Tóm tắt: Với việc xây chùa Tượng Sơn, gia đình đại danh y Lê Hữu Trác có những đóng góp nhất định đối với Phật giáo Hà Tĩnh. Tượng Sơn tự cũng là nơi Hải Thượng Lãn Ông dành phần lớn thời gian lưu lại chùa để bốc thuốc, chữa bệnh cứu người và hoàn thành những tác phẩm quan trọng. Đây là một trong những di tích tôn giáo văn hóa đặc biệt của Hà Tĩnh. Cần có những biện pháp phù hợp, hiệu quả nhằm phát huy các giá trị quý giá của di tích này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh y Lê Hữu Trác là Danh nhân văn hóa thế giới vào năm 2024 nhân kỷ niệm 300 năm năm sinh của ông.
Từ khóa: chùa Tượng Sơn, Hải Thượng Lãn Ông, Phật giáo Hà Tĩnh.
GIA ĐÌNH DANH Y LÊ HỮU TRÁC VỚI PHẬT GIÁO
Đại danh y Lê Hữu Trác tên thuở nhỏ là Huân, tự Biểu Cận, hiệu Quế Hiên, Thảo Am, Lãn Ông, tục gọi Chiêu Bảy (vì là con trai thứ bảy của nhà quan đại thần). Quê cha của ông là thôn Văn Xá, tổng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là thôn Thanh Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) nhưng phần lớn cuộc đời của ông lại gắn liền với quê mẹ Hà Tĩnh.
Lãn Ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Giáp Thìn (27/12/1724), mất ngày rằm tháng giêng năm Tân Hợi (17/2/1791) cùng tại quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tĩnh Diễm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Mộ ông cũng được đặt tại núi Minh Từ (rú Cồn Dài), tả ngạn sông Ngàn Phố, thuộc thôn Hải Thượng (xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn), cách thị trấn Phố Châu khoảng 2 cây số, nằm trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1990.
“Hải Thượng sinh ra trong một gia đình khoa mục quyền quý thời Hậu Lê” [1]. Cha ông là Lê Hữu Mưu (1685-1739), con thứ 11 của Hoàng giáp Lê Hữu Danh (1642-1692), Tiến sĩ khoa Canh Dần (1710), làm quan đến Công bộ Tả thị lang dưới triều Lê Dụ Tông, sung vào tòa Kinh Diên, gia phong chức Đại đô ngự sử, tước Phu đình bá. Mẹ ông là bà Bùi Thị Thưởng, con một vị Thám đốc tướng quân. Bà là vợ thứ hai của cụ ông Lê Hữu Mưu, sinh được sáu người con (4 trai 2 gái). Lê Hữu Trác là người con thứ năm của bà.
Thuở nhỏ, cậu Chiêu Bảy Lê Hữu Trác sống ở quê cha tại làng Văn Xá. Lớn lên, ông theo cha đang làm quan trong triều đình đến lưu học tại kinh thành Thăng Long. Điều này thỉnh thoảng được ông nhắc lại trong tác phẩm Thượng kinh ký sự. Tuy nhiên, chính quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh mới là nơi gắn liền với phần lớn cuộc đời và sự nghiệp y học, trước thuật của Hải Thượng Lãn Ông.
Sinh ra trong gia đình khoa bảng, Lê Hữu Trác cũng từng nuôi chí khoa cử nhưng chỉ thi trúng Tam trường khoa Quý Hợi (1743). Lớn lên trong thời buổi loạn lạc, phong kiến suy đồi, ông từng nghiên cứu binh thư võ nghệ và theo nghiệp kiếm cung. Tuy nhiên, đây đều là những công việc không hợp ý ông. Năm 1746, nhân vì người anh ở Hương Sơn qua đời, ông xin xuất ngũ về quê chăm mẹ già, nuôi cháu nhỏ. Từ đây, ông chính thức rời đường công danh, lập thân của một nho sĩ. Ông lấy hiệu Lãn Ông, nghĩa “ông lười” để ngụ ý mình đã chán ghét bước đường vinh hoa, danh lợi.
Trở về Hương Sơn, phần vì phải gánh vác công việc gia đình vất vả, phần vì sớm khuya nghiên cứu sách vở không chịu nghỉ ngơi, ông bị ốm nặng, chữa hơn một năm không khỏi. Về sau, nhờ lương y Trần Độc, một bậc lão nho xứ Nghệ, ông được khỏi bệnh. Tích xưa kể rằng, trong thời gian chữa bệnh, Lê Hữu Trác thường đọc sách “Phùng thị cẩm nang”, hiểu được chỗ sâu xa của y thuật. Thầy thuốc Trần Độc quý tài bèn đem hết những hiểu biết về y học của mình truyền cho ông. Là người thông minh, biết rộng, Lê Hữu Trác mau chóng tiếp thu, hiểu sâu về y lý và tìm thấy niềm say mê với y học. “Tai qua nạn khỏi, ông nhận thức được rằng, ông không thể để tài năng, trí tuệ của mình bị lãng quên nên quyết tâm theo học nghề thuốc chữa bệnh cho người. Hoài bão lớn của cuộc đời ông – trở thành đại danh y đã được khai sinh tại quê mẹ như thế” [2].
Có thể nói, chính quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh là nơi đưa danh y Lê Hữu Trác đến với y học. Đây cũng là nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời, hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người và hoàn thành những tác phẩm trứ danh (bộ Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập với 66 quyển, Thượng kinh ký sự, Lĩnh Nam bản thảo). Cùng với văn hóa xứ Bắc quê cha, xứ Nghệ quê mẹ đã góp phần hun đúc nên tài năng, nhân cách, tầm vóc danh nhân văn hóa của Hải Thượng Lãn Ông. Đặc biệt, trên chính quê mẹ, Lê Hữu Trác và gia đình đã có những đóng góp nhất định cho Phật giáo Hà Tĩnh nói riêng, nước Việt nói chung.
CHÙA TƯỢNG SƠN – MỘT ĐÓNG GÓP CỦA GIA ĐÌNH DANH Y LÊ HỮU TRÁC ĐỐI VỚI PHẬT GIÁO
Nhắc đến danh y Hải Thượng Lãn Ông, ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam, người kế thừa xuất sắc tinh thần y học của danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh (1330-1400), không thể không nhắc đến chùa Tượng Sơn. Ngôi danh tự này là một đóng góp của gia đình Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Hà Tĩnh, đồng thời là di tích gắn liền với sự nghiệp y học lẫy lừng của Lãn Ông.
Chùa Tượng Sơn xưa tọa lạc tại làng Quát, xã Tình Du, tổng Hữu Bằng; nay là làng Hạ, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn. Chùa nằm sát tả ngạn sông Ngàn Phố, sau chùa là dãy núi Voi. Tên gọi Tượng Sơn (núi voi) là do tên núi mà thành. Cạnh chùa có dòng suối ngày đêm nước chảy ầm ầm nên chùa còn được dân gian gọi là chùa Hầm Hầm (do “ầm ầm” trong tiếng Hà Tĩnh biến âm thành “hầm hầm”).
Chùa Tượng Sơn được xây dựng dưới thời Hậu Lê. “Theo gia phả của dòng họ Lê Hữu ở huyện Hương Sơn thì bà Đặng Phùng Hầu – vợ thứ hai của Tả hiệu điểm Đô đốc quận công Bùi Tướng Công là tác ý lập ra chùa này để tu tập và thờ phụng tổ gốc ở huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, Nghệ An” [3]. Bà Đặng Phùng Hầu chính là mẹ của bà Bùi Thị Thưởng, tức bà ngoại của Hải Thượng Lãn Ông.
Chùa Tượng Sơn được xây dựng nhờ “công quả là của bà Bùi Thị Thưởng – thân mẫu Lê Hữu Trác bỏ tiền bạc ra kiến tạo; sau khi quy y Phật tại chùa Cả trong tổng” [4]. Chính trong thời gian Hải Thượng trở về quê mẹ, ông “đã cùng với mẹ và anh trai Lê Hữu Tán lo việc xây cất chùa từ lúc khởi công cho đến lúc hoàn thành” [5]. Chùa có ba tòa. Tòa thượng thờ Phật Thích Ca, bên tả thờ cụ ông Tham đốc Quận công và cụ bà Bùi Thị Thưởng (ông ngoại và thân mẫu của Hải Thượng Lãn Ông), bên hữu thờ tổ tiên dòng họ Lê Hữu.
Trong chùa còn giữ một chuông đồng. Bài minh văn trên chuông cho biết, chùa Tượng Sơn không chỉ là chốn thờ Phật mà còn là nơi bốc thuốc, cứu người độ thế của các sư trụ trì và Hải Thượng Lãn Ông. Như vậy, “chùa Tượng Sơn không chỉ gắn liền với dòng họ Lê Hữu về việc xây dựng và sửa chùa mà còn cả với Hải Thượng Lãn Ông. Thuở đương thời, ông từng theo cha mẹ đến chùa niệm Phật, bắt mạch, kê đơn, bốc thuốc, châm cứu chữa bệnh cứu người. Hàng ngày ông đến chùa Tượng Sơn cắm một cây nêu, vận theo chiều gió, áp dụng ngũ hành trong chữa bệnh đông y” [6]. Theo các nhà nghiên cứu, “trong những năm 1760-1786, Hải Thượng Lãn Ông đã dành phần lớn thời gian lưu tại chùa, mở phòng mạch chữa bệnh cho nhân dân và hoàn thành các tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển, Y trung quan kiện (1780), Y hải cầu nguyên (1782), Thượng kinh ký sự (1783), Vận khí bí điển (1786) và một số tác phẩm khác” [7].
Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp Hải Thượng Lãn Ông có nhiều lương duyên gắn liền với Phật giáo. Ông là “một người uyên thâm hiểu sâu cả Nho, Phật, Lão” [8]. Một phần trước thuật của ông được vinh danh và truyền lại cho hậu thế cũng nhờ công lao của nhiều nhà sư. Chẳng hạn, “Hòa thượng Thanh Cao ở chùa Đồng Nhân, xã Đại Tráng huyện Võ Giàng phủ Từ Sơn Bắc Ninh sưu tầm thêm được 4 quyển nữa cộng thành 55 quyển, khảo lại bản khắc cùng các nhà nho, y; họp các nhà thân hào lại để quyên tiền thuê khắc in, và viết lời giới thiệu pho sách “Hải Thượng Lãn Ông mới soạn lại” ngày 1 tháng 4 niên hiệu Hàm Nghi nguyên niên (1885), Hòa thượng cũng tranh thủ Giải nguyên họ Nguyễn làng Cách Bi đang giữ chức Tán lý Bắc thứ quân vụ soạn bài văn kêu gọi quyên tiền cho việc xuất bản, và ròng rã hơn 6 năm pho sách mới khắc in xong” [9]. Chính trong lời tựa cho bộ sách này, nhà sư Thanh Cao khẳng định: “Sách lập luận có nhiều ý nghĩa tinh vi… thâu lược được quy thức của mọi nhà, phát hiện chỗ người trước chưa phát hiện ra được. Đem so với nhân thuật của người xưa, rõ ràng là một bậc danh y nước Nam” [10]. Y đức, tư tưởng y học của Hải Thượng cũng chịu ảnh hưởng nhất định tinh thần Phật giáo. Bởi đó, Lãn Ông góp phần vào việc xây dựng chùa Tượng Sơn và gắn bó phần lớn cuộc đời, sự nghiệp y học của mình tại ngôi danh tự này là điều tất yếu.
PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA TÂM LINH CHÙA TƯỢNG SƠN – DI TÍCH GẮN LIỀN VỚI TÊN TUỔI DANH Y LÊ HỮU TRÁC
Được xây dựng từ thời Hậu Lê (vào đời Lê Dụ Tông, đầu thế kỷ XVIII), gắn liền với gia đình Đại danh y Lê Hữu Trác, Tượng Sơn tự là một trong những danh tự của Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung. Chùa được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1994.
Theo tư liệu, chùa Tượng Sơn ban đầu được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Nhất. Đến năm Minh Mạng thứ 16 (1835), ông Lê Hữu Ân (pháp danh Thích Phổ Quang) làm lại chùa thượng, tu sửa chùa hạ, dựng gác chuông, đúc đại hồng chung “Tượng Sơn tự chung”. Năm Tự Đức 23 (1870), nhà sư Thích Quảng Vận dựng nhà tổ, dựng nhà khách, tạo vườn cây ăn quả. Đến đầu thế kỷ XX, nhà sư Thích Nhuận Du tổ chức quy tập, xây dựng vườn tháp. Trải qua những thăng trầm của thời gian và thế cuộc, chùa Tượng Sơn bị hư hại khá nhiều nhưng dấu xưa vẫn còn được lưu giữ. Năm 2010, Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác đầu tư tôn tạo chùa Tượng Sơn, đến năm 2013 thì hoàn thành. Từ đó đến nay, chùa trở thành một địa chỉ văn hóa, tâm linh nổi tiếng của Phật giáo Hà Tĩnh.
Chùa Tượng Sơn không chỉ mang bề dày lịch sử, văn hóa mà còn có phong cảnh hữu tình, là nơi diễn ra nhiều ngày lễ trọng đại hằng năm như lễ Phật Đản, Vu Lan, Thượng nguyên, Kỳ yên… thu hút hàng nghìn Phật tử, du khách thập phương về vãn cảnh, chiêm bái, nghiên cứu, học tập hằng năm. Có thể nói, chùa Tượng Sơn là một di tích mang những giá trị tôn giáo, lịch sử, văn hóa đặc biệt của Hà Tĩnh. Bởi đó, cần có những biện pháp hợp lý, hiệu quả nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị của di tích này. Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:
Trước hết, bên cạnh giá trị tâm linh, chùa Tượng Sơn còn là địa chỉ giàu tiềm năng trong việc giáo dục truyền thống, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Các địa phương, trường học trên địa bàn tỉnh cũng như cả nước có thể liên hệ nhà chùa trong việc tổ chức đưa học sinh trở về chùa để chiêm bái Phật, tìm hiểu, học tập về cuộc đời và sự nghiệp của danh y Lê Hữu Trác để từ đó bồi dưỡng lòng yêu quý, tự hào về lịch sử, văn hóa và danh nhân của dân tộc.
Định hình và xây dựng loại hình du lịch học tập gắn liền với di sản chùa Tượng Sơn và đại danh y Lê Hữu Trác là một trong những giải pháp thiết thực. Nhà chùa cũng như Ban quản lý quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông và các công ty lữ hành, các viện, trường đại học, cao đẳng, các sở phòng ban ngành y, các bệnh viện, trung tâm y tế… có thể phối hợp trong việc đưa các y, bác sĩ, cán bộ nhân viên chức, sinh viên ngành y đến tham quan, nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp y thuật, tinh thần y đức của danh y Hải Thượng cũng như di tích nơi ông dành phần lớn cuộc đời để hành nghề y và nghiên cứu y học.
Thúc đẩy phát triển du lịch văn học đối với chùa Tượng Sơn nói riêng, quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông nói chung cũng là một giải pháp giàu tính khả thi. Như chúng ta đã biết, bên cạnh sự nghiệp y thuật lẫy lừng, Lê Hữu Trác còn là một tác giả văn học lớn mà Thượng kinh ký sự là một tác phẩm ký nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Hơn nữa, di tích gắn liền với Hải Thượng nằm trong không gian văn học đậm đặc của Hà Tĩnh nói riêng, xứ Nghệ nói chung với nhiều tác gia lớn của văn học nước ta, thuận lợi trong việc tổ chức các tuyến điểm du lịch. Có thể tổ chức các chuyến về tham quan, du khảo; đặc biệt, tổ chức các buổi, trại sáng tác gắn liền với chùa Tượng Sơn cho các văn nghệ sĩ trên địa bàn Hà Tĩnh cũng như cả nước. Nhờ đó, có thể góp phần lan tỏa giá trị di sản của Di tích lịch sử văn hóa chùa Tượng Sơn, nơi ghi dấu sự đóng góp của gia đình danh y Lê Hữu Trác đối với Phật giáo Hà Tĩnh cũng như sự nghiệp y thuật lừng lẫy của Hải Thượng Lãn Ông.
KẾT LUẬN
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xưng tụng là “thánh y”, “ông tổ của nền y học nước nhà”, là niềm tự hào của nền y học Việt Nam nói riêng, đất nước ta nói chung. Ông còn là một bậc danh y được thế giới ngợi ca là “một đại danh y Việt Nam” (A. Sallet, Pháp), “bậc thánh thuốc của Việt Nam” (Trương Tú Dân, Trung Quốc) [11]. Những đóng góp to lớn của ông cho nền y học, văn hóa nước nhà là điều đã được khẳng định, vinh danh từ sớm.
Một trong những đóng góp ý nghĩa của Hải Thượng Lãn Ông và gia đình đối với Phật giáo Hà Tĩnh là việc góp công quả vào xây dựng chùa Tượng Sơn và chọn chùa là nơi nghiên cứu y thuật, soạn sách truyền hậu thế và hành y cứu người, góp phần khẳng định, lan tỏa tinh thần vị tha, bác ái của Đạo Phật. Bởi đó, nhắc đến cuộc đời và sự nghiệp của danh y Hải Thượng, không thể không nhắc đến Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia chùa Tượng Sơn và ngược lại.
Chùa Tượng Sơn là di tích tôn giáo, văn hóa, lịch sử đặc biệt của Hà Tĩnh nói riêng và các nước nói chung. Để phát huy, vinh danh di sản văn hóa của danh y Lê Hữu Trác gắn với chùa Tượng Sơn, cần có những biện pháp phù hợp, trong đó, đẩy mạnh giáo dục truyền thống, thúc đẩy du lịch học tập, du lịch văn hóa tại di tích này là những hướng đi giàu tiềm năng.
Chú thích & Tài liệu tham khảo:
* Thạc sĩ Trịnh Bích Thủy
[1], [8], [9], [10], [11] Nguyễn Văn Thang (1997), Hải Thượng Lãn Ông và tác phẩm Lãn Ông tâm lĩnh, NXB Y học.
[2] Phong Linh (2019), “Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông – Tâm tài một thuở còn vang…”, Báo Hà Tĩnh điện tử ngày 25/2/2019; đường dẫn: https://baohatinh.vn/y-te/dai-danh-y-hai-thuong-lan-ong-tam-tai-mot-thuo-con-vang/168897.htm.
[3], [5] Văn Chung (2022), “Thăm ngôi chùa thiêng gắn liền với Đại danh y Lê Hữu Trác, Báo Hà Tĩnh điện tử ngày 1/9/2022; đường dẫn: https://baohatinh.vn/diem-den/tham-ngoi-chua-thieng-gan-lien-voi-dai-danh-y-le-huu-trac/236257.htm.
[4], [6] Vũ Hồng Thuật (2001), “Chùa Tượng Sơn với danh y Hải Thượng Lãn Ông”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số 1/2001.
[7] An Bằng (2017), “Chùa Tượng Sơn – Di tích lịch sử gắn liền với Đại danh y Lê Hữu Trác”, chuyên trang Phương Nam của Tạp chí điện tử Văn hóa và phát triển, ngày 12/10/2017; đường dẫn: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-tuong-son-di-tich-lich-su-gan-lien-voi-dai-danh-y-le-huu-trac-a11228.html.