Lý thuyết thực hành thiền g-tummo của Phật giáo Tây Tạng (Đức Quang)

Sự hành trì thiền g-tummo giúp hành giả vượt thoát những suy nghĩ tiêu cực, sai lạc và tội lỗi. Trong đó, nâng cao sức khỏe tâm thần nên giải trừ các chứng căng thẳng, rối loạn tâm lý, lo lắng, trầm cảm, cải thiện khả năng tập trung và mức độ tự tin.

Từ thế kỷ thứ VII, Phật giáo đã du nhập vào Tây Tạng, xứ này chủ yếu thực hành theo truyền thống Kim Cang thừa. Ngày nay, Phật giáo Tây Tạng phổ biến khắp thế giới, nhờ công truyền bá của đức Dalai Lama, giới tu sĩ, học giả và cộng đồng Phật tử Tây Tạng khắp thế giới. Đặc biệt là sức cuốn hút của những phương pháp thực hành yoga hay pháp Mật tông đầy huyền bí đối với giới khoa học (khoa học thần kinh, khoa học não bộ, tâm lý học, nhà trị liệu…), ở giá trị ứng dụng cho việc chăm sóc sức khỏe của thân, chữa lành tâm và phát triển tâm linh. Trong số đó, g-tummo (གཏུམ་མོ) là phương pháp thiền cổ xưa của Mật tông được các hành giả thực tập phổ biến, có khả năng giúp thiền giả tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể khi thực tập. Điều này khiến bác sĩ tim mạch Herbert Benson của Trường y Harvard thích thú, dành hàng thập kỷ để nghiên cứu, theo dõi sinh lực và đo đạc chỉ số nhiệt lượng cơ thể khi hành giả thực hành thiền g-tummo [1]. Bài viết này xin giới thiệu khái quát về lý thuyết và phương pháp thực hành thiền g-tummo của Phật giáo Tây Tạng, nhằm gợi mở và chỉ ra một phương pháp điều phục thân, chế ngự cảm xúc, chữa lành và phát triển sức khỏe tâm thần bằng thiền định Phật giáo.

KHÁI NIỆM THIỀN G-TUMMO
G-tummo trong Tạng ngữ, có nghĩa đen là “nữ dũng sĩ”, với “tum” nghĩa là can đảm hay dũng cảm và “mo” [2] là đại diện cho trí tuệ bất nhị. Trong truyền thống Mật tông Tây Tạng, g-tummo chỉ cho nữ thần Caṇḍālī, vị thần của hỏa nhiệt và đam mê, thường phối ngẫu cùng nam thần trong các Mạn-đà-la của Mật tông [3]. Người Tây Tạng gọi g-tummo là lam kyi mang-do, nghĩa là “nền tảng của đạo.” [4] Vì thiền g-tummo là pháp đầu tiên trong sáu pháp thiền Nāropa (Nā ro chos drug/ Naro chödruk) [5], như pháp tu căn bản giúp hành giả nhận diện bản chất huyễn mộng của thân thể, để chứng nghiệm niềm hỷ lạc và trí tuệ lớn, thành tựu Đại thủ ấn (Mahāmudrā). Vì vậy, g-tummo có năng lực phá tan mọi vọng tưởng, dẫn hành giả thực sự chứng ngộ trí tuệ và thành tựu đại hỷ lạc.

Pháp thiền g-tummo là một pháp điều tức (prānāyāma) [6], nên tập g-tummo giúp ý thức thay đổi trạng thái, tiến vào tĩnh tâm, tâm thể nhập thiền định. Bắt đầu bằng điều phục cơ thể và lắng đọng tâm trí, chuyển dần dần vào trạng thái im lặng thiền định. Người tu g-tummo yoga không đơn thuần vì mục đích tăng thân nhiệt, nhưng rất có ích cho người tu hành sống khỏe mạnh trong khí hậu lạnh giá mà không bị bệnh tật. Do đó, thiền g-tummo được các hành giả Phật giáo ở vùng Himalaya thực hành phổ biến vì mục đích giữ ấm thân thể, bảo vệ sức khỏe và tu luyện tâm thức.

Như vậy, thực hành g-tummo giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, có lợi ích cho việc cải thiện, bảo vệ sức khỏe và điều chỉnh hoạt động tâm lý nhận thức, giúp tăng tỉnh thức và khả năng sáng tạo.

PHƯƠNG PHÁP THỰC HÀNH
Cơ thể của thiền sinh là một kho báu, nơi tập hợp các dòng năng lượng, cả thô và tế. Do đó, thực hành g-tummo để kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực (tu) đến trí tuệ (mo). Theo Mahā-siddha [7] Tilopadā, “bắt đầu với các bài tập thể dục. Không khí được hít vào, lấp đầy, duy trì và tan biến. Có hai dòng năng lượng hai bên, một dòng năng lượng trung tâm Avadhūtī và bốn luân xa (cakra). Ngọn lửa bốc lên từ lửa caṇḍālī ở rốn. Một dòng mật hoa nhỏ xuống từ chủng tử HAM (हं) trên đỉnh, cầu nguyện bốn niềm hỷ lạc. Có bốn kết quả, giống như nguyên nhân, và sáu bài thực hành để phát triển chúng. Đây là lời chỉ dẫn của Charyapa (Kṛṣṇācārya)” [8].
Thiền g-tummo là pháp yoga nội hỏa nền tảng của sáu pháp thiền Nāropa. Có mục đích kiểm soát sự di chuyển năng lượng trong các kinh mạch và luân xa trên cơ thể, chủ yếu tập trung vào luân xa rốn. Trong đó, thiền g-tummo được thực hành như sau [9]:

Đầu tiên cần chọn một không gian thoáng đãng và yên tĩnh. Ngồi thật thoải mái, với tư thế hoa sen hay bán già và nhắm mắt lại. Hai tay đặt trên bụng, tại đan điền hay huyệt khí hải trong suốt quá trình luyện tập thiền. Chú ý, tâm trí cần ở trạng thái thỏa mái và thư giãn hết mức có thể, cho phép suy nghĩ tuôn trào một cách tự nhiên, chỉ theo dõi và nhận diện cho đến khi tâm trí tự tĩnh lặng.

Thứ đến, trong khi thực hành, thiền giả cần tập trung quán tưởng một ngọn lửa ở bụng và xung quanh rốn. Trong suốt quá trình hành thiền, đặc biệt, cần chú ý và tập trung quán tưởng toàn thân là một quả bóng lớn và hoàn toàn rỗng rang với ngọn lửa bên trong. Nhất là cần hít sâu bằng mũi, lưng hơi cong, thân và ngực mở rộng. Lúc này cần quán tưởng oxy đang đốt cháy ngọn lửa bên trong, giúp ngọn lửa cháy lớn hơn và nóng hơn. Sau đó, thở ra mạnh bằng miệng với đôi môi tròn, như thể bạn đang thổi qua ống hút. Cong người về phía trước và vẫn giữ hai tay trước bụng. Lúc này cần quán tưởng ngọn lửa và sức nóng của nó lan tỏa khắp cơ thể bạn.

Cần thực hành pháp điều tức hơi thở liên tục trong năm hơi thở và nhận thấy hơi nóng bắt đầu tích tụ. Sau lần thở vào thứ năm cần thở nhẹ nhàng và cảm nhận cách nó giữ hơi thở bên dưới cơ hoành. Co cơ sàn chậu để bạn đồng thời đẩy hơi thở xuống bằng cơ hoành và đẩy lên bằng cơ sàn chậu. Sau cùng cần nín thở càng lâu càng tốt (trong khoảng thời gian 5 đến 15 giây cho 1 lần), thở ra và thư giãn cơ bắp. Lặp lại trình tự này trong vài vòng, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy ấm áp và tinh thần minh mẫn hơn.

Vì vậy, thiền g-tummo sử dụng hơi thở năng lượng sinh học cộng với quán tưởng để tăng trưởng ngọn lửa bên trong. Có sự kết hợp một kiểu điều tức hơi thở cụ thể và sự quán tưởng hay hình dung ngọn lửa đi lên cột sống. Việc g-tummo kết hợp sử dụng cả hơi thở và pháp quán tưởng để tâm dễ tập trung, giúp hành giả nhập thiền định sâu hơn.

Thiền g-tummo là pháp yoga nội hỏa nền tảng của sáu pháp thiền Nāropa. Có mục đích kiểm soát sự di chuyển năng lượng trong các kinh mạch và luân xa trên cơ thể, chủ yếu tập trung vào luân xa rốn.

LỢI ÍCH CỦA THIỀN G-TUMMO
Việc thực hành thiền g-tummo hàng ngày có nhiều tác động tích cực đến sức khỏe thân và tâm. Một là khả năng điều phục thân, dễ quan sát nhất chính ở khả năng điều chỉnh nhiệt độ cơ thể trong khi thể nhập trạng thái thiền. Đây được xem là quá trình thiền định giúp bảo vệ thân thể, duy trì sinh lực, cải thiện sức khỏe, tăng sự trao đổi chất, sự tỉnh táo và năng lượng sống [10]. Vì khi hành thiền g-tummo sử dụng kỹ thuật thở (prānāyāma) giúp đem lượng khí oxy cao vào cơ thể, và kỹ thuật quán tưởng giúp duy trì nhiệt độ cơ thể trong thời gian dài. Hơn nữa, có sự cải thiện bệnh huyết áp cao và chứng rối loạn tim mạch, phát triển của hệ thống miễn dịch và tăng khả năng tự động kiểm soát hệ thống thần kinh tự chủ (autonomic nervous system) [11].

Hai là chức năng điều chỉnh hoạt động nhận thức, chế ngự cảm xúc và giải tỏa tâm trí [12]. Sự hành trì thiền g-tummo giúp hành giả vượt thoát những suy nghĩ tiêu cực, sai lạc và tội lỗi. Trong đó, nâng cao sức khỏe tâm thần nên giải trừ các chứng căng thẳng, rối loạn tâm lý, lo lắng, trầm cảm, cải thiện khả năng tập trung và mức độ tự tin. Bởi vì, việc theo dõi và quán niệm hơi thở là một pháp trong quán thân trên thân thuộc pháp thiền tứ niệm xứ, có chức năng “đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu não, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ Niết bàn (DN 22, MN 10)”[13]. Hơn nữa, niệm hơi thở “nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời” [14]. Vì vậy, việc quán sát hơi thở giúp cải thiện năng lực nhận thức qua phát triển sự tập trung và chú ý. Từ đó còn đánh thức năng lượng cá thể, chuyển hóa bản ngã, tự tin và sáng tạo do được tiếp năng lượng từ kuṇḍalinī lên xương sống. Như vậy, thực hành g-tummo giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, có lợi ích cho việc cải thiện, bảo vệ sức khỏe và điều chỉnh hoạt động tâm lý nhận thức, giúp tăng tỉnh thức và khả năng sáng tạo.

Cơ thể của thiền sinh là một kho báu, nơi tập hợp các dòng năng lượng, cả thô và tế. Do đó, thực hành gtumo-mo để kiểm soát và chuyển hóa cảm xúc tiêu cực (tu) đến trí tuệ (mo).



Tóm lại, pháp thiền g-tummo là pháp điều tức (prānāyāma), kết hợp với kỹ thuật quán tưởng được thực hành rộng rãi trong truyền thống Mật tông. G-tummo có rất nhiều lợi ích, đó là nâng cao sức khỏe thân thể, cải thiện hoạt động tâm lý và nhận thức. Nhất là thiền g-tummo có ảnh hưởng lớn đến giới học giả Âu-Mỹ trong việc tìm hiểu và nghiên cứu Phật học, mở ra phong trào nghiên cứu Phật học bằng kỹ thuật khoa học hiện đại và tạo ra những cuộc đối thoại giữa Phật giáo và khoa học. Sau cùng là cần lưu ý, việc thực tập g-tummo phải được sự hướng dẫn trực tiếp của đạo sư, hành giả không nên tự thực hành mà không có sự hướng dẫn để tránh những hậu quả nguy hại đến sức khỏe thân tâm.

Chú thích:
[1] H., J. W. Lehmann, M. S. Malhotra, R. F. Goldman, J. Hopkins, and M. D. Epstein. “Body Temperature Changes During the Practice of g Tum-mo Yoga.” Nature 295, 234–236 (1982). https://doi.org/10.1038/295234a0.
[2] Mo (mộ 莫) là một hình thức dự đoán tương lai trong đời sống văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng. Người dân Tây Tạng hỏi ý kiến Mo khi đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc đời như về sức khỏe, công việc hay du lịch. Những câu trả lời do Mo đưa ra được tin là đến từ Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, một đại biểu của trí tuệ. Vì vậy, Mo được xem như đại diện cho sự pha trộn giữa truyền thống pháp sư bản địa và Phật giáo.
[3] Crook, John & Low, James, (1997). The Yogins of Ladakh: A Pilgrimage Among the Hermits of the Buddhist Himalayas, Delhi: Motilal Banarsidass, tr.89-90.
[4] Lama Thubten Yeshe, (1998). The Bliss of Inner Fire: Heart Practice of the Six Yogas of Naropa, Boston: Wisdom Publications, tr.22.
[5] Sáu pháp Nāropa gồm có: Pháp gtum mo (caṇḍālī) là pháp yoga nội hỏa hay khuyết hỏa (拙火). Pháp ösel (od gsal, Prabhāsvara) là pháp yoga quang minh (光明), ánh sáng thanh tịnh và rực rở. Pháp rmi lam (svapnadarśana) là pháp yoga giấc mơ, trạng thái trong mộng (夢). Pháp gyulü (sgyu lus, māyākāyā) là yoga huyễn thân (幻身). Pháp bar do (antarābhava) là yoga trung ấm (中陰). Pháp pho ba (saṃkrānti) là yoga chuyển thức (遷識) tới cảnh Phật thanh tịnh.
[6] Prānāyāma (điều tức hay phương pháp hô hấp) là thực hành yoga tập trung vào hơi thở, “prāṇa” có nghĩa là sinh lực quan trọng/ năng lượng sinh mạng, và “yāma” có nghĩa là kiểm soát (khống chế).
[7] Đại thành tựu giả (大: Māha; 成就者: siddha) là danh xưng chỉ cho người thực hành Du-già (Yoga) đã đạt được thần lực. Bậc Đại thành tựu chuyên tu thân, khẩu và ý, thành tựu tam mật, có trí tuệ và thần thông. Trong truyền thống Phật giáo Tây Tạng, có 84 vị Đại thành tựu (80 nam và 4 nữ; chỉ có 5 vị Tỳ-kheo, còn lại cư sĩ tại gia), đặc biệt được tôn kính và sùng bái. Từ đó, theo Kim Cang thừa, sự giác ngộ do nơi sức tinh tấn và trình độ, tuyệt không liên quan đến giới tính, tuổi tác, đẳng cấp hay địa vị xã hội. Hơn nữa, sự tu tập ngay trong đời sống hàng ngày, không cần xuất gia hay từ bỏ thế tục.
[8] Glenn H. Mullin, (trans.), (2006). The Practice of the Six Yogas of Naropa, Snow Lion Publications, tr.27.
[9] Shirin Mehdi, (Jul 7, 2023). “8 Simple Steps To Practice Tummo Meditation” in Stylecraze. Online tại: https://www.stylecraze.com/articles/simple-steps-to-practice-tummo-meditation/. David, “A Beginner”s Guide to Tummo Meditation” tại website, https://unifycosmos.com/tummo-meditation-guide/. https://relaxlikeaboss.com/tummo-meditation/.
[10] Ido Amihai và Maria Kozhevnikov, (2015). “The Influence of Buddhist Meditation Traditions on the Autonomic System and Attention” in Physiological Effects of Mind and Body Practices (BioMed Research International). https://doi.org/10.1155/2015/731579. Online tại website: https://www.hindawi.com/journals/bmri/2015/731579/
[11] Anna Smith Haghighi, (September 16, 2022). “What to know about tummo breathing” tại Medical News Today, Online website: https://www.medicalnewstoday.com/articles/tummo-breathing
[12] Kozhevnikov M., Elliott J., Shephard J., và Gramann K., (2013). “Neurocognitive and Somatic Components of Temperature Increases during g-Tummo Meditation: Legend and Reality” tại PLOS ONE 8(3): e58244. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0058244. Online tại: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3612090/
[13] Kinh Trường Bộ, (2013). Thích Minh Châu dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, tr.445. Kinh Trung Bộ, (2012). Thích Minh Châu dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, t.1, tr.85, 94.
[14] Kinh Trường Bộ, (2013). TLĐD, tr.445. Kinh Trung Bộ, (2012). TLĐD, t.1, tr.85, 94.