Về thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng và vấn đề các bản phiên âm Thiền Tịch Phú hiện nay (Dự Khiêm)

DẪN NHẬP
Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Chân Nguyên là một nhân vật lớn, trong đó không thể không nhắc đến các đóng góp của ông về tư tưởng Phật giáo cũng như văn học Phật giáo vô cùng quan trọng. Tuy nhiên đến nay, các công trình lớn nghiên cứu chuyên sau về vị thiền sư này vô cùng ít. Số trong đó có công trình Văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn: Diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác gia tiêu biểu của Nguyễn Công Lý, Nguyễn Công Thanh Dung đã đề cập đến các vấn đề quan trọng về Thiền sư trong diễn trình văn học cổ điển Việt Nam thời Lê Nguyễn. Trước đó, trong công trình Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng xuất bản vào năm 1980, Lê Mạnh Thát đã tiến hành khảo cứu lại văn bản các tác phẩm của vị thiền sư này, ở lần tái bản vào năm 2018, ông còn bổ sung thêm nhiều tư liệu điền dã mới và đính chính lại những thiếu sót trong hai bản cũ. Ngoài ra, Hoà thượng Thích Thanh Từ cũng đã giảng giải tác phẩm Thiền tông bản hạnh vào năm 1998. Hay như trong công trình Việt Nam Phật giáo sử luận của Nguyễn Lang – Thích Nhất Hạnh cũng có đề cập đến ngài.

Với những công trình trên, giúp chúng ta tiếp cận đến các tác phẩm của Chân Nguyên Tuệ Đăng, trước hết là người góp phần phát triển cho hệ thống thống tư tưởng Phật giáo Việt Nam, sau là tiếp cận được các văn bản hiện tồn của ngài. Trong bài viết này, chúng tôi không đưa ra bất kì một luận điểm mới gì để bác bỏ quá khứ, mà xem nó như là một đóng góp nhỏ để độc giả có thể tiếp cận đến tác phẩm của Chân Nguyên Tuệ Đăng một cách xác tín hơn. Từ đó, đưa ra những điểm chúng tôi lưu tâm trong quá trình tìm hiểu tác phẩm “Thiền tịch phú” của Thiền sư Chân Nguyên. Bên dưới đây, trước khi đi vào nội dung chính chúng tôi cũng sẽ điểm sơ qua vài nét về hành trạng của Chân Nguyên Tuệ Đăng.

Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền sư Chân Nguyên là một nhân vật lớn, trong đó không thể không nhắc đến các đóng góp của ông về tư tưởng Phật giáo cũng như văn học Phật giáo vô cùng quan trọng.

CUỘC ĐỜI CỦA CHÂN NGUYÊN TUỆ ĐĂNG
Trong các công trình kể trên đã cập nhật rất nhiều thông tin về hành trạng của ngài Chân Nguyên. Lê Mạnh Thát đã cho chúng ta biết được rằng, việc nghiên cứu về vấn đề này, ít nhất phải thông qua 3 tư liệu là: 1) Văn bia do ngài Như Trừng, một trong những cao đồ của ngài Chân Nguyên viết năm 1727 và vẫn còn tồn tại đến ngày nay ở chùa Quỳnh Lâm (thông tin này, đối với bản in năm 1980 do điều kiện tư liệu còn thiếu sót, nên ở lần tái bản 2018 Lê Mạnh Thát đã tiến hành phủ chính); 2) Văn bản do ngài Như Sơn, cũng là một cao đồ khác của Chân Nguyên viết sau bia của Như Trừng 7 năm trong quyển Ngự chế thiền điển thống yếu kế đăng lục; 3) Văn bản về tiểu sử của Chân Nguyên do Thiền sư Tịch Tịch Mật Nhân Phúc Điền An Thiền viết trong Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục tử Trần chư tổ Lâm tế, Tào động [1].

Từ bản dịch văn bia của Như Trừng viết do Lê Mạnh Thát dịch, chúng ta biết được rằng, Chân Nguyên sinh và năm Đinh Hợi, niên hiệu Bảo Thái thứ 5 [2]. Vì không tiếp cận được văn bản văn bia gốc, nên chúng tôi không rõ Như Trừng có thực sự chép là niên hiệu Bảo Thái hay không, vì rằng niên hiệu Bảo Thái được dùng vào đời Lê Ý Tông, kéo dài từ năm 1720 đến năm 1729, trong khoảng thời gian này thì không hề có năm Đinh Hợi nào xuất hiện, cũng không thể trùng với năm mà Lê Mạnh Thát dẫn là 1647, vì đối chiếu theo sử cứ từ Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì năm Đinh Hợi mà ứng với năm 1647 chỉ có thuộc và niên hiệu Phúc Thái đời vua Lê Chân Tông, cụ thể là năm thứ 5, năm này được Cương mục ghi lại vì có sứ thần của nhà Minh sang nước ta [3]. Đây có lẽ là một nhầm lẫn nào đó, vì khi khảo sát niên biểu của Thiền sư Chân Nguyên do chính Lê Mạnh Thát dẫn lại từ Sắc chỉ Tịch Quang tháp của sa di Như Như Lân Giác (đây là pháp hiệu của Như Trừng lúc còn là sa di) thì ghi là năm Đinh Hợi, Phúc Thái thứ 5, trùng khớp với năm được nhắc đến trong Cương mục. Năm sinh của ngài Chân Nguyên được nhiều nhà nghiên cứu hay các Hoà thượng dẫn lại là 1647 có lẽ cũng chính từ năm Đinh Hợi, Phúc Thái thứ 5 này mà ra.

Ngoài quan điểm này, một nhóm khác cho rằng năm sinh của Chân Nguyên là năm 1646, tức là đối chiếu theo sử liệu thì thuộc vào năm Bính Tuất, năm thứ 4 niên hiệu Phúc Thái, người đưa ra quan điểm này đầu tiên có lẽ Thích Nhất Hạnh trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận [4], quan điểm này cũng được Nguyễn Công Lý đồng tình và dẫn lại trong Văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn: Diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác gia tiêu biểu [5]. Như vậy, ít nhất có hai dòng quan điểm về năm sinh của Chân Nguyên, chúng tôi vì không tìm được chính văn bản nên dẫn lại cả hai quan điểm này. Chúng tôi thiên về quan điểm của Như Trừng Lân Giác hơn, tức là năm Đinh Hợi, Phúc Thái thứ 5, vì chắc chắn một điều rằng ở thời đại này, các vị vẫn chưa có cách tính tuổi theo tây lịch như chúng ta hiện tai.

Về năm sinh tuy có hai dòng ý kiến chênh lệch nhau về mặt thời gian, nhưng năm mất và hành trạng của Chân Nguyên Tuệ Đăng thì lại được hoàn toàn thống nhất bởi các nhà nghiên cứu, chính là năm 1726, ứng với năm thứ 7 niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tông, tròn 80, thông tin này được đề cập đến trong bản văn bia của Như Trừng chép, và người đồng môn của ngài là Như Sơn cũng thống nhất như thế. Cũng cần nói thêm rằng, một quan điểm khác về tuổi thọ của Chân Nguyên là 82 tuổi, điều này được đề cập đến trong bài của Hoà thượng Phúc Điền. Nhưng điều này không đáng tin vì Phúc Điền sinh ra đời sau ngày tịch của Chân Nguyên 58 năm. Đồng thời trong lối viết của mình, Phúc Điền không hề nhắc đến cụ thể năm sinh của ngài, đến như năm tịch của Chân Nguyên thì Phúc Điền cũng chỉ dám ước chừng vào niên hiệu Vĩnh Hữu đời Lê Dụ Tông.

Về năm sinh tuy có hai dòng ý kiến chênh lệch nhau về mặt thời gian, nhưng năm mất và hành trạng của Chân Nguyên Tuệ Đăng thì lại được hoàn toàn thống nhất bởi các nhà nghiên cứu, chính là năm 1726, ứng với nắm thứ 7 niên hiệu Bảo Thái đời Lê Dụ Tông, tròn 80, thông tin này được đề cập đến trong bản văn bia của Như Trừng chép, và người đồng môn của ngài là Như Sơn cũng thống nhất như thế.

Các ấn bản đều cho biết rằng, từ nhỏ Chân Nguyên đã theo học tập ở nơi cậu mình, trong quá trình trưởng thành, do một lần được đọc hành trạng của ngài Huyền Quang mà phát tâm đi tu. Trước là theo học Chân Trụ Tuệ Nguyệt, và được ban pháp danh là Tuệ Đăng. Hầu hết, các công trình của Nguyễn Lang, Hoà thượng Thích Thanh Từ, hay Nguyễn Công Lý đều cho rằng Tuệ Đăng là pháp danh lúc theo học ở Tuệ Nguyệt, chỉ khác ở chỗ là Thích Thanh Từ cho rằng năm 16 tuổi thì Chân Nguyên đã được đọc về hành trạng của Huyền Quang, và đến năm 19 tuổi thì lên núi cầu đạo. Nhưng cứ theo văn bia thứ nhất do Lê Mạnh Thát dẫn lại thì lời viết của Như Trừng hoàn toàn khác. Như Trừng viết rằng, khi thầy mình theo học đạo với Chân Trụ Tuệ Nguyệt thì có pháp danh là Tuệ Thông, còn tên gọi Tuệ Đăng phải đến năm 46 tuổi, khi Chân Nguyên được vua Hy Tông gọi vào triều, thì vua mới sắc làm “Tuệ Đăng Hoà thượng”, và đến năm 76 tuổi thì được vua Dụ Tông phong là Tăng thống Chánh Giác Hoà thượng [6]. Như vậy, văn bia Như Trừng giúp chúng ta kiểm tra lại các thông tin truyền thống về hành trạng của Chân Nguyên, rằng Tuệ Đăng là phải tên do Hy Tông sắc chứ không phải là tên do Tuệ Nguyệt ban.

Một thông tin quan trọng hơn về pháp danh Chân Nguyên được Nguyễn Lang và Nguyễn Công Lý đề cập. Nguyễn Công Lý đã dẫn ra được rằng về pháp danh này có liên quan đến bài kệ truyền pháp của Minh Hành, chữ Chân trong Chân Nguyên là chữ thứ hai sau chữ Minh trong bài kệ truyền pháp ấy [7], để cho thấy rằng Chân Nguyên là người nối tiếp của Minh Lương, cũng từ đây khi mà một Tuệ Thông thuộc hàng đệ tử của Chân Trú, thì sau khi trở thành cao đồ của Minh Lương, lấy pháp danh Chân Nguyên thì ngài đã xếp vào cùng đời với Chân Trú là thầy trước đó của mình.

Một thông tin khác có thể phân ra là 2 thuyết về hành trạng của Chân Nguyên, là việc ông dòng tông phái nào? Dòng chủ trương thứ nhất được đề cập bởi Nguyễn Lang và được ủng hộ bởi Nguyễn Công Lý rằng Chân Nguyên thuộc dòng thiền Trúc Lâm,… Dòng chủ trương còn lại được dẫn bởi Lê Mạnh Thát từ các văn bản bia viết bởi Như Trừng, hay bài viết trong các của Như Sơn và Tịch Tịch Mật Nhân Phúc Điền An Thiền, cho rằng Chân Nguyên được là tổ kế đăng đời thứ 74, Lê Mạnh Thát chú thêm là dòng Lâm Tế. Nhưng Hoà thượng Thích Thanh Từ trong Thiền tông bản hạnh giảng giải và Thiền sư Việt Nam có ý rằng, Chân Nguyên thuộc đời pháp thứ 36 tông Lâm Tế [8] và là người khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm [9]. Chúng tôi cho rằng đời thứ 74 này được tính theo danh sách của Ngự Chế Thiền Uyển Thống Yếu Kế Ðăng Lục, tức là theo sách này tính cả các tổ Ấn Độ và Trung Hoa. Còn tính theo dòng Lâm Tế thì phải như Hoà thượng Thanh Từ đề cập đến. Nhưng cũng cần phải kiểm tra lại với phần đề cập của Hoà thượng Thanh Từ. Vì rằng, trong quyển Thiền sư Việt Nam, Hoà thượng đã tính Hoà thượng Chuyết Công là đời thứ 34, Chuyết Công chính là thiền sư Chuyết Chuyết, theo thiền sử Trung Hoa thì Chuyết Chuyết là đệ tử của Đà Đà đại sư, thuộc đời thứ 30 [10].

Như vậy tính dần ra thì, Chuyết Chuyết phải là đời thứ 31, Minh Hành và Minh Lương là đời thứ 32, Chân Trú và Chân Nguyên là đời thứ 33. Về việc Chân Nguyên có nhận truyền thừa của thiền phái Trúc Lâm hay không chúng tôi chưa đủ cơ sở để kiểm chứng và nêu ra, vì vậy đành bỏ ngỏ ở đây, chờ cơ hội khác tìm hiểu thấu đáo hơn sẽ nói đến. Các thông tin khác từ việc sau khi Tuệ Nguyệt tịch và Chân Nguyên đến tìm Minh Lương để học đạo thì gần như các học giả đi trước đều thống nhất, nên sẽ không nhắc thêm nữa. Sau đây chúng tôi sẽ đề cập thẳng vào quá trình tìm hiểu tác phẩm “Thiền Tịch phú” của mình.

VỀ “THIỀN TỊCH PHÚ” CỦA THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN
Về lượng tác phẩm của Chân Nguyên cũng có đôi chút khác nhau, Nguyễn Công Lý đề cập 10 tác phẩm của ngài, Hoà thượng Thích Thanh Từ đề cập đến 12 tác phẩm và Lê Mạnh Thát đã đề cập được đến 18 tác phẩm (xem các công trình đã dẫn). Chúng tôi cho rằng đây không phải là do không đồng nhất, mà là quá trình phát hiện ra tư liệu của các nhà nghiên cứu có phát triển thêm theo thời gian. “Thiền Tịch phú” là một trong số các tác phẩm quan trọng của Thiền sư Chân Nguyên, đây là một bài phú Nôm mà theo Thích Thanh Từ đó là nói về con đường tu của ngài cùng cái lặng lẽ của Thiền. Người phiên âm tác phẩm này ra quốc ngữ sớm nhất được đề cập chính là Thiền Phổ, trong tạp chí Đuốc Tuệ năm thứ 2 số thứ 7, với nhan đề là “Những án quốc văn cổ trong Phật học: “Thiền tịch phú’”.

Trong Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng (quyển 2), bài giới thiệu về “Thiền tịch phú” của Lê Mạnh Thát rất chi tiết, ở đây xin được tóm tắt lại, và trong quá trình tìm hiểu cũng xin đối chiếu giữa bản phiên âm của Thiền Phổ và bản phiên âm của Lê Mạnh Thát (bản phiên âm của Hoà thượng Thanh Từ là dùng lại bản này, nên chúng tôi sẽ không đề cập) với bản khắc in được Lê Mạnh Thát đề cập đến trong sách trên. Trước hết, về vấn đề khắc in của “Thiền tịch phú”, chỉ từ Lê Mạnh Thát chúng ta mới rõ rằng bài phú này được khắc in chung vào bản Thiền tông bản hạnh năm 1932, và không thấy xuất hiện trong các bản in Thiền tông bản hạnh trước đó như của Liễu Viên 1745, của Huệ Thân năm 1805. Bài phú này là do chính Thanh Hanh thêm vào bản khắc Thiền tông bản hạnh 1932, tuy nhiên không cho biết nguồn gốc từ đâu mà ông có được nó, đến thời của Thiền Phổ phiên ra quốc ngữ năm 1936 cũng không hề đề cập đến vấn đề này. Ít nhất, qua thông tin mà Lê Mạnh Thát đã khảo cứu thì chúng ta chỉ có thể biết chắc chắn rằng “Thiền tịch phú” phải ra đời sau Thiền tông bản hạnh vì lối viết đã bớt đi lượng từ Hán, khiến câu văn nhẹ nhàng hơn [11].

“Thiền tịch phú” là bài phú theo lối Đường phú, cả thảy 72 câu, theo lối độc vận, theo nhóm vần ạch/ịch/ếch/ệch [12], chúng ta có thể xem lối dùng vận của bài phú này là độc vận /ích/ và có thể thông vận với ách/ịch/ạch/ếch [13]. Nếu áp hệ thống âm vận học tiếng Hán, cụ thể là nhóm vận trong sách Quảng vận vào thì các vận này đều thuộc vào nhóm vận bộ “tích” 昔韻. Tuy nhiên, vì đây là phú Nôm nên nhóm vận này phụ thuộc vào tiếng Việt, vì vậy mà chúng tôi sẽ đi theo hướng luận nhóm vần của Nguyễn Công Lý. Bảng dưới chúng tôi sẽ tiến hành đối chiếu những chỗ phiên âm khác nhau của 2 bản phiên âm so với bản chữ Nôm được Lê Mạnh Thát dẫn, các chỗ khác nhau này sẽ khác về bình diện ngữ nghĩa hoặc phiên âm nhầm, mà không tính đến các đặc tính về ngữ âm vùng miền. Hiển nhiên sẽ gõ lại chữ Nôm đúng theo văn bản khắc và trình bày quan điểm về cách phiên âm của chúng tôi. Có một điều chắc chắn rằng bản phiên âm của Lê Mạnh Thát là dựa vào bản 1932 của Thanh Hanh, tuy nhiên với bản phiên âm của Thiền Phổ thì chúng tôi không rõ là phiên từ bản nào, vì có một số câu, trong bản phiên của Thiền Phổ lại ít chữ hơn của Lê Mạnh Thát. Trong Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng, Lê Mạnh Thát dùng bản của Thiền Phổ để đối chiếu và nhưng cũng không nhắc đến vì sao bản phiên đó lại thiếu sót. Chúng tôi làm công tác đối chiếu, hiển nhiên cần nghi ngờ rằng liệu có tồn tại hai bản khác nhau hay không? Nhưng vì trước nhất là chưa đủ điền kiện để xác thực điều đó; thứ 2 là Lê Mạnh Thát, như đã nói dùng bản phiên của Thiền Phổ để đối sánh, nên chúng tôi sẽ mặc định rằng hai bản phiên này là cùng từ một bản Nôm của Thanh Hanh cho khắc mà có. Và sau đó là tiếp tục công tác là đối chiếu lại hai bản phiên âm này để tìm bản nào có cách phiên khả tín hơn.
Bảng trên đây chúng tôi đã liệt kê phần lớn những điểm khác nhau của hai bản phiên âm, giờ sẽ tiến hành kiểm tra lại tính hợp lý của hai bản phiên âm này so với nguyên văn Nôm. Ở câu “路沛城都。󰅹泥泉石”, chữ này được Thiền Phổ phiên là “nọ” và Lê Mạnh Thát phiên là “lọ”, đây là một chữ Nôm mượn âm Hán đọc chệch đi, âm vốn có là “lộ”, với phụ âm đầu là /l/ thì có thể chuyển sang /n/ theo ngữ âm miền Bắc, tuy nhiên chữ này thường được đọc là “lọ”, trong trường hợp câu trên chúng ta cần phải đọc là “lọ” ý chỉ “chẳng cần/khỏi phải”[14] để đối với “nào”. Cũng có thể nguyên do Thiền Phổ đọc là “nọ” vì ngữ âm miền Bắc, /l/ đọc thành /n/ như đã nói, chúng ta có thể thấy trường hợp Di lặc 彌勒 cũng được Thiền Phổ đọc là Di nặc. Ở đây cho tôi đồng ý với cách phiên âm của Lê Mạnh Thát hơn.

Ở câu, “左阿難大士運裟花爍所韻為”, ta thấy từ 阿難 đã được đọc khác nhau, Thiền Phổ đọc là Át nan còn Lê Mạnh Thát đọc là A – nan. Đây vốn là tên của một vị đệ tử của Đức Phật, âm Phạn là ānanda, được phiên là 阿難陀 đọc theo âm Hán Việt là A – nan – đà, chữ hoàn toàn không có âm đọc là “át” cho nên đây có lẽ là một nhầm lẫn của Thiền Phổ. Trong câu này, từ 韻為 này bản phiên của Thiền Phổ là “vằn vèo”, còn bản của Lê Mạnh Thát phiên là “vân vi”, trước hết hãy nói chữ có âm đọc Hán Việt là “vi” và “vị”, với âm “vi” khi được dùng ký âm cho chữ Nôm thì có thể đọc thành “vi”, “vơi”, “vời”, “ve”, “veo”, “vèo”. Như vậy cả hai bản phiên về mặt ngữ âm đều hợp lý, chúng ta tiếp tục với chữ có âm Hán Việt là “vận”, thường cho âm Nôm là “vần” trong vần điệu, đây cũng là cách đọc cổ của vận, từ âm “vần” này mà có thể đọc trại thành “vằn” trong nghĩa là vằn vèo hay ngoằn ngèo. Một điều hiển nhiên rằng chữ này không thể đọc là “vân” như Lê Mạnh Thát phiên vì rằng chữ “vân” đã có một chữ Hán đồng âm và thường được sử dụng là hoặc , mặc dù “vân vi” vẫn là một từ có nghĩa, dùng để chỉ trò chuyện tỉ tê. Trong câu này, chúng ta có thể đối chiếu với dẫn giải của Nguyễn Quang Hồng trong mục từ “vằn” hoặc “vèo” [15].

Đến vế đối của câu trên là câu “右土地龍神黙𬡢錦𤻼㾿搠㩍”, từ 𤻼㾿 được cả hai bản phiên âm là “lổ lang”, chúng tôi rằng từ này phải phiên là “lổ loang” mới phù hợp nghĩa trong ngữ cảnh. Cả hai chữ chữ đều là chữ Nôm sáng tạo, với chữ 𤻼 được teo theo kết cấu hình thanh, bộ “nạch” cho ý và chữ “lỗ” đọc chỉnh âm thành “lổ”. Còn chữ 㾿 thuộc loại tương quan nghĩa, tức là bộ nạch không cho ý nữa, mà nó biểu thị chữ này đi chung với chữ 𤻼 đứng trước nó, và chữ 郎 “lang” sẽ cho chúng ta đọc chỉnh âm thành “loang”, với “lổ loang” có nghĩa là màu sắc lốm đốm ngoằn ngèo. Ta cũng thấy chính Nguyễn Quang Hồng trong quyển từ điển của mình cũng đã dẫn 2 vế đối này để giải thích [16]. Ngoài ra, ở từ 搠㩍, 2 bản phiên cũng có chổ khác nhau, với bản của Thiền Phổ phiên là “sộc lệch” và Lê Mạnh Thát phiên là “xốc xếch”, như vậy vấn đề nằm ở chổ chữ thứ hai , trong các nghiên cứu về nghĩa âm ở thế kỉ XVII như của Maashaki, Hoàng Thị Ngọ, Nguyễn Đại Cồ Việt thì phụ âm /l/ được dùng để ký âm cho các trường hợp chữ có phụ âm là /s/, ví dụ như chữ “lộng” thường được dùng để cho âm cho các chữ 𤯩 sống, sồng, 𠸙 sóng,… hay chữ 龍/竜 “long” thường cho âm cho các chữ sông, sóng,… Nhưng ngược lại cách chữ Hán có phụ âm đầu là /s/ lại không hề được dùng để ký âm cho các chữ có phụ âm đầu là /l/. Cho nên, âm đọc “sộc lệch” có thể không phù hợp về mặc ngữ âm. Với phiên âm của Lê Mạnh Thát thì lại phù hợp về ngữ âm, tuy nhiên về nghĩa nghĩa thì chưa rõ. Nguyễn Quang Hồng có giảng 1 từ là “xóc xách” với nghĩa là “vẻ xúng xính, xênh xang” và dẫn chính câu này ra làm bằng chứng. Như vậy, ở đây “sặc sỡ vằn vèo” sẽ đối với “lổ loang xóc xách” là hợp lý nhất.

Trong câu kế tiếp “庵蜍祖󱨨拉楛菻”, chỗ khác nhau giữa hai bản phiên là từ 楛菻, với Thiền Phổ phiên âm là “gỗ lim”, còn Lê Mạnh Thát phiên là “gỗ dăm” với giải nghĩa là tên của một loại gỗ xấu, sần sùi. Chúng tôi không rõ giải nghĩa này của Lê Mạnh Thát là từ đâu, vì rằng khi kiểm tra 2 từ điển là Việt Nam Tự Điển (Hội Khai Trí Tiến Đức) và Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của đều không thấy nghĩa này, chỉ thấy Việt Nam Tự Điển có nhắc đến một nghĩa chỉ loại gỗ mỏng dùng để chèn cho chặt [16]. Phải chăng Lê Mạnh Thát đã đưa một từ phương ngữ nào đó để tỏ ý rằng ngôi am tự này đơn sơ chỉ được xây bằng những chất liệu thô kệch. Về từ này, chúng ta thấy chữ là một chữ Nôm sáng tạo theo kết cấu hình thanh, bộ “thảo” cho ý và chữ “lâm” đọc chỉnh âm thành “lim”, dùng để chỉ một loại quý rắn chắc. Thiết nghĩ, phiên âm như thế này vừa phù hợp về ngữ âm, cũng không sai về mặt ngữ nghĩa. Nên chúng tôi đồng ý với cách phiên âm của Thiền Phổ.

Kế đến, trong câu “󰋇幅𢩫𫳘篆墨耒”, từ 墨耒 này có sự khác biệt về cách phiên âm ở 2 bản, Thiền Phổ phiên là “mực dồi”, còn Lê Mạnh Thát phiên là “mặc rơi” và đưa ra luận điểm là chữ này có thể phiên là “mực lơi”, nhưng sau đó liền phủ định là không thoả đáng nên chọn phiên là “mặc rơi” [18]. Chữ “mặc” có thể dùng để ký âm cho cả “mặc” và “mực” trong chữ Nôm. Tuy nhiên, khi phiên là “mặc” thì thường dùng với nghĩa là mặc cả. Trong khi đó, về ngữ âm Nôm thì chữ “lỗi” này chưa bao giờ dùng để ký âm cho những chữ có vần /ơi/, mà khi ký âm cho những chữ ấy thường sẽ dùng các chữ Hán với âm Hán Việt có vần /ai/ như chữ . Nên chúng tôi cho rằng, suy luận của Lê Mạnh Thát là chưa đủ thuyết phục. Còn với cách phiên của Thiền Phổ có phần hợp lý hơn vì, phụ âm /l/ vì có liên quan về mặt ngữ âm nên có thể đọc thành /r/, /d/, /gi/ với ngữ âm miền Bắc, cho nên cách phiên thành “mực dồi” [19] là hợp lý hơn. Ở trường hợp này chúng ta có thể hiểu theo hai cách, “mực dồi” có thể hiểu theo nghĩa của từ “mực giồi” với “giồi” là bôi trát tô điểm [20], tức là mấy bức tranh dùng chữ triện để điểm tô. Hoặc có thể phiên là “mực ròi” với “mực” hiểu là để chỉ mức độ tột cùng, và “ròi” để chỉ rõ ràng, ý có thể hiểu là mấy bức tranh bằng chữ triện rất rõ ràng. Tuy nhiên, chúng tôi thiên về đề xuất thứ nhất hơn với phiên là “mực giồi”, như vậy sẽ rõ nghĩa và phù hợp về mặt ngữ âm hơn cả.

Câu kế tiếp, “閣𢌌清鐘迻𢽼蛰” chỗ khác nhau giữa hai bản là cách phiên chữ 𢽼, bản phiên âm của Thiền Phổ phiên là “ba”, còn Lê Mạnh Thát phiên là “vài”. Chỗ này, chúng tôi cho rằng ở cách phiên của Thiền Phổ là ở thành phần cho âm là chữ “ba”, cho âm đọc là “ba”. Tuy nhiên chữ này còn thành phần cho ý, là chữ 𢼂 sổ, dùng để chỉ cho vài, và phụ âm đầu /b/ xét về mối quan hệ ngữ âm thì có thể chuyển cho /v/, bên “ba” cho âm đọc là “vài” là hoàn toàn hợp lý. Ngược lại chữ “ba” cho âm “ba” thường đứng một mình, hoặc kết hợp với chữ cho ý.

Ở câu sau “樓髙捽𪔠戞󰋇回”, có điểm khác ở hai bản phiên âm là 髙捽, từ này ở bản phiên của Thiền Phổ là “cao vót”, còn bản của Lê Mạnh Thát phiên là “cao chót”, chữ này dùng để ký âm cho nhiều âm Nôm, như: chót, tót, vót, chuốt, trút,… “chót vót” vốn là từ dùng để mô tả cho độ cao, thường thì chữ “vót” trong từ chót vót, sẽ dùng bộ để cho ý. Chữ vót dùng bộ cho ý thường mang nghĩa động từ hơn, tức là để chỉ hành động chuốt vót một cái gì đó. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Thiền Phổ phiên sai, vì trong cấu tạo của chữ Nôm, có một loại là mượn một chữ Nôm có sẵn đọc đúng âm để chỉ một nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa của chữ Nôm có sẵn. Trong câu này, điểm khác biệt lớn mà chúng tôi muốn đề cập đến đó là chữ , vốn trong văn bản khắc chữ này khá nhoè, nhưng tự hình vẫn có thể nhìn ra là “kiết”, có nghĩa là “gõ/đánh khẽ”, tức là muốn nói trống đánh nhẹ mấy hồi, đối với “chuông đưa vài chặp”. Có lẽ, Thiền Phổ đã nhìn nhầm thành chữ “điểm” này nên đọc thành “điểm” với nghĩa là “chấm/đếm”, và Lê Mạnh Thát đã nhìn nhầm thành chữ “duệ” này nên mới đọc thành “dậy” với nghĩa là nổi lên.

Câu “欺姚澿洙灆, 𩛷羮矼𤁕釋”, ở từ 姚澿 cả hai bản phiên âm đều có lối phiên khác nhau. Bản Thiền Phổ phiên là “diêu khắm”, bản của Lê Mạnh Thát phiên là “dưa giấm”. Chữ “diêu” với phụ âm đầu /d/ với hệ thống ngữ âm miền Bắc sẽ có liên hệ với âm /r/, cho nên ở đây “diêu” sẽ là cách đọc theo âm miền Bắc của “riêu”, chỉ món canh có vị chua [21]. Vần /iêu/ lại khó có thể nào chuyển cho nhóm vần /ưa/ nên bản phiên âm của Lê Mạnh Thát có thể không hợp lý về mặt ngữ âm trong trường hợp này. Nhưng ở chữ thứ hai trong cụm từ là 澿, thì cách phiên của Lê Mạnh Thát lại hợp lý hơn về mặt ngữ nghĩa, mặc dù biết rằng /k/ /g/ /kh/ trong tiếng việt có mối quan hệ về mặt ngữ âm, nhưng từ “khắm” lại mang nghĩa chỉ một món đồ gì có mùi hôi thối. Bên trên tuy cách phiên của Lê Mạnh Thát không hợp lý về mặt ngữ âm, tuy nhiên lại có phần nào đó tương thích về mặt nghĩa, với đều xuất phiên là “riêu” như ở Nguyễn Quang Hồng, giúp chúng tôi sáng tỏ hơn về từ này, “riêu giấm” là chỉ món canh nấu có vị chua. Trong câu này chúng tôi còn thấy 1 chỗ mà hai bản phiên không hợp lý là chữ với phiên âm là “suông”, có thể ý muốn nói là món canh nhạt nhẽo không có vị gì cả, xét về mặt ngữ âm, trong âm Hán Việt chữ này vốn có hai âm đọc, là “cang” và “xang”, nhưng không âm nào có thể cho âm đọc liên hệ về mặt ngữ âm với “suông”, vì vần /ang/ có độ mở lớn, còn /uông/ là một vần có tính chất tròn môi. Nguyễn Quang Hồng dẫn câu này và phiên là “cong”, thuộc loại chữ Nôm sáng tạo theo kết cấu hình thanh, với bộ “thạch” cho ý, và chữ “công” sẽ cho được âm đọc là “cong”, dùng để chỉ đồ đựng bằng sành sứ, có miệng rộng [22]. Như vậy “canh cong” có thể là dùng để chỉ cho món canh đựng trong đồ bằng sành xứ, đạm bạc. Chúng tôi thiên về cách chú âm này hơn là cách của Thiền Phổ và Lê Mạnh Thát, với “khi riêu giấm” sẽ đối với “bữa canh cong”.

Ở câu “帽𧜖縐染墨顛屎”, Lê Mạnh Thát cho thấy sự bất cập của mình trong việc phiên âm Nôm khi chữ , dù cho cả 2 câu đều dùng một nghĩa. Ta thấy ở đoạn trước ông đã phiên là “mặc” nhưng ở đoạn này lại lựa chọn phiên là “mực”, ta thấy bản của Thiền Phổ đã thống nhất về cách phiên của chữ này trong cả bài “Thiền tịch phú”, đều phiên là “mực”. Ngoài ra, một điểm khác biệt ở hai bản phiên âm nữa là chữ 𧜖 trong cụm 帽𧜖縐, chữ này Thiền Phổ phiên là “chăn” còn Lê Mạnh Thát phiên là “viền”, đây là một chữ Nôm sáng tạo với kết cấu hình thanh, bộ “y” cho ý và chữ “chân” cho âm, về quan hệ ngữ âm thì phụ âm mặt lưỡi /ch/ hoàn toàn không có liên kết gì với phụ âm môi /v/ cả cho nên cách phiên của Lê Mạnh Thát hoàn toàn không hợp lý. Chữ này chúng ta phải đọc với âm là “chăn” với nghĩa là chăn mền, cũng tức là cách phiên âm của Thiền Phổ.

Ở câu “𨄹𣷭釋󱘣󱘤𣳢𤃝”, trong câu này cả hai bản có sự khác biệt ở cách phiên âm cụm từ 󱘣󱘤, Thiền Phổ phiên âm là “chui luồn”, Lê Mạnh Thát phiên là “luồn tuôn”, về mặt ngữ âm thì cách phiên của Lê Mạnh Thác có phần hợp lý hơn. Tuy nhiên chúng tôi không đồng ý với cả hai cách phiên âm trên, đây là 2 chữ Nôm sáng tạo, chữ thứ nhất theo kết cấu hình thanh với bộ 𧾷 “túc” cho ý và chữ “luân” cho âm, thông thường để cho âm đọc là “luồn” như cách phiên của Lê Mạnh Thát thì chữ sẽ có bộ phận là chữ “lôn” cho âm, có thể kết hợp cùng với các bộ phận cho ý như bộ 𧾷, 辶 , hoặc bộ . Kết cấu [𧾷+ 倫] này sẽ cho chúng ta được âm đọc là “lon” trong lon ton. Vì vậy, với chữ sau là một chữ Nôm sáng tạo theo dạng tương quan nghĩa với chữ “lon” cho nên sẽ sử dụng lại bộ 𧾷 “túc” cộng thêm thành phần cho âm là chữ “tôn” cho ta được âm đọc là “ton”, với “lon ton” là từ chỉ hành động bước đi nhanh nhẹn.

Ở hai vế tiếp theo này, chính là việc chúng tôi đã đề cập bên trên về vấn đề liệu Thiền Phổ có sử dụng một bản nào khác để phiên âm “Thiền tịch phú” hay chăng? Vì trong 2 vế “釋迦佛祖能見性。𡎢雪山枯肯𤷍癯。彌勒僊光𪽝無心𠫾雲水待陀服[劇]”, ở bản của Thiền Phổ phiên đã khuyết mất 6 chữ, so với bản chữ Nôm và bản phiên của Lê Mạnh Thát. Thiền Phổ phiên: “Thích ca Phật tổ ngồi Tuyết sơn khô khẳng gầy gùa; Di nặc Tiên quang đi vân thuỷ đẫy đà phục phịch”. Còn bản phiên của Lê Mạnh Thát vì phiên theo bản Nôm này nên bổ sung vào 6 chữ so với bản Thiền Phổ đó là 能見性 “năng kiến tánh” và 𪽝無心 “bởi vô tâm”. Đây là 2 giáo lí quan trong của nhà Thiền, cho thấy sự nhận chân về cái như như của thiền sư Chân Nguyên. Ngoài ra trong bản này chúng tôi còn ngờ vực ở một chữ, theo đó chữ bị ngờ vực này được chúng tôi đặc trong dấu [], với 2 bản phiên đều thống nhất là “đẫy đà phục phịch”, nhưng theo chúng tôi quan sát về mặt văn bản thì dường như chữ cuối không phải là chữ “phịch”, mà xuất hiện một bộ “đao” rất rõ, chúng tôi đoán rằng, đây là chữ “kịch” .Nhưng xét về cách dùng văn, thì lối nói “phục kịch” lại không  có nghĩa rõ ràng, chỉ có thể là “phục phịch” hay “cục kịch” mới là lối nói quen thuộc. Xét về nghĩa thì chữ “kịch” cũng dùng để chỉ thân hình nặng nề, thô kệch. Vì vấn đề này chưa rõ, cần qua trình tìm hiểu thêm các văn bản khác, nên sẽ tạm đặt ở đây và tuân theo cách phiên của những vị tiền bối.

Câu khác biệt cuối cùng là “䀡朱別頭𧍏𦖱螠”, trong cụm 頭𧍏𦖱螠 Lê Mạnh Thát cho rằng nên phiên là “đầu sò tai ếch” dù có nhắc rằng lối phiên của Thiền Phổ vẫn có nghĩa và đúng về mặt ngữ âm. Trong bản Nôm chữ 𧍏 chữ này không thể nào phiên là “sò” được vì phần cho âm là chữ “cô” có phụ âm đầu gốc lưỡi là /k/ không hề liên quan với phụ âm đầu đầu lưỡi như /s/. Nên chỉ có thể đọc là “cua” như cách phiên của Thiền Phổ.

Và qua quá trình khảo sát cùng đối chiếu văn bản chúng tôi thấy rằng lối phiên âm của 2 bản cũng có nhiều điểm khác nhau như đã dẫn chứng, qua việc khảo sát này chúng tôi cũng xin đưa ra một bản phiên âm riêng cho mình để qua đó dẫn vào phần tìm hiểu cấu trúc nội tại của văn bản “Thiền tịch phú” trong dòng tư tưởng Phật giáo thời Lê – Nguyễn.

Trên đây chúng tôi đã tiến hành tình hiểu về mặt phiên âm văn bản Nôm của “Thiền tịch phú” ra quốc ngữ, được phiên âm bởi hai vị trí thức lớn vào 2 thời điểm hoàn toàn khác nhau, dựa trên bản khắc in “Thiền tịch phú” được Thanh Hanh thêm vào sách Thiền tông bản hạnh, vào năm 1932. Và qua quá trình khảo sát cùng đối chiếu văn bản chúng tôi thấy rằng lối phiên âm của 2 bản cũng có nhiều điểm khác nhau như đã dẫn chứng, qua việc khảo sát này chúng tôi cũng xin đưa ra một bản phiên âm riêng cho mình để qua đó dẫn vào phần tìm hiểu cấu trúc nội tại của văn bản “Thiền tịch phú” trong dòng tư tưởng Phật giáo thời Lê – Nguyễn.
Nguyên văn bản khắc Nôm.
Phiên âm của người viết
𢝙𫢼修道釋。
𢝙𫢼修道釋。
路沛城都。
󰅹泥泉石。
油𡎢尼景致名藍。
或於准厨㕓古跡。
兠拱𣳔福徳莊嚴。
低拱夲修功禪寂。
𠠩案前等經𠀧幅。素坎瑪瑙𤥭璖。
𨕭上殿聖像󰋇座𦘧鐄珊瑚琥珀。
神八部金剛𥪸执。鎮扶𤤰埃𧡊庄驚。
像三身寳相𡎢排。擁護主𡎝󰅹敢敵。
左阿難大士運裟花爍所韻為。
右土地龍神黙𬡢錦𤻼㾿搠㩍。
庵蜍祖󱨨拉楛菻。
茄住僧壁𪿙牆坧。
󰋇幅𢩫𫳘篆墨耒。
𦊚邉繞枸欄朔策。
閣𢌌清。鐘迻𢽼蟄。念南無弭㗂󱊚󱊚。
樓髙捽。𪔠戞󰋇回。讀神注摳桑格格。
幡幢幡染鐄爉,𣅶𩙌迻法派眼如。
𢂎󰮝䏾様顛辰,欺蛰𨷑入儒時釋。
師君子穊竹梧桐。
弟丈夫𢲣椿柏。
𤾓式花都𦬑掑軒。
𬙞種寶質菭技額。
嗷𠯪味麝蘭。
𦹳秋香沉白。
仕蒸𫢩。
慕道修行。
捨塘經歴。
志篤𢧚佛祖超昇。
𢚸願度眾生沉溺。
𣈘冬長。欺密念󰈱㗂鐘聖脫令京。
𣈜夏節。𣅶誦經󱣐槌楳寬𣭻歴劇。
㐱𡮶沒皮道徳。𠰘庄嫌咹𡂱咹咳。
本腰𠄩𫳘慈悲身󰅹𬋩黙袊黙襀。
欺姚澿洙灆。
𩛷羮矼溂釋。
帽𧜖縐染墨顛屎。
裙𬡢𧙛𣘽𣙩𡳵󱤪。
貪財愛色。庄包恾態俗憍訛。
求道捨身本𡨺涅茄禪局劇。
繓底鄧經渚冊。繓󰅹用𫃚改[犭+夢]𧏵。
𨆡𠫾㐌𡏧隔塵。𨆡庄𡮶䏧艚含螠。
梞娘𢶢𠫾容淡雪。梞庄求曲考窮撟。
瓢底鄧渚渃甘露。瓢路沛𣏺堯呆逆。
掛䈬椥扲󱖧竹。󰅹固嫌難詰𫰅提。
𡎢󱬓落𢭸床雙。拱庄𬋩戞摼疎釋。
𨔈棱儒蹥𨇒𤂬溪。
𨄹𣷭釋󱘣󱘤𣳢𤃝。
茶八徳産陀流捋。庄沛𢗼檜𤍇其扲。
𩛄三乘本㐌渚滇。那㮧固𢟹勃抌時󱩷。
果菩提咹𠮾嚓。𨷈刧恒𩛂。
花優鉢嚊𦹳萩。𠦳𠁀𫽄易。
𨖅西方陛玉󱷏𨔈。
𧗱東土座鐄𡎢擲。
𤿤慈悲清清𢌌待。黙飭𨔾𠊛。
船般若瀋瀋包羅。油𢚸度客。
仕蒸𫢩。
𡅳𠎬大乘。
保類小
󰡊特趿明師道徳。沒番連別。󰅹兮之𫳘義尋隊。
福吏𧡊知識伴𫅜。󰋇祝𦓡𢧚。路羅沛文章呆額。
釋迦佛祖能見性。𡎢雪山枯肯𤷍癯。
彌勒僊光𪽝無心。𠫾雲水待陀服劇。
徳惠能八月舂坊。
祖達麼九年靣碧。
神光断臂。𣅶群迷𩈘𧁷󱡗󱡗。
迦葉眼童。脫祝悟𠰘唭劇劇。
油𠊛决𢚸學道。𠳨朱𫨩𧤁兔󰋃蟵。
或仉篤志真修。䀡朱別頭𧍏𦖱螠。
𡅳𠊛於𠁀亭扒斫事𠁀。󱈘𫥨空𡢐吏𧗱空。女隴功擬惜寬寬。
保仉固志沛蹺隊聖志。因㐌𤍊果強添𤍊。耒得意唭𥢆激激。
Vui thay tu đạo Thích!
Vui thay tu đạo Thích!
Lọ phải thành đô,
Nào nề tuyền thạch.
Dù ngồi nơi cảnh trí danh lam,
Hoặc ở chốn chùa chiền cổ tích.
Đâu cũng dòng phúc đức trang nghiêm,
Đây cũng vốn tu công thiền tịch.
Trước án tiền đẳng kinh ba bức, tố khảm mã não, xà cừ;
Trên thượng điện thánh tượng mấy tòa, vẽ vàng san hô, hổ phách;
Thần Bát bộ Kim Cương đứng chấp, trấn phò vua ai thấy chẳng kinh;
Tượng tam thân bảo tướng ngồi bày, ủng hộ chúa cõi nào dám địch.
Tả A Nan đại sĩ, vận sa hoa sặc sỡ vằn vèo.
Hữu Thổ địa Long Thần, mặc áo gấm lổ loang xóc xách.
Am thờ Tổ ngói lợp gỗ lim,
Nhà trú tăng vách vôi tường gạch.
Mấy bức kẻ chữ triện mực giồi.
Bốn bên nhiễu câu lan sóc sách.
Gác rộng thênh chuông đưa vài chập, niệm Nam Mô nhẹ tiếng boong boong;
Lầu cao chót trống kiết mấy hồi, đọc thần chú khua tang cách cách.
Phướn tràng phan nhuộm vàng khè, lúc gió đưa phấp phới nhởn nhơ;
Dù bong bóng dáng đen sì, khi sấp mở nhấp nhô xì xịch.
Sư quân tử cấy trúc ngô đồng,
Đệ trượng phu trồng thông tùng bách.
Trăm thức hoa đua nở kề hiên,
Bảy giống báu chất đầy kẻ ngạch.
Ngào ngạt mùi xạ lan,
Thơm tho hương trầm bạch.
Sãi chưng nay
Mộ đạo tu hành,
Xả đường kinh lịch.
Chí dốc nên Phật Tổ siêu thăng,
Lòng nguyện độ chúng sanh trầm nịch.
Đêm đông trường, khi mật niệm, gióng tiếng chuông thánh thót leng keng;
Ngày hạ tiết, lúc tụng kinh, giật dùi mõ khoan mau lạch cạch.
Chỉn chuộng một bề đạo đức, miệng chẳng hiềm ăn đắng ăn cay;
Vốn yêu hai chữ từ bi, thân nào quản mặc lành mặc rách.
Khi riêu giấm chua lòm,
Bữa canh cong nhạt thếch.
Mũ chăn sô nhuộm mực đen sì,
Quần áo vá nâu sòng cũ rích.
Tham tài ái sắc, chẳng bao màng thói tục kiêu ngoa;
Cầu đạo xả thân, vốn giữ nết nhà thiền cục kịch.
Túi để đựng kinh chứa sách, túi nào dùng vóc cải móng rồng;
Dép đi đỡ bụi cách trần, dép chẳng chuộng da tàu hàm ếch.
Gậy nương chống đi dong dặm tuyết, gậy chẳng cầu khúc khuỷu còng quèo;
Bầu để đựng chứa nước cam lồ, bầu lọ phải khỏng khiu ngốc nghếch.
Quảy bồ tre cầm quạt trúc, nào có hiềm nan cật to đề;
Ngồi chiếu lát tựa giường song, cũng chẳng quản giát ken thưa thếch.
Chơi rừng Nho len lối suối khe,
Dạo bể Thích lon ton ngòi lạch.
Trà bát đức sẵn đà lưu loát, chẳng phải lo củi nấu kỳ cầm;
Bánh tam thừa vốn đã chứa chan, nào có nhọc bột đâm thì thịch.
Quả bồ đề ăn ngọt sớt, muôn kiếp hằng no;
Hoa ưu bát ngửi thơm tho, ngàn đời chẳng dịch.
Sang Tây phương bệ ngọc đứng chơi,
Về Đông độ tòa vàng ngồi trịch.
Bè từ bi thênh thênh rộng rãi, mặc sức chở người;
Thuyền bát nhã thăm thẳm bao la, dầu lòng độ khách.
Sãi chưng nay
Khuyên đấng đại thừa,
Bảo loài tiểu chích.
May được gặp minh sư đạo đức, một phen liền biết, nào hề chi chữ nghĩa tìm đòi;
Phúc lại thấy trí thức bạn lành, mấy chốc mà nên, lọ là phải văn chương ngóc ngách.
Thích Ca Phật Tổ năng kiến tánh, ngồi Tuyết sơn khô khẳng gầy gò;
Di Lặc Tiên Quang bởi vô tâm, đi vân thủy đẫy đà phục kịch.
Đức Huệ Năng bát nguyệt thung phường,
Tổ Đạt Ma cửu niên diện bích.
Thần Quang đoạn tý, lúc còn mê mặt khó đăm đăm;
Ca Diếp nhãn đồng, thoát chốc ngộ miệng cười hệch hệch.
Dầu người quyết lòng học đạo, hỏi cho hay sừng thỏ lông rùa;
Hoặc kẻ dốc chí chân tu, xem cho biết đầu sò tai ếch.
Khuyên người ở đời đừng bắt chước sự đời, trước ra không sau lại về không, nữa luống công nghĩ tiếc khuâng khuâng;
Bảo kẻ có chí phải theo đòi thánh chí, nhân đà tỏ quả càng thêm tỏ, rồi đắc ý cười riêng khích khích.

Như vậy trên đây chúng tôi đã trình bày lại bản phiên âm của mình từ bảng văn khắc Nôm “Thiền tịch phú” năm 1932. Từ bảng phiên âm này chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm về bài phù này của Chân Nguyên trong dòng chảy văn học cổ điển Việt Nam.

Tạm kết
Bên trên chúng tôi đã trình bày lại quá trình tìm hiểu “Thiền tịch phú” của bản thân, vì trước đây đã có những công trình quan trọng đề cập đến hành trạng, tác phẩm của Chân Nguyên cho nên, thay vì chúng tôi, kẻ hậu học nhắc lại những gì mà người đi trước đã thực hiện kĩ càng, thì ở đây chúng tôi muốn đối chiếu lại các thông tin từ các nguồn để hy vọng có thể đưa ra được một sự thống nhất về hành trạng của ngài. Kế đến, quá trình tìm hiểu về “Thiền tịch phú” của chúng tôi nhấn mạnh và sự tìm hiểu các văn bản phiên âm từ bản khắc Nôm năm 1932 trong bản in Thiền Tông bản hạnh do Thanh Hanh bổ sung vào. Từ sự đối chiếu hai bản phiên âm chính là Thiền Phổ và Lê Mạnh Thát, cùng cơ sở âm vận học Hán Nôm, chúng tôi đưa ra những cách kiển giải về việc chú âm của cả hai bản. Đồng thời, sau khi đối chiếu, chúng tôi tiến hành đưa ra bản phiên âm của riêng chúng tôi, cùng bản đánh máy lại nguyên văn Nôm, hy vọng có thể góp một phần công sức cho việc dẫn trích của các nghiên cứu sâu hơn ở sau này cho các học giả.

Chú thích:
[1] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng (Tập 1), Nxb. Hồng Đức, tr.9-10
[2] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr.11
[3] Phan Thanh Giản (chủ biên), Viện sử học (dịch) (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, tr.679.
[4] Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học, tr.405.
[5] Nguyễn Công Lý (chủ biên), Nguyễn Công Thanh Dung (2022), Văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn: Diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác gia tiêu biểu, Nxb. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, tr.314.
[6] Lê Mạnh Thát, Sđd, tr.12
[7] Nguyễn Công Lý, Nguyễn Công Thanh Dung, Sđd, tr.314.
[8] Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, tr.329.
[9] Thích Thanh Từ (1998), Thiền tông bản hạnh, tr.5-6.
[10] Thích Giác Nguyên (2012), Thử tìm hiểu cội nguồn truyền thừa Tông Lâm Tế và bài kệ của Tổ Trí Bản – Đột Không, Quảng Đức.
[11] Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng (Tập 2), Nxb. Hồng Đức, tr.721.
[12] Lê Mạnh Thát, Sđd (Tập 2), tr.721
[13] Nguyễn Công Lý, Nguyễn Công Thanh Dung, Sđd, tr.319.
[14] Nguyễn Quang Hồng (2014), Từ điển chữ Nôm dẫn giải, Nxb. Khoa học Xã hội, tr.991
[15] Nguyễn Quang Hồng, Sđd, tr.2058.
[16] Nguyễn Quang Hồng, Sđd, tr.995.
[17] Hội Khai trí Tiến Đức (1931), Việt Nam từ điển, Trung Bắc Tân Văn, tr.147.
[18] Lê Mạnh Thát, Sđd (Tập 2), tr.726.
[19] Thiền Phổ (1936), Những án quốc văn cổ trong Phật học: “Thiền tịch phú”. Đuốc Tuệ năm 2 số 7, tr.14.
[20] Nguyễn Quang Hồng, Sđd, tr.701.
[21] Nguyễn Quang Hồng, Sđd, tr.1568.
[22] Nguyễn Quang Hồng, Sđd, tr.340.

Tài liệu tham khảo:
1. Hội Khai trí Tiến Đức (1931), Việt Nam từ điển, Trung Bắc Tân Văn.
2. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng (quyển 2), Nxb. Hồng Đức.
3. Lê Mạnh Thát (2018), Toàn tập Chân Nguyên Tuệ Đăng (Tập 1), Nxb. Hồng Đức.
4. Nguyễn Công Lý (chủ biên), Nguyễn Công Thanh Dung (2022), Văn học Phật giáo thời Lê – Nguyễn: Diện mạo – thành tựu – đặc điểm – tác gia tiêu biểu, Nxb. ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
5. Nguyễn Lang (1994), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn học.
6. Nguyễn Quang Hồng (2014), Từ điển chữ Nôm dẫn giải, Nxb. Khoa học Xã hội.
7. Phan Thanh Giản (chủ biên), Viện sử học (dịch) (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục.
8. Thích Giác Nguyên (2012), Thử tìm hiểu cội nguồn truyền thừa Tông Lâm Tế và bài kệ của Tổ Trí Bản – Đột Không, Quảng Đức.
9. Thích Thanh Từ (1999), Thiền sư Việt Nam, bản PDF.
10. Thích Thanh Từ (1998), Thiền tông bản hạnh, bản PDF.
11. Thiền Phổ (1936), Những án quốc văn cổ trong Phật học: “Thiền tịch phú”. Đuốc Tuệ năm 2 số 7.