LTS: Toà soạn Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo trân trọng giới thiệu bài viết “Nguồn càng sâu – dòng càng dài” của Thượng toạ Thích Tâm Hạnh. Đây là bài tham luận tại Hội thảo khoa học “Thiền phái Liễu Quán: Lịch sử hình thành và phát triển” do Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế phối hợp cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Huế đồng tổ chức vào ngày 31/12/2023.
Tóm tắt: Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “sột soạt” mà thiền cơ dĩnh ngộ, xuất kệ lập nên thiền phái, đời đời nối thạnh. Từ xưa đến nay, bậc Tổ đức nào miên mật công phu, chứng ngộ, bảo nhậm rồi sáng lập thiền pháp thì pháp mạch ấy được lưu truyền rộng khắp, dài lâu. Tổ sư Liễu Quán một đời khổ tu, ngộ đạo, hàm dưỡng, khiêm đức… tất cả công đức uẩn tố huân tu ấy như một cội nguồn sâu rộng. Đồng thời, ngài ra sức giáo hóa, có thời trí uyển chuyển vận dụng tài tình đưa Phật pháp vào đời làm lợi ích chúng sanh. Hơn nữa, Tổ sư đã nhiều đời tu hành và thực hành hạnh nguyện độ sanh cho nên có nhân duyên với nhiều đệ tử hiền tài cùng tu, cùng diễn dương diệu pháp. Tất cả những nhân duyên thù thắng ấy đã làm nên một Thiền phái Liễu Quán truyền trì mạnh mẽ, miên trường.
Từ khoá: Thiền phái Liễu Quán, Thiền tông, Tổ Liễu Quán.
Thiền phái Liễu Quán do một vị Tổ sư người Việt Nam tu hành ngộ đạo khai sáng trong khoảng đầu thế kỷ XVIII. Xưa nay, thiền pháp nào được bậc Tổ đức quyết chí hạ thủ công phu, chứng ngộ, tiếp tục miên mật hàm dưỡng rồi sáng lập nên thì dòng thiền ấy được lưu truyền rộng khắp, lâu dài, không đoạn mất. Tổ Liễu Quán là một Thiền sư như vậy.
NGUỒN CÀNG SÂU, DÒNG CÀNG DÀI
Như một dòng suối, thượng nguồn phát xuất càng sâu rộng, nước càng nhiều thì dòng chảy của nó càng đi xa, không bị khô kiệt. Đây là mượn hình ảnh để ví dụ. Trong nhà thiền, vị Tổ đức nào uẩn tố tinh thần, quyết tử với việc hạ thủ, sáng đạo, hàm dưỡng, nuôi đức, huân tu thì làm cho đạo pháp xương long, đạo mạch được truyền trì, thiền pháp sung mậu.
Xưa kia ở Trung Hoa, Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền là một hành giả nghiêm cẩn tu tập. Khi đến tham học dưới pháp hội Thiền sư Hoàng Bá Hy Vận, ba phen thưa hỏi đại ý Phật pháp, ba lần bị đánh, không dạy thêm gì. Tâm bị dồn cùng cực, thành khối. Sang đến Đại Ngu, ngay một câu nói liền đại ngộ, mới hay ra: “Xưa nay Phật pháp Hoàng Bá không nhiều”[1]. Đại ý Phật pháp thực ra chỉ là bản tâm giác ngộ chính mình, nhận lại thì trong ấy vốn tự đầy đủ. Tổ Lâm Tế chứng ngộ, cơ phong cao vút, gặp người liền đánh, nhằm đẩy thẳng người học trở lại tâm mình, không rơi vào ngôn thuyên kiến giải. Nhờ vậy, Tông Lâm Tế được nối thạnh, lưu truyền mạnh mẽ và sâu rộng hơn các tông phái khác.
Tại Nhật Bản, ngài Nam Phổ Thiệu Minh là một vị Thiền sư khổ tu, không ngại quan san hà hải, tham tầm học đạo, hết Nhật Bản sang Trung Hoa, mới chứng ngộ. Sư được sắc thụy Đại Ứng Quốc sư. Dưới sư có nhiều vị là bậc Long tượng Tông môn. Đặc biệt, có vị đệ tử đắc pháp là Thiền sư Tông Phong Diệu Siêu, được sắc thụy Đại Đăng Quốc sư.
Quốc sư Đại Đăng sau khi tu hành chứng ngộ, Ngài phát nguyện hành hạnh đầu đà 20 năm, đi xin ăn và ngủ dưới chân cầu Ngũ Điều với những người ăn xin để tự kiểm điểm sự chứng ngộ của mình. Đích thân Thiên hoàng Hoa Viên (Hanazono) đến cầu Ngũ Điều để tìm tông tích và mời Sư về cung điện hỏi đạo, tham thiền.
Sau này truyền xuống đệ tử là Thiền sư Quan Sơn Huệ Huyền – Trụ trì Diệu Tâm tự. Phong cách giảng dạy và đào tạo của Thiền sư Huệ Huyền rất nghiêm khắc. Sư đòi hỏi nơi đệ tử một ý chí, một tâm thái mạnh mẽ tinh tấn tuyệt đối. Dưới sự hoằng hóa của sư, Diệu Tâm tự được gọi là “Địa ngục tột cùng của Phật pháp” [2]. Chính Mộng Song Sơ Thạch là vị Quốc sư bảy triều vua – Trụ trì chùa Thiên Long đến thăm Diệu Tâm tự, thấy chùa đơn sơ, không nặng vật chất, đại chúng khổ hạnh, tu hành nghiêm cẩn, Ngài nói, chính nơi này sẽ làm cho Phật pháp hưng thịnh, ngày sau con cháu của Huệ Huyền sẽ được truyền thừa lâu dài. Ta tuy được danh tiếng, tiện nghi, nhưng con cháu của ta về sau bị dứt tuyệt, không còn nữa.
Người thời bấy giờ xưng tán Đại Ứng, Đại Đăng và Quan Sơn là phái thiền “Ứng Đăng Quan”. Đúng như lời ngài Mộng Song Sơ Thạch nói, pháp mạch của phái này phát triển rất mạnh. Do quý Ngài tu hành quyết chí, chứng ngộ thiền tủy, gia hạnh bảo nhậm đến khổ hạnh cho nên hiện nay, tất cả các phái của tông Lâm Tế tại Nhật Bản đều thuộc về pháp hệ này, ai cũng nể trọng.
Tại Việt Nam, vào thế kỷ XIII, thái tử Trần Khâm (sau này là vua Trần Nhân Tông) sau khi trốn lên núi Yên Tử tu tập không thành, Ngài ở trong hoàng cung khéo léo sắp xếp công việc để có thời gian tu tập. Điển hình, Ngài học thiền nơi Tuệ Trung Thượng sĩ có lối vào. Khi đăng vương vị, Ngài vừa làm vua, vừa sắp xếp thời gian dụng công tu tập, ngày càng tiến sâu tâm thiền. Chúng ta có thể nhận ra việc này qua bài phú Cư trần lạc đạo khi Ngài còn làm thái thượng hoàng. Nếu không có tâm chứng thì không thể nói được như vậy. Sau khi sắp xếp mọi việc được ổn đáng, Ngài xuất gia lên núi Yên Tử tu hạnh đầu đà (khổ hạnh), chứng ngộ thiền tủy. Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng do khổ tu, chứng ngộ, khai sáng, do đó Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tuy có lúc nổi, lúc chìm, nhưng đến nay cũng được vị Thiền sư (Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ) tiếp nối phục hưng, làm sống dậy mạnh mẽ.
Vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, một vị Tổ sư hiệu Liễu Quán đã khổ công tham tầm, cầu học, khổ hạnh quyết chí ra sức dụng công, quên cả thân tâm, không biết mệt mỏi, chỉ mong được sáng đạo. Tổ thường tự nghĩ: “Nếu có pháp nào vi diệu tối thượng bậc nhất, ta nguyện quyết xả thân mạng, y vào pháp đó tu hành” (Hà pháp tối vi đệ nhất, ngã quyết xả thân mạng, y pháp tu hành) [3]. Phật pháp không cô phụ người quyết tâm, ngài đã ngộ đạo, bảo nhậm, được xác chứng, xuất kệ sáng lập nên Thiền phái Liễu Quán. Thiền phái này nhờ vậy mà được truyền bá rộng rãi khắp các tỉnh thành trong nước, lan ra cả nước ngoài.
Quyết chí tu hành, ngộ tâm, khổ hạnh bảo nhậm, chính trí đức này khiến cho Thiền pháp được truyền bá rộng rãi, lâu bền. Đây là chân lý, là sự thật, là điểm độc đáo của Đạo Phật. Có tu ắt có chứng, có chứng mới làm nên đại pháp. Không bất kỳ một bậc cao nhân nào bên ngoài có thể làm thay cho người khác được.
CUỘC ĐỜI TU HÀNH VÀ SÁNG LẬP THIỀN PHÁI CỦA TỔ SƯ LIỄU QUÁN
Xuất gia học đạo
Sư xuất thế tại Phú Yên. Năm lên 6 tuổi, thân mẫu qua đời, phải mồ côi mẹ. Năm 12 tuổi (1678), sư cùng cha lên chùa Hội Tôn tại quê nhà lễ Phật. Tại đây, gặp Thiền sư Tế Viên, sư cảm khái quý kính nên xin ở lại tu học. Nương tựa được bảy năm thì thầy bổn sư viên tịch, sư ra Thuận Hóa (Huế) nương học đạo nơi Lão sư Giác Phong, chùa Hàm Long (Báo Quốc). Năm 1691, sư được thế phát xuất gia. Tròn một năm sau thì cha già có bệnh nên sư phải trở lại quê để phụng dưỡng, ngày ngày bán củi nuôi cha. Bốn năm sau (1695), cha mất, sư quay lại Thuận Hóa đúng dịp có giới đàn, được thọ giới Sa di. Năm 1697, sư đủ duyên đăng đàn thọ giới Cụ túc. Năm 1699, sư tầm học khắp nơi, tự cam đạm bạc, trải bao gian nan, nhưng không có chỗ khế ngộ.
Tham học, sáng đạo
a. Ngộ đạo
Nghe danh Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung, năm 1702, sư đến Long Sơn yết kiến. Thiền sư Tử Dung dạy sư để tâm tham cứu câu: “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?” (Muôn pháp về một, một về chỗ nào?). Trải qua bảy, tám năm tham cứu, vẫn chưa lãnh hội, trong lòng tự lấy làm hổ thẹn. Một hôm, nhân đọc sách Truyền Đăng Lục đến câu: “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”. (Chỉ vật truyền tâm, người không chỗ nhận), thoạt nhiên sư tỏ ngộ được yếu chỉ của thiền. Như vậy, Tổ sư Liễu Quán đã ngộ điều gì?
– Chỉ vật truyền tâm, là khéo ngay khi Thiền sư chỉ vào sự vật, hành giả khéo nhận lại chân tâm, ngộ tâm. Ngộ tâm thì tâm học trò tự khế với tâm vị Thầy, đồng thời khế với tâm thể Phật Tổ, nên gọi là truyền tâm.
– Người không chỗ nhận, nghĩa là ngay đó hành giả khéo nhận lại tâm mình. Thẳng tắt, vụt nhanh, không có chỗ cho tình thức xen vào nhận hiểu một điều gì đó. Tức là đối với ‘việc ấy’, ngộ thì liền ngộ, không ngộ thì trôi qua nhanh. Không có chỗ cho người nhận, cũng như không thể nhận lấy bất kỳ một chỗ nào khác hay cái gì bên ngoài, kể cả tướng của tự tâm.
Ví như Tăng hỏi Thiền sư Đa Phước: “Thế nào là một vườn tre của Đa Phước?” Thiền sư Đa Phước đáp: “Một cây hai cây nghiêng”. Tăng thưa: “Chẳng hiểu”. Thiền sư Đa Phước nói: “Ba cây bốn cây cong” [4].
Chư vị Tổ đức chứng ngộ, tâm cảnh nhất như. Vườn tre Đa Phước hay Thiền sư Đa Phước là chủ trong cảnh (vườn tre), cũng không ngoài một tâm đang sáng biết rỡ ràng, như thị, vượt thoát căn cảnh, sở năng. Vì vậy, hỏi cảnh tức hỏi người, hỏi tâm. Đề cập đến cảnh và người, đối với thiền sư, tất cả đều là một tâm đang hiển hiện, ngay đây. Do đó, Thiền sư Đa Phước đáp: “Một cây hai cây nghiêng”.
Chúng sanh mê tâm nên thấy biết phan duyên theo vật. Ngay khi chỉ vào bụi tre mà nhìn theo bụi tre thì quả thật là đang mê, không sáng tánh mình. Thiền sư chỉ bụi tre, nhưng học nhơn phải khéo nhận lại bản tâm đang sáng biết, không phải “biết về, biết theo” bụi tre, không phải nhằm trên bụi tre để nhận lấy hay sanh hiểu điều gì trên đó, thì mới ngộ tâm. Tại sao các Thiền sư không nói thẳng là ông phải nhận lại tâm mình? Bởi như thế, hành giả sẽ sanh hiểu, có chỗ nhận tâm như thế nào đó. Nếu vậy, tâm đã có tướng mạo, chưa phải là bản nguyên không một vật của chính nó. Phải đánh động bên ngoài, học nhân khéo hội, sẽ tự sáng ra tâm mình trùm khắp, rạng ngời, chưa từng thiếu vắng bao giờ. Muốn hành giả ngộ tâm, các Thiền sư bắt buộc phải có diệu thuật, không thể nói trắng ra.
Ngộ là trả lại tự tánh bản nguyên. Tánh này hiện tiền, hành giả hay ra rất rõ ràng, không phải nhận ra hay hiểu về một cái tâm như thế nào đó. Việc này rất dễ, bởi chỉ là sáng lại tâm tánh đã sẵn nơi chính mình. Nhưng cũng vô vàn khó khăn, bởi không thể dùng cách nào để nói cho hiểu được. Do đó, các thiền sư chỉ khéo dùng cơ dụng đẩy vào, chỉ vật nhưng học nhân phải khéo xoay lại nhận tâm. Do đó nói: “Chỉ vật truyền tâm, người không chỗ nhận”. Tổ sư Liễu Quán trải qua 6-7 năm quyết chí dụng công, tâm đã được đưa về một mối, chạm đến câu này như được đánh động, gõ vào, bất chợt sáng ra, vỡ toang, tâm thể hiển hiện.
Thế thì lúc đã ngộ, đối với câu Thiền sư Tử Dung dạy tham cứu: “Vạn pháp qui nhất, nhất qui hà xứ?” (Muôn pháp về một, một về chỗ nào?), Tổ có hay ra không?
– Muôn pháp về một, tức là khi buông hết thân tâm và các pháp, ngưng tụ, tựu trung lại chỉ còn một bản tâm vô tướng, không mê, cái ấy là một.
– Một về chỗ nào? Như vậy, lúc này, tâm về đâu?
Một là đối với số nhiều mà nói. Khi các số khác đã không thì một cũng không còn. Đây là lý thuyết. Thực chất đến điền địa này, hành giả phải bặt luôn sở tri là thấy có một chân tâm như thế nào đó (cái được gọi là một trong giai thoại trên) thì tâm tự bàng bạc, trùm khắp, thấy biết vượt thoát căn cảnh, không còn nằm trong một để so sánh với muôn vàn sai khác. Tuy nhiên, không phải chấp không, cứng đờ mà vẫn thấy tâm và cảnh rành rẽ rõ ràng, linh thông đến chủ động, nhưng vẫn không động và không ngăn ngại lẫn nhau.
“Chỉ vật truyền tâm, người không chỗ nhận”. Nếu không nhận trên vật, không có tướng của tự tâm mà khéo thầm khế hợp tâm tánh vô tướng nhưng sáng ngời, liền rõ diệu chỉ Phật Tổ: “Chỉ vật cốt để ngộ tâm, truyền tâm”. Đã ngộ bản tâm, liền thấu suốt: “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?” mà Thiền sư Tử Dung đã khai thị. Tâm không nằm vào bất cứ một chỗ nào, cũng chẳng phải tại tất cả chỗ, mà tâm là thể không hình tướng, bặt dấu vết, thênh thang, trùm khắp, không một vết mê. Ngay một lời khai thị mà ngộ tâm thì hành giả sẽ tự suốt thông tất cả các lời khai thị khác. Do vậy, khi đọc Truyền Đăng Lục, đến lời khai thị trên được ngộ thì Tổ sư Liễu Quán sẽ thông thống tất cả các công án còn lại của chư vị Tiên giác.
b. Kiểm chứng
Sau khi ngộ tâm, do khoảng cách địa lý cách trở cho nên phải đến mùa xuân năm Mậu Tý (1708), lúc này Tổ Liễu Quán đã 42 tuổi, mới trở ra lại Long Sơn (chùa Ấn Tôn) gặp Thiền sư Tử Dung ấn chứng. Sư đem chỗ thấy biết của mình trình bạch, đến câu “Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ”, Thiền sư Tử Dung bảo:
Huyền nhai tán thủ,
Tự khẳng thừa đương,
Tuyệt hậu tái tô,
Khi quân bất đắc.
(Nghĩa:
Vực thẳm buông tay,
Tự khẳng đảm đang
Chết rồi sống lại,
Dối anh chẳng được).
Là thế nào, nói xem! Sư vỗ tay cười to ha hả.
Sự thực, khi chưa ngộ tâm, căn thức mê tự bám chấp ngũ uẩn và nương tựa dính mắc các trần. Nó luôn lấy sự dính mắc nương tựa như vậy làm mạng sống. Hành giả công phu đắc lực, thình lình thân tâm rơi rụng, tất cả sạch sành sanh thì thường bị chơi vơi sợ hãi, bởi lúc này thức không còn chỗ bám. Mới biết trước đó căn thức thầm thầm bám chấp năm ấm làm tự ngã cho nên khi năm ấm lặng trong, mất hút thì chúng ta hốt hoảng, chơi vơi. Khi thân, tâm sanh diệt và tất cả cảnh duyên đồng thời buông sạch (như vực thẳm buông tay), vòi vọi riêng còn tâm thể rỗng rang thì căn thức tự dứt bặt, các Thiền sư ví dụ một bước chuyển thân này như người chết đi sống lại. Tất cả hoát toang, thân tâm mất sạch, đất trời thênh thang đặc biệt vô cùng. Lúc này, các Thiền sư không thể đánh đố dối gạt gài bẫy bằng công án được nữa. Như Hòa thượng Tông chủ Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện nay đã nói: “Mỗi người tự cởi sạch những thiên chấp của mình để thấy được đại cơ đại dụng của Thiền sư, đừng bị đầu lưỡi các Ngài lừa” [5].
Nghe vậy, Tổ Liễu Quán chỉ vỗ tay cười to ha hả. Bởi Ngài đang ở trong thể toàn bày sẵn ra đó. Nội dung bài kệ chính là cảnh giới đang hiển hiện nơi ngài. Tổ đã tự sáng, tự rõ như chúng ta đang thấy tất cả đồ vật trước mắt, tự mình khẳng định điều đó như người trong cuộc chứ không phải quan niệm, hiểu biết hoặc chứng minh giải thích gì cho người khác hiểu; gọi là “Tự khẳng”. Ngộ bản tâm này, tức đã gánh vác được việc lớn của Phật Tổ; nên nói ‘Thừa đương’. Nhưng Thiền sư Tử Dung vẫn gạn lại: “Chưa phải”. Tổ nói: “Bình thùy nguyên thị thiết” (Trái cân vốn là sắt). Tất cả chỉ là cái đã sẵn như vậy, tâm tánh ấy đã sẵn vậy lâu rồi, chúng sanh ai cũng có, chỉ là chưa khéo nhận lại. Hôm nay ngộ ra, cũng chỉ ngộ lại việc đã sẵn, trái cân là sắt, vậy thôi. Chỗ này cần thể ngộ, hiểu không thể đến, dùng hiểu không có khí lực. Ngài Tử Dung cẩn thận gạn tiếp: “Cũng chưa phải”. Sư liền thôi.
Sáng hôm sau, Thiền sư Tử Dung thấy Sư đi ngang, liền gọi lại bảo: “Chuyện hôm qua chưa xong, nói lại xem!”.
Sư thưa:
Tảo tri đăng thị hỏa,
Thực thục dĩ đa thì!
(Sớm biết đèn là lửa,
Cơm chín đã lâu rồi!).
Nếu sớm biết đèn là lửa thì cơm chín đã lâu rồi. Tức là nếu sớm hay ra, tâm tánh ấy vốn tự tịnh tự định, tuệ tự sáng biết, tất cả tự sẵn như vậy nơi chính mình thì không cần phải khổ công tu hành theo kiểu tạo tác nhọc nhằn như trước. Chỉ là khéo thầm nhận, liền xong. Bấy giờ, Thiền sư Tử Dung mới khen ngợi.
Thực ra, ngộ thì có ngộ, nhưng đến đây chưa phải triệt ngộ rốt ráo đạt đến thể dụng đồng thời, sự lý viên dung, tất cả đều mất hút, trở lại bình thường như cũ, không một vết mê, cho nên Thiền sư Tử Dung chỉ khen ngợi chứ chưa ấn chứng.
c. Bảo nhậm, ngộ sâu thiền tủy, được ấn chứng
Sau đó, sư vào rừng thông ở núi Thiên Thai lập am tranh (hiện nay là vị trí tháp Tổ, thôn Ngũ Tây, xã Thủy An, Thành phố Huế) để tiếp tục sống thẳng tự tánh, bảo nhậm, tiến sâu hơn. Vì thời gian này rừng còn hoang vu, có nhiều cọp cho nên sư gác các cây nhỏ trên nhánh ba của cội cây lớn làm tòa ngồi, người lúc bấy giờ gọi là ở tổ. Bên dưới có hồ cạn và khe nước chảy qua (nay là ao nước phía trước bảo tháp của Ngài). Bên khe cạn có mọc loại rau (rong) “sột soạt”[6]. Đến bữa, sư hái rau và ăn với muối mè.
Mùa hạ năm Nhâm Thìn (1712), Thiền sư Tử Dung vào Quảng Nam dự lễ “Toàn viện”[7]. Nhân đó, sư đem trình bài kệ “Dục Phật” (Tắm Phật), Thiền sư Tử Dung hỏi: “Tổ Tổ trao truyền, Phật Phật truyền nhau; chưa biết truyền trao nhau vật gì?”.
Sư đáp:
Thạch duẩn trừu điều trường nhất trượng,
Quy mao phủ phất trọng tam cân.
(Búp măng trên đá dài một trượng,
Cây chổi lông rùa nặng ba cân).
Trên đá mọc măng (không có chuyện đó), cây chổi lông rùa nặng ba cân (không có chổi lông rùa). Vô lý, không cho tình thức chen vào hiểu được. Không thèm hiểu (như đá, lông rùa), nhưng tánh mình vẫn đang sáng rỡ, lặng trong. Ngay đó nhận lại, sẽ hay ra tâm này không động mà ứng cơ lưu xuất diệu dụng bất khả tư nghì (như măng mọc trên đá, tợ chổi lông rùa). Trong chỗ vắng bặt, nhưng linh thông đến chủ động, vẫn bất động. Không còn dừng trong tánh bình đẳng như lúc trước Tổ trình Thiền sư Tử Dung, mà đã có cơ dụng sống động, nhanh như đá nháng điện chớp. Như vậy, trong thời gian bảo nhậm công phu (4-5 năm), Tổ đã tiến sâu thiền tủy. Nhưng Thiền sư Tử Dung vẫn kỹ lưỡng gạn lại xem sư đã thấu triệt hay chưa, Ngài nêu:
Cao cao sơn thượng hành thuyền
Thâm thâm hải để tẩu mã.
(Chèo thuyền trên núi cao,
Phi ngựa dưới đáy bể).
Lại là thế nào?
Sư đáp:
Chiết giác nê ngưu triệt dạ hống
Một huyền cầm tử tận nhật đàn.
(Trâu đất gãy sừng rống suốt đêm,
Đàn tranh đứt dây gẩy trọn ngày).
Thấy sư đối đáp lanh lẹ, lâm cơ ứng biến khế hợp, Thiền sư Tử Dung rất vui và ấn chứng.
Thông thường, các Thiền sư ngộ đạo phải trải qua nhiều lần mới thấu triệt. Khi mới chánh ngộ, còn trong điền địa thể tánh bình đẳng thì chỉ là một thể lặng trong, diệu dụng chưa phát huy đúng mức. Một điều căn bản dễ nhận ra là hành giả lúc này thường hay thuật lại tự tánh lặng trong ấy. Một khi đã thấu triệt, bặt hết dấu vết, hành giả trở lại dung dị bình thường như cũ, nhưng không một vết mê. Chỉ là tùy thời, tùy cơ khai thị, đưa người học trở về ‘trong ấy’ chứ không thuật lại chỗ sống của mình.
Lần gặp đầu là hiện bày cái sẵn vậy; lúc yết kiến sau thì hiển được diệu dụng bất khả tư nghì, Tổ sư Liễu Quán không còn tả về tự tánh đang hiển hiện như lần gặp Thiền sư Tử Dung trước đây 4-5 năm nữa. Là tâm, là tánh, tất cả đều mất hút, có cơ sống đặc biệt, khai thị, đẩy học nhơn vào tự tánh chính họ. Đến đây, cơ dụng đã toàn bày, không còn giới hạn trong động và tịnh, tâm và cảnh, thể và dụng; mà quẫy sóng, dấy mòi, cũng chính là y. Như vậy, Thiền sư Tử Dung mới nhận thấy đã thấu triệt và ấn chứng.
Cho thấy, Tổ sư Liễu Quán là một vị Thiền sư quyết chí mãnh liệt trong công phu tu hành, quên cả thân mạng, quyết tâm phải sáng đạo chứ không còn việc gì khác quan trọng hơn. Thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm Ngài bừng ngộ. Sau đó chuyên tâm bảo nhậm, khổ hạnh huân tu, ngộ sâu Thiền tủy, mới được Thiền sư Tử Dung ấn chứng. Như vậy, ngài Liễu Quán là vị Tổ sư được Thiền sư Tử Dung kiểm chứng, xác quyết và ấn chứng chứ không phải danh nghĩa, hay được người sau tôn lên. Chính chỗ triệt ngộ, khổ hạnh thực tu cho nên Thiền pháp của Ngài được nối mạch lâu dài, con cháu về sau được thừa tư ân đức của Tổ.
d. Minh định
Cuối thu năm 1742, lúc này đang trú tại chùa Viên Thông, sư có chút bệnh, nhưng nghi dung vẫn bình thường, không thấy biểu hiện bệnh gì. Đến khoảng tháng 10, sư gọi đệ tử đến bảo: “Nhân duyên cuộc đời đã hết. Ta sắp về quê thôi!”. Mọi người khóc, sư bảo: “Các người buồn khóc điều gì vậy? Chư Phật xuất thế còn nhập Niết bàn. Ta nay đến đi đã rõ, về đã có nơi. Các người không nên buồn khóc” [8]. Như vậy, mãn duyên trần thế thì ngài về lại quê hương muôn thuở chính mình (tự tánh). Dù có hiện tướng đến đi cũng rạng ngời sáng suốt, trở về đã có nơi, rành rành như thế, tại sao lại buồn khóc. Có lẽ buồn khóc cho chính chúng ta đang còn mờ mịt thì đúng hơn là khóc cho Tổ.
Tháng 11 âm lịch (1742), vài ngày trước khi tịch, sư ngồi ngay ngắn tự cầm bút viết kệ từ biệt:
Thất thập dư niên thế giới trung
Không không sắc sắc diệc dung thông
Kim triêu nguyện mãn hoàn gia lý
Hà tất bôn man vấn Tổ tông.
(Tuổi đời đã quá bảy mươi niên,
Không không sắc sắc thảy dung thông.
Hôm nay mãn nguyện về quê cũ,
Hà tất lăng xăng hỏi Tổ Tông).
Ngài nói, hơn 70 năm ở trong đời, sắc – không dung thông, tất cả hành hoạt chỉ là một sự hiển hiện trong tự tánh chánh định hiện tiền, không còn khởi phân biệt không cùng sắc. Hôm nay, nguyện mãn duyên tròn, ngài trở lại quê hương muôn thuở chính mình, tức bản tánh đã ngộ. Cái “chính mình chân thật” hiện nay đây đang hiển hiện, rỡ ràng. Quá khứ chư Phật, liệt vị Tổ sư; hiện tại những vị tu hành chứng ngộ; cho mãi đến vị lai, hễ ai tu hành chứng đạo, đều về trong ấy không khác. Tổ sư Liễu Quán đã suốt thông rõ ràng như vậy, cho nên Ngài nói: “Việc gì phải lăng xăng đi tìm hỏi Tổ Tông”. Thực tế việc này không thể đi tìm bên ngoài hay ở đâu đó, mà phải là khéo nhận lại nơi mình. Với ngài, cả đời sống đạo cho đến thời khắc này, vẫn vẹn nguyên, đang hiện tiền, không mất.
Viết kệ xong, sư nói: “Tuy nhiên như vậy, rốt sau lão Tăng biết nói gì đây? Vòi vọi, sừng sững, xán lạn rực rỡ. Xưa kia từ ‘cái ấy’ mà đến, ngày nay cũng từ ‘cái ấy’ mà đi. Muốn hỏi việc đi đến thế nào? Trời xanh trong lặng trăng thu sáng, đại thiên thế giới lộ toàn thân. Sau khi ta đi, các ngươi phải nhớ: Vô thường mau chóng, phải siêng năng tu học Bát nhã. Chớ quên lời ta. Mỗi người hãy nên cố gắng!” [9].
Đây là Tổ đã phơi bày hết chỗ sống một đời để chỉ cho con cháu. Nếu đã trực ngộ thì tự mình hay ra, tánh này vòi vọi, cao vút, sừng sững, rờ rỡ, vượt thoát căn trần, vốn tự như vậy. Dù cho thân này xưa đến nay đi, nhưng cũng chỉ là ‘cái ấy’, tánh ấy, không khác. Tuy có hiện tướng sanh tử đến đi, nhưng vẫn lặng trong, siêu vượt, chẳng chút mảy may chạm đến tánh kia cho nên không có đi đến bao giờ. Muốn biết việc đến đi thế nào, thì chỉ thấy tất cả các cảnh ngày đêm đang diễn bày diệu pháp, tất cả hiện thành. Chỉ là khéo nhận, liền tự sáng ra: “Nào có đến đi gì!”. Nếu chưa thể đạt được như thế, phải thể nhập bằng con đường tu tập Bát nhã. Khéo tu tập Bát nhã thì ngã và pháp đều quên, mới hay ngay đó nhảy thẳng vào thật tướng Bát nhã, tánh mình hiển hiện. Đây là con đường siêu việt mà các bậc Thánh trước đều chỉ bày, đều đã đi qua. Hôm nay Tổ chỉ dạy rất thật, rất gần và rất thống thiết, vì việc sanh tử của mọi người. Đây mới là thật sự vì nhau.
Đến ngày 22, sau lễ trà thoại sáng sớm, Sư hỏi: “Bây giờ là giờ gì?”. Đệ tử đáp: “Giờ Mùi”. Sư an nhiên ra đi. Việc tâu lên, chúa Nguyễn Phúc Khoát sắc lập bia và ban thụy hiệu “Chính Giác – Viên Ngộ Hòa thượng”. Tổ sư đã ra đi tự tại, đúng như sức sống một đời hạ thủ của Ngài. Bậc đã đạt ngộ sẽ tự biết đường đi, tự tại trong sanh tử, tử sanh không chạm đến được. Đây là một sự minh định không còn gì nghi ngờ về đạo pháp, sở chứng của các bậc Tiên giác. Con cháu đời sau đã thừa hưởng được phúc lớn, thắng duyên khi có được một bậc Tổ sư như vậy.
Xuất kệ lập nên thiền phái
Khi đã triệt ngộ, Tổ sư đạt suốt diệu chỉ Phật, Tổ thấu rõ căn cơ chúng sanh. Trên cơ sở đó, Ngài nhận thấy cần có một Thiền phái phù hợp với phong tục tập quán nước Việt và tâm tư nguyện vọng người dân, thích ứng với bối cảnh đương thời, nên Tổ sư đã xuất kệ truyền thừa, lập nên Thiền phái Liễu Quán. Nội dung bài kệ:
實際大導 Thật tế đại đạo
性海清澄 Tánh hải thanh trừng
心源廣潤 Tâm nguyên quảng nhuận
德本慈風 Đức bổn từ phong
戒定福慧 Giới định phước huệ
體用圓通 Thể dụng viên thông
永超智果 Vĩnh siêu trí quả
密契成功 Mật khế thành công
傳持妙里 Truyền trì diệu lý
演暢正宗 Diễn xướng chánh tông
行解相應 Hạnh giải tương ưng
達悟真空 Đạt ngộ chơn không [10].
Thật tế đại đạo: Theo Diệu kinh văn cú tư chí ký: “Đại đạo tức chỉ cho lý thể đã được chứng ngộ cùng tột” [11]. Trong nhà Thiền, đại đạo là chỉ cho thể chân như, tức là tánh thể nơi mỗi chúng ta. Ở đây Tổ Liễu Quán nói, mé thật, chỗ tột cùng của đại đạo vốn tự không tịch, giống như tánh của biển lặng trong.
Tánh hải thanh trừng: Tánh của biển vốn tự trong lặng. Mặt nước phẳng lặng hay sóng cuộn trào, đây là hai tướng biến hiện của nước biển. Trên hai tướng ấy có cùng một tính chất là tánh ướt. Tánh ướt này không liên quan gì đến mặt biển phẳng lặng và sóng nhấp nhô. Cũng vậy, tự tánh chúng sanh vốn tự không động, cũng chẳng thuộc về tướng của tự tâm thanh tịnh lặng yên hay động dụng, hành hoạt. Ngộ tột tánh này, hai tướng động và tịnh tự lìa, không chạm đến được. Lúc này hành giả tự vượt thoát hai bên động tịnh, nhưng hay phát huy diệu dụng vào động ra tịnh một cách linh hoạt bất khả tư nghì. Do đó, Tổ nói đến hai câu tiếp theo:
Tâm nguyên quảng nhuận: Nguồn tâm khi mê thì gọi là Như lai tại triền. Tuy cũng sẵn đó, không mất, nhưng còn bị che lấp, không được phát huy, tức chưa “nhuận”. Hành giả ngộ tâm, tâm tự hiển hiện, rờ rỡ, rạng ngời, diệu dụng đã được phát huy, gọi là “nhuận”. Và cũng từ chỗ đã nhuận mà tâm đại từ bi được khải phát, lưu xuất diệu dụng, độ người vô biên; gọi là “Tâm nguyên quảng nhuận” (Nguồn tâm nhuận khắp).
Đức bổn từ phong: Từ công phu tu hành sáng đạo, cội đức cũng theo đó được hiển bày, như làn gió từ hóa giải sự nóng bức của chúng sanh trong nhà lửa tam giới.
Hai câu đầu nói về thể của tự tánh chân như. Hai câu sau nói lên dụng của thể tánh ấy. Một khi hành giả đã đạt ngộ tánh thể chính mình, tất cả diệu dụng từ đó được lưu xuất.
Giới định phước huệ, Thể dụng viên thông: Nghĩa là Tổ khuyên siêng tu gồm giới, định, phước và huệ, đạt đến tất cả đều viên thông trên một tự tánh, thể và dụng dung thông. Đến điền địa này, giới định phước và huệ hay vô vàn đức dụng khác, trong tánh thể ấy vốn đã viên dung, tròn đủ. Chứng Đạo Ca, Thiền sư Huyền Giác nói: “Lục độ vạn hạnh thể trung viên” [12]. Nghĩa là tất cả sáu độ, muôn hạnh đều đã sẵn đủ trong tánh thể chính mình. Hành giả ngộ ra, liền được phát huy, tỏ rõ. Cụ thể trong bài kệ truyền pháp, Tổ Liễu Quán nói: Trong tánh thể đã triệt ngộ, thể và dụng hiện tiền, viên dung, không còn phân biệt đây là thể, kia là dụng. Lúc này:
– Đối với giới, hành giả triệt ngộ, sống bằng tánh thể ấy thì vốn tự thanh tịnh, không có quấy ác cho nên giới tự tròn đủ. Trong nhà thiền thường nói “biển cả không chứa tử thi” [13] là cùng bao hàm trong nghĩa này.
– Đối với định, tự tánh ấy vốn tự không động, đã sẵn tự tịnh tự định lâu rồi. Do đó khi triệt ngộ, Lục Tổ thốt lên: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh” [14]. Hoặc sau này giáo hóa, Ngài nói: “Đất tâm không loạn tự tánh định” [15]. Tất cả đều đồng một nghĩa trong thể tánh mình, vốn sẵn tự định.
– Đối với phước, cũng được lưu xuất từ tự tánh. Điển hình khi đến Huỳnh Mai, qua đối đáp, Ngũ Tổ thấy Lư hành giả (Lục Tổ Huệ Năng) có căn tánh lanh lợi, sợ chúng phát hiện cho nên bảo theo đại chúng làm công quả. Lư hành giả thưa: “Huệ Năng xin bạch Hòa thượng, tự tâm đệ tử thường sanh trí tuệ, không lìa tự tánh tức là phước điền, chưa biết Hòa thượng dạy con làm việc gì?” [16]. Cho thấy, tánh thể ấy là cội nguồn của tất cả phước lành, nhưng không động.
– Đối với huệ, tánh ấy đã sẵn tuệ sáng soi. Lục Tổ nói: “Đất tâm không si tự tánh tuệ” [17]. Nghĩa là, chỉ cần không mê, trí huệ vô sư tự hiển bày, bởi trong tự tánh đã sẵn.
Như vậy, khi đã triệt ngộ, thể và dụng tự viên thông, tất cả đức dụng đều tròn đủ trong ấy. Sống trọn vẹn bằng tự tánh chính mình, Tổ Liễu Quán đã thấy ra rất rõ và nói: “Giới định phước huệ, Thể dụng viên thông”, là vậy.
Vĩnh siêu trí quả, Mật khế thành công: Tuy trong tánh ấy sẵn đủ tất cả các đức dụng vừa nêu trên, nhưng không phải rơi vào các tướng của đức dụng mà vốn tự quýnh thoát. Là giới, là định, là phước, là huệ, cho đến từ trí vô lậu đến quả vị thành Phật, đều tự vượt thoát mà hiện tiền: Vòi vọi, rờ rỡ, bất động và linh thông. Kinh Kim Cang, Đức Phật nói: “Tu-bồ-đề, thật không có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Này Tu-bồ-đề! Nếu có pháp Như Lai được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đức Phật Nhiên Đăng ắt không thọ ký cho ta: Ở đời sau, ông sẽ được thành Phật hiệu là Thích-ca Mâu-ni.” [18], chính là nghĩa này.
Điền địa này giống như Tổ sư đã khai thị lúc sắp thị tịch: “Tuy nhiên như vậy, rốt sau lão tăng biết nói gì đây? Vòi vọi, sừng sững, xán lạn rực rỡ”. Ở đây, Tổ đang nói thật sức sống đang hiện tiền. Việc này chỉ là thầm nhận, thầm khế tự tánh và sống chứ không có tướng của tâm hoặc sở đắc để nhận hiểu hoặc biết về tự tánh như là nhận biết một điều gì đó. Nếu nhận biết tự tánh thì tự tánh đã biến thành sở duyên bị biết, sẽ bị vụng về, rơi vào năng sở, khiến ngăn trệ. Thầm khế hợp và sống bằng tự tánh như Tổ dạy, tánh ấy vốn không sanh diệt, là nhân vô sanh. Phải bắt đầu tu tập và sống bằng nhân vô sanh như thế mới tiến lên viên mãn thành tựu quả vị vô sanh thành Phật được. Đây chính là nghĩa của lời Tổ dạy “Mật khế thành công”.
Truyền trì diệu lý, Diễn xướng chánh tông: Khi đã đạt ngộ, Tổ sư không rời tự tánh chính mình để lưu truyền và giữ gìn những yếu diệu sâu mầu của Phật Tổ. Cũng từ tánh ấy, Ngài diễn xướng chánh tông, tức là tâm tông thiền mà Ngài đã đạt ngộ. Và nhờ đạt ngộ, không rời tự tánh mới tỏ biết và đủ tư cách “Truyền trì diệu lý, Diễn xướng chánh tông” như Tổ chỉ dạy.
Hạnh giải tương ưng, Đạt ngộ chơn không: Tổ Đạt Ma nói: “Hạnh giải tương ưng, danh vi viết Tổ” [19]. Quốc sư Thông Biện, Việt Nam nói: “Rõ biết tâm tông của Phật, hạnh và giải tương ưng, được gọi là Tổ” [20].
Qua hai lời dạy trên, chúng ta có thể nhận ra ý chỉ Tổ Liễu Quán dạy ở đây: Hành giả đạt đến hạnh và giải tương ưng là đã tỏ ngộ tâm tông của chư Phật và có đời sống tương ưng với sở ngộ ấy. Đối với việc này, Tổ Liễu Quán nói “Đạt ngộ chơn không”. Nhưng hạnh giải đã tương ưng, cho nên chơn không mà diệu hữu. Điều này rất giống với bài kệ khai thị sau cùng lúc gần thị tịch. Ngài nói: “Không không sắc sắc thảy dung thông”. Cụ thể “Đạt ngộ chơn không” tức là đạt suốt tự tánh rỗng lặng, không kẹt vào không và có, mà hay ra vào tự tại, dung thông sắc và không, không hề ngăn ngại gì. Chủ yếu hai câu kết, Tổ sư nhắc đến việc phải tỏ ngộ tự tánh một cách chín chắn làm trọng tâm, làm nền tảng chính yếu để thành tựu việc tu hành giác ngộ, cũng chính là cội nguồn khải phát để dựng pháp tràng, lập tông chỉ, giáo hóa độ sanh.
Bài kệ truyền pháp đã nói lên sức sống từ tự tánh đã ngộ và công hạnh giáo hóa độ sanh cũng không rời tự tánh của Tổ sư Liễu Quán. Ý nghĩa bài kệ đã nêu rõ thể và dụng, trí và đức, tu và hạnh… mỗi mỗi rõ ràng, không phải nhập nhòe làm một. Nhưng tất cả không ngoài tự tánh sáng biết, bất động, linh thông, viên dung cho nên cũng không phải khác. Bảo là một hay khác đều có chỗ cho tình thức chen vào, khiến che mờ tự tánh. Nói là chẳng phải một, cũng chẳng phải khác thì tình thức không có chỗ bám, ngay đó khéo nhận lại, tánh thể liền hiện tiền. Tổ sư Liễu Quán khai thị, chỉ dạy chúng ta, nhưng cũng không phải khác chỗ ngài đang sống. Là đạt ngộ bản tâm, là hạnh giải tương ưng, là thể dụng dung thông… tất cả hàm ý bài kệ đều được bao hàm trong một tự tánh đang sáng rỡ, rạng ngời. Từ sức sống thiền của Ngài mà chan rải đạo mầu đến khắp người sau.
Truyền trì rộng rãi, dài lâu
Nguồn sâu chính là việc khổ tu, ngộ đạo, bảo nhậm, khiêm đức… Tất cả công đức từ việc uẩn tố huân tu có kết quả của Tổ sư Liễu Quán. Đây là điều kiện đủ, không thể thiếu để pháp mạch được lưu bố dài lâu. Tuy nhiên để cội nguồn công đức này được phát tiết, hoằng truyền thì còn thêm một điều kiện cần; đó là nhiều đời đã giáo dưỡng nên có nhân duyên với nhiều đệ tử hiền tài, ra sức thực hành hạnh nguyện giáo hóa lợi tha, có thời trí để uyển chuyển vận dụng tài tình, đưa Phật pháp vào đời làm lợi ích rộng lớn. Tổ sư Liễu Quán cũng đã không quản ngại khó khăn để thực hành hạnh lợi sanh như thế. Cụ thể, từ năm 1712 – 1722, ngài đi lại giữa hai miền Phú Yên – Phú Xuân để giáo hóa, độ nhiều đệ tử tại gia và xuất gia, dựng lập nhiều đạo tràng. Đến năm 1722, ngài chủ yếu giáo hóa tại Kinh Xuân, tổ chức truyền giới cho sáu đại giới đàn. Ba năm liên tiếp Quý Sửu, Giáp Dần, Ất Mão, ngài mở bốn giới đàn lớn. Năm Canh Thân (1740), ngài tấn đàn Long Hoa. Và mùa xuân năm Nhâm Tuất (1742), Ngài mở giới đàn tại chùa Viên Thông.
Từ công đức tu hành và hạnh giáo hóa lợi sanh của Tổ sư mà Thiền phái Liễu Quán được hoằng truyền sâu rộng. Tại Phú Yên, Tổ sư có nhiều Đại đệ tử nổi tiếng, hoằng truyền pháp phái khắp nơi. Điển hình như quý ngài Tế Hẩu Khánh Liên kế thế trú trì chùa Bảo Tịnh, Tuy Hòa; ngài Tế Căn Từ Chiếu khai sơn chùa Hồ Sơn, Tuy Hòa; ngài Tế Duyên Quảng Giác khai sơn chùa Kim Cang, Tuy Hòa; ngài Tế Đài Khánh Thùy trú trì chùa Kim Long, Tuy Hòa; ngài Tế Dũng khai sơn chùa Bình Long, Tuy Hòa; ngài Tế Hoảng Trừng Hưng khai sơn chùa Dương Long, Tuy Hòa; ngài Tế Ngạn Thanh Tùng khai sơn chùa Long Sơn – Bầu Đục, Tuy Hòa; ngài Tế Ý Hoằng Tuân khai sơn chùa Long Sơn, An Mỹ, Tuy An; ngài Tế Tín Pháp Vị và ngài Tế Thường An Dưỡng khai sơn chùa Vĩnh Xương – Tuy Hòa, chùa Vĩnh Phước, chùa Vĩnh Long – Tuy An.
Tại Thuận Hóa (Huế), nhiều đời có các vị đệ tử nổi tiếng kế tục diễn dương diệu pháp, trực tiếp làm cho Thiền pháp mạnh mẽ. Điển hình đến đời thứ 7, Tổ Thanh Ninh – Tâm Tịnh có chín vị đại đệ tử hoằng hóa khắp nơi: Hòa thượng Trừng Văn – Giác Nguyên (1877-1980, chùa Tây Thiên). HT. Trừng Thành – Giác Tiên (1880-1936, chùa Trúc Lâm). HT. Trừng Huệ – Giác Viên (1883-1942, chùa Hồng Khê). HT. Trừng Ba – Giác Ngạn (chùa Kim Đài). HT. Trừng Nhã – Giác Hải (1882-1938, chùa Giác Lâm). HT. Trừng Thủy – Giác Nhiên (1878-1979, chùa Thuyền Tôn). HT. Trừng Thanh – Giác Bổn (? -1949, chùa Từ Quang). HT. Tâm Cảnh – Giác Hạnh (1880-1981, chùa Vạn Phước). Hòa thượng Trừng Nguyên – Giác Thanh, tự Đôn Hậu (1905-1992, chùa Linh Mụ). Người người đặc biệt kính trọng cho nên gọi quý ngài là “Cửu Giác Lưu Phương”. Mãi đến hôm nay, nhắc đến Cửu Giác thì không ai mà không biết. Bên cạnh đó, Thiền phái Liễu Quán còn có các bậc danh Tăng thạc đức như: HT. Trừng Thông – Tịnh Khiết (đức Đệ nhất Tăng thống), HT. Tâm Lợi – Thiện Hòa, HT. Tâm Như – Trí Thủ… Quý ngài đều là những bậc Tăng tài kiệt xuất, nối nắm đạo mạch, cùng nhau giáo hóa làm cho Phật pháp hưng thạnh.
Đến nay, Thiền phái Liễu Quán có một tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Phật giáo tại Huế. Các Tổ đình lớn như chùa Ấn Tông (Từ Đàm), chùa Thiền Tôn, chùa Viên Thông, chùa Viên Giác, chùa Từ Lâm, chùa Tường Vân, chùa Báo Quốc, chùa Tây Thiên, chùa Từ Hiếu và rất nhiều ngôi chùa khác đều thuộc Thiền phái Liễu Quán.
Tại các tỉnh phía Nam, ngay từ thời kỳ khai sáng, Thiền pháp này đã được truyền vào. Cụ thể, Tổ sư có bốn vị Đại đệ tử là: ngài Tổ Huấn, ngài Trạm Quan, ngài Tế Nhân và ngài Từ Chiếu đã dựng lập bốn trung tâm lớn hoằng truyền đạo pháp. Đồng thời quý Ngài đã tạo dựng khắp miền Nam bộ hàng chục tổ đình để giáo hóa.
Ngoài ra, dòng Thiền này còn được truyền thừa tại nhiều tỉnh thành khác; như: Ninh Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Cho đến nay, Thiền phái Liễu Quán không những có mặt khắp các tỉnh thành trong cả nước mà còn lan tỏa ra một số nước trên thế giới. Hiện tại, pháp mạch truyền thừa của Thiền phái Liễu Quán vẫn còn kế tục, quang huy.
Từ diệu dụng và thời trí, Tổ sư đã nhận biết phong tục tập quán, tâm tư nguyện vọng của người Việt Nam nên đã vận dụng uyển chuyển giáo hóa cho phù hợp, mang lại kết quả như nguyện. Đồng thời, còn thích ứng với bối cảnh xã hội lúc bấy giờ. Song song với công đức tu hành, sáng đạo, Tổ đã giáo hóa, xuất kệ, khai sáng Thiền phái Liễu Quán trên những đặc điểm nổi bật như thế cho nên pháp mạch được truyền trì. Cho thấy, nguồn đạo tu hành của Tổ sư Liễu Quán càng sâu thì Thiền phái do ngài khai sáng càng được lưu truyền rộng khắp, dài lâu.
KẾT LUẬN
Tổ sư Liễu Quán ở tổ trên nhánh cây, ăn rong “Sột soạt” mà Thiền cơ dĩnh ngộ [21], lập nên Thiền pháp, đời đời nối thạnh, không đoạn dứt. Ngài là một Thiền sư, một bậc Tổ sư mẫu mực trong rừng thiền về hạnh quyết tu, chứng ngộ. Muốn học đạo của Tổ, thực tế hơn hết là quay lại lịch sử để suy nghiệm, xét xem, Tổ sư đã tu pháp gì, hành pháp nào mà được thành tựu? Tất cả những gì ngài trải qua trong quá trình tham tầm, đều không khế hợp nên không kể vào. Do vậy, sử cũng không ghi lại ngài đã tu các pháp gì lúc ấy. Còn lại, không thấy hành trạng chép thêm gì ngoài chỗ thâm ngộ nơi Thiền sư Minh Hoằng Tử Dung. Đồng thời Thiền sư Tử Dung cũng không trao pháp gì ngoài một câu khai thị, chỉ điểm thẳng đến bản tâm chân thật rốt ráo nơi chính mỗi người. Cuối cùng, Ngài đọc Truyền Đăng Lục mà được ngộ nhập. Hành giả tỏ ngộ tâm này, liền tự hay ra đồng với tâm thể Phật Tổ. Sau khi ngộ đạo, Ngài cũng miên mật khổ hạnh bảo nhậm không chút lơi lỏng, mới có ngày triệt ngộ, được Thiền sư Tử Dung ấn chứng. Lúc sắp lâm chung, Tổ sư đem hết tâm can chỉ thẳng: Việc tu hành cốt yếu phải ngộ tánh. Hoặc là ngay đây liền nhận. Nếu chưa như thế thì nên tu tập Bát nhã, rồi cũng sẽ ngộ tự tánh. Đây là lời dạy sau cùng, thống thiết và rốt ráo, đi thẳng vào trọng tâm của việc tu tập. Có công phu, sẽ hay ra sự thật là như vậy. Ngài đã nói thật lòng mình bằng kinh nghiệm cả một đời hạ thủ và sở chứng trong công phu. Và phải thực sự tu tập như vậy mới có diệu lực, cho chúng ta làm chủ sanh tử.
Phút cuối Tổ sư ra đi tự tại, biết rõ nơi đến là tự tánh Niết bàn vô sanh. Đây là một sự minh định. Chúng ta đã đầy đủ phước duyên có được một bậc Tổ sư như thế. Noi theo đạo phong và gương hạnh của ngài, phát tâm tu hành quyết tử, quyết sáng đại sự. Theo thời gian, công phu thuần thục, đắc lực, thời tiết nhân duyên chín muồi, tâm tánh bừng sáng, liền đó thừa kế gia bảo vô giá Tổ sư để lại một cách viên mãn và trọn vẹn. Sẽ hay ra: Tổ ấn vẫn còn, chưa từng thiếu vắng. Mới thấy được: Nguồn càng sâu thì dòng càng dài.
Chú thích:
* Thượng toạ Thích Tâm Hạnh, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Huế.
[1] Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Huế.
[2] HT. Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 32, Thiền sư Trung Hoa giảng giải, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, tr.182.
[3] Ban Biên dịch Đạo Uyển (2010), “Quan Sơn Huệ Huyền”, Từ điển Phật học, Nxb. Thời Đại, tr.513.
[4] “Bia minh tháp Tổ sư Liễu Quán”, bản chữ Hán. Nhiều tác giả (2014), Tạp chí Liễu Quán, số 01, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.35.
[5] HT. Thích Thanh Từ (2019), Thanh Từ toàn tập, tập 34, Thiền sư Trung Hoa giảng giải, Sđd, tr.70.
[6] HT. Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 30, Thiền sư Trung Hoa giảng giải, Sđd, tr.464.
[7] Theo lời kể lại của Hòa thượng Thích Chơn Hương, trụ trì chùa Quảng Tế, Huế. Đây là một loại rong mọc lên như một chùm xòe ra, khi ăn nghe tiếng sột soạt nên người địa phương xưa đặt tên là rong sột soạt. Loại này mọc cạnh khe suối, bên dưới chán ba cây ngài tọa Thiền.
[8] Sách tấn An Cư toàn viện.
[9] Dịch từ “Bia minh tháp Tổ sư Liễu Quán”, bản chữ Hán. Nhiều tác giả (2014), Tạp chí Liễu Quán, số 01, Sđd, tr.35.
[10] Dịch từ “Bia minh tháp Tổ sư Liễu Quán”, bản chữ Hán. Nhiều tác giả (2014), Tạp chí Liễu Quán, số 01, Sđd, tr.35.
[11] “Bia minh tháp Tổ sư Liễu Quán”, bản chữ Hán. Nhiều tác giả (2014), Tạp chí Liễu Quán, số 01, Sđd, tr.35.
[12] 妙經文句私志記, 卷4: CBETA, X29, no. 596, p. 228, b23-24 // Z 1:45, p. 413, b5-6 // R45, p. 825, b5-6. “大道者即證極理體也”
[13] HT. Thích Thanh Từ (2015), Thanh Từ toàn tập, tập 16, Chứng đạo ca giảng giải, Sđd, tr.472.
[14] HT. Thích Thanh Từ (2016), Thanh Từ toàn tập, tập 20, Lâm Tế ngữ lục giảng giải, Sđd, tr.226.
[15] HT. Thích Thanh Từ (2015), Thanh Từ toàn tập, tập 17, Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Sđd, tr.29.
[16] HT. Thích Thanh Từ (2015), Thanh Từ toàn tập, tập 17, Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Sđd, tr.352.
[17] HT. Thích Thanh Từ (2015), Thanh Từ toàn tập, tập 17, Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Sđd, tr.23.
[18] HT. Thích Thanh Từ (2015), Thanh Từ toàn tập, tập 17, Kinh Pháp Bảo Đàn giảng giải, Sđd, tr.352.
[19] HT. Thích Thanh Từ (2013), Thanh Từ toàn tập, tập 3, Kinh Kim Cang giảng giải, Sđd, tr 184.
[20] HT. Thích Thanh Từ (2015), Thanh Từ toàn tập, tập 16, Sáu cửa vào động thiếu thất giảng giải, Sđd, tr.136.
[21] HT. Thích Thanh Từ (2018), Thanh Từ toàn tập, tập 35, Thiền sư Việt Nam giảng giải, Sđd, tr.254.
[22] Triệt ngộ, siêu việt, cơ phong cao vút, thức tình không đến kịp.