DẪN NHẬP
Hiện nay, trong hàng Tăng Ni trẻ Việt Nam nói chung và Tăng Ni trẻ Khất sĩ nói riêng, có lẽ hầu như không có người hữu duyên được diện kiến Tổ sư Minh Đăng Quang dù chỉ một lần. Thế nhưng, uy đức và danh tiếng của Tổ sư chắc hẳn ai cũng từng nghe đến. Bản thân con cũng vậy, dù không có phúc duyên được diện kiến Tổ sư nhưng đã từng được nghe chư vị Tôn túc kể lại, cũng như đọc qua các nguồn tư liệu liên quan đến cuộc đời và đạo nghiệp của Tổ sư, thật vô cùng quý kính và cảm phục ngài!
Việt siêu tam giới hữu tình
Nam phương thạnh trị văn minh đạo đời
Lưu trụ nhân đức mười mươi
Truyền tụng hiền thiện nụ cười vô ưu
Chơn chánh nhiếp hóa phàm phu
Lý pháp tỏ rạng điều nhu an bình [1].
Sinh ra và lớn lên trong giai đoạn đất nước loạn lạc, Phật giáo suy vi, với ý chí của bậc xuất trần thượng sĩ, Tổ sư đã “cắt ái ly gia, xuất gia cầu đạo” và dành trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Kể từ lúc phát nguyện “Nối truyền Thích-ca chánh pháp”, khai sáng “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”, Tổ sư đã nỗ lực đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nhiều phương diện, nổi bật nhất về văn hóa, giáo dục và hoằng pháp. Đó chính là nội dung sẽ được trình bày trong bài tham luận này.
1. KHÁI QUÁT VỀ PHONG TRÀO CHẤN HƯNG PHẬT GIÁO VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG KHAI SÁNG HỆ PHÁI KHẤT SĨ
Khi nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta thấy giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thực trạng đã làm cho Phật giáo càng ngày càng suy vi. May thay, kể từ năm 1920 trở đi, nhờ động lực của phong trào phục hưng Phật giáo tại một số nước trên thế giới, cùng với nhiều diễn biến trong nước về các phương diện chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội…, tại Việt Nam cũng đã khởi lên phong trào chấn hưng Phật giáo, phát xuất từ Nam Bộ (1931) và dần dần lan rộng khắp ba miền đất nước [3].
Chính vì thế, “phong trào chấn hưng Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến sự xuất hiện của Phật giáo Khất sĩ cả về đường hướng, giáo lý, tu tập và một môi trường sinh thái tâm linh tôn giáo Nam Bộ”. Nói về nguyên nhân hình thành Phật giáo Khất sĩ, Trương Văn Chung cho rằng: “Bối cảnh lịch sử nửa đầu thế kỷ XX ở Nam Bộ có quá nhiều biến động về chính trị, kinh tế, đời sống văn hóa, tôn giáo, tạo thành bước chuyển lớn trong đời sống xã hội nói chung và tôn giáo nói riêng. Những biến động này chính là nguồn gốc xã hội, nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc tâm lý đối với sự ra đời, lan tỏa, phát triển của Phật giáo Khất sĩ” [4].
Theo Trần Hồng Liên, Hệ phái Khất sĩ là “một hệ phái mang tính riêng có ở Nam Bộ và Việt Nam” [5]. “Với hoài bão dung hòa đường hướng hai hệ phái Bắc và Nam tông, tạo cho mình bản sắc riêng, hệ phái Khất sĩ muốn đưa Phật giáo Việt Nam trở thành một hệ phái mang tính dân tộc và mở đường cho sự trở về với giáo lý nguyên thủy của Phật Thích-ca. Minh Đăng Quang là người khai sáng hệ phái này vào năm 1944” [6]. Căn cứ nguồn tư liệu của Hệ phái Khất sĩ cho biết: “Đức Tổ sư Minh Đăng Quang, thế danh Nguyễn Thành Đạt, tự Lý Huờn, sanh năm 1923, con của cụ ông Nguyễn Tồn Hiếu và cụ bà Phạm Thị Nhàn, sinh trưởng tại tỉnh Vĩnh Long, miền Nam nước Việt. Thuở thiếu thời, bẩm thụ được nền đạo đức kính Phật trọng Nho. Đến năm 1942, Tổ xuất gia tầm đạo, chu du nhiều nơi, tham vấn rộng khắp” [7]. Tổ sư Minh Đăng Quang “đã mang những luồng sinh khí mới vào Phật giáo Việt Nam, làm sống dậy hình ảnh giải thoát của Tăng đoàn ngày xưa” [8]. Thế nên nói:
Tổ sư Minh Đăng Quang có một nhơn duyên thù thắng đối với giáo pháp của Đức Phật Tổ Thích-ca Mâu-ni. Tổ sư sinh ra đời cách Đức Phật trên 2.500 năm, vậy mà khi bừng ngộ ra ánh sáng Chánh pháp của Đức Phật, tức thì tâm linh phấn chấn. Tổ sư đã tuyên bố và khẳng định con đường hành đạo phải là “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”. Từ suối nguồn tâm linh vi diệu này, Tổ sư tiếp tục khơi thông nguồn mạch, thuận duyên hành đạo trong cộng đồng dân tộc, sáng lập ‘Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam’, một sắc thái Phật giáo đặc thù, biệt truyền tại miền Nam Việt Nam [9].
Ở đây, cần nhấn mạnh rằng: Tuy mang tính đặc thù, biệt truyền, nhưng Đạo Phật Khất sĩ vẫn là một thành viên sinh hoạt hài hòa cùng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Vấn đề này đã được Hòa thượng Thích Giác Toàn – Trưởng ban Thường trực Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ khẳng định trong bài “Lược sử tưởng niệm đức Tổ sư Minh Đăng Quang” như sau: “Khoảng giữa thế kỷ XX, tại miền Nam Việt Nam, đức Tổ sư Minh Đăng Quang phát Bồ-đề tâm với chí nguyện: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, khai sáng “Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”, nay là Hệ phái Khất sĩ – thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam” [10].
Quả thật như vậy, với mục đích thống nhất các tổ chức, Phật giáo tại Việt Nam dưới một tổ chức duy nhất, cuộc vận động thống nhất Phật giáo được tiến hành. “Sự thống nhất Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức; đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng Chính pháp” [11]. Năm 1981, Đại hội các tổ chức Phật giáo được tổ chức tại chùa Quán Sứ, Hà Nội. Một tổ chức mới ra đời, lấy tên là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hợp nhất của 9 tổ chức Phật giáo, trong đó có Giáo hội Tăng-già Khất sĩ Việt Nam. Kể từ đó, 9 tổ chức này cùng nhau đoàn kết xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo Việt Nam tồn tại và phát triển vững mạnh mãi cho đến ngày nay.
2. ĐÓNG GÓP CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG VỀ PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA
Khi nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, chúng ta thấy vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, triều Nguyễn độc tôn Nho học, Phật giáo bị kỳ thị và suy đồi tột độ. Đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba miền, Phật giáo Việt Nam càng bị chèn ép. Một số ngôi chùa lớn cũng bị phá hủy, Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập các tài liệu, di vật nhưng không nhằm mục đích truyền bá Phật giáo cũng góp phần làm suy giảm các kinh sách tại các chùa.
Trước tình hình xã hội có nhiều biến chuyển như thế, công cuộc đổi mới cần được xúc tiến để củng cố nền văn hóa cũ bằng ngôn ngữ thuần Việt và hòa nhập cùng nền văn hóa mới. Các nhà trí thức cổ động phong trào nâng cao dân trí và công việc đầu tiên là phổ cập chữ quốc ngữ. Hòa cùng xu hướng đổi mới của xã hội, Phật giáo hết sức chú trọng việc hoằng truyền Phật pháp bằng kinh sách tiếng Việt. Đó chính là một trong những vấn đề trọng yếu của phong trào chấn hưng Phật giáo. Điều này thể hiện rõ qua câu trả lời của Hòa thượng Khánh Hòa khi được hỏi về cách thức để trùng hưng Phật giáo: “Đạo Phật ở Nam Kỳ ta hiện thời, trong thì Tăng đồ thất học, làm sai pháp luật; ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan, bây giờ mình hiệp cùng nhau lập thư viện, thỉnh Tam tạng kinh; một mặt thì lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản… khiến mọi người được thông hiểu cái giáo lý của đạo, mới mong trừ tuyệt những việc mê tín kia” [12].
Trên tinh thần đó, Tổ sư Minh Đăng Quang cũng chủ trương Việt hóa kinh Phật cho dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ nhằm phổ cập kinh Phật vào đại đa số quần chúng Phật tử. Nhằm mục đích đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo, “để ghi đậm nét những lời đạo đức cao quý vào tâm trí đồ chúng, Tổ sư đã tự thân viết tóm gọn lại những bài thuyết giảng rồi cho in ra ấn tống” [13], sau này đóng thành tuyển tập bộ Chơn lý. Có thể nói, “Đây là bộ kinh, lần đầu tiên tại Nam Bộ, Phật giáo thể hiện bản sắc của mình, không hoàn toàn lệ thuộc vào kinh văn Hán tự Trung Quốc” [14]. Bởi lẽ: “Chơn lý có bộ thuật ngữ riêng, có dòng ngôn thuyết mang phong cách rất riêng, riêng đến độ không lẫn vào đâu được mà người đọc thường gọi là rất Chơn lý” [15].
Nhận định về giá trị của bộ Chơn lý, trong “Lời giới thiệu” bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, Hòa thượng Pháp sư Giác Nhiên đã viết: “Theo tôi, bộ Chơn lý này có giá trị rất lớn, vì nó là then chốt mở cửa kho trí tuệ vô cùng tận, gồm có đủ tâm thức, lý sự, nội ngoại, trần duyên, chân giả… thật là ánh minh quang chánh đại, một tinh thần siêu xuất với lý chơn không rốt ráo và giải thoát cứu cánh hoàn toàn. Cũng có thể nói rằng bộ Chơn lý là kho tàng gia bảo quý báu vô giá, là kim chỉ nam cho kẻ đi biển, là bức họa đồ cho kẻ lạc rừng” [16]. Tương tự như thế, Hàn Ôn cũng đánh giá 69 tiểu luận trong Chơn lý “chính là 69 bài pháp do đức Tổ sư Minh Đăng Quang diễn giải để truyền bá đạo lý; có đủ triết lý, giáo lý, chơn lý, quyền pháp, đốn pháp, tiệm pháp, gồm cả kinh luật luận, dạy cả đạo lẫn đời” [17]. Do đó, khi nhắc đến Tổ sư Minh Đăng Quang, ngoài những công hạnh dấn thân hành đạo, nếu không đề cập đến bộ Chơn lý của Tổ sư quả thật là một thiếu sót lớn.
Nói tóm lại, “sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang đã tạo nên một Phật giáo có sắc thái riêng biệt, được một số Tăng Ni, học giả gọi là “Khất sĩ Phật Việt”, vì vừa thể hiện được đường lối của Phật Tăng xưa, vừa thể hiện được nền văn hóa bản địa Việt Nam, tạo nên một bản sắc Phật giáo đặc thù, góp phần cho vườn hoa Phật giáo Việt Nam thêm hương sắc” [18]. Nhằm mục đích xiển dương chánh pháp và đào tạo Tăng tài, Tổ sư đã biên soạn 69 tiểu luận Chơn lý, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa, văn học Phật giáo Việt Nam. Nội dung bộ Chơn lý của Tổ sư phần nhiều khích lệ, sách tấn chúng đệ tử nỗ lực tiến tu đạo nghiệp, trau dồi trí huệ, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” để “thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ”. Đọc Chơn lý của Tổ sư, dù thành phần trí thức hay bình dân cũng có thể thấu hiểu lý kinh và ứng dụng vào đời sống thực tế hầu có thể đạt được nhiều lợi ích thiết thực.
3. ĐÓNG GÓP CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG VỀ PHƯƠNG DIỆN GIÁO DỤC
Như chúng ta biết, một trong những nội dung chính của chương trình chấn hưng Phật giáo giai đoạn đầu thế kỷ XX là “mở trường Phật học, đào tạo Tăng tài”. Bởi lẽ trong giai đoạn này, vấn đề chính yếu cần phải giải quyết qua lời phát biểu trong bài “Tự trần” của Hòa thượng Khánh Hòa đó là: “Phật giáo ngày nay suy đồi là bởi Tăng đồ thất học” [19]. Đây là thực trạng đau lòng của Phật giáo khiến cho chư vị Tôn túc thời bấy giờ đã nghĩ ngay đến việc làm vô cùng cấp thiết là cần phải chấn hưng Phật học.
Trước tình hình ấy, song song với việc biên soạn kinh sách, du hành giáo hóa chúng sanh, Tổ sư Minh Đăng Quang còn đích thân giảng dạy Phật pháp cho hàng đệ tử trau dồi trí huệ, hầu đủ sức tài để hoằng dương chánh pháp. Thành quả giáo hóa của Tổ sư được Hàn Ôn ghi lại như sau: “Giai đoạn này lúc vừa bị nạn (1954), phái Khất sĩ tu xuất gia (Tăng và Ni) dưới sự dìu dắt của Sư trưởng Minh Đăng Quang có ngoài 200 vị Khất sĩ y bát trong toàn xứ Nam Việt; còn tín đồ cư gia mộ đạo xin giữ giới học tu, làm thiện tín có ngoài mấy muôn người, từ 3 giới, 5 giới đến 8 giới, giữ theo luật răn nhà Phật. Tịnh xá (tu viện, chùa) có trên 20 ngôi, cốc để chư Tăng tạm nghỉ ngoài 150 cái” [20]. Tiêu biểu “trong hàng đại đệ tử của đức Tổ sư có các vị Trưởng lão, Thượng tọa kế tục đạo nghiệp, lập các giáo đoàn Du Tăng đi hành đạo khắp hai miền Nam – Trung (1955-1975) như quý ngài: Giác Chánh, Giác Tánh, Giác Như, Giác Tịnh, Giác An, Giác Nhiên, Giác Lý, Giác Đức… Bên Ni giới Khất sĩ thì có quý Ni trưởng: Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Kim Liên, Ngân Liên, Chơn Liên, Quang Liên, Tạng Liên, Trí Liên…” [21].
Ở đây, có một điểm đáng lưu ý là phương thức giáo dục của Tổ sư không chỉ thể hiện qua ngôn giáo hay khẩu giáo mà còn biểu hiện qua thân giáo. Liên quan đến vấn đề này, trong “Lời đầu sách” tác phẩm Đọc Chơn lý – Nguồn mạch ngàn xưa, Sa-môn Minh Thành đã viết: “Bộ Chơn lý chỉ là một phần của những điều mà Tổ sư biểu đạt bằng những con chữ trên mặt giấy. Tất cả những gì mà Tổ sư biểu đạt bằng những con chữ trên mặt giấy chỉ là một phần của những điều mà Tổ sư biểu đạt bằng những lời dạy trực tiếp, những lời nói trực tiếp bằng chính kim khẩu của ngài. Tất cả những điều mà Tổ sư biểu đạt trên mặt giấy hay qua âm thanh, giọng nói và lời nói, chỉ là một phần những gì mà Tổ sư biểu đạt bằng những kênh khác như uy nghi, cử chỉ, đi, đứng, ngồi, nằm, nói, cười, ăn, uống, thức, ngủ. Tất cả những gì mà Tổ sư biểu đạt đã liệt kê ở trên chỉ là một phần của sự nghiệp và hành trạng Tổ sư” [22].
Tóm lại, cuộc đời tu học và hành đạo của Tổ sư Minh Đăng Quang có những nét đặc thù, theo Thích Giác Duyên, có 6 điểm, trong đó nổi bật nhất là: (1) Dung hòa tư tưởng Nam tông và Bắc tông; (2) Kinh điển thường dùng đều dịch nghĩa để người đọc dễ hiểu, dễ thông suốt nghĩa lý. Chủ trương thường thuyết giảng kinh pháp để mọi người hiểu sâu Phật pháp; (3) Hành trì pháp môn khất thực để có nhiều thiện duyên cho việc tu hành và độ sanh… Có thể nói: “Những nét đặc thù của đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã thể hiện không những góp phần vào công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam đầu thế kỷ XX mà còn thiết thực đóng góp vào công cuộc giáo dục đạo đức văn hóa trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển ngôi nhà Giáo hội Phật giáo ngày nay” [23].
Đặc biệt, điều đáng hãnh diện cho Hệ phái Khất sĩ Việt Nam là cho đến thời điểm hiện tại, có rất nhiều Tăng Ni Khất sĩ đã tốt nghiệp Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân Phật học cũng như các ngành khác ở trong nước cũng như nước ngoài trở về gánh vác rất nhiều Phật sự của Giáo hội, nhất là tham gia công tác nghiên cứu giáo dục tại Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Học viện Phật giáo Việt Nam, các trường Trung cấp Phật học tại TP. HCM và các tỉnh thành khác. Tất cả thành quả này có thể nói phần lớn được đúc kết từ nền tảng giáo dục, tâm nguyện và di chúc của Tổ sư Minh Đăng Quang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo Việt Nam.
4. ĐÓNG GÓP CỦA TỔ SƯ MINH ĐĂNG QUANG VỀ PHƯƠNG DIỆN HOẰNG PHÁP
Hoằng pháp, nói cho đủ là “hoằng dương chánh pháp”, nghĩa là truyền bá chánh pháp lưu thông rộng rãi. Đó cũng chính là lời di huấn của đức Thế Tôn đã được ghi lại trong Kinh Đại bát Niết-bàn rằng: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ. … Có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt. Họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp” [24].
Đoạn kinh trên Đức Phật khuyên các Tỳ kheo “hãy du hành” để thuyết pháp độ sanh, bởi vì “có các chúng sanh sanh ra ít nhiễm bụi đời, nếu không được nghe pháp sẽ đi đến hoại diệt”, khi được nghe pháp “họ sẽ trở thành những vị thâm hiểu Chánh pháp”. Như vậy, hàng xuất gia đệ tử Phật không chỉ nỗ lực tu học để chính mình có thể đạt được giác ngộ giải thoát mà còn phải ra đi hành đạo, nhập thế độ sanh với nhận thức rằng: “Đem Đạo Phật đi vào cuộc đời có nghĩa là thể hiện những nguyên lý Đạo Phật trong sự sống, thể hiện bằng những phương thức phù hợp với thực trạng của cuộc đời theo chiều hướng thiện mỹ. Chừng nào sinh lực của Đạo Phật được trông thấy dào dạt trong mọi hình thức của sự sống chừng đó ta mới có thể nói được rằng Đạo Phật đang thực sự hiện hữu trong cuộc đời” [25].
Trên tinh thần đó, Tổ sư Minh Đăng Quang đã định hướng rất rõ ràng: “Tinh thần Khất sĩ là hành trì giới luật tinh nghiêm nhưng biết vận dụng những phương tiện hữu ích cho việc tu học và hoằng dương chánh pháp” [26]. Thế nên, ngay từ buổi đầu mới xuất gia, Tổ sư Minh Đăng Quang đã thực hiện hạnh nguyện “xả kỷ lợi tha, trì bình khất thực, hóa độ chúng sanh” đúng theo phương châm của Tổ: “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp – Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam”. Trong Chơn lý, Tổ sư đã giảng giải hết sức rõ ràng về giá trị cao quý và lợi ích thiết thực của pháp hành “trì bình khất thực” như sau:
Khất sĩ đi xin để răn lòng tội lỗi. Đi xin để đền nghiệp cũ, đặng sớm nghỉ ngơi, mau hết vốn lời. Đi xin để nhịn nhường bố thí của cải lại cho chúng sanh. Đi xin để làm gương nhơn quả tội lỗi cho chúng sanh ngừa tránh. Đi xin để đừng phạm tội lỗi mới. Đi xin để có thì giờ ăn học. Đi xin để giáo hóa chúng sanh. Đi xin để không tự cao dột nát, danh lợi, sắc tài. Đi xin để giải thoát phiền não, và để un đúc tâm hồn, rèn luyện chí hướng, tập sửa bản năng. Có đi xin mới có từ bi hỷ xả, trí huệ thông minh, cõi lõng mát dịu, rộng mở bao la, lặng yên sạch sẽ. Có đi xin ăn học mới là thiện, kẻ không đi xin thật học là không thiện. Người đi xin ăn học quý hơn là kẻ ở học môt chỗ, học có người nuôi, thiện hơn là người tự nói làm ác quấy để ăn học. Có đi xin mới học được chơn lý, là môn học quý nhứt, hơn các lối học khác mênh mông [27].
Về hoạt động hoằng pháp của Tổ sư, trong Ánh Minh Quang ghi lại rất rõ: “Thời pháp đầu tiên đánh dấu bước đường hoằng dương Phật pháp của Tổ sư là “Thuyền Bát-nhã” vào ngày Rằm tháng Chạp năm Bính Tuất (1946) tại Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Từ đó, gót chân hành đạo của ngài rộng lần ra, từ phạm vi làng này sang làng nọ. Người dân hiền cảm mến hình ảnh một nhà sư thân đắp mảnh y vàng, tay ôm bình bát đất, chân trần đi khất thực vào mỗi buổi sáng” [28].
Đặc biệt, điều đáng lưu ý nhất là: “Mỗi ngày đều có nhiều giờ thuyết pháp, số người nghe xem quá đông nên phải tạm dùng đến máy phóng thanh để tiếp âm. Và chương trình hành đạo Đoàn Du Tăng Khất sĩ được phóng ra, nêu rõ mục đích là đem gương hiệp hóa sống chung, một nhóm người giác ngộ; một xã hội đạo đức; một gia đình tu học Phật; một thế giới hòa bình yên vui, xoay tròn lưu động khắp nơi” [29].
Cụ thể: “Đầu năm 1947, đức Tổ sư rời Phú Mỹ, khởi phát chuyến du hành đầu tiên, tiếp độ Tăng Ni xuất gia và Phật tử tại gia. Ngài lần lượt đi qua Long An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre… rồi về lại Long An, Thủ Thừa… Đầu năm 1948, nhân duyên hội đủ, Tổ sư dẫn đoàn Du Tăng 20 vị hướng về vùng Chợ Lớn – Sài Gòn – Gia Định để truyền bá giáo pháp” [30].
Qua đó cho thấy, trong suốt cuộc đời xuất gia học đạo và hành đạo, Tổ sư đã đem hết tài năng, trí tuệ, tâm huyết để cống hiến cho sự nghiệp hoằng pháp độ sanh và có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhiều tầng lớp xã hội từ giới bình dân cho đến “các hàng trí thức tu sĩ, nhà chánh trị đương cuộc” [31]. Những thời thuyết pháp của Tổ sư Minh Đăng Quang được ghi lại thành bộ Chơn lý, gồm 69 tiểu luận. Tổ sư đã dung hợp tư tưởng của Nam tông và Bắc tông, vạch ra con đường “Trung đạo Chánh đẳng Chánh giác” [32], giúp cho mọi người hiểu và thực hành theo giáo lý của Đạo Phật, góp phần củng cố nền đạo đức xã hội, xây dựng “một thế giới hòa bình yên vui, xoay tròn lưu động khắp nơi”.
KẾT LUẬN
Tóm lại, “Phong trào chấn hưng Phật giáo (1928 – 1945), mở đầu từ miền Nam, rồi miền Trung, miền Bắc, và đã phát triển rộng khắp cả nước, đem lại cho Phật giáo Việt Nam một bộ mặt mới, một sức sống mới. Sự xuất hiện của Tổ sư Minh Đăng Quang thông qua các sự kiện xuất gia cầu đạo, ngộ đạo, hành đạo, hình thành Đạo Phật Khất sĩ – một tông phái Phật giáo biệt truyền chỉ có ở Việt Nam, có thể xem là một đóng góp, một nối tiếp của phong trào chấn hưng Phật giáo, nhưng là một sự đóng góp, một sự nối tiếp rất đặc biệt, do tâm nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” của vị Tổ sáng lập” [33].
Cuộc đời của Tổ sư Minh Đăng Quang là cuộc đời thực hành Bồ-tát đạo trên một mặt trận đa phương, mọi phương tiện thiện xảo được vận dụng một cách uyển chuyển linh hoạt không ngoài mục đích hoằng truyền chánh pháp, cứu độ chúng sanh. Trọn đời Tổ sư tinh tấn chuyên tu, vừa du phương thuyết pháp, vừa biên soạn kinh sách để đóng góp cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam cũng như phong trào giải phóng dân tộc. Trải qua hơn 10 năm hành đạo, Tổ sư đã tận tâm, tận trí, tận lực cống hiến cho sự nghiệp văn hóa – giáo dục – hoằng pháp, cho Đạo pháp – Dân tộc. Hiện đời Tổ sư đã thắp lên “ngọn đèn sáng rực” (Minh Đăng Quang) soi đường cho Hệ phái Khất sĩ. Có thể nói nhờ tài đức của Tổ sư, Hệ phái Khất sĩ Việt Nam mới có một nền móng vững chắc và phát triển quy mô như ngày hôm nay. Tấm lòng thiết tha vì đạo pháp và bi nguyện độ sanh cao cả của Tổ sư là bài học vô giá cho tất cả Tăng Ni hậu bối.
Dù đã trải qua gần 70 năm (1954-2023) kể từ ngày Tổ sư vắng bóng, nhưng “Ánh Minh Quang” vẫn luôn tỏa sáng khắp ngôi nhà Khất sĩ Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Hàng hậu học chúng con xin nguyện noi theo gương sáng của Ngài, nỗ lực tinh tấn tu học, hầu mai sau có thể tiếp nối hạnh nguyện nhập thế độ sanh, hoằng dương chánh pháp của Tổ sư. Chúng con xin kính cẩn nghiêng mình cúi đầu đảnh lễ tán dương
Minh Đăng Quang bóng an bình
Minh Đăng Quang ngọn đèn linh Ta-bà.
(Trụ Vũ – Thi hóa tiểu sử Tổ sư Minh Đăng Quang)
Chú thích:
* SC. Thích Nữ Niệm Huệ: Nghiên cứu sinh
[1] Tổ đình Minh Đăng Quang – Dấu ấn 65 năm (1954 – 2019) Tổ sư vắng bóng, TP HCM, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr.35.
[2] Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, NXB. Tôn giáo, 2007, tr.19-20.
[3] Xem thêm: Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929 – 1945), Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2010.
[4] Trương Văn Chung, “Bối cảnh hình thành và những nguyên lý nền tảng của Phật giáo Khất sĩ ở Nam bộ”, in trong: Thích Nhật Từ (chủ biên), Các hệ phái Phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam Bộ, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2021, tr.158.
[5] Trần Hồng Liên, Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam (Từ thế kỷ XVII đến 1975), Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, 2000, tr.236.
[6] Sđd, tr.236.
[7] Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, TP.HCM, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2016, tr.5.
[8] Thích Giác Pháp, “Những đóng góp của Tổ sư Minh Đăng Quang trong việc chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, in trong: Thích Trí Quảng, Thích Giác Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 990.
[9] Thích Nhật Quang, “Tổ sư Minh Đăng Quang với chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp””, in trong: Thích Trí Quảng, Thích Giác Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr.644.
[10] Ánh Minh Quang, TP HCM, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr.7.
[11] Lê Nguyên Thảo, Chấn hưng Phật giáo, https://thuvienhoasen.org/a27398/chan-hung-phat-giao-viet-nam, ngày đăng: 12/03/2017, ngày truy cập: 23/07/2023.
[12] Sđd, 2010, tr. 31.
[13] Sđd, 2016, tr.7.
[14] Trần Hồng Liên, Phật giáo Nam Bộ, TP HCM, Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1996, tr.76.
[15] Sa-môn Minh Thành, Đọc Chơn lý – Vén mây tỏ tường, TP HCM, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2019, tr.331.
[16] Sđd, 2016, tr.7.
[17] Hàn Ôn, Minh Đăng Quang pháp giáo, Sài Gòn, 1960, tr. 34.
[18] Thích Giác Hoàng, “Đạo Phật Khất sĩ: Sự tổng hòa của hai truyền thống Phật giáo Nam tông và Bắc tông”, in trong: Thích Trí Quảng, Thích Giác Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr.543-544.
[19] Sđd, 2010, tr. 23.
[20] Sđd, tr.42.
[21] Sđd, tr.15.
[22] Sa môn Minh Thành, Đọc Chơn lý – Nguồn mạch ngàn xưa, TP HCM, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017, tr.XVI.
[23] [24] Kinh Tương ưng bộ, Tập 1, Thiên “Có kệ”, Chương IV. Tương ưng “Ác ma”, Phẩm Thứ nhất, Thích Minh Châu (dịch), Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2013, tr.178.
[25] Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối, 1966, tr.12.
[26] Thích Giác Duyên, Tìm hiểu về Hệ phái Khất sĩ, Nxb. Phương Đông, 2011, tr.46.
[27] Sđd, 2016, tr.147-148.
[28] Sđd, 2019a, tr.13.
[29] Sđd, 1960, tr.38-39.
[30] Sđd, 2019a, tr.13.
[31] Sđd, 1960, tr.38.
[32] Sđd, 2016, tr.114-128.
[33] Thích Trung Hậu, “Tổ sư Minh Đăng Quang với phong trào chấn hưng Phật giáo cùng tâm nguyện Nối truyền Thích-ca Chánh pháp”, in trong: Thích Trí Quảng, Thích Giác Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2016, tr. 3.
Tài liệu tham khảo:
1. Chánh Trí Mai Thọ Truyền, Phật giáo Việt Nam, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2007.
2. Hàn Ôn, Minh Đăng Quang pháp giáo, Sài Gòn, 1960.
3. Ánh Minh Quang, TP HCM, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
4. Tổ đình Minh Đăng Quang – Dấu ấn 65 năm (1954 – 2019) Tổ sư vắng bóng, TP HCM, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
5. Lê Nguyên Thảo, Chấn hưng Phật giáo, https://thuvienhoasen.org/a27398/chan-hung-phat-giao-viet-nam, ngày đăng: 12/03/2017, ngày truy cập: 23/07/2023.
6. Nguyễn Đại Đồng, Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo (Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ 1929 – 1945), Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2010.
7. Sa-môn Minh Thành, Đọc Chơn lý – Nguồn mạch ngàn xưa, TP HCM, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
8. Sa-môn Minh Thành, Đọc Chơn lý – Vén mây tỏ tường, TP HCM, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.
9. Tổ sư Minh Đăng Quang, Chơn lý, TP HCM, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016.
10. Thích Giác Duyên, “Tổ sư Minh Đăng Quang trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam”, in trong: Thích Nhật Từ (chủ biên), Phật giáo vùng Nam Bộ trong thế kỷ XX, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2021.
11. Thích Giác Duyên, Tìm hiểu về Hệ phái Khất sĩ, Nxb. Phương Đông, 2011.
12. Thích Trí Quảng, Thích Giác Toàn, Nguyễn Quốc Tuấn (đồng chủ biên), Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2016.
13. Kinh Tương ưng bộ, tập 1, Thích Minh Châu dịch, Hà Nội, Nxb. Tôn giáo, 2013.
14. Thích Nhất Hạnh, Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối, 1966.
15. Trần Hồng Liên, Đạo Phật trong cộng đồng người Việt ở Nam Bộ – Việt Nam (Từ thế kỷ XVII đến 1975), Hà Nội, Nxb. Khoa học Xã hội, 2000.
16. Trần Hồng Liên, Phật giáo Nam Bộ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1996.
17. Trương Văn Chung, “Bối cảnh hình thành và những nguyên lý nền tảng của Phật giáo Khất sĩ ở Nam Bộ”, in trong: Thích Nhật Từ (chủ biên), Các hệ phái Phật giáo và tôn giáo mới tại vùng Nam Bộ, Hà Nội, Nxb. Hồng Đức, 2021.