Quý độc giả thân mến!
Tết Trung thu là một nét đẹp văn hóa dân tộc Việt. Trong văn bia chùa Đọi, năm 1121, từ thời nhà Lý, Tết Trung Thu đã được tổ chức ở kinh thành Thăng Long với hội đua thuyền, múa rối nước và rước đèn. Xưa nay, người Việt vẫn luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuội đời và vầng trăng. Trăng khuyết rồi lại tròn, như chia ly rồi có ngày đoàn tụ. Từ đó, trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết Trung Thu còn gọi là Tết đoàn viên.
Là ngày rằm lớn trong năm, Tết Trung Thu đã dần trở thành dịp lan tỏa tình yêu thương, tinh thần Phật pháp đến tất cả mọi người. Phật pháp như ánh trăng rằm mùa thu rạng ngời, tỏa sáng muôn nơi, thắp sáng mọi tâm hồn không phân biệt một ai, giúp chúng ta biết suy nghiệm lối sống cao đẹp giữa người với người, trước những biến động vô thường.
Niềm vui và nụ cười là những điều lan tỏa nhanh nhất, không chỉ có người nhận vui mừng mà người cho cũng hoan hỷ. Cuộc đời mỗi người chỉ có thể hạnh phúc khi mở lòng yêu thương, bao dung, buông xả và chia sẻ với đồng loại, như lời Đức Phật dạy: “An ủi lớn nhất đời người là bố thí”.
Nhân dịp chào đón ngày Tết Trung Thu, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 413 với chủ đề “Đoàn viên pháp lạc”. Đức Phật từng dạy: “Ta là Phật đã thành, các người là những vị Phật sẽ thành”. Do đó, ai cũng sẽ thành Phật bằng cách sống yêu thương mọi người xung quanh, nhất là dành tình thương cho trẻ em thông qua biểu hình thân hành, khẩu hành, ý hành như Đức Phật.
Ban biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo