Triết lý thực hành vui xuân nơi cửa Thiền (Tỳ kheo Thích Đức Quang)

Trong hệ thống văn hệ Bát Nhã (prajñāpāramitā) có phổ biến tư tưởng “nhất thiết pháp giai thị Phật pháp”[1], nghĩa là “tất cả các pháp đều là Phật pháp”. Hành giả quán chiếu sâu sắc pháp này bằng tuệ giác viên mãn sẽ thuận theo bồ đề (bodhi) [2]. Hơn nữa, tự thân như thật rõ biết tất cả pháp đều là Phật pháp, tùy thuận tâm chúng sanh mà diễn thuyết pháp này, liền được khai ngộ, lúc phát tâm này, tâm quyết định không nghi ngờ [3].

Bài pháp vô thường ngày xuân đã chuyển tải thông điệp về phép lạ tỉnh thức, chính vô thường là cái đẹp và chứa đựng khả thể tỉnh thức hoàn toàn (abhisaṃbodhi) và giải thoát nhiệm mầu.

Như vậy, nếu nhận diện ra xuân đến tết về, vui xuân đón tết… hết thảy đều là Phật pháp, sẽ thể nhập vào biển giải thoát, thọ hưởng được pháp vị an lạc. Vấn đề là trên tinh thần đó, xuân có ý nghĩa gì với cửa Thiền, bài học Phật pháp nào được chuyển tải trong ngày tết, những hoạt động vui xuân đón tết có lợi ích gì cho việc tu tập và làm thế nào vui xuân đúng Chánh pháp? Bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu và giải quyết những câu hỏi này, nhằm mở ra một triết lý vui xuân trong nhà chùa, hướng dẫn Phật tử cách du xuân đón tết đúng tinh thần Phật học, phù hợp Chánh pháp.

TỪ XUÂN VÔ THƯỜNG ĐẾN PHÉP LẠ TỈNH THỨC
Xuân là tên gọi mùa mở đầu và đẹp nhất trong bốn mùa của năm. Trong nhà Phật, nó là một pháp hữu vi (saṃskṛta-dharma) chỉ thời tính, chịu sự chi phối của vô thường, nên có đặc điểm “thành – trụ – hoại – không”. Do đó, sự đến đi của mùa xuân là một bài pháp sinh động về luật vô thường của tự nhiên giới, cảnh tỉnh và đánh thức muôn vật. Điều mà với mỗi người là chủ thể nhận thức đều dễ dàng cảm thụ và nhận diện. Nhất là các nhà thơ luôn có cảm thức sâu xa với vô thường, thức cảnh sinh tình làm thơ ghi nhận ý niệm mong manh, trôi chảy của mùa xuân. Trong đó, Xuân Diệu ở bài Vội vàng đã nhận ra lẽ chóng vánh của thời tính, liên hệ đến sinh tử mỏng manh.
“Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.”

Sự đổi thay tạo một cuộc cách mạng cho thế giới tự nhiên tươi mới, biểu hiện một hành trình tự vận động với muôn vàn nhân duyên để việc hoán cốt đổi hình, chuyển đông tàn thành sắc xuân xanh.

Bài pháp vô thường ngày xuân đã chuyển tải thông điệp về phép lạ tỉnh thức, chính vô thường là cái đẹp và chứa đựng khả thể tỉnh thức hoàn toàn (abhisaṃbodhi) và giải thoát nhiệm mầu.

Trong nhà Phật, đề cao nhận thức vô thường, bởi thông qua việc thấy hiểu rõ sự thật vô thường của năm uẩn, hành giả sanh tâm yểm ly, ly tham; tâm được giải thoát khỏi dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu [4]. Hơn nữa, việc nhận diện rõ bản chất vô thường là động lực phát khởi tâm bồ đề và cứu khổ chúng sanh. Ngay tức khắc, bồ đề tâm nguyện được gieo trồng thì năm căn (tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn) phát sinh, lớn mạnh [5]. Nhất là sự có mặt của năm căn dẫn đến năng lực như thật thấy biết mùa xuân như nó là (yathā-bhūta-dassana), đặc biệt khả năng tùy thuận cảnh an vui. Thực ra, đó là như thật rõ biết về vẻ đẹp mùa xuân, như cái thấy uyên nguyên của thiền sư Trường Nguyên (1110-1165) [6], “xuân sang, oanh hót trăm hoa nở”. Qua cái nhìn tỉnh giác này, sắc xuân vẫn như nó là, sự vượt thoát mọi khuôn thức định kiến đã tạo ra cho nhà tu Phật một nhãn quan cách mạng trong cảm nhận cái đẹp. Sắc xuân trong mắt không của thiền sư mới tiếp nhận trọn vẹn cái đẹp tinh khôi và uyên nguyên, vượt thoát mọi toan tính hạn hẹp, trở thành người thực sự cảm thụ cái đẹp trong tâm không. Chỉ khi thành tựu tánh thấy, loại bỏ đối tượng nhận thức và cảnh tượng nhận thức, cái thấy được tịnh hóa, gọi là đạt tới cái nhìn siêu thoát kiến (dṛṣṭi, diṭṭhi). Với tuệ nhãn của một thiền sư thấy, chỉ người trí đạt được Phật tính, xa lìa vọng tưởng chấp trước, mới thực sự biết “cùng vật vui xuân” [7] là đường vào Cực Lạc. Việc sống trọn vẹn, biết nếm trải và thưởng ngoạn xuân, đó là đạo thiền, cách sống lợi ích và an lạc của thiền giả trong phút giây hiện tại. Nói khác đi, đệ tử Phật thấy biết vô thường qua ngày xuân, nhưng không vì thế mà đau khổ, ngược lại biết cảm thụ cái đẹp, thưởng ngoạn và chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khôi của sắc xuân. Đó là lý do phải sống an vui với thực tại, tuyệt không nên như chú chim quốc hoài niệm và nhớ mong, qua lời thơ tinh anh của cụ Yên Đổ (Nguyễn Khuyến, Quốc kêu cảm hứng) “có phải tiếc xuân mà đứng gọi, hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?”.

Sự vô thường của ngày xuân có sự đặc trưng rất riêng, sự chuyển đổi của giới tự nhiên theo hướng tốt đẹp. Như cảnh tỉnh người tu rằng, không phải sự vô thường nào cũng đáng sợ hãi, có những sự vô thường đẹp và đáng trân quý, như xuân về tết đến. Bởi cũng bầu trời đó lạnh buốt, trơ trụi… trong mùa đông; nhưng xuân về lại chuyển thành nắng ấm, trăm hoa khoe sắc… Đó là phép thần thông và huyền nghĩa của mật pháp tự nhiên, đang thầm dạy diệu pháp chuyển hóa. Chỉ rõ đường tu cũng vậy, biết khéo chuyển hóa những khối nội kết khổ đau trong tâm, lòng ta sẽ có được an vui và hạnh phúc. Khả năng tự chuyển hóa là có thật, thậm chí đến việc chuyển trần gian thành tịnh độ cũng nằm trong bàn tay chúng ta. Cho nên, xuân đã trao bài pháp vô thường nhiệm mầu, mở ra cách nhìn vô thường đẹp và an vui, cởi bỏ những thiên kiến sai lệch về vô thường chỉ đầy khổ đau và đáng khinh hãi. Qua đây, chúng ta càng thấm thía bài pháp, chỉ có người thắt nút sẽ biết cách mở nút, cũng vậy chỉ có vô thường mới tự giải oan và chứng minh cho chính vô thường. Vì vậy, người tu học cần học thái độ thực nghiệm này, khi gặp vấn nạn khổ đau, không sợ hãi trốn chạy mà dũng cảm đối diện, nhìn vào khổ đau, thấu hiểu nguyên nhân khổ đau, giải quyết khổ đau và đưa ra con đường giải quyết khổ đau (caturāryasatyāni, tứ thánh đế). Bài pháp vô thường ngày xuân đã chuyển tải thông điệp về phép lạ tỉnh thức, chính vô thường là cái đẹp và chứa đựng khả thể tỉnh thức hoàn toàn (abhisaṃbodhi) và giải thoát nhiệm mầu.

Sự vô thường của ngày xuân có sự đặc trưng rất riêng, sự chuyển đổi của giới tự nhiên theo hướng tốt đẹp. Như cảnh tỉnh người tu rằng, không phải sự vô thường nào cũng đáng sợ hãi, có những sự vô thường đẹp và đáng trân quý, như xuân về tết đến. Bởi cũng bầu trời đó lạnh buốt, trơ trụi… trong mùa đông; nhưng xuân về lại chuyển thành nắng ấm, trăm hoa khoe sắc… Đó là phép thần thông và huyền nghĩa của mật pháp tự nhiên, đang thầm dạy diệu pháp chuyển hóa. Chỉ rõ đường tu cũng vậy, biết khéo chuyển hóa những khối nội kết khổ đau trong tâm, lòng ta sẽ có được an vui và hạnh phúc.

PHÁP TU VUI XUÂN
Từ đó, mở ra pháp môn mới trong cửa thiền là dạo chơi trong cảnh xuân vô thường, hay thưởng ngoạn nhân gian Tịnh độ. Khởi đầu cho việc chuyển hóa những niềm vui bình dị của ngày tết như là đoàn viên, là du xuân, là lì xì… trở thành pháp lạ tỉnh thức, chữa lành và nuôi dưỡng tâm bồ đề (bodhicitta). Như vậy, những hoạt động này đã trở thành Phật pháp, đã được Phật tử sử dụng để thực hành chuyển hóa tâm, như cơ hội tu tập, giải thoát. Thứ nhất, vui xuân đoàn viên là cơ hội tiếp nối, để ngồi bên nhau, lắng nghe và chia sẻ niềm tin yêu. Pháp đoàn viên ngày tết là phép dâng tặng sự có mặt hay vô úy thí (abhaya-dāna), có hai hành tướng hay phương diện. Một mặt là đoàn tụ gia đình, họ hàng thân quyến, bạn bè thân hữu… giúp các cá nhân, thành viên gia đình được nối kết tình thân, hâm nóng đạo nghĩa, sưởi ấm tâm hồn và xóa bỏ những nội kết. Mặt khác là trở về tiếp xúc, đoàn tụ và quy ngưỡng tổ tiên tâm linh. Việc tiếp xúc với tổ tiên ngày xuân trở thành cuộc vận động đoàn viên vượt hiện thực, đưa mỗi thành viên gia đình đến với thế giới siêu vượt thời gian – không gian, như sự thể nghiệm phép lạ và tự cảm nhận sợi dây tâm linh truyền thừa nhiệm mầu qua các thế hệ. Từ việc trải nghiệm đoàn viên này, làm chủ thể không còn cô đơn và sợ hãi, vì chủ thể đã về nguồn, đã tự kế thừa và được kế thừa, đã tự thấu hiểu và được thấu hiểu phép nhân duyên. Chính vì điều này, tết đoàn viên có giá trị tu tập chuyển hóa tâm rất lớn, có địa vị quan trọng trong lý thuyết thực hành Phật giáo.

Thứ hai, du xuân là pháp tu thiền hành, trong nhà Phật hay gọi du hành trong nhân gian hay “du hóa”, chỉ cho phép mầu du ngoạn chuyển hóa. Biểu hiện sinh động nhất của pháp du xuân là các chuyến hành hương thập tự, một hình thức vui xuân học và tu đạo tỉnh thức sống động thường được các chùa tổ chức. Việc hành hương các chùa là để thưởng ngoạn ngày xuân, chúng ta cần biết an trụ và bước đi. Ngồi vững chãi và đứng đoan nghiêm để ngắm, bước đi thong dong để nhìn, thể hiện rõ phong thái của thiền giả, biết chánh niệm thưởng thức sắc xuân của đệ tử Phật. Từ đó, thưởng xuân vui tết trở thành pháp tu du xuân vừa tạo được sự cải hóa, chuyển đổi cho thân tâm hành giả; lại vừa đem đến chuyển hóa, lợi ích và an vui cho tha nhân. Đối với tự thân chủ thể, việc du xuân như cơ hội học tập, nâng cấp tri thức thực tiễn. Việc này đúng như đạo lý của ông bà ta thường dạy, “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Thực ra, đây vừa là pháp thiền tập chữa lành, trị liệu tâm, du xuân chuyển tâm thành; vừa là cách làm giàu trải nghiệm, nuôi lớn cảm nghiệm và thu nhận tri thức thực tế sinh động.

Thứ ba, lì xì là hành động trao tặng điều may mắn, xa hơn có thể xem như pháp hành bố thí, một Ba-la-mật. Thông qua việc lì xì mừng tuổi này, biết bao yêu thương được trao tặng, bao an ổn được kiến lập, bao niềm tin và tình thân được nối kết. Pháp hành lì xì đến người nhỏ tuổi hơn, mừng tuổi bậc bề trên nên được gọi là phép màu yêu kính. Cần thấy rằng, trong Kinh Cung Kính (MA 49, 50), Đức Phật dạy, pháp yêu kính là căn nguyên của Niết-bàn [8]. Vậy nên, việc biết yêu trẻ kính già là nguồn cội của thiện pháp. Do đó, thực hành pháp lì xì mừng tuổi là hành bồ tát đạo, đang tu pháp đa-na viên mãn, tự chữa lành tâm tham đắm và tâm ích kỷ, đang phát triển tâm từ bi, yêu thương. Đặc biệt, theo thầy Asaṅga (Vô Trước) [9], pháp đa-na (dānapāramitā, bố thí ba-la-mật) dung nhiếp cả sáu ba-la-mật, việc thực hành pháp lì xì mừng tuổi là đang nuôi lớn ba-la-mật đầu tiên và mở đường cho việc thành tựu viên mãn sáu Ba-la-mật, hoàn thành đạo nghiệp.

Có nhiều hoạt động vui xuân khác, trên đây chỉ giới thiệu và giải thích những pháp chính thường được thực hành trong ngày tết. Mọi người có thể tham gia các hoạt động tu tập, suy ngẫm và trải nghiệm những phép tu tỉnh thức phù hợp với hoàn cảnh của bản thân, trên nguyên tắc phát triển tâm linh thông qua hoạt động vui xuân trong ngày tết nơi cửa thiền, đúng với nguyên lý trung đạo (madhyamāpratipada) và tinh thần giới – định – tuệ (śīla-samādhi-prajñā).

Xuân đến tết về là dịp để mỗi người con Phật vui tết du xuân, đồng thời cũng thực hành phát tâm hướng thượng, an trụ Phật hạnh, thưởng xuân bố thí, tu tập chuyển hóa và hàng phục tâm.

VUI XUÂN THỂ NGHIỆM PHÉP MÀU HIỆN TẠI LẠC TRÚ
Việc thành tựu chuyển hóa tâm được khởi nguyên từ ý niệm dạo chơi trong cảnh vô thường đến với nhận thức chân thường, siêu vượt nhị nguyên (tục đế và chân đế, hữu vi và vô vi, bản môn và tích môn…), là an trú nơi pháp hiện tại hạnh phúc. Cảm nhận pháp Niết-bàn hiện tại, niềm vui siêu vượt ngay trong biển trần tục lụy của ngày tết rộn ràng. Như vậy, pháp lạc trú có thật, không chỉ là giấc mơ giữa trưa hè. Chúng ta có thể thực nghiệm và cảm nhận, thụ hưởng và chứng nghiệm niềm vui ngày xuân mà không cần đợi chờ hay ước nguyện. Từ nay vui xuân trở thành Phật pháp, một pháp tu chuyển hóa trần tâm thành hạnh phúc và tâm giải thoát bất động, được chúng ta, những Phật tử tự giác ngộ, thực nghiệm và tự chứng an vui trong từng khoảnh khắc xuân. Một thái độ sống trọn vẹn với ngày xuân, tuyệt không vọng tưởng tương lai hay hoài niệm quá khứ. Như thiền sư Thiền Lão khéo chuyển tải thiền ý “hiện tại lạc trú” qua câu trả lời “rõ biết tháng ngày này, xuân thu cũ ai hay” [10] cho vua Lý Thái Tông khi được hỏi đã sống ở núi này bao lâu. Hay theo cách Xuân Diệu trình bày trong Vội vàng“tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Hơn nữa, đó là sự vượt qua trạng thái như “mộng hồ điệp” (夢 胡 蝶), chỉ chánh niệm trọn vẹn vui xuân trong thực tại hiện tiền. Như Đức Phật dạy trong Kinh Phật Tự Thuyết, “trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri. Do vậy, này Bāhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau” [11]. Vì vậy, thấy mùa xuân như nó là, an trụ nơi mùa xuân, sống hạnh phúc với sắc xuân là đã sở đắc Niết-bàn diệu tâm [12] của Đức Phật truyền trao cho sơ tổ thiền tông Ca-Diếp. Điều này đã được các nhà Đại thừa cụ thể hóa thành hình ảnh đức Di Lặc, vui đón giao thừa là mừng ngày vía đức Phật tương lai, một biểu tượng cho triết lý “hiện tại lạc trú và hỷ xả tươi vui” đón xuân trong cõi trần gian vô thường.

Tóm lại, xuân đến tết về là dịp để mỗi người con Phật vui tết du xuân, đồng thời cũng thực hành phát tâm hướng thượng, an trụ Phật hạnh, thưởng xuân bố thí, tu tập chuyển hóa và hàng phục tâm. Nhất là nhớ nghĩ, học tập, hành trì pháp vui xuân nơi cửa thiền, để hướng về tâm giải thoát bất động (akuppā-ceto-vimutti). Vì “tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm hạnh này, là lõi cây, là mục tiêu cuối cùng của phạm hạnh” [13]. Để hiện thực hóa và giữ vững mục tiêu giải thoát tối hậu trong hoạt động vui xuân đón tết, chúng ta phải suy nghiệm, học tập triết lý tùy duyên, buông xả, khéo léo và nghệ thuật sống thiền của thiền sư Giác Hải (覺 海, 1024-1138).
“Xuân sang hoa bướm khéo quen thì,
Bướm lượn hoa cười vẫn đúng kỳ.
Nên biết bướm hoa đều huyễn ảo,
Thây hoa mặc bướm để ong chi” [14].

Chú thích:
* Tỳ kheo Thích Đức Quang, Nghiên cứu sinh tại Đại học Colombo, Sri Lanka.
[1] Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh 金剛般若波羅蜜經, Cưu-ma-la-thập dịch 鳩摩羅什譯, (402~412). T08, no. 235, tr.751b2. “一切法皆是佛法.” 金剛般若波羅蜜經, 菩提流支譯, (509~509). T08, no. 236a, tr.755b24. 金剛般若波羅蜜經, 真諦譯 (558~569). T08, no. 237, tr.765a7.
[2] Đại Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh 大般若波羅蜜多經 (卷574), T07, no. 220, tr.966a16-17.
[3] Tỳ-kheo, Nghiên cứu sinh tại Đại học Colombo, Tích Lan.Đại Phương Quảng Phật Hoa nghiêm Kinh 大方廣佛華嚴經 (卷54), 實叉難陀譯 (695~699). T10, no. 279, tr.285a16-17.
[4] Kinh Tương Ưng Bộ, (2013). Thích Minh Châu dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, t.1, tr.652-656. Tham khảo ‘Kinh Thuyết Vô Thường’ trong Kinh Trung A-Hàm, (2008). Tuệ Sỹ dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, t.1, tr.652-656.
[5] 雜阿含經 (卷26), T02, no. 99, tr.184a8-19.
[6] Thiền uyển tập anh, (1715). tr.32b. Nguyên văn: 春來鶯囀百花深, 秋至菊開沒模樣. Phiên Âm: Xuân lai oanh chuyển bách hoa thâm, Thu chí cúc khai một mô dạng. Dịch nghĩa: “xuân sang, oanh hót trăm hoa nở. Thu đến, cúc nở một bóng hình.”
[7] Thiền uyển tập anh, (1715). tr.33a. Nguyên văn: 渟毒萬物, 與物為春. Phiên âm: Đình độc vạn vật, dữ vật vi xuân.  Nghĩa là “nuôi dưỡng vạn vật, cùng vật vui xuân.”
[8] Kinh Trung A-Hàm, (2008). Tuệ Sỹ dịch,  Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, t.1, tr.337-9.
[9] Vô Trước Bồ-tát tạo 無著菩薩造, Đạt-ma-cấp-đa dịch 達磨笈多譯, (605~616). Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh Luận 金剛般若波羅蜜經論, T25, no. 1510b, tr.769a21-26. Vô Trước Bồ-tát tạo 無著菩薩造, Đạt-ma-cấp-đa dịch 達磨笈多譯, (605~616). Kim Cang Bát Nhã Luận 金剛般若論 (卷1), T25, no. 1510a, tr.760a13-17.
[10] Thiền uyển tập anh, (1715). tr.11a. Nguyên văn: 但知今日月, 誰識舊春秋. Phiên âm: Đản tri kim nhật nguyệt, thùy thức cựu xuân thu.
[11] Tham khảo ‘Kinh Phật Tự Thuyết’ trong Kinh Tiểu Bộ, (2015). Thích Minh Châu dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, t.1, tr.115
[12] Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh 大梵天王問佛決疑經》卷1), X01, no. 26, tr.418c20. “涅槃妙心”.
[13] Mahāsāropama-sutta (MN 29), MN I 179. Cūḷasāropamasutta (MN 30), MN I 205. “akuppā cetovimutti—etadatthamidaṁ, brāhmaṇa, brahmacariyaṁ, etaṁ sāraṁ etaṁ pariyosānan”ti.” Tham khảo ‘Đại Kinh Thí Dụ Lõi Cây, Tiểu Kinh Thí Dụ Lõi Cây’ trong Kinh Trung Bộ, (2012). Thích Minh Châu dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, t.1, tr.250, 257.
[14] Ngô Tất Tố dịch thơ, Thiền uyển tập anh, (1715). tr.35b. Nguyên văn: 春來花蝶善知時, 花蝶應須共應期. 花蝶本來皆是幻, 莫須花蝶向心持. Phiên Âm: Xuân lai hoa điệp thiện tri thì, Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ. Hoa điệp bản lai giai thị huyễn, Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì.