Quý độc giả thân mến!
Niệm Phật là phương pháp có từ thời Đức Thế Tôn, là một trong các tùy niệm. Người niệm Phật được định tâm, nhờ lực của giới và định mà thẳng tiến đến tuệ giác. Đến thời Phật giáo phát triển, từ pháp niệm Phật đã chuyển hoá thêm một bước, thành pháp môn Tịnh độ với cõi Tây phương Cực lạc trang nghiêm, vi diệu.
Trong Thiền tông, các vị Tổ sư từng dạy Tịnh độ tức là duy tâm Tịnh độ – Tịnh độ ở trong tâm của mình. Khi mới thực tập, chúng ta cầu Tịnh độ ở cõi ngoài. Khi thực tập sâu sắc, chúng ta thấy Tịnh độ còn có ở trong tâm mình nữa, vì “tùy kỳ tâm tịnh, tắc Phật độ tịnh” (Kinh Duy Ma Cật).
Người tu tập pháp môn Tịnh độ cần có đủ ba đức tính căn bản: tín, hạnh và nguyện. Tín là niềm tin kiên cố với ba ngôi Tam bảo và pháp môn đang hành trì. Hạnh là chuyên cần niệm Phật, nuôi lớn tâm Phật và tu tập công đức. Nguyện là phát nguyện từ bỏ việc xấu ác, làm các việc lành và hồi hướng vãng sinh về cõi Tịnh sau khi mãn báo thân của đời hiện tại. Do vậy, yếu chỉ của Tịnh độ là niệm Phật để chuyển hoá tham – sân – si trong tâm thành công đức trang nghiêm. Người tu Tịnh độ phải xây dựng cho mình một bản tính Di Đà của đời sống vô lượng thọ, vô lượng quang và vô lượng công đức.
Khi hành giả niệm Phật được “nhất tâm bất loạn”, các vọng tưởng hết, chân tâm thanh tịnh hiện ra. Chân tâm không sanh diệt hư hoại là “Thường”, chân tâm thanh tịnh vắng lặng là “Tịch”, chân tâm sáng suốt vô cùng là “quang cảnh thường tịch quang Tịnh độ”. Chân tâm không hoại diệt là “Phật Vô lượng thọ”; chân tâm chiếu soi vô tận là “Phật Vô lượng quang” và đó cũng tức là “Thanh tịnh diệu pháp thân của Phật A Di Đà”.
Nhân ngày lễ vía Đức Phật A Di Đà (17 tháng 11 âm lịch), Toà soạn Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 415 với chủ đề “Trang nghiêm Tịnh độ” để cùng tìm hiểu về sự thù thắng của Tịnh độ theo cả góc nhìn Nguyên thuỷ và Phát triển.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo