Khái niệm Upāya trong Phật giáo Đại thừa (SC. Thích Nữ Huệ Quang)

Phương tiện là tư tưởng chủ đạo trong Phật giáo Đại thừa. Thuật ngữ xuất hiện rộng rãi trong Kinh Pháp Hoa cũng như trong các văn bản Đại thừa ngay từ thời kỳ đầu. Các hình thức giáo hoá, thực hành Phật giáo được xem là phương tiện tạm thời, được Đức Phật khéo léo thiết lập, dựa vào căn tánh của mỗi chúng sanh để mang lại lợi ích thiết thực trong đời sống hiện tại và hướng đến cứu cánh là giác ngộ, giải thoát trong tương lai. Cùng với sự phát triển của tư tưởng Đại thừa, giáo lý Bồ tát ra đời, phương tiện trở thành kỹ năng quan trọng để thực hành Bồ tát đạo.

Upāya là một từ tiếng Phạn chỉ về các phương pháp được chư Phật và Bồ tát áp dụng để phát triển năng lực tâm linh của con người thông qua lời nói hoặc hành động được điều chỉnh tùy theo nhu cầu và phù hợp với khả năng nhận thức của mỗi người.

Do đó, khi muốn nghiên cứu về Phật giáo Đại thừa, chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu khái niệm phương tiện với các vấn đề liên quan như có hay không sự tồn tại của phương tiện trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thuỷ? Phương tiện đã chuyển biến như thế nào khi Phật giáo Đại thừa ra đời qua các bản kinh tiêu biểu như: Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật… và việc sử dụng khái niệm phương tiện trong các hoạt động Phật giáo ngày nay như thế nào? Đó cũng là nội dung mà người viết sẽ trình bày trong bài khảo luận với đề tài “Khái niệm Upāya trong Phật giáo Đại thừa” để làm cơ sở đầu tiên cho việc tìm hiểu về tư tưởng Phật giáo Đại thừa trong hệ thống triết học Phật giáo.

KHÁI NIỆM UPĀYA
Upāya là một từ tiếng Phạn chỉ về các phương pháp được chư Phật và Bồ tát áp dụng để phát triển năng lực tâm linh của con người thông qua lời nói hoặc hành động được điều chỉnh tùy theo nhu cầu và phù hợp với khả năng nhận thức của mỗi người. Thuật ngữ Upāya thường được sử dụng như một phần của từ ghép Upāya-Kausalya (P. upāyakosalla), nó bao hàm kỹ năng của phương tiện như phương tiện khéo léo, hoặc phương tiện thiện xảo. Nó cũng được hiểu là kiến ​​thức một phần, tạm thời hoặc tương đối về thực tại, nó có nghĩa trái ngược với Prajñā “Chân lý tuyệt đối hay Thực tại” [1].

Nói một cách khác, khái niệm Upāya-Kausalya dùng để chỉ kỹ năng của Đức Phật trong việc thuyết pháp, tuỳ theo từng đối tượng thính chúng khác nhau mà Phật có một phương thức giảng dạy khác nhau. Giống như một người thầy thuốc giỏi, có thể chữa khỏi mọi thân bệnh của chúng sanh qua việc bắt mạch, xem xét các triệu chứng và tùy theo tình hình bệnh trạng của bệnh nhân mà kê đơn, bốc thuốc.

Nói một cách khác, khái niệm Upāya-Kausalya dùng để chỉ kỹ năng của Đức Phật trong việc thuyết pháp, tuỳ theo từng đối tượng thính chúng khác nhau mà Phật có một phương thức giảng dạy khác nhau. Giống như một người thầy thuốc giỏi, có thể chữa khỏi mọi thân bệnh của chúng sanh qua việc bắt mạch, xem xét các triệu chứng và tùy theo tình hình bệnh trạng của bệnh nhân mà kê đơn, bốc thuốc. Đức Phật cũng thế, Ngài là bậc Đại y vương, tuỳ theo từng loại phiền não khổ đau, vấn đề gặp phải trong đời sống của mỗi người mà có những pháp môn đối trị tương ứng, phù hợp với trình độ hiểu biết của họ, để ai cũng có thể lãnh hội, thực hành, có lợi lạc sau khi nghe và làm theo những lời dạy của Ngài. Sau khi Đức Phật nhập diệt, trọng trách hoằng dương chánh pháp trở thành nhiệm vụ của Tăng đoàn, bấy giờ, việc thực hành phương tiện chính là kỹ năng truyền đạt lời Phật dạy đến với mọi người thuộc những tầng lớp, vùng miền khác nhau trong xã hội. Đó là sự linh hoạt, khéo léo, sử dụng bất kỳ phương pháp nào, để có thể mang lại lợi ích cho số đông khiến họ dễ dàng tiếp nhận, tin tưởng và có thể hành trì.

Upāya-Kausalya là khái niệm phổ biến trong hầu hết các văn bản Đại thừa, tuy nhiên, Richard Francis Gombrich nhận định: “Phương tiện thiện xảo, Upāya-Kausalya, đúng là thuật từ được dùng phổ biến trong kinh điển thời kỳ sau này, nhưng ý nghĩa của vận dụng phương tiện thiện xảo tức kỹ năng điều chỉnh các bài thuyết pháp cho phù hợp đối với từng đối tượng thính chúng mà nó mang lại, đã có tầm quan trọng trong kinh điển Pāli” [2].

UPĀYA-KAUSALYA TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
Trong Kinh tạng Pali, thuật từ Upāya-Kausalya đã xuất hiện từ rất sớm, là một trong ba pháp thiện xảo của vị Tỳ kheo: “tăng ích thiện xảo, tổn ích thiện xảo, phương tiện thiện xảo” [3], hay lời dạy về pháp hành của Phật dành cho các đệ tử: “Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo thiện xảo khi đi vào, thiện xảo khi đi ra, thiện xảo khi đến gần…” [4]. Phương tiện thiện xảo trong hai đoạn Kinh trên, mang ý nghĩa chỉ cho sự nghiêm túc trong thái độ tu tập, hay là sự thuần thục trong giáo pháp của một vị Tỳ kheo trên lộ trình tu tập, nó không mang ý nghĩa làm lợi ích cho tha nhân mà phương tiện thiện xảo ở đây, giúp cho hành giả “khởi lên ý muốn đạt được những thiện pháp chưa đạt được, phòng hộ các thiện pháp đã được chứng đắc, có cố gắng để kiên trì tiếp tục”.

Có thể thấy, khái niệm Upāya-kausalya nhấn mạnh cho chúng ta một vấn đề rằng, trên lộ trình tu tập, mỗi hành giả thiện xảo trong pháp môn tu tập riêng của mình để thực hành lời dạy của Đức Phật một cách có hiệu quả. Mặc dù cách hiểu này không phải là ý nghĩa rốt ráo của Upāya-kausalya, nhưng ở phương diện lợi ích mang lại từ sự tu tập, vẫn được chấp nhận vì nó có khả năng đưa hành giả đến sự an tịnh, giác ngộ và giải thoát.

Upāya-Kausalya tuy không xuất hiện nhiều trong Kinh tạng Pāli nhưng điều đó không có nghĩa phương tiện không được sử dụng trong thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy. Ngược lại, trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh, ngay từ buổi đầu giác ngộ, với Phật nhãn, Ngài quán sát “có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm” [5]. Từ đó, các pháp đều đã được Thế Tôn khéo léo thuyết giảng, trình bày, có công năng hướng dẫn và đưa đến sự an tịnh, giác ngộ, giải thoát cho tất cả mọi người. Như vậy, khái niệm Upāya trong thời kỳ đầu của Phật giáo mang ý nghĩa cách thức giảng dạy giáo pháp của Đức Phật.

Nói đến cách thức truyền bá giáo pháp của Phật giáo là nói đến tính khế lý và khế cơ. Khi chuyển pháp luân tại Isipatana, giáo hoá cho những nhà tu khổ hạnh Añña Koṇḍañña, Đức Phật giảng trực tiếp vào con đường Trung đạo và Tứ thánh đế, là giáo lý căn bản để đoạn tận khổ đau, chỉ rõ khổ, tập, diệt, đạo, giúp họ mở ra con mắt trí tuệ. Tuy nhiên, đối với những người sơ cơ đến với đạo, chưa có niềm tin nơi giáo pháp, chưa có nền tảng tu tập diệt trừ các dục lạc, Ngài dạy các pháp giản đơn, dễ hiểu, để họ có tín tâm, thực hành pháp từ chỗ đơn giản dần tiến sâu hơn, cao hơn theo thời gian và cấp độ hiểu biết, thực hành. Cụ thể như Kinh Ưu Ba Li: “Rồi Thế Tôn thuận thứ thuyết pháp cho gia chủ Upali, tức là thuyết về bố thí, thuyết về giới, thuyết về các cõi trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô các dục lạc, những lợi ích của xuất sỹ. Khi Thế Tôn biết gia chủ Upali tâm đã sẵn sàng, tâm đã nhu thuận, tâm không triền cái, tâm được phấn khởi, tâm được hoan hỷ, Ngài mới thuyết những pháp được Phật tán dương đề cao: khổ, tập, diệt, đạo” [6].

Các pháp thoại của Phật nói ra đều mang tính ứng dụng thực tiễn, tuỳ theo từng đối tượng thính chúng mà Đức Phật có những bài pháp khác nhau, sử dụng hình ảnh, ẩn dụ sinh động, phù hợp với hoàn cảnh và cấp độ nhận thức của đối tượng, từ đó, thiết lập lộ trình tu tập tương ứng, không áp đặt, để người đó có thể lãnh hội được đầy đủ ý nghĩa lời Phật dạy. Đôi khi cùng một vấn đề nhưng có nhiều bài kinh Đức Phật nói khác nhau. Ví dụ như, khi nói về sự sai khác giữa người với người trên đời về dung mạo, sắc đẹp, tuổi thọ… Đối với chàng thanh niên Subha Todeyyaputta, là một người ít học, kém hiểu biết, anh ta không thể hiểu chữ Nghiệp mà Đức Phật nói nên Phật đã lấy những hình ảnh cụ thể theo phạm trù nhân quả để giải thích sự sai khác giữa người với người cho Todeyyaputta hiểu trong Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt [7]. Cũng vấn đề này trong Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt [8], để dạy cho các vị Tỳ kheo, Đức Phật nhấn mạnh về trí tuệ, sự tu tập phòng hộ thân, khẩu, ý.

Một điều đáng chú ý trong cách thức hoằng pháp của Đức Phật là việc sử dụng ngôn ngữ địa phương để thuyết pháp, trên các nẻo đường hoằng hoá của mình: “Với tín đồ Vương Xá Ngài nói tiếng nước Ma Kiệt Đà. Với tín đồ Xá Vệ Ngài nói tiếng nước Kiều Tát La. Với tín đồ Ba La Nại Ngài nói tiếng Ca Thi…”[9]. Mỗi vùng đất có truyền thống tín ngưỡng văn hoá riêng, bài pháp của Phật giảng phải làm sao phù hợp tín ngưỡng nơi đó nhưng lại thuyết phục được người nghe tin và thực hành theo lời Phật dạy.

Trong Tiểu Bộ Kinh, các vị đệ tử đã xưng tán sự hóa độ tùy duyên của Thế Tôn bằng thuật từ Upāya-Kausalya: “Này các Tỳ kheo hiền hữu, tài trí của đấng Thập lực thật dồi dào phương tiện thiện xảo biết bao! Ngài đã chỉ cho vương tử Nanda (em trai của Ngài) thấy cả bầy thiên nữ xong khiến vị ấy đắc Thánh quả; Ngài lại trao chiếc y cho chàng tiểu thị giả của Ngài và giáo hóa cho chàng chứng Thánh quả bốn thiền chứng. Ngài chỉ đóa hoa sen cho người thợ rèn nọ khiến người ấy đạt Thánh quả. Thật Ngài đang hóa độ chúng sinh với muôn vàn phương tiện khác nhau” [10]. Theragāthā kệ số 158, lời của Nanda: “Với phương tiện thiện xảo/ Ta, bà con mặt trời/ được hướng về chân lý/ làm Ta thoát sinh tử” [11]. Chúng ta thấy, văn bản Pāli xuất hiện về sau này, ý nghĩa của “phương tiện thiện xảo” gần hơn với khái niệm Upāya-Kausalya của Phật giáo Đại thừa ở việc sử dụng nhiều phương pháp, cách thức để hướng dẫn mọi người đến sự giác ngộ giải thoát.

Kinh Tập, kệ 323: “Cũng giống như người sau khi leo lên chiếc thuyền vững chắc, được cung cấp mái chèo và bánh lái, là người thiện xảo, có sự nhận thức, hiểu biết cách thức ( điều khiển) ở nơi (chiếc thuyền ấy), người ấy có thể giúp cho nhiều người khác nữa vượt qua nơi ấy”[12]. Ở đây, chúng ta bắt gặp hình ảnh “cỗ xe lớn” của Phật giáo Đại thừa qua việc so sánh một người hoằng pháp giỏi với một người lái thuyền giỏi, biết cách điều khiển con thuyền để chở khách qua sông an toàn. Người thiện xảo về phương tiện cũng là người biết cách sử dụng con thuyền giáo pháp một cách khéo léo để đưa những người phàm phu, còn nhiều vô minh sang đến bờ giác ngộ. Chính tư tưởng rộng độ chúng sanh đã dần đẩy khái niệm Upāya-Kausalya từ chỗ chỉ cho cách thức giáo hóa tùy duyên của Đức Phật hay thái độ tu học tinh cần, thuần thục trong giáo pháp của vị Tỳ kheo lên một cấp độ mới với nhiều ý nghĩa rộng hơn, phổ quát hơn khi bước qua thời kỳ Phật giáo Đại thừa.

UPĀYA-KAUSALYA TRONG PHẬT GIÁO ĐẠI THỪA
Phương tiện là một trong mười Ba la mật, còn gọi là Thiện quyền, Biến Mưu, chỉ cho phương pháp khéo léo để tiến triển hướng thượng [13]. Khái niệm phương tiện đã trở thành tư tưởng chủ đạo trong Phật giáo Đại thừa và được phổ biến trong các bản kinh như Kinh Pháp Hoa (Lotus Sūtra), Kinh Duy Ma Cật (Vimalakīrtinirdesa Sūtra), Kinh Bát Nhã (Prajñāpāramitā Sūtras), Kinh Thiện Phương Tiện (Upāya Kausalya Sūtra). Trong phạm vi giới hạn của khảo luận, người viết không đi vào tìm hiểu “Phương tiện” trong từng bản kinh như một số học giả đã từng thực hiện, mà tìm hiểu khái niệm này ở ba ý nghĩa nổi bật trong Phật giáo Đại thừa gồm: Cuộc đời của Phật là phương tiện, ba thừa giáo là phương tiện và phương tiện là kỹ năng để thực hành Bồ tát đạo.

Kinh Pháp Hoa nêu lý do xuất hiện của chư Phật: “Vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời”.

Cuộc đời Đức Phật là phương tiện
Nếu như Phật giáo Nguyên thủy, nhấn mạnh về tính lịch sử của Đức Phật là một con người, từ con người mà thành Phật: “Này hiền giả, Thế Tôn thuộc chủng tánh Sát đế lỵ, thuộc gia tộc Sát đế lỵ… Này hiền giả, Phụ vương của Thế Tôn tên là Suddhodana, Mẫu hậu là Maya, kinh đô là Kapilavatthu. Này hiền giả, Thế Tôn xuất thế tục như thế này, xuất gia như thế này, tinh tấn như thế này, giác ngộ như thế này, chuyển pháp luân như thế này” [14]. Với những yếu tố rõ ràng về xuất thân của Phật, chúng ta thấy Đức Phật được sinh ra trên thế gian như một con người bình thường, chỉ khác là Đức Phật nhận thấy được bản chất của khổ đau, vô thường, tạm bợ nhân sinh mà xuất ly, tu tập để trở thành bậc Giác ngộ, một người bình thường như bao người nhưng tâm đã giải thoát và tuệ giải thoát. Do đó, Phật vẫn chịu sự chi phối tự nhiên của già, bệnh, chết ở phương diện thân vật lý, khác với chúng sanh, Ngài đón nhận sự vô thường, hoại diệt bằng thái độ vô ngã, tùy thuận pháp. Sau khi Đức Phật nhập diệt, trong quá trình diễn biến phát triển Phật giáo, xuất hiện khá nhiều quan niệm khác nhau về hình tượng Đức Phật, mô tả Ngài như một vị siêu nhân với những yếu tố lý tưởng và đặc biệt hơn trong Phật giáo Đại thừa, cuộc đời của Đức Phật từ lúc đản sanh đến khi Niết bàn đều chỉ là phương tiện thị hiện của Bồ tát để hóa độ chúng sanh. Kinh Pháp Hoa nêu lý do xuất hiện của chư Phật: “Vì muốn cho chúng sinh khai tri kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra nơi đời; vì muốn chỉ tri kiến Phật cho chúng sinh mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh tỏ ngộ tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời; vì muốn cho chúng sinh chứng vào đạo tri kiến Phật mà hiện ra nơi đời” [15].

Tương tự, Kinh Đại Bảo Tích, pháp hội Đại thừa phương tiện, trình bày từng lý do thị hiện của Đức Phật trong suốt cả cuộc đời, tại sao Ngài nhập thai trong hình ảnh voi trắng sáu ngà, tại sao thái tử được sinh ra từ bên hông phải của lệnh bà dưới cội Vô ưu, tu khổ hạnh, thành đạo… mỗi chi tiết đều là phương tiện thị hiện để giáo hóa chúng sanh. Thái tử kết hôn với Yasodhara chẳng phải vì ham mê sắc dục mà vì “Lúc ấy nếu chẳng thị hiện có vợ con, thì có chúng sinh sẽ bảo Bồ tát chẳng phải nam tử trượng phu”[16], do đó, Bồ tát phải có vợ, có con để người thế gian thấy Ngài là một nam tử bình thường nhưng xa lìa ái dục. Vì dạo bốn cổng thành thấy cảnh già, bệnh, chết và dung nghi nhẹ nhàng thoát tục của vị Sa môn, làm chấn động tâm tư thái tử, chàng quyết chí xuất gia, sự thị hiện này nhằm mục đích “khiến quyến thuộc biết Bồ tát do sợ già bệnh chết mà xuất gia học đạo… chính vì muốn lợi ích quyến thuộc mà Bồ tát xuất gia, Bồ tát thấy lỗi họa tại gia nên xuất gia. Nhưng Bồ tát vì hiển bày nỗi khổ già bệnh chết của tất cả chúng sinh nên thị hiện chẳng ưa năm dục xuất thành đạo”. Ngài sáu năm khổ hạnh rừng già, đến nỗi thân thể chỉ còn da bọc xương nhưng vẫn không đắc đạo, đó không phải do dư báo của nghiệp quá khứ như cách mọi người nghĩ, đó là Bồ tát thị hiện thọ nghiệp báo do đời quá khứ, thời Phật Ca Diếp đã thốt lời khinh chê các vị Sa môn trọc đầu nhằm “muốn cho các chúng sinh ở trong tất cả ác nghiệp báo hay sinh lòng lo sợ mà quy hướng Bồ tát”[17]. Ngay cả đến cái chết là nỗi lo sợ lớn nhất của tất cả mọi người thì sự thể nhập Vô dư y Niết bàn của Phật, cũng rất nhẹ nhàng tự tại, bởi chỉ là một phương tiện hữu hiệu để thức tỉnh tâm ý quần sanh, bởi nếu Phật ở lâu trên đời sẽ khiến cho hạng chúng sanh có nhiều bụi trong mắt, người phước mỏng nghiệp dày, chẳng trồng cội lành khi thấy Thế Tôn thường còn, sẽ sanh lòng trễ nải, buông lung, không chịu tiến tu, không khởi lòng tôn kính với ý tưởng thân người khó được, gặp Phật, nghe pháp, tu tập là khó.

Tóm lại, Phật giáo Đại thừa quan niệm cuộc đời Đức Phật là một chuỗi những phương tiện thiện xảo, là sự thị hiện của Bồ tát trong đời với mục đích khai tri kiến Phật, mở ra con mắt tuệ cho chúng sanh, đánh thức chân tâm Phật tánh có sẵn trong mỗi người qua từng sự kiện xảy ra trong cuộc đời Đức Phật: “Phật là cha của tất cả thế gian… Hằng vì cầu việc lành lợi cho tất cả muôn loài mà sanh vào nhà lửa Tam giới cũ mục này, để độ chúng sinh ra khỏi nạn lửa; sanh, già, bịnh, chết, lo buồn khổ não, ngu si tối tăm, ba độc; dạy bảo cho chúng sanh được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác” [18]. Ngày nay, tuy Phật đã nhập Niết bàn nhưng Đại thừa quan niệm pháp thân Phật vẫn còn mãi, vẫn tùy duyên ứng hiện hóa độ muôn loài.

Ba thừa giáo là phương tiện
Phật giáo Nguyên thuỷ chỉ đề cập đến bốn quả vị mà hành giả tu tập có thể đạt được, quả vị cao nhất là A La Hán nhưng qua đến thời kỳ Phật giáo Đại thừa, Tứ quả (Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán) thuộc về Thanh văn, chưa phải là rốt ráo, quả vị cao nhất là quả vị Phật. Ngoài Kinh Pháp Hoa là bản kinh đề cập đến Phật thừa, tư tưởng nhất thừa cũng được thể hiện rõ trong các Kinh Lăng Già (Laṅkāvatāra SūtraLaṅkāvatāra Sūtra) Kinh Thắng Man (Srimala) cùng nhiều kinh điển Đại thừa thời kỳ sau.

Từ Nhất thừa đạo hình thành nên tam thừa là Thanh văn, Duyên Giác thừa và cứu cánh là Phật thừa. Phật thừa là mục đích cuối cùng mà bất kỳ một hành giả nào cũng hướng đến trên lộ trình tu tập giải thoát. Tuy nhiên, vì căn tánh của chúng sanh có nhiều loại nên Đức Phật từ chỗ cứu cánh Phật thừa mà phân biệt, giảng giải thuyết pháp cho từng đối tượng khác nhau: “Vì người cầu đạo Thanh văn, nói pháp Tứ đế thoát khỏi sanh, già, bịnh, chết, cứu cánh Niết bàn. Vì hạng cầu quả Duyên giác, nói pháp mười hai nhơn duyên. Vì hàng Bồ tát nói sáu pháp Ba la mật làm cho chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thành bậc nhất thiết chủng trí” [19].

Kinh Pháp Hoa đưa ra nhiều hình ảnh ẩn dụ so sánh, Đức Phật được ví như người dẫn đoàn đi tìm kho báu (phẩm Hóa Thành Dụ), quả thật là một điều tuyệt vời không tưởng. Giữa đường, những người đi theo vì đường xa mệt mỏi nên muốn bỏ cuộc, người dẫn đường có trí, có kỹ năng và là một nhà ảo thuật, đã tạo ra một thành phố ma thuật, nơi họ có thể nghỉ ngơi trước khi tiếp tục đến nơi cất giữ kho báu. Tương tự như vậy, Đức Phật tạo ra thành phố huyền diệu của A La Hán và Duyên giác làm trạm dừng chân cho các hành giả đang trên đường đến thành Phật quả.

Chuyện ngôi nhà đang cháy (phẩm Thí dụ, Kinh Pháp Hoa), người cha vì dụ dỗ các người con chạy ra khỏi ngôi nhà lửa, đã hứa cho các món xe báu nào xe dê, xe hươu, xe trâu. Các con ham ưa đồ chơi đẹp, vội vàng chạy ra khỏi ngôi nhà đang cháy một cách an toàn, người cha bấy giờ đồng cho xe trâu trắng đẹp. Trong câu chuyện ngụ ngôn này, người cha là Đức Phật, ngôi nhà đang cháy là saṃsāra, những người con là chúng sanh đang bị mắc kẹt. Để đối trị lòng nhàm mỏi và khả năng tiếp nhận, thực hành giáo pháp của mỗi hạng chúng sanh, đối trị lòng đam mê vị ngọt của ngũ dục mà quên đi sự nguy hiểm của saṃsāra, Ngài tùy theo thị hiếu của chúng sanh mà đưa ra nhiều phương tiện khác nhau để khuyến dụ, nhất thừa đã được Phật khai thị thành ba thừa để thuyết phục chúng sanh chạy ra khỏi chỗ nguy hiểm, nhưng khi họ được cứu khỏi saṃsāra, Ngài ban cho họ phương tiện tốt nhất, duy nhất là là nhất thiết chủng trí, là Phật quả,vì trong mỗi chúng sanh đều có sẵn tánh Phật, như Kinh Thắng Man nói: “Thanh văn và Duyên giác toàn là sẽ nhập vào Đại thừa. Mà Đại thừa là Phật thừa. Do vậy, ba thừa là một thừa, chứng một thừa là chứng được Bồ đề vô thượng. Bồ đề vô thượng là Niết bàn. Niết bàn là pháp thân của Đức Thế Tôn. Mà pháp thân chính là Nhất thừa, chứ không có Thế Tôn nào khác, không có pháp thân nào khác” [20].

Ở đây, câu hỏi đặt ra là liệu người cha – Đức Phật đã nói dối các con? Câu trả lời là “không phải”, vì sự thật thường phụ thuộc vào động cơ và bối cảnh. Đức Phật với tư cách là cha của chúng sinh, Ngài chỉ sử dụng các phương tiện thiện xảo với lòng từ bi để cứu các con của mình, vì lợi ích cho số đông, hoàn toàn không mưu cầu bất kỳ điều gì cho riêng mình: “Các ngươi không nên ưa ở trong nhà lửa Tam giới, chớ có ham mê các món sắc, thanh, hương, vị, xúc thô hèn, nếu tham mê ắt sinh ái nhiễm thời sẽ bị nó đốt; các ngươi mau ra khỏi ba cõi sẽ được chứng ba thừa: Thanh văn, Duyên giác và Phật thừa” [21].

Trên tinh thần khế lý khế cơ, Đại thừa Phật giáo đã uyển chuyển, khéo léo diễn bày phương tiện linh hoạt hơn để thích ứng với thời gian, không gian với mục đích rộng độ hữu tình như vậy là hoàn toàn hợp lý. Giống như con người tuỳ theo thời tiết từng mùa nóng lạnh khác nhau mà thay đổi trang phục để bảo vệ sức khoẻ, chẳng thể mặc mãi một bộ nào cho cả bốn mùa. Cũng thế, Đức Phật không đặt ra một hình thức giáo hóa khuôn mẫu cố định nào áp dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng, đó là lý do Ngài khuyên dạy: “Pháp ví như chiếc bè, Chánh pháp còn phải bỏ đi, huống gì phi pháp” [22].

Ba thừa được Phật thi triển từ Nhất thừa cũng giống như chiếc bè, là phương tiện nhằm đạt mục đích đưa người vượt qua. Chiếc bè như thế nào đi chăng nữa nhưng đưa được người qua sông thì đều là chiếc bè, không thể cố chấp cho rằng chiếc bè này mới thực là bè, chiếc bè kia không phải là bè. Cũng vậy, giá trị của Phật pháp là đem đến sự giác ngộ và giải thoát cho con người, bất kể hình thức giáo dục nào dù là Thanh văn thừa, Duyên giác hay Phật thừa, khi nó hàm chứa giá trị giải thoát đó đều được gọi là Phật pháp. Lại nữa, các pháp ấy dù có thiên biến vạn hóa, quyền xảo như thế nào cũng chỉ là phương tiện, là chiếc bè, là ngón tay chỉ trăng chứ không phải cứu cánh, chúng sanh nương theo chiếc bè để qua sông, nhìn theo ngón tay để thấy trăng, khi đã đạt được mục đích tối hậu rồi thì pháp phương tiện không còn tác dụng nữa.

Phương tiện là kỹ năng để thực hành Bồ tát đạo
Do những nhu cầu mới được phát sinh trong tiến trình vận động của xã hội khiến cho những giáo lý và phương pháp truyền thống không còn thích hợp, để tiếp tục tồn tại và phát triển, Phật giáo buộc phải thay đổi những hình giáo hóa mới. Chính vì thế, Phật giáo Đại thừa ra đời, phát triển và chiếm vị thế ngày càng quan trọng trong Phật giáo. Đại thừa cho rằng từ quả vị A La Hán, quả vị cao nhất của Thanh văn thừa, cần phải thực hành Bồ tát đạo để tích lũy công đức qua nhiều đời nhiều kiếp mới có thể đạt đến cứu cánh là Phật quả.

Bồ tát là vị tinh thông về phương tiện, biết cách làm tăng trưởng thiện tâm cho chúng sanh, dẫn dắt họ đến với Tam bảo, đến với giác ngộ, giải thoát một cách đúng đắn. Các vị Bồ tát an trú trong các phương tiện về hình thức, âm thanh, mùi, vị, xúc giác… tất cả đều là nhân tố để dính mắc nhưng họ vẫn không bị ô nhiễm, ngược lại các vị Bồ tát dùng nó để tiếp cận để hóa độ chúng sinh, khi xong việc cần làm, họ tự tại rời đi mà không bị vướng bận. Phương tiện được thực hành song song với trí tuệ, một trong hai yếu tố không thể thiếu trên con đường hoàn thiện của các vị Bồ tát hướng tới Phật quả [23]. Do đó, một người thực hành Bồ tát đạo là người rất thiện xảo trong việc sử dụng phương tiện để phục vụ cho lý tưởng cao nhất của vị Bồ tát là cứu độ chúng sanh.

Các hình thức giáo hoá, thực hành Phật giáo được xem là phương tiện tạm thời, được Đức Phật khéo léo thiết lập, dựa vào căn tánh của mỗi chúng sanh để mang lại lợi ích thiết thực trong đời sống hiện tại và hướng đến cứu cánh là giác ngộ, giải thoát trong tương lai. Cùng với sự phát triển của tư tưởng Đại thừa, giáo lý Bồ tát ra đời, phương tiện trở thành kỹ năng quan trọng để thực hành Bồ tát đạo.

Với tinh thần “tự lợi – lợi tha” cùng đặc điểm dung dị, gần gũi với quần chúng, giáo lý Bồ tát được đề cao và dần trở thành xu hướng của thời đại. Khái niệm Upāya bấy giờ được sử dụng để biện minh cho những đổi mới trong giáo lý và được sử dụng dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích khai thị, giáo hóa chúng sanh. Phẩm Phổ Môn trong Kinh Pháp Hoa là một ví dụ, Bồ tát Quán Thế Âm vì muốn cứu độ chúng sanh nên có thể ứng hiện dưới mọi dạng hình chỉ cần hình thức ấy có thể hóa độ được chúng sanh thì Bồ tát liền phương tiện theo đó. Có một điều đáng chú ý là giáo lý Bồ tát không còn phân biệt giữa tại gia hay xuất gia mà đẩy mạnh tư tưởng nhập thế, nét đặc trưng của Phật giáo Đại thừa. Kinh Duy Ma Cật là một điển hình, nêu bật tinh thần thực hành Phật pháp giữa thế gian.

Phương tiện thiện xảo và sự nghiệp của các vị Bồ tát được thể hiện rõ nét qua nhận vật Vimalakīrti, một cư sĩ có chí hướng về Đại thừa, ở trong nhiều kiếp quá khứ đã từng theo học với vô số vị Phật, căn lành đã được trồng sâu, thấu triệt chân lý vô sinh, chứng được pháp vô úy, là người thông thạo phương tiện và pháp trí tuệ, có khả năng nhận rõ được căn tánh chúng sanh. Về phẩm tính giác ngộ và lòng từ bi, Vimalakīrti được sánh ngang hàng với một vị Phật, ông được tất cả chư Phật ngưỡng mộ và nhận được sự hộ trì của Tứ Thiên Vương, sự kính trọng của Đế Thích, Phạm Thiên [24].

Với hạnh nguyện độ sanh, ông thị hiện sống đời thế tục, hòa vào cuộc sống thế gian để gần gũi, giáo hóa chúng sanh. Đối với ông, bất kỳ nơi đâu từ chính trường, chốn học đường cho đến trà đình, tửu điếm… đều có thể là đạo tràng để ông thi triển phương tiện dẫn dắt người nghe pháp, biết nhận lỗi lầm, lánh xa các dục và phát khởi thiện tâm. Là người có đời sống gương mẫu và làm nhiều việc lợi ích cho tha nhân nên tất cả mọi người trong xã hội đều quý trọng Vimalakīrti. Ông lại khéo léo sử dụng nhân duyên tốt đẹp giữa mình và người như một phương tiện để giáo hóa, bằng cách giả

bệnh, khách đến thăm tùy theo khả năng tiếp nhận, Vimalakīrti lại giảng giải, khai thị cho họ về vô thường, sự hoại diệt của thân, từ đó khuyến khích họ nỗ lực để đạt được sự pháp thân bất hoại, thanh khiết của chư Phật.

Trong quá trình hành Bồ tát đạo, các Bồ tát vì mục đích độ sanh, khi sử dụng phương tiện có thể vi phạm về mặt đạo đức xã hội chẳng hạn như bạo lực, trộm cắp và tình dục… nhưng vẫn được xem là phương tiện thiện xảo. Kinh Đại Bảo Tích, kể lại câu chuyện tiền thân Đức Phật, khi dẫn đầu một đoàn thương buôn 500 người, Ngài đã giết một người trong số ấy để ngăn chặn hành động cực ác của anh ta là giết tất cả những người khác để cướp tài sản và hậu quả Ngài bị rơi xuống địa ngục thấp nhất trong một thời gian rất dài. Hành động của Bồ tát được thúc đẩy bởi lòng từ bi, dù biết rõ mình đang vi phạm quy tắc đạo đức, nhưng vẫn sẵn sàng tự chịu quả báo vì lòng thương, không muốn người kia phạm phải ác nghiệp. Những nghịch hạnh của Bồ tát vẫn được ghi chép lại rất nhiều trong kinh điển, các Ngài chấp nhận chịu quả báo về mình với mục đích cứu độ chúng sanh.

Qua những phân tích khái quát về ba đặc điểm nổi bật của “phương tiện” trong Phật giáo Đại thừa, có thể thấy khái niệm Upāya trong thời kỳ này không còn đơn thuần là thái độ tu tập hay sự thuyết pháp tùy theo nhu cầu, phù hợp với chúng sanh của Đức Phật trong thời kỳ Nguyên thủy mà nó phát triển sâu rộng hơn theo tinh thần rộng độ chúng sanh của Phật giáo Đại thừa và nhập thế của Bồ tát đạo. Đại thừa Phật giáo chủ trương, mục đích tối hậu của sự tu tập là quả vị Phật, tất cả những gì đưa đến quả vị Phật ấy đều được xem là phương tiện và là kỹ năng quan trọng của một vị Bồ tát khi thực hành các Ba la mật trước cứu độ chúng sanh, sau hướng thành Phật quả.

Trong tất cả các thời kỳ Phật giáo, phương tiện thiện xảo được thi triển với mục đích đánh thức tiềm năng giác ngộ trong mỗi người, hướng dẫn và hướng đến sự giác ngộ giải thoát. Một điều kiện không thể bỏ qua nữa đó là phương tiện và trí tuệ phải được thực hành song song với nhau. Trí tuệ toàn giác lấy từ bi làm gốc, nó là bản chất của Bồ đề tâm và là cứu cánh của phương tiện. Vì vậy, các vị Bồ tát trên lộ trình hướng đến Phật quả phải thực hành cả hai điều đó. Như vậy, kể từ khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện và phát triển cho đến ngày nay, phương tiện đã trở thành nền tảng cốt lõi và đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của Phật giáo, cả về tu học lẫn hoằng pháp. Đối với Phật giáo Đại thừa, có thể khẳng định rằng sức mạnh của phương tiện chính là sức mạnh của Phật giáo.

Chú thích:
[1] Encyclopedia of Indian religion, Buddhism and Jainism, tr.1270.
[2] How Buddhism Began, tr.17.
[3] Kinh Trường bộ 2, 33, Kinh Phúng tụng, tr.582.
[4] Kinh Tăng Chi Bộ 3, tr.244.
[5] Kinh Trung Bộ, Kinh Thánh Cầu, tr.196.
[6] Kinh Trung Bộ, 56. Kinh Ưu Ba Li, tr.410.
[7] Kinh Trung Bộ, 135. Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, tr.1033-1036.
[8] Kinh Trung Bộ, 136. Kinh Đại Nghiệp Phân Biệt, tr.1037-1044.
[9] Văn Học Sử Phật Giáo, tr.35-36.
[10] Tiểu Bộ Kinh, Chuyện tiền thân, tr.55.
[11] Tiểu Bộ Kinh, Trưởng lão Tăng kệ, tr.150.
[12] Kinh Tập, tiểu phẩm, 8. Kinh Chiếc Thuyền Giáo Pháp, tr.67-68.
[13] Phật Quang Đại từ điển, tr.4946.
[14] Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Bổn, tr.233-234.
[15] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Phương tiện, tr.65.
[16] Kinh Đại Bảo Tích, Pháp Hội 38: Đại Thừa Phương Tiện, tr.339.
[17] Kinh Đại Bảo Tích, Pháp Hội 38: Đại Thừa Phương Tiện, tr.340-343.
[18] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr.119.
[19] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr.39.
[20] Kinh Thắng Man, tr.919.
[21] Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, tr.121.
[22] Kinh Kim Cang Năng Đoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật, tr.336.
[23] Encyclopedia of Indian religion, Buddhism and Jainism, tr.1273.
[24] Kinh Duy Ma Cật, tr.35-36.

Thư mục tham khảo:
1. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn giáo.
2. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Kinh Trung Bộ, Nxb. Tôn giáo.
3. Thích Minh Châu (dịch, 1991), Kinh Tương Ưng 4, 5, Nxb. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
4. Thích Minh Châu (dịch, 2005), Kinh Tăng Chi Bộ 3, Nxb. Tôn giáo.
5. Thích Minh Châu (dịch, 2000), Kinh Tiểu Bộ, Nxb. Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
6. Thích Trí Tịnh (dịch, 2007), Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn giáo.
7. Sa môn Thích Tịnh Hạnh (2000), Kinh Đại Bảo Tích, quyển 107, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
8. Sa môn Thích Tịnh Hạnh (2000), Kinh Thắng Man, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
9. Sa môn Thích Tịnh Hạnh (2000), Kim Cang Năng Đoạn Bát-Nhã Ba-La-Mật, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc – Taiwan.
10. Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến (dịch và chú giải, 2011), Kinh Duy Ma Cật, Nxb. Tôn giáo.
11. Thích Quảng Độ (dịch, 2014), Phật Quang Đại từ điển tập 4, Nxb. Phương Đông.
12. Indacanda (dịch, 2016), Kinh Tập, Nxb. Tôn giáo.
13. Cao Hữu Đính (1996), Văn học sử Phật giáo, Nxb. Thuận Hóa.
14. Gombrich Richard F (2006), How Buddhism Began, New York: Routledge.
15. Sarao, K. T. S., & Long, J. (Eds.) (2017), Encyclopedia of Indian Religions: Buddhism and Jainism, [New York, NY]: Springer.