Sunita** sinh ra đã là một Candala [1], là người thuộc giai cấp cùng đinh. Thực tế, theo luật định của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ thì ông không được đến trường lớp để học. Sẽ là một xúc phạm nghiêm trọng nếu ông bị bắt gặp khi đang viết hay nói; cho dù chỉ một từ trong kinh Veda [2]. Ông cũng không được phép vào nơi thờ cúng và nếu nghe lén rồi đọc một câu kinh Veda thì lưỡi sẽ bị cắt. Nếu bị bắt gặp khi đang nghe các thầy Bà là môn tụng đọc thì sẽ bị mũi nhọn đâm vào tai.
Ông sinh sống gần thành Rajagaha [3], dành cho những người thuộc giai cấp hạ tiện và mưu sinh bằng nghề dọn dẹp đường phố, cống rãnh, nhà vệ sinh. Những người thuộc giai cấp này phải vứt xác động vật và làm những công việc bẩn thỉu mà không ai có thể làm được; trên thân chỉ mặc những mảnh vải vụn, chỉ che được chỗ kín và không được xã hội cho phép vào giếng nước công cộng. Chạm vào nước dành cho những người thuộc giai cấp cao hơn không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước, mà còn gây ô uế cho những giai cấp cao khi họ dùng nước. Khi những người ở giai cấp cao tiếp xúc bất kỳ người giai cấp hạ tiện nào thì người thuộc giai cấp cao đều phải thực hiện các nghi lễ để tẩy rửa bản thân và người giai cấp thấp sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Ban đêm, Sunita phải đi thu gom phân dơ, chất thải của con người trong hai cái xô lớn, gánh trên vai, rồi mang chúng đến cánh đồng. Chúng ta có thể hình dung ông ấy dơ bẩn đến mức nào và mùi hôi thối toát ra từ từng lỗ chân lông sẽ hôi ra sao. Những con ruồi và các loài côn trùng không chỉ bay quanh hai cái xô mà còn bay khắp cơ thể ông ấy. Tóc tai bù xù đã bạc đi trông thấy và làn da đen như màn đêm. Ông không bao giờ thoát khỏi cái đói khát; từng khúc xương trong thân thể nhô lên trên làn da rám nắng. Ông không có nhà và ngủ bên vệ đường ở bất cứ nơi nào, nhờ vậy mà vào cuối ngày ông được hưởng gió mát tự nhiên giữa tiết trời nóng bức của Ấn Độ.
Vào buổi sáng nọ, Sunita đã đến muộn trong lần thu gom chất thải và khi nhìn ra đường ông trông thấy một vài vị tăng đang đi đến. Vị ấy có một vầng hào quang tỏa sáng bao quanh và sau đó ông liền nhận ra vị ấy thuộc giai cấp cao hơn. Ông biết rằng mình không được phép tiếp xúc bằng mắt với bất kỳ ai ngoài giai cấp của mình và cũng không được để bóng của mình đổ ngang người vị tăng. Ông liền sợ hãi và bắt đầu tìm nơi để ẩn náu. Ông cảm thấy hổ thẹn và không muốn vị tăng nhìn thấy mình, ông sợ bị buộc tội khi nhìn Ngài một cách bất hợp pháp.
Nhưng Sunita nhận thấy gần đó không có lối nào để đi, cũng không có lối nào để nấp, vì vậy ông quay mặt vào tường bên cạnh, đặt cái sào xuống và khoanh tay lại, mặt cúi xuống thấp nhất có thể. Ông hy vọng bằng tất cả tấm lòng của mình, họ sẽ đi qua mà không có sự nhạo báng nào hoặc phàn nàn rằng ông đã làm ô nhiễm bầu không khí mà họ hít thở hoặc con đường mà họ đang đi qua. Ông không thể tin điều đang xảy ra, cảm giác như có người nào đang đứng lại sau mình, rồi ông nghe một âm thanh vọng lại: “Này chàng trai trẻ, con có muốn xuất gia không?”. Bây giờ, trong ông nỗi sợ hãi cùng với niềm vui sướng đan xen lẫn nhau, ông không thể ngẩng đầu lên hay thậm chí trả lời người đang hỏi.
Đức Phật đã dừng lại trước ông ta. Sunita thì thầm: “Thưa Ngài, con là một người ở giai cấp Candala. Con không cho phép mình nói chuyện với Ngài và đứng gần bên Ngài. Con rất biết ơn những lời nói hiền hòa của Ngài. Vì trước đây, chưa từng có ai nói chuyện tử tế với con như thế. Pháp âm của Ngài mang niềm hỷ lạc và ánh sáng từ bi đến với tâm hồn con”. Đức Phật vẫn đứng chờ đợi một cách kiên nhẫn. Sunita đã cảm thấy rất hạnh phúc và lấy hết dũng khí cuối cùng ông cũng có thể thốt ra: “Nếu Ngài đã thấy tỏ nỗi khổ, bất hạnh của hạng người bần cùng thì con sẽ rất vui nếu được đi theo Ngài để trở thành một Sa môn”. Đức Phật liền nói: “Tỳ kheo, hãy đến đây”. Sunita đã chính thức trở thành vị Tỳ kheo.
Sunita đã theo Đức Phật và chư tăng trở về Tịnh xá. Ông được dẫn đến nơi để tắm và cạo bỏ râu tóc. Ngài Ananda [4] là vị thị giả của Đức Phật, đưa tôn giả y mới và chỉ cho tôn giả cách để đắp. Hằng ngày, mọi người trong tu viện đối xử với tôn giả rất tử tế. Không có ngày nào mà Sunita không tôn kính Đức Phật và những huynh đệ của mình với lòng từ bi vô hạn.
Sunita thành tựu rất nhanh chóng trong sự tu tập. Đức Phật đưa một đề mục hành thiền và dạy tôn giả tìm một nơi vắng vẻ ở Tịnh xá để thực hành. Sunita biết ơn tấm lòng của Đức Phật. Tôn giả cảm thấy mình đang nợ Ngài và mọi người trong tăng đoàn nên ông đã nỗ lực hết mình để thấu triệt được chân lý cao nhất. Sau đó, Sunita đã giác ngộ, trở thành một A-la-hán. Điều đó vượt quá giấc mơ xa vời nhất của tôn giả. Trên thực tế, trước khi gặp Đức Phật ông đã không dám có một giấc mơ nào.
Kể từ thời khắc đó, tất cả tầng lớp trong xã hội đã tôn trọng và tôn kính khi tôn giả dạy họ phương pháp tu tập đạt được giác ngộ. Sự thành tựu của tôn giả là minh chứng cho mọi thời đại. Đức Phật cho thế gian thấy ý nghĩa đúng đắn của sự cao thượng; một người cao quý vì những việc thiện họ làm. Câu chuyện của Sunita cũng chứng minh thực tế quy ước của xã hội là vô nghĩa khi nhìn nhận trong ánh sáng của lòng từ bi vô tận và nhãn quan của Đức Phật. Đức Phật dạy rằng nước mắt và dòng máu của mọi người điều giống nhau về màu sắc. Khi sanh ra không ai có giai cấp cao hay thấp. Hành động của họ mới cho thấy được cao sang hay thấp hèn. Như nước trong mỗi dòng sông thì có tên riêng nhưng khi chảy về đại dương thì cũng đều hoà mình vào biển cả. Cũng vậy, khi bất kì người nào gia nhập vào tăng đoàn, thì vị ấy sẽ trở thành thành viên của Tăng đoàn.
Chú thích:
* Bản dịch từ cuốn sách Love in Buddhism tác giả Bhante Walpola Piyananda.
** Sunita: người gánh phân mướn thuộc giai cấp Chiên Đà la.
[1] Candala (skt) – Chiên-đà-la: Giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, dưới cả bốn giai cấp chính thức, gồm những dân chày, tội nhân và những tay mãi võ, vân vân.
[2] Kinh Vệ-đà, hay Phệ-đà (P.Veda) xem như là nguồn gốc của giới Bà La Môn và là suối nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Véda có nghĩa là “tri thức”. Trong kinh có những bản tụng ca để ca ngợi các vị thần, như thần lửa, thần núi, thần sông… Phần lớn ca tụng những vẻ đẹp huy hoàng, tưng bừng và mầu nhiệm của cuộc sống trong vũ trụ.
[3] Rajgir (Hán-Việt: Vương Xá Thành) là một thành phố và là một khu vực quy hoạch (notified area) của quận Nalanda thuộc bang Bihar, Ấn Độ. Thành phố này là kinh đô đầu tiên của vương quốc cổ Magadha. Vào thời kỳ Phật tại thế, nơi đây có tên là Rājagaha, nghĩa là Nơi ngụ của vua. Trong các kinh điển Phật giáo Hán tạng, tên gọi này được chuyển nghĩa thành Vương Xá.
[4] A-nan-đà (P. ānanda), cũng gọi ngắn là A-nan, dịch nghĩa là Khánh Hỉ, sinh 605 – 485 TCN. Theo tài liệu ghi nhận, A-nan sinh năm 605 TCN – là anh em chú bác với Đức Phật vì cha của ông, vua Amitodana, là em vua Suddhodana – tức Tịnh Phạn Vương, thân phụ của Đức Phật. A-nan-đà gia nhập giáo hội hai năm sau ngày thành lập vào lúc 18 tuổi, trở thành thị giả thân cận của Đức Phật.