Trong Một đoá hoa rừng, mỗi khi bàn về một vấn đề gì thì các nhân vật lại quy hết sự cớ cho Phật, Trời. Chẳng hạn khi ông Ba Lung được cậu Sáu cho 130 đồng thì vui vẻ mà nói “Cậu thiệt là người nhơn đức, biết thương kẻ nghèo. Tôi vái Phật, Trời phò hộ cậu luôn luôn, cho cậu giàu sang đặng cứu giúp thiên hạ”; bà Ba mẹ của Quế khi nghe cậu Sáu chưa lấy vợ thì nói rằng: “Vợ chồng phải có duyên nợ thì mới hiệp nhau được. Chắc là cậu chưa gặp duyên nợ, nên Trời khiến lòng cậu chưa muốn vợ”; còn khi cậu Sáu thổ lộ tình cảm với Quế cũng mượn cớ Trời xuôi: “Qua gặp em, Trời xuôi khiến qua đem lòng thương em”.
Qua các dẫn chứng trên ta thấy niềm tin vào Trời, Phật không chỉ có từ thời xa xưa, mà văn hoá này vẫn còn nguyên vẹn trong từng ý nghĩ, lời nói, hành động hằng ngày của nhân dân Nam bộ đầu thế kỷ XX. Khi gặp điều vui hay buồn, họ đều cho đó là sự sắp đặt của Trời, Phật. Họ tin Trời, Phật có cái quyền năng chi phối mọi thứ. Đa phần xem nó như một quy luật tất yếu, song vẫn có ít trường hợp bất bình trước số phận, quay trở lại hoài nghi, thậm chí trách móc, chống đối quyền năng sắp đặt của Trời.
Căn cứ vào lời Phật dạy, nhân quả có ba loại [5]: hiện báo, sanh báo và hậu báo, nên khi chưa tường tận lý nhân quả thì có: “Kẻ phàm phu phần nhiều hay sanh lòng nghi hoặc. Vì thấy ở đời người làm lành lại gặp nhiều trắc trở, kẻ làm ác mà được mọi sự an hòa, mới cho rằng việc lành dữ không có phân minh, người chấp như thế bởi không đạt thấu lý sâu xa nghiệp báo” [6]. Sự hoài nghi này thể hiện qua lời của một người già trong “đám hồn ma” nói với Lê Văn Đó: “Cháu thấy hay chưa, kẻ giàu sang họ hại cháu là đứa nghèo hèn đến nỗi tan nhà nát cửa, làm cho mẹ với cháu đói khát mà chết hết, vậy mà họ cũng còn sung sướng, quan đã không phạt họ, mà trời cũng không hại họ, thế thì hai chữ “công bình” là chữ người ta bày đặt mà gạt bọn nghèo hèn như chúng ta đây, chớ không có nghĩa lý chi hết. Cháu coi lấy đó mà coi, chúng ta oán loài người có đáng hay không hử?”. Tuy nhiên, đối với Phật giáo thì lại có cái nhìn khác hơn, đó là sự bình đẳng đối với hết thảy chúng sanh thông qua lời của Hòa thượng Chánh Tâm nói với Lê Văn Đó: “Phật không phân biệt kẻ sang người hèn, kẻ lành người dữ. Phật thì tế độ chúng sanh. Bần đạo đã có dạy dọn cơm rồi. Vậy chú em nằm mà chờ một chút, rồi tăng chúng sẽ dọn cho mà ăn”. Như thế cho thấy họ có niềm tin vào Trời, Phật, nhưng có thể lúc nào đó trong tuyệt vọng niềm tin ấy bị đặt vào khung câu hỏi cứ neo lẳng lơ trong đầu.
Người Việt khi có niềm tin sâu Trời, Phật đa số đều tin luật nhân quả. Họ đều nghĩ Trời, Phật luôn biết hết mọi việc làm thiện ác, công tội của con người. Tuy nhiên theo Phật giáo, con người phải chịu trách nhiệm cho mọi ý nghĩ, lời nói, hành động của mình. Nói đến nhân quả theo nhãn quan của Phật giáo, tác giả Thích Thông Huệ cho rằng: “Nhân là nguyên nhân, nguồn gốc, mầm mống, Quả là kết quả, thành tựu, báo ứng. Tất cả mọi sự vật hiện tượng trên đời, không vật gì do ngẫu nhiên tạo ra, mà phải có nguyên nhân từ trước. Ngược lại, một nguyên nhân muốn có kết quả, cũng phải có sự hỗ trợ của nhiều yếu tố gọi là Duyên. Lý Nhân quả, hay nói đầy đủ là Nhân – Duyên – Quả, chi phối toàn thể vũ trụ vạn loại, là nguyên lý tuyệt đối. Đức Phật không phải là người khai sinh ra đạo lý này, nhưng Ngài đã thấu hiểu nó đến tột cùng và trao truyền cho các môn đệ” [7].
Thế mới biết ở đời hễ làm bất kì việc gì hoặc thiện hoặc bất thiện, hoặc phước hoặc tội cũng không ngoài nhân quả. Cho nên, từ xưa, dân ta đã có quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, họ luôn đặt niềm tin công lý vào Trời như “Lưới Trời khó thoát”. Vậy nên, nhân vật cậu Sáu – tên cường khấu chuyên nghiệp, khi nghe tiếng chuông chùa liền tự nhận thấy áy náy, khi đó “tiếng lòng công lý” đã lên tiếng: “Nghe tiếng chuông sao lòng tôi ngậm ngùi, khó chịu dữ. Để mai cô làm ơn chỉ cho tôi biết coi chùa ở chỗ nào, đặng tôi đi cúng Phật”. Hay cô Xuân Hương trong Một đời tài sắc cũng tin rằng cô đã gây ra tội lỗi trong kiếp này nên duyên phu thê với Thiện Ý không thành: “Chắc kiếp nầy mình còn tội lỗi nhiều, nên Phật, Trời mới khiến căn duyên mình lỡ dở. Vậy kiếp nầy mình nên chịu khổ về nỗi “tan” đặng kiếp sau mình hưởng cái “hiệp”. Đến với Ngọn cỏ gió đùa, người đọc sẽ bắt gặp nhiều lời tự sự mang thông điệp nhân quả, tội phước của các nhân vật trong truyện, do đó ở đây đơn cử một tình tiết để chứng minh cho việc tin sâu nhân quả, tội phước thì đoạn tự sự này của Lê Văn Đó đã thổi “một luồng gió nhân văn” giàu lòng trắc ẩn trong tác phẩm: “Nếu người ta nhận người nầy là mình thì người ta xử tử giam hậu, vì mình đã có án 20 năm tù rồi bây giờ tái phạm nên hình phạt nặng nề. Chớ chi mình không hay không biết, thì ai xử thế nào mặc ai, ai bị đày bao lâu chẳng can gì, ngặc bây giờ mình đã hay quan người ta nhận lầm, mình đã biết người ta bị bắt đó là oan ức, có lý nào mình đành làm lơ, để cho người vô tội phải thọ khổ hình thế cho mình. Mấy năm nay mình tu nhơn tích đức, mình tự nguyện cứu khổ phò nguy, nếu mình để cho người bị án, thì mình làm một điều đại bất nhơn, dầu mình tu mãn đời cũng không thế chuộc cái tội ác đó được”.
Qua lời các nhân vật trong các tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đều có niềm tin sâu đối với nhân quả nghiệp báo. Họ tin rằng làm ác chịu tội, làm thiện được phước. Giáo lý nghiệp báo chưa được bàn sâu, vì thông qua diễn ngôn của các nhân vật trong ba tiểu thuyết này, tội phước chỉ được khắc họa ở mức niềm tin. Nếu nhà Phật cho rằng chủ thể chủ động thay đổi nghiệp và tạo thêm nghiệp duyên mới tốt lành để có kết quả khác tốt đẹp thì trong Một đời tài sắc, Xuân Hương đã làm được điều này: “Nay sẵn có cha mẹ hai bên đủ mặt, vậy con cúi xin cha mẹ vui lòng cho phép con xuất gia đầu Phật, đặng con tu niệm mà nhờ kiếp sau. Hổm nay con suy nghĩ đã kỹ rồi, con phải tu thì con mới an tâm tịnh trí được”. Hay trường hợp cậu Sáu trong Một đoá hoa rừng kể từ khi vô xứ Đường Long đã biết tìm tới chùa mà vái lạy Phật, thắp hương cầu nguyện, đó cũng là hành động của sự ăn năn. Hay là trường hợp hoàn lương, đổi tâm sửa tánh của Lê Văn Đó trong Ngọn cỏ gió đùa: “Ấy là Lê Văn Ðó, lúc thanh niên vì lén bưng một trã cháo heo tính đem về cho mẹ và cháu ăn đỡ đói, mà phải bị đày 20 năm. Khi mãn tù nhờ được nghe lời phải nên đổi lòng sửa tánh, cải tên là Chánh Tâm, thi ân bố đức, cứu khổ phò nguy, sau được triều đình phong chức Thiên Hộ”. Qua các trường hợp này cho thấy các nhân vật đều có xu hướng tìm đến điều tốt, thay tâm sửa tánh, đó là biểu hiện của niềm tin nhân quả nghiệp báo.
Tựu trung, các nhân vật trong ba tiểu thuyết đều là những người nông dân bình dị, mộc mạc của vùng sông nước, nông nghiệp Nam bộ. Ở họ đều có điểm chung là tin sâu nhân quả, nghiệp báo, tội phước. Hơn ai hết mỗi con người trong hoàn cảnh cụ thể đều nhận ra bài học nhân nghĩa, trọng nghĩa khinh tài, tin vào hành động của tự thân mà nhà Phật gọi đó là nghiệp. Vì nghiệp mới là ngọn nguồn của mọi tội phước, quả báo, nên bản thân mỗi nhân vật sẵn sàng thay đổi khi ý thức sâu sắc về nhân quả báo ứng.
KẾT LUẬN
Tiểu thuyết là một trong những thành tựu nổi bật của văn học Nam bộ từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và nhất là tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh như một làn gió mới tạo ra một bầu sinh khí văn học văn nghệ lý thú đối với bạn đọc. Phải nói rằng tác giả là một đại biểu xuất sắc của dòng tiểu thuyết phóng tác, với những nội dung đạo lý nhân nghĩa rất Việt Nam vừa chân chất dân dã, vừa nghĩa tình sâu sắc. Điển hình trong đó là những nội dung được thổi hồn bởi tư tưởng Từ bi – Hỷ xả đầy nhân văn của Phật giáo.
Người viết đã chọn ba tiểu thuyết: Ngọn cỏ gió đùa, Một đời tài sắc, Một đóa hoa rừng để khảo sát và làm rõ nội dung đạo lý nhân nghĩa mang dấu Phật gia. Mặc dù không phủ nhận tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh cũng bàng bạc tư tưởng Nho giáo, nhưng cũng không thiếu những ý hướng mang lại những thông điệp Phật pháp qua các nhân vật. Chẳng hạn, Lê Văn Đó trong Ngọn cỏ gió đùa hướng đến nhân duyên Phật pháp để lập nguyện sống đời thiện lương, tế độ cứu giúp người nghèo khổ; hay cô Xuân Hương trong Một đời tài sắc đã chấp nhận những đau thương đời thường đành tự xuống tóc thực hành đời sống tu tập tại gia; còn nhân vật cậu Sáu trong Một đoá hoa rừng sau khi ở nhà bà Ba Lung, rồi cảm mến với cô Quế, cảm thấy hối hận cho những việc đã làm khi nghe tiếng chuông chùa vang vọng.
Nói chung, qua các tiểu thuyết phóng tác Hồ Biểu Chánh đã mang lại những cái đẹp của làng quê và con người miền Nam. Nhiều bài học nhân đạo mang đậm dấu ấn Phật giáo như Từ bi, Hỷ xả, tin nhân quả tội phước, trọng nghĩa khinh tài. Có thể thấy từ giá trị nội dung lẫn nghệ thuật được nhà văn dựng lên rất đặc sắc qua ngòi bút giàu sức sáng tạo của mình. Đó là những món quà tinh thần cho bạn đọc trên khắp mọi miền đất nước của một chặng đường lịch sử văn chương Nam bộ.
Chú thích và tài liệu tham khảo:
* ĐĐ.Thích Nhuận Tâm: Thế danh là Trần Văn Dũng, hiện là Nghiên cứu sinh tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[1] Minh Kim – Quách Văn Thành (2020), “Tinh thần Từ bi – Vô ngã của Phật giáo song hành cùng lịch sử – văn hoá dân tộc”, Tạp chí Văn hoá Phật giáo, số 355, tr.63.
[2] Viện văn học (1977), Thơ văn Lý – Trần tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.204.
[3] Lê Thu Yến (chủ biên) 2015, Văn học trung đại Việt Nam và những vấn đề tâm linh, Nxb. Đại học Sư Phạm TP.HCM., Bình Dương, tr.52.
[4] Dương Thuỵ (2021), “Ảnh hưởng của Phật giáo và tín ngưỡng dân gian trong truyện thơ Nôm Việt Nam”, Tạp chí Văn hoá Phật giáo, số 363, tr.57.
[5] Thích Huyền Dung (dịch) 2008, Kinh Từ Bi Thủy Sám, Nxb.Tôn Giáo, Tr.66: “Hiện báo tức là trong đời này làm việc thiện ác thì ngay thân này chịu quả báo. Sanh báo tức là trong đời này làm việc thiện ác, qua đời sau mới chịu quả báo. Hậu báo tức là trong vô lượng kiếp về quá khứ đã làm việc thiện ác, đến đời này hoặc vô lượng kiếp về sau mới chịu quả báo”.
[6] Thích Huyền Dung (dịch) 2008, Kinh Từ Bi Thủy Sám, Nxb.Tôn Giáo, Tr.65.
[7] Thích Thông Huệ (2020), “Vu lan và triết lý nhân quả”, Tạp chí Giác Ngộ, số 1.064, tr.17-18.