Rộn ràng Trung thu (Chung Tiến Lực)

Có một thời, Tết Trung thu là tiếng trống ếch gõ boong boong, rộn ràng của đám trẻ con trong làng đang háo hức với đèn ông sao năm cánh, năm màu; là một góc chiếc bánh nướng thơm phức cùng quả hồng ngâm, quả chuối trứng cuốc dưới ánh trăng Rằm sáng vằng vặc; là gương mặt dịu dàng, sáng soi như Hằng Nga của chị phụ trách đội thiếu nhi; là đêm tập trung tại sân đình, sau màn múa hát là trông trăng phá cỗ…

Người lớn ngày đó, lúc nào cũng bận rộn với công điểm hợp tác xã nên chiếc đèn kéo quân hay đèn lồng là niềm mơ ước, nhưng đám trẻ lúc nào cũng nghĩ ra những trò chơi đầy hứng khởi và đam mê. Chúng bảo nhau xin mấy chiếc nan tre đan rổ của ông nội rồi đan cài thành khung đèn ông sao. Không có tiền mua giấy màu thì tìm giấy báo cũ nhuộm nước giã củ nghệ vàng tươi, nhuộm quả gấc màu đỏ chót, làm sao cho có đủ năm màu dán lên năm cánh. Không có nến thì có khó gì đâu, buổi tối chúng rủ nhau tìm bắt đom đóm ở bờ ao nhốt trong lồng đèn là có ngay chiếc đèn ông sao tự phát sáng, phấn khởi khoe nhau. Thế rồi, háo hức vừa chạy nhảy trong ngõ xóm, vừa nâng cao chiếc đèn ông sao tự chế thích thú lắm; trong tiếng hò reo và tiếng trống ếch rộn ràng, thôi thúc làm líu ríu cả bước chân người lớn.

Ông nội bao giờ cũng tiềm tàng những vật chất cho lũ trẻ thỏa chí sáng tạo và tỷ mẩn tự làm lấy đồ chơi. Từ tờ giấy bản viết chữ nho, một loại giấy cổ xưa mỏng mềm, khô thì dai nhưng thấm nước thì dễ xé, để làm giấy phất diều, đến những tờ giấy bóng kính xanh đỏ tím vàng gói bánh khảo ông đã gom từ bao giờ, chờ đến Tết Trung thu mang ra cho các cháu. Còn bà nội và mẹ tất tả tìm lá khúc làm bánh khúc dẻo thơm cúng rằm và làm cỗ ngọt cho con cháu ngắm trăng, có ấm nước nụ hoa vối hơi đắng ngoài môi, ngọt sâu trong miệng.

Nhưng nhớ nhất, vui thích nhất là những buổi tối áp ngày Trung thu, đội thiếu nhi từ sau lũy tre về tập trung múa hát ở sân đình. Thiếu nhi các xóm đi thành đoàn rước đèn ông sao trong tiếng trống tùng rinh náo nức, rộn ràng. Những xâu hạt bưởi khô đốt cháy lóe sáng như pháo hoa… Đám rước đèn đi qua từng ngõ xóm. Không có đứa trẻ nào có thể thờ ơ hay bỏ ngoài tai âm thanh rộn ràng đầy tính thúc giục ấy. Trẻ con xin bố mẹ gia nhập đoàn rước bằng được. Để đi theo đám rước đèn, ngay từ chiều đã tắm gội và mặc bộ quần áo mới nhất với tâm trạng nôn nao, đợi chờ. Mấy chị phụ trách vừa mới năm nào còn là đội viên nay là đoàn viên thanh niên, đứng  bắt nhịp cho toàn đội hát tập thể. Các anh, các chị lúc nào cũng tươi tắn thế, dáng người sao mà thân yêu, thương mến. Ông trăng Rằm, vẫn là trăng nhưng trong đêm Trung thu, ông trăng sáng lắm, to tròn vành vặn như vành nón. Ánh trăng dường như sáng át cả các chòm sao Thần Nông, Thiên Vương… sáng như đọc được sách vậy. Và rồi, dư âm của đêm Trung thu mãi ngân rung trong lòng con trẻ. Có lẽ cũng từ đây, hồn quê thấm đẫm vào tâm trí mãi về sau, hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình luôn tạo nên bóng dáng làng quê thương nhớ. Từ đây, tâm hồn trong trẻo của trẻ con cảm nhận sự chăm lo của gia đình và xã hội. Cả sự yêu thương và gắn kết thân ái với bạn bè, làm gì có chuyện bạo lực học đường, chỉ có tình thương trao đi và nhận lại ân cần, âu yếm rất hồn nhiên, thơm thảo.

Trăng đêm Trung thu, người đêm Trung thu thi nhau tỏa sáng, ánh sáng dịu dàng tha thiết. Nhân loại có dùng hàng ngàn tấn giấy mực cũng không tả hết cảm xúc về ánh trăng trong đêm Trung thu. Sau này khi trở thành anh chị phụ trách thiếu nhi, không hiểu từ nguồn cơn nào, cảm hứng từ đâu mà mỗi mùa Trung thu vẫn háo hức đến thế. Có lẽ tại vì lây cái háo hức từ trẻ con hay sự khao khát, ước mong thể hiện mình với các bạn cùng trang lứa. Những buổi tối tập trung ở sân đình vẫn là những đêm đáng nhớ. Rồi đến một Trung thu nào đó người lớn chợt nhận ra Trung thu không chỉ để trẻ con vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ, mà cũng là của người lớn. Bao nhiêu hoài niệm về những mùa Trung thu đã qua và bao xúc cảm về ánh trăng như bất chợt ùa về.

Bây giờ, Tết Trung thu người lớn mua nhiều quà cho trẻ con, rất nhiều món đồ chơi được làm bằng nhựa đủ các màu sặc sỡ, gắn vi mạch điện tử, ánh sáng nhấp nháy và kèm theo âm thanh vui nhộn. Người lớn cũng có quà Trung thu, quà của người lớn biếu nhau là những hộp bánh to. Khó mà cắt nghĩa được là so với bánh nướng, bánh khúc và chuối trứng cuốc chấm cốm của ngày xưa thứ nào ngon hơn. Có phải cái ngon thơm một khi đã trở thành ấn tượng và in sâu trong tiềm thức từ thời gian khó thì không dễ gì nhạt phai. Cái ngon thơm thời ấy ấp ủ ngay khi bà ủ chuối trong chum, hay khi mẹ ngâm hồng chờ đêm rằm dỡ bày ra mâm nên nó bền chặt lắm. Tết Trung thu mãi mãi là cái tết đầy thi vị, bởi nó tỏa sáng từ tâm hồn trẻ con, nó được người lớn lấy cớ để nhớ về tuổi thơ của mình.