Góp phần tìm hiểu cuộc đời và tư tưởng Thiền biện tâm của Trần Thái Tông (TT.TS. Thích Lệ Quang)

Triết lý thiền của ông thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn và có ý nghĩa hết sức sâu sắc, là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – một thiền phái mang đậm dấu ấn nhập thế sâu sắc, là biểu tượng của Phật giáo dân tộc Việt Nam.

Tóm tắt: Trần Thái Tông (1218 -1277) vị vua đầu tiên khai sáng triều đại nhà Trần. Một vị vua anh minh, tài giỏi, làm tròn trách nhiệm của mình trên cương vị Hoàng đế, lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược; xây dựng nước Đại Việt phát triển rực rỡ, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, Trần Thái Tông còn là một vị Thiền sư lỗi lạc, là cây đuốc sáng của thiền học Việt Nam thời bấy giờ. Học thuyết của Trần Thái Tông nổi bật lên những giá trị thiết thực trong cuộc sống đời thường, có tính giáo dục con người sâu sắc, nó định hướng cho việc tạo lập một xã hội tốt đẹp dựa trên nền tảng đạo đức của Phật giáo, đảm bảo cho xã hội ổn định, phát triển và đoàn kết toàn dân tộc.

Bài viết tập trung: Thứ nhất, tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của Trần Thái Tông; thứ hai, góp phần tìm hiểu về tư tưởng Thiền biện tâm của Trần Thái Tông, giúp cho hành giả có nhiều phương thức lựa chọn trong việc thực hành, tu luyện đạt kết quả tốt.
Từ khóa: Trần Thái Tông, Thiền Tông, Thiền biện tâm.

DẪN NHẬP
Trong tiến trình phát triển của lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung, lịch sử phát triển tư tưởng của Phật giáo Việt Nam nói riêng, một trong những nhà tư tưởng lớn ghi dấu ấn sâu sắc của thời đại Lý – Trần, đó là Trần Thái Tông (1218-1277). Ông không chỉ là một nhà chính trị tài ba, một nhà tư tưởng lớn, một vị vua anh minh, tài đức, mà còn là một nhà Phật học uyên thâm, một vị Thiền sư lỗi lạc của Phật giáo thời Trần. Ông đã để lại cho thế hệ sau một di sản tư tưởng hết sức có giá trị qua các tác phẩm Thiền tông chỉ nam, Khóa hư lục, Lục thì sám hối khoa nghi…, với những nội dung phong phú, sâu sắc, mang đậm chất thiền, tính nhân văn của Phật giáo.

THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP CỦA TRẦN THÁI TÔNG
Trần Thái Tông (陳 太 宗) tức Trần Cảnh [1], người ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường. Ông sinh vào ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần, niên hiệu Kiến Gia năm thứ 8, thời Lý Huệ Tông, là con thứ của quan Nội thị phán thủ Trần Thừa và mẹ ông là Thuận Từ Hoàng hậu Lê thị. Dưới sự sắp xếp của người chú họ tên Trần Thủ Độ, Trần Cảnh lên ngôi vua vào ngày 10 tháng 1 năm 1226, lúc chỉ mới tám tuổi, đánh dấu sự chấm dứt của triều đại nhà Lý (1009-1225), mở đầu triều đại nhà Trần kéo dài và tồn tại hơn 200 năm – một triều đại an thịnh, phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Trần Thái Tông giữ ngôi vua được 32 năm đến ngày 30 tháng 3 năm 1258, thì nhường ngôi lại cho con là Trần Thánh Tông, sau đó lui về cung Thánh Từ làm Thái thượng hoàng, được vua Trần Thánh Tông dâng tôn hiệu Hiển Nghiêu Thánh Thọ Thái Thượng Hoàng Đế (顯堯聖壽太上皇帝). Tuy nhiên ông vẫn hỗ trợ, tham vấn, quyết sách cho Hoàng đế trong việc điều hành đất nước.

Sau khi nhường ngôi vua cho con, Trần Thái Tông đã dựng chùa Phổ Minh tại Thiên Trường (Nam Định) và am Thái Vi tại hành cung Vũ Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình) để tu tập thiền, nghiên cứu, tham vấn kinh sách Phật học; đồng thời viết thêm nhiều sách dạy Phật học, trong đó có các tác phẩm như: Thiền tông chỉ nam, Kim cương Tam muội chú giải, Lục thì sám hối khoa nghi, Khoá hư lục, Bình đẳng lễ sám văn… Tuy nhiên một số tác phẩm đã bị thất lạc, chỉ còn bài tựa Thiền tông chỉ nam, Khóa hư lục, cùng một số bài về tọa thiền luận, niệm Phật luận…

Trần Thái Tông (1218-1277) vị vua đầu tiên khai sáng triều đại nhà Trần. Một vị vua anh minh, tài giỏi, làm tròn trách nhiệm của mình trên cương vị Hoàng đế, lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược; xây dựng nước Đại Việt phát triển rực rỡ, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. (Ảnh: Lăng vua Trần Thái Tông – sưu tầm).

Thượng hoàng Trần Thái Tông qua đời ngày 1 tháng 4 âm lịch (5 tháng 5 dương lịch) năm 1277, tại điện Vạn Thọ (Thăng Long), hưởng thọ 60 tuổi. Vua và triều thần làm lễ an táng Trần Thái Tông tại Chiêu Lăng thuộc phủ Long Hưng (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình ngày nay). Ông được tôn miếu hiệu là Thái Tông太宗, thụy hiệu là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiển Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Vũ Nguyên Hiếu Hoàng Đế (統天御極隆功茂德顯和佑順神文聖武元孝皇帝).

Hơn 30 năm ở cương vị lãnh đạo quốc gia, Trần Thái Tông đã chứng tỏ là một vị vua có nhân cách, đức độ, tài giỏi, bản lĩnh lớn trong việc trị nước, an dân. Trong giai đoạn chuyển giao quyền lực, đất nước trong thời kỳ bất ổn về chính trị, xã hội; đồng thời nhà Trần đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ to lớn và cấp bách của thời đại, đó là: Một là, phải củng cố, xây dựng nước Đại Việt độc lập, tự chủ, thống nhất hùng mạnh; hai là, xây dựng một nền văn hóa Đại Việt phát triển rực rỡ, độc lập, tách khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai, bởi 1.000 năm Bắc thuộc; ba là, phải tập hợp sức mạnh của toàn dân, cố kết lòng dân để đánh giặc Mông Cổ xâm lược nước ta. Trần Thái Tông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một vị Hoàng đế trong việc bảo vệ đất nước, xây dựng, phát triển xã hội Đại Việt từng bước lớn mạnh về các lĩnh vực chính trị – xã hội, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quân sự, pháp luật, tôn giáo… đưa nước Đại Việt lên một tầm cao mới, một dân tộc độc lập, tự chủ và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Những nỗ lực của ông trong việc tái cấu trúc chính trị – xã hội, quân sự, văn hóa, giáo dục… được xem là những đóng góp to lớn, tích cực, góp phần làm nền tảng cho sự phát triển vững mạnh của Đại Việt lúc bấy giờ.

Trần Thái Tông không những là một nhà lãnh đạo quốc gia, một vị Hoàng đế anh minh, sáng suốt, mà còn là một nhà Phật học, một Thiền sư lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn của Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần. Ông đã vận dụng triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo trong việc trị nước, an dân hết sức tài giỏi, sâu sắc, thể hiện bản lãnh của một ông vua đời – đạo lưỡng toàn. Ông được xem là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử về sau. Một trong những đặc điểm nổi bật của Trần Thái Tông, đó là tư tưởng về Thiền biện tâm.

TƯ TƯỞNG VỀ THIỀN BIỆN TÂM CỦA TRẦN THÁI TÔNG
Thiền là tư tưởng cốt lõi của Phật giáo, là một phương pháp tu tập hết sức có hiệu quả cho những người muốn tìm về sự giác ngộ nội tâm, thể nhập vào thực tại hằng hữu của chính mình. Thiền 禪 phiên âm từ cangaāna trong tiếng Phạn; còn gọi là Thiền-na 禪那 trong thuật ngữ Hán – Việt; tiếng Anh là meditation, có nghĩa là tĩnh lự, suy ngẫm, suy tư, trầm tư mặc tưởng. Theo Từ điển Phật học Tuệ Quang “Thiền gọi tắt là Thiền na, Hán dịch là khí ác, công đức tùng lâm, tư duy tu. Tân dịch là tĩnh lự” [2]. Thiền (Zen) là sự chú tâm vào một chỗ, tập trung lắng đọng, gạt bỏ mọi tạp niệm suy tư về “ngã” và “ngã sở”. Từ khái niệm đó, Thiền chính là sự thể nghiệm trực tiếp vào nội tâm, là sự kết hợp thân thể và ý niệm trong không gian và thời gian hiện tại, để quán chiếu nhận biết trọn vẹn đối tượng, không chia cắt đối tượng và là sự nhận thức đối tượng sinh động như nó hằng hữu. Thiền sư D.T.Suzuki xem Thiền là một nghệ thuật soi chiếu vào nội tâm để thấy rõ thể tánh của chính mình: “Thiền, cốt yếu nhất, là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát, đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn, Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sanh linh hữu hạn, luôn luôn quằn dưới ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được” [3]. Do vậy, Thiền là một phương pháp tu tập đạt được hiệu quả rất cao trong việc tìm kiếm, phát triển năng lực nội tại hay sinh lực và phát triển lòng từ bi, tình yêu, sự kiên nhẫn, khoan dung và tha thứ của con người trong cuộc sống. Song, với một mục đích sau cùng là đạt đến kinh nghiệm của sự “tỉnh giác”, “giác ngộ”, “giải thoát”.

Trần Thái Tông đã được khai mở nguồn sáng từ Quốc sư Phù Vân: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng. Lòng lặng lẽ mà hiểu, đó chính là chân Phật. Nay bệ hạ giác ngộ điều đó thì lập tức thành Phật, không cần khổ công tìm kiếm bên ngoài” [4]. Tuy nhiên, có lẽ ông chưa thật sự thấu triệt được cái “chân tâm diệu hữu” của chính mình, bởi ông còn đi tìm “Phật tính” ở bên ngoài, vào núi tìm cầu làm Phật, nghĩa là ông còn cái tâm “tìm” và “cầu”, vốn là vọng tâm, không phải là “chân tâm”. Nhân khi ông đọc được bản Kinh Kim Cang, đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” [5] (chỉ nên phát tâm trong tinh thần vô trụ), thì khi đó ông mới thấu triệt, bừng sáng, “khoát nhiên tự ngộ” từ nơi bản tâm của chính mình, không còn vướng víu, trụ chấp vào “ta” hay “của ta”, thông suốt được chân lý “Phật vô Nam Bắc”. Sau này ông ghi lại những điều sở đắc của mình và đặt tên cho bài ca đó là “Thiền tông chỉ nam”, nghĩa là kim chỉ đường cho tôn chỉ của thiền học. Điểm đặc sắc của thiền học Trần Thái Tông ở lối tu không phân biệt tại gia hay xuất gia; không phân biệt người sống ở thành thị, chợ búa hay sống ẩn cư núi rừng; Tăng hay tục đều có thể hành thiền, sống thiền, cốt yếu là “biện tâm”, để đạt được kết quả cao nhất đó là thấy tánh. Trong Tọa thiền luận, Trần Thái Tông viết: “Người học đạo cốt thấy được bản tính” [6]. Do đó, “Thiền biện tâm” đã trở thành cốt lõi trong tư tưởng thiền học của ông. Từ đó, ông lấy cái tâm làm điểm xuất phát cho tư tưởng của mình và đào sâu, luận giải những vấn đề mang tính triết học, triết lý nhân sinh, thiền học như “ngộ”, “kiến tính”, “sinh tử”, “giải thoát”, “Niết bàn”, “đạo đức”…

Trần Thái Tông lấy cái tâm làm gốc cho cách tiếp cận về triết học, tìm hiểu, đào sâu vào vấn đề bản thể luận. Trong học thuyết của mình, ông cho rằng bản thể, khởi nguyên, cội nguồn của vũ trụ, vạn vật là “không, hư”. “Không” tức là “hư”, mà “hư” cũng tức là “không”. “Không” chính là hư không bao trùm tất cả, là khách quan bên ngoài của con người, nó vốn không sinh cũng không diệt. Còn “hư” là sự thể hiện bên trong tâm, tức là chủ thể của con người. Trần Thái Tông viết trong bài Phổ thuyết tứ sơn rằng: “Do không khởi vọng, vọng thành sắc, sắc tự chân không. Thị vọng tòng không, không hiện vọng, vọng sinh chúng sắc” [7]. Từ không mà sinh vọng giác, nghĩa là những sắc tượng hiện tại của thế giới sinh diệt. Vọng chính là ảo ảnh, hư dối, huyễn hoặc, mê lầm, không đúng sự thật, khác với bản thể vốn thanh tịnh của chân tâm. Vọng cũng chính là vô minh, từ vô minh biến thành sắc, từ vô minh sinh ra thế giới vạn vật. Ông cho rằng: “Tri kỳ chúng sinh huyễn cấu, tòng vọng nhi sanh” [8], con người đau khổ hay hạnh phúc cũng từ tâm thức. Tâm thức vọng niệm sinh ra bản ngã chấp chặt con người vào thế giới sinh diệt, kéo dài từ đời này sang nhiều đời khác, trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử. Theo Trần Thái Tông bản thể nguyên sơ, thái hư ban đầu, do một niệm bất giác khởi lên, kết hợp với tứ đại và ngũ uẩn mà sinh ra sự vọng chấp có thân sinh diệt. Do đó, theo ông cần phải thủ tiêu “vọng niệm” để đạt cái “vô niệm”, tức là trở về bản thể thanh tịnh ban đầu. Trần Thái Tông quan niệm rằng Phật tính chính là bản thể đại đồng, là thực tại tuyệt đối, là “Phật vô Nam Bắc”, nó không lệ thuộc vào thời gian, không gian, điều kiện mà con người đặt ra cho nó. Trần Thái Tông chỉ ra cái thực tại ấy chính là đối tượng sống ngay cả trong tư tưởng và hành động. Phật tính thì bình đẳng, công bằng cho mọi người có thể tự sửa chữa, tu luyện. Trần Thái Tông gọi bản thể thanh tịnh bằng nhiều thuật ngữ như là Chân như, Thực tại, Bát nhã thiện căn, Bồ đề giác tính, bản tâm, tâm Phật, Pháp thân… bằng kiến giải của mình, dựa trên sắc thân con người, ông đã kết hợp, lý giải học thuyết trên cơ sở dung hòa giữa tư tưởng của Đạo gia và Nho gia, một cách sáng tạo, độc đáo, theo phong cách riêng biệt của một vị thiền gia, mà không làm mất đi tính chất vốn có của nhà thiền.

Trần Thái Tông không những là một nhà lãnh đạo quốc gia, một vị Hoàng đế anh minh, sáng suốt, mà còn là một nhà Phật học, một Thiền sư lỗi lạc, một nhà văn hóa lớn của Phật giáo Việt Nam thời Lý – Trần. Ông đã vận dụng triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo trong việc trị nước, an dân hết sức tài giỏi, sâu sắc, thể hiện bản lãnh của một ông vua đời – đạo lưỡng toàn.

Từ bản thể “không, hư” là cội gốc của vũ trụ, vạn vật, là thế giới đại đồng, Trần Thái Tông đã nhận thức đối tượng cần giải quyết chính là hướng về “tâm con người”. Mục đích nhận thức của ông không phải là nhận thức sự vật, hiện tượng bên ngoài, không phải thế giới khách quan mà chính là hướng con người quay trở về bản tâm ban đầu, quán chiếu, thấu rõ từng sát na sinh diệt của tâm. Trần Thái Tông viết: “Xúc tâm trần cạnh khởi” [9] là do tâm tiếp xúc với trần cảnh, nên khởi sinh tư tưởng vọng niệm, sinh diệt. Do đó, nhận thức trong tư tưởng triết học của ông chính là đề cao nhận thức trực giác, đốn ngộ. Nhận thức trực giác, nghĩa là nhận thức không qua suy luận của tư duy, lý trí, không qua kinh nghiệm, phân tích sự vật, mà nó là sự cảm nhận trực tiếp từ nội tâm. Bồ Đề Đạt Ma từng nói “Trực chỉ chân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức là thấu rõ nơi tâm mình, mà nhận ra cái bản thể Phật của chính mình. Sự hiểu biết trực giác đó, Trần Thái Tông gọi là cái thấy thông suốt tuyệt đối, vượt lên mọi sai lầm của ngã kiến. Cho nên ông khuyên người học đạo cần nên thấy rõ bản tánh mình, đừng chạy theo cái học sở cầu bên ngoài. Thái Tông viết: “Người học đạo chỉ cốt thấy được bản tính. Tuy chịu tất cả mọi tịnh giới mà không ngồi thiền thì định lực không sinh. Định lực không sinh thì ý nghĩ sai lầm không diệt được” [10]. Muốn nhận thức bản thể “không, hư” thì cần phải tu tập thiền định để tịnh tâm trong sáng, thấy rõ thực tướng của các pháp, lĩnh hội được Phật tính sẽ không còn nghiệp. Bởi vì, Trần Thái Tông cho rằng con người do tạo nghiệp nên sinh ra sắc thân, có thân là còn sinh diệt. Trần Thái Tông đề cao nhận thức cái tâm để nhận ra bản thể, Phật tính vốn tồn tại, hiện hữu trong tâm mà từ lâu chúng ta không nhận biết, bởi do vọng niệm che khuất. Ông chủ trương lối “Thiền biện tâm”, lấy tâm làm gốc, trở về với cái tâm hiện hữu trong chính mỗi con người thực tại hơn là hướng ngoại cảnh, tìm cầu cái giả, cái hư vô, sinh diệt trong thế giới trần lao, khổ ải. Tuy nhiên để đạt được những kết quả đó, thì cần phải có phương pháp, đường lối thực hành, tu luyện hết sức cơ bản và vận dụng nó một cách linh hoạt trong cuộc sống. Theo Trần Thái Tông muốn nhận thức trực tâm thì cần phải có phương pháp tu tập đúng đắn, phù hợp với căn tính riêng của từng đối tượng. Có hai cách tiếp cận phương pháp tu tập đó là: Lối tu tiệm ngộ và lối tu đốn ngộ.

– Lối tu tiệm ngộ: Là lối tu có tầng bậc, thứ lớp, tu từ từ, từ thấp đến cao và phải có sự kiên nhẫn trong thực hành, tu luyện cho đến khi ngộ được cốt lõi của thiền lý. Trần Thái Tông xây dựng một hệ thống tu tập đa dạng phù hợp cho nhiều đối tượng muốn tiếp cận, thực hành như là: Phương pháp tịnh tọa quán chiếu tâm thức, phương pháp kết hợp Giới – Định – Tuệ; phương pháp kết hợp giữa trì giới, niệm Phật, tọa thiền, phương pháp sám hối lục căn… nhằm mục đích gạn lọc tâm thức, tỉnh thức, giác ngộ thiền lý một cách kiên nhẫn cho đến khi đạt được “chân tâm”. Để diệt trừ vọng niệm trong tâm thức, Trần Thái Tông đưa ra cách tu “tịnh giới và thiền định”; giữ giới thanh tịnh để ngăn ngừa ác niệm từ bên ngoài vào tâm, thiền định để lắng tâm diệt trừ vọng động sinh khởi trong tâm. Nếu tâm mình không còn vọng niệm thì trí tuệ tâm sẽ tự xuất hiện, không cần phải tu niệm. Một trong những phương pháp hết sức đặc sắc, riêng có trong hệ thống tu tập của Trần Thái Tông, mà ông giới thiệu cho các hành giả, đó là phương pháp sám hối lục căn. Sám hối là phương tiện để tẩy rửa hết mọi phiền não nhiễm ô trong tâm thức con người, sám hối tội lỗi mà mình đã gây ra cho con người hiện tại cũng như nhiều kiếp đã qua. Hệ thống tu tập sám hối của Trần Thái Tông được trình bày trong tác phẩm “Lục thì sám hối khoa nghi”, một pháp môn tu luyện đặc sắc, dành cho người hướng tâm vào đạo. Thái Tông quan niệm rằng con người gây nên tội lỗi chính là nguyên nhân của lục căn, do lục căn tiếp xúc với lục trần nên sinh lục thức phân biệt, tạo nên hố sâu của tội lỗi, ông viết: “Chúng tôi từ muôn kiếp tới nay, bỏ mất bản tâm, không biết chính đạo. Rơi ba đường khổ ải, bởi sáu căn sai lầm. Nếu không sám hối trước, khó tránh ăn năn sau” [11]. Do đó, việc sám hối nhằm mục đích giữ tâm mình luôn luôn trong sáng, tỉnh thức, tự nhắc nhở mình về ngăn ngừa tội ác và quán chiếu Phật tính trong tâm luôn luôn hiện hữu, chưa từng sinh diệt.

– Lối tu đốn ngộ: Phương thức đốn ngộ, một phương pháp tu tập trình độ cao trong nhà thiền, một lối tu ngộ thẳng chính bản tâm con người, hay còn gọi là “trực chỉ chơn tâm”; một phương pháp gọi là “kiến tánh khởi tu”, thấy được tánh sáng của chính mình rồi mới khởi tu. Tuy nhiên nó không có phương pháp, không có đề mục, cũng chẳng có sở chứng sở đắc; nó biểu lộ ở hai thái cực: Nếu mê là chúng sanh, mà ngộ là Phật. Do vậy mà khi trình bày lối tu này rất khó cho hành giả, bởi lối tu “vô tu tu, vô chứng chứng”, không tu mà tu, không chứng mà chứng, huyền diệu vô cùng, không thể diễn đạt bằng ngôn từ. Lối tu đốn ngộ là một phương pháp tiếp cận bằng trực tâm, thể nhập bằng tâm, không phải do học hỏi, điều này được minh chứng qua việc chứng ngộ của Trần Thái Tông khi ông đọc đến câu “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” [12] trong Kinh Kim Cang, thì “khoát nhiên tự ngộ”, tâm chợt bừng sáng, thẩm thấu nghĩa nhiệm mầu. Mặc khác, để khai mở cho đệ tử, đôi khi người thầy chỉ dùng một câu nói, một cử chỉ, hoặc một giai thoại, nhằm bẻ gãy kiến chấp, thâm sâu, lâu đời trong tâm thức của học trò. Thiền sư Pháp Thường đến hỏi Mã Tổ: “Thế nào là Phật”, ngài Mã Tổ chỉ đáp vỏn vẹn bốn chữ: “Tức tâm là Phật”, thế là Thiền sư Pháp Thường đã giác ngộ được yếu chỉ của thiền, trở về núi Đại Mai, cất am tu tập; về sau được Mã Tổ công nhận là “trái mai đã chín”. Hoặc giai thoại hết sức đơn giản, nhẹ nhàng giữa thầy và trò, nhưng lại thâm sâu, huyền diệu, sâu sắc vô cùng. Khi ngài Huệ Khả hỏi Tổ Đạt Ma: “Tâm con chưa an xin thầy dạy con phương pháp an tâm?”. Tổ Đạt Ma chẳng hề nói cho Huệ Khả bất kỳ phương pháp nào, chỉ bảo ông: “Đem tâm ra ta an cho”; ngài Huệ Khả đáp: “Con tìm tâm không thấy”, Tổ Đạt Ma nói: Thế là “ta đã an tâm cho ông rồi”, ngay đó ngài Huệ Khải liền biết lối vào nhà. Thông qua câu nói, đôi khi câu trả lời chẳng dính dáng vào đâu, nhưng đó lại là một phương pháp khai ngộ hết sức độc đáo của nhà thiền. Người thầy sẽ thăm dò căn cơ của học trò phản ứng thế nào, trình độ ngộ hay kiến giải ra sao thì sẽ biết được đệ tử mình ngộ thiền hay chưa ngộ. Lối tu này người ta gọi là “dĩ tâm truyền tâm”. Truyền tâm ấn là phương pháp tu đốn ngộ của nhà thiền, nhằm giúp cho người đệ tử trực ngộ thẳng vào trong tâm, xóa bỏ mọi vọng niệm, vô minh, thấy được Phật tính trong tâm của mỗi người, không qua sự hiểu biết bằng thức tâm do học hỏi từ sách vở. Tuy nhiên, trong phương pháp tu tập truyền đạt kinh nghiệm tu hành, Trần Thái Tông thường chú trọng, đề cao đến phương pháp tổng hợp, kết hợp nhiều yếu tố: Thiền – tịnh song tu, kết hợp tu trì giới, định, tuệ, phương pháp sám hối lục căn…nhằm thiết lập mối quan hệ đến tất cả các thành phần trong xã hội tu tập theo Phật giáo. Có thể nói “Thiền biện tâm” mà ông chủ trương, phát triển, là một loại thiền đáp ứng được nhu cầu thực hành cho mọi thành phần, giai cấp trong xã hội, không phân biệt xuất gia hay tại gia, Tăng hay tục, người sống ở núi rừng hay sống ở thành thị… đều có thể tu tập và thành tựu sự giác ngộ thiền lý.

Là một trong những hình thái ý thức xã hội, triết lý Thiền biện tâm trong tư tưởng triết học Trần Thái Tông, không những chịu sự quy định của đặc điểm, yêu cầu của điều kiện lịch sử – xã hội Đại Việt thế kỷ XIII, mà còn là sự kế thừa, dung hợp các quan điểm triết lý nhân sinh của Nho, Lão và đặc biệt là triết lý thiền học của Phật giáo; bằng sự tiếp thu, kế thừa các tư tưởng của dòng thiền trước đó như quan điểm về “tâm ấn” của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, quan điểm về “tâm địa” của thiền phái Vô Ngôn Thông, quan điểm về tổng hợp của thiền phái Thảo Đường, để sáng tạo nên hệ thống triết học của ông, trong đó quan điểm về Thiền biện tâm hết sức sâu sắc, độc đáo và đặc sắc, ghi dấu ấn trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam.

Hơn 30 năm ở cương vị lãnh đạo quốc gia, Trần Thái Tông đã chứng tỏ là một vị vua có nhân cách, đức độ, tài giỏi, bản lĩnh lớn trong việc trị nước, an dân.

Có thể nói, triết lý thiền của Trần Thái Tông không chỉ đáp ứng được yêu cầu về chính trị của xã hội đương thời, mà nó còn đáp ứng được nhu cầu về mặt tư tưởng, là đưa triết lý nhân sinh của Phật giáo trở thành nền tảng tư tưởng đạo đức cho toàn xã hội, làm chỗ dựa tinh thần cho nhân dân Đại Việt thời kỳ này. Đặc biệt, triết lý Thiền biện tâm của Trần Thái Tông không chỉ nhằm mục đích tu dưỡng, rèn luyện tu tập, phát triển nâng cao năng lực trí tuệ, đạo đức của cá nhân; đào sâu, suy nghiệm trong tâm thức của con người, mà thiền còn thể hiện ở những nội dung, tính chất, hành động cao siêu hơn, sâu xa hơn. Đó là lấy triết lý đạo đức nhân sinh của Phật giáo phục vụ cho đời sống của nhân dân, phục vụ cho lợi ích của quốc gia, dân tộc. Quốc sư Phù Vân đã vạch cho Trần Thái Tông một phương châm hành động đạo – đời dung hợp, một triết lý sống hết sức cao cả, mang tính nhân văn sâu sắc: “Phàm đã là bậc nhân quân tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình; lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình” [13]; thiền gắn liền với việc trị nước an dân, cứu nước cứu dân, xây dựng đất nước thanh bình…, mà sau này Trần Thái Tông đã phát triển lên thành yếu chỉ của cái tâm “tồn nhi bất tri” – sống hài hòa giữa cuộc đời, vui cái vui của đạo, hành cái hành của bổn phận thế sự, sống vượt ngoài ranh giới của Tăng và tục, thường dân – vua chúa, thị – phi của thế sự, ấy gọi là ngộ đạo trong cuộc sống đời thường. Hành thiền theo quan niệm của Trần Thái Tông là “trong động có tịnh, trong tịnh có động”, nghĩa là hành thiền không chỉ có ngồi trong phòng, tu trong chùa, mà tu thiền, hành thiền trong mọi lúc mọi nơi trong cuộc sống xã hội. Cái dụng của nó chính là cái thâm diệu của đạo vào tận đời thường, để hóa thân một cách tràn đầy và sinh động.

Cùng với đó, Trần Thái Tông lúc nào cũng kêu gọi mọi người nên tích cực làm việc thiện, tránh xa việc ác, Ông viết: “Phàm tâm là gốc của thiện ác, miệng là cửa của họa phúc. Nghĩ một ý thì ảnh hưởng không lầm; buông một lời thì hệ quả chẳng lẫn” [14]. Để ngăn ngừa điều ác không phát sinh và phát triển điều lành lớn mạnh, Trần Thái Tông khuyên con người lấy giới làm điểm khởi đầu cho mọi quá trình tu dưỡng đạo đức, Trần Thái Tông đã viết trong bài Ngũ giới luận, bàn về các giới, gồm: Văn răn sát sinh, Văn răn trộm cắp, Văn răn ham sắc, Văn răn nói càn và Văn răn uống rượu. Đây là năm điều giới luật được Trần Thái Tông viết nhằm mục đích khuyên răn người đời không nên sát sinh hại vật, tham lam của cải, tà dâm, nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác hại người, uống rượu, trộm cướp, hãm hại người khác, khinh vua, ghét cha, nhạo Tăng, chửi Phật, dẫn đến “Nói năng lầm lỡ. Khí xông nát ruột; vị ngấm hư lòng. Rối loạn tinh thần; hôn mê tâm tính. Hại mẹ cha không nhìn; năm điều ác luôn phạm…” [15]. Mặt khác, Trần Thái Tông còn khuyên con người nên bố thí cho kẻ nghèo khó, thương yêu người khác, tôn trọng phép nước, kính cha thờ chúa… đây chính là những chuẩn mực đạo đức thiết yếu, mọi người cần thực hiện để giữ gìn sự đúng đắn, trong sạch thân tâm. Trần Thái Tông hướng con người đến cái chân – thiện – mỹ trong cuộc sống, mà còn răn đe cả giới quý tộc, tôn thất lẫn giới bình dân cấm phạm vào các tội phương hại đến lợi ích quốc gia. Ông muốn điều hòa mâu thuẫn giai cấp trong xã hội; bên cạnh đó, là sự cân bằng giữa chủ nghĩa yêu nước với tinh thần nhập thế cao cả của Phật giáo, nhằm mục đích phụng sự chúng sanh và dân tộc.

Tóm lại, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, Trần Thái Tông là một trong những nhà chính trị, nhà tư tưởng lớn, nhà Phật học uyên thâm của thời đại Lý – Trần. Là một vị vua anh minh, dũng cảm, sáng suốt đã làm tròn trách nhiệm lãnh đạo của mình trên cương vị là Hoàng đế của một nước; ông đã lèo lái con thuyền đất nước vượt qua mọi thách thức, khó khăn nhất của giai đoạn đầu, làm cho xã hội Đại Việt phát triển rực rỡ về nhiều mặt: Kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, pháp luật, quân sự, ngoại giao…; là một Thiền sư, ông có trí tuệ uyên thâm về Phật học, có cái nhìn sâu sắc về triết lý thiền và cao hơn nữa đó là tấm lòng vì dân vì nước, vì tình yêu con người của ông. Trong di sản tư tưởng, đặc biệt là tư tưởng Phật giáo, ông đã để lại tư tưởng phong phú, sâu sắc về nội dung, đặc sắc về triết lý thiền, nổi bật lên là tính chất Thiền biện tâm. Trên cơ sở đặc điểm, yêu cầu của thực tiễn lịch sử – xã hội Việt Nam thế kỷ XIII, ông đã tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm, kế thừa các tư tưởng thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, thiền phái Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường, để sáng tạo nên hệ thống triết học mang sắc thái riêng biệt của ông. Đó không phải là cách tu thiền xuất thế lánh đời, suy tư, trầm tư mặc tưởng, mà đó là Thiền biện tâm, lấy tâm làm nòng cốt, hành thiền, sống thiền trong mọi lúc mọi nơi và áp dụng cho mọi thành phần trong xã hội. Vua quan hay thứ dân, không phân biệt xuất gia hay tại gia, Tăng hay tục, người sống ở núi rừng hay sống ở thành thị… đều có thể tu tập và đạt kết quả tốt đẹp. Không những thế, triết lý thiền của ông còn mang một ý nghĩa đạo đức, luân lý và giá trị thiết thực trong cuộc sống đời thường, có tính giáo dục con người trong việc khuyên răn mọi người làm mười điều thiện, giữ năm điều giới, từ bỏ việc ác, sống có ích cho bản thân, đoàn kết thương yêu nhau, lo cho dân cho nước. Điều này có ý nghĩa to lớn, nó định hướng cho việc tạo lập một xã hội tốt đẹp dựa trên nền tảng đạo đức của Phật giáo, đem ánh sáng của đạo Phật thâm nhập vào cuộc sống con người, hướng con người có nếp sống lành mạnh, khoan dung, từ bi, sống đoàn kết, yêu thương nhau, sống tốt đời, đẹp đạo, giúp ích cho xã hội, xây dựng và bảo vệ quốc gia, dân tộc. Triết lý thiền của ông thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa lý luận và thực tiễn và có ý nghĩa hết sức sâu sắc, là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử – một thiền phái mang đậm dấu ấn nhập thế sâu sắc, là biểu tượng của Phật giáo dân tộc Việt Nam./.

Chú thích:
* Thượng tọa Tiến sĩ Thích Lệ Quang, Trưởng ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình.
[1] Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Trần (2004), tập I, Quyển V, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, tr.434.
[2] Nguyên Hiển (chủ biên), Nguyên Hồng, Nguyên Tánh (2015), Từ điển Phật học Tuệ Quang. Nxb. Phương Đông, tr.2235.
[3] Daisetz Teitaro Suzuki, Trúc Thiên (dịch), 1989, Thiền luận, http://thuvienhoasen.org.
[4] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.28.
[5] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.29.
[6] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.87.
[7] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.42.
[8] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.156.
[9] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.159.
[10] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.87.
[11] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.167.
[12] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.29.
[13] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.29.
[14] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.100.
[15] Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.102.

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Đăng Thục (1996), Thiền học Trần Thái Tông, Nxb. Văn hóa thông tin.
2. PGS, TS. Doãn Chính, PGS, TS. Trương Văn Chung (2008), Tư tưởng Việt Nam thời Lý – Trần, Nxb. Chính trị quốc gia.
3. Thiền học đời Trần, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1992.
4. Trần Thái Tông (1974), Khóa hư lục, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Viện Sử học (dịch, 2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập I – II, Nxb. Văn hóa thông tin.
6. Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý – Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.A