Tóm tắt: Bài viết này tập trung tìm hiểu về lòng biết ơn trong Đạo Phật. Chỉ ra pháp biết ơn được chính Đức Phật thực hành, thị phạm và truyền dạy cho bốn chúng đệ tử. Bởi vì, lòng biết ơn là điều lành tối thượng, pháp dẫn vào cánh cửa hạnh phúc và bình an. Pháp hành biết ơn có năng lực trị liệu và chữa lành thân tâm. Kỹ thuật thực hành lòng biết ơn được cụ thể hóa thành ba bước: (1) Biết học tập thông qua nghe pháp và thực hiện nghi lễ, (2) thực hành thiền quán lòng biết ơn và suy niệm về các mối nhân duyên tốt đẹp, (3) thực hiện hành động biết ơn cụ thể. Vì vậy, triết lý thực hành lòng biết ơn đã được Phật tử Việt Nam tin kính và làm theo, tạo thành nét đẹp văn hóa, góp phần làm giàu truyền thống tâm linh, đậm đà bản sắc dân tộc.
Từ khoá: Báo ơn, lòng biết ơn, triết lý thực hành.
DẪN NHẬP
Trong đời sống, rất nhiều bài học về lòng biết ơn đã mãi lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhất là tại Việt Nam, tri ân và báo ân đã kết thành một truyền thống, chân lý sống và giá trị nhân văn, có địa vị tối quan trọng trong văn hóa dân tộc Việt. Vậy đối với nhà Phật, lòng biết ơn là gì, nó có giá trị hay ý nghĩa như thế nào và làm sao để thực hành trong cuộc sống. Bài viết này sẽ cố gắng tìm kiếm đáp án cho những câu hỏi trên, nhằm mở ra một triết lý thực hành về lòng biết ơn trong Đạo Phật, giúp người con Phật biết cách phát triển thiện pháp, tôn trọng ân đức sư trưởng, trang nghiêm giới hạnh và tự chữa lành.
LÒNG BIẾT ƠN LÀ PHÁP LÀNH TỐI THƯỢNG
Biết ơn trong tiếng Phạn là kṛtajña (kataññu), nghĩa là việc biết, như biết ơn những điều đã được nhận. Trong Dutiyasiṅgāla Sutta [1], lòng biết ơn là một pháp tu, không bao giờ được lãng quên mà cần luôn ghi nhớ và thực hành (SN 20.12; SA 1246). Con người rất mau quên ơn, sự vô ơn như một thói hư đã bị vô minh và tham lam dẫn lối. Đó là lý do Đức Phật dạy, người có lòng biết ơn là người khó tìm trong thế gian, trong Āsāduppajaha Vagga (AN 2.119) [2].
Lòng biết ơn là trạng thái tâm lý biết nâng niu, trân trọng và ghi nhận những điều tốt đẹp trong đời mà mình đã được nhận. Vậy nên, trong Maṅgala Sutta, lòng biết ơn là điều tốt lành tối thượng (Snp 2.4) [3]. Vì những ý niệm biết ơn sẽ được hiện thực hóa thành hành động tử tế với tha nhân và làm đẹp cộng đồng. Con người sẽ nhân từ với nhau khi có lòng biết ơn trong tâm tưởng. Chính lòng biết ơn là biệt dược trị liệu tính ích kỷ, hẹp hòi và kiêu ngạo. Do đó mà những người có lòng biết ơn và nhớ ơn là bậc chân nhân và thiện nhân trong cuộc đời (AN 2.32) [4].
Lòng biết ơn đem lại niềm tin yêu vào đời sống, tạo ra hy vọng trong tương lai và mang đến động lực cho mọi đức tính tốt đẹp. Bởi, biết ơn gắn liền với sự hiểu biết, tạo sức mạnh chiến đấu với sự vô ơn và chống lại những thách thức trong đời sống. Trong Akataññutā Sutta, lòng biết ơn và biết trả ơn là yếu tố quan trọng trong việc quyết định nơi tái sanh (AN 4.213) [5]. Nhất là theo Kinh Tỳ kheo Thỉnh (比丘請經), lòng biết ơn là hạt nhân đầu tiên trong tiến trình tu tập, để chứng đạt đến thánh quả A-la-hán [6].
Ngược lại, thật vô phúc và bất hạnh khi trái tim khô cạn lòng biết ơn. Như một quả, cuộc sống sẽ chìm trong hối hận vì tự biến cuộc đời thành vô nghĩa. Bởi người không có lòng biết ơn, không nhớ ơn là những kẻ vô đạo đức, bất thiện, độc ác (AN 2.32) [7]. Cũng vậy, khi một người keo kiệt, ăn của người không biết báo ơn là con đường đến cửa bại vong [8]. Nhất là người vô ơn, không biết ơn thường có tánh cộc cằn; nên sẽ bị người khác xa lánh, không chỉ giáo, không la trách, trái lại còn cật nạn (MA 89) [9].
LÒNG BIẾT ƠN MỞ RA CÁNH CỬA HẠNH PHÚC
Chính Đức Phật là bậc thầy mô phạm và thị phạm về lòng biết ơn. Sau khi thành đạo, Người dành tuần lễ thứ hai để tri ân cây Bồ đề (Bodhi tree, tên khoa học là Ficus religiosa) đã che chắn nắng mưa trong suốt thời gian 49 ngày hành trì thiền quán. Nhất là trong đạo Phật, cây Bồ đề như biểu tượng đại diện cho Đức Phật tại thế gian. Theo Kinh A Dục Nhân Duyên (SA 604), “Ta thấy cây Bồ đề, như là thấy Như Lai” [10]. Như vậy, hành động tri ân cây Bồ đề của Đức Phật, cùng việc toàn thể Phật tử từ xưa đến nay quan tâm chăm sóc và tôn kính cây Bồ đề đã thể hiện địa vị cao quý của lòng biết ơn trong Đạo Phật. Vì lẽ đó, biết ơn và báo ơn là tinh thần của đạo tỉnh thức, chất liệu nuôi dưỡng sự tỉnh giác và an lạc của tâm hồn đệ tử Phật.
Lòng biết ơn là sợi dây vô hình nối kết tình thương giữa những con người, tạo thành một truyền thống. Vì như trong “Ký sự về Trưởng lão Yaññasāmika”, lòng biết ơn là một pháp được ngợi ca ở thế giới này (Tha Ap 326) [11]. Lòng biết ơn đã trở thành hệ quy chuẩn để đánh giá ý nghĩa cuộc sống của đời người và là chuẩn mực đạo đức trong đời sống. Trong ý nghĩa sâu xa nhất, lòng biết ơn là nghệ thuật sống đẹp, một mẫu mực của triết lý sống đẹp. Ở đây, cái đẹp thường được biết đến và bàn luận trong nghệ thuật, thi ca, hành động… nhưng lại bỏ quên căn nguyên sâu xa đến từ vẻ đẹp tâm hồn; mà ở đó, linh hồn của cái đẹp là lòng biết ơn. Đặc biệt, các nhà khoa học thần kinh khẳng định khi lòng biết ơn quán niệm thành tựu, oxytocin sẽ được giải phóng [12], “hormone tình yêu” này giúp tăng cường sức khỏe, tương tác xã hội, gắn kết và tin tưởng. Vậy nên, lòng biết ơn tạo nên hạnh phúc, giúp giải trừ tâm lý ích kỷ và năng lượng tiêu cực.
PHƯƠNG PHÁP THÀNH TỰU LÒNG BIẾT ƠN
Lòng biết ơn thường biểu hiện thành hành động thành kính, một ví dụ điển hình của việc thể hiện lòng biết ơn của Pasenadi nước Kosala đối với Đức Phật, “đi vào tịnh xá, đầu cúi rạp xuống trước chân Thế Tôn, miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay xoa bóp và nói lên tên mình” (AN 10.30) [13]. Ví dụ này dạy ta những bài học đầu tiên về cách thực hiện lòng biết ơn, nhất là phương pháp bày tỏ lòng biết ơn, thành tín, cung kính này đã được tiếp nối và thực hành đến ngày nay trong việc đảnh lạy Đức Phật, tôn Pháp, chúng Tăng, Phụ Mẫu, đàn-na tín thí,… ở các buổi lễ chúc tán thù ân. Sống với lòng biết ơn và báo ơn là cơ hội để trưởng dưỡng tâm bồ đề, nuôi lớn hạt giống giác ngộ và hạnh phúc, nghĩa là thực tập nuôi lớn lòng biết ơn thông qua nghi lễ.
Thứ đến là việc thực hành lòng biết ơn bằng phương pháp quán niệm, suy tưởng và quán chiếu sâu sắc những tấm lòng tốt đã giúp đỡ mình. Đây gọi là thiền tập về lòng biết ơn, một thiện pháp cần tăng trưởng và nuôi lớn trái tim yêu thương. Cuộc sống sẽ đẹp khi mỗi ý niệm, hành vi, cảm xúc đều trọn vẹn trong lòng tri ơn và báo ơn. Sự sống sẽ mầu nhiệm và sáng trong khi con tim mọi người hòa chung một nhịp đập yêu thương, cùng hướng đến một mục đích sống trọn ân nghĩa. Vì lòng biết ơn sẽ nuôi lớn tình thương, tình thương sẽ nuôi lớn ân nghĩa; chính ân nghĩa là chất liệu nuôi lớn lòng biết ơn. Bộ ba này làm nhân làm duyên cho nhau, kiến tạo nên con người sống an vui, sống đẹp và sống hạnh phúc. Mục đích của phương pháp quán niệm lòng biết ơn có hai phương diện: một là nuôi lớn tâm hồn, làm đẹp tâm hồn, hay thánh hóa tâm hồn; hai là tự bản thân tháo gỡ những ký ức tiêu cực bên trong vô thức, và khi rõ biết những vấn nạn tiềm ẩn nơi vô thức, con người có thể sống với cảm giác trọn vẹn an vui. Vì vậy, “thông qua thiền tập sẽ kinh nghiệm trực tiếp những thay đổi thực tế nơi tâm lý”. Phương pháp thực hành thiền biết ơn gồm có bốn bước: (1) Thở biết ơn, (2) cảm thọ biết ơn, (3) tâm niệm biết ơn, (4) pháp tỉnh thức biết ơn .
Thở biết ơn cần thực tập trong mười phút, quán chiếu hơi thở tự nhiên và tập trung quán niệm thần chú “tôi cảm ơn bạn” hướng đến tự bản tâm.
Cảm thọ biết ơn cần thực tập trong mười phút, để đôi bàn tay lên trái tim và cảm nhận sâu sắc lời nói của bản thân, thầm niệm “tôi cảm ơn bạn”. Biết ơn chính bản thân đã vượt qua những chông gai, thách thức trong đời sống, để tự thân cảm thọ sự hòa mình hoàn toàn vào âm thanh của lòng biết ơn và sự hối lỗi. Đây là sự thể nhập trọn vẹn vào trạng thái rỗng rang và vô ngã.
Tâm niệm biết ơn cần thực hành trong mười phút, chấp hai tay hình búp sen và tập trung tâm biết ơn đến gia đình, người thân, bạn bè, công việc… Lòng biết ơn trở thành phép chữa lành, tháo gỡ những vướng mắc trong tâm, dẫn tâm ra khỏi những chấp thủ bằng hỷ và xả.
Pháp tỉnh thức biết ơn thực hành trong mười phút, nằm buông thư hướng mặt lên và thầm niệm câu thần chú lòng biết ơn này. Quán tưởng như thật về lòng biết ơn đã hoàn mãn, thành tựu pháp tri ơn và báo ơn bằng cách gởi lòng từ bi đến tất cả những ân nhân, thân nhân và chúng sanh muôn loài.
Vì vậy, lòng biết ơn cần được thể hiện trong từng hành động cụ thể hằng ngày. Việc này gọi là hiện thực hóa lòng biết ơn, làm sao biến mỗi lời nói và hành động của thân có ý nghĩa nhất, như: việc trao truyền nụ cười, ánh mắt yêu thương, cái bắt tay ấm áp, lời thăm hỏi sức khỏe,… Khi lòng biết ơn được cụ thể hóa trong đời sống không chỉ góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần và xây dựng đạo đức cá nhân, đó còn là nền tảng đầu tiên tạo ra xã hội văn minh và tiến bộ, một cuộc cách mạng văn hóa và tâm linh.
Tóm lại, hành giả cần sáu mươi phút để thực hiện toàn bộ quá trình thực hành lòng biết ơn. Chi tiết phương pháp thực tập như sau: (1) Hãy biết học tập, nghe khai thị về lòng biết ơn và thực hiện lễ Phật trong mười phút; (2) suy niệm và quán chiếu về lòng biết ơn trong bốn mươi phút (như ở trên), để nhớ về những bậc thầy – những người – vật – những nhân duyên tốt đẹp trong cuộc đời mình; (3) thực hiện những hành động cụ thể nhất, chí ít là nụ cười hoan hỷ… trong mười phút. Ý nghĩa của pháp hành lòng biết ơn là để chữa lành, tự trị liệu và truyền trao thông điệp lòng biết ơn đến mọi người trong xã hội, chính như nuôi lớn Thánh tâm, làm cho tâm Bồ đề vững chãi.
Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa khi con người có lòng biết ơn và sống chân thành với nó. Một người nào luôn sống với lòng biết ơn sẽ được “vui mừng rằng ‘ta tự thanh tịnh, cầu học Tôn pháp’, do vui mừng cho nên có hỷ, nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm, do định tâm nên thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri giải thoát, biết một cách như thật rằng “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh” [14]. Lòng biết ơn là điểm khởi đầu cho hành trình tiến về sự tự do cuối cùng, hạt giống của quả vị giải thoát, vị ngọt của hạnh phúc hiện tiền. Vì cuộc sống không gì khác là hành trình thi ơn, biết ơn và báo ơn.
Thực hành pháp tri ơn và báo ơn có ý nghĩa quan trọng trong đời sống, nhưng con người thường dễ quên đi những ân nghĩa. Vì vậy, Đức Phật đã dạy, “người biết ơn, và nhớ ơn khó tìm được ở đời”, ở Sārandada Sutta (AN 5.143) [15]. Do đó, dù khó khăn đến mức nào, người tu phải tự mình luôn biết ơn, luôn nhớ biết và trân quý những con người biết ơn – báo ơn. Nói khác đi, người sống biết ơn và báo ơn là bước vào thế giới của pháp lạc, đang tự chữa lành và trở thành Phật tử chân chánh biết tôn sư trọng đạo.
Chú thích:
* Đức Quang, Nghiên cứu sinh tại Đại học Colombo, Sri Lanka.
[1] SN ii 272.
[2] AN i 87.
[3] Snp 46: “kataññutā… etaṃ maṅgalamuttamaṃ.” Pháp Cú Kinh 法句經 (卷2), T04, no. 210, p. 575a15-16. “念反復… 是為最吉祥.”
[4] AN i 62.
[5] AN ii 226.
[6] T01, no. 26, p. 572c1-11: “Nếu khi Tỳ-kheo quán sát mà biết được mình không có vong ân không biết ân thì được vui mừng rằng ‘Ta tự thanh tịnh, cầu học Tôn pháp’, cho nên vui mừng. Do vui mừng cho nên có hỷ, nhân hỷ nên thân khinh an, do thân khinh an nên được cảm thọ lạc, do cảm thọ lạc nên được định tâm. “Này chư hiền, đa văn Thánh đệ tử do định tâm nên thấy như thật, biết như thật; do thấy như thật, biết như thật nên được yểm ly, do yểm ly nên được vô dục, do vô dục nên được giải thoát, do giải thoát mà được tri giải thoát, biết một cách như thật rằng: “Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều đáng làm đã làm xong, không còn tái sanh”.
[7] AN i 62.
[8] Tạp A Hàm Kinh 雜阿含經 (卷48), T02, no. 99, p. 352b16. “食他不反報,是則墮負門.”
[9] T01, no. 26, p. 571c15-28.
[10] Tạp A Hàm Kinh 雜阿含經 (卷23), T02, no. 99, p. 168c28. “我見菩提樹, 便見於如來.”
[11] Ap i 260.
[12] Soho Machida, Masataka Sunagawa, Toku Takahashi, (2018). ‘Oxytocin Release during the Meditation of Altruism and Appreciation (Arigato-Zen)’ trong International Journal of Neurology Research, t.4 (No.1), tr. 364-370.
[13] AN v 65.
[14] Xem ‘Kinh Tỳ kheo Thỉnh’ trong Kinh Trung A Hàm, (2008). Tuệ Sĩ dịch, Hà Nội: Nxb. Tôn Giáo, t.1, tr. 702.
[15] AN iii 167. “Kataññū katavedī puggalo dullabho lokasmiṃ.”