Về nội dung văn bia Phật giáo thời Lý ở Thanh Hóa qua góc nhìn chính trị và hệ tư tưởng xã hội đương thời (ThS. Vũ Ngọc Định)

Văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Văn bia Phật giáo thời Lý là tư liệu lịch sử mang tính xác thực đối với việc tìm hiểu các vấn đề về chính trị, lịch sử, văn hóa – xã hội. Khi tiếp cận nội dung văn bia của thời kỳ này, chúng ta bắt gặp những tiểu sử cuộc đời, những lời ngợi ca về thời đại, những công lao vĩ đại và phẩm chất tốt đẹp của các vị vua anh minh, các bậc danh tăng, các vị anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu, tìm hiểu để làm sáng tỏ các vấn đề địa phương thì ít có đề tài nào đề cập đến. Trong bài viết này, căn cứ vào nội dung của văn bia cùng một số sử liệu khác, chúng tôi tập trung nghiên cứu hai lĩnh vực là chính trị và hệ tư tưởng xã hội đương thời ở Thanh Hóa.

CÁC VĂN BIA PHẬT GIÁO THỜI LÝ Ở THANH HÓA
Văn bia thời Lý hiện đã tìm thấy trên cả nước là 22 văn bản. Riêng Thanh Hóa có 7 văn bia, trong đó có 6 văn bia Phật giáo, gồm:
1. Văn bia Minh Tịnh tự bi văn (明淨寺碑文) chùa Minh Tịnh. Do Thích Thiện Giác soạn, bia dựng năm Canh Ngọ, niên hiệu Quảng Hựu thứ 6 (1090) [1].
2. Văn bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (安獲山報恩寺碑記) chùa Báo Ân ở núi An Hoạch, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Do Chu Văn Thường soạn năm Hội Phong thứ 9 (1100) [2].
3. Văn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh (崇嚴延聖寺碑銘) chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh. Do Thích Pháp Bảo soạn năm Mậu Tuất, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118) [3].
4. Văn bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh (乾尼山香嚴寺碑銘), chùa Hương Nghiêm, núi Càn Ni, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Khuyết danh, niên đại Thiên Phù Duệ Vũ thứ 5 (1124) [4].
5. Văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh (仰山靈稱寺碑銘) ở chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn, xã Ngọ Xá, huyện Hà Trung. Do Thích Pháp Bảo soạn, bia dựng năm Bính Ngọ niên hiệu Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (1126) [5].
6. Văn bia Trùng tu Diên Linh Chân Giáo tự (重修延靈真教寺) ở chùa Diên Linh Chân Giáo, xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn [6].
7. Văn bia Bảo Chưởng Thái Bà mộ chí dựng năm 1207 tại xã Hòa Chúng, huyện Quảng Xương [7].

Xét về địa lý, Thanh Hóa cùng với Nghệ An và Tuyên Quang là 3 địa phương xa nhất so với kinh đô Thăng Long, nhưng lại là địa phương có nhiều văn bia thời Lý nhất [8].

Nghiên cứu nội dung và hoàn cảnh ra đời của 6 văn bia Phật giáo thời Lý hiện còn ở Thanh Hóa cho phép chúng ta hiểu được nhiều vấn đề về vùng đất Thanh Hóa trong giai đoạn đầu thời Lý (1090-1126), trong đó tiêu biểu là các vấn đề về: chính trị, tư tưởng, văn hóa – xã hội, kinh tế địa phương,… Trong nghiên cứu này, thông qua nội dung văn bia, chúng tôi tập trung vào hai vấn đề: Quan điểm chính trị của nhà Lý áp dụng vào vùng đất Thanh Hóa và vấn đề tư tưởng xã hội của Phật giáo thể hiện trong nội dung văn bia.

Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Ảnh Lê Minh Hậu

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
Chính sách và quan điểm chính trị của nhà Lý đối với vùng đất Thanh Hóa
Về tình hình chính trị vùng đất Ái Châu – Cửu Chân thời Lý (giai đoạn từ năm 1090-1126) [9]. Trong những năm đầu thời Lý, tình hình vùng đất Ái Châu khá phức tạp, vùng đồng bằng thì tạm thời có sự yên ổn, nhưng các huyện trung du và miền núi thì thường xảy ra bạo loạn với những mức độ khác nhau. Điển hình như loạn giặc Cử Long, Cử Long dựa vào địa hình hiểm trở đã nhiều lần chống lại triều đình [10]. Hay đến năm Kỷ Tỵ (1029), dân giáp Đản Nãi nổi loạn vua phải thân chinh đi đánh. Tiếp theo đó năm Ất Hợi (1035), Ái châu lại có loạn vua lại thân chinh đánh dẹp. Tiếp theo là các năm 1043, 1050 lại diễn ra loạn. Có thể thấy, trong giai đoạn đầu thời Lý, Cửu Chân là vùng đất diễn ra nhiều cuộc nổi loạn, các thế lực vùng miền núi phía bắc xưng hùng cát cứ, phản loạn khiến lòng dân hoang mang, ly tán, buộc triều đình nhiều lần đem quân đánh dẹp. Có thể đây cũng là lý do triều đình nhà Lý cử đệ nhất danh thần Lý Thường Kiệt vào trấn nhậm vùng đất Cửu Chân.

Từ khi Lý Thường Kiệt vào trấn nhậm Cửu Chân (1081-1101), với chính sách khoan hòa, nhân ái, tạo điều kiện cho người dân sản xuất, canh tác nông nghiệp, thêm vào đó là sự chấp pháp nghiêm minh đối với kẻ phản nghịch đã khiến cho lòng dân quy về, kẻ phản loạn không dám nổi dậy. Đây là giai đoạn mà tình hình chính trị vùng đất Cửu Chân có được sự ổn định rộng khắp. Năm 1101, Lý Thường Kiệt được triệu hồi về kinh sư, những người kế nhiệm ông là Chu Công, Phạm Tín, Đỗ Nguyên Thiện,… đã kế tục sách lược cai trị của Lý Thường Kiệt giúp cho vùng đất Cửu Chân giữ được sự ổn định trong suốt thời gian dài.

Về tổ chức và quản lý đơn vị hành chính cấp cơ sở, văn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh có đoạn ghi rằng: cho nên, ngày Ất Mùi, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 6 (1115), kính vâng chiếu chỉ, tới giữ quận phù, quyền thống lĩnh các việc quân ở ba nguồn và năm huyện thuộc trấn Thanh Hóa [11]. Văn bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh ghi lại sự việc: “Năm Tân Mùi (1091), hai viên Phò ký lang họ Thiền và họ Tô tâu xin lại khoảnh ruộng của tiên tổ từng được ban khi còn giữ chức Bộc xạ (tức Trấn quốc Bộc xạ Lê Lương). Vua xét lời tâu liền bồi hoàn ruộng giáp Bối Lý cho tộc họ Lê công. Thế là mùa thu năm ấy, Thái úy Lý công đến tận nơi cho chuộc ruộng đất, lập bia đá và chia ruộng cho hai giáp. Rồi ông ngược lên đến đầm A Lôi, chia một nửa đầm cho giáp Bối Lý, một nửa đầm cho giáp Viên Đàm…” [12].

Có thể thấy, đơn vị hành chính ở Thanh Hóa thời Lý đã chia thành các cấp rõ rệt, cấp thấp nhất là giáp, thôn, hương trên cấp hương là cấp huyện và cấp cao nhất là phủ, trấn. Điều này là minh chứng cho việc nhà Lý chủ trương xây dựng vùng đất Cửu Chân theo hình mẫu kinh đô Thăng Long nhằm biến vùng đất này trở thành phiên dậu vững chắc phía Nam cho kinh thành Thăng Long, trở thành thách thức cho giai đoạn đầu của vương triều nhà Lý. Việc điều Thái úy Lý Thường Kiệt vào làm Tổng trấn Thanh Hóa không ngoài mục đích ổn định tình hình chính trị nơi đây và giáo hóa chúng dân.

Thác bản văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minh. Nguồn: Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm.(trái) Thác bản văn bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký. Nguồn: Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm.(phải)

Ái Châu – vùng đất biểu thị sự hùng cường của quốc gia Đại Việt
Mục đích để nhà Lý xây dựng vùng đất biên viễn Ái Châu theo khuôn mẫu của Thăng Long là gì? Xét trong bối cảnh lịch sử đương thời, rõ ràng là để phục vụ ba mục đích:

Thứ nhất, sau khi thất bại với kế hoạch xây dựng vùng đất Hoan Châu trở thành phiên dậu phương Nam cho kinh thành Thăng Long, nhà Lý phải thực hiện phương án thứ hai là xây dựng vùng đất Ái Châu trở thành phiên dậu cho kinh thành Thăng Long. Để phục vụ cho mục đích này, vua nhà Lý đã cử vị tướng giỏi nhất, quyền cao chức trọng nhất đương thời là Lý Thường Kiệt vào trị nhậm quận Cửu Chân; cử sư tăng uyên thâm bậc nhất là Pháp Bảo vào để khôi phục và phát triển Phật giáo ở vùng đất Ái Châu; cho phép tướng lĩnh trong triều đình, hoàng tộc nhà Lý đầu tư tiền của xây dựng chùa chiền trên vùng đất này.

Thứ hai, tín ngưỡng thờ Phật đã tồn tại và trên vùng Ái Châu – Cửu Chân vài trăm năm trước [13]. Nhà Lý tập trung phát triển mạnh Phật giáo ở vùng đất này là để dung hòa hệ tư tưởng của hai vùng đất Ái Châu và Thăng Long, vốn từ trước đến nay tương đối tách biệt về chính trị.

Thứ ba, khi xem xét vị trí các ngôi chùa được xây dựng mới hoặc trùng tu ở thời Lý, có thể thấy chúng đều có đặc điểm chung là được xây dựng với quy mô to lớn, trang hoàng nguy nga, uy nghi và vị trí tọa lạc là ở những nơi danh lam đắc địa. Đặc biệt là một số ngôi chùa như: Minh Tịnh (Hoằng Hóa), Ngưỡng Sơn Linh Xứng (Hà Trung), Diên Linh Chân giáo (Nga Sơn) đều nằm bên tuyến đường huyết mạch kinh lý Bắc – Nam. Xây dựng các ngôi chùa ở vị trí như vậy, tmục đích của nhà Lý là phần nào muốn phô trương, thể hiện cho sứ giả chư hầu phương Nam khi vào Thăng Long triều kiến thấy rằng: Thanh Hóa dù là vùng đất phiên dậu miền biên viễn xa xôi nhưng đã có được sự phồn thịnh, giàu có, tráng lệ, vậy thì sự phồn hoa của kinh đô Thăng Long đến mức nào. Đây cũng là gián tiếp thị uy sức mạnh đối với các nước chư hầu, lân bang của quốc gia Đại Việt.

Thác bản văn bia Càn Ni sơn Hương Nghiêm tự bi minh. Nguồn: Tổng tập thác bản văn khắc Hán Nôm.

Hệ tư tưởng xã hội và triết lý Phật giáo phản ánh qua văn bia
Nghiên cứu nội dung của các văn bia Phật giáo thời Lý tại Thanh Hóa, ngoài các nội dung nổi bật như chính trị, kiến trúc thì hệ tư tưởng và triết lý Phật giáo cũng là vấn đề quan trọng cần phải nghiên cứu. Thông qua tư tưởng và quan điểm tôn giáo của Phật giáo đã thể hiện trong văn bia giúp chúng ta hiểu phần nào hệ tư tưởng chủ đạo, cũng như quan điểm chính trị của nhà Lý đương thời. Nghiên cứu giáo lý trong văn bia, chúng tôi nhận thấy hệ tư tưởng Phật giáo đương thời thể hiện ở 3 quan điểm chủ đạo:

– Phật – Lão song hành (vận hành của vũ trụ nhân sinh)
Các văn bia chùa Minh Tịnh, chùa Hương Nghiêm mở đầu đều bàn về đạo thường của trời đất; quy luật vận hành của âm dương; vạn vật sinh hóa đều theo quy luật của của vạn tượng. Các khái niệm của Đạo giáo được nhắc đến như: Thái hư, Nhị nghi, Tứ tượng, Bát quái, Hà đồ, Huyền hoàng, Tam tài, Vạn tượng,… để chứng minh cho sự xuất thế độ sinh của ngài Đại Hùng (Giác Hoàng) là lẽ tất yếu của trời đất, của sự vận hành vũ trụ. Nội dung văn bia chỉ ra rằng trời đất vạn vật đều vận hành, biến hóa theo một lẽ vi diệu không thể nắm bắt được. Nghĩa là con người và vạn vật khó nhận thức được lẽ sinh diệt của vũ trụ nhân sinh, đưa đến hậu quả là con người và vạn vật đã, đang và sẽ tự đắm chìm trong bể sống chết luân hồi. Đức Phật xuất thế là nhằm cứu giúp chúng sinh vượt qua những mê muội của cuộc đời. Triết lý Phật – Lão song hành của văn bia thời Lý ở Thanh Hóa chủ yếu dựa trên hai hệ thống giáo điển: Pháp Hoa, Hoa Nghiêm của Phật giáo và triết lý Kinh Dịch qua góc nhìn của Đạo giáo.

Ngoài ra, tuy không được đề cập rõ nét trong văn bia, nhưng vai trò của các bậc Thánh, Thánh nhân cũng được sử dụng đến như một phương tiện trong giáo hóa. Ở đây Phật giáo cùng lúc đồng thời vận dụng nhiều phương tiện, nhiều phương pháp, nhiều hình thức giáo hóa khác nhau. Vai trò của Phật và Thánh cốt yếu là để chỉ rõ cho chúng sinh thấy được Đạo tính, Phật tính là sẵn có nơi thân tâm. Sự hiện hữu của ngôi chùa với hình ảnh của Phật – Lão là đặc trưng trong triết lý tôn giáo Đạo Phật thời Lý ở Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung.

– Quán niệm Nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất (một là tất cả, tất cả là một)
Quán niệm này được văn bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi minhvăn bia Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh đề cập đến, quán niệm này vốn là yếu nghĩa trong phẩm Như Lai Thập thân tướng hải và phẩm Nhập pháp giới của Kinh Hoa nghiêm. Yếu nghĩa ấy nói về mối liên hệ đan xen của mọi sự vật trong vũ trụ nhân sinh. Trong vũ trụ nhân sinh ấy, sự vật này có thể tương tức với sự vật kia và ngược lại; một sự vật có thể tương tức trong tất cả mọi sự vật và có thể tất cả mọi sự vật đều có mặt trong một sự vật. Vậy nên, một sự vật không thể tự bản thân nó sinh ra và tồn tại mà là do vô số các sự vật khác không phải là nó hợp thành. Ví như mệnh đề quả trứng có trước hay con vịt có trước, nếu trả lại tất cả những trứng, vịt về cho vũ trụ: trứng trả về cho vịt; vịt trả về cho trứng… thì con vịt, quả trứng không còn có thể có mặt nữa. Vậy nên, người nào nhìn chân nguyên của trứng và vịt mà thấy được vũ trụ, thì người ấy thấy được đạo lớn rồi.

– Triết lý Chân không – Diệu hữu
Thế nào là “Diệu hữu”, thế nào là “Chân không”. Chữ “diệu” nghĩa là vi diệu, là chẳng thể dùng tâm suy lường được. Chữ “không” tức là thật không, hư không, có khi là trống rỗng. Văn bia An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký là minh chứng cụ thể cho “Chân – Diệu”, mở đầu văn bia có đoạn “Ngời ngời thay diệu lý… Lồng lộng thay chân không, chứa mọi cảnh mà không lẫn vết”. Câu văn này tuy ngắn gọn nhưng phần nào đó đã lột tả được sự thâm sâu, huyền diệu của triết lý Chân không – Diệu hữu. Chân không là cảnh giới Niết Bàn của Phật giáo, khi con người ta xa lìa hết thảy tướng mê tình mà mình thấy được, dứt bặt và vượt qua cái gọi là “sắc – không” thì đã đạt đến cái gọi là chân không. Theo đó, từ vạn vật cho đến hiện tượng đều có điểm xuất phát từ “không”, chúng xuất hiện, tồn tại, sinh diệt trong vũ trụ không bởi tự thân nó mà tương tác, tương hỗ hoặc làm tiền đề sinh – diệt cho nhau. Cho nên Chân không – Diệu hữu là chìa khóa để hiểu nhận thức luận về bản thể và hiện tượng của Phật giáo. Vậy nên có thể xem triết lý Chân không – Diệu hữu như là một phương tiện hữu hiệu để con người nhận thức về bản thể và hiện tượng của Phật giáo, cũng  tức là bước vào thế  giới Chân không – Diệu hữu của chư Phật.

KẾT LUẬN
Việc nghiên cứu văn bia Phật giáo đời Lý tại Thanh Hóa thể hiện hai mục đích rõ rệt. Thứ nhất, làm rõ các nét cơ bản về tình hình chính trị – tư tưởng, tôn giáo, lịch sử,… Thứ hai, làm rõ các vấn đề về mặt xã hội. Từ đó làm rõ các giá trị về mặt vật chất và tinh thần ẩn chứa trong văn bia Phật giáo thời Lý ở Thanh Hóa. Trong đó, giá trị về tính tự tôn và tự cường dân tộc cần được tiếp nối, cần được truyền bá và giáo dục cho các thế hệ tương lai về trách nhiệm công dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chú thích:
[*] Vũ Ngọc Định: Ths. Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Hồng Đức.
[1] Văn bia hiện được lưu giữ tại nghè làng Tế Độ xã Hoằng Phúc, Hoằng Hóa (Nay xã Hoằng Phúc đã sáp nhập vào thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).
[2] Nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa. Văn bia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.
[3] Nay là xã Văn Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Văn bia hiện lưu giữ tại chùa.
[4] Nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa.
[5] Nay là xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung. Văn bia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội.
[6]. Còn gọi là bia chữ Phật, vì bia chỉ còn lại duy nhất một chữ Phật lớn, nội dung khác đã mất hết. Văn bia hiện được lưu tại UBND xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nên trong bài viết thực tế chỉ khảo 5 văn bia đầu tiên.
[7] Nay là phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Văn bia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Hà Nội. Bia có 38 chữ, được khắc vào khoảng năm Trị Bình Long Ứng thứ 3 (1207).
[8] Thanh Hóa có 7 văn bia, Nghệ An có 1 văn bia, Hưng Yên có 3 văn bia, Hà Tây cũ có 2 văn bia, Ninh Bình có 2 văn bia, Hà Nam có 1 văn bia, Nam Định có 1 văn bia, Bắc Ninh có 1 văn bia, Phú Thọ có 1 văn bia, Vĩnh Phúc cũ có 1 văn bia, Tuyên Quang có 1 văn bia.
[9] Lấy theo niên đại dựng bia đầu tiên và bia cuối cùng thời Lý hiện còn ở Thanh Hóa.
[10] Xem thêm: Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.82.
[11] [12] Phan Bảo (2012, Chủ biên), Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 1, Văn bia thời Lý – Trần, Nxb. Thanh Hóa, tr. 189, 232-233
[13] Điển hình như trung tâm Phật giáo Trường Xuân (nay thuộc xã Đông Minh, huyện Đông Sơn) đã có từ thời Tùy, minh chứng là văn bia Đại Tùy Cửu Chân quận Bảo An đạo tràng chi bi văn có niên đại năm 618. Hay trung tâm Phật giáo Thiệu Trung (xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn) với 3 ngôi chùa lớn là Hương Nghiêm, Minh Nghiêm và Trịnh Nghiêm được xây dựng từ thời Hậu Đường.

Tài liệu tham khảo:
[1] Viện văn học (1977), Thơ văn Lý – Trần, tập 1, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[2] Viện Khoa học xã hội Việt Nam (1993), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
[3] Phan Bảo (2012, chủ biên), Tuyển tập văn bia Thanh Hóa, tập 1. Văn bia thời Lý – Trần, Nxb. Thanh Hóa.
[4] Trần Đức Liêm, Về giá trị của văn bia thời Lý – Trần, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo.
[5] Phạm Tấn, Lý Thường Kiệt với đất Ái Châu – Xứ Thanh (Nguồn báo VHĐS.VN).
[6] Tạp chí Nghiên cứu Phật học (2015), Vũ Ngọc Định, Tìm hiểu giá trị nội dung văn bia Phật giáo ở Thành phố Thanh Hóa.
[7] Phạm Tấn (2019, chủ biên), Thanh Hóa thời Lý – Những dấu ấn trong dòng chảy lịch sử dân tộc, Nxb. Thanh Hóa.
[8] PGS.TS. Trần Thị Vinh, Thể chế chính trị ở Việt Nam thế kỷ XI-XIII dưới thời Lý (Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 3, tr.301-322)