Quý độc giả thân mến!
Trong chúng ta, ắt hẳn đều đã đôi lần nghe đến bài thơ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác Thiền sư (1052-1096) với những câu từ hàm chứa triết lý Phật giáo cao sâu, nhưng lại đầy thi vị.
“Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”.
Mùa xuân là thời gian cây cối căng tràn nhựa sống, trăm hoa đua nở, vạn vật sinh sôi. Đó còn là khoảng thời gian để mỗi người nhìn lại quãng thời gian một năm đã qua với bao thế sự đổi thay, bao biến thiên của cuộc đời, tất cả như hoa rơi trước mắt. Hình ảnh xuân đến xuân đi như hoa tàn rồi lại nở đã nói lên quy luật của sự sống và thiên nhiên, biểu lộ tâm thế của người tu hành trước quy luật sinh, tử ở cõi nhân gian, cái tịch diệt và vĩnh hằng trong vũ trụ.
Tướng sinh diệt của hoa thể hiện sự tuần hoàn tất yếu của thế giới hiện tượng. Song, bản thể vạn pháp dưới góc nhin Trung quán là vô sinh. Sống chung với quy luật của trời đất là biết chấp nhận, hoà mình cùng nó trên lộ trình vô thường, vô ngã.
Có thể nói, sự đổi thay là hiện tượng, sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng ta. Sống chung với quy luật trời đất là biết chấp nhận, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được.
Để đón nhận quy luật duyên khởi của tạo hoá trong hình tượng xuân đến, xuân đi. Quy luật biến thiên của tạo hóa trong hình tượng xuân đến, xuân đi, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo trân trọng gửi đến quý độc giả số báo 417 với chủ đề “Xuân đáo bách hoa khai”. Qua đó, tất cả chúng ta cùng tạo cho mình cách sống an nhiên tự tại, tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian.
Ban Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo