Lược sử về di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo chùa Yên Mỹ (xã Lê Lợi, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) (ThS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, ThS. Phạm Thanh Lâm)

Cảnh quan chùa Yên Mỹ chụp từ trên cao. Nguồn: Phạm Thanh Lâm.

LỊCH SỬ CỦA YÊN MỸ
Chùa Yên Mỹ có tên chữ là Phúc Khánh tự, tọa lạc tại đội 5, thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ cũ nay là TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, nơi có tọa độ địa lý 21001’37,2” vĩ độ Bắc, 107001’24,1” kinh độ Đông.

Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật tôn giáo cổ kính, tọa lạc trên một gò đất cao, nhìn ra phía trước là hai ngọn núi chầu vào con sông Đồi Mom, đổ ra vịnh Cửa Lục. Chùa quay hướng Nam, hướng của Phật pháp “Thánh nhân nam diện trị ư thiên hạ” (nghĩa là: Thánh nhân quay mặt hướng Nam mà nghe lời tâu bày của thiên hạ), còn ngôi chùa quay mặt hướng Nam nghe lời tâu bày của chúng sinh mà cứu khổ cứu nạn. Theo thuyết phong thủy, ngôi chùa có địa thế phía Bắc tụ thủy, ngoài xa có băng sa triều củng, phía sau có hậu chẩm, bên phải có tả phù, bên trái có hữu bật [1].

Theo những thông tin được ghi chép trong hương ước, thần tích thần sắc của thôn Tân Tiến, trước kia có tên gọi là làng Từ Xá (tên nôm là làng Từa), thuộc tổng Yên Mỹ, châu Hoành Bồ. Ngôi chùa Phúc Khánh vốn là chùa làng Yên Mỹ, được đặt trên đất làng Từ Xá. Trong lịch sử dựng làng, hai làng Yên Mỹ và làng Từa có sự tranh chấp đất đai, làng Yên Mỹ đã huy động dân thôn đóng góp tiền của xây dựng chùa ở giữa thôn Tân Tiến (làng Từa/Từ Xá) và lấy tên là chùa Yên Mỹ.

Tục truyền, chùa xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Đến thời nhà Nguyễn, năm Tự Đức thứ 8, cai phó tổng hương lý dịch cùng với nhà sư trụ trì chùa Yên Mỹ tiến hành sửa lại nhà thờ hậu. Đến năm Thành Thái thứ 16 (Hoàng triều Thành Thái thập lục niên tuế thứ Giáp Thìn tứ thập cách nhật tức ngày 17/4/1904), chùa tiếp tục được tu sửa. Chùa tu bổ một lần nữa vào năm Bảo Đại thứ 6 (Hoàng triều Bảo Đại lục niên nhị nguyệt thập cửu nhật tu tạo tức ngày 19/2/1931). Thời hiện đại, chùa đã tu sửa lại nhiều lần và xây dựng thêm nhiều hạng mục công trình. Nhà thờ tổ xây năm 2003, năm 2006 xây khu vực nhà thờ mẫu, năm 2015 đã xây dựng và mở rộng thêm 1 hecta diện tích để có không gian tổ chức lễ hội cùng giỗ tổ của chùa. Năm 2021, chùa xây dựng Tổ đường.

KIẾN TRÚC NGÔI CHÙA YÊN MỸ
Hiện nay, chùa có kiến trúc gồm chùa chính (tòa Tam bảo), nhà thờ mẫu (bên trái), nhà Tổ (phía đỉnh đồi) và nhà Tứ ân với 3 gian thờ vong, cùng khuôn viên tam quan, hồ sen, nhà sắp lễ, nhà khác, gách chuông, gác trống, bãi đỗ xe kết hợp rất hài hòa. Kiến trúc chùa chính có hình chữ Đinh (丁), tòa tiền đường gồm 3 gian, 2 hồi bít đốc, phía sau có hậu cung gồm 2 gian.

Chùa Yên Mỹ còn được biết đến với những đặc sắc của hệ thống tượng Phật, gồm 25 pho tượng gỗ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn bài trí thờ tự phía bên trong hậu cung. Thứ tự thờ tự bày trí như sau: nhìn từ dưới lên cấp 1 là tôn tượng Thích Ca sơ sinh, phía sau là tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng Tôn giả A Nan và tượng Tôn giả Ca Diếp. Cấp thứ 2 là tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, một tượng Quan Âm Bồ tát và Quan Âm Thị Kính. Cấp thứ 3 là tượng sư Diệu Hương, hai bên là tượng Pháp Hoa Lâm và Đại Thế Chí Bồ tát. Phía sau là tượng Ngọc Hoàng cùng Nam Tào – Bắc Đẩu. Cấp bậc thứ 4 là tượng Tôn giả A Nan, hai bên là tượng Quan Âm Tọa Sơn và Quan Âm Nam Hải. Cấp thứ 5 là 3 pho tượng được bái trí tượng Thích Ca giáo chủ ở giữa hai pho Tôn giả A Nan đặt ở hai bên. Cấp bậc cao nhất thờ 3 tượng Tam thế Phật tượng trưng cho quá khứ, hiện tại và tương lai.

Hiện nay trụ trì chùa là sư thầy Thích Thanh Năng, vị sư trước là thầy Phạm Duy Thụy (tục gọi là sư Trống), quê ở thôn Trà Thượng, xã Xuân Hùng, tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1991, ông qua đời, con cháu cùng dân làng đã xây dựng tháp mộ cho ông. Hiện khuôn viên vườn chùa vẫn còn mộ tháp của ngài, tháp cao 3,5m gồm 3 tầng, có diện tích khoảng 1,4m2. Người dân địa phương vẫn truyền tụng nhau câu chuyện sư Phạm Duy Thụy nuôi dạy cậu bé Hoàng Văn Tốn đói khổ, đến khi trưởng thành rồi sinh cơ lập nghiệp ở trong làng. Sau khi sư Phạm Duy Thụy mất, một thời gian dài chùa không có sư trụ trì, việc coi sóc chăm nom chùa chủ yếu là do người dân địa phương, trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Khánh thuộc thôn Yên Mỹ xã Lê Lợi trông nom và hương khói.

Trong khu vực vườn chùa còn có mộ của sư Diệu Hương, tên thường gọi là sư Điều, tuy nhiên không còn tài liệu ghi chép gì về vị sư này. Trước đây, mộ sư nằm ở cuối vườn chùa, nhưng đã bị đổ nát, sau đó người dân xây lại tháp thờ, ngôi tháp có diện tích khoảng 1,4m2. Có lẽ trong lịch sử xây dựng chùa, đây cũng là vị sư có nhiều công lao khôi phục và chăm sóc, bởi hiện trong hậu cung chùa, cấp thứ 3 có đặt tượng thờ vị sư này. Năm 2001, Đại đức Thích Thanh Năng tên thường gọi là sư Năng, quê ở An Lão (Hải Phòng) gieo duyên về chùa. Năm 2006, sư chính thức nhận quyết định trụ trì chùa và gắn bó tới ngày nay. Sư đã cùng Phật tử, nhân dân địa phương trùng tu, tôn tạo, mở rộng mua thêm đất đai và quy hoạch lại một số công trình của chùa. Tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Quảng Ninh lần thứ V, diễn ra ngày 20/1/2022 ở TP. Hạ Long, Đại đức Thích Thanh Năng tiếp tục được bầu là Ủy viên Thường trực, Phó Chánh Thư ký, Chánh Văn phòng của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.

Hệ thống tượng phật trong Hậu cung chùa Yên Mỹ. Nguồn: Phạm Thanh Lâm.

BI KÝ CỦA CHÙA YÊN MỸ
Trong khuôn viên chùa còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật cổ, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của chùa. Trong đó có 1 bia đá, bia có kích thước 64x39x16cm, tên bia là Hậu Phật thạch bi kí, niên đại Tự Đức thứ 7 (1854) minh văn có ở cả hai mặt. Mặt trước bia có trang trí. Trán bia trang trí hoa văn mặt trời và mây, diềm bia trang trí hoa chanh (liên tiền), minh văn khuôn trong hình chữ nhật dài 36cm, rộng 28cm. Mặt sau bia không trang trí, hai bên hông bia để mộc không mài. Bia đã bị phong hóa mạnh, chữ đã bị mờ đi rất nhiều. Nội dung bia ghi lại công đức của bà Hậu Phật Đồng Thị Điều hiệu Diệu Hương thần vị.

Nội dung văn bia như sau
Mặt trước:
Nguyên văn chữ Hán:
后 亻天 石 碑 記
伏 為 恭 薦 后 亻天 同 氏 稠 號 妙 香 神 位
生 於 戊 午 年 拾 壹 月 日
卒 於 年 月 日

Phiên âm:
Hậu Phật thạch bi ký
Phục vị cung tiến Hậu Phật Đồng Thị Điều hiệu Diệu Hương thần vị
Sinh ư Mậu Ngọ niên thập nhất nguyệt nhật
Tốt ư niên nguyệt nhật.

Dịch nghĩa:
Bia đá thờ Hậu Phật
Thâm vị bà Hậu Phật Đồng Thị Điều hiệu Diệu Hương
Sinh ngày tháng 11 năm Mậu Ngọ
Mất ngày tháng năm.

Mặt sau:
Nguyên văn chữ Hán:
丐 閿 有 啟 必 先 克 昌 欹 後 自 古 金 之 常 理 也 兹 有 書 廣 安 省 山 定 府 橫蒲 縣 安 奕 縂 安 美 社 該 副 縂 鄕 里 役 仝 社 上 下 等 協 與 柱 持 僧 崇 修 寺 宇 財 用 廣 費 有 本 社 人 同 氏 稠 應 出 家 貲 钱刂 戋 文 叁 拾 貫 田 叁 高 在 潭 另 處 以 充 亻天  事 田 流 在 本 寺 耕 作 永 遠 爲 此 仝 社 举 保 為 后 亻天 逮 年 日 忌 本 寺 辨 用 斎 盘 今 有 詞 内 族 照 知 再 有 詞 與 本 社 鄕 里 役 應 辨 糯 米 叁 拾 鉢 糖 五 方 花 菓 亻贾 刂 戋 壹 贯 将 就 本 寺 用 行 儀 礼 以 重 其 道 并 朔 望 各 節 本 寺 亦 有 進 供 先 供 亻天 次 供 后 刻 于 石 碑 以 壽 其 傳 銘 曰
積 善 逢 善
求仁得仁
寓 道 千 器
以 財 业 身
傳 之 香 火
夀 之 貞 石艮
自 今 至 始
新 又 日 新
皇 朝 嗣 德 和刂 (?) 年 肆 月 初 穀 日
仝 社 上 下 共 記

Phiên âm:
Cái văn: Hữu khải tất tiên tiên khắc xương y hậu, tự cổ kim chi thường lý dã Tư hữu thư: Quảng Yên Tỉnh, Sơn Định phủ, Hoành Bồ huyện, Yên Địch tổng, Yên Mỹ xã cai phó tổng hương lý dịch đồng xã thượng hạ đẳng, hiệp dữ trụ trì tăng sùng tu tự vũ. Tài dụng quảng phí hữu bản xã nhân Đồng Thị Điều ứng xuất gia tư tiền văn tam thập quan, điền tam sào, tại Đầm Lánh xứ, dĩ sung Phật sự, Điền lưu tại bản tự canh tác vĩnh viễn. Vị thử đồng xã cử bảo vi hậu Phật, đệ niên nhật kỵ. bản tự biện dụng trai bàn. Kim hữu tự nội tộc chiếu tri, tái hữu từ dữ bản xã hương; lý dịch ứng biện nhu mễ tam thập bát, đường ngũ phương, hoa quả giá tiền nhất quán, tương tựu bản tự dụng hành nghi lễ dĩ trọng kỳ đạo, tịnh sóc vọng các tiết bản tự diệc hữu tiến cúng, tiên cúng Phật thứ cúng hậu. Khắc ư thạch bi dĩ thọ kỳ truyền. Minh viết:
Tích thiện phòng thiện
Cầu nhân đắc nhân
Ngụ đạo thiên khí
Dĩ tài nghiệp thân
Truyền chi hương hỏa
Thọ chi trinh ngân
Tự kim chí thủy
Tân hựu nhật tân
Hoàng triều Tự Đức […] niên tứ nguyệt sơ cốc nhật.
Đồng xã thượng hạ cộng ký.

Dịch nghĩa:
Từng nghe: Có xây dựng thì trước là hưng thịnh, sau để tiếng khen, đó là lẽ thường từ xưa đến nay vậy. Bia ghi rằng: Cai phó tổng hương lý dịch cùng với nhà sư trụ trì chùa xã Yên Mỹ, tổng Yên Dịch, huyện Hoành Bổ, phủ Sơn Định, tỉnh Quảng Yên, tiến hành sửa lại nhà thờ hậu. Bà Đồng Thị Điều là người của bản xã đã ứng xuất tài sản gia đình để làm kinh phí chi dùng cho việc này, gồm có: ba mươi quan tiền, ba sào ruộng ở cánh đồng Đầm Lãnh; ruộng cúng cho nhà chùa vĩnh viễn cày cấy. Vì thế, hàng xã nhất trí thờ bà ở nhà Hậu Phật, ngày giỗ hàng năm nhà chùa sắm cúng cỗ chay. Nay có lời để nội tộc của bà rõ, lại có lời thưa cùng hương lý dịch bản xã, nhà chùa biện lễ gồm: ba mươi bát gạo nếp, năm đấu đường, hoa quả giá tiền một quan làm lễ tại chùa để tỏ lòng trọng đạo, còn các tiết mồng một và ngày rằm cũng có tiến cúng, trước là cúng Phật, sau là cũng Hậu. Khắc bia đá này để lưu truyền lâu dài. Có bài minh rằng:
Tích thiện gặp thiện
Cầu nhân được nhân
Tài sản cúng Phật
Ấy là ấm thân
Truyền mãi hương hỏa
Bền mãi tấm lòng
Từ kim đến cổ
Ngày một mới cùng.
Ngày lành đầu tháng, tháng Tư năm Tự Đức thứ tám. (1855)
Toàn xã trên dưới cùng ký tên [2].

Hậu Phật thạch bi ký tại chùa Yên Mỹ. Nguồn: Phạm Thanh Lâm.

Theo nội dung văn bia, bà Đồng Thị Điều là người dân của làng, có lòng sùng Phật, đã dùng 30 quan tiền, ba sào ruộng cúng cho nhà chùa vĩnh viễn. Sau khi bà mất, dân làng đã theo lệ Hậu Phật và tạc tượng bà đưa vào chùa để thờ. Ngày giỗ của bà ấy sẽ biện lễ như những quy định được khắc trên bia.

Trong khuôn viên chùa còn có các lan can, bậc đá, các chân tảng thời Lê Trung hưng được sử dụng lại, đặc biệt là có tượng sấu đá thời Trần (di chuyển từ chùa làng Từ Xá/Tân Tiến về), các mảnh sành và đồ gốm men thời Trần có niên đại thế kỷ XIII – XIV), khánh đá và rất nhiều ngói mũi sen thời Lê – Nguyễn.

Hàng năm, chùa tổ chức các ngày lễ gắn với lịch sử và lịch Phật giáo, bao gồm các ngày: giỗ Đức Ông, Đức Di Lặc (mùng 1 tháng Giêng), lễ Đức Phật Thích Ca xuất gia (ngày 8 tháng 2 âm lịch), lễ Phật Thích Ca nhập Niết bàn ngày 15 tháng 2 âm lịch, lễ Đức Quan Thế Âm Bồ tát ngày 19 tháng 2, lễ Đức Phổ Hiền Bồ tát ngày 24 tháng 2, giỗ Mẫu (ngày mùng 2 tháng Ba), lễ Phật đản (ngày mùng 8 đến Rằm tháng Tư), lễ Vu lan (tháng Bảy), lễ giỗ Cha (20 tháng tám), lễ vía Phật A Di Đà, lễ Tất niên (25 tháng Chạp).

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Yên Mỹ không chỉ là trung tâm sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng, mà còn là nơi diễn ra các hoạt động gắn với lịch sử đấu tranh của dân tộc, nơi diễn ra các hoạt động cách mạng. Tháng 11/1947, liên tỉnh Quảng Hồng sáp nhập, Hội nghị Đại biểu Đảng bộ Đặc khu Hồng Gai đã họp tại chùa, bầu ra Ban Chấp hành Phân khu A và B, với nhiệm vụ mở rộng cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng, tạo vành đai và làm hậu phương phục vụ cho cuộc kháng chiến. Trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, chùa là nơi sơ tán cũng là nơi diễn ra các lớp học văn hóa của nhân dân.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa nghệ thuật ngày 27/2/1999 theo quyết định số 413/QĐ-UBND, tỉnh Quảng Ninh đã xếp hạng chùa Yên Mỹ là di tích cấp tỉnh, thuộc loại hình di tích văn hóa nghệ thuật. Hiện chùa vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa, phục vụ đời sống tâm linh của đông đảo người dân địa phương cũng như là du khách thập phương.

Chú thích:
[*] Công tác tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội.
[**] Công tác tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
[1] Lý lịch di tích chùa Yên Mỹ, lưu tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.
[2] Bản dịch của Ban Quản lý di tích tỉnh Quảng Ninh nay là phòng Di tích, Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh.

Tài liệu tham khảo:
1. Ban chấp hành Đảng bộ xã Lê Lợi (2012), Lịch sử Đảng bộ xã Lê Lợi giai đoạn 1945-2005, Nxb. Sở thông tin và Truyền thông Quảng Ninh.
2. Lý lịch di tích chùa Yên Mỹ thôn Tân Tiến, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ tỉnh Quảng Ninh, tài liệu lưu trữ tại Bảo tàng Quảng Ninh.
3. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh (2003), Địa chí Quảng Ninh tập 3, Nxb. Thế giới, Hà Nội.