Chuyện chiêm nghiệm thời tiết ngày Tết của quan dân triều Nguyễn (Thơm Quang)

Mỗi độ xuân về, vạn vật đổi mới. Con người cùng với đất trời hòa chung một niềm vui tươi. Vẻ khởi sắc của thiên nhiên ngày xuân đã cuốn hút tâm tư, tình cảm của mỗi người. Và trong thời khắc đặc biệt của ngày Tết Nguyên đán, bên cạnh công tác chuẩn bị cho nghi thức đón Tết, các vua triều Nguyễn cùng với muôn dân kinh thành cũng đã có những chiêm nghiệm thời tiết quý báu để có phương án kịp thời trong việc làm ăn. Qua di sản Mộc bản Triều Nguyễn, cùng hiểu thêm câu chuyện thú vị về việc dự đoán thời tiết ngày xuân của quan dân triều Nguyễn.

Dự đoán thời tiết để chiêm nghiệm việc nông
Dưới triều Nguyễn, nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong đời sống nhân dân, việc gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp đã tạo cho người Việt Nam lối sống phụ thuộc vào các hiện tượng thời tiết cũng như đem lại hiểu biết, kinh nghiệm phong phú về mưa, nắng, cuồng phong, bão táp… Lúc bấy giờ, các vua triều Nguyễn nhận thấy thời tiết có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống muôn dân, nên đã cho đặt một cơ quan chuyên chăm lo việc quan sát, chiêm nghiệm và dự báo các hiện tượng thiên nhiên là Khâm Thiên Giám. Bên cạnh công việc của Khâm Thiên Giám, các bậc “Thiên tử” cũng có những kinh nghiệm riêng cho bản thân.

Vào đêm Trừ tịch (tức đêm 30 Tết), sau khi thực hiện các nghi lễ cúng giao thừa trong hoàng cung, vua Minh Mạng cũng đã quan sát trời đêm và có những dự đoán cho riêng mình. Sau đó, vua Minh Mạng đã tổng kết lại hiện tượng thành câu ca để dự đoán. Và trong suốt thời gian trị vì thiên hạ, vị vua thứ 2 triều Nguyễn có đến 11 bài ngự chế về nông ngạn. Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 1, mặt khắc 12, 13 còn khắc ghi lại một số bài thơ như sau:
Phiên âm:
Đệ niên trừ tịch bán,
Khả nghiệm ngư dữ nông.
Thiên hình, địa thượng ám,
Điền gia hạ vụ phong.
Địa quang, thiên thượng ám,
Chỉ hữu lợi ngư ông.
Lưỡng giả nan kiêm cố,
Nguyện thành quyến mẫu công.
Dịch nghĩa:
Hằng năm, nửa đêm Trừ tịch,
Thường nghiệm việc cá, việc nông.
Trời sáng, mặt đất tối,
Nhà nông vụ hạ được.
Đất sáng trên trời tối,
Chỉ có lợi ông chài.
Hai đằng khó vẹn cả,
Xin ruộng tốt là hơn.

Không chỉ vua, mà người dân ở kinh thành Huế cũng rất quan tâm, để ý đến thời tiết đêm giao thừa. Họ quan niệm rằng vào đúng giờ Tý (tức là 23h đến 1h sáng) hễ thấy sắc trời sáng, sắc đất tối, thì năm ấy được mùa lúa, còn ngược lại nếu thấy sắc đất sáng, sắc trời tối thì chỉ có nghề chài lưới được lợi. Đặc biệt, sang ngày đầu tiên của năm mới, tức ngày mồng một Tết Nguyên đán. Theo Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 2, mặt khắc 13 thì vào ngày này nếu tiết trời tạnh ráo, có gió Đông Bắc thổi, năm ấy được mùa to, còn gió Tây Bắc, trời rét, vụ hạ sẽ kém.
Phiên âm:
Nguyên đán tình minh hảo,
Nông công thập bội thu.
Nhược phùng âm vũ lãnh,
Duy khủng tổn tây trù.
Dịch nghĩa:
Năm mới trời trong sáng,
Lúa ruộng thu gấp mười.
Nếu gặp mưa dầm, lạnh,
Chỉ sợ hại mùa màng.

Bên cạnh việc quan tâm đến gió, mưa ngày Tết, vua Minh Mạng cũng đặc biệt lưu ý đến tiếng sấm ngày xuân. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 260 mặt khắc 11, cho biết Tết Nguyên đán năm Quý Tỵ (1833) như sau: “Mỗi năm, giờ Dần (từ 3h – 5h sáng) ngày mồng 1 tháng Giêng, xem gió bắt đầu nổi từ phương nào, hoặc xem được như thế nào, hoặc biên vào sổ để lưu chiểu. Sấm mới phát thanh, thì xem sấm nổi động ở phương nào, theo chiêm nghiệm tâu lên”. Ngay sau khi soi xét, Khâm Thiên Giám tâu lên sấm mùa xuân bắt đầu nổ lên từ phương Nam là điềm năm bị hạn, dân không có gạo nấu ăn, ứng về phương Đông. Vua phê rằng: “Phương Nam ta đất không dày lắm cho nên chứa khí dương thì khí dễ phát lên, vả lại vài ngày nữa phải đã đến tiết kinh trập, thì tháng này sấm chính là đúng thời tiết, có lạ gì đâu?”.

Thấy “nhật thực” tự sửa mình
Bên cạnh việc dự đoán thời tiết để biết việc nông tang, các vua triều Nguyễn còn dựa vào thời tiết ngày xuân để tự răn bảo mình, đặc biệt là mỗi khi có hiện tượng bất thường xảy ra. Năm Kỷ Dậu (1849), khi toà Khâm Thiên Giám tâu: “Ngày mồng 1, tháng Giêng sang năm có nhật thực”. Vua Tự Đức đã nói với bầy tôi rằng: “Nhật thực tuy có độ thường, nhưng gặp vào ngày đầu năm, vua tôi ta phải nên răn sợ tu tỉnh trước khi việc xảy ra, để đón lòng trời yêu thương”. Đúng như dự đoán của Khâm Thiên Giám, vào ngày Giáp Ngọ (tức ngày mồng 1 Tết), năm Canh Tuất (1850), có nhật thực. Vào ngày hôm ấy, vua Tự Đức đã ở trong cung ăn chay cầu phúc, cung kính, để cảm cách đến trời, đưa các quan vào tả, hữu vũ nghiêm tĩnh đợi khi mặt trời lại tròn mới lui.

Không chỉ vua Tự Đức mới lo sợ có nhật thực xuất hiện vào ngày đầu năm mới, mà ngay bản thân vua Minh Mạng cũng rất lo lắng khi vào ngày Tết Nguyên đán xuất hiện nhật thực. Có lần vua bảo thị thần rằng: “Trẫm xem điển lễ nhà Thanh, hễ gặp nhật thực nguyệt thực thì cứu, quan liêu đều ra quỳ lạy ở trước sân bộ Lễ, làm như dáng cứu ngăn. Kể ra mặt trời là tượng trưng cho nhà vua, khi bị xâm thực mà cứu, cũng là cái nghĩa phù dương, át âm, sao lại có cái nghĩa mặt trăng bị xâm thực mà cũng cứu ư? Lại ở nghi chú, lệ có đánh 24 cái trống, thì cũng là vô lý. Xét ra bậc Đế vương đời xưa, khi nhật thực thì tu sửa đạo đức, khi nguyệt thực thì sửa sang hình phạt, cốt phải hết lòng kính sợ những điều răn dạy ấy của trời để tiêu dẹp tai biến, há lại bắt chước những việc vô lý ấy ư?”. Năm Mậu Tuất (1898 Tây lịch), vào ngày mồng 1 Tết Nguyên đán khi thấy xuất hiện nhật thực, vua Thành Thái đã cho đổi buổi triều hạ sang ngày mồng 2.

Có thể nói, việc quan tâm đến thời tiết ngày xuân, để từ đó đưa ra lối sống, sinh hoạt, sản xuất phù hợp, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các vua triều Nguyễn mỗi khi Tết đến xuân về. Những kinh nghiệm dân gian ấy, cho đến nay vẫn luôn có một giá trị nhất định trong đời sống nhân dân, mặc dù khoa học về lĩnh vực khí tượng thủy văn đã phát triển hơn.

Chú thích:
[*] Thơm Quang, Biên dịch viên Hán Nôm, phòng Tài liệu mộc bản, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Hình 1: Mộc bản sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 2, mặt khắc 12, 13 ghi về bài thơ chiêm nghiệm thời tiết ngày xuân của các vua triều Nguyễn. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Hình 2: Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 260, mặt khắc 11 ghi về dự báo tiếng sấm ngày xuân của vua Minh Mạng, năm Quý Tỵ (1833). Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.
Hình 3: Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ tứ kỷ, quyển 5, mặt khắc 1 ghi chép về việc vua Tự Đức tự răn bảo mình khi có nhật thực xảy ra vào ngày Tết Nguyên đán. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.

Tài liệu tham khảo:
1. Hồ sơ H20, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
2. Hồ sơ H49, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
3. Hồ sơ H60, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
4. Hồ sơ H21, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
5. Hồ sơ H22, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
6. Hồ sơ H23, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV;
7. Hồ sơ H24, Mộc bản triều Nguyễn – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV.