Tóm tắt: Số tức quan, hay sổ tức quán, là phép quán niệm hơi thở có lịch sử rất lâu đời trong Phật giáo. Quán niệm hơi thở là đề mục niệm thân trong Tứ Niệm xứ vốn là bài kinh trọng yếu của Phật giáo Nguyên thuỷ. Sự thành tựu trí tuệ từ quán niệm hơi thở đã được Đức Phật khẳng định. Bài viết khảo cứu một số kinh văn và luận thư có đề cập đến phép quán niệm hơi thở và phương pháp đếm hơi thở – sổ tức quan trong Phật giáo, liên hệ đến phương pháp số tức quan trong bộ Chơn Lý của Tổ sư Minh Đăng Quang. Từ đó cho thấy Đức Tổ sư đã kế thừa truyền thống thiền định Phật giáo một cách bài bản, đồng thời Ngài cũng có những phát kiến thể hiện đặc trưng tư tưởng khế lý, khế cơ của mình.
Từ khoá: an ban, quán niệm hơi thở, số tức quan.
Đặt vấn đề:
Thiền định là một phương pháp tu tập căn bản của Phật giáo. Đức Phật hằng giảng về định như yếu tố hết sức quan trọng trong tiến trình tu tập: Ðây là giới, đây là định, đây là tuệ. Ðịnh cùng tu với giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc tức là dục lậu, hữu lậu (tri kiến lậu), vô minh lậu (Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh). Noi theo lời dạy của Đức Phật, trong bộ Chơn Lý của Hệ phái Khất sĩ, tổ Minh Đăng Quang cũng dành ra nhiều nội dung nói về phép thiền cho các vị xuất gia. Ngài giảng trong bộ Chơn Lý rằng, “cho nên tâm định thì trí mới huệ, huệ nhiều ít là do định. Định nhiều thì huệ nhiều, định ít thì huệ ít, không định thì không có huệ”, Ngài lại còn dành riêng một bài giảng về phép số tức quan, là phép quán niệm hơi thở bằng phương pháp đếm số để an trú vào định. Đủ cho thấy Ngài vừa am tường pháp hành vừa khéo léo chọn pháp tu phù hợp đại chúng. Việc hệ thống hoá phép tu thiền của Hệ phái Khất sĩ đến nay vẫn còn mới mẻ, nhất là đặt trong tương quan so sánh với Phật giáo Nam truyền. Bài viết hy vọng cung cấp thêm góc nhìn về vấn đề trên
1. THIỀN NIỆM HƠI THỞ VÔ, HƠI THỞ RA THUỘC THIỀN TỨ NIỆM XỨ
Đức Phật khi mới tầm cầu đạo pháp đã tu học với Alara Kalama về phép thiền đạt đến Vô sở hữu xứ. Sau đó Ngài đến học với Uddaka Ramaputta về phép thiền đạt đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Cả hai phép thiền Ngài đều thành tựu, nhưng Ngài rời bỏ vì “Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn” [1].
Sau khi rời bỏ hai đạo sư trên, Sa môn Gautama du hành đến một khóm rừng Uruvela có con sông “có con sông trong sáng chảy gần, với một chỗ lội qua dễ dàng khả ái, và xung quanh có làng mạc bao bọc dễ dàng đi khất thực” [2] và chọn lối tu thiền kết hợp khổ hạnh. Dẫn đạo cho Ngài là ý tưởng về việc phải xả ly các dục về thân như dục tham, ái, hôn ám, khát vọng nhiệt não… Ngài bắt đầu tu bằng cách “nghiến răng, dán chặt lên lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm”, tu thiền nín thở, giảm thiểu ăn uống đến độ ăn ít từng giọt một,… song vẫn không chứng được pháp giải thoát. Ngài nhớ lại kinh nghiệm nhập Sơ thiền thuở nhỏ và bắt đầu hành thiền theo đạo lộ ấy, bắt đầu từ Sơ thiền, tuần tự lên Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, rồi Ngài hướng tâm về tam minh, giải thoát khỏi các lậu hoặc, trở thành bậc Chánh đẳng giác.
Các tầng thiền định và điều kiện, phương pháp chứng thiền định được Đức Phật giảng giải rộng rãi và nằm ở rất nhiều bài Kinh trong Kinh tạng Nguyên thuỷ Phật giáo. Nhất thiết nhấn mạnh rằng, điều kiện căn bản của thiền định nói riêng hay tu học nói chung trong Phật giáo là phải giữ giới được tròn vẹn. Vì giới là nền tảng trên đó phước điền và phước huệ sinh khởi. Sau Giới, thiền định là giai đoạn kế tiếp mà hành giả phải đạt được để bước vào tu Tuệ, nhận ra Tứ thánh đế, nhận ra chân lý của vạn pháp là vô thường, vô ngã và Niết bàn. Phép tu thiền Đức Thế Tôn giảng dạy rất đa dạng nhưng không nằm ngoài yếu chỉ trên.
Trong các pháp thiền, có pháp Tứ Niệm Xứ được Đức Phật dạy trong Kinh Niệm Xứ. Bậc Thiện Thệ dạy đây là đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn [3]. Pháp Niệm Xứ được thiết lập trên sự áp đặt tâm niệm (Satipatthàna). “Sati” là niệm, “patthàna” là một hình thức rút gọn của chữ Upatthàna có nghĩa là để gần lại tâm của mình [4]. Bốn lĩnh vực quán niệm gồm thân (sắc uẩn), thọ (hay cảm giác, thọ uẩn), tâm (liên quan đến tưởng uẩn) và pháp (là những đối tượng của tâm, liên quan đến hành uẩn, thức uẩn). Đức Phật nhấn mạnh hành giả sống tự do và không bám víu vào một thứ gì trong thế gian, nghĩa là thoát ra khỏi ái dục và tà kiến, cùng những trói buộc của danh sắc và ảo tưởng về ngã. Việc quán một đề mục nào đó như quán thân là để tâm chú ý vào sự thay đổi của thân, ví dụ “Tỳ kheo khi bước tới bước lui, biết rõ việc mình đang làm; khi ngó tới ngó lui, biết rõ việc mình đang làm; khi co tay, khi duỗi tay, biết rõ việc mình đang làm […]” [5].
Đức Phật còn dạy riêng về phép quán niệm hơi thở vốn là một lĩnh vực thuộc về niệm thân. Ngài ca ngợi: “Nhập tức xuất tức niệm, này các Tỳ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến quả lớn, công đức lớn. Nhập tức xuất tức niệm, được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn. Bốn niệm xứ được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn. Bảy giác chi được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho minh giải thoát (vijjavimutti) được viên mãn” [6]. Ngoài việc hoàn mãn các phẩm trợ đạo, tu niệm hơi thở vô, hơi thở ra có thể giúp hành giả đạt các tầng thiền hữu sắc và vô sắc, giúp thân và con mắt không có mệt nhọc, tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ [7], hoặc nếu có dư y thì chứng quả Bất lai [8].
Về cụ thể, niệm hơi thở vô, hơi thở ra được Đức Thế Tôn dạy căn bản như sau:
“Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đi đến rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng. Đặt niệm trước mặt, vị ấy chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra”.
“Thở vô dài, vị ấy rõ biết “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”. Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, vị ấy biết biết: “Tôi thở ra ngắn”.
“Cảm giác toàn thân tôi sẽ trở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân tôi thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập”.
“Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập”.
“Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập, “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập”.
“Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập”.
“Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập” [9].
Bằng việc quán sát 16 đề tài an trú tâm này với định lực hộ trì, tâm hành giả sẽ trở nên nhu nhuyến, dễ sử dụng, nhờ đó có thể hướng tâm đến các tầng thiền và quán sát thực tướng vạn pháp.
Trên nền tảng phép thiền Tứ Niệm Xứ và quán niệm hơi thở, các vị luận sư đã triển khai phép quán sổ tức để giúp hành giả dễ nhiếp tâm.
2. CÁC HƯỚNG DẪN SAU THỜI ĐỨC PHẬT VỀ THIỀN QUÁN NIỆM HƠI THỞ
Có rất nhiều hướng dẫn của các luận sư cổ điển và hiện đại về phép quán niệm hơi thở, trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ trích lại ba tác phẩm lớn có ảnh hưởng đến nhiều nghiên cứu Phật học về thiền quán niệm hơi thở.
2.1. Giải Thoát Đạo Luận
Vào đầu thế kỷ I, ngài A-la-hán Upatissa trước tác bộ Giải thoát đạo luận (Vimuttimagga) ở Ấn Độ. Sau đó ngài Tăng-già-ba-la (Sanghapala) người Phù Nam đến Trung Hoa dịch sang Hán văn. Tác phẩm này hiện còn trong bộ Càn Long Đại Tạng Kinh. Bộ Giải thoát đạo luận dường như là một trong những tác phẩm sớm nhất còn lại đề cập đến phép quán sổ tức trong thiền học và dường như ngài Phật Âm (Buddhaghosa) từng tham khảo tác phẩm này để viết Thanh Tịnh Đạo luận (Visuddhimagga) [10].
Giải thoát đạo luận gồm 12 phẩm, trong đó phẩm thứ 8 (Hành môn) đề cập đến phương thức tu thiền, từ các quán tưởng về đất đến quán bất tịnh và quán niệm hơi thở. Luận định nghĩa niệm hơi thở như sau: “An là tướng hơi thở ra; Ban là tướng hơi thở vào; Niệm đó theo sát niệm, giữ đúng chánh niệm, đó gọi là niệm an ban. Tâm trú chẳng loạn, đó là tu. Niệm khởi lên tư tưởng về hơi thở, đó là tướng. Suy nghĩ về sự va chạm của hơi thở, đó là vị, hay là chức năng của niệm hơi thở. Chấm dứt giác, đó là xứ, hay là phạm vi hoạt động của niệm hơi thở” [11].
Căn bản cách thực tập thiền quán niệm hơi thở vẫn theo công thức 16 niệm của Kinh Nhập tức, Xuất tức niệm trong Trung Bộ Kinh: “Tu niệm hơi thở như thế nào? Người mới tập thiền đi đến nơi yên vắng, hoặc nơi chùa chiền, hoặc dưới gốc cây, tại nơi an tịch đó, ngồi kiết già, thân, lưng thẳng. Người đó niệm hơi thở vào, niệm hơi thở ra […] Tôi thở vào, biết như thế. Tôi thở ra, biết như thế. Biết mừng, biết vui, biết các tâm hành và khiến chấm dứt các tâm hành […] Thấy vô thường, thấy sự chẳng ham muốn, thấy sự diệt khổ, thấy sự xuất ly, cứ như thế mà biết. Thấy sự xuất ly, tôi thở ra như thế. Thấy và biết sự xuất ly, tôi thở ra như thế” [12].
Hơi thở được “cột” vào đầu mũi hoặc trên môi: “Chính nơi hơi thở vào ra và chạm vào chót mũi hay trên môi, là nơi phải quán sát để biết”. Nhưng sự biết trong quán niệm hơi thở là biết thuần tuý, không tác ý, giống như “người cưa gỗ ngó theo sức cây cưa mà chẳng khởi lên ý tưởng về lưỡi cưa đang chạy tới lui”, “đối với mỗi loại tướng của hơi thở, chẳng nên để cho ý dính mắc vào”. Tâm hành của hành giả chỉ nên quan sát hơi thở mà không nên khởi lên tinh tấn, hay để tâm giải đãi.
Về cách nhận biết tiến bộ ban đầu của sự quán niệm hơi thở, Ngài Upatissa cho rằng niệm hơi thở tự nó sẽ khiến khởi lên ý tưởng về gió (tướng của niệm), tạo ra cảm giác khoan khoái, như làn gió mát trên da. Tướng ấy được khéo tu sẽ tăng trưởng và lan rộng trên khắp trán, khiến cho đầu đầy cả gió, rồi lan ra toàn thân, khiến thân được an lạc. Nhờ đó “tâm được định tĩnh, các triền cái đều diệt hết và các thiền chi khởi lên. Người tọa thiền ấy đã đắc được cõi tịch diệt thắng diệu của bốn cấp thiền”.
Theo luận, có bốn cách tu niệm hơi thở là toán (đếm), tùy trục (theo đuổi sát), an trí (trụ yên vào) và tuỳ quán (quán sát theo). Toán pháp giúp cho tầm diệt, tùy trục giúp diệt niệm giác thô ở nơi hơi thở ra vào, an trí pháp giúp trừ bỏ sự xao lãng, tuỳ quán pháp giúp phân biệt rõ các thắng pháp. Pháp quán niệm hơi thở được xác định là một bộ phận thuộc thiền Tứ niệm xứ, vì “chỗ bắt đầu biết hơi thở dài vào ra, chính là thân niệm xứ. Chỗ bắt đầu biết được hỉ, lạc đó là thọ niệm xứ. Chỗ bắt đầu biết được tâm, đó là tâm niệm xứ. Chỗ bắt đầu thấy được vô thường, đó là pháp niệm xứ”. Bằng cách quán niệm hơi thở, khởi lên các thiền chi, diệt các triền cái, hành giả hướng đến nhận thấy đặc tính của vạn pháp: thấy hơi thở vào và ra cùng với tâm và tâm sở đều sanh diệt nên hiểu vạn pháp vô thường (1); thấy các pháp vô thường ấy không đáng ham muốn, còn pháp vô dục chính là Niết bàn (2); thấy các pháp vô thường có nhiều lỗi lầm nên diệt bỏ, nhờ đó gần với Niết bàn (3); thấy các pháp vô thường có nhiều lỗi lầm, nên xả bỏ và đồng thời an trú trong sự tịch diệt của Niết bàn, tâm trở nên hoan lạc (4) [13].
2.2. Thanh Tịnh Đạo luận
Luận sư Phật Âm (Buddhaghosa) là người sinh trưởng tại miền Trung Ấn Độ. Sư vượt biển sang Tích Lan (Sri Lanka) vào khoảng năm 412-434 và trước tác nhiều tác phẩm quan trọng của Phật giáo Thượng tọa bộ phái tại đây, trong đó có luận Thanh Tịnh Đạo. Bộ luận thư này được giới học giả phương Tây cho rằng đã hệ thống hoá lời dạy của Đức Thế Tôn trong Tam tạng kinh điển Pali [14]. Phần giải thích về phép quán niệm hơi thở lấy nội dung Đức Phật giảng 16 mục niệm hơi thở trong Trung Bộ Kinh. So với Giải Thoát Đạo Luận, luận Thanh Tịnh Đạo tập trung thích nghĩa từng từ, từng câu của kinh văn hơn. Ví dụ, “Ðịnh do quán hơi thở” là định liên hệ đến việc niệm hơi thở hay định về pháp niệm hơi thở [15]; “kiết già” là thế ngồi với hai vế hoàn toàn xếp lại […] Vì khi ngồi như vậy, da, thịt và gân của hành giả không bị cong quẹo, những cảm thọ khởi lên nếu chúng bị cong, sẽ không khởi lên. Vì thế tâm hành giả trở thành chuyên nhất, và đề mục thiền, thay vì sụp đổ đạt đến lớn mạnh tăng trưởng [16]. Ngài Phật Âm chia phương pháp tu tập thiền quán niệm hơi thở ra thành 5 giai đoạn:
“Ðây là 5 giai đoạn: học, hỏi, an lập, thấm nhuần, đặc tính. Ở đây Học có nghĩa là học đề mục thiền. Hỏi là hỏi về đề mục thiền. An lập (an trú) là an trú đề mục thiền. Thấm nhuần là thấm nhuần đề mục thiền. Ðặc tính là đặc tính của đề mục thiền, tức là sự xác định bản chất cá biệt của đề mục thiền như vầy: “Ðề mục thiền này có một đặc tính như vậy” [17].
Luận cũng dạy phép đếm đến mười khi quán niệm hơi thở, nguyên tắc thành tựu của phép này là “nhờ trợ lực của sự đếm mà tâm trở nên chuyên nhất”, “đếm là phương tiện để […] cắt đứt sự phân tán của vọng tưởng”. Phép quán niệm hơi thở này gồm 8 sự tác ý là đếm, theo dõi, chạm, gắn vào, quan sát, quay đi, thanh tịnh và nhìn lại. Đếm chỉ có nghĩa là đếm, theo dõi là liên tục theo dõi, chạm là chỗ những hơi thở ra vào chạm đến, gắn vào là định an chỉ (absorption), quan sát là tuệ, quay đi là đạo, thanh tịnh là quả, nhìn lại là kiểm lại. Việc đếm đến mười được giải thích rất khác so với ngài Upatissa: Nếu chưa đến số 5 mà đã ngừng lại thì tâm vị ấy trở nên nóng nảy trong khoảng giới hạn chật hẹp, như một đàn súc vật bị nhốt lại trong cái ràng chật, nếu đi quá số 10 thì tâm hành giả dễ lấy con số (hơn là hơi thở) làm điểm tựa [18]. Ngài Phật Âm hướng dẫn cụ thể hơn cách đếm: lúc đầu nên đếm chậm như người đong lúa đếm, và “hành giả có thể lấy hơi thở ra hoặc hơi thở vào, cái nào hiện rõ cho vị ấy hơn cả”.
Vị hành giả chú tâm đến hơi thở khi hơi thở xúc chạm vào cửa mũi cho đến khi không cần đếm mà niệm vẫn được an trú trên hơi thở. Sau đó hành giả tác ý bằng cách theo dõi, “dán chặt tâm nhờ định” vào chỗ xúc chạm (ở đây là cửa mũi), khi đó các thiền chi còn lại là tầm, tứ, hỷ và lạc dần xuất hiện [19]. Càng thiền tập thì hơi thở càng vi tế, các tướng hơi thở ra vào ngày càng vi tế, đến mức hành giả không còn cảm nhận tướng vi tế ấy rõ ràng nữa, lúc ấy họ để tâm vào ngay chót mũi “xem như đối tượng quán tạm thời của vị ấy”. Dần dần tưởng uẩn sẽ phát sinh ra tợ tướng, hành giả phải phân biệt được ba tâm khác nhau: tâm với hơi thở vào, tâm với hơi thở ra và tâm lấy tướng vừa phát sinh làm đối tượng, đồng thời duy trì thuần thục tướng này.
Sau khi xuất định, hành giả suy xét về yếu tố sắc thân (thân và hơi thở) và danh (các tâm), tìm kiếm điều kiện phát sinh ra danh sắc, “nhờ vậy vượt qua những hoài nghi về đường lối danh sắc sinh khởi trong ba thời” [20], giác ngộ các trí tuệ cần thiết như sanh diệt trí, hoại trí… Từ đó đạt đến bốn thánh đạo và các quả vị giác ngộ.
2.3. Kinh An Ban Thủ Ý
Từ đầu Công nguyên, khi truyền vào Việt Nam và Trung Hoa, các nhà sư Ấn Độ và Trung Á đã mang các phương pháp thiền nguyên thuỷ đến quốc độ mới. Để pháp hành trở nên hiệu quả thì phải có pháp học, do đó chư vị đã đem nhiều kinh sách đến giảng dạy cho đồ chúng, trong đó có Kinh An Ban Thủ Ý. Đây là một trong những kinh văn sớm nhất truyền bá ở Đông Á nay còn biết đến. Sư Khương Tăng Hội người Giao Chỉ viết chú giải Kinh An Ban Thủ Ý vào khoảng 221-230 [21], có thể xem là thư tịch sớm nhất ghi lại về phép sổ tức quán trong truyền thống Phật giáo Việt Nam.
Ý nghĩa tên bản kinh, theo chú giải của ngài Khương Tăng Hội thì: An là thân. Ban là hơi thở. Thủ ý là đạo. Thủ là cấm, cũng gọi là không phạm giới. Cấm cũng là giữ. Giữ là giữ hết tất cả, không chỗ phạm. Ý là hơi thở, ý cũng là đạo [22]. Phép sổ tức là một trong mười “cận vệ” giúp an ban thủ ý hoàn thành nhiệm vụ. Sổ tức là chặn ý, là dứt ngoài, không muốn theo năm ấm. Theo bản chú giải của ngài Khương Tăng Hội, thì Phật đã dạy phép sổ tức này vì bốn lý do: Một là vì không muốn cảm thọ. Hai là vì tránh loạn ý. Ba là vì đóng cửa nhân duyên, không muốn gặp sanh tử. Bốn là vì muốn được đạo Nê hoàn (tức Niết bàn).
Phép sổ tức theo đó phải ngồi mới hành trì được; thấy sắc phải nghĩ vô thường, bất tịnh; phải hiểu sân, nghi, ganh ghét và buông bỏ.
Phép đếm trong sổ tức quán là hành giả hít vào thì đếm một, rồi thở ra. Lý do đếm khi hít vào là vì “bên ngoài có bảy ác, bên trong có ba ác, ít chẳng thể thắng nhiều nên trước đếm hơi thở vào”. Phép quán niệm hơi thở này cũng y theo 16 thắng, nghĩa là theo 16 loại hơi thở mà Phật dạy trong Kinh Nhập tức, Xuất tức niệm thuộc Trung Bộ kinh:
“Tức thời tự biết thở nhanh dài, tức tự biết thở nhanh ngắn, tức tự biết thở nhanh động thân, tức tự biết thở nhanh yếu, tức tự biết thở nhanh an ổn, tức tự biết thở nhanh chẳng an ổn, tức tự biết thở nhanh dừng, tức tự biết thở nhanh chẳng dừng, tức tự biết thở nhanh lòng hoan lạc, tức tự biết thở nhanh lòng chẳng hoan lạc, tức tự biết nội tâm nghĩ vạn vật đã qua đi chẳng thể trở lại, tự biết đạt được hơi thở nhanh, tự biết bên trong không nghĩ gì, tự biết nghĩ hơi thở nhanh, tự biết ném bỏ việc suy nghĩ hơi thở nhanh, tự biết chẳng ném bỏ sự suy nghĩ hơi thở nhanh, tự biết buông bỏ thân mạng hơi thở nhanh, tự biết chẳng buông bỏ thân mạng hơi thở nhanh tự biết. Đó là mười sáu thứ tức thời tự biết” [23].
So với Giải thoát đạo luận, Kinh An Ban Thủ ý đề ra phép đếm đến 10 đối với quán niệm hơi thở và giải thích nguyên nhân đếm đến 10 là: “Vì sao chỉ là mười? Một ý dấy lên là một. Hai ý dấy lên là hai. Đếm hết ở mười, đến mười là xong. Cho nên, nói đến mười là phước. Lại có tội, vì không thể phá hơi thở, nên là tội. Cũng nói ý sinh tử không mất, theo thế gian rồi, không cắt đứt việc thế gian là tội. Sáu tình là sáu việc hiệp với thọ, tưởng, hành, thức là mười việc, ứng với mười hơi thở trong. Giết, trộm, dâm, hai lưỡi, ác khẩu, nói dối, nói thêu dệt, tật đố, sân giận, si mê ứng với mười hơi thở ngoài”.
Hành giả tu tập sổ tức thường phải nghĩ về vô thường, khổ, không và vô ngã. Nếu hư thì đếm lại. Lúc quán hơi thở cần nhận biết hơi thở ở đầu mũi. Sư Khương Tăng Hội hết lòng tán thán phép quán sổ tức, Ngài nói rằng sổ tức là đã gồm 12 phẩm: khi sổ tức thì theo Tứ niệm xứ, khi hơi thở không loạn động hành giả có được tứ chính cần, khi đếm đủ mười hơi thở thì có tứ thần túc.
3. SỐ TỨC QUAN TRONG BỘ CHƠN LÝ
Tổ sư Minh Đăng Quang đã dung hiệp tư tưởng Phật giáo Nam Tông và Phật giáo Bắc tông trong các bài giảng của Ngài. Liên hệ đến tư tưởng Nam tông trên phương diện pháp hành, Tổ sư trình bày 40 đề mục thiền định, phép quán niệm hơi thở, ngoài ra Ngài còn liệt kê các chi thiền, tầng thiền, và giải thích đề mục nào đưa đến thành tựu tầng thiền nào [24]. Cho thấy Ngài đã hành thiền Phật giáo Nguyên thuỷ rất thâm mật.
Trong bộ Chơn Lý, Ngài theo truyền thống Nguyên thuỷ đã liệt kê đủ 40 đề mục thiền định như 10 đề mục Kasina, đề mục quán tử thi, quán niệm, nhưng Ngài còn giảng rộng hơn: “Hoặc tìm xét nơi màu xanh, đỏ, trắng, vàng, đen, tím, đất, nước, lửa, gió, khoảng trống, cái không, cái có; nơi các tử thi, sự chết, thây ma. Hoặc suy gẫm nơi Phật, Pháp, Tăng, Giới, Định, Huệ, ơn đức của Phật và chư Thiên, […] Cả thảy các pháp lý sự gì trong thế gian, quấy phải gì cũng có thể làm đề mục nhập định cho ta được cả” [25].
Quan điểm về định học của Tổ sư Minh Đăng Quang thuộc về biển cả Phật giáo vì trong giáo lý của Ngài thuyết giảng luôn có dấu ấn của Đức Thế Tôn và tứ thánh quả. Ngài có những sở kiến của riêng mình, ví dụ quan điểm về bốn bậc thiền chứng:
“Vậy nên sơ định là tầm sát, hỷ, lạc, tịnh, định.
Nhị định là hỷ, lạc, tịnh, định.
Tam định là lạc, tịnh, định.
Tứ định là tịnh, định và sẽ đến định xả là đắc đạo, đắc chơn ngã, chủ tể, kết quả” [26].
Hay,
“Qua khỏi tứ định mới gọi là đắc Niết-bàn nín nghỉ thiệt thọ kêu là đại định, trong đại định là tự nhiên, chớ không còn có pháp gì như niệm chăm chú, hay tầm sát, hỷ, lạc, tịnh chi cả”.
Định học “phải có giới ủng hộ”, và chỉ có định mới sanh huệ, định huệ song tu do nơi giới luật khất sĩ thì chơn như toàn giác mới sống đời [27]. Con đường chánh định là nơi cuối chót của chúng sanh. Chúng ta ai ai khá nên nhập định hết [28].
Trong phần Số tức quan, Tổ sư Minh Đăng Quang cũng trình bày phép dùng quán niệm hơi thở làm đề mục. Ngài nói rằng Số tức quan tức là quán xét hơi thở mà đếm số, song Số tức quan phát ra trong khi gần nhập định chứ không phải mượn Số tức quan làm đề mục niệm để đặng thiền định [29], Số tức quan là trung đạo và là nấc thang để nhập định [30]. Cách tu bắt đầu dễ dàng vì đó là “lẽ tự nhiên bình thường”, “rất giản tiện”: đừng cố ý chăm chú vào riêng hơi thở, ngăn sự thái quá thở mạnh, bất cập thở nhẹ, giữ làm sao hơi thở được mực trung điều hoà nhau như sợi dây ngang thẳng chẳng cho gợn sóng, như cái vòng tròn không cho bóp méo [31]. Khác với các tác giả cổ điển, Tổ sư Minh Đăng Quang không chủ trương hành giả phải đếm số đến 10 như cách luyện tập đề mục niệm hơi thở, Ngài cho rằng:
“Còn như những bậc thấp, hoặc người ta tập sự chăm chú chăm chỉ đếm một, hai, ba, đến trăm ngàn muôn trong mỗi lúc, một con số nhứt định bằng hơi thở ra vào” [32].
“Lại như có người vì xao lãng hay quên, nên tập phép thở ngược như vầy: Người bắt đầu ngồi trói ngay thân thể, mắt ngó xuống, cắn răng ngậm môi, hít hơi vô thật mạnh dài xuống đến khỏi rốn, phình bụng dưới ra, và khi tóp bụng dưới lại thở hơi dài mạnh ra ngoài, đếm thầm một; kế đến hít dài mạnh vô, thở dài mạnh ra đếm thầm hai; người càng thở dài mạnh thêm lên, và đếm mãi, theo con số nhứt định, mấy trăm, mấy ngàn mỗi ngày, và càng ngày càng tăng con số ấy […] Để rồi sau mỗi lúc hơi thở dài mạnh cho mệt ấy là đến lúc mát khỏe nhẹ lắm, hơi thở sẽ bình thường, và nhẹ nhẹ lần nhập định luôn không còn đếm niệm, đó cũng là phép đổi lửa, quạt lửa tùy theo mỗi lúc [33].
Ngài mô tả lại kinh nghiệm khi nhập thiền nhờ Số tức quan tương tự với Thanh Tịnh Đạo luận, chỉ khác là Ngài không nói về “tướng” hay thuật ngữ cao siêu mà diễn tả rất dân dã: “Khi ấy người không còn chú ý thở, nhưng tự xác thân nó vẫn thở lấy. Tâm người đã định yên, còn hơi thở, còn thân, hay không còn hơi thở, không còn thân cũng được” [34].
Ở Ngài, phát lý ra một nghĩa mới của số tức quan: số tức quan không chỉ là một phép tu đếm niệm hơi thở mà còn là sự phản ánh của uyên nguyên: “số tức quan có sẵn nơi mình, nơi bậc trong sạch dứt nghiệp” [35]. Từ việc phát hiện ra tiền đề này, Tổ sư Minh Đăng Quang nhận thấy có thể kết hợp việc niệm các đề mục khác để hiện tướng của đề mục nhờ đó trụ tâm, ví dụ niệm danh hiệu đức A Di Đà, niệm một câu pháp, hay tuỳ duyên cảnh mà niệm như lúc đói thì niệm no, lúc mệt niệm khoẻ, lúc nóng niệm mát, lúc buồn niệm vui… Các văn bản chú giải và luận thư cổ điển đều chưa hề bàn đến sự kết hợp hết sức hy hữu này.
4. KẾT LUẬN
Thông qua việc khảo cứu từ Kinh tạng đến các bản luận thư về phép quán niệm hơi thở, bài viết cho thấy những điểm cốt lõi trong phép tu này – một pháp tu thuộc về thiền Tứ niệm xứ và được Đức Phật ca ngợi là con đường tối thắng đưa đến giác ngộ. Những yếu tố căn bản là sự chú tâm vào quan sát hơi thở, xúc chạm của hơi thở vào chót mũi, cửa mũi hay môi, sự xuất hiện của tướng hơi thở vi tế và cách quán xét sau khi xuất thiền. Từ đây khi đối chiếu với quan niệm của Tổ sư Minh Đăng Quang trong bộ Chơn Lý, nhất là trong phần Số tức quan, chúng ta thấy Ngài kế thừa những yếu tố căn bản của thiền tập quán niệm hơi thở trong chiều dài Phật giáo hàng nghìn năm. Đồng thời Ngài cũng có những phát kiến riêng, phù hợp với căn cốt người dân Nam bộ thuở bấy giờ nói riêng, người Việt Nam nói chung. Đó là giá trị quý báu của Phật giáo Khất sĩ mà ngõ hầu chúng ta chỉ mới hệ thống sơ bộ. Hy vọng các nghiên cứu tiếp nối của học giới sẽ diễn giải rộng mở hơn nữa, sâu sắc hơn nữa thiền học Khất sĩ trong nghiên cứu liên ngành.
Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Minh Nhẫn, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Tổng Biên tập Thường trực Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.
[1] Thích Minh Châu (dịch), Đại Kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung36.htm, truy cập 20/8/2023.
[2] Thích Minh Châu (dịch), Đại Kinh Saccaka, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung36.htm, truy cập 20/8/2023.
[3] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Niệm Xứ, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung10.htm, truy cập 20/8/2023.
[4] Thích Trí Siêu, Thiền Tứ Niệm Xứ, 1998, https://budsas.net/uni/u-thien4niemxu/thien4niemxu3.htm, truy cập 20/8/2023.
[5] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Niệm Xứ, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung10.htm, truy cập 20/8/2023.
[6] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Nhập tức, xuất tức niệm, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung118.htm, truy cập 20/8/2023.
[7] Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh, Thiên Đại Phẩm, Tương ương hơi thở vô, hơi thở ra, phẩm Một pháp, Ngọn đèn, https://budsas.net/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-54.htm, truy cập 20/8/2023.
[8] Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh, Thiên Đại Phẩm, Tương ương hơi thở vô, hơi thở ra, phẩm Một pháp, Quả, https://budsas.net/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-54.htm, truy cập 20/8/2023.
[9] Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh, Thiên Đại Phẩm, Tương ương hơi thở vô, hơi thở ra, phẩm Một pháp, Một pháp, https://budsas.net/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-54.htm, truy cập 20/8/2023.
[10] A-la-hán Upatissa-Tăng-già-bà-la (dịch từ Phạn sang Hán) (thế kỷ VI), N.R.M Ehara, Soma Thera, Kheminda Thera (biên dịch, hiệu đính) (1961), The Path of Freedom, The Buddhist Society Publication, p. XXXVI.
[11] A-la-hán Upatissa-Tăng-già-bà-la (dịch từ Phạn sang Hán) (thế kỷ VI), Thiện Hữu (dịch) (2003), Giải thoát đạo luận, Phẩm 8, Chi 4: Mười niệm (tiếp), Montreal, Canada, https://www.budsas.org/uni/u-giaithoatdao/gtd-084.htm, truy cập 22/8/2023.
[12] A-la-hán Upatissa-Tăng-già-bà-la (dịch từ Phạn sang Hán) (thế kỷ VI), Thiện Hữu (dịch) (2003), Giải thoát đạo luận, Phẩm 8, Chi 4: Mười niệm (tiếp), Montreal, Canada, https://www.budsas.org/uni/u-giaithoatdao/gtd-084.htm, truy cập 22/8/2023.
[13] A-la-hán Upatissa-Tăng-già-bà-la (dịch từ Phạn sang Hán) (thế kỷ VI), Thiện Hữu (dịch) (2003), Giải thoát đạo luận, Phẩm 8, Chi 4: Mười niệm (tiếp), Montreal, Canada, https://www.budsas.org/uni/u-giaithoatdao/gtd-084.htm, truy cập 22/8/2023.
[14] Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society, p. XXVII.
[15] Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society, p. 260. Có tham khảo bản dịch Thanh Tịnh Đạo của Ni sư Trí Hải.
[16] Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society, p. 263. Có tham khảo bản dịch Thanh Tịnh Đạo của Ni sư Trí Hải.
[17] Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society, p. 271. Có tham khảo bản dịch Thanh Tịnh Đạo của Ni sư Trí Hải.
[18] Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society, p. 272. Có tham khảo bản dịch Thanh Tịnh Đạo của Ni sư Trí Hải.
[19] Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society, p. 275. Có tham khảo bản dịch Thanh Tịnh Đạo của Ni sư Trí Hải.
[20] Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society, p. 279. Có tham khảo bản dịch Thanh Tịnh Đạo của Ni sư Trí Hải
[21] Thích Đạt Đạo, Kinh An Ban Thủ Ý lược giải, Nxb. Hồng Đức, https://thuvienhoasen.org/p17a18545/chuong-ii-gioi-thieu-xac-minh-ve-truyen-ban-va-ten-goi-xac-minh-ve-nien-dai, truy cập 20/8/2023.
[22] Thích Đạt Đạo, Kinh An Ban Thủ Ý lược giải, Nxb. Hồng Đức, https://thuvienhoasen.org/p17a18544/chuong-i-nhan-thuc-tong-quat, truy cập 20/8/2023.
[23] Thích Đạt Đạo (biên soạn) (2004), Kinh An Ban Thủ Ý lược giải, Thư viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/p17a18542/loi-gioi-thieu-loi-tri-an, truy cập 22/8/2023.
[24] TKN. Liên Hiếu (2014), “Tư tưởng thiền Phật giáo Nguyên thuỷ trong Chơn Lý Tổ sư Minh Đăng Quang”, Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb. Hồng Đức, tr.351.
[25] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.195.
[26] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.195.
[27] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.197.
[28] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.198.
[29] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.663.
[30] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.665.
[31] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.669.
[32] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.668.
[33] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.668.
[34] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.664.
[35] Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.666.
Tài liệu tham khảo:
1. A-la-hán Upatissa-Tăng-già-bà-la (dịch từ Phạn sang Hán) (thế kỷ VI), Thiện Hữu (dịch) (2003), Giải thoát đạo luận, Phẩm 8, Chi 4: Mười niệm (tiếp), Montreal, Canada, https://www.budsas.org/uni/u-giaithoatdao/gtd-084.htm.
2. Buddhaghosa (thế kỷ V), Bhikkhu Nanamoli (biên dịch) (2010), The Path of Purification, The Buddhist Publication Society.
3. NS. Tường Liên (2014), “Pháp tu thiền-tịnh trong Chơn Lý”, Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb. Hồng Đức.
4. Sa môn Minh Thành (2019), Đọc Chơn Lý: Nguồn Mạch Ngàn Xưa, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Sa môn Minh Thành (2019), Đọc Chơn Lý: Vén Mây Tỏ Tường, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Thích Đạt Đạo (biên soạn) (2004), Kinh An Ban Thủ Ý lược giải, Thư viện Hoa Sen, https://thuvienhoasen.org/p17a18542/loi-gioi-thieu-loi-tri-an,
7. Thích Giác Duyên (2014), Hệ phái Khất sĩ 70 năm hình thành và phát triển, Nxb. Tôn giáo.
8. Thích Minh Châu (dịch), “Đại Kinh Saccaka”, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung36.htm.
9. Thích Minh Châu (dịch), “Kinh Nhập tức, xuất tức niệm”, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung118.htm.
10. Thích Minh Châu (dịch), Kinh Niệm Xứ, Trung Bộ Kinh, https://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung10.htm.
11. Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh, Thiên Đại Phẩm, Tương ương hơi thở vô, hơi thở ra, phẩm Một pháp, Ngọn đèn, https://budsas.net/uni/u-kinh-tuongungbo/tu5-54.htm.
12. Thích Trí Siêu, Thiền Tứ Niệm Xứ, 1998, https://budsas.net/uni/u-thien4niemxu/thien4niemxu3.htm.
13. TKN. Liên Hiếu (2014), “Tư tưởng thiền Phật giáo Nguyên thuỷ trong Chơn Lý Tổ sư Minh Đăng Quang”, Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb. Hồng Đức.
14. Tổ sư Minh Đăng Quang (2016), Chơn Lý, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
15. Trương Văn Chung (2020), “Bối cảnh hình thành và những nguyên lý nền tảng của Phật giáo Khất sĩ ở Nam bộ:”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Các hệ phái Phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam Bộ, Nxb. Hồng Đức.
16. Bửu Chánh (2014), “Tư tưởng Phật giáo Nguyên thuỷ trong bộ Chơn Lý”, Kỷ yếu Hội thảo Hệ phái Khất sĩ: quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb. Hồng Đức.