Thế gian rộn ràng đón xuân, lồng đèn, cờ hoa, đủ sắc màu, nhà nhà, người người tất bật cho những công việc cuối năm, mong chu toàn để đón một mùa xuân Giáp Thìn bình an ấm áp. Chúng ta hãy vững tin vào chính mình và cuộc sống, dẫu muôn vàn biến động đổi thay nhưng nơi đây ý chí, niềm tin và nghị lực sẽ đẩy lùi tất cả khó khăn. Rồi ai ai cũng hưởng được trọn vẹn mùa xuân ấm áp từ trái tim, xuân ngoại, xuân tại lòng người, mùa xuân không bao giờ mất, chỉ là ta có biết vượt qua, để trở về mùa xuân trong chính mình hay không? Vẫn có những con người biết tạo mãi mùa xuân.
Thiền sư Mãn Giác từng dạy đồ chúng trở về với mùa xuân trong chính mình, bởi xuân ngoại cảnh thì có đến đi sanh diệt, theo sự sanh diệt, chúng ta sẽ khổ, nhân ngoại cảnh mà trở về mùa xuân không bao giờ mất, mùa xuân chẳng bao giờ tàn trong mỗi người.
告疾示眾
春去百花落,
春到百花開。
事逐眼前過,
老從頭上來。
莫謂春殘花落盡,
庭前昨夜一枝梅。
Cáo tật thị chúng
Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch nghĩa:
Có bệnh bảo đồ chúng
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai.
(HT. Thích Thanh Từ dịch
– Thiền sư Việt Nam)
Trước mắt, từ ngoại cảnh đến con người đều bị chi phối bởi sự vô thường, mọi thứ luôn đổi thay biến chuyển. Cũng chính nhờ sự vô thường giúp ta luôn có cái nhìn tích cực về cuộc sống, những khó khăn gian khổ rồi cũng sẽ qua, đâu gì cố định. Trong Phật học phổ có định nghĩa rõ về vô thường có 3 loại:
THÂN VÔ THƯỜNG
Theo chuỗi tuần hoàn của con người sinh ra, lớn lên, già nua, bệnh tật và chết, trong Phật giáo gọi chung là sanh lão bệnh tử, không một ai thoát khỏi định luật này. Biết bao nhân tài, tất cả không ngoài ba thước đất, một nấm mồ hoặc hũ tro cốt lạnh tanh, trẻ có già có, vô thường chẳng từ một ai. Mồ hoang đâu thiếu kẻ xanh đầu, như sự ra đi bao tiếc thương của ca nương Tú Thanh, tài năng trẻ của đất nước chỉ mới tuổi trăng tròn.
TÂM VÔ THƯỜNG
Tâm thức của mỗi người như khỉ vượn chuyền cành, sáng vui, trưa buồn, tối ấm áp… biết được sự vô thường của tâm để chúng ta bớt dính mắc, chấp trước vào những việc trái ý nghịch lòng, bỏ qua, buông xả khi qua đêm.
Phật dạy: “Nhất sân chi hỏa năng thiêu vạn khoảnh công đức chi sơn”. Một đốm lửa sân đốt hết vạn rừng công đức. Chúng ta không nên để sự sân giận quá một đêm. Nó sẽ tích tụ thành khối u, những tế bào tiêu cực, buồn chán sẽ gây bệnh cho chính thân mình.
“Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”.
Một niệm tâm sân khởi, trăm vạn cửa chướng mở ra.
(Kinh Hoa Nghiêm)
Thực tế khó làm vô cùng, nhưng ta nên tâm tâm niệm niệm phải thực tập, lỡ có nổi sân, biết lỗi sám hối mà chừa bỏ, biết là sai trái chẳng nên làm, còn không rõ, làm sai cũng không biết, dửng dưng tạo tội, như vậy có lỗi với bản thân và hoài bão của Thầy, Tổ, Phật dạy chúng ta. Biết rõ chính mình mới có cơ hội để hoàn thiện bản thân mỗi ngày, tu là sửa. Mỗi ngày chúng ta mỗi lớn trong chốn tùng lâm, nếu không khéo sẽ dễ tạo tội, càng lớn đâu ai dám nhắc nhở… mà bản thân thiếu sự trang nghiêm lại làm trò cười cho hậu thế. Tu sửa là chuyện cả đời người, không phải năm năm, mười năm là xong việc.
HOÀN CẢNH VÔ THƯỜNG
Dễ nhận thấy, trong thời đại công nghệ số này, không còn như xưa nữa, đường xá giao thông thuận tiện, cơ sở hạ tầng ngày càng nâng cao, thời đại công nghệ thông tin chiếm ưu thế… cảnh cũ người xưa đâu còn, thời chiến tranh loạn lạc đói khổ, nay đã tân tiến lên dần, nhấp nháy trong tích tắc thông tin đã lan rộng ra cả thế giới, phủ sóng toàn cầu, đâu còn chuyển thư tay, thư giấy như xưa… cảnh thời nay đã khác xưa quá đỗi, đây là biểu thị của sự vô thường biến đổi. Thành, trụ, hoại không là định luật chung của vạn vật là chân lý bất biến giữa dòng đời vạn biến này.
Chính sự vô thường sanh diệt giúp chúng ta sống chậm lại giữa thế gian vội vã. Biết rõ chính mình, trở về bên trong, tìm lại mùa xuân miên viễn bị bỏ quên theo năm tháng. Cuộc đời vốn thế, vô thường trôi, như Thiền sư Mãn Giác nói:
“Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi”.
Thời gian, không gian cứ thế mà theo quỹ đạo tuần hoàn, thoáng chốc nhìn lại tóc đã điểm hoa râm mà ngỡ mình mới mười chín đôi mươi. Ngoại cảnh con người thì có thay đổi già nua, nhưng trong cái vô thường biến diệt có cái bất sanh bất diệt không bị thời gian và không gian chi phối nên Ngài nói:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Đêm qua sân trước một cành mai”.
Ý nghĩa toát yếu, chớ bảo mùa xuân ngoại cảnh hết thì hoa cũng rụng, đúng là trên hình thức thì có xuân đến đi, mai nở mai rụng, nhưng trong thân mai mầm mai cũng còn đó, xuân đi rồi xuân đến, rồi mai vẫn nở rộ khi xuân về: “Đêm qua sân trước một cành mai”. Ý chỉ mùa xuân bên trong mùa xuân miên viễn bất diệt nơi mỗi người, tâm Phật hằng hữu sáng suốt, bản tánh hiền thiện, thanh tịnh không dính một mảy trần. Đức Thế tôn từng chỉ rất cặn kẽ và kỹ lưỡng ở kinh Pháp Hoa. Ngài ra đời nhằm mục đích chỉ cho chúng sanh nhận được bản tánh thanh tịnh ấy. “Khai thị ngộ nhập tri kiến Phật của tất cả chúng sanh” mở ra phương tiện, chỉ bày, nhận thấy và trở về sống với thấy biết của Phật ở tất cả chúng sanh đều có. Nhân gian thường có câu “Nhân chi sơ tánh bổn thiện”. Tánh của gương là sáng suốt chiếu soi, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán, chỉ do duyên trần bám bụi đã làm mặt gương mờ đi, nhưng bản chất vẫn lặng lẽ chiếu soi. Chỉ cần bụi sạch thì tánh sáng của gương vẫn tinh minh rõ ràng.
Áp dụng thực tế ý nghĩa tuyệt vời của bài thơ này, Thiền sư Mãn Giác thức tỉnh đại chúng. Cuộc sống này, vạn vật vô thường biến diệt đổi thay, từ thân tứ đại của con người, tâm thức chúng ta, hoàn cảnh cuộc sống… tất cả đều sanh diệt vô thường đổi thay trong từng sát na. Lợi dụng sự vô thường này ta có cái nhìn khách quan tích cực vào cuộc sống, hướng thượng hướng thiện, phấn đấu nỗ lực không ngừng, không chấp nhận cuộc sống hưởng thụ buông trôi, lãng phí thời gian vào những điều vô bổ, hết kiếp người trong phút chốc. Cũng một con người, cũng một kiếp sống, sao người ta sống tích cực thế, vì mình vì mọi người, vì cộng đồng hy sinh cống hiến cho đi… còn chúng ta đã làm được gì cho mình cho người? Đây là những câu hỏi, phải tự đặt ra và tự trả lời để trong kiếp sống ngắn ngủi này còn có thể kéo lại chính bản thân mình lúc trật đường ray khi xe lăn bánh. Nhân vô thường nhận được cái chân thường bất biến trong mỗi chúng ta, trở về nhà, sống với mùa xuân miên viễn bất tận trong mỗi người. “Mùa xuân không bao giờ mất, mùa xuân chẳng bao giờ tàn, vẫn có những con người biết tạo mãi mùa xuân…”.
(NS. Hạnh Huệ – Viên Chiếu)
Được như thế thì phước báu, phúc lạc không mời cũng đến, y báu chánh báu tương ưng. Hãy sống bằng cả trái tim cho đi, cống hiến cho đạo pháp, cho mọi người, không tâm niệm toan tính thiệt hơn, làm được gì cứ làm, nhân quả, phước báu nào có sai chi, công bằng trong vô hình. Nếu lỡ có khởi tâm khi gặp nghịch cảnh trái ý nghịch lòng, thôi… tập buông xuống để tâm ta thênh thang, dại gì đeo bám chấp trước rồi tự gây áp lực khổ đau cho chính mình, mất hết năng lượng. Buông đi để nhẹ nhàng, làm mà không thấy mình làm, thì làm được nhiều việc vẫn không khổ lụy do tự ngã của tâm mang lại.
Trên mặt lý thuyết theo lời Phật dạy thì ai cũng hiểu, nhưng để thật sự bản thân của mỗi chúng ta có được an vui hạnh phúc khi tu tập, cần tự thân vận động, áp dụng những lời dạy ấy vào cuộc sống thực tại mới có lợi ích an vui chân thật thực tế. Giáo lý không chỉ nằm trong quyển kinh trên kệ, mà được đi ra thực tế, đi vào lòng người, ai ai cũng được niềm vui từ pháp lạc, từ những điều thực tập dụng công tu hành như Phật, Tổ, quý thầy dạy chúng ta. Với trái tim đầy nhiệt huyết và chí hướng cao cả của người con Phật chúng ta không thể ích kỷ, sống riêng an yên cho bản thân mình, cô phụ hoài bão của mẹ cha và Thầy tổ đang mong đợi ở thế hệ của chúng ta. Hãy cùng nhau nỗ lực tinh tấn theo lời Phật, Tổ, Thầy dạy, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất là nền tảng căn bản của người tu theo Phật.
Tu đây không chỉ riêng mình
Tu đây lợi ích khắp cùng nhân sinh
Tu đây Phật pháp xương minh
Tu đây đền đáp thâm ân bao người.
Xuân khai phúc lạc! Chúng ta hãy tự mình phát nguyện và thực hành tinh tấn, dũng mãnh, nhân mùa xuân Giáp Thìn 2024 của thế gian mỗi người tự tu, tự trở về mùa xuân đạo pháp, mùa xuân bất tận, phúc lạc đong đầy, chẳng thiếu xưa nay, như ý châu dụng khôn cùng! Cung hỷ! Cung hỷ!
Xuân đến rồi mọi người ơi!
Giáp Thìn phúc lạc năm mới vui tươi
Đẩy lùi khó khăn rối bời
Lòng người đón xuân phơi phới muôn nơi.